Báo Viên Giác số 260, tháng 04 năm 2024

THƯ TÒA SOẠN

Hội Đồng Tăng Già Thế Giới (World Buddhist Sangha Council – WBSC) được thành lập tại thủ đô Colombo của Tích Lan vào năm 1966. Lúc bấy giờ Việt Nam chúng ta có Hòa Thượng (HT) Thích Tâm Châu sang tham dự và kể từ đó Ngài là thành viên sáng lập của tổ chức này. Đến năm 1969, Đại Hội khoáng đại lần thứ 2 (General Conference) đã được tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn do quý Ngài: HT Thích Tâm Châu, HT Thích Tâm Giác và HT Thích Thanh Kiểm đứng ra đăng cai tổ chức. Về phía chính quyền lúc ấy có Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Nội Các của chính phủ đến tham dự Lễ Khai Mạc tại chùa Vĩnh Nghiêm (xem thêm trang nhà của WBSC có đăng tải hình ảnh đầy đủ). Như chúng ta biết, sự kiện Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu vào ngày 20 tháng 4 năm Quý Mão tại Sài Gòn để vận động cho tự do và bình đẳng giữa các Tôn Giáo đương thời đã làm cho thế giới rúng động và ngưỡng mộ với Phật Giáo Việt Nam. Ngày 1 tháng 11 năm 1963 quân đội đứng lên lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm. Cuối năm 1963, đầu năm 1964 các tổ chức và tông phái Phật Giáo đã nhóm họp tại chùa Xá Lợi ở Sài Gòn để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với bản Hiến Chương đầy trí tuệ và từ bi mà chúng ta vẫn đang sử dụng ở trong và ngoài nước mãi cho đến ngày hôm nay.

HT Thích Tâm Châu đảm nhiệm vai trò Viện Trưởng Viện Hóa Đạo đầu tiên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được hai năm thì đến năm 1966 hai Giáo Hội Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự lại tách rời và hoạt động song hành với nhau; một trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang 243 Sư Vạn Hạnh Sài Gòn và một trụ sở đặt tại chùa Giác Minh và Vĩnh Nghiêm, sau này là Việt Nam Quốc Tự. Sau ngày 30.4.1975 HT Thích Tâm Châu đã ra ngoại quốc và Giáo Hội này còn tồn tại rất ít ở Hải Ngoại; nhất là sau khi HT Thích Tâm Châu viên tịch. Chỉ còn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang vẫn còn kiên trì hoạt động ở trong cũng như ngoài nước cho đến ngày hôm nay.

Có lẽ vì lý do trên mà phía Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang thuở ấy (1969) không thấy vị tôn túc nào tham dự Đại Hội Khoáng Đại lần thứ 2 của WBSC tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Sài Gòn. Sau năm 1975 Quý HT ở Pháp như HT Thích Huyền Vi, HT Thích Thiền Định, HT Thích Minh Lễ, HT Thích Minh Tâm đã gia nhập vào WBSC, trụ sở đóng tại Đài Loan. Đến năm 1989 nhân Đại Hội Khoáng Đại tại Đài Bắc Đài Loan, HT Thích Thiền Định đã đề nghị đơn vị Đức Quốc chúng tôi nên tổ chức Đại Hội Ban Chấp Hành (Executive Community Meeting) và chùa Viên Giác Hannover đảm nhận việc này. Vào mùa hè năm 1991 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Chi Bộ Đức Quốc đã đứng ra đảm trách tổ chức Đại Hội trong 4 ngày và đã được Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức tài trợ các phương tiện tổ chức. Năm đó đã có Quý Ngài Trưởng Lão Ngộ Minh, Liễu Trung (Đài Loan); HT Giác Quang (Hồng Kông); HT Thích Tâm Châu (Canada); HT Thích Mãn Giác (Hoa Kỳ); HT Thích Huyền Vi, HT Thích Thiền Định, HT Thích Minh Lễ, HT Thích Minh Tâm (Pháp) cùng chư Tôn Đức đại diện hơn 20 nước thành viên đã có mặt tại Hannover. Đây là một vinh dự cho Phật Giáo Việt Nam tại Đức nói riêng và Âu Châu nói chung.

