Đạo Sinh dịch: Đời sống và tấm gương Đức Phật

Một ngày mùa hạ trong xanh, nắng gắt. Những cành cây sa-la um tùm, trĩu quả, hoa nở rực rỡ. Cảnh vật hoang dại, lởm chởm đá với nhiều hang động. Thị trấn gần nhất cũng cách xa trên trăm dặm. Trong vài hang động là các hành giả du-già, tóc bối dài, mình chỉ khoác một mảnh vải bông trắng mỏng. Có người ngồi nhập định trên những tấm da nai. Có người đang tu luyện nhiều động tác du-già khác nhau, như ngồi nhập định giữa một đống lửa trại, một phép tu khổ hạnh nổi tiếng. Có người lại đang trì chú hay tụng kinh cúng dường. Nơi chốn này có một bầu không khí thanh bình, tĩnh lặng, nhưng cũng khá quái dị. Có lẽ nó vẫn giữ nguyên trạng từ trước lúc thế giới này hình thành. Một sự tĩnh lặng tuyệt đối. Cả tiếng chim hót cũng không nghe thấy. Chỉ có một giòng sông lớn gần đó, nhưng chẳng có ngư phủ nào. Giòng sông mênh mông, rộng ít nhất cũng đến bảy dặm. Trên bờ các đạo sỹ đang thực hành thánh lễ tẩy tịnh. Ta thấy họ thiền định và tắm trong giòng sông. Đó là cảnh tượng cách đây hai ngàn năm trăm năm ở một nơi có tên là Nairanjana trong tỉnh Bihar, Ấn-độ.

Một hoàng tử, tên Siddhartha, tìm đến. Dáng dấp quý tộc; chàng chỉ vừa mới cất bỏ chiếc vương miện, những chiếc khuyên tai và đồ trang sức của mình, vì thế chàng cảm thấy khá trần trụi. Chàng vừa mới từ giã con ngựa và người hầu cận cuối cùng, và giờ đây chàng đã khoác lên tấm vải bông trắng sạch. Chàng nhìn quanh và cố bắt chước những đạo sỹ khác. Chàng muốn theo gương họ, vì thế chàng đến gần để xin được hướng dẫn phương pháp thiền định. Trước tiên chàng giải thích mình là một hoàng tử và thấy đời sống ở cung điện thật vô nghĩa. Chàng đã nhìn thấy có sự sinh ra, sự chết, bệnh tật và già yếu. Chàng cũng đã nhìn thấy một nhà hiền triết bước đi trên đường; và điều này đã gây cảm hứng cho chàng. Đây là tấm gương và lối sống chàng muốn theo. Tất cả đều mới lạ với chàng; và thoạt đầu chàng không thể nào thừa nhận những điều này đang thật sự xảy ra. Chàng không thể quên sự xa hoa và những thú vui nhục dục đã trải qua trong cung điện và vẫn còn quay cuồng trong đầu óc chàng. Đó là hoàng tử Siddhartha, đức Phật tương lai.

Rồi chàng nhận được các hướng dẫn, có lẽ hơi miễn cưỡng, từ vị đạo sư hiện tại của chàng. Chàng tu tập khổ hạnh của một nhà thấu thị, học ngồi kiết-già, và áp dụng bảy tư thế du-già để điều hòa hơi thở. Lúc đầu những điều này mới lạ đối với chàng như một trò chơi. Chàng cũng nhận được cảm giác thành tựu khi cuối cùng đã biết cách từ bỏ các sở hữu thế gian để đi theo nếp sống tuyệt vời này. Ký ức về vợ con và cha mẹ chàng vẫn còn đầy trong tâm trí. Điều này chắc hẳn đã quấy rầy việc tu tập du-già nhưng hình như chàng chẳng còn cách nào hàng phục tâm thức mình. Và các hành giả du-già chẳng hề nói cho chàng biết phải làm gì, ngoại trừ việc cứ tiếp tục làm giống như họ.

