Bhikkhu Cittacakkhu: Luật Thập Tụng hoằng truyền tại Việt Nam
Lịch sử kết tập và hoằng truyền Luật Thập Tụng của Hữu Bộ
Tiếp theo Phần I
IV. LUẬT THẬP TỤNG HOẰNG TRUYỀN TẠI VIỆT NAM
Trong các thư tịch Hán-Việt ký tải lịch sử hoằng truyền luật Thập tụng tại Việt Nam chỉ thấy bắt đầu thời Đạo Thiền. Tục cao tăng truyện, Đạo Tuyên biên soạn thời Đường, quyển 21[1] và Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập I, của Lê Mạnh Thát, trang 783, ghi lại như sau:
“Thích Đạo Thiền, người Giao Chỉ, sớm thoát lưới đời, lập tính phương nghiêm, tu thân giữ giới trong sạch sánh các cao đức, làng họ Tăng tục đều quý Thiền khắc kỷ, trọng Thiền thuần hậu. Chùa núi Tiên Châu xưa bị nhiều cọp hại, Thiền đến ở đó, nạn ấy liền xa. Khi nghe Cánh Lăng vương nhà Tề rộng mở thiền luật, dựng nhiều chỗ giảng, người ta ngàn dặm ruổi xe, cùng đến Kim Lăng. Họ đều là gương mẫu bốn bể, người tài của đời và tay giỏi trong đạo. Thiền truyền dạy sách hay rất thông. Ban đêm không ngủ, tham khảo kinh mầu, vâng tìm lời Phật. Đến năm Vĩnh Minh thứ nhất (483), du lịch qua nhà cửa của kinh đô, để đến ở chùa Vân Cư Hạ tại Chung Sơn. Thiền vâng điều khiển Tăng chúng, nổi tiếng vì rộng dùng luật Thập tụng. Dạy đạo trải qua, Tăng ni tin vâng, nên uy tín chấn phát, tiếng tăm biết khắp. Thiền điềm đạm dạy người, bàn cãi có phong thái, nên kẻ chịu thọ giới với Thiền ở tại kinh đô, số vượt quá ngàn. Học đồ thường đến nghe Thiền giảng không thiếu dưới một trăm. Thiền thích diệt giác và quán, luôn náu núi xa, nếu ồn ào quá cảnh đêm, bèn tìm cách lui bước, lại ăn những thức ăn hoang dã, mặc những đồ tồi tàn, miệng không bao giờ nói chuyện phù phiếm. Nếu có ai cho đồ ngon đẹp, tùy theo mà cấp phát cho những người nghèo đau. Cái giàu của sự tri túc há vượt được ư! Cuối đời, Thiền đến ở nhà của chùa, chôn dấu mình ở núi rừng, không giao thiệp với thế tục cao sang, chịu khổ lập hạnh. Người ta lấy thế làm buồn, nhưng Thiền vẫn không thay đổi sự vui của mình. Năm Đại thông thứ nhất (527), Thiền mất ở chùa núi, xuân thu 70.”[2]
Lê Mạnh Thát suy luận, Đạo Thiền mất năm 527, lúc 70 tuổi, như vậy ông phải sinh vào năm 457. Đạo Tuyên không nói rõ Thiền xuất gia ở chùa nào, nhưng chắc chắn không phải là chùa núi Tiên Châu, để sau này ông đã đến ở và làm cho nạn cọp hại người hết đi. Thiền ở chùa đó bao lâu ta không biết, có thể tới những năm 479. Năm 483, Thiền có mặt tại Kim Lăng, rồi đến ở chùa Vân Cư Hạ của Chung Sơn. Có thể Thiền qua Trung Quốc trước năm 483 hay tối thiểu vào năm đó. Và Đạo Tuyên nói Đạo Thiền “thích diệt giác và quán”[3] (ghi trong cuộc đời của Đạo Thiền) rõ ràng là thiền do Khương Tăng Hội truyền thụ và quảng bá.[4]
Tuy lịch sử không ghi chép gì về Đạo Thiền xuất gia với ai và thọ giới năm nào, nhưng sư hành trì luật Thập tụng là một minh chứng hệ luật của Hữu bộ đã được truyền thừa trước đó cho nên mới có sự tiếp nối đến thời Đạo Thiền. Vậy nếu Đạo Thiền được Khương Tăng Hội truyền thiền thì Hội có phải người theo hệ luật Hữu bộ và trì luật Thập tụng hay không? Yếu tố này khá quan trọng đối với những nhà nghiên cứu luật học Phật giáo.
