Bhikkhu Cittacakkhu: Đối diện dịch bệnh – Một cuộc thoái trào của nền tư duy học đời và học đạo
Mẹ Teresa (Mary Teresa Bojaxhiu, 1910-1997, người Ấn-độ gốc Albania), bà sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, hơn bốn mươi năm, chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối v.v. Bà làm với sự tự nguyện và bà yêu Chúa, nhưng đến cuối cuộc đời lòng bà bị dằn xé tâm linh, mất dần đức tin và hoài nghi sự hiện hữu của Chúa, bà viết:
“Đức tin của tôi đâu rồi? Tận đáy lòng… chẳng có gì cả ngoài sự trống rỗng và tối tăm… Nếu có Chúa – xin tha tội cho con… Tôi không có Đức tin chi cả… Tôi lao khổ vì điều gì? Nếu không có Thiên Chúa, thì không có linh hồn. Nếu không có linh hồn thì, ôi Giê-su, Ngài cũng không có thật.”[1]
Chúa là người “cứu rỗi” thế gian này nhưng sao đời nghiệt ngã và khổ đau quá. Nếu bà Teresa còn sống có lẽ bà sẽ oán trách Chúa nhiều hơn vì đại dịch VIRUS đang hoành hành hiện nay. Liệu người Phật tử có nhỏ lệ than oán như bà không, có thầm kêu: Đức Thế Tôn, Ngài đang ở đâu? Phật Dược Sư, Ngài đang ở đâu? Quan Thế Âm, Ngài có nghe những tiếng kêu thương thống thiết nơi vùng dịch đang lây lan không? Chúng sanh đói khổ khắp nơi các Ngài ở đâu?
Các Ngài cứ im lặng, sự IM LẶNG ấy bao trùm cả chân trời tư tưởng nhân loại: “Ngôn ngữ đoạn tuyệt, tâm hành vắng bặt, bất sinh bất diệt, pháp như Niết-bàn.”[2] Đó là thế giới phiền não ô nhiễm không hiện hành, sự sinh hay tái sinh không có mặt, duyên khởi chính là diệu lạc Niết-bàn. Do đó, mọi thứ ở thế gian tồn tại đều bất thực.
“Tồn tại hay không tồn tại, đó là câu hỏi” (To be or not to be, that is the question). Giới khoa học có thể áp dụng câu nói nổi tiếng của Shakespeare trong vở kịch Hamlet để mô tả dí dỏm bản chất một loại vật thể sống rất đặc biệt, VIRUS. Derek Gatherer, nhà virus học tại Lancaster University, vương quốc Anh phát biểu “Chúng không thật sự đang sống, nhưng cũng không hẳn đã chết. Đó là những ‘freeloading zombies’ (xác sống kí sinh), hoàn toàn bất hoạt trong môi trường tự nhiên tưởng chừng như vô hại. Nhưng khi tiếp cận được một vật chủ thích hợp, những zombies kí sinh này hiện nguyên hình thành kẻ thù rất nguy hiểm”. Âm thầm và lặng lẽ, từ bước chân đầu tiên xâm nhập vào thế giới loài người, virus tạo nên những cuộc chiến tranh sinh học hủy diệt để lại dấu ấn kinh hoàng không thể phai mờ trong lịch sử tiến hóa nhân loại. Theo tư liệu trích dẫn từ tạp chí Futura Sciences, hai đại dịch với mức độ tàn phá kỷ lục nhất do virus gây ra là cúm Tây Ban Nha (1918-1919), gây tử vong 50 triệu người trên toàn thế giới. Tiếp đến là AIDS (HIV, 1981 đến nay), chưa có con số thống kê cuối cùng về tử vong do vẫn còn hiện hữu đến thời điểm hiện tại. Từ năm 1986 đến 2006, có khoảng 25 triệu người chết, hiện nay toàn thế giới vẫn đang có khoảng 40 triệu người nhiễm virus HIV. Những dịch cúm khác xuất hiện trong thế kỷ này phải kể đến SARS (2002-2004) và cúm gà (H5N1, 2008), tuy số lượng tử vong không cao nhưng cũng gây xôn xao dư luận và hao tổn khá nhiều giấy mực cho các phương tiện truyền thông thời ấy.
