Bhikkhu Cittacakkhu: Phạm trọng tội ba-la-di và ý nghĩa sám hối (III)

(tiếp theo)

CHƯƠNG III.
TỘI BA-LA-DI KHÔNG THỂ SÁM HỐI THỜI PHẬT
VÀ BỐI CẢNH XÃ HỘI ĐƯƠNG THỜI

Vấn đề tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni phạm tội ba-la-di, thời Phật nghiêm khắc không cho sám hối đều có lý do. Với những lý do đó giống với xã hội bây giờ, cho nên trong chương này chúng tôi thảo luận chung cả hai giai đoạn thời Phật và cuộc sống hiện tại.

1. Tội dâm – nhận định trong thời Phật và liên hệ đến cuộc sống hiện tại:

Từ ngàn xưa cho đến nay, tình dục của con người có lẽ là một trở ngại lớn nhất đối với những ai đã lựa chọn con đường tâm linh tôn giáo. Trong Phật giáo, những tu nữ, hay tu nam nếu chưa chế ngự được nó vẫn là nỗi ám ảnh thường trực giữa ranh giới thanh tịnh, trinh khiết, độc thân, thủ dâm, mộng tinh, phạm giới… Trong bối cảnh nghiên cứu hiện tại, chúng ta không phê phán công kích những người bất tuân thủ quy tắc độc thân, mà ca ngợi sự thành công trong tôn giáo, bàn về nếp sống lý tưởng giải thoát trong tu viện.

Lâu nay, nhiều người bối rối không biết thái độ của Phật giáo đối với tình dục như thế nào khi điểm thiết yếu trong đời sống tu viện là luôn đề cao kiềm chế tình dục. Đạo Phật không bao giờ tránh nè đề tài này, trong Luật tạng đức Phật quy chế giới điều như một hình thức đề cập đến “Đạo đức tình dục”. Chúng ta thảo luận đến chuyện sám hối tội ba-la-di chính là nói đến môn học “Đạo đức” này.

Trước hết chúng ta phải hiểu vì sao tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni quan hệ tình dục là phạm ba-la-di, bị ngăn cấm tuyệt đối. Vì người xuất gia được gọi là Phạm hạnh. Phạm hạnh (梵行, Skt. brahma-caryā, P. brahma-cariya), từ này là một khái niệm trong các tôn giáo Ấn-độ (Indian religions) có nghĩa đen là duy trì hạnh kiểm bên trong Bản ngã của chính mình (own Self, Ātman) và Ấn-độ giáo (Hinduism), Phật giáo (Buddhism) và Kỳ-na giáo (Jainism)… thường nói đến nó là đề cập một lối sống đặc trưng bởi sự kiềm chế tình dục hoặc kiêng cử hoàn toàn.[1] Riêng đối với Phật giáo, ham muốn khoái cảm (pīti) tình dục sẽ làm trở ngại thiền định (jhāna), phương hại đến con đường tâm linh tiến tới giác ngộ, cũng là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn dắt cho sự tái sanh tiếp diễn.

Vì sao đức Phật không cho sám hối?

Trong luật các bộ phái ghi chép rằng, nếu tỳ-kheo quan hệ với các đối tượng như sau sẽ phạm ba-la-di: người nữ, thiếu nữ chưa đủ tuổi thành niên (đồng nữ, Skt. kumārī, dārikā), súc sinh cái, súc sanh đực, phi nhân (không phải người, chỉ các loại trời, thần và tương tự. Pāli: amanussa.) nữ và nam; đồng tính nam (gays), đồng tính nữ (lesbians), trong luật gọi là nhị hình, hai căn (Nhị hình 二形, nhị căn 二根. Pāli: ubhatovyañjana, hermaphrodite, intersex); người bị hoạn (eunuch), nam căn không hoàn chỉnh, bất lực (Huỳnh môn 黃門, Vô căn 無根, bất năng nam 不能男, bán-trạch-ca 半擇迦, Skt. paṇḍaka, kaṇḍāka). Và quan hệ qua ba đường: đường tiểu tiện, đại tiện và miệng đều phạm ba-la-di. Hoặc tỳ-kheo khỏa thân quan hệ với người nữ mặc y phục, ngược lại; hoặc tỳ-kheo hành dâm với người nữ mới chết, người nữ điên v.v… đều phạm ba-la-di.[2] Đặc biệt luật Tăng-kỳ (p. 238a16) còn cấm cả việc tỳ-kheo đi mua dâm.

