Báo Viên Giác số 246, tháng 12 năm 2021

THƯ TÒA SOẠN

 

Năm 1820 Vua Gia Long băng hà, kế tiếp đó đại thi hào Nguyễn Du cũng qua đời. Sử sách có ghi lại rằng: lý do là do dịch bệnh từ Ấn Độ lây lan. Không những chỉ có những vị quyền cao chức trọng bị ra đi một cách oan uổng, mà trên dưới 200.000 người dân Việt Nam cũng thiệt mạng. Thuở ấy dân số Việt Nam chỉ độ 2.000.000 người. Như vậy số tử vong là 10% dân số. Ngày ấy cách đây 200 năm về trước chắc rằng thuốc thang dùng để chữa trị không phát triển như bây giờ, đa phần dùng thuốc Nam hay thuốc Bắc. Chỉ chờ cho cơn dịch đi qua rồi, mọi người mới tỉnh dậy sau một cơn ác mộng của thời đại. Ngày ấy không có điện thoại, không có đèn điện, không có xe hơi v.v… nghĩa là những phương tiện giao thông, viễn thông, thông tin không được cập nhật như ngày hôm nay. Có lẽ số tử vong còn nhiều hơn nữa.

Rồi 200 năm sau, cơn dịch lần nầy không đến từ Ấn Độ mà từ Trung Quốc. Chỉ trong vòng 2 năm (2020-2021) đã có trên 5.000.000 người trên thế giới bị tử vong bởi dịch Covid 19 và những biến thể khó lường sau đó. Riêng nước Đức cho đến thời điểm tháng 12 năm 2021 đã có gần 100.000 người chết và Việt Nam theo thống kê của nhà nước, mới chỉ có trên dưới 20.000 người ra đi không kịp nói lời trăn trối với thân nhân, gia đình và bè bạn. Ngoài ra ở nước Đức nầy số ca bị nhiễm tăng lên đến gần 5.000.000 người bởi nhiều lý do khác nhau như: già yếu, bệnh nền, không để ý trong vấn đề giao tiếp v.v… Có nhiều người đã tiêm chủng hai lần và có người cũng đã chích ngừa mũi thứ ba rồi; nhưng vẫn bị tử vong như thường. Bởi lẽ đa phần người Tây phương ưa chuộng lối sống tự do; nên mỗi khi các chính phủ địa phương cho mở cửa lại là mỗi lần bệnh lại tiếp tục lây lan, vì mọi người không tuân thủ luật định khuyến cáo của chính phủ.

Trong khi các xứ Á Châu hay những xứ nghèo khó khác của Phi Châu ngay đến thời điểm nầy vẫn chưa có thuốc để tiêm chủng ngừa, thì một số công dân tại các nước giàu có dư thừa cả vật chất và thuốc tiêm chủng thì chống lại việc bắt buộc phải tiêm ngừa nầy. Vì đây là quyền tự do của người dân; nhưng chính   vì quyền tự do nầy hơi quá đáng; nên người không chịu chích ngừa vẫn là những người có tỷ số dễ bị lây lan nhiều nhất trong cộng đồng xã hội. Có một số nghiệp đoàn ở Hoa Kỳ và Âu Châu bắt buộc tất cả nhân viên của họ phải tiêm chủng thì mới được vào hãng xưởng làm việc và nếu ai không tuân thủ những điều kiện của chủ hãng và công đoàn đưa ra thì bị sa thải. Do sợ thất nghiệp; nên một số người cũng bắt đầu  đi tiêm; nhưng số lượng nầy không tăng mấy. Bởi lẽ có nhiều người vẫn cố chấp là: thà thất nghiệp chứ không đi tiêm chủng. Chỉ vì lý do đơn giản là: sợ mũi kiêm chích vào da thịt. Ở trên đời nầy có nhiều nỗi lo, không ai giống ai hết. Người thì sợ con kiến, người sợ con chó, người sợ con muỗi, con rệp v.v… do vậy những chính trị gia cũng khổ tâm không ít với những người quan niệm như vậy. Những chính trị gia của các đảng phái phải tìm đủ mọi cách để can thiệp và cuộc sống riêng tư của họ. Có như vậy mới hy vọng là dịch bệnh không còn lan truyền ra nhiều nữa. Nhiều chuyên gia thì nghĩ rằng năm 2022  dịch  bệnh sẽ chấm dứt; nhưng nếu con người không chịu chấm dứt lòng tham vị kỷ vì lý do nầy hay lý do khác, chế ra những con vi trùng độc hại, rồi thả rông ra cả thế giới thì ngay cả chính mình cũng bị hại bởi những con vi khuẩn do mình tạo ra; đồng thời cũng làm cho nhân loại khổ đau không biết bao nhiêu về dịch bệnh lần nầy. Cuối cùng nhân nào thì quả nấy chẳng sai chút nào.