Đó là kinh nghiệm của đức Phật gần hai ngàn năm trăm năm trước. Và giờ đây ta sẽ tìm thấy một cảnh quang tương tợ và có những kinh nghiệm tương tợ nếu ta quyết định rời khỏi gia đình, từ bỏ những lần tắm nước nóng nước lạnh, quên đi chuyện nấu nướng ở nhà và sự xa xỉ khi đi lại bằng xe hơi, hay phương tiện vận chuyển công cộng; một điều vẫn rất là xa xỉ. Có người trong chúng ta có thể đáp máy bay và chỉ mất vài tiếng đồng hồ để đến đó: trước khi ta biết mình ở đâu thì ta đã ở ngay giữa lòng Ấn-độ. Có người có máu phiêu lưu hơn có lẽ sẽ quyết định cuốc bộ. Tuy nhiên điều đó hình như vẫn sẽ không thật lắm; chuyến hành trình vẫn tiếp tục thú vị và sẽ không bao giờ có một giây phút buồn tẻ. Cuối cùng chúng ta cũng đến được Ấn. Có lẽ ở một số mặt nào đó Ấn-độ làm ta thất vọng. Ta sẽ nhìn thấy một số lượng tối tân hóa nào đó, và sự hợm hĩnh của những người Ấn thượng lưu, có giáo dục tốt hơn; những người vẫn đang học đòi Hoàng gia Anh. Có lẽ lúc đầu ta sẽ thấy hơi khó chịu, nhưng dù sao đi nữa ta vẫn chấp nhận và cố rời xa thành phố nhanh chừng nào hay chừng đó để hướng vào rừng xanh. (Trong trường hợp này đó có thể là một tu viện Tây tạng hay một tịnh thất Ấn-độ.) Chúng ta có thể noi theo y hệt tấm gương của hoàng tử Siddhartha và có lẽ sẽ có ít nhiều kinh nghiệm y hệt chàng. Điều trước tiên hiện rõ trong tâm trí chúng ta là khía cạnh khắc khổ, hay đúng hơn là sự vắng bóng các thứ xa hoa trong một đời sống như thế. Giờ đây, chúng ta có học được điều gì không từ những ngày tháng mở đầu này? Có lẽ chúng ta sẽ học được điều gì đó của lối sống này. Nhưng có lẽ vì chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy một xứ sở như thế nên chúng ta thường có khuynh hướng bị kích động nhiều hơn. Ta có thói quen diễn dịch mọi thứ, và cuộc đối thoại nội tâm vẫn tiếp tục khi ta cố gắng phá vỡ các chướng ngại của truyền thông và ngôn ngữ. Ta vẫn đang sống rất nhiều trong thế giới của riêng mình. Giống hệt như với đức Phật, sự kích động và sự mới lạ khi hiện hữu trong một xứ sở xa lạ sẽ còn lưu lại với chúng ta trong nhiều tháng. Ta sẽ viết thư về nhà, làm như ta đang bị cái đất nước này hớp hồn, đang say mê bởi niềm phấn khích và kỳ lạ của nó. Vì thế nếu ta trở về sau chỉ một ít ngày hay ít tuần thì ta sẽ không học hỏi được nhiều; cùng lắm là ta chỉ thấy được một đất nước khác, một nếp sống khác mà thôi. Và điều tương tợ có lẽ đã xảy ra với đức Phật nếu Ngài rời bỏ khu rừng già Nairanjana và trở về vương quốc của mình ở Rajgir.

Trong trường hợp đức Phật, Ngài đã tập thiền một thời gian dài với các vị thầy Ấn giáo, và Ngài đã khám phá ra rằng việc tu khổ hạnh và chỉ bám theo một hệ thống tín ngưỡng mà thôi chẳng giúp được gì. Ngài vẫn không có câu trả lời. À, có lẽ Ngài đã có một số câu trả lời. Theo một nghĩa nào đó những câu hỏi này đã được giải đáp trong đầu óc Ngài; nhưng không nhiều thì ít Ngài đang nhìn thấy những gì Ngài muốn thấy, hơn là nhìn thấy mọi thứ như chúng là. Vì thế, để đi theo con đường tâm linh trước hết ta phải vượt qua sự kích động ban đầu này; đó là một trong những yếu tính tiên khởi. Bởi vì nếu ta không thể vượt qua sự kích động này, ta sẽ không thể học, vì bất cứ hình thức kích động thuộc cảm tính nào cũng có tác động làm mê mờ. Ta không thể nhìn thấy đời sống như nó là vì ta quá coi trọng việc tạo dựng một cái nhìn của riêng ta về nó. Vì thế ta không nên cam chịu hay ghép mình vào bất cứ cấu trúc tôn giáo hay chính trị nào nếu trước tiên ta không tìm thấy thể tính đích thực của cái ta đang kiếm tìm. Tự dán nhãn hiệu lên mình, bắt chước một lối sống khắc khổ hay thay đổi trang phục của mình – những việc làm này chẳng hề mang lại bất kỳ sự chuyển hóa nào cả.

