Bhikkhu Cittacakkhu: Lịch sử kết tập và hoằng truyền Luật Thập Tụng của Hữu Bộ

I. TỔNG QUAN NỘI DUNG:

  1. Tì-kheo phân biệt (Bhikṣuvibhaṅga, Đại chánh 23, trang 1 – 147).
  2. Kiền-độ (Skandhaka, trang 148 – 302).
  3. Tì-kheo-ni phân biệt (Bhikṣunīvibhaṅga, trang 302 – 346).
  4. Một số Phụ lục (trang 346 – 470).

Luật Thập tụng và luật Tăng-kỳ đặt Skandha giữa Tì-kheo phân biệt và Tì-kheo-ni phân biệt. Luật Thập tụng không giống với các bộ luật khác. Luật Thập tụng kết cấu như vậy bởi vì tách kỳ Kết tập ra khỏi Skandhaka và xếp trong phần Phụ lục. Thiên Skandhaka kết cấu như sau:

– 7 Pháp 七法:

  1. Pháp thọ cụ túc giới 受具足戒法, (quyển 21) tr. 148a1 – 157c28 = 1. Pravrajyāvastu.
  2. Pháp Bố-tát 布薩法, (quyển 22) tr. 158a1 – 165a4 = 2. Poṣadhavastu.
  3. Pháp Tự tứ 自恣法, (quyển 23) tr. 165a5 – 173a28 = 4. Pravāraṇavastu.
  4. Pháp An cư 安居法, (quyển 24) tr. 173b1 – 178a13 = 3. Varṣāvastu.
  5. Pháp da thuộc (Bì cách pháp) 皮革法, (quyển 25) tr. 178a14 – 184b17 = 5. Carmavastu.
  6. Pháp y dược 醫藥法, (quyển 26) tr. 184b18 – 194b3 = 6. Bhaiṣajyavastu.
  7. Pháp y 衣法, (quyển 27) tr. 194b4 – 206b26 = 7. Cīvaravastu.

– 8 Pháp 八法:

  1. Pháp Y ca-hi-na 迦絺那衣法, (quyển 29) tr. 206c1 – 214a15 = 8. Kaṭhinavastu.
  2. Pháp Câu-xá-di 俱舍彌法, (quyển 30) tr. 214a16 – 217c29 = 9. Kośāmbakavastu.
  3. Pháp Chiêm-ba 瞻波法, (quyển 30) tr. 218a1 – 221a12 = 10. Karmavastu.
  4. Pháp Bàn-trà Lô-già般茶盧伽法, (quyển 31) tr. 221a13 – 228b10 = 11. Pāṇḍulohitakavastu
  5. Pháp hối Tăng tàn 僧殘悔法.
    a. Khổ thiết yết-ma 苦切羯磨, (quyển 32) tr. 228b11 – 236c9 = 12. Pudgalavastu.
    b. Thuận hành pháp順行法, (quyển 33) tr. 236c10 – 239b5 = 13. Pārivāsikavastu (Kiền-độ phú tàng).
  6. Pháp ngăn 遮法, (quyển 33) tr. 239b6 – 242a14 = 14. Poṣadhasthāpanavastu.
  7. Pháp ngọa cụ 臥具法, (quyển 34) tr. 242a15 – 251a15 = 17. Śayanāsanavastu.
  8. Pháp tránh sự 諍事法, (quyển 35) tr. 251a16 – 256b23 = 15. Śamathavastu.

Tạp tụng 雜誦:

  1. Điều-đạt sự 調達事, (quyển 36) tr. 257a1 – 267a21 = 16. Saṃghabhedavastu
  2. Pháp Tạp 雜法,
    a. Pháp Tạp雜法, (quyển 37) tr. 267a22 – 290c29 = 19. Kṣudrakavastu.
    b. Pháp tì-kheo-ni 比丘尼法, (quyển 40) tr. 290c21 – 298a25 = 20. Bhikṣuṇīvastu.
    c. ——————————- (20 pháp phần cuối 後二十法), (quyển 41) tr. 298a26 – 302c8 = 18. Ācāravastu.