Vậy các tôn giáo đã làm được gì trong cơn dịch bệnh vừa qua? Những tôn giáo lớn như: Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo v.v… có nhiều bệnh viện thuộc các tôn giáo nầy đều cưu mang những bịnh nhân bình thường và những bệnh nhân thuộc diện Covid 19. Những Y Bác sĩ là những con chiên ngoan đạo hay những Phật tử thuần thành đã xả thân vào trận chiến  không biên giới nầy và nhiều Linh Mục, Tu Sĩ, Tăng Ni đã hy sinh vì cuộc đời, vì nhân thế theo như bản thệ của họ khi ra trường là: “lương y như từ mẫu”, không phân biệt giàu nghèo hay sang hèn và ngay cả nếu ai đó có niềm tin tôn giáo khác nhau vẫn được cứu giúp như thường và không nhất thiết phải là người ấy theo đạo nào. Tất cả con người đều bình đẳng dưới mọi sinh hoạt của tôn giáo, tín ngưỡng. Ngoài ra những cơ sở thờ tự thì chuyên tâm cầu nguyện cho người bịnh sớm an lành và người không may qua đời sẽ được giải thoát vòng luân hồi sanh tử. Sự cầu nguyện tuy vô hình nhưng có một sức mạnh dời núi lấp sông mà trong chúng ta ít có người hiểu được. Ví dụ khi một người hiểu đạo, tin theo và thực hành lời dạy của đấng giáo chủ đó; có nghĩa là chính thân tâm của tín hữu đó sẽ chuyển hóa những người chung quanh mình, kể cả người bệnh, họ sẽ sống những ngày có ý nghĩa hơn trên trần thế nầy.

Đảng CDU và CSU đã cầm quyền nước Đức nầy từ 16 năm nay (2005-2021) gồm 4 nhiệm kỳ dưới sự lèo lái tuyệt vời của nữ Thủ Tướng Merkel; một người đàn bà lịch lãm trên chính trường cũng như ở phạm vi khoa học và chính trị. Bà xuất thân là con của một vị Mục Sư Tin Lành, lớn lên lại được di dời qua Đông Đức để sống và đến ngày 9 tháng 11 năm 1989 khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Bà đã bắt đầu sinh hoạt trong đảng CDU, dưới thời Thủ Tướng Helmut Kohl và Bà đã gia nhập đảng nầy để từng bước trở thành Thủ Tướng của nước Đức từ năm 2005 đến nay. Bà cũng là người đàn bà đầu tiên trong lịch sử dân chủ Đức, nắm quyền kể từ khi hai nước Tây và Đông Đức chia đôi từ năm 1949. Sinh ra trong một gia đình đạo đức lấy tôn giáo hướng thượng cho con đường chính trị của mình và suốt trong 16 năm đó, đời sống của Bà không khác gì một người dân ở xã hội tự do nầy; nghĩa là tự đi chợ, tự nấu ăn, tự lo tất cả những việc nhà cho chồng và cho mình và không có người giúp việc. Nếu ở những nước độc tài như cộng sản Việt Nam hay Trung Quốc, Bắc Hàn, Cu Ba thì đi đâu cũng có kẻ hầu người hạ và sau 16 năm làm Thủ Tướng, Bà quyết định về hưu, không ra tranh cử nữa. Nhiều câu hỏi của báo giới đặt ra là: Khi Bà về hưu Bà sẽ làm gì? Bà trả lời rằng: sẽ ngủ nhiều hơn và đọc sách. Ngủ thuộc về phạm trù của thân thể; đọc sách thuộc về phạm vi của tri thức. Rõ ràng là hai món ăn tinh thần và vật chất nầy không thể nào thiếu được trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Thế mà có rất nhiều người chỉ quan tâm có một trong hai việc ấy. Quả thật là uổng phí vô cùng. Có nhiều nhà báo hỏi rằng: Bà làm Thủ Tướng 16 năm Bà muốn lưu lại dấu ấn nào cho hậu thế? Bà trả lời rằng: “Hãy kiên nhẫn và cố gắng”. Làm chính trị, đứng trên bàn cờ thế giới, lãnh đạo cả một quốc gia mà cũng phải cần những đức tính như vậy. Do đó chúng ta không nên quên những lời nhắn nhủ nầy của Bà Thủ Tướng Merkel của nước Đức.

