Báo Viên Giác số 261, tháng 6 năm 2024

Thư Tòa Soạn

(Báo Viên Giác số 261 tháng 6 năm 2024)

Năm nay thời tiết đổi thay bất chợt, lúc nắng, lúc mưa, lúc tuyết rơi, lúc nóng bỏng, cũng chỉ nằm vào thời điểm của tháng tư dương lịch. Ngạn ngữ Đức nói rằng: ”April April, er macht was er will” (Tháng tư, tháng tư, Ông (trời) làm những gì như Ông muốn). Quả thật chữ “Trời” ở đây có ý nghĩa thật đầy đủ quyền uy như vậy. Đó là: lúc mưa, lúc nắng, lúc lụt lội, lúc bão tuyết, lúc nắng cháy bỏng da thịt v.v… là chuyện của Ông Trời, chứ con người tuyệt nhiên không thể can dự vào đó được.

Ông Trời là một danh từ trừu tượng, dùng để chỉ cho một sự việc, một quyền năng mà con người phải phục tòng, phải thán phục, phải kêu Trời, khi không còn có khả năng dùng tự lực để chinh phục thiên nhiên nữa. Người ta có thể biến nước mặn thành nước ngọt, biến sa mạc thành chỗ trồng trọt, chăn nuôi. Khoa học ngày nay có thể bay lên đến mặt trăng, rồi sẽ có thể bay đến mặt trời hay những thiên hà cách xa quả đất nầy hằng tỷ tỷ cây số; nhưng ở đó con người cũng chưa thấy cái tận cùng của vũ trụ là gì. Từ đó người ta quy hết quyền năng cho Ông Trời là vậy. Đạo Phật thực tiễn ở mọi giá trị và quan niệm sống của mình trên quả địa cầu nầy theo Pháp Duyên Sinh. Có nghĩa là: cái nầy có thì cái kia có; cái nầy sanh thì cái kia sanh. Cái nầy diệt thì cái kia cũng diệt. Chúng tự thay đổi vị trí như gió thổi, như mây bay vậy. Ai đó có hỏi gió từ đâu đến hay mây bay đi về đâu? Nhưng điều ấy cũng chỉ là phù phiếm, vì không thực tế và ai cũng không dám chắc được kết quả để trả lời. Đôi khi cũng đúng mà đôi khi cũng sai. Do vậy nhà Bác Học Albert Einstein, là người Đức gốc Do Thái, mang quốc tịch Hoa Kỳ, cha đẻ của Thuyết Tương Đối, có lần đã nói rằng: “Phật Giáo không cần thẩm định lại giá trị khoa học của mình nữa, vì những gì Đức Phật dạy đã vượt lên trên khỏi sự chứng minh của khoa học rồi”. Vào thế kỷ thứ 20, Albert Einstein được hơn bảy tỷ người công nhận Thuyết Tương Đối của Ông và Ông ta đã nhận định như thế về Đạo Phật và khoa học như trên, thiết tưởng chúng ta cũng không cần phải tiếp tục bàn cải làm gì nữa.