Sự truyền thừa thiên Skandhaka trong bộ luật này, điểm đặc biệt là những chương phụ dành cho phần lớn lại bị mất. Nhưng chương chính và truyền thuyết cố sự thì được bảo tồn tốt, trong mọi trường hợp so với mấy bộ luật khác không thua kém gì. Một điều đáng chú ý là trong một số trường hợp, và trên hết là trong việc tái tạo các truyền thuyết, nó cho thấy luật Thập tụng và luật Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ có liên hệ với nhau. Theo Frauwallner, văn hiến cả hai bộ phái này ảnh hưởng lẫn nhau, xứng đáng được nghiên cứu chính xác trong bối cảnh rộng lớn hơn.[1]

II. LỊCH SỬ TRUYỀN DỊCH VÀ TRUYỀN BẢN

Bản luật Thập tụng (Sarvāstivāda-vinaya, Daśa-bhāṇavāra-vinaya) trải qua nhiều chặn đường truyền dịch quanh co. Ban đầu, Ti-ma-la-xoa (Vimalākṣa) người nước Kế Tân chuyên trì Thập tụng, đến Qui Tư (nay là huyện Khố-xa, khu tự trị của người Uighur – Tân Cương) hoằng truyền Luật tạng, người học khắp nơi đổ về học, trong đó có Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva). Năm 383 (niên hiệu Kiến nguyên thứ 19 nhà Tiền Tần), Lữ Quang vâng lệnh Phù Kiên chinh phạt Qui Tư đón La-thập trở về đông, trên đường trở về nghe vua Phù Kiên mất, Lữ Quang vào Ngọc môn quan đánh lấy Lương Châu lập nước Hậu Lương, La-thập bị lưu lại đó. Còn Ti-ma-la-xoa đến nước Ô-trượng-na (Udyāna, phía bắc Ấn Độ, nay ở mạn nam núi Hindu Kush) lánh nạn. Mãi đến khi Diêu Hưng nhà Hậu Tần đánh bại Lữ Quang, mới đón La-thập về Trường an.

La-thập về Trường an vào ngày 20 tháng 12 niên hiệu Long an thứ 5 (401), đời Đông Tấn.[2] Vua Diêu Hưng tôn La-thập làm quốc sư, cho ở vườn Tiêu dao chuyên việc dịch kinh. Khoảng năm Hoằng thủy, Phất-nhã-đa-la (Puṇyatāra) người nước Kế Tân chuyên trì giới luật, tinh thông Thập tụng cũng đến Trường an, vua Diêu Hưng tiếp đãi với lễ thượng khách. Ngày 17 tháng 10, năm thứ 6 niện hiệu Hoằng thủy (404), thầy nhận lời mời, đến vườn Tiêu dao đọc luật Thập tụng tiếng Phạn, La-thập dịch ra tiếng Hán.[3] Nhưng dịch mới được hai phần ba thì Phất-nhã-đa-la viên tịch, lúc này việc phiên dịch chỉ bằng khẩu truyền, không có bản Phạn chánh văn, do vậy mà việc dịch đành tạm dừng. Năm Hoằng thủy thứ 7 (405), Đàm-ma-lưu-chi (Dharmaruci) ở Tây Vực, đến Trường an, mang theo luật Thập tụng bản Phạn. Huệ Viễn ở Lô sơn hay tin viết thư mời Đàm-ma-lưu-chi cùng La-thập dịch tiếp bộ Thập tụng, đồng thời sai đệ tử là Đàm Ung tham gia phiên dịch. Bản Hán dịch hoàn tất gồm 58 quyển, song chưa sang định lại thì La-thập nhập diệt.

Năm Hoằng thủy thứ 8 (406), Ti-ma-la-xoa nghe La-thập ở Trường an hoằng truyền kinh giáo, sư đến Trường an được La-thập tiếp đón với lễ thầy trò, sau khi La-thập thị tịch, sư đến chùa Thạch Giản ở Thọ Xuân giảng luật Thập tụng và duyệt lại 58 quyển Thập tụng do La-thập dịch, sư triển khai dịch bổ túc thêm 3 quyển nữa là “Thiện tụng tỳ-ni tự” hay gọi “Tỳ-ni tụng”, hoàn thiện thành 61 quyển.[4]

Lúc lâm chung, La-thập nói, ta dịch kinh luận trên 300 quyển, chỉ có bộ Thập tụng là chưa san định, gọt bỏ phồn văn, còn bảo tồn nguồn gốc ngữ nghĩa, không biết có sai sót chỗ nào không?! Do đó, luật Thập tụng được chính La-thập công nhận là bản dịch khế hợp với nguyên tác.