Theo chúng tôi đoán định, trước và sau thời Khương Tăng Hội, số Tăng nhân đến Việt Nam có cả hệ phái Pháp tạng (Đàm-vô-đức, Dharmaguptaka) và Hữu bộ (Sarvāstivada).
Nếu tìm dấu vết của phái Hữu bộ tại Việt Nam thời ấy phải kể tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử. Trong đó Mâu Tử có dẫn lời những người chỉ trích Phật giáo: “…nay sa-môn cạo đầu, khoác vải đỏ, thấy người mà không quỳ lạy theo lễ nghĩa…?”[5] Và lời biện minh cho giá trị đạo đức của những vị sa-môn này: “Sa-môn giữ 250 giới, ngày ăn trai (không ăn chiều tối). Giới ấy không phải sở văn của người ưu-bà-tắc.”[6] Lê Mạnh Thát nói Mâu Tử viết Lý hoặc luận tại Việt Nam khoảng năm 198[7], thì điều Mâu Tử nói cho phép chúng ta suy luận, thời bấy giờ tại Việt Nam (Giao Châu) đã tồn tại Tăng-già dưới một hình thức tổ chức nếu theo màu y là chỉ cho Thuyết nhất thiết hữu bộ. Ấn Thuận cũng cho rằng màu y đỏ mà Mâu Tử nói chính là bộ phái này[8].
Trước Khương Tăng Hội có sư Phật Quang truyền tam quy cho Chữ Đồng Tử, Tiên Dung, thời Hùng Nghị vương thứ nhất hoặc thứ hai, tức khoảng thế kỷ II-III trước Tây lịch. Sau sư Phật Quang, đến năm cuối Hán Linh đế (189 sau Tây lịch – hạ bán thế kỷ thứ II), có hai nhà sư nữa là Khâu-đà-la và Kỳ-vực đến Giao Châu (Việt Nam). Về niên đại của Khâu-đà-la, ông đến Việt Nam năm 189, khoảng 40 hay 50 tuổi, thì năm sinh là khoảng 150 sau Tây lịch, mất khoảng sau 240 sau Tây lịch. Sư đến thành Luy Lâu độ ưu-bà-tắc Tu Định và người con gái tên Man nương (A Man). Tu Định và Man nương là lớp Phật tử kế tiếp sau Chữ Đồng Tử. Còn Kỳ-vực, sử liệu chỉ nói đến Việt Nam cùng lượt với Khâu-đà-la, thời trị sở của Sĩ Vương (Sĩ Nhiếp). Những vị sư đến trước thời Hội hoặc sau Hội đều là người Ấn, Chiêm Thành, Khương-cư v.v…[9] Hadani Ryōtai xác nhận Phật giáo Khương-cư truyền vào Trung Quốc là dùng luật Đàm-vô-đức bộ (Dharmaguptaka)[10] thì Tăng sĩ người Khương-cư phải là Pháp tạng bộ nếu họ hoằng pháp ở Việt Nam thời ấy. Còn những vị khác có thể là Hữu bộ, theo như Mâu Tử nói màu y trên. André Bareau nói cuối thế kỷ thứ 7, Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ có mặt đông đảo tại Magadha, tức lưu vực trung lưu sông Hằng, một số ít ở miền Tây tại Lāta và Sindhu, và miền Nam, khá đông ở miền Đông (Bengal), Bắc Punjab, đảo Sonde (indonesia), Champa.[11] Và trước thời Đạo Thiền không bao xa, trong Cao tăng truyện có nói đến Guṇavarman (Cầu-na-bạt-ma 求那跋摩, 367-431) người Kaśmira (Kế-tân) đến Java (Xà-bà quốc 闍婆國, cũng thuộc quần đảo Sonde ở indonesia) truyền đạo. Sau ông đến Trung Quốc đời Lưu Tống, ở đó dịch Tứ phần tỳ-kheo-ni yết-ma pháp của Pháp tạng bộ, và Tạp A-tỳ-đàm tâm của Hữu bộ…[12] Rõ ràng dấu vết truyền giáo của bộ phái này không đứt đoạn. Như vậy Phật giáo tại Giao Châu từ Mâu Tử đến thời Hội rồi kéo dài đến thời Đạo Thiền, có lẽ Tăng sĩ Hữu bộ và Pháp tạng bộ đều hiện diện là có thật.
