Báo Viên Giác số 244 (Tháng 8 – 2021)

Thư tòa soạn

 

Thời tiết năm nay không ai có thể đoán biết trước được là chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai hay những ngày sắp tới. Mặc dầu Nha Khí tượng của Đức đoán trước được thời tiết cả 14 ngày; nhưng lần nầy thì cũng phải chịu thua với thiên nhiên. Bởi lẽ những cơn giông, cơn mưa ùn ùn kéo đến bất ngờ, khiến cho mọi người trở tay không kịp. Mới đây tại vùng Liège của Bỉ cũng như Tiểu Bang Nordrhein Westfallen phía Tây nước Đức đã hứng chịu những cơn thịnh nộ của đất trời dường như chưa từng có trong suốt 100 năm lịch sử vừa qua. Nhiều người chết và mất tích, nhà cửa đổ nát, đường sá nước dâng cao như ao hồ sông biển. Xe cộ không còn lưu thông như trước, người người lo lắng, chẳng biết rằng chuyện gì sẽ xảy ra nữa đây.

Cơn dịch bệnh Covid 19 đang làm cho cả thế giới đảo điên, khiến nhiều chính phủ phải lo toan không ít là làm sao để ngăn ngừa được dịch bệnh, không còn lan ra trong diện rộng của các thành phố. Do vậy các chính quyền sở tại Âu Châu đã khuyến khích người dân tự nguyện đi tiêm chủng ngừa dịch bệnh. Riêng  tại nước Đức, theo nguồn tin của Bộ Y Tế Liên Bang cho hay rằng đã có khoảng 50% dân chúng tiêm chủng ngừa đầy đủ hai lần và 70% đã chủng ngừa được một lần. Số còn lại vẫn thờ ơ, tỏ ra không tin rằng dịch bệnh có thể lây lan đến mình; nên không chịu chích thuốc. Chính phủ Đức từ Bà Thủ Tướng Merkel đến Ông Tổng Thống Steinmeier cũng chỉ khuyên dân là nên chích ngừa để cho bản thân mỗi người được an toàn hơn cũng như tránh sự lây lan đến những người khác. Thế nhưng ý thức trách nhiệm của những công dân ưu tú tại những quốc gia Tây Âu nầy dường như không nghe, không tin và đang giỡn mặt với tử thần. Do vậy nước Pháp bắt buộc mọi người đều phải chích ngừa để chính phủ bớt đi gánh nặng lo cho dân. Thế là những màn phản đối lại nổi lên như thủy triều làm cho những người lãnh đạo đau đầu không ít. Đúng là ở những xứ tự do cái gì người ta cũng có thể chống, có thể nói, có thể phát biểu; mà chẳng có một chút tinh thần trách nhiệm thực tế nào cả. Dĩ nhiên đây chỉ là thiểu số. Nếu những phần tử nầy chiếm đa số thì chẳng biết phải dùng đến biện pháp nào đây?

Việt Nam ngày nay cũng bị vỡ trận; không như những lần đánh du kích từ trong bưng biền đánh ra,  mà bây giờ mặt trận phòng chống nằm ngay trên địa bàn thành phố rộng lớn và đông dân như Sài Gòn và nay mai chắc chắn Hà Nội hay Đà Nẵng cũng sẽ không tránh khỏi. Trong cơn nguy kịch như thế, nào thiếu thuốc men, thực phẩm, chỗ ở v.v… người Sài Gòn vẫn còn tốt bụng, mở hầu bao ra để cứu giúp những người cơ nhỡ, không có manh áo, miếng cơm để lót lòng và nhất là không có chỗ để nương thân, thì có muôn vạn bàn tay và tấm lòng của người dân ở trong cũng như ngoài thành phố đã hà hơi tiếp sức cho những người Sài Gòn bị cách ly như nội bất xuất, ngoại bất nhập. Các chùa tại thành phố, quý Thầy, Cô và các Phật tử là những người đã lăn xả vào những trận dịch để cứu người như cứu lửa đang cháy trên đầu. Khi “nước loạn mới biết tôi trung. Nhà nghèo mới biết con hiếu thảo”. Đó là câu tục ngữ Việt Nam đã thể hiện qua bao nhiêu triều đại hay chính phủ vẫn còn có giá tri. Đứng trước tình hình khó khăn như vậy Ban Từ Thiện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu đã trích ra tiền quỹ 20.000 Euro để giúp cho những người cơ nhỡ đang sống ở Sài Gòn; nhưng không có nơi nương tựa. Số tiền ấy tuy rất khiêm nhường; nhưng đây là tấm lòng của những người sống xa quê hương, luôn nghĩ về những người kém  may mắn hơn những người hiện đang sống ở ngoại quốc. Hơn 300 năm Sài Gòn hiện hữu với bàn tay xây dựng của Ngọc Vạn Công Chúa, Sài Gòn chưa bao giờ vắng vẻ như vậy. Hãy gắng lên Sài Gòn ơi!