Đại Hội WBSC lần thứ 11 năm 2024 này là Đại Hội Khoáng Đại do HT Thích Phước Ân, Viện chủ chùa Quan Âm Sơn tại Auckland, Tân Tây Lan đăng cai tổ chức từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 3 năm 2024 với 35 quốc gia đại biểu tham dự, gồm gần 400 Tăng Ni và hơn 250 Phật Tử các nơi về phó hội. Nội dung của Đại Hội Khoáng Đại kỳ này đề cập đến môi sinh, môi trường theo nhãn quan Phật Giáo. Đặc biệt lần này Đại hội đã bầu lại thành phần lãnh đạo của Hội Đồng Tăng Già Thế Giới, vì HT Chủ Tịch Liễu Trung đã vãng sanh cách đây 2 năm, đồng thời bổ sung thêm nhân sự cho tổ chức. Nhiệm kỳ mới năm năm (2024-2029) do HT Huệ Hùng hiện trú tại Singapore và Indonesia làm Chủ Tịch với hai vị Phó Chủ Tịch đặc trách Hoa Văn, Anh Văn cùng với 27 vị Phó Chủ Tịch trên thế giới. Nhiều Phân Ban của tổ chức cũng đã được thông qua. Đây là một Đại Hội Khoáng Đại vô cùng quan trọng và kết quả thật đáng tán thán, vì thành phần lãnh đạo đa phần là những vị trung niên. Về phía Việt Nam có HT Thích Bảo Lạc, Thượng Tọa (TT) Thích Nguyên Tạng, TT Thích Phước Tấn (Úc); HT Thích Trí Tuệ, HT Thích Thiện Long, TT Thích Thường Tịnh, Ni Trưởng Thích Nữ Như Hoa (Hoa Kỳ). Bên Âu Châu có HT Thích Như Điển, TT Thích Hạnh Bảo và TT Thích Hạnh Định đã về Tân Tây Lan tham dự. Ngoài ra còn một số Quý Tăng Ni từ Việt Nam đến phó hội nữa.