Qua sách vở hay thước phim đen trắng còn sót lại về những đại dịch ấn tượng nhất (như dịch hạch, cúm Tây Ban Nha), tôi cảm nhận được phần nào sự hỗn loạn hoang mang tột cùng bao trùm cả thế giới trong cuộc chiến giữa loài người và vật thể vô hình virus. Tuy nhiên tài liệu cũng chỉ đơn thuần là câu chữ, đời vô thường không ai ngờ, hôm nay tôi lại trở thành chứng nhân lịch sử, tận mắt chứng kiến và khắc khoải ngay trên quê hương mình một trận hỗn chiến một mất một còn giữa hai loài sinh vật (con người và virus) “không đội trời chung” này.
Tôi đã sống trong thời kỳ HIV hoành hành, ký ức vẫn còn in đậm những khẩu hiệu tuyên truyền về cách phòng bệnh, xuất hiện nhan nhản hàng ngày qua biển báo, đài phát thanh, báo chí, truyền thông. Nhưng mức độ ồn ào và lo lắng từ chính phủ, từ dư luận không thể so sánh với đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện cuối năm 2019. Sự khác biệt giữa hai đại dịch này chủ yếu ở tại con đường truyền bệnh. AIDS lây lan kín đáo qua đường máu và dịch tiết, nhưng SARS-CoV-2 (COVID-19) lại lan truyền qua không khí. Không khí bủa vây xung quanh ta mọi lúc mọi nơi, khi quân thù tấn công vào điểm trọng yếu nhất, vào nguồn sống quan trọng nhất thì thế giới loài người dĩ nhiên sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch và tình huống báo động đỏ cao nhất. Hơn một năm rưỡi, từ khi bệnh dịch bắt đầu lan tràn, đã có hơn 196 triệu người mắc bệnh và hơn 4 triệu người chết. Kẻ địch mạnh, rình rập khắp nơi, con người trở nên yếu đuối trước một thế lực ngầm với khả năng tàn phá và xâm hại rất lớn không dễ dàng đối trị. Trước sự rối ren này, một người con Phật cần đối diện với hoàn cảnh ra sao, Phật giáo nên xử trí thế nào để cùng chung tay góp sức ngăn ngừa bệnh dịch và ổn định cuộc sống. Theo tôi, tất cả mọi người nên tự trang bị cho mình một trình độ nhận thức tương đối. Nhận thức đó gồm hai phần: 1. Nhận thức khoa học về dịch bệnh; 2. Nhận thức dịch bệnh theo Phật giáo với niềm tin Chánh tín, loại trừ mê tín.
1
Nếu chúng ta nhận thức rõ về khoa học dịch bệnh thì như thế nào? Tức là về phương diện y học cần phải nắm vững và hiểu rõ tại thời điểm này, đối với loại dịch bệnh hoàn toàn mới lạ như COVID-19, khi chưa nghiên cứu được thuốc hoặc vaccine hữu hiệu, thì hệ miễn dịch của chúng ta tạo nên cơ chế bảo vệ tự nhiên và cũng là cách thức quan trọng nhất chống lại dịch bệnh[3]. Khi hệ miễn dịch hoạt động tốt và chính xác, các tác nhân gây bệnh bao gồm SARS-CoV-2 sẽ không thể phát triển được. Hiểu như vậy sẽ giúp chúng ta trầm tĩnh an lạc, mà trầm tĩnh an lạc là nhân tố quan trọng để tăng cường miễn dịch.
Vậy thế nào là miễn dịch?
Trong binh pháp của Tôn Tử nói rằng: “Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại”, đúc kết lại “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Sự hiểu biết và nhận thức luôn đóng vai trò chủ đạo trong bất cứ cuộc chiến nào, dù đó là cuộc chiến văn hóa, chính trị, vũ khí, hay sinh học. Hiểu biết phải thấu đáo, tường tận, hiểu từ bản chất gốc rễ, căn nguyên của vấn đề. Hiện nay mạng xã hội đang phát triển rất mạnh, và sự phát triển ấy thực chất như một con dao hai lưỡi: Một mặt thì mạng điện toán giúp ích cho chúng ta học hỏi rất nhiều kiến thức. Mặt khác thông tin thiếu tin chính xác, lệch lạc, mập mờ sẽ kìm hãm sự phát triển trí tuệ cho cả cộng đồng.
