Chiêu sinh khóa Phạn ngữ Sơ cấp trực tuyến
Phật Lịch 2565, Hannover ngày 20 tháng 8 năm 2021
Kính gửi: Chư tôn Trưởng Lão Hòa Thượng, chư Thượng Tọa,
Quý Ni Trưởng, Ni Sư cùng chư Đại Đức, Tăng Ni
và Quý đồng hương Phật Tử,
Do sự cố vấn chỉ đạo của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Hội Đồng Hoằng Pháp của chúng con/chúng tôi rất hoan hỷ để kính trình Quý Ngài và Quý Vị chương trình giảng dạy tiếng Phạn cơ bản cho Tăng Ni cũng như Quý Phật Tử nào có tâm muốn trau dồi Phạn ngữ trên hệ thống Online như thư chiêu sinh của Giáo Sư Đỗ Quốc Bảo có gửi kèm theo thư nầy. Mục đích chính là để tiếp nối truyền thống đọc được kinh điển trực tiếp từ tiếng Phạn và có khả năng đọc cũng như dịch giải những bản Kinh bằng tiếng Phạn về sau nầy; nên bắt đầu từ tháng 9 năm 2021 việc chiêu sinh được thực hiện, nếu số lượng Tăng Ni và Phật Tử ghi danh đầy đủ như về số lượng và những điểm yêu cầu khác cho một người muốn học Phạn ngữ (xin xem điều kiện có gửi kèm). Vậy kính xin Quý Ngài tạo điều kiện cho đệ tử của mình tham gia học ngôn ngữ nầy để tiếp nối con đường của những bậc tiền nhân đã đi trước. Việc học nầy không hạn chế là Tăng Ni hay Phật Tử, miễn sao Quý Vị đáp ứng thỏa đáng được nhu cầu cần có và đủ của một người muốn học Phạn ngữ là được.
Vậy với văn thư nầy chúng tôi xin đại diện cho Hội Đồng Hoằng Pháp kêu gọi tất cả Quý học Tăng, học Ni cùng Quý học viên Phật Tử, không phân biệt ở trong hay ngoài nước, xin ghi danh ngay từ bây giờ và gửi về địa chỉ như trong thư chiêu sinh có ghi chú đầy đủ.
Kính chúc Quý Ngài và Quý Vị được vô lượng an lạc.
Kính nguyện,
Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Thích Như Điển
CHIÊU SINH KHOÁ PHẠN NGỮ SƠ CẤP TRỰC TUYẾN
THÁNG 9, 2021.
anārambho hi kāryāṇāṃ prathamaṃ buddhilakṣaṇam |
prārabdhasyāntagamanaṃ dvitīyaṃ buddhilakṣaṇam॥
Chẳng [to gan] bắt đầu một công trình là dấu hiệu thứ nhất của trí huệ
Làm đến nơi đến chốn việc đã khởi công là dấu hiệu thứ hai của trí huệ.
(Trích Tiền ngôn của Kāmadhenuḥ, Giáo trình Phạn văn của E. P. Bharata Pisharadi.)
- Trách nhiệm tổ chức và hỗ trợ: Ban Bảo Trợ Hội Đồng Hoằng Pháp của GHPGVNTN qua chùa Viên Giác, Hannover, CHLB Đức.
- Người dạy: Tiến sĩ Cổ Ấn-độ học Đỗ Quốc-Bảo.
- Tài liệu học: Giáo trình Phạn văn của Thomas Lehmann và Đỗ Quốc Bảo. Ngôn ngữ dạy học là thuần Việt. Sách hiện tại có thể được mua tại Học viên cư ngụ ở nước ngoài có thể nhờ người thân đặt mua, hoặc tự in từ bản PDF được cung cấp sau.
- Thời gian học: Bắt đầu tháng 9 năm 2021 (ngày chính xác sẽ được công bố sau) đến tháng 2022. Mỗi tuần một lần hai tiết, 90min. Mỗi nhóm học sẽ không có trên 8 học viên. Nếu số học viên vượt quá số tối đa này thì sẽ được phân làm 2, hoặc 3 nhóm.
- Tốc độ và trình độ dạy/học: Theo Đại học châu Âu, đặc biệt là CHLB Đức (Đại học Heidelberg). Giáo trình sơ cấp bao gồm hai học kì (thu/đông A và xuân/hạ B) và học viên chỉ được nhận chứng chỉ sau khi học cả hai phần A và B và thi tổng kết có kết quả tốt, đạt tiêu chuẩn, và chỉ được tham dự khoá B khi đã thi đậu kì thi sau khoá.
- Theo kinh nghiệm thì giáo trình này rất khó cho đại đa số học viên Việt Nam vì những khái niệm ngôn ngữ Ấn-Âu cổ rất xa lạ. Tuy vậy, “rất khó” không đồng nghĩa với không thể học được, nhưng muốn học có kết quả tốt thì phải thật sự nỗ lực chuyên cần. Tuy chỉ lên lớp 90min mỗi tuần nhưng nếu làm hết những bài tập đi kèm và đọc/học những bài lí thuyết trước thật kĩ để hiểu đúng thì thời gian chuẩn bị cho 90min/tuần này có thể chiếm cả mấy ngày học trước đó. Nếu thật sự có nhu cầu thì mỗi tuần sẽ có thêm 60min dạy kèm được thực hiện bởi một trợ giảng, trả lời những thắc mắc không được giải đáp trong giờ học chính.
