Chân Hiền Tâm: Một đoạn nhân duyên
Theo luận Đại trí độ, sau khi Phật Sư Tử Âm Vương vào Niết-bàn, Chánh pháp trụ sáu vạn năm, các cây báu không còn phát ra các pháp âm không, vô tướng, vô tác, bất sinh, bất diệt, vô sở hữu… như lúc Phật còn tại thế. Bấy giờ có hai Tỷ-kheo Bồ-tát, một tên là Hỷ Căn, một tên là Thắng Ý.
Pháp sư Thắng Ý, giữ giới thanh tịnh, thực hành hai hạnh đầu đà, được Tứ thiền và Tứ vô sắc định. Đệ tử của Thắng Ý căn tánh ám độn, nhiều tham cầu, tâm luôn động chuyển, vì phân biệt giữa tịnh và bất tịnh.
Pháp sư Hỷ Căn, dung nghi chất trực, tâm không phế bỏ thế pháp, cũng không phân biệt thiện ác. Nếu thế pháp hay ác pháp có thể giúp chúng sinh hướng thượng hay trừ bỏ các ác pháp thì Pháp sư chẳng ngại dùng nó. Ông không khen ngợi thiểu dục tri túc, không khen ngợi giới hạnh đầu-đà, chỉ nói về thật tướng thanh tịnh của các pháp. Ông thường dạy đệ tử: “Tất cả pháp tướng, tướng dâm dục, tướng sân nhuế, tướng ngu si tức là thật tướng các pháp, không có ngăn ngại”. Rồi dùng phương tiện ấy dạy đệ tử nhập Nhất thiết trí. Đệ tử của Hỷ Căn, đa phần thông minh, thích nghe pháp sâu xa, đối với mọi người tâm không sân, không hối, cũng không có hối tiếc, được Vô sinh nhẫn và Vô sinh pháp nhẫn, ở trong thật pháp, tâm như núi Tu-di, không lay động.
Nhân duyên ra đời của hai vị Bồ-tát thấy không giống nhau. Trí tuệ và định lực của hai vị không đồng nên đệ tử được giáo hóa cũng không đồng.
Hỷ Căn không bỏ thế pháp, không phân biệt thiện ác, không khen ngợi thiểu dục tri túc hay giới hạnh đầu-đà, thường nói dâm, nộ, si tức là thật tướng các pháp. Tương ưng, đệ tử ông không tham dâm, không nộ si, tâm bất động với vạn pháp, đa phần đều được quả Vô sinh nhẫn. Thắng Ý, tâm chỉ mới trụ ở Tứ thiền Bát định, tuy hình tướng nghiêm tịnh, thực hiện hạnh đầu-đà, nhưng đệ tử ông, tâm nhiều tham trước, phân biệt tăng thạnh. Phân biệt này chính là nền tảng dễ nảy sinh các bất thiện pháp. Cũng do phân biệt này mà nảy sinh đoạn nhân duyên sau.
Một lần, Thắng Ý đến nhà đệ tử Hỷ Căn. An tọa rồi, ông bắt đầu khen ngợi việc trì giới, thiểu dục, tri túc, thực hành hạnh đầu-đà, thiền định ở chỗ vắng. Ông bảo Hỷ Căn là tà sư, dạy người tà kiến, dám nói dâm, nộ, si là tướng không ngăn ngại. Cho Hỷ Căn là người tu hành hỗn tạp, chẳng phải là kẻ thuần tịnh.
Đệ tử Hỷ Căn tuy là cư sĩ, nhưng căn tánh lanh lợi, đã chứng vô sinh nhẫn, liền hỏi Thắng Ý:
– Thưa Đại đức, pháp dâm dục là tướng gì?
Thắng Ý trả lời:
– Dâm dục là tướng phiền não.
Cư sĩ hỏi tiếp:
– Vậy dâm dục phiền não đó ở trong hay ở ngoài?
Thắng Ý trả lời:
– Không ở trong cũng không ở ngoài. Nếu ở trong thì không cần đợi nhân duyên bên ngoài mới sinh. Nếu ở ngoài thì đối với ta vô sự, không não loạn ta được.