Tình hình chung của đất nước đang rất hỗn độn, mọi thông tin về cách phòng bệnh, chữa bệnh và chẩn đoán bệnh khi truyền đạt ra ngoài đều được cộng đồng đón nhận ào ạt một cách không chọn lọc. Chưa kể đến những hoạt động buôn bán thuốc trái phép không rõ nguồn gốc, hoặc hành nghề mê tín dị đoan và áp dụng mù quáng những phương pháp chữa bệnh Đông y cổ điển: làm gì có chuyện Thanh phế bài độc thang, Thanh phế bài độc phù chính thang[4], hoặc xông lá… có thể chữa trị cho bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; mọi thứ khiến cho bệnh dịch vốn phức tạp lại càng phức tạp hơn. Bản thân tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ”, thông qua bài viết khảo cứu kết hợp giữa Khoa học và Phật học này, đầu tiên tôi mạn phép đặt mình vào vị trí một người nghiên cứu về SARS-CoV-2 ở cấp độ phân tử tế bào, để mô tả lại bản chất quá trình virus xâm nhập và gây hại cho cơ thể con người. Sau khi đã hiểu rõ cơ chế bệnh sinh, việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, dù là điều trị triệu chứng hay điều trị dự phòng, đều sẽ trở nên đơn giản hơn với độ chính xác cao hơn.
Công nghệ kỹ thuật tiên tiến hiện đại (kính hiển vi điện tử, kỹ thuật khuếch đại gene và xác định trình tự gene…), biến vật thể vô hình thành hữu hình, đồng thời cung cấp một lượng lớn thông tin về cấu tạo và quá trình phát triển của vật thể ấy. SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp. Chúng thuộc họ Coronavirus, là một loại virus khá lớn, có vỏ bọc, bộ gene di truyền cấu tạo từ sợi RNA đơn lẻ, có thể gây bệnh cho người và một số loại động vật khác như chó, mèo, gia súc, gà, heo và chim[5]. Virus là một dạng sống ký sinh, nên chỉ được kích hoạt bên trong cơ thể một vật chủ, chúng sử dụng nguyên liệu của chính tế bào vật chủ để sinh trưởng và tồn tại. SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể người thông qua một loại “vũ khí” hữu hiệu được khoa học đặt tên protein S (spike protein), tiếng Việt dịch protein gai, vì qua kính hiển vi chúng giống như những chiếc gai nhọn tủa ra xung quanh phần thân của virus[6]. Protein S giúp virus bám dính vào bề mặt tế bào đích, là loại tế bào sở hữu thành phần thụ cảm (receptor) được virus ưa chuộng. SARS-CoV-2 có ái tính cao nhất với receptor của tế bào mũi (thuộc đường hô hấp trên), tế bào biểu mô phế quản và tế bào phổi (thuộc đường hô hấp dưới)[7]. Điều này giải thích vì sao Y học sử dụng chất nhầy ở khoang mũi hoặc dịch rửa phế quản để tìm sự hiện diện của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sự chính xác của kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: bản chất test, vị trí lấy mẫu nghiệm, cách thức lấy mẫu nghiệm, và thời gian phơi nhiễm với virus. Hiện nay các loại test nhanh thực hiện tại trung tâm y tế hay các que thử tại nhà đều dựa vào mẫu nghiệm từ dịch mũi hầu để tìm kháng thể. Loại test này cho kết quả quá nhanh nên độ tin cậy khá thấp, dưới 32%[8]. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, kết quả thử test nhanh âm tính KHÔNG ĐỒNG NGHĨA với việc người đó không nhiễm hoặc không phát bệnh. Khi biểu hiện triệu chứng, bệnh nhân cần được kiểm tra bằng nhiều loại test cao cấp kết hợp, mới đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Sau khi “virus COVID mẹ” xâm nhập vào phổi, phổi nghiễm nhiên trở thành một nhà máy sản xuất “bất đắc dĩ” hàng triệu triệu bản copy của “virus COVID con”. Britt Glaunsinger, nhà virus học tại University of California, Berkeley cho ý kiến “Virus được ví như một tên trộm, khôn ngoan, khéo léo đánh cắp năng lượng và nguyên liệu sống của chính tế bào vật chủ, để