Hiện nay, bản Phạn luật Thập tụng đã thất lạc, chỉ tìm được phần Biệt giải thoát giới kinh giống với giới bổn tỳ-kheo trong Thập tụng (bản Hán). Và một mảnh rời 17 việc (thập thất sự) tương đồng với giới bổn ni trong Thập tụng, do những nhà khảo cổ học như Petrovski, Aurel Stein, Paul Pelliot, sư Ōtani Kōzui v.v… phát hiện ở Khố-xa (Kucha), từ những cuộc thám hiểm suốt một vùng Trung á (Tây Vực) từ năm 1900 đến năm 1916.[5]

III. LUẬT THẬP TỤNG HOẰNG TRUYỀN Ở TRUNG QUỐC

Sau khi luật Thập tụng được phiên dịch, Ti-ma-la-xoa mang đến Giang lăng (nay huyện Giang lăng, Hồ bắc) hoằng dương. Tuệ Du (thời Lưu Tống) ở Giang Tả theo học và hoằng dương luật Thập tụng, trước tác Thập tụng sớ nghĩa 8 quyển. Sau Ti-ma-la-xoa rời chùa Thạch Giản xuống Giang lăng giảng luật Thập tụng, có Tuệ Quán (thời Lưu Tống) thông hiểu tông chỉ, ghi chép điều khinh trọng trong giới luật cấm chế, viết thành hai quyển, mang về Kinh sư, Tăng ni truyền nhau biên chép học tập.[6]

Cùng thời có Tăng Nghiệp (367-441) người Hà Nội, Hà Nam đến Trường an theo ngài Cưu-ma-la-thập học luật Thập tụng, được La-thập khen là Ưu-ba-li hậu thế; sau Tăng Nghiệp hoằng hóa ở chùa Nhàn Cư, Cô tô (nay Giang tô, Tô châu). Lại có Tuệ Tuân (375-458) người Triệu quận (huyện Triệu, Hà bắc) cũng đến Trường an học luật với Cưu-ma-la-thập, tinh thông luật Thập tụng và luật Ma-ha tăng-kỳ, hoằng dương luật ở Quảng lăng (nay Dương châu, Giang tô). Tăng Nghiệp lại có hai vị đệ tử đều giỏi luật Thập tụng, là Tuệ Quang và Tăng Cừ. Tăng Cừ có soạn Thập tụng yết-ma tỳ-kheo yếu dụng, 1 quyển.

Thời Lưu Tống còn có Luật sư Thành Cụ, Tuệ Diệu, Đàm Bân cũng giỏi luật Thập tụng.

Đến thời Nam Tề, có Pháp Dĩnh (416-482) soạn Thập tụng tỳ-kheo-ni giới bản (Thập tụng tỳ-kheo-ni ba-la-đề-mộc-xoa), 1 quyển, Thập tụng luật yết-ma tạp sự, 1 quyển. Và Siêu Độ (năm sinh năm mất không rõ) chuyên về luật Thập tụngTứ phần, soạn Luật lệ 7 quyển. Trí Xứng (430-501) soạn Thập tụng nghĩa ký, 8 quyển. Tăng Hữu (445-518) soạn Thập tụng nghĩa ký, 10 quyển. Và Pháp Lâm (?-495) nghiên cứu thông hiểu Thập tụng, hoằng dương luật ở chùa Linh Kiến đất Thục.

Thời Lương, có Đạo Thiền (458-527) người Giao Chỉ (Việt Nam), trú ở chùa Vân Cư Hạ, núi Chung, nổi tiếng chuyên luật Thập tụng, giáo hóa Tăng ni rất đông.