Sau nhiều năm đức Phật đã quyết định rời bỏ. Về mặt nào đó Ngài đã học được rất nhiều, nhưng đã đến lúc Ngài nói lời từ giã với các thầy mình, các nhà thấu thị người Ấn, và ra đi một mình. Ngài đến một nơi thật xa, cho dù vẫn nằm trên bờ sông Nairanjana, và ngồi xuống dưới một cây đa, cũng còn gọi là cây Bodhi (Bồ-đề). Trong nhiều năm dài Ngài đã ở lại đó, ngồi trên một tảng đá lớn, ăn và uống rất ít. Đó không phải vì Ngài thấy cần phải tu theo lối khổ hạnh nghiêm mật, mà vì Ngài thấy cần ở một mình và tự khám phá mọi thứ cho chính mình, hơn là học theo tấm gương của người nào khác. Có lẽ Ngài đã đạt đến những kết luận như thế bằng những phương pháp khác nhau, nhưng điều đó không quan trọng. Cái quan trọng là bất cứ điều gì ta đang cố gắng học hỏi thì trước tiên ta cần có kinh nghiệm về nó, hơn là học từ sách vở hay thầy dạy hay chỉ bằng việc noi theo một khuôn mẫu lập sẵn. Đó là cái Ngài đã tìm thấy, và trong ý nghĩa đó đức Phật là một nhà cách mạng vĩ đại trong lối suy tư của mình. Thậm chí Ngài còn phủ nhận sự hiện hữu của Brahma, hay Thượng đế, đấng Tạo hóa. Ngài cương quyết không chấp nhận bất cứ điều gì nếu tự thân Ngài trước tiên không khám phá ra. Điều này không hàm ý rằng Ngài bác bỏ truyền thống vĩ đại và xưa cổ của Ấn.

Ngài rất kính trọng truyền thống đó. Thái độ của Ngài không phải là thái độ của người bác bỏ giá trị các định chế luật pháp và chính phủ theo bất cứ ý nghĩa tiêu cực nào, cũng không phải là cách mạng theo lối Cộng sản. Thái độ của Ngài là sự cách mạng tích cực và đích thực. Ngài khai triển khía cạnh sáng tạo của sự cách mạng, tức không cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất cứ ai khác mà là tự tìm thấy cho chính mình. Phật giáo có lẽ là tôn giáo duy nhất không dựa vào sự mặc khải của Thượng đế hoặc vào niềm tin và sự hiến dâng cho Thượng đế hay bất kỳ thần linh nào khác. Điều này không có nghĩa đức Phật là người vô thần hay dị giáo. Ngài chưa hề tranh biện các học thuyết triết học hay thần học. Ngài đi thẳng vào trung tâm vấn đề, có nghĩa là làm thế nào để nhìn thấy sự thật. Ngài không bao giờ phí phạm thời gian cho những suy luận viễn vông.

Bằng cách khai triển một thái độ cách mạng như thế ta học được rất nhiều điều. Chẳng hạn một ngày nào đó ta bỏ lỡ mất bữa cơm trưa. Có thể ta không đói, có thể ta đã ăn rất nhiều vào buổi sáng, nhưng ý nghĩ bỏ lỡ bữa cơm trưa vẫn tác động đến ta. Những khuôn thước nào đó đã hình thành trong khuôn khổ của xã hội và ta có khuynh hướng chấp nhận chúng mà không hề thắc mắc. Chúng ta có thật sự bị đói, hay chúng ta chỉ muốn lấp đầy khoảng thời gian giữa buổi trưa? Đó là một ví dụ rất đơn giản và thẳng thắn. Tuy nhiên có nhiều điều như thế xảy ra khi ta đụng đến vấn đề tự ngã.