phục vụ cho mục đích bành trướng và xâm lược trên qui mô rộng lớn hơn”. Sự xuất hiện của virus khiến tế bào chúng ta suy kiệt dần, do xảy ra sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa virus và tế bào đường hô hấp. Số lượng virus nhân lên càng cao, tốc độ tổn thương của phổi càng lớn. Trong cuộc chiến xâm lược này, đương nhiên con người không thể khoanh tay đứng nhìn quân địch lan tỏa một cách tự tung tự tác. Cơ thể được trang bị một đội quân canh phòng cẩn mật, hành quân đêm ngày và lưu chuyển không ngừng giữa hệ tuần hoàn máu và tuần hoàn bạch huyết, đội quân ấy chính là bạch cầu. Bạch cầu cùng với các yếu tố thể dịch tạo nên hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch được chia làm 3 loại. Thứ nhất là miễn dịch bẩm sinh hay miễn dịch không đặc hiệu, tương đồng giữa mọi chủng tộc. TINH THẦN LẠC QUAN có tác dụng tích cực lên hệ miễn dịch này. Thứ hai là miễn dịch thu được hay miễn dịch đặc hiệu, bao gồm những tế bào thuộc “binh chủng đặc nhiệm” (tế bào lympho B và T). Những loại tế bào này đã từng đối mặt chinh chiến nhiều lần nên thấu hiểu tường tận kẻ thù, do đó khả năng tiêu diệt quân địch rất cao và chính xác. Việc tiêm chủng vaccine giúp tăng cường miễn dịch đặc hiệu. Thứ ba là miễn dịch thụ động, gặp ở trẻ sơ sinh khi tiếp nhận nguồn kháng thể đến từ sữa mẹ, hoặc miễn dịch tạo nên nhờ thuốc[9].
Theo Charles Rice, chủ nhiệm Laboratory of Virology and Infectious Disease tại Rockefeller University ở thành phố New York “Mặc dù hệ miễn dịch có lớn mạnh bao nhiêu, nhưng vẫn không phải là đội quân ‘bất khả chiến bại’, đặc biệt khi quân thù quá mới mẻ và lạ lẫm như trường hợp virus COVID-19. Nếu virus nhân lên quá nhanh và tìm được cách lẩn tránh khỏi những radar truy lùng của bạch cầu, chúng sẽ tạo nên bệnh lý”. Hơn nữa trong bất cứ cuộc chiến nào, người chiến thắng hay kẻ thua cuộc ít nhiều đều hứng chịu tổn thất. Đối với cuộc chiến giữa bạch cầu và virus, bạch cầu phải tiết ra chất kháng virus (trong đó có cytokine), một mặt tiêu diệt kẻ địch, nhưng mặt khác cũng gây nên tổn thất cho cơ thể, đó chính là phản ứng viêm (sốt, cơ thể mệt mỏi, ho, nôn mửa, chán ăn …). Khi lượng virus xâm nhập quá lớn, thúc đẩy cơ thể phản ứng một cách mãnh liệt, sẽ tạo nên cơn bão cytokine (cytokine storm), gây thiệt hại nặng nề đến nhu mô phổi. Phản ứng tiêu cực này là nguyên nhân chính của triệu chứng suy hô hấp cấp, xuất hiện ở những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng, tình huống xấu nhất có thể dẫn đến tử vong[10].
Vai trò của điều trị y học phải phát huy ưu điểm của hệ miễn dịch, đồng thời hạn chế tổn thương do phản ứng viêm gây ra. Xét về điều trị bằng thuốc, bệnh virus khó chữa hơn vi khuẩn. Britt Glaunsinger nói “Vì căn bản chúng không sống nên không thể đối trị chúng như đối trị những vật thể sống khác”. Điều này có nghĩa là, virus không chứa những dấu ấn đặc trưng của vật thể sống thông thường, nên thành phần hoạt tính của thuốc không xác định được mục tiêu cụ thể để ngăn chặn hay phá hủy. Hơn nữa, virus quá đa dạng, ngay cả những loại virus cùng họ (như SARS và COVID-19), cũng không thể dùng chung một loại thuốc điều trị. Charles Rice phát biểu “Thuốc kháng virus chỉ có tác dụng một phần chứ không thể chữa lành, vì không loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể (ví dụ thuốc kháng virus cúm hoặc HIV)”. Trong trường hợp COVID-19, hiện nay thuốc có tác dụng tốt nhất là Remdesivir, được Gilead Sciences tổng hợp năm 2017 để chống dịch Ebola[11]. Chloroquine cũng được áp dụng trên lâm sàng. Tuy nhiên hiệu quả điều trị của chúng vẫn khá hạn chế.