Sân bay Dubai vào tháng 4 năm 2024 đã ngập nước. Sa Mạc Sahara tuyết rơi, gió lốc ở Tiểu Bang Texas, Oklahoma, Hoa Kỳ, lụt lội kinh hoàng cũng như mưa quá tải tại các nước Phi Châu, động đất tại Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… có phải do Ông Trời tạo ra hay do con người tàn phá thiên nhiên; nên mới ra nông nỗi ấy? Câu trả lời không khó. Đó là do con người chúng ta. Nhưng con người muốn gì? Chắc chắn rằng ai cũng muốn sống, mà chỉ sống cho mình, vào thời điểm của mình xuất hiện ở cõi nầy thì quá ích kỷ, chỉ lo tư lợi cho cá nhân; còn những thế hệ về sau nữa thì sao đây? Có lẽ họ bất cần; nên không quan tâm đến chăng? Đạo Phật có lý Duyên Sanh và Luật Nhân Quả; nên người Phật Tử phải biết rằng mình phải làm gì và nên làm gì để bảo vệ quả đất nầy cho tương lai nữa; chứ không phải ”chết sống mặc ai”; còn mình thì ung dung thụ hưởng những tiện nghi vật chất hằng ngày đang có được. Đồng bằng sông Cửu Long đã cạn, nước ngọt chảy xuống từ thượng nguồn sông Mekong, do Trung Quốc ngăn đập, đắp đê. Do vậy đất cát phù sa không tiếp tục dòng chảy ấy vào Cửu Long giang và nước mặn lại tràn vào, khiến người dân thiếu nước để cày cấy, trồng trọt và chăn nuôi, kể cả nước uống và những tiện nghi cần đến nước hằng ngày. Vậy thì Trời bao giờ mưa? Ai biết được. Ngày xưa thời của vua chúa cầm quyền, nếu hạn hán tiếp theo nhiều năm tháng, vua chúa đại thần phải ăn chay, niệm Phật, làm lễ cầu mưa; còn ngày nay những người lãnh đạo cộng sản, không có đức tin vào tôn giáo, nhiều khi còn gọi Ông Trời là ”thằng trời” để chứng minh cho cái ngông cuồng của kẻ chiến thắng một thời; nhưng họ đâu có biết rằng, đó cũng là sự trừng trị của thiên nhiên cho những người không tin vào Luật Nhân Quả. Đức Phật ra đời vì chỉ muốn khai mở tri kiến của chúng sanh để nhập vào tri kiến Phật; nhưng sự hiểu biết của con người, cũng như sự thực hành giá trị căn bản đạo đức ấy vẫn còn xa tầm tay với. Nên Ngài Thân Loan (Shinran) của Nhật Bản, Tổ Tịnh Độ Chân Tông ở vào thế kỷ thứ 13 có nêu một ví dụ tương đối dễ hiểu mà khó thực hiện. Ngài ví dụ rằng: có một người đang đứng trên một tảng đá cao, thòng một sợi dây xuống dưới vực sâu để cho người đang bị nạn nằm phía dưới đáy ấy có thể nắm bắt và người bên trên có thể kéo ngay lên; nhưng tiếc thay, người bị nạn ấy vẫn ham mê những thú vui gợi cảm đang xảy ra chung quanh mình ở dưới đáy vực ấy; nên quên hẳn đang có sợi dây cứu tử đang chờ đợi mình. Người có năng lực đang đứng trên cao là biểu tượng cho Đức Phật A Di Đà; còn kẻ đắm chìm trong cơn mê ở đáy vực là chúng ta. Sợi dây cứu tử ấy là câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà, luôn nhắc ta quay về nẻo giác; nhưng chúng ta, chính chúng ta đã làm ngơ. Vậy lỗi ấy không phải do người đứng bên trên tảng đá đang chờ ta, mà do chính ta không hay chưa ý thức được hậu quả của sanh tử vậy. Cũng như thế, chặt phá rừng, con người cứ chặt đốn; nhưng lại không trồng tiếp rừng cây khác, mà cứ hy vọng ở một ngày mai rừng sẽ xanh tươi trở lại, là chuyện sẽ không bao giờ có.

Ở Việt Nam bây giờ lãnh đạo bị khủng hoảng trầm trọng, hết trảm tướng nầy đến trảm tướng khác. Đó là một sự sai lầm nghiêm trọng. Nếu muốn trảm, hãy trảm ngay lòng tham không đáy của những người lãnh đạo từ cấp thấp nhất, lên đến cấp cao. Không dạy cho họ biết nguyên nhân từ đâu, mà chỉ nhắm vào kết quả, là một sự sai lầm đáng trách. Việc nầy là kết quả chủ quan về chủ nghĩa cũng như đường lối lãnh đạo của những người đứng đầu nhà nước CS VN. Phải phân quyền và hành xử đúng luật pháp, dân chủ thì mới mong nước Việt Nam thay đổi trong tương lai, giống những nước lân cận như: Thái Lan, Mã Lai hay Nam Dương. Ngược lại, nếu sự suy nghĩ của cái đầu thuộc về tư bản chủ nghĩa mà hai chân thì chỉ chuyển động theo bước chân của xã hội chủ nghĩa, thì chắc rằng mười kiếp làm người nữa, dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn đi vào con đường bế tắc, vô phương cứu chữa vậy.