Cư sĩ lại hỏi tiếp:
– Nếu dâm dục phiền não không ở trong, không ở ngoài, không từ Đông, Tây, Nam, Bắc… đến, tìm khắp không thấy thật tướng của nó, thì pháp ấy không sinh, không diệt. Nếu không sinh, không diệt thì pháp ấy không, vô sở hữu, sao có thể gây ra phiền não?
Thắng Ý không biết trả lời thế nào, tâm không vui, đứng dậy mắng: “Hỷ Căn dối gạt mọi người đắm trong đường tà”. Nói rồi, thẳng đến tịnh xá bảo các Tỷ-kheo: “Pháp sư Hỷ Căn dạy người rơi vào tà ác, hư dối. Vì sao? Vì nói dâm, nộ, si và hết thảy pháp tướng đều là tướng vô ngại”.[1]
Ông có cách hành xử như thế vì chưa thâm nhập được âm thanh đà-la-ni. Nếu thâm nhập được đà-la-ni này, nghe tất cả ngữ ngôn âm thanh, tâm không sinh mừng, sinh giận. Do chưa nhập được nên nghe Phật thuyết thì hoan hỷ, nghe ngoại đạo thuyết thì sân hận, nghe ba thiện căn thời vui vẻ, nghe ba bất thiện căn thời không vui, nghe sinh tử thời lo, nghe Niết-bàn thời mừng… Chẳng biết tướng thiện ác đều là pháp nhân duyên, tùy duyên mà có chỗ dụng, nếu dụng đúng duyên thảy đều lợi ích cho chúng sinh. Bồ-tát Long Thọ nói: “Như tiếng mắng, nghe liền bay qua, nếu không tâm phân biệt, ai là người sân giận? Phàm phu vì tâm chấp trước vật ngã, phân biệt phải trái mới sinh tâm sân hận. Hoặc có người nghe tiếng lạ của địa phương khác, đây bảo tốt, kia bảo xấu, cho thấy tốt xấu không nhất định…”[2].
Mọi tướng đều tùy duyên mà lập thì tùy duyên mà có giá trị. Cho nên, có khi dùng thiện pháp mang lại lợi ích cho người, nhưng có khi phải dụng ác pháp mới có thể khiến người được lợi ích. Đó là tính bình đẳng của vạn pháp. Vấn đề là ở trí tuệ của người dụng pháp, chẳng phải pháp có giá trị cố định. Pháp nhân duyên, không tánh, không có giá trị cố định. Người chánh nói pháp tà, pháp tà liền thành chánh. Người bất chánh nói pháp chánh, pháp chánh biến thành tà. Không tánh cố định là như thế. Tùy duyên hiển giá trị là như thế.
Ngay cả các thiện pháp như giữ giới và nhẫn nhục, nếu chấp trước vào đó hay pháp được dùng không đúng duyên, thì “chiêu tội chẳng chiêu phước”[3]. Chẳng phải cứ thiện pháp mới là pháp lợi ích cho người.
Thắng Ý do tâm chấp tướng còn nặng, trí tuệ trung đạo chưa hiển, chẳng nhận được mặt tùy duyên của pháp, không thấy tùy duyên mà pháp thành lợi ích hay không lợi ích, nên tư tưởng cố chấp theo một bề, cho những gì mình hành mới là thiện pháp mang lại lợi ích cho chúng sinh, còn lại đều là tà pháp. Phân biệt và chấp thủ khiến ông thành mờ tối trong những nhận định cũng như phát biểu của mình.
Lời nói của Thắng Ý đến tai Hỷ Căn, ông liền suy nghĩ “Thắng Ý bị ác nghiệp che đậy, sân hận quá lớn, ắt rơi vào tội lớn. Ta sẽ vì ông nói pháp sâu xa. Dẫu đời này không được gì cũng là nhân duyên cho Phật đạo sau này”. Nghĩ rồi, họp Tăng lại, nói kệ:
Dâm dục tức là đạo
Sân si cũng như vậy
Trong ba sự như thế
Vô lượng chư Phật đạo.
Nói dâm, sân, si tức là đạo, là muốn nhấn mạnh đạo không ngoài các thứ đó. Đạo chính là thật tướng của các thứ đó. Không để dâm, sân, si dẫn chạy thì ngay đó chính là đạo. Nói cách khác, khi sống được với đạo thì nhận ra bản chất của dâm, sân, si là không, không có lực hiện ra cảnh giới luân hồi sinh tử của chúng sinh như hiện hay. Nói “tức” là như thế. Không phải nói tướng dâm, sân, si chính là đạo. Tướng không lìa tánh nhưng tướng không phải là tánh. Tướng thì có hình mạo nhưng tánh thì không. Tướng thì ngăn ngại mà tánh thì không ngăn ngại.