Đối mặt với đại dịch tầm cỡ quốc tế, vaccine giữ vị trí chiến lược chủ đạo. Cuộc chiến chống Covid đồng hành với cuộc chạy đua sản xuất vaccine của tất cả những công ty hay trung tâm dược hàng đầu thế giới. Tính từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, khoảng 200 ứng cử viên vaccine được nghiên cứu chế tạo. Một số loại hiện nay đang được áp dụng rộng rãi như Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, … Mỗi vaccine có một nguyên tắc hoạt động khác nhau, hoặc tạo nên từ virus hoàn chỉnh bất hoạt giảm độc lực, hoặc tạo nên từ thành phần kháng nguyên quan trọng nhất của virus. Trong trường hợp SARS-CoV-2, đa số vaccine đều nhắm vào protein S, vì nó là chiếc chìa khóa vạn năng khởi đầu cuộc chiến xâm lược. Dù đa dạng về thành phần và nguyên lý, nhưng tất cả vaccine đều dựa vào nền tảng cổ điển, đó là phát tín hiệu báo động giả cho cơ thể. Thông qua việc đưa vào cơ thể một phần tác nhân gây bệnh (bệnh giả), vaccine kích thích hệ miễn dịch đặc hiệu sản xuất kháng thể trung hòa. Trong số đó, một số kháng thể có khả năng ghi nhớ quân địch rất tốt. Nên khi gặp lại kẻ thù một lần nữa (bệnh thật), hệ miễn dịch đặc hiệu sẽ nhanh chóng được huy động để tiêu diệt chúng. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, do khoảng thời gian nghiên cứu thử nghiệm quá ngắn, từ 12 đến 18 tháng, trong khi thông thường quá trình này phải kéo dài từ 10 đến 15 năm, nên tồn tại 2 vấn đề thách thức mọi vaccine đang lưu hành (theo Marc Gastellu-Etchegorry, nhà dịch tễ học và phụ tá giám đốc trung tâm dịch tễ Épicentre của MSF, Pháp): thứ nhất khả năng bảo vệ của vaccine kéo dài bao lâu, và thứ hai dù vaccine có tác dụng phòng ngừa và giảm triệu chứng trên mỗi cá thể, nhưng nó có thật sự ngăn chặn được sự lây lan của virus trong cộng đồng hay không? Câu trả lời có thể phải chờ thêm vài năm nữa.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), để nâng cao hệ miễn dịch tự nhiên, không có bất cứ loại thuốc bổ hay thực phẩm chức năng nào tốt hơn một chế độ dinh dưỡng cân bằng song song với một chế độ sinh hoạt lành mạnh và một tinh thần an lạc. Ăn uống đầy đủ chất đạm và tinh bột (thịt, cá, cơm, bánh mì…), hạn chế chất kích thích (trà, café, thuốc lá, rượu bia), hạn chế dầu mỡ, tăng cường bổ sung vitamins và chất khoáng từ trái cây, rau củ. Ngoài ra, vận động thể dục thể thao và giấc ngủ ngon cũng là yếu tố quan trọng. Cuối cùng phải kể đến tác động tâm lý lên cơ thể vật lý. Căng thẳng, stress, và mất ngủ khiến cơ thể suy yếu toàn diện, sẽ dễ dàng mở cánh cửa chào đón virus xâm nhập cơ thể. Do đó, sự hiểu biết rộng rãi về mọi mặt của dịch bệnh giúp chúng ta điều chỉnh hành vi và thái độ đúng đắn nhằm tự bảo vệ bản thân, đồng thời góp phần bảo vệ cộng đồng người dân Việt Nam nói riêng.