V. BẢN VIỆT DỊCH
Bản Thập tụng được chuyển ngữ từ Hán sang Việt bắt đầu năm 2000, năm đó Hòa thượng Thích Đỗng Minh gọi chúng tôi dạy: “Hiện nay ba bộ luật trong năm bộ luật chính đã dịch rồi, là Tứ phần và Ngũ phần tôi đã dịch, bộ Ma-ha-tăng-kỳ thầy Phước Sơn dịch. Còn bộ Thập tụng thầy Đức Thắng chỉ mới dịch phần ni giới, mấy thầy dịch tiếp cho hoàn tất đi!” Khi ấy chúng tôi vào thư viện Ban phiên dịch (tại chùa Long Sơn, Nha Trang) tìm bản Việt dịch của thầy Đức Thắng, chỉ thấy từ quyển 42 đến quyển 51, dạng chữ đánh máy, giấy pơ-luya (pelure). Chúng tôi đưa cho Phật tử đánh vi tính, lưu thành file. Sau đó, chúng tôi khởi sự dịch từ đầu, việc dịch lúc này còn tính thô sơ, dịch viết tay, xong quyển nào đưa cho người vi tính đánh lại, đọc dò chính tả, Hòa thượng Đỗng Minh chứng nghĩa…. Dịch và vi tính xong quyển 1 bản Hán vào ngày 30 tháng 9 năm 2000. Năm sau, chúng tôi học sử dụng máy điện toán, dịch trực tiếp trên máy, nhờ vậy mà công việc thuận lợi và nhanh hơn.
Đến năm 2002, công trình phiên dịch kinh, luật trong tạng Đại chánh dưới sự tài trợ của Hòa thượng Tịnh Hạnh tạm dừng… Hòa thượng Đỗng Minh thành lập lại Ban phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam, tiêu chí của Hòa thượng là biên soạn, trước tác hay Việt hóa những bộ sách có sẵn thành bộ sách giáo lý tiếng Việt mang tính qui mô. Chương trình dịch 3 bộ: Diệu vân tập (gồm cả Hoa vũ tập, Tạp A-hàm hội biên v.v…) của Ấn Thuận trước tác, 43 quyển; Hiện đại Phật giáo học thuật tùng san, Trương Mạn Đào chủ biên, 100 quyển; Thái Hư đại sư toàn thư, 20 quyển (30 tập). Do lúc này thành viên phiên dịch đông, mà Ban biên tập ít, cho nên chúng tôi gác việc dịch Thập tụng lại, tập trung hiệu đính chỉnh sửa những bài dịch trên. Năm ấy chúng tôi chỉ mới dịch được 10 quyển Thập tụng.
Năm 2005, bộ luật Thập tụng bị bỏ lửng một lần nữa do Hòa thượng Đỗng Minh “dự tri thời chí”, xả bỏ “thắng dị thục thân” sau thời gian lâm bệnh, chúng tôi lại phụ dò chính tả, giúp thầy Tuệ Sỹ hiệu chính bộ luật Tứ phần mà Hòa thượng dịch trước đây còn hình thức bản thảo, để kịp ấn tống vào lễ Đại tường. Từ đó cho đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục nhuận sắc, chú thích các bộ luật khác do Hòa thượng dịch, biên soạn như Ngũ phần, Bách nhất yết-ma, Trùng trị, Nghi thức truyền giới v.v…, trình tự ấn tống cúng dường vào những ngày húy kỵ của Hòa thượng. Tuy nhiên lời Ân sư dạy bảo năm nào chúng tôi còn khắc ghi, quyết chí phải sớm hoàn thành bộ Thập tụng, cho nên huynh đệ chúng tôi chia công việc, một số lo hiệu chỉnh những bộ luật cảo bản của Hòa thượng dịch, một số dịch Thập tụng. Mùa an cư năm 2014 – Pl. 2558, chúng tôi dịch gần hết 61 quyển, nhưng chỉ mới dịch qua công đoạn thứ nhất phần thô, chưa chú thích, đối chiếu dò chánh văn, rà soát vân vân.