Nếu dâm, sân, si chính là đạo thì Pháp bảo trở thành dư thừa, Phật cũng không cần ra đời vì một đại sự nhân duyên. Nhưng Phật đã ra đời vì một đại sự nhân duyên, lại có vô lượng giáo thuyết, vô lượng pháp môn giúp trừ diệt lực của dâm, sân, si, thì biết dâm, sân, si chẳng phải là đạo, nhưng không lìa đạo mà có tham, sân, si, nên nói tức. Tức, là ngay đó mà không phải đó. Chỉ cần dứt được lực của dâm, sân, si thì nhận ra được thật tướng của dâm, sân, si, chính là đạo. Nói cách khác, tướng dâm, sân, si chính là đạo khi hành giả sống được với đạo ấy. Kinh luận gọi đó là Phật tánh, là không, là vô sinh, là vô sở hữu v.v…
Nếu có người phân biệt
Dâm nộ si là đạo
Người ấy cách xa Phật
Thí như trời với đất.
Phân biệt, là cho Phật có tánh riêng của Phật; dâm, nộ, si có tánh riêng của dâm, nộ, si; mỗi pháp đều có cội gốc riêng của nó. Chẳng biết tánh của dâm, nộ, si chính là Phật. Chạy theo dâm, nộ, si thì Phật ngay đó mà chẳng nhận được, gọi là chúng sinh. Không bị dâm, nộ, si dẫn chạy thì chúng sinh chính là Phật.
Sai một li đi một dặm.
Lý đã nhận không đúng thì trên sự, việc không khỏi lầm lẫn. Mở đầu đã ngược đích thì càng đi, cách càng xa.
Đạo và dâm nộ si
Là một pháp bình đẳng
Nếu ai nghe sợ hãi
Cách Phật đạo rất xa.
Tâm phân biệt dứt, liền nhận ra tính bình đẳng của vạn pháp. Tâm còn lắm phân biệt thì thấy đời khác đạo, Tăng khác tục, sinh tử khác Niết-bàn. Kẻ ở đời, cho đời hơn đạo. Kẻ trong đạo, cho đạo hơn đời. Chẳng biết đạo và đời, tánh chúng không hai, chỉ tùy duyên mà hiển giá trị. Phân biệt, nên chẳng thể thấy ngay sinh tử chính là Niết-bàn. Cũng chẳng biết chỉ cần không chấp thủ pháp sinh tử thì ngay đó là Niết-bàn, chẳng cần bỏ sinh tử vào Niết-bàn.
Nhận được tính bình đẳng này cũng là nhận được mặt tùy duyên của pháp. Pháp hình thành từ duyên nên chỉ có giá trị tùy duyên, không mang giá trị phổ quát. Tương ưng và đúng duyên thì lợi ích hiện thành. Không tương ưng và đúng duyên thì dù là thiện pháp cũng chẳng mảy may lợi ích.
Hỷ Căn, tuy không ca ngợi thiểu dục tri túc hay hạnh đầu đà, nhưng dụng pháp đúng căn cơ với chúng sinh, nên chúng của Hỷ Căn đều chứng Vô sinh pháp nhẫn, vô ngại với các pháp. Đó là nhờ nhập được pháp vị trung đạo. Vô phân biệt mà phân biệt. Phân biệt mà vô phân biệt. Thắng Ý tuy là bậc mô phạm dưới mắt người đời, nhưng cuối cùng lại rơi vào đọa xứ vì tâm chấp pháp còn mạnh, chẳng lìa chấp nhị biên mà nhận cho được tính bình đẳng của vạn pháp.
Sợ hãi hay khó chịu, bất mãn v.v… tuy hình thái thấy khác nhau nhưng đều mang tính chất phản kháng. Phản kháng lý thật vì quá trình tu hành Phật đạo chưa có hay chưa đủ. Với nghĩa chưa có, Phật đạo được hiểu như con đường hay quá trình. Với nghĩa chưa đủ, Phật đạo được hiểu là quả vị tối cùng của con đường ấy.