2
Thời Phật còn tại thế, trong luật kể rằng, đức Phật bị bệnh dư nước (Hán: hoạn thuỷ 患水. Pāli: kāyo dosābhisanno), loại bệnh rối loạn dịch trong cơ thể (Horner, The Book of Discipline. iv. 394, n.1). Đức Phật bảo A-nan, Ngài cần được chữa trị.[12] Tôn giả A-nan liền đi mời thầy thuốc Kỳ-bà (Jīvaka) đến chữa trị cho Phật.[13] Trong luật không nói đức Phật dùng bất cứ phương pháp tâm linh nào để điều trị cho chính mình. Hoặc như chuyện Śāriputra (Xá-lợi-phất) bị bệnh, Maudgalyāyana (Mục-kiền-liên) dùng thần thông đi lấy nhiều ngó sen về cho Śāriputra dùng.[14] Tại sao Maudgalyāyana không dùng thần thông chữa trị cho Śāriputra? Chỉ có câu chuyện về một ưu-bà-di tên Mahāsenā[15] (Suppiyā[16]), bà muốn cứu giúp một tỳ-kheo bệnh nặng, vị ấy cần thịt để ăn cho mau chóng phục hồi sức khỏe. Do đi chợ mua không có, bà phải cắt thịt đùi của mình cúng cho tỳ-kheo ăn. Khi biết chuyện này, đức Phật đã dùng thần thông chữa lành vết thương cho bà. Sau đó đức Phật quở trách tỳ-kheo bệnh và để tránh lặp lại sự việc như vậy trong tương lai, Ngài quy định rằng, tỳ-kheo nào khi nhận được thịt cúng dường phải hỏi nguồn gốc của miếng thịt đó.[17]
Ở trên chỉ là cách chữa trị đơn giản, về khoa phẫu thuật thời ấy cũng chưa phát triển cho mấy, trường hợp tỳ-kheo bị mụt mọc ở hậu môn, thầy thuốc dùng dao phẫu thuật, đức Phật thấy quá nguy hiểm cấm không cho làm nữa.[18] Mãi đến thế kỷ thứ 4, 5, khoa phẫu thuật phát triển khá hơn, qua ghi chép của Thế Thân (Vasubandhu), ông tường thuật như sau: Thai nhi chết trong bụng mẹ, nữ y sĩ khoa nhi tinh thông khoa sản (kumāra-bhṛtyaka) dùng dầu mè ấm, hoặc bột nhớt cây thiểm-mạt-lê (睒未梨, śālmali)[19] bôi lên tay, rồi cầm con dao nhỏ sắc bén, thò tay vào trong ổ ghẻ mạch quản thân (kāyanāḍīvraṇe, 身瘡孔中 thân sang khổng trung)… cắt rời từng chi, rồi lôi ra ngoài.[20]
Do đó, thời Phật vấn đề y khoa chữa bệnh trị bệnh Ngài không thể không thông suốt nhưng khi bệnh đến còn phải nhờ bác sĩ chuyên môn giúp đỡ. Chúng ta không bằng đức Phật thì đừng làm những gì mà chính mình chưa hiểu biết thấu đáo. Giả như VIRUS có xuất hiện thời Phật thì Ngài cũng phải nhờ y khoa can thiệp, chắn chắn Ngài không dùng thần thông hay năng lực siêu nhiêu nào để giải quyết, kể cả phương tiện tâm linh. Nếu những thứ đó cứu chữa được cho Ngài và cho hàng đệ tử thì Ngài đã làm rồi. Chỉ có một điều gì kỳ lạ, tại sao đức Phật lại dùng thần thông chữa trị cho ưu-bà-di Mahāsenā? Theo chúng tôi nghĩ, đằng sau câu chuyện huyền thoại trên, đạo Phật giáo dục cho chúng ta nhận chân rằng, chúng sanh khổ đau tật bệnh, bằng mọi giá Phật giáo phải dấn thân. Nơi đâu có nước mắt nhân sinh nơi đó có các vị Bồ-tát hóa thân cứu khổ, bằng nhiều phương tiện khác nhau. Như hạnh nguyện từ thiện của những người Phật tử và không phải Phật tử đang làm, đang cứu tế cho dân nghèo, người bệnh khắp nơi hiện nay.