Cần nói thêm, WBSC là một tổ chức của Tăng Già Phật Giáo trên toàn thế giới, đủ mọi truyền thống, tông phái; nhưng chỉ có Tăng Ni là thành viên, còn Phật Tử Cư Sĩ ở vai trò hộ trì Tam Bảo. Trên bình diện Phật Giáo Quốc Tế còn có tổ chức World Buddhist Fellowship (Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới) trụ sở đóng tại Thái Lan; thành viên của Hội này là những vị Vua, Quốc Vương, Thái tử, Công chúa, Thủ Tướng của các nước Phật Giáo cùng với chư Tăng Ni sinh hoạt chung trong các Đại Hội cũng như lễ hội lớn như Vesak tại Liên Hiệp Quốc hay ở tại các nước thành viên như Thái Lan, Việt Nam v.v… Nói về các Phật sự PGVN thời gian qua chúng ta có một sự kiện quan trọng. Vào chiều ngày 17 tháng 3 năm 2024 vừa qua, Hội Đồng Hoằng Pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã cung thỉnh Chư Tăng Ni và Phật tử từ nhiều châu lục cùng vân tập về Tu Viện Đại Bi thuộc vùng Garden Grove, nam California Hoa Kỳ, để tổ chức lễ tuần bách nhật cho cố Trưởng Lão HT Thích Tuệ Sỹ cũng như tuần chung thất cho Cố Đại Lão HT Thích Thắng Hoan. Nội dung của buổi lễ nhằm cung tuyên tiểu sử, tán thán công hạnh của hai Ngài, nhất là sự nghiệp phiên dịch Thanh Văn Tạng thuộc Tam Tạng Thánh Điển, đợt 1 đã hoàn thành được 29 tập. Trong tương lai gần Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam sẽ chuẩn bị in ấn Thanh Văn Tạng đợt 2 gồm 11 tập nữa. HT Thích Tuệ Sỹ đã ra đi, nhưng Giáo Hội, đặc biệt là Ủy Ban Phiên dịch Tam Tạng vẫn tiếp tục làm việc theo như di huấn của Ngài đã để lại. Thuở đương thời khi đề cập đến vấn đề của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở trong cũng như ngoài nước có quá nhiều sự phân tán về nội bộ cũng như các danh xưng v.v… HT Tuệ Sỹ đã từ tốn khuyên rằng: ”Hãy làm những gì mình đang có thể thực hiện được, đặc biệt chú trọng hai lãnh vực Văn Hóa Phật Giáo và Giáo Dục; còn chuyện phân hóa thì ở thời nào cũng có”. Đúng là như vậy, Phật Giáo giống như một cây đại thụ nhiều cành lá. Tuy sinh ra từ cùng một cây, nhưng cành nào hút được nhựa sống để nuôi thân mình thì còn tồn tại; còn cành lá nào không làm vậy thì tự nó sẽ khô héo theo thời gian, năm tháng thôi. Nếu ta nhìn về phương diện các Đảng Phái chính trị, ở những nước tự do, ví dụ như ở Đức có Đảng SPD (Đảng Dân Chủ Xã Hội) thì cũng có Dân Chủ Xã Hội thân tả mà cũng có Dân Chủ Xã Hội thân hữu; nhưng họ vẫn là Dân Chủ Xã Hội và cùng làm việc chung. Không ai bảo rằng phải thay đổi chủ trương và quan điểm, lập trường mới sinh hoạt chung trong một Đảng được. Riêng người Việt Nam mình thì hơi khác, nếu ai không giống mình thì cứ chụp mũ trước và tự cho rằng mình mới là người đúng, còn tất cả những kẻ khác đều sai lầm cả. Không biết đến bao giờ chúng ta mới bỏ được thói quen tiêu cực đó! Ngày 30 tháng 4 lần thứ 49 sắp trở về với người Việt ly hương cũng như người Việt trong nước. Bao nhiêu nước mắt đã đổ xuống vì sự tồn tại của quê hương cũng chỉ vì hai chữ Tự Do. Vì không thể sống với chế độ độc tài đảng trị của cộng sản; nên chúng ta mới chạy sang ngoại quốc để tỵ nạn. Hai chữ tỵ nạn ấy theo định nghĩa ghi trong Công ước Tỵ nạn 1951 (The 1951 Refugee Convention) của Liên Hợp Quốc là: „Tỵ nạn do bị ngược đãi vì những lý do tôn giáo, chính trị hay phân biệt chủng tộc“. Nếu không phải là 1 trong 3 lý do này thì là tỵ nạn kinh tế. Ở khắp thế giới này trong hiện tại kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, mà người tỵ nạn Việt Nam đi, về nước thoải mái, không bị theo dõi, bắt bớ, giam cầm v.v… mặc dầu chúng ta có quốc tịch Mỹ, Úc. Đức, Nhật v.v… Điều này không phù hợp với lý do và mục đích xin tỵ nạn của chúng ta trước đây tại các nước sở tại. Chúng tôi mong rằng chúng ta nên suy nghĩ lại và trân quý ý nghĩa đích thực hai chữ “Tỵ nạn“ mà các quốc gia Tây phương đã dành cho người Việt Nam tỵ nạn của chúng ta bấy lâu nay. Sau khi Đạo Hữu Nguyên Trí Phù Vân Chủ Bút báo Viên Giác mất, số báo tháng 12 năm 2023 và tháng 2 năm 2024 Đạo Hữu Nguyên Đạo trong vai trò tân Chủ bút đã có vài thay đổi và đã có một số vị độc giả của báo đề nghị là nên giữ lại lá cờ Quốc Gia cũng như chữ “Tỵ nạn“; nên kể từ số báo 260 này, bìa báo Viên Giác sẽ in thêm lá cờ Quốc Gia Việt Nam, song hành với lá cờ Phật Giáo Thế Giới, nhằm xác định rõ thêm thế đứng chính trị và vai trò văn hóa Phật Giáo của một tờ báo Đạo đã tồn tại 45 năm ở hải ngoại. Toàn Ban Biên Tập chúng tôi xin chân thành cảm ơn những ý kiến của Quý độc giả và thân hữu xa gần đã góp ý trong tinh thần xây dựng với Ban Biên Tập trong thời gian vừa qua. Cuối cùng xin nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho toàn thể quý Đạo hữu, quý Phật tử gần xa luôn được an vui trong cuộc sống hằng ngày. Xin kính mời tất cả quý Đồng hương và Phật tử cùng về Tổ Đình Viên Giác tại Hannover vào ngày 25 tháng 5 năm 2024 để tham dự Đại lễ Phật Đản cũng như Lễ Đặt Viên Đá Xây Dựng Học Viện Phật Giáo Viên Giác. Xin cầu nguyện công trình này sớm được thành tựu. Đây sẽ là một dấu ấn vô cùng quan trọng, ghi dấu bước trưởng thành và sự góp mặt của Phật Giáo Việt Nam tại nước Đức nói riêng và ở hải ngoại nói chung vào kho tàng văn hóa của nhân loại.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Ban Biên Tập Báo Viên Giác

File PDF báo Viên Giác số 260

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button