Báo Viên Giác số 247, tháng 2 năm 2022

Năm Tân Sửu đã trôi qua, năm Nhâm Dần đã đến. Năm hết Tết đến mọi người mong cho mọi việc đều hanh thông; nên người Nhật thường hay tổ chức lễ ”Tống cựu, nghinh tân” để tiễn cái cũ đi và đón cái mới tốt đẹp hơn sẽ đến với mình, với gia đình mình, bạn bè, hãng xưởng, công ty, đoàn thể v.v… Nghĩa là ai ai cũng mong năm mới đến, mọi điều đều mới lạ vậy. Niềm hy vọng thì không tốn kém gì cả; nên ai cũng có quyền hy vọng để vươn lên, để tìm ra một chân trời mới quang đãng hơn; nhất là trong hai năm vừa qua nạn dịch Covid 19 chưa hết thì Omicron đã kéo đến, khiến cho nhân loại phải chới với, chưa biết phải đối phó ra sao, mặc dầu những nhà dịch tể học, vi trùng học đã nhận được nhiều giải Nobel về y khoa; nhưng cũng chưa có thuốc nào ngăn chận được triệt để những con vi trùng bé nhỏ nầy mà thế giới hơn 7 tỷ người đều phải tìm cách đối phó, chống chọi với nó.

Ông Bà mình thường nói rằng: ”Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, kiếp phù sinh trông thấy mà đau…” Đúng là vậy. Nếu ai sống được 100 năm trên trần thế thì có thể nhận huy chương Đại Thọ nầy, vì đã sống trên quả địa cầu nầy hơn 36.000 ngày như vậy. Trong 36.000 ngày ấy không biết là phiền não có bao nhiêu ngày, bệnh tật có bao nhiêu ngày, làm lầm lỗi có bao nhiêu việc, làm thiện lương có bao nhiêu lần, thành công hay thất bại có bao nhiêu lần như vậy, chẳng ai thống kê được bao giờ. Vì cái nầy đến, cái kia đi, cái nầy qua, cái kia lại. Những cơn hưng thịnh của cuộc đời nầy cũng giống như những cơn sóng thủy triều  lúc lên lúc xuống, ai mà ngồi đó để đếm sự đến đi, còn mất của con nước ngày hai buổi xuống lên và cả trăm, ngàn lần tới lui, lặn hụp. Cuộc đời của mỗi người trong chúng ta cũng như vậy. Vì thế những bậc hiền nhân quân tử nhìn thấy sự thịnh suy của trần thế mà đau lòng.

Ngày 22 tháng 2 năm 1972 người viết Thư Tòa Soạn nầy đã lìa xa đất Mẹ mến yêu của một thời chinh chiến và đến ngày 22 tháng 2 năm 2022 nầy đúng 50 năm. Điều ấy cũng có nghĩa là: 18.000 ngày đêm bản thân đã sống nhờ nơi đất khách quê người, chưa hẹn ngày tái ngộ với quê hương. Nhớ lại, ngày ấy Tổng Thống Nixon cũng đã bay từ Washington đến Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông và cũng chính ngày ấy hãng hàng không Air Việt Nam đã mang bản thân người viết ghé Hồng Kông, Đài Bắc, Osaka và cuối cùng máy bay đáp xuống phi trường Haneda, Tokyo trong ngỡ ngàng, tiếc nuối. Vì khi chưa xa quê, ai cũng muốn trải nghiệm một lần cho biết; nhưng khi lên máy bay nghe bài nhạc ”Xuân nầy con không về” do Duy Khánh hát, lại còn não ruột biết bao nhiêu. Ngay lúc ấy, ngoái nhìn lại quê hương từ bầu trời mây trắng, thấy cao xa diệu vợi và sự tiếc nuối khó phai nhòa trong ký ức; mà mãi đến 50 năm sau vẫn còn canh cánh bên lòng. Ôi Quê hương! Tình người và Đạo pháp!