Nhìn quanh thế giới chúng ta thấy được những gì? Nga Sô đang vỡ trận. Ấn Độ, Nam Dương, Thái Lan, Lào, Cam Bốt v.v… đều đã đi đến chỗ tuyệt vọng trong nỗi khổ của con người. Thế giới đang gồng mình chịu trận; nhưng sự chịu đựng nỗi khổ đau của dịch bệnh nầy không biết đến bao giờ mới hết. Mới đó mà đã gần 2 năm rồi. Hai năm thế giới tang thương từ Á Châu qua Âu Châu, rồi Mỹ Châu, Phi Châu và Úc Châu, nơi nào cũng bị tàn phá, chết chóc. Mới đây Brasil, Nam Phi… nơi nào cũng khổ đau chồng chất. Người ta bây giờ không tranh nhau từng lời nói hơn thua nữa, mà người ta tranh nhau sự sống. Họ đang sống không phải thiếu tiền, thiếu tình người, mà đang thiếu khí Oxygen để thở. Chưa bao giờ con người thấy sự cần thiết của không khí như bây giờ. Đôi khi mình sống chung với khí trời hằng ngày, chúng ta chưa bao giờ quan tâm đến sự cần thiết của việc hít thở ra vào. Bây giờ đến khi khó thở thì mới thấy hơi thở quan trọng hơn bất cứ thứ gì ở trên đời nầy. Bởi lẽ nếu hít vào mà không thở ra, xem như sẽ được đón sang một thế giới khác. Cũng như vậy, khi người ta đứng gần núi, chẳng bao giờ thấy núi cao. Chỉ khi nào đứng xa núi thì mới thấy núi ấy cao. Điều nầy ví cho sự có mặt của cha mẹ và bằng hữu đang ở bên cạnh ta, nhiều khi chúng ta xem thường không để ý đến; nhưng khi chúng ta đánh mất những tình  thương quan trọng ấy rồi, chúng ta mới cảm thấy sự trống vắng lạ thường. Do vậy những ai đang còn có cha mẹ, bạn bè thân thương thì hãy gìn giữ và phát huy tình thương yêu ấy ngay từ bây giờ, chứ đừng chờ đến khi mất hết rồi mới đi tìm, tiếc thương ray rứt, lúc ấy đã quá muộn! Có nhiều trẻ em ngày nay chỉ muốn làm chiếc điện thoại cầm tay; chứ không muốn làm người lớn. Bởi lẽ các em quan niệm rằng cha  mẹ yêu quý chiếc điện thoại hơn là các em. Cho nên các em mong được như vậy. Đây cũng là những bài học cho con người trong thế giới ngày nay. Ngày xưa khi văn minh vật chất chưa phát triển, tuy đời sống có khó khăn hơn; nhưng tinh thần và cách sống của con người rất đầy đủ ở mọi phương diện. Còn bây giờ thế giới phân chia ra giàu nghèo rất rõ rệt, tốt xấu cũng đã quá rõ ràng. Con người trong hiện tại xử dụng sự ích kỷ cá nhân nhiều hơn. Cho nên mới sinh ra những nông nổi nầy.