Những hình thức phạm tội trên luật bộ phái trình bày rất chi tiết, và từ đây cho chúng ta thấy rằng, sau khi tỳ-kheo Sudinna phạm giới đầu tiên, các tỳ-kheo tiếp tục phạm giới, tìm mọi cách tránh né với điều lệ ban đầu Phật quy định để quan hệ, cho rằng làm như thế sẽ không phạm giới. Hoặc nói cách khác cũng do tâm sinh lý và nghiệp của chúng sanh đa dạng nên mới có nhiều hình thức phạm giới phức tạp, càng lúc càng nhiều.

Đến đây chúng ta có thể đưa ra kết luận vì sao đức Phật không cho sám hối:

  1. Mục đích của tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni khi xuất gia, thọ giới cụ túc, là phải tu tập thành tựu giải thoát ngay trong đời này, mà ngay trong đời hiện tại họ không kham nỗi, nghiệp chướng nặng nề, tiếp tục để họ ở trong đạo không có ích lợi gì, buộc cho họ về nhà gieo trồng phước thiện đời sống cư sĩ.
  2. Khi Phật chế giới nhắm đến 10 ý nghĩa, trong đó có hai điều: Một, để cho tín đồ chưa có niềm tin sinh tín tâm; hai, đã có tín tâm thì được tăng trưởng.[3] Cho nên đối với Tăng bảo là đoàn thể thanh tịnh, là nơi quy ngưỡng tâm linh cho các tín đồ, cũng là dấu hiệu “Chánh pháp cửu trụ thế gian”. Nếu tỳ-kheo có đời sống hoen ố sẽ làm lung lay niềm tin nơi tín đồ, lòng mộ đạo của họ tất sụp đổ, tác động xấu đến đoàn thể Tăng.

2. Tội không cho mà lấy:

Đây là tội phạm liên quan đến hình sự. Giới văn trong các bộ luật ghi chép tương tự như nhau:

“Tỳ-kheo nào, nơi thôn xóm hay chỗ trống vắng (ngoài thôn), với tâm trộm cắp, lấy vật không được cho, tùy theo vật không được cho mà lấy, hoặc bị vua hay đại thần của vua bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi ra khỏi nước, nói rằng ‘Ngươi là giặc, ngươi ngu si, ngươi không biết gì’, thì tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.”[4]

Luật Thập tụng có thêm “hoặc bị định tội phạt vàng”[5], các bộ khác giống nhau.

Luật Thập tụng (p. 4a26), Căn bản (p. 637a3) kể rằng, sau khi tỳ-kheo Dhaniya bị buộc tội lấy gỗ của triều đình, đức Phật bảo A-nan vào thành Vương xá, thủ phủ nước Magadha, hỏi những người hiểu luật pháp, xem lấy trộm bao nhiêu sẽ bị vua Ajātaśatru xử đại tội. Luật Tứ phần (p. 573b3), Ngũ phần (p. 6a3), Pāli (Vin. iii. 45): Đức Phật hỏi một tỳ-kheo nguyên là đại thần tư pháp. Luật Tăng-kỳ (p. 242c19), đức Phật hỏi trực tiếp vua Bimbisāra.

Tứ phần, Ngũ phần, Thập tụng đều ghi, theo luật hiện hành của nước Magadha lúc bấy giờ, nếu trộm tối thiểu từ 5 tiền (五錢) trở lên, phạm trọng tội, có thể bị tử hình. Luật Căn bản (p. 637a9) dịch là 5 ma-sái (五磨灑, P. pañca-māsaka). Luật Tăng-kỳ (p. 242c22) nói: Một kế-lị-sa-bàn (罽利沙槃, Skt. kārṣāpaṇa) bằng 19 tiền, nếu lấy trị giá bằng ¼ kế-lị-sa-bàn sẽ xử tội chết.

Kārṣāpaṇa, là loại tiền cổ Ấn-độ, có từ thế kỷ thứ 6 trước Tl., lưu hành thời vua Bimbisāra (khoảng năm 492- 460 trước Tl.) và Ajātaśatru (552-520 trước Tl.). Kārṣāpaṇa chỉ cho những đồng tiền vàng, bạc và đồng nặng 80 ratis hoặc 146,5 hạt (grains).[6] Còn từ māsaka (Skt. māṣaka) là tên hạt đậu nhỏ, những người thợ kim hoàn thời ấy dùng nó để cân trọng lượng và tính giá trị vàng, bạc; hoặc tên một loại tiền giá trị nhỏ, 80 kaparda = 1 māsaka; 20 māsaka = 1 kārṣāpaṇa; 5 māsaka cũng bằng ¼ của kārṣāpaṇa. Do đó, tuy các bộ luật biên tập lại có hơi khác nhưng định mức phạm tội với giá trị số tiền giống nhau.