Mặc dầu luật Tạng được thành lập trong khoảng thời gian nhất định, trực tiếp hoặc gián tiếp từ kim khẩu của Phật, là sở y chung cho tất cả các bộ phái Phật giáo, nhưng do truyền khẩu với các khẩu âm, phương ngữ khác nhau, lại phát triển dần theo thời gian và địa vức của bộ phái, mà có nhiều khác biệt. Luật Thập tụng lưu hành ở Kaśmīra, có thể vừa ảnh hưởng tập tục, văn hóa, tín ngưỡng theo vùng, vừa ảnh hưởng định chế, tổ chức địa phương, do vậy mà có nhiều vấn đề không giống các bộ luật khác. Như ni-tát-kỳ ba-dật-đề 22, tỳ-kheo dùng bát vỡ trám hàn chưa tới năm chỗ lại xin thêm bát mới, thì phải xả. Trong Tăng cử một tỳ-kheo cầm bát đó đổ đầy nước vào, đến giữa Tăng tác pháp xả bát. Nghi thức bát đầy nước trong Ngũ phần, Tứ phần và Tăng-kỳ không có. Đồng thời bản Thập tụng khi chuyển ngữ từ Phạn sang Hán do nhiều người dịch theo khẩu ngữ, phương ngữ của mỗi vị nên phần dịch âm địa danh cũng bất nhất, thí dụ: Jetavana, có khi dịch âm là Kỳ-hoàn (祇桓), có khi dịch là Kỳ-đà-bàn-na (祇陀槃那); Śrāvastī, dịch Xá-vệ (舍衛), hay Xá-bà-đề (舍婆提) v.v… Hữu bộ còn xây dựng cho mình một nền văn hiến Luật tạng riêng và phát triển theo khu vực địa lý riêng, vì thế mà khiến cho dịch giả Luật trong Hán tạng khi chuyển ngữ phải bất khả trước những thuật ngữ, tên riêng v.v…, chỉ phiên âm, chứ không thể dịch nghĩa hay giải thích gì. Đó cũng do sự khác biệt giữa hai nền văn minh Ấn-Hoa. Như về y vải, vật dụng của tỳ-kheo: y xí-di-la 翅夷羅衣 (Skt. cīra, vải dệt từ vỏ cây); tên cây cỏ, thực vật: Xá-lâu-lâu 舍樓樓, Thâu-lâu-lâu 偷樓樓…
Để có một sự nhận thức chung giữa hai hệ luật Nam phương và Bắc phương, hay giữa những bộ phái Đàm-vô-đức (Tứ phần), Di-sa-tắc (Ngũ phần), và Đại chúng bộ (Ma-ha Tăng-kỳ), trong thời gian dịch, hiệu chính, và chú thích, chúng tôi tham khảo, đối chiếu rất nhiều tài liệu, các bộ luật trong tạng Đại chánh, các bản luật Việt dịch đã được ấn hành, kể cả các từ điển vân vân. Những từ phiên âm mà Hán dịch chưa chuyển tải được, chúng tôi đều cước chú lại Phạn ngữ, như giúp người đọc tiếp cận được với nguyên bản Sanskrit, dễ hiễu lời Phật và phương ngữ đó muốn nói gì. Rất tiếc chúng tôi không có bản Phạn trong tay, chỉ có Giới văn Phạn ngữ trên mạng điện toán. Cho nên một số từ Phạn tìm không được hoặc giả suy đoán thêm.
Bản dịch Việt cho đến này vẫn còn thực hiện, chưa hoàn tất cũng vì nhiều chướng duyên và nghịch duyên…
Mùa an cư Phật lịch 2565 (2021, 26 tháng 5, Tân sửu), chùa Long Sơn – Việt Nam.
Bhikkhu Cittacakkhu
[1] Tục cao tăng truyện (續高僧傳), T50n2060, p.607b0130.
[2] Lịch sử Phật giáo Việt Nam I, Nxb Tổng hợp Tp. HCM – 2006.
[3] Tục cao tăng truyện 21 p.607b11-12: 樂滅覺觀 (lạc diệt giác quán).
[4] Lịch sử Phật giáo Việt Nam (LSPGVN) I, 2006, tr. 783-791.
[5] Cf. Hoằng minh tập (弘明集) 1, T52n2102, p. 2a2-3.
[6] Ibid., p. 3a26.
[7] Cf. LSPGVN 1, tr. 290.
[8] Cf. 印順, 教制教典與教學, 中華民國 81, p. 76.
[9] Cf. LSPGVN 1, 2006, tr. 23, 133-167.
[10] Hadani Ryōtai [Vũ Khê Liễu Đế] – Phật giáo Tây Vực/佛教之西域, 1999 年. 北京, p. 120.
[11] Cf. André Bareau, Les Sectes Bouddhiques du Petit Véhicule, XXVI – The Dharmaguptakas, 1955 – Anh dịch: The Buddhist Sects of the Lesser Vehicle, bởi Gelongma Migme Chodron (2005), p. 194. Demiéville: Origine des sectes bouddhiques, p. 153.
[12] 高僧傳 3, T50, no. 2059, p. 340, a15.