Đặc phái viên Sen Trắng: Rừng xưa nở đóa hạnh Lam

Nỗ lực cao nhất của chúng ta là phát triển những con người tự do, những người có khả năng tự đạt tới mục đích và định hướng cho cuộc sống của chính mình. Nhu cầu về trí tưởng tượng sáng tạo, ý thức về sự thật, cũng như bổn phận trách nhiệm – cả ba nguồn lực này đều là những yếu tố rất quan trọng trong giáo dục. | Rudolf Steiner

Xoải theo triền dốc để bước vào cổng tam quan, một đài Lục hòa hiển lộ trước mắt mà từ giờ phút này nhắc nhớ cho tất cả Anh-Chị-Em Huynh trưởng đại biểu về phó hội: “Đây Gia Đình-Chung Thân Ái”.

Trên cao, Đức Bồ tát Quán Thế Âm vẫn hiền từ và nhẫn nại lắng nghe. Cao hơn, chót vót ngự trên mái chùa Cổ Lâm xanh rì bóng trúc, một vòng Pháp luân thường chuyển sáng rực dưới bầu trời dẫu có lúc nắng, lúc mưa…

Đất trời Seattle mùa lạnh nhưng ấm áp Đạo Thầy-Trò; tình Huynh-Đệ. Vị Đại Sư trú trì già nua theo năm tháng nhưng lòng bao dung thương trẻ vẫn son sắt tựa những ngày đầu.

Hôm nay, Đại hội Huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ- kỳ thứ 12 – đã kết thúc sau 3 ngày 19, 20 và 21 tháng Tư năm 2024, với thành quả vô cùng hoan hỷ. Trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt nhưng lạc quan của toàn cảnh ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam; của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ.

Tình yêu cao hơn quan điểm. Nếu yêu thương lẫn nhau, người ta có thể hòa hợp những quan điểm khác nhau. Do đó một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của con người ngày nay và trong tương lai là nên học cách sống chung và hiểu lẫn nhau. Nếu tình bằng hữu này của loài người không đạt được thì tất cả những phát biểu về sự phát triển đều trống rỗng. | Rudolf Steiner

Chúng ta chọn làm âm thầm mà không phô trương; chúng ta chọn khuyết một cái tên mà bảo toàn đầy đặn tình huynh đệ; chúng ta chọn “bất lập văn tự” để gìn giữ truyền thống “bất khả phân”; chúng ta chọn phương pháp lãnh đạo ảnh hưởng, chuyển hóa mà không nệ vào chức vị, quyền hạn; trên hết, chúng ta chọn đàn em là cứu cánh của sự nghiệp giáo dục tuổi trẻ Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng xã hội. Mà không gian xã hội ở đây, bây giờ, là nhận thức trong thời đại toàn cầu hóa, công nghệ hóa nhưng không đánh mất bản sắc truyền thống, cội nguồn.

Đón nhận trẻ bằng sự tôn trọng sâu sắc, giáo dục trẻ bằng sự yêu thương để trẻ tự do bước về phía trước. Rudolf Steiner

Từ khời khắc tiền hội nghị cho đến cuối ngày Dây Thân Ái, Anh-Chị-Em đã chọn “Có Mặt Cho Nhau” nên vì vậy suốt đoạn đường đi tới, dẫu có nắng mưa đeo đuổi trì níu, thì đó cũng chỉ là những hiện tượng nhất thời ngoại tại. Lòng đã bền, chí đã định, tình đã sắt son trong mọi khối tim lam thì sợ gì nắng ngại gì mưa.

Trên cao một tòa Chánh Pháp hiển lộ lung linh dáng từ, thâm trầm ngôn hạnh của chư Thầy qua những điều Giáo-Giới thống lý đại chúng.

Xin niệm ân Hòa Thượng Thích Nguyên An, một trong các bậc Tăng trưởng của Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTNHK; niệm Ân Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK; Niệm Ân Thượng Tọa Thích Giới Minh, Phó Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, GHPGVNTNHK; cùng niệm ân Chư Tăng, Ni Cổ Lâm Thiền Tự, Seattle; đất Già Lam Thanh Tịnh đã tạo duyên và trợ phước cho Anh-Chị-Em Áo Lam chúng ta có một nơi chốn ngồi xuống bên nhau trong đạo tràng chánh niệm; ý thức lại tình huynh đệ và nhìn thấy con đường phía trước.

Cuối cùng, xin niệm ân và hồi hướng công đức đến với tất cả chúng ta, đã có mặt cho nhau lẫn đây đó xa xôi vẫn nhất tâm hướng về nhân kỳ đại hội lần thứ 12 này. Từ giờ phút hôm nay, nguyện không để ai tụt lại sau lưng chúng ta và Đường Còn Dài, Chúng Ta Hãy Cùng Vui Lên Mà Đi*.

Nam Mô Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.

Seattle Washington, đạo tràng Cổ Lâm Thiền Tự, 2024.

Đặc phái viên Sen Trắng ghi nhanh


* Lời dặn dò của CốHuynh Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button