Dâm pháp không sinh diệt
Không thể khiến tâm não
Nếu ai chấp tự ngã
Dâm đưa vào ác đạo.
Đây luận rõ về tánh và tướng của dâm pháp. Tướng của dâm pháp có sinh có diệt, nhưng tánh của dâm pháp không sinh không diệt, là không, vô sở hữu. Nếu sống được với tánh ấy, tướng dâm dục thành không, chẳng thể dẫn chúng sinh luân hồi sinh tử, chúng sinh chính là Phật, sinh tử tức Niết-bàn, chẳng cần bỏ sinh tử vào Niết-bàn.
Một người hỏi Tổ-đạt-ma:[4]
– Cư sĩ có vợ con, dâm dục không trừ, nương vào đâu mà được thành Phật?
Tổ trả lời:
– Chỉ nói thấy tánh, không nói dâm dục. Chỉ vì không thấy tánh. Nếu thấy tánh thì dâm dục xưa nay rỗng lặng. Không nhờ đoạn trừ, cũng không ưa thích. Vì cớ sao? Vì bản tánh vốn thanh tịnh. Tuy ở sắc thân năm uẩn mà tánh kia vốn thanh tịnh, nhiễm ô không thể được. Pháp thân xưa nay không thọ, không đói, không khát, không nóng, không bệnh, không ân ái, không quyến thuộc, không khổ vui… Xưa nay không một vật có thể được. Chỉ vì chấp có sắc thân mà hiện sinh các tướng đói khát, lạnh nóng, chướng bệnh. Không chấp thì mặc tình tạo tác hành động. Sống trong sinh tử mà được tự tại, chuyển tất cả pháp, cùng với thánh nhân, thần thông, tự tại, vô ngại, không chỗ nào không an.
Quan trọng là làm sao nhận ra được chân tánh sẵn đủ đó. Nhận được thì “Không cần phải cạo bỏ râu tóc, bạch y cũng là Phật. Không nhận được tánh này, cạo bỏ râu tóc cũng là ngoại đạo”[5].
Chấp tự ngã, thì Vô sinh nhẫn của hàng Thanh văn còn chưa có phần, nói là Vô sinh pháp nhẫn của hàng Đại Bồ-tát. Đều do quên tánh sẵn đủ, chạy theo các tướng từng huân tập. Bị tướng huân tập trói buộc nên luân hồi trong sinh tử khổ đau.
Thấy pháp có khác không
Là chẳng lìa có không
Nếu rõ có là không
Siêu thăng thành Phật đạo.
Sống được với tánh Phật của mình thì nhận được tánh bình đẳng của pháp, có chẳng khác không, không chẳng khác có, có tức là không, không tức là có. Trong Lăng-già tâm ấn, Bồ-tát Đại Huệ tán thán Đức Phật: “Tất cả pháp như huyễn/ Xa lìa nơi tâm thức/ Trí chẳng thấy có không/ Mà khởi tâm đại bi”. Đại bi của Phật bắt nguồn từ đại trí. Là trí thấy được thực tướng của vạn pháp, không có cũng không không. Không có, vì chúng là biến hiện của tự tâm, như ngủ rồi mộng. Không không, vì bản chất tuy không, đủ duyên liền hiện tướng. Nhờ duyên mới hiện tướng nên biết tánh nó là không. Việc đó không khó nhận. Chỉ là cái không đó liên quan thế nào đến tâm thức của con người thì đa phần chưa thể hình dung. Không ấy chính là tánh Phật sẵn đủ trong mỗi chúng sinh.
Hỷ Căn nói hơn bảy mươi hai bài kệ như vậy.
Khi ấy có ba vạn thiên tử được Vô sinh pháp nhẫn. Một vạn tám ngàn Thanh văn được giải thoát, nhờ không ái trước các pháp.
Hỷ Căn sau đó làm Phật ở phương Đông, hiệu là Quang Du Phật Minh Vương, quốc độ tên là Bảo Nghiêm.