Đức Phật tìm ra rằng không có cái gọi là “tôi”, tự ngã. Có lẽ ta nên nói rằng không có cái gọi là “là”, “tôi là”. Ngài tìm ra rằng tất cả những quan niệm, ý tưởng, hy vọng, sợ hãi, cảm xúc, kết luận này đều được tạo ra từ những tư tưởng có tính cách suy diễn cũng như sự thừa kế về mặt tâm lý của ta từ cha mẹ, sự nuôi dưỡng, vân vân. Chúng ta chỉ việc gom chúng lại, và dĩ nhiên điều này một phần là do thiếu khéo léo trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Chúng ta được dạy bảo phải suy nghĩ cái gì, hơn là tự mình thật sự tìm tòi từ trong chính bản thân chúng ta. Vì thế, trong ý nghĩa đó tu khổ hạnh, tức những kinh nghiệm về nỗi đau của thân xác, hoàn toàn không phải là phần thiết yếu của Phật pháp. Điều quan trọng là vượt qua cái khuôn mẫu, các ý niệm tinh thần chúng ta đã hình thành. Điều đó không có nghĩa ta phải tạo ra một khuôn mẫu mới hay cố trở nên khác đi và luôn luôn đi mà không có bữa cơm trưa hay những gì ta có. Ta không phải lật ngược mọi thứ trong cách cư xử của ta và trong cách ta trình diện mình trước người khác. Làm thế cũng chẳng giải quyết được vấn đề nào cả. Cách giải quyết duy nhất là quán sát vấn đề thật thông suốt. Từ cái nhìn như thế ta có một ham muốn nào đó – hoặc không được mạnh mẽ như sự ham muốn – nhiều hơn là cảm giác muốn tuân phục điều gì đó. Và ta cũng không suy nghĩ được gì về điều đó, ta chỉ được dẫn dắt tới điều đó. Vì thế ta cần làm quen với ý tưởng tỉnh giác. Lúc đó ta có thể luôn luôn khảo sát chính bản thân ta, và vượt lên trên các ý kiến cũng như cái gọi là các kết luận thường thức. Ta cần phải học cách trở thành một nhà khoa học khéo léo và không chấp nhận điều gì cả. Mọi thứ phải được nhìn thấy qua kính hiển vi của chính ta và ta phải đạt đến những kết luận của riêng mình theo cách riêng của mình. Khi chưa làm được như thế, sẽ không có một đấng cứu rỗi, một đạo sư, một ân phước, hay một dẫn dắt nào có thể giúp được ta.

Dĩ nhiên luôn luôn có tình trạng khó xử như thế này: nếu không được trợ giúp thì ta sẽ là cái gì? Ta không là gì cả sao? Chúng ta không nỗ lực đạt đến một cái gì đó cao hơn sao? Cái cao hơn này là gì? Chẳng hạn, Phật quả là gì? Giác ngộ là gì? Chúng không là gì cả, hay chúng là cái gì đó? Tôi e rằng thật sự tôi không có thẩm quyền trả lời điều này. Tôi chỉ là một trong những người lữ hành, như mọi người khác ở đây. Nhưng từ kinh nghiệm của riêng mình – và như Kinh điển mô tả, hiểu biết của tôi chỉ giống như một hạt cát sông Hằng – tôi muốn nói rằng khi ta nói về các điều “cao hơn”, ta thường có khuynh hướng suy nghĩ dựa vào quan điểm riêng của ta, một cái nhìn to lớn hơn về chính chúng ta. Khi ta nói về Thượng đế, ta có khuynh hướng suy nghĩ thông qua hình ảnh riêng của ta, chỉ có vĩ đại hơn, đồ sộ hơn, một loại phô trương chính tự thân chúng ta; giống hệt như chúng ta tự ngắm mình trong một tấm gương khuếch đại. Ta vẫn suy nghĩ theo cách nhị nguyên. Tôi ở đây. Thượng đế ở đó. Và lối chia sẻ duy nhất là cố yêu cầu Ngài giúp đỡ. Có thể trong những lúc nào đó chúng ta cảm thấy mình đang tiếp xúc với Ngài, nhưng dù sao đi nữa chúng ta vẫn thật sự không kết nối được bằng cách này. Chúng ta không bao giờ có thể đạt được sự kết nối với Thượng đế bởi vì có một quan niệm cố định, một kết luận lập sẵn mà chúng ta đã chấp nhận; và chúng ta chỉ đang cố đặt cái vĩ đại đó vào một bình chứa nhỏ nhắn. Ta không thể đưa một con lạc đà đi qua lỗ kim. Vì thế ta phải tìm những phương cách khác. Và cách tìm thấy duy nhất là trở lại công việc hoàn toàn đơn giản: khảo sát chính bản thân ta. Đây không phải vấn đề cố gắng làm ra vẻ “tôn giáo” hoặc đoan chắc rằng ta tử tế với láng giềng của mình, hay bỏ tiền làm từ thiện càng nhiều càng tốt. Cho dù làm thế dĩ nhiên cũng có thể là rất tốt. Điều chính yếu là không nên chỉ chấp nhận mọi thứ một cách mù quáng và cố gắng nhét chúng vào một ngăn kéo phù hợp, mà ta phải nỗ lực nhìn thấy chúng trước tiên bằng chính kinh nghiệm của chúng ta.