Thời Trần, có Đàm Viện (501-582) người Kim lăng, ở chùa Quang Trạch, biên soạn Thập tụng sớ 10 quyển, Giới bổn 2 quyển, Yết-ma sớ 2 quyển…

Thời Nam triều, sư Pháp Siêu (456-526) người Tấn lăng (tỉnh Giang tô), từng theo ngài Trí Xứng học luật Thập tụng. Năm Phổ thông thứ 6 (526), vua Lương vũ đế thỉnh sư tuyên giảng luật ở điện Bình đẳng, vua thân hành đến thọ học. Sư có trước tác Xuất yếu luật nghi 14 quyển. Lại có sư Trí Văn (509-599) người Đơn dương (nay tỉnh Giang tô), thông hiểu luật tạng, đức hạnh thanh cao, chuyên giảng luật Thập tụng, sư để lại các tác phẩm Luật nghi sớ 12 quyển, Yết-ma sớ 4 quyển, Bồ-tát giới sớ 2 quyển.[7] Và ngài Đạo Thành (532-599) cũng là người Đơn dương, theo thọ giáo luật Thập tụng với ngài Trí Văn (509-599) ở chùa Phụng Thành, có trước tác Luật đại bản yết-ma chư kinh sớ 36 quyển.[8]

Tuệ Kiểu (497-554) đã nhận định trong tác phẩm[9] của mình:

“Từ khi đại giáo truyền về Đông đầy đủ ngũ bộ (năm bộ luật). Đầu tiên Phất-nhã-đa-la đọc (tụng thuộc lòng) bản Phạn Thập tụng, La-thập dịch ra Tấn văn (tiếng Hán), dịch chưa xong thì Đa-la hóa (mất). Sau đó, Đàm-ma-lưu-chi đọc bản khác (bản Phạn chánh văn), La-thập dịch mới xong. Rồi Phật-đà-da-xá dịch Đàm-vô-đức bộ, tức luật Tứ phần… Tuy các bộ đều được truyền dịch nhưng bộ luật Thập tụng là thịnh nhất ở Đông quốc.”

Đông quốc mà Tuệ Kiểu nói, là một dải đông bộ Trung Quốc, cả sông Trường Giang chảy dài qua mười một tỉnh thành và sông Hoài bắt nguồn từ Hà nam chảy qua An huy, Giang tô. Lần lại vết đạo xa xưa mà những vị tông sư hoằng dương Thập tụng, cho ta thấy một thời rực rỡ huy hoàng, khởi thủy từ triều đại Đông Tấn mãi đến đầu đời Đường, khi Đạo Tuyên (596-667)… xiển dương Tứ phần, áp đảo các bộ luật khác, Thập tụng cũng bị ảnh hưởng chung, không được nhiều người trọng thị nữa, dần dà tuyệt tích tiêu trầm.

Trong những vị tông sư truyền thừa Thập tụng sau này, có Trí Xứng là người nổi danh, Tăng ni đương thời đều kính ngưỡng. Những tác phẩm do các ngài trước tác, hầu như đều thất lạc, chỉ còn hai bản là Thập tụng tỳ-kheo-ni giới bản Thập tụng yết-ma tỳ-kheo yếu dụng, hiện nay xếp trong tạng Đại chánh tập 23.

(xem tiếp Phần II) 

Mùa an cư Phật lịch 2565 (2021, 26 tháng 5, Tân sửu), chùa Long Sơn – Việt Nam.
Bhikkhu Cittacakkhu


[1] Cf. E. Frauwallner, The earliest Vinaya and the beginnings of Buddhist literature – The Vinaya of the Sarvāstivādin, p. 177.
[2] Cao tăng truyện (高僧傳) 2, T50n2059, p. 332a24 (Cao Tăng truyện 14 quyển, Tuệ Kiểu soạn thời Lương).
[3] Ibid., p. 333a20.
[4] Ibid., p. 333b26.
[5] Cf. Hadani Ryōtai – 西域佛教研究, 中華民國 68 (現代佛教學術叢刊80), p.17.
[6] Cao Tăng truyện 2, p. 333b21.
[7] Tục cao tăng truyện  21, T50n2060, p. 609b7.
[8] Ibid., p. 611a4.
[9] Cao tăng truyện 11, p. 403b12.

Hiển thị thêm
Back to top button