Từ đó chúng ta thấy rằng Ngài Nagarjuna (Long Thọ), một bậc Đại Sư của Ấn Độ ở vào thế kỷ thứ 3, thứ 4 sau Tây Lịch, nhắn gửi chúng ta qua tác phẩm Đại Trí Độ Luận rằng: “Hãy đừng mong ai đó bọc nhung quả địa cầu nầy để cho ta đi hai chân được êm, mà hãy tự bọc nhung hai chân của mình lại để đi được êm trên quả địa cầu nầy”. Đó là lời dạy, là một triết lý sống. Nếu chúng ta áp dụng vào đời sống hằng ngày, chắc rằng chúng ta sẽ không thất vọng về bất cứ một vấn đề gì khi xử thế, kể cả những vấn đến khó khăn như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục v.v… “Thời gian và thủy triều chẳng đợi chờ ai”. Đó là câu ngạn ngữ của tiếng Anh. Nghĩa là khi thời gian trôi qua rồi, sẽ không bao giờ trở lại giống như cũ nữa và mỗi ngày thủy triều lên xuống hai lần, không có lần nào giống lần nào cả. Cho nên nếu chúng ta có muốn lợi dụng thì hãy nên lợi dụng thời gian để làm một việc gì đó cho có ý nghĩa trong 24 tiếng đồng hồ của mỗi ngày. Ai trong chúng ta mỗi ngày cũng chỉ có 24 tiếng đồng hồ, không thêm, không bớt. Hài nhi mới sinh ra, chúng có 24 tiếng mỗi ngày; học sinh, sinh viên, ông Giám Đốc, Thầy giáo, Bác Sĩ, Kỹ sư. Người nông dân, cô thợ may, người Tăng sĩ, nhà Bác học v.v… tất cả chúng ta đều giống nhau và bình đẳng về thời gian, kể cả người lớn cho đến trẻ con. Vậy chúng ta hãy tận dụng hết sức mình trong khoảng thời gian mà chúng ta còn hiện hữu trên cõi đời nầy để làm những công việc hữu ích, có lợi cho tha nhân, ấy mới là điều đáng quý. Nếu ngược lại chúng ta chỉ ngồi đó, than thân trách phận, giận trời, hờn đất v.v… những điều ấy chỉ làm mất thời gian mà thôi.

Tờ báo Viên Giác số 261 nầy của tháng 6 năm 2024, đánh dấu 45 năm báo đã đi vào lòng người, Phật Tử cũng như không Phật Tử. Đây là một trong những tờ báo Đạo có tuổi thọ sống lâu dài nhất, kể cả bên trong lẫn bên ngoài nước. Do vậy Ban Biên Tập vô cùng niệm ân Quý độc giả xa gần cũng như những nhà văn, nhà báo đã cộng tác một cách chân tình không mệt mõi và vì lợi ích cho tha nhân; nên tờ báo mới còn hiện diện nơi trần thế nầy. Ân nầy xin tạc dạ vậy. Năm nay cũng là năm đúng 60 năm xuất gia hành đạo của Hòa Thượng chủ nhiệm sáng lập và kỷ niệm lần sinh thứ 75 của Thầy; nên Ban Biên Tập dành nhiều trang báo để viết về Thầy, mà điều đó cũng nên thực hiện vậy. Thầy thường bảo rằng: “ngày sinh nhật đúng ra nên tưởng niệm về người Mẹ đã mang mình ra đời nhiều hơn, giống như chữ Hán gọi là: Mẫu nan nhật. Ngày ấy Mẹ mình khó khăn lắm mới mang mình vào đời. Nếu làm được vậy thì ý nghĩa biết là dường bao”. Lễ Phật Đản vào tháng 5 năm 1978 cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm từ Paris đã đến Hannover để chứng minh lễ An Vị Phật Niệm Phật Đường Viên Giác tại đường Kestnerstr. số 37 và mùa Vu Lan báo hiếu cùng năm đó vào tháng 8, Hội Sinh Viên và Kiều bào Phật Tử Việt Nam được thành lập. Hội Trưởng đầu tiên của nhiệm kỳ 1978-1980 là Bác Sĩ Thị Minh Văn Công Trâm và nhiều nhiệm kỳ sau đó nữa và người kế nhiệm chức vụ nầy trong những năm đầu thập niên 1980 là Kỹ Sư Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp. Công đức của những người tiền nhiệm không nhỏ; nhưng vô thường cũng đã đến với Bác Sĩ vào ngày 28 tháng 4 năm 2024 vừa qua với tuổi đời 77 năm nơi trần thế. Bác Sĩ cũng là người có công làm giấy bảo lãnh cho Hòa Thượng Chủ Nhiệm báo Viên Giác từ Nhật sang Đức vào ngày 22 tháng 4 năm 1977. Mới đó mà cũng đã 47 năm rồi. Trong thời gian ấy có biết bao nhiêu việc phải làm và bao nhiêu việc đã thành tựu cũng như trôi đi; nhưng tấm lòng, sự nhận biết, tình Thầy trò, bạn hữu của tuổi thanh xuân sẽ không bao giờ bị quên lãng. Ân và nghĩa, Đời và Đạo danh từ tuy có khác nhau; nhưng tấm lòng đối với Đạo thì không khác. Mong rằng Bác Sĩ Thị Minh sẽ an nghỉ nghìn thu nơi cõi Tịnh, bên chân của Đức Từ Phụ A Di Đà. Thay mặt toàn ban Biên Tập báo Viên Giác kính chúc chư tôn Thiền Đức Tăng Ni cùng quý độc giả xa gần luôn hưởng được nhiều pháp lạc trong cuộc sống hằng ngày.

Ban Biên Tập Báo Viên Giác

File PDF báo Viên Giác số 261

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button