Điều này dẫn ta đến việc tu tập thiền. Một điều rất quan trọng. Một điều khó chịu ở đây là ta thường thấy sách vở, các bài giảng, các bài diễn thuyết, vân vân, đều tập trung vào việc chứng thực rằng họ có lý, hơn là chỉ cho chúng ta thiền phải được tu tập như thế nào. Đó mới là điều cốt lõi nhất. Chúng ta không quan tâm lắm việc truyền bá giáo pháp. Thay vì thế, chúng ta quan tâm đến việc áp dụng chúng và đưa chúng vào thực hành. Thế giới đang chuyển dịch nhanh như thế và không có thì giờ để chứng thực, nhưng bất cứ cái gì chúng ta học, chúng ta phải mang nó về, nấu chín và ăn ngay lập tức. Vì thế toàn bộ vấn đề là ta phải nhìn bằng chính đôi mắt của mình và không chấp nhận bất cứ truyền thống nào định đặt sẵn cho dù truyền thống đó có chứa ma lực nào đi nữa. Không có điều mầu nhiệm nào có thể chuyển hóa chúng ta đúng như thế. Mặc dù, vì đầu óc máy móc, chúng ta luôn tìm kiếm cái gì đó chỉ khởi động bằng cách bấm nút. Có sự hấp dẫn lớn lao ở những con đường tắt, và nếu có một phương pháp thâm sâu nào đó có thể đề ra một lối đi nhanh thì ta vẫn bám theo hơn là phải đảm đương những chuyến hành trình gian khổ và những sự tu tập khó khăn. Vì thế ở đây ta thấy được tầm quan trọng thật sự của khổ hạnh: tự hành hạ mình chẳng đi đến đâu, nhưng một vài công việc tay chân và sự nỗ lực của cơ thể thì cần thiết. Nếu chúng ta đi bộ ở nơi nào đó, chúng ta sẽ biết được đường đi trọn vẹn; nếu đi bằng xe hơi hay máy bay, chúng ta khó lòng biết được đường đi; nó chỉ là một giấc mơ. Tương tợ, để thấy được mô hình phát triển liên tục, chúng ta phải nắm bắt nó bằng tay. Đó là một trong những điều quan trọng nhất. Và ở đây kỷ luật trở nên cần thiết. Chúng ta phải rèn luyện chính mình. Dù lúc tập thiền hay trong đời sống hàng ngày, ta phải tập kiên nhẫn. Để bắt đầu cái gì đó ta thường chỉ nếm, rồi để nguyên; ta không bao giờ có thời gian để ăn và tiêu hóa kịp để nhìn thấy tác dụng của nó. Dĩ nhiên ta phải tự nếm để xem thật giả hay lợi hại thế nào, nhưng trước khi quẳng nó đi ta phải đi xa hơn một tí, để ít ra ta có được kinh nghiệm đầu tay của thời kỳ dự bị. Điều này cực kỳ cần thiết.

Đó cũng là những gì đức Phật đã tìm thấy. Và đó là lý do tại sao Ngài tọa thiền bên giòng sông Nairanjana trong nhiều năm, hầu như không đi khỏi chỗ. Ngài tọa thiền theo cách riêng của mình, và Ngài tìm thấy rằng trở lại thế gian là câu trả lời duy nhất. Khi Ngài tìm ra trạng thái tâm giác ngộ, Ngài ý thức rằng sống đời khổ hạnh và tự hành hạ mình chẳng có ích gì, thế là Ngài đứng lên đi xin thức ăn. Người đầu tiên Ngài gặp, ở gần Bodhgaya, là một phụ nữ giàu có sở hữu nhiều bò sữa. Bà cho Ngài sữa đặc đun sôi trộn với mật ong. Ngài uống và thấy rất ngon. Không chỉ thế, Ngài còn thấy sức khỏe và năng lực tăng lên, và kết quả là Ngài có thể đạt được tiến bộ lớn lao trong công phu tọa thiền. Điều tương tợ đã xảy ra trong trường hợp của Milarepa, nhà Đại du-già Tây tạng. Lần đầu ra ngoài và nhận được một bữa ăn được chuẩn bị ngon lành, Ngài thấy mình có được sức mạnh mới và có thể thiền định đúng đắn.