Trong đạo Phật, hoặc nói rõ hơn là sau thời Phật, khi năng lực của người tu Phật tiếp nhận giáo lý bị sai lệch dần cũng bởi năm thứ uế trược (ngũ trược [trọc] 五濁, pañca kaṣāyāḥ) lan tràn không thua gì SARS-CoV-2, đó là (1) kiếp trược (kalpa-kaṣāya), môi trường tự nhiên trở nên tồi tệ; (2) kiến trược (dṛṣṭi-kaṣāya), chánh pháp diệt, tà pháp sinh, người tu hành chạy theo tà kiến; (3) phiền não trược (kleśa-kaṣāya), chúng sanh chỉ biết truy cầu dục lạc; (4) chúng sanh trược (sattva-kaṣāya), chúng sanh có thể chất, tinh thần bạc nhược, còn bất hiếu, không sợ ác nghiệp vân vân; (5) mạng trược (āyu-kaṣāya), tuổi thọ con người ngắn ngủi. Thì cũng là lúc Phật giáo mở cửa “phương tiện” độ sanh; gốc tiếng Phạn của từ “phương tiện” là upāya-kauśalya, Hán dịch là phương tiện thiện xảo, nguyên nghĩa chỉ cho sự tiếp cận, nói rộng ra là chỉ cho thủ đoạn tiến hành, là trí năng nhạy bén để tiếp cận vấn đề, hay vận dụng thủ đoạn một cách linh hoạt để thành tựu mục đích.[21] Trong đó “phương tiện” tu học: tụng kinh, niệm Phật, trì chú v.v. là hình thức “tha lực” trợ duyên cho những tâm hồn yếu đuối nương vào đó để quán chiếu tu tập giác ngộ. Nhưng thuở ban đầu như con suối trong xanh phát xuất từ đầu nguồn mạch núi, rồi ra khỏi núi nguồn nước đó đục dần, khi nó mở rộng thành con sông lớn tất phải mang theo vô số rác bẩn, nhiều khi cả cây trái độc.[22] Cũng thế, những pháp tu này dần dần thỏa hiệp với loại mê tín dân gian, hợp nhất thành phương tiện cứu cánh, có thể cứu rỗi tất cả tai ương, tật bệnh. Đức Phật đã dạy rõ: “Nếu thấy pháp là thấy Ta (Phật), nếu thấy ta là thấy pháp.”[23] Tức chân lý hiện hữu ngay giữa dòng đời vẫn đục này, chỉ do con người mang “mắt kính” ngã chấp mới bẻ cong thực tại của pháp. Như trăng sáng vằng vặc là đề tài cho bao thi nhân cảm tác, ngược lại đối với đạo chích, ánh trăng là kẻ thù số một.
Đọc tụng kinh Phật để suy nghĩ một cách chân chính về những gì đức Thế Tôn giảng dạy và kiểm nghiệm với những gì ta đang sống thực. Chân lý là sự sống thực chứ không phải là những khái niệm hư dối, viển vông. Nếu tụng đọc kinh Phật có thể đẩy lùi dịch bệnh thì chúng ta đọc kinh Hanuman Chalisa (Hanuman Chalisa là bài thánh ca phổ biến nhất, ca ngợi thần Hanuman và được hàng triệu người theo đạo Hindu đọc mỗi ngày[24]) cũng có năng lực như nhau. Trên đài BBC đăng tin vào ngày 25 tháng 7 năm 2021: Một người tên Stephen Harmon, một thành viên của đại giáo đoàn Hillsong, anh ta bị nhiễm virus mà mất, vì từ chối việc tiêm vaccine và tuyên bố đức tin tôn giáo sẽ bảo vệ anh ta. Cũng như một người Phật tử buồn than, sao người em của cô ta tụng kinh, lạy Phật hằng ngày mà vẫn bị nhiễm virus.
Akira Sadakata nói, nền văn minh châu Âu tin rằng một người có thể tiếp cận thực tại bằng cách quan sát sự vật rõ ràng, đừng để điều gì dẫn đến sự lầm lẫn. Đối với người phương Tây, sự thiếu vắng nhận thức chính là ngu muội.[25] Tư duy về Phật giáo đang bị phá đổ, người viết chỉ có công dựng đứng lại mà thôi, một hệ thống tư tưởng dù dưới hình thức nào cũng có sức mạnh trợ giúp con người nếu nó thực sự là nguồn sáng. Như lời của Tăng Triệu: “Chúng sanh mê ngủ, phi ngôn ngữ thì không sao tỏ ngộ. Vì vậy, cần có sự minh giải.”[26]
Mùa an cư, Phật lịch 2565, 31/ 07/ 2021- Việt Nam.
[1] Cf. Teresa, Mother; Kolodiejchuk, Brian (2007). Mother Teresa: Come Be My Light. New York: Doubleday & wikipedia.org.
[2] Luận Trí độ 1, T25n1509, p. 61b11.
[3] Mohammad Asaduzzaman Chowdhury, Nayem Hossain, Mohammod Abul Kashem, Md. Abdus Shahid, Ashraful Alam. Immune response in COVID-19: A review.
[4] Cf. Suckhoedoisong.vn.