- Khung thời gian học dự định sẽ nằm giữa 16:30 và 21:00 giờ Việt Nam vào một (hoặc hai) ngày nhất định trong tuần cho mỗi nhóm học. Tuy nhiên, vì chưa rõ số người tham dự học cũng như tỉ lệ người học ở VN so với tỉ lệ người ở những nước khác nên khung thời gian này có thể được biến đổi.
TÓM TẮT CHƯƠNG TRÌNH HỌC.
Giáo trình này bao gồm 40 bài học với phần bài tập đi kèm có tiến độ tương đối đều đặn. Từ bài 1 đến bài 7 thì các câu văn tiếng Phạn còn được ghi dưới cả hai dạng, Devanāgarī và dạng phiên âm La-tinh. Kể từ bài 8 trở đi thì chỉ còn những câu văn chữ Devanāgarī cho nên sinh viên phải nhanh chóng làm quen với chữ Devanāgarī và các dạng liên tự để không bị sốc khi bước sang bài 8. Việc tối kị là không đọc thẳng chữ Devanāgarī mà lại kí âm La-tinh trước khi đọc dịch, vì việc này rất tốn thời gian và làm giảm tốc độ học và hiểu bài.
Việc kiểm tra ngữ pháp và từ vựng tuỳ theo người dạy và người học, nhưng sau khoảng 3 đến 4 bài có một bài kiểm tra nhỏ là thích hợp. Tuy nhiên, trong thời kì đại dịch và theo cách dạy trực tuyến thì thực hiện việc kiểm tra học viên như vậy không dễ (ví như kiểm tra từ vựng đột xuất v.v.) và vì vậy, một cách kiểm tra song tuyển khác sẽ được áp dụng. Sau một học kì thì có một bài kiểm và cuối năm học sẽ có một kì thi kết thúc tổng quát.
Trong các Đại học châu Âu, khoá Phạn văn sơ cấp được dạy trong hai học kì, đông và hè, tổng cộng chỉ khoảng 9 tháng, trong khi khoá Phạn văn dạy bằng tiếng Việt này được dạy trong đầy một năm, 12 tháng. 3 tháng thời gian có thêm này sẽ được dùng để làm hết tất cả những bài tập có trong giáo trình (sinh viên Đức chỉ làm khoảng 2/3 bài tập) và trau dồi thật kĩ ngữ pháp và cú pháp. Tất cả những bài tập đều phải được dịch qua và kiểm soát từng câu một. Mục lục của Giáo trình Phạn văn có thể được xem qua theo liên kết này https://www.facebook.com/baotichratnakarah/posts/167148162122468 hoặc có được qua điện thư (email-addy bên dưới) theo yêu cầu.
ĐIỀU KIỆN THAM DỰ KHOÁ HỌC.
- Cử nhân hoặc đang trong chương trình cử nhân Đại học.
- Nắm vững một trong ba sinh ngữ Anh, Pháp hoặc Đức, tối thiểu là có khả năng đọc trôi chảy những chuyên luận về Phạn ngữ và sử dụng những bộ từ điển Phạn-Anh, Phạn-Đức hoặc Phạn-Pháp.
- Trình độ Việt ngữ: Biết chút ít Hán văn trong ý nghĩa hiểu rõ những từ xuất phát từ Hán ngữ và đã trở thành Hán-Việt là một điều thuận lợi vì cách dùng thuật ngữ ngôn ngữ học trong những tài liệu dạy đa phần y cứ vào thuật ngữ Hán-Việt. Nếu chưa có khả năng như vậy thì nên trau dồi thêm trong khi học khoá Phạn ngữ này.
- Vì bản chất phức tạp, khó và xa lạ của Phạn ngữ nên người học phải tập trung cao độ và siêng năng học tập. Nên tính với thời gian ít nhất là từ hai đến ba ngày ròng rã trong tuần để học Phạn văn mới có kết quả. Sau khoảng 10 (/40) bài học thì mới có thể có chút quen thuộc với ngôn ngữ này và cách học nó. Học viên nên đặc biệt lưu ý đến điều này trước khi ghi danh học.
- Chương trình dạy/học Phạn ngữ này được thực hiện dưới sự tán trợ của Ban Bảo Trợ Hội Đồng Hoằng Pháp của GHPGVNTN qua chùa Viên Giác, Hannover, Đức quốc. Học phí là 2 x 400 = 800 $, được đóng hai lần trước khi nhập khoá. Học phí này được hiểu là học phí bảo vệ khoá học, đảm bảo chỉ những người thật sự muốn học Phạn ngữ tham dự và theo đuổi nó đến cùng, ít nhất là đến hết khoá sơ cấp. Chi tiết về tài khoản để chuyển tiền sẽ được cho biết Nếu Tăng Ni sinh nào thi đậu cả 2 học kì thì số tiền học phí đã đóng bên trên sẽ được hoàn lại.
- Sau khi liên lạc ghi danh qua điện thư: ratnakuta@googlemail.com thì những thủ tục cần thiết tiếp theo sẽ được cho biết.