Đức Phật ra đời với mục đích là dẫn dắt chúng sanh đi vào tri kiến Phật. Bởi lẽ Ngài cho rằng: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và với Phật tánh nầy ai cũng có khả năng thành Phật. Nói như Tăng Tử nói: “Người có hành động Thiện, tuy Phước chưa đến liền; nhưng đã xa rời cái ác. Còn người làm Ác, tuy việc xấu chưa đến; nhưng việc xấu ác kia đã gần kề”. Vậy đây là những bài học có giá trị miên viễn trong cuộc đời nầy, chúng ta hãy lấy đó làm tấm gương soi chung. Tất cả đều do con người. Vì con người là chủ tể của vạn vật. Tốt hay xấu, lành hay dữ, đều do chúng ta tạo ra là cái nhân chính vậy. Để không còn khổ đau cũng như bị thiên nhiên trừng phạt nữa, thì chúng ta phải biết tu nhân tích đức và đừng phá hoại môi trường để củng cố đời sống tự kỷ cá nhân của chúng ta được thoải mái, thì chắc rằng thế giới nầy sẽ không bị những nạn tai như lũ lụt hay dịch bệnh đã xảy ra trong thời gian qua trên quả địa cầu nầy.

Đức Phật đã không để lại cho nhân loại những lầu đài cung điện, chùa viện to lớn sau khi Ngài thị tịch Niết Bàn cách đây hơn 2.500 năm về trước tại Ấn Độ, mà Ngài chỉ để lại tấm lòng Từ Bi cùng Trí Tuệ là những chất liệu dưỡng sinh để cung ứng cho con người. Điều nầy cũng quan trọng như hơi thở của chúng ta vậy. Do những nguyên nhân nầy mà trong thời gian qua Hội Đồng Hoằng Pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã được thành lập dưới sự cố vấn chỉ đạo của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, nhằm giúp cho chư Tăng Ni cũng như Phật tử sớm biết được sự vô thường theo giáo lý của nhà Phật, cũng như nên cư xử với nhau theo tinh thần Lục Hòa và pháp Diệt Tránh thì mọi xung đột đều có thể tạm ngưng, để chúng ta còn có thể bước đi tiếp theo những bước chân vững vàng, không sợ nội thù bên trong đánh ra hay ngoại ma bên ngoài xâm nhập vào nội tạng của chúng ta nữa. Vì vậy các Ban Truyền Bá Giáo Lý gồm Giáo Thọ và Giảng Sư sẽ tiếp tục con đường “hoằng pháp thị gia vụ” để giúp cho con người được an lạc dưới ánh sáng Từ Bi và lợi tha của Đạo Phật. Ban Trước Tác và Phiên Dịch sẽ tiếp tục công việc thực hiện một Đại Tạng Kinh Việt Nam hoàn bị, mà Viện Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã chủ trương từ năm 1973. Xuyên qua Ban Thông Tin Báo Chí và Ấn Loát chúng ta sẽ có được những tin tức cập nhật và xuất bản những tác phẩm giá trị để lại cho đời cũng như cho Đạo. Phần trợ duyên nầy, Ban Bảo Trợ giữ một vai trò rất quan trọng để cho cỗ máy của Hội Đồng Hoằng Pháp được chuyển vận đều.

Tại Đức trong thời gian vừa qua đã vắng bóng một bậc Ni Lưu giới hạnh trang nghiêm. Đó là Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm; người khai sơn và làm Viện Chủ Bảo Quang Ni Tự tại Hamburg ở tuổi thượng thọ 83 với 57 Hạ lạp. Ban Biên Tập Báo Viên Giác sẽ thực hiện một số đặc biệt về Ni Trưởng trong tháng 10 nầy. Do vậy xin mời quý Đạo hữu và quý Phật tử khắp nơi đóng góp bài vở để báo Viên Giác số 245 có nhiều bài tưởng niệm súc tích viết về Ni Trưởng.

Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 32 của năm 2021 nầy được tổ chức qua mạng Online trực tuyến của hệ thống Zoom, đã có trên dưới 500 học viên của 21 nước trên thế giới tham dự. Đây là lần đầu tiên Tổng Vụ Hoằng Pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu thực hiện và kết quả nầy thật không nhỏ. Các lớp học Giáo Lý cho người lớn tuổi cũng như các lớp được Quý Thầy, Cô hướng dẫn bằng tiếng Đức, Anh, Pháp ngoài Việt ngữ cũng gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ.

Lời cuối xin nguyện cầu cho cơn đại dịch sớm qua mau để người người còn có thể sinh hoạt lại bình thường và nhất là những vị lớn tuổi có thể đi chùa một cách thoải mái hơn, nhằm nâng cao đời sống tâm linh của tự thân mỗi người.

Ban Biên Tập Báo Viên Giác


Nội dung số này

 

• Thư Tòa Soạn
Tôn Giáo
– HT Thích Phước Sơn Văn Hóa & Giáo Dục (Thích Như Điển)
– Tư tưởng Thiền học của Tuệ Trung Thượng Sỹ (T. Phước Sơn)
– Lý tưởng của người Bồ Tát – (Hoang Phong)
– Ngưỡng vọng mùa Vu Lan (Thích Thánh Trí)
– Trong thiên tai biến động Covid 19… (Nguyễn Thượng Chánh)
– Hãy sống tốt, đừng quan tâm người khác … (Thanh Hương)
– Chữ Ngũ trong Văn hóa Việt (Thái Công Tụng)
Chủ đề: Vu Lan – Mẹ
– Cảm niệm ngày vía Quan Thế Âm Bồ Tát (Thiện Như)
– Tình mẫu tử qua Du Tử Ngâm (Lâm Minh Anh)
– Kho tàng của sự yên lặng (Elena Pucillo Truong)
– Viết cho Má (Diệu Danh Mai Vũ)
– Mẹ của người ta (Thi Thi Hồng Ngọc)
– Người Mẹ cô đơn (Phan)
– Người đàn bà thủy chung (Hoa Lan)
Văn học Nghệ thuật
– Ấn-Hoa chạy đua Phật Giáo toàn cầu hóa (Nguyên Giác)
– Chung cuộc (Diễm Châu – Cát Đơn Sa)
– Vàm Cỏ Đông (An Tiêm Mai Lý Cang)
– Nửa đời thương đau (Lương Nguyên Hiền)
– Cái Ngu thứ năm (Tích Cốc Ngô Văn Phát)
Giới thiệu sách mới xuất bản: Phù Vân
– Đọc sách “Đặc San Văn Hóa Phật Giáo: Chuyển hóa Khổ đau (Tâm Huy)
– Giới thiệu sách mới xuất bản (Phù Vân)
• Tin Phật Sự (Phù Vân phụ trách)
• Tin Sinh Hoạt Cộng Đồng (Đại Nguyên phụ trách)
● Tin Nước Đức (Lê Ngọc Châu phụ trách)
• Tin Việt Nam (Quảng Trực phụ trách)
• Tin Thế Giới (Quảng Trực phụ trách)
• Phân Ưu- Cáo Phó – Cảm Tạ – Tri Ân (86, 88, 89, 90, 91)
• Hộp Thư Viên Giác – Phương Danh Cúng Dường
Thơ:
– Đại Lãm Thần Quang Tự (Thích Như Điển dịch Thơ Đường cùa Vua Trần Nhân Tông).
– Chạnh lòng hiếu hạnh (Tùy Anh).
– Tạ ơn Mẹ (Vũ Đình Trường).
– Gió thu (Tuệ Nga).
– Phương trời vô ưu (Trần Đan Hà)
● Hình bìa: Mẹ che chở cho con (Tranh họa sĩ ViVi Võ Hùng Kiệt – USA)

Download Báo Viên Giác

Hiển thị thêm
Back to top button