Lúc đó đức Phật tìm quanh một chỗ ngồi thoải mái sau khi thấy rõ rằng ngồi trên đá thì quá cứng và đau. Một người nông phu cho Ngài một bó cỏ kusa. Đức Phật rải quanh một góc cây ở Bodhgaya rồi ngồi xuống đó. Ngài khám phá ra rằng miễn cưỡng đạt thành cái gì đó không phải là câu trả lời, và thật vậy lần đầu tiên Ngài thừa nhận rằng không có gì để thành tựu. Ngài từ bỏ mọi tham vọng. Ngài đã uống sữa, đã có chỗ ngồi, và đã giúp bản thân thoải mái. Tối hôm đó cuối cùng Ngài đã đạt được chính giác (sambodhi), trạng thái giác ngộ hoàn toàn. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, Ngài chưa hoàn toàn hàng phục mọi thứ. Tất cả những nỗi sợ hãi, sự cám dỗ, và ham muốn dấu kín, sự trói buộc cuối cùng của tự ngã, đã xuất hiện dưới dạng Mara, kẻ xấu. Lúc đầu Mara cho những người con gái xinh đẹp của mình đến quyến rũ Ngài nhưng không thành. Và rồi xuất hiện những đoàn quân hung dữ của Mara, chiến thuật cuối cùng của tự ngã. Nhưng đức Phật đã đạt đến trạng thái của tâm từ (maitri). Nói cách khác, Ngài không chỉ từ bi theo nghĩa nhìn xuống Mara như một chúng sinh ngu muội – vì Mara là hình ảnh phóng xuất của chính Ngài – mà Ngài đã tựu thành trạng thái không đề kháng, trạng thái không bạo động, trạng thái mà Ngài đồng nhất được với Mara. Kinh điển nói rằng mỗi mũi tên của Mara trở thành một cơn mưa hoa rơi xuống trên thân Ngài. Thế là cuối cùng tự ngã đã đầu hàng và Ngài thành tựu giác ngộ. Tự thân chúng ta có thể có một kinh nghiệm như thế, có lẽ trong một thoáng trong sáng và an bình ngắn ngủi – trạng thái mở của tâm – nhưng điều đó chưa hoàn toàn đủ. Chúng ta phải học cách đưa trạng thái đó vào hiện thực, phải sử dụng trạng thái đó làm một loại trung tâm, từ đó chúng ta có thể vươn rộng ra. Ta phải tạo ra hoàn cảnh quanh ta, để ta không phải nói, “tôi là người giác ngộ.” Nếu phải nói một điều như thế và phô diễn bằng ngôn ngữ thì ta không thật sự giác ngộ.

Rồi đức Phật bước đi trong vòng bảy tuần. Theo một nghĩa nào đó Ngài chỉ có một mình, và ta có thể nói Ngài là người rất cô độc, vì Ngài là người duy nhất đã nhìn thấy và đã thành tựu điều gì đó. Ngài đã biết được một số câu trả lời có liên quan đến đời sống và việc tìm ra ý nghĩa chân chính, hay cái như thế, trong thế giới luân hồi sinh tử. Nhưng Ngài không biết chắc làm thế nào để trình bày điều này và Ngài đã quyết định không nói ra. Trong kinh có một bài tụng nói rằng: “Sự yên bình sâu lắng không giới hạn, đó là giáo pháp ta đã tìm thấy. Nhưng không ai có thể hiểu được điều này, vì thế ta sẽ giữ im lặng ở trong rừng.” Nhưng rồi sự hình thành đích thực và cuối cùng của lòng từ bi đã đến và Ngài thấy được khả năng tạo ra một hoàn cảnh thích hợp. Cho đến lúc đó Ngài vẫn có ý muốn giảng dạy (vì Ngài đã tựu thành cái gì đó, Ngài cảm thấy nên cứu vớt thế gian – nếu ta có thể dùng cách diễn tả như thế). Thế nhưng Ngài phải từ bỏ ý tưởng cứu vớt tất cả chúng sinh này. Rồi đúng lúc Ngài quyết định rời bỏ thế gian và trở lại rừng xanh thì lòng từ bi đích thực, không vị ngã, sinh khởi trong Ngài. Ngài không còn ý thức về mình là một bậc đạo sư, Ngài không còn có ý tưởng phải cứu vớt con người; thế nhưng bất cứ khi nào tự thân hoàn cảnh trình hiện thì Ngài đều giải quyết một cách tự nhiên.