Nixon đến mang hy vọng cho Mao Trạch Đông và xứ Trung Cộng thuở ấy một niềm tin, một sự trao đổi, một sự hợp tác và 50 năm sau có lẽ thế giới đã lầm, vì tất cả kỹ thuật cao công nghiệp hiện đại đã bị người cộng sản sao chép lại làm của mình. Ban đầu thế giới tự do qua cố vấn của Kissinger và Nixon nghĩ rằng: giúp những nước nầy phát triển về kinh tế, chính trị và nhân quyền chắc chắn sẽ đổi thay. Thế nhưng mọi người trong thế giới Tự Do đều lầm. Không biết có phải ”gậy Ông đập lưng Ông không?”; nhưng càng ngẫm kỹ lại càng đau. Vì mấy ai hiểu được chữ ”ngờ”. Cộng sản nói dối riết, dù việc sai trái, nghe hoài người ta cũng sẽ tin là sự thật. Còn thế giới Tự Do dầu nói thật đi chăng nữa; nhưng nhiều người tranh đấu muốn cho sự thật càng rõ ràng hơn; nên tất cả đều giậm chân tại chỗ. Sự ngờ vực bắt đầu tăng và đối phương lợi dụng sự lũng đoạn nầy trà trộn vào nội bộ của xã hội Tự Do để khuynh loát, lật đổ.

Những người làm chính trị, giúp quốc gia hưng thịnh là điều đáng quý; nhưng khi quyền bính đã vào tay mình rồi thì nào danh vọng, nào chức tước, nào bạc tiền đã làm cho người đứng đầu chính phủ phải bị lao đao, say sưa trong cơn phù hoa mộng ảo. Khác với những lời tuyên bố khi ra ứng cử là có đường lối rõ ràng minh bạch. Tất cả đều vì dân; nên dân mới dồn phiếu cho để được thắng cử. Thế rồi càng ngày càng bị chìm sâu vào tội lỗi mà cái tôi, cái tham lam không giới hạn, không thể kiềm chế được. Cho nên phải vào tù ra khám như bà Tổng Thống Nam Hàn hay Bà Cố Vấn tối cao của chính phủ Miến Điện là một trong muôn ngàn ví dụ khác. Trong khi đó cũng có những nhà chính trị lỗi lạc trước khi về hưu, họ đã để lại cho đời nhiều tấm gương liêm khiết, ít tì vết như bà Merkel làm Thủ Tướng của nước Đức trong 16 năm; nhưng phần trắng nhiều hơn phần đen, trong cuộc đời làm chính trị của Bà.

Từ chứng cứ nầy chúng ta thấy làm văn hóa tuy không lên cao như làm chính trị, để rồi bị ngược đãi khi không làm chủ được lòng tham của mình, thì cơ hội làm cho sự tồn tại của văn hóa sẽ lâu dài hơn là làm chính trị. Bởi lẽ văn hóa của một Dân Tộc, của một Tôn Giáo sẽ giúp cho dân trí được mở mang hơn. Và nghìn năm sau con cháu của chúng ta sẽ mang ơn những người đi trước. Một Dân Tộc mà không có văn hóa thì Dân Tộc ấy sẽ bị chôn vùi vào sự tiến bộ của thời đại. Nhìn lại trong thời gian ngắn ngủi chỉ một năm trôi qua, dưới sự cố vấn lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, một Hội Đồng Hoằng Pháp và một Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời của Phật Giáo Việt Nam gồm nhiều Ban đã được hình thành và một Đại Tạng Kinh Việt Nam hoàn toàn bằng Việt ngữ gồm: Thanh Văn Tạng, Bồ Tát Tạng, Mật Tạng sẽ được in ấn từng phần trong tương lai gần, nhằm giới thiệu với thế giới là Phật Giáo Việt Nam của chúng ta đang hướng dẫn Phật tử đi đúng đường, nhằm phát huy và truyền thừa con đường văn hóa nầy.