Theo luật pháp của Việt Nam hiện nay, căn cứ điều 174 trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở mục 4: a). Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, và b) lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, hoặc tù chung thân. Vậy luận tội tỳ-kheo theo luật Việt Nam nói riêng vào thời điểm hiện nay thì tỳ-kheo trộm cắp, lừa gạt, biển thủ… số tiền từ năm trăm triệu đồng trở lên là phạm ba-la-di.

Tội trạng này vào thời Phật và xã hội hiện tại không thể cho tỳ-kheo sám hối với lý do như sau:

Câu văn: Bị vua, hay đại thần của vua bắt, hoặc bị trói, bị giết, bị đuổi ra khỏi nước, hoặc bị định tội phạt vàng. Và tuyên bố: “Ngươi là giặc, ngươi ngu si, ngươi không biết gì.” Đây là một kiểu tòa án đã tuyên án, dựa trên cơ sở chứng cứ với tội danh ăn trộm và căn cứ đánh giá tài sản bị thiệt hại, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội với xã hội, rồi đưa ra phán quyết hình sự: bị trói, bị giết, bị đuổi khỏi nước, bị phạt vàng.

Nếu xét trong thời Phật và xã hội đương thời, một khi tỳ-kheo bị bắt, giới thể tỳ-kheo ấy đã mất lại bị nhốt trong tù nữa, thì tu thế nào mà giải quyết sám hối. Trường hợp cụ thể ở Việt Nam, có một tỳ-kheo đã lừa gạt Phật tử lấy 68 tỷ đồng, trong năm 2020 thầy này bị trục xuất khỏi Tăng đoàn và bị chính quyền bắt cùng năm đó. Cho nên không có pháp sám hối dành cho tội trạng này. Có trường hợp ngoại lệ, nhiều tỳ-kheo lấy tiền của Tam bảo vượt “ngưỡng cửa” năm trăm triệu, bị phát hiện, nhà chùa giữ thể diện cho họ, âm thầm trục xuất ra khỏi chùa. Những vị này dù đi nơi khác tu tập, giới thể của tỳ-kheo cũng không còn.

Chúng tôi rộng bàn thêm về từ “bị giết”, các bản Hán khi truyền dịch hiểu nhầm chữ Phạn: Hanyāt, Pāli: Haneyyuṃ, có nghĩa là bị hành hạ, bị gây tổn hại, lại hiểu rằng: 5 tiền là mức giá trị để xử tử tội ăn trộm và tỏ ra không thắc mắc gì khi dịch thành “bị giết, bị xử tử.”[7] Luật Pāli (Vin. 3. 47) định nghĩa như sau: “Bị hành hạ”, là họ có thể bị hành hạ bằng tay, hoặc bằng chân, hoặc bằng roi, hoặc bằng hèo, hoặc bằng gậy, hoặc tra khảo cho tàn phế (Haneyyuṃ vā ‘ti hatthena vā pādena vā kasāya vā vettena vā addhadaṇḍakena vā chejjāya vā haneyyuṃ).[8]

Do đó bản án xử tội trộm cắp ở mức độ nghiêm trọng nhất vẫn ở khung hình phạt chung thân. Chỉ ở Trung Quốc vào năm 2015, một người bị bắt với tội danh “đào bới các di tích văn hoá cổ và mộ cổ”, bị tuyên án tử hình mà thôi.[9]

(Còn tiếp)

Mùng 9 tháng 7 năm Nhâm dần
Cittacakkhu


[1] Cf. https://en.wikipedia.org/wiki/Brahmacharya.

[2] Thập tụng 1, p. 2c21. Ngũ phần 1, p. 5a1. Tứ phần 1, p. 571c10. Tăng-kỳ 1, p. 233c3…

[3] Ngũ phần p. 3c1; Tăng-kỳ p. 228c24; Tứ phần p. 570c3; Thập tụng p. 1c15; Pāli, Vin. iii. p. 32.

[4] Tứ phần p. 573b8; Ngũ phần p. 6a16; Thập tụng p. 4a29…

[5] Thập tụng (p. 4b2): Thâu kim tội 輸金罪.

[6] https://en.wikipedia.org/wiki/Karshapana.

[7] Cf. Tứ phần hiệp chú, HT. Trí Thủ & Tuệ Sỹ biên soạn: Ch. Ba-la-di, điều 2. Bất dữ thủ.

[8] Cf.《經分別》卷1, N01, no. 1, p. 61a4.

[9] https://cand.com.vn/Ho-so-interpol-cstc/An-tu-cho-vua-trom-mo-cua-Trung-Quoc.


Xem:
Phần I
Phần II

Hiển thị thêm
Back to top button