Pháp sư Thắng Ý rơi vào địa ngục, thọ khổ vô lượng ngàn ức năm. Ra khỏi địa ngục, sinh trong loài người rồi, thường bị bài báng bảy mươi bốn vạn năm, không nghe được tiếng Phật trong vô lượng kiếp, dầu có nghe được Phật pháp, xuất gia học đạo, vẫn trở lại xả giới trong sáu vạn ngàn đời, nếu không xả giới thì các căn cũng ám độn. Đây chính là tiền thân của Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi. Vị Đại Bồ-tát biểu trưng cho trí tuệ siêu việt có sẵn trong mỗi chúng sinh, gọi là căn bản trí. Căn bản trí là loại trí tuệ do chứng đắc thật tướng mà thấy được tính bình đẳng không hai của vạn pháp.
Hình ảnh chúng ta thường gặp ở Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi là vị Đại sĩ ngồi trên lưng sư tử xanh, tay cầm kiếm, tay cầm kinh Bát-nhã. Sư tử xanh là chúa thú ở rừng xanh, có sức mạnh và uy lực hơn tất cả mọi thú. Trí tuệ này cũng có uy lực như thế. Sắc bén như gươm báu, có thể dứt trừ mọi vô minh phiền não vi tế nhất. Trí tuệ đó là dụng của chân thể được mô tả khá rõ trong Tâm kinh Bát-nhã. Uy lực thượng thừa không ra ngoài Tâm kinh. Thấu được tâm đó thì thấu được thật tướng của tất cả pháp.
Đoạn nhân duyên trên do Văn Thù Sư Lợi kể lại cho Phật nghe, được lấy ra từ luận Đại trí độ tập I. Thêm vào đó là những lời giải thích của tác giả bài viết.
Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi thưa với Phật: “Nếu có người cầu đạo Tam thừa, không muốn thọ các khổ, thì không nên phá các pháp tướng mà ôm lòng sân nhuế”. Đó là kinh nghiệm mà Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi đã trải qua. Một đoạn nhân duyên khiến Bồ-tát phải thọ vô lượng khổ. Điều đó cho thấy, khi chưa đủ trí tuệ để nhận định vấn đề cho thấu đáo thì rất nên thận trọng với những nghĩ tưởng của mình. Vì nghĩ tưởng đưa đến hành vi. Dẫn đến địa ngục, thọ khổ v.v… đều do hành vi đi ngược với lý chân.
Phật hỏi Văn Thù Sư Lợi:
– Ông nghe các bài kệ được lợi ích gì?
Văn Thù Sư Lợi thưa:
– Con nghe các bài kệ được dứt hết các khổ, đời đời được lợi căn trí tuệ, hiểu pháp sâu xa, khéo thuyết nghĩa sâu xa, là bậc nhất ở giữa chư Bồ-tát.
Pháp sự nói ra có khi thấy chưa tác dụng cho hiện đời, nhưng không hẳn không lợi ích cho tương lai. Vấn đề là ở nhân duyên, năng lực và nguyện lực của chư Bồ-tát khi hành Bồ-tát đạo.
Nguyện chư Bồ-tát cùng tất cả chúng sinh, thảy đều khai phát được trí Văn Thù Sư Lợi của bản thân, tiếp nối dòng giống Phật, tự lợi, lợi tha viên mãn.
Chân Hiền Tâm
[1] Câu chuyện kể đây được lấy ra từ luận Đại trí độ tập I của Tổ Long Thọ, HT. Thích Thiện Siêu dịch và chú.
[2] Luận Đại trí độ tập I của Tổ Long Thọ. HT. Thích Thiện Siêu dịch và chú.
[3] Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục – HT. Thích Thanh Từ dịch và giải. Trần Nhân Tông hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ, “Chỉ như giữ giới hạnh trong sạch không chút xao lãng thì thế nào?” Tuệ Trung Thượng Sĩ trả lời, “Giữ giới cùng nhẫn nhục/ Chiêu tội chẳng chiêu phước/ Muốn biết không tội phước/ Chẳng giữ giới nhẫn nhục”. Nói rồi dặn, “Chớ nói cho người không ra gì biết”.
[4] Sáu cửa vào động Thiếu thất – phần Huyết mạch luận. Tổ Bồ Đề Đạt Ma. HT. Thích Thanh Từ dịch và giảng.
[5] Ngoại đạo, là chưa nhập được đạo, là chưa sống được với Phật tánh của mình. Không phải chỉ cho tà ma ngoại đạo. Trích trong Sáu cửa vào động Thiếu thất – phần Huyết mạch luận. Tổ Bồ Đề Đạt Ma. HT. Thích Thanh Từ dịch và giảng.