[5] Zhu N, Zhang D, Wang W, et al. China Novel Coronavirus Investigating and Research Team. A novel coronavirus from patients with pneumonia in China, 2019. N Engl J Med. 2020; 382 (8): 727 – 733. doi:10.1056/ NEJMoa2001017.
[6] Goldsmith CS, Tatti KM, Ksiazek TG, et al. Ultrastructural characterization of SARS coronavirus. Emerg Infect Dis. 2004;10(2):320-326. doi:10.3201/eid1002.030913.
[7] Hoffmann M, Kleine-Weber H, Schroeder S, et al. SARS-CoV-2 cell entry depends on ACE2 and TMPRSS2 and is blocked by a clinically proven protease inhibitor. Cell. 2020;181(2):271-280; doi:10.1016/j.cell. 2020. 02. 052.
[8] Wang W, Xu Y, Gao R, et al. Detection of SARS-CoV-2 in different types of clinical specimens. JAMA. 2020; 323(18):1843-1844. doi:10.1001/jama. 2020. 3786.
[9] Mohammad Asaduzzaman Chowdhury, Nayem Hossain, Mohammod Abul Kashem, Md. Abdus Shahid, Ashraful Alam. Immune response in COVID-19: A review.
[10] W. Joost Wiersinga, MD, PhD; Andrew Rhodes, MD, PhD; Allen C. Cheng, MD, PhD; Sharon J. Peacock, PhD; Hallie C. Prescott, MD, MSc. Pathophysiology, Transmission, Diagnosis, and Treatment of Coronavirus Disease 2019 (COVID-19): A review
[11] Siegel D, Hui HC, Doerffler E, Clarke MO, Chun K, Zhang L, et al. Discovery and synthesis of a phosphoramidate prodrug of a pyrrolo[2,1-f][triazin-4-amino]adenine C-nucleoside (GS-5734) for the treatment of Ebola and emergingviruses. J Med Chem 2017;60(5):1648–61.
[12] Pāli (Vin.i. 279): icchati tathāgato virecanaṃ pātun ti, “Như Lai muốn uống thuốc xổ (hạ tể).”
[13] Luật Tứ phần (四分律) 40, T22, no. 1428, p. 853, b23.
[14] Thập tụng: p. 190c24 – 191a8; Tứ phần: p. 867b29-c29; Ngũ phần: khuyết; Pāli: VI, 20; Căn bản [bản Phạn]: 239, 18 seqq.
[15] Thập tụng 26: Ưu-bà-di tên Ma-ha-tư-na 優婆夷, 字摩訶斯那. Dược sự 1: Đại Quân Nữ 大軍女. MSV. Mahāsenā. Tạng. sDe chen ma.
[16] Tứ phần 42: Ưu-bà-tư tự Tô-tì 優婆私字蘇卑. Ngũ phần 22: Tu-ti 須卑. Tăng-kỳ 32: Thúc-ti 卑. Pāli: Suppiyā.
[17] Thập tụng: p. 185c5 – 186b1; Tứ phần: pp. 868c5 – 869a8; Ngũ phần: p. 148b10-c11; Pāli: VI, 23, 1-9; Căn bản [Dược sự]: p. 3b26-4b1; bản Phạn: XIV, 9 seqq.; Tăng-kỳ: p. 486a24-c1.
[18] Thập tụng: p. 187a28-b5; Tứ phần: p. 871a13-18; Ngũ phần: p. 147c10-13; Pāli: VI, 22, 1-3; Căn bản [Dược sự]: cf. p. 5c9-7a7; Tăng-kỳ: p. 488b12-25
[19] Loại cây gòn hay Semul, loại cây cao, có gai, hoa đỏ.
[20] Câu-xá luận (阿毘達磨俱舍論)9, T29, no. 1558, p. 47, c29 & Tuệ Sỹ, Câu-xá ii, Việt dịch, 2013, p. 245.
[21] Cf. Tuệ Sỹ, Huyền thoại Duy-ma-cật, 2007, p. 58.
[22] Ibid., p. 120.
[23] S. 3. p. 120 – Nam truyền đại tạng kinh 14, Tương ưng bộ, p. 190.
[24] En. wikipedia.org.
[25] Akira Sadakata, Vũ trụ quan Phật giáo, 2017, p. 121.
[26] Tuệ Sỹ, Huyền thoại Duy-ma-cật, p. 187.