Hội Đồng Hoằng Pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chính thức ra đời vào thượng tuần tháng 5 năm 2021 dưới sự cố vấn chỉ đạo của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ gồm 4 Ban trực thuộc như: Ban Truyền Bá Giáo Lý, Ban Trước Tác và Phiên Dịch, Ban Báo Chí & Xuất Bản và Ban Bảo Trợ. Trong thời gian gần 6 tháng qua các Ban đã làm việc rất nhịp nhàng và thành quả thì chưa được nhiều; nhưng Ban Báo Chí và Xuất Bản đã cho in ấn được ba tác phẩm giá trị. Đó là: quyển Yết Ma Yếu Chỉ Nam của Hòa  Thượng Thích Trí Thủ soạn; quyển Pháp Diệt Tránh của Hòa Thượng Nguyên Chứng (tức Hòa Thượng Tuệ Sỹ) và đặc biệt lần đầu tiên quyển ”Tổng Quan về Nghiệp” do Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ biên soạn rất công phu và được đưa lên mạng Amazon để đó đây có thể đặt sách nầy về tham cứu. Đây là một tác phẩm giá trị về nghiên cứu, học thuật cũng như triết lý về nghiệp rất đặc thù. Nếu là Phật tử hay ngay cả như những người không Phật tử, nếu muốn nghiên cứu về nghiệp thì cũng nên có quyển sách nầy trong tủ sách của gia đình mình thì quý giá biết bao! Nếu nói như Bà cựu Thủ Tướng Merkel của Đức thì đọc sách là niềm vui, là sự sáng tạo, là tri thức với thời gian còn lại của cuộc đời, thì chúng ta không nên bỏ qua một tác phẩm giá trị như vậy.

Liên minh đỏ (SPD) vàng (FDP) và xanh (Gruene) sẽ cầm quyền nước Đức nầy trong thời gian 4 năm tới và hy vọng rằng với dấu hiệu đỏ, vàng, xanh nầy sẽ giúp cho nước Đức cũng như Âu Châu sớm thoát qua cảnh đói nghèo và cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị sau thời kỳ Covid 19. Vực dậy nền kinh tế thị trường không trực thuộc với Trung Quốc cũng không phải là điều đơn giản khi thế giới bị trói buộc vào với nhau chung quanh vấn đề thương mại và quyền lợi của nước mình. Nhìn thế giới đang co mình lại ở nhiều lãnh vực khác nhau, khiến chúng ta khó có một sự tin tưởng trong tương lai gần, kinh tế cũng như phẩm giá của con người được phục hồi một cách nhanh chóng; ngoại trừ mỗi người trong chúng ta trên hành tinh nầy phải tự đứng lên làm cách mạng bản thân của chính mình ở mọi phương diện từ vật chất đến tinh thần, thì niềm tin vào một tôn giáo cũng như giữa con người với con người được thay đổi tốt hơn xưa thì mới mong con người trên quả địa cầu nầy có một tương lai xán lạn hơn.

Suốt từ đầu năm 1979 đến nay, hơn 42 năm như thế, tờ báo Viên Giác cứ đều đặng mỗi hai tháng một lần có mặt với quý vị, chưa bao giờ gián đoạn gồm 246 số và số nầy là số Xuân Nhâm Dần dày 200 trang kể cả bìa. Tuy thời giá luôn thay đổi; nhưng suốt mấy chục năm qua Viên Giác vẫn chưa nâng giá thành. Chỉ mong mỗi độc giả mỗi năm ủng hộ cho 6 số 20 Euro trong nước Đức và 30 Euro ở các châu lục khác, thì Viên Giác sẽ còn hiện diện lâu dài với quý vị. Ban Biên Tập xin chân thành cảm ân quý độc giả xa gần và các chùa lâu nay đã hỗ trợ đều tay cho báo Viên Giác và sang năm mới cũng xin quý vị đừng quên tờ báo là món ăn tinh thần của tất cả chúng ta, hãy cùng nhau nuôi dưỡng và phát triển tờ báo vậy.

Kính chúc quý vị có một cuộc sống an vui, mặc dầu nạn dịch Covid 19 vẫn còn bủa vây đây đó.

BAN BIÊN TẬP BÁO VIÊN GIÁC

 

Hiển thị thêm
Back to top button