Tại Trung Quốc, trước thời Ngài Huyền Trang đi Ấn Độ thỉnh kinh và về lại Kinh Đô Trường An năm 645 thì chữ nghĩa của Trung Hoa còn khiêm nhường; nhưng sau khi Ngài Huyền Trang cho dịch những bộ kinh, luật, luận từ chữ Phạn sang chữ Hán thì văn hóa Trung Quốc càng ngày càng được phong phú hơn suốt trong đời Đường cũng như các triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh về sau nầy. Kế đến là người Nhật Bản dưới thời Thiên Hoàng Đại Chánh (Taisho) kể từ năm 1922 đến thời Thiên Hoàng Chiêu Hòa (Showa) năm thứ 9 (1934) nước Nhật đã có một Đại Tạng Kinh toàn diện mà thế giới ngày nay đều quy ngưỡng về để dịch ra các ngôn ngữ sở tại như: Anh, Pháp, Đức, Nga v.v… Việt Nam chúng ta cũng đã có những bộ Đại Tạng Kinh tiếng Việt như: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Kinh tạng Nam truyền và một số kinh sách khác được dịch và chú giải qua từng thời điểm khác nhau; nhưng chưa gom góp lại được. Và giờ đây  chính là cơ hội của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời kế thừa, tiếp nhận tinh thần của Ban Phiên Dịch Tam Tạng Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khởi đi từ năm 1973. Điều còn lại là chúng ta Tăng cũng như tục cố gắng trợ duyên để bộ Đại Tạng nầy được hình thành trong thời gian gần nhất, nếu có thể.

Năm nay cũng như năm trước chùa viện, nhà thờ, thánh thất ở trong cũng như ngoài nước và nói chung là khắp nơi trên thế giới đều đón Tết, Rằm tháng Giêng, Giáng Sinh, Tết Dương Lịch v.v… trong âm thầm lặng lẽ. Không khí và cảnh vật chung quanh đây đó như cảm thông với nỗi sầu của nhân thế; nên cũng không màn khoe hương sắc khi xuân sang. Tất cả đều vì dịch bệnh, tất cả đều vì sự sống, vì bệnh tật nên phải chống chọi với kẻ thù không biên giới nầy. Do vậy chúng ta phải cố gắng kham nhẫn chịu đựng, cầu nguyện và làm những việc thiện lương để mong thoát ra khỏi cơn đại dịch của lần nầy. Chúng ta vẫn chưa biết đại dịch Covid 19 lần nầy bao giờ mới chấm dứt, để người người có thể tự do đi lại, sinh hoạt cuối tuần hay ngày rằm mồng một có thể đi chùa tự do thoải mái, không phải đeo khẩu trang, không phải ngồi cách xa nhau 1 mét rưởi nữa. Bao giờ mà cái bắt tay thân thiện gần gũi như xưa được thực hiện thì lúc ấy bệnh truyền nhiễm mới không còn lây lan. Còn bây giờ, dầu cho là người thân nhất đứng gần mình, cũng chỉ có thể chắp hai tay lại để xá chào và mỉm cười nhiều khi cũng không nhận ra người mình quen, vì  khẩu trang mặt mày bị che khuất rồi.

50 năm làm Văn Hóa và Tôn Giáo trên xứ người là kết quả của hơn 18.000 ngày có ý nghĩa với bản thân người viết Thư Tòa Soạn nầy. Do vậy Đạo Hữu Chủ Bút Báo Viên Giác và Ban Biên Tập dành hết tâm tư, tình cảm để nói và viết về những kết quả đã qua trong 50 năm ấy. Điều mà Hội Đồng Tăng Già và Chính Phủ Tích Lan đã vinh danh cách đây hơn 10 năm về trước (2011). Đến cuối năm 2021 Tổng Thống Steimeier của Đức đã vinh danh ở ba lãnh vực về Tôn Giáo, Giáo Dục và Văn Hóa được hội nhập hầu như trọn vẹn tại xứ nầy và đây chính là thành quả của chung chúng ta; không phải của tôi, của Anh, của Chị, của tổ chức nào cả, mà là của chung người Việt Nam khi đang sinh sống tại xứ người. Bởi lẽ chúng ta đến đây không phải chỉ để chia xẻ hai chữ Tự Do mà quê hương mình cho đến giờ nầy vẫn chưa thực sự có mặt, mà chúng ta còn làm rạng danh cho nòi giống Việt, bằng cách đóng góp vào nền văn hóa sở tại nầy những bông hoa của Giới, của Định, của Tuệ Giác siêu việt, nhằm giúp cho mọi người có nơi an trú vững vàng và giúp cho người địa phương sở tại với cái nhìn thiện cảm hơn, là chúng ta không phải đến đây để chỉ nhờ vả họ ở nhiều phương diện vật chất khác.

Kính chúc Quý độc giả của Báo Viên Giác có một năm mới an lành và hy vọng dịch bệnh năm nay sẽ không còn lai vãng đến với chúng ta nữa.

Ban Biên Tập Báo Viên Giác

Hiển thị thêm
Back to top button