Đức Phật giảng dạy trong khoảng bốn mươi năm, và suốt đời đi bộ khắp nước Ấn. Ngài không cỡi voi, ngựa hay xe mà chỉ đi chân trần. Tôi nghĩ nếu có ai trong chúng ta được nhìn thấy Ngài hoặc nghe Ngài nói thì chắc chắn đó sẽ không phải là một bài pháp thoại như chúng ta biết, mà chỉ là một cuộc chuyện trò đơn giản. Điều quan trọng không phải là lời nói của Ngài mà là hoàn cảnh Ngài đã tạo ra. Chẳng phải vì Ngài đã thành tựu một sức mạnh tinh thần như thế, và nhờ thế đã chế ngự được toàn bộ hoàn cảnh, mà chỉ vì Ngài chân thật – giống như bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể chân thật như thế. Vì vậy giáo pháp đã được giảng dạy trước khi Ngài mở miệng nói ra. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy kinh điển nói rằng các thần linh, a-tu-la, và tất cả các hạng người từ những vùng khác nhau ở Ấn đã đến nghe Ngài nói, nhìn thấy Ngài và gặp mặt Ngài; và tất cả đều có thể hiểu Ngài. Họ không phải hỏi Ngài các câu hỏi nhưng tự nhiên họ đều nhận được các câu trả lời. Đó là một ví dụ tuyệt vời về sự cảm thông. Đức Phật không bao giờ cho rằng Ngài là hóa thân của Thượng đế hay bất cứ thần linh nào. Ngài chỉ là một con người đã thông suốt những điều nào đó và đã đạt được trạng thái giác ngộ của tâm. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể, hay ít nhất cũng có một phần nào đó, khả năng có được một kinh nghiệm như thế.

Từ ví dụ trên ta thấy rằng nói năng không phải là phương tiện truyền đạt duy nhất. Sự truyền đạt đã có mặt trước khi chúng ta nói điều gì, cho dù đó chỉ là những câu nói thông thường “Xin chào”, hay “Ông khỏe không?” Dẫu sao thì sự truyền đạt vẫn còn tiếp tục sau khi ta nói xong. Toàn bộ sự việc phải được điều động một cách khéo léo, bằng sự chân thật chứ không phải bằng sự quy ngã. Lúc đó sẽ không còn dấu vết của ý niệm nhị nguyên; và phương cách truyền đạt đúng đắn sẽ được hình thành. Điều này chỉ có thể đạt được nhờ vào kinh nghiệm tìm kiếm của chính chúng ta chứ không phải nhờ sự sao chép tấm gương của một người nào đó. Khổ hạnh hay bất cứ khuôn mẫu định sẵn nào đều không thể cho ta câu trả lời. Tự thân chúng ta phải thực hiện động thái đầu tiên hơn là mong đợi từ thế giới hiện tượng hay từ người khác. Nếu chúng ta đang hành thiền ở nhà và tình cờ nhận ra mình đang sống ở một đường phố lớn, chúng ta không thể bắt xe cộ phải dừng lại chỉ vì chúng ta muốn có sự thanh bình và yên tĩnh. Chúng ta có thể chặn đứng chính mình, chúng ta có thể chấp nhận tiếng ồn. Tiếng ồn cũng chứa đựng sự yên lặng. Chúng ta phải đặt mình vào đó và không mong đợi bất cứ điều gì từ bên ngoài, giống hệt như đức Phật đã làm. Và chúng ta phải chấp nhận bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra. Chừng nào chúng ta không thoát ra khỏi hoàn cảnh thì nó vẫn luôn luôn trình hiện như một cỗ xe và chúng ta sẽ có thể sử dụng đến nó. Giống như kinh điển có nói: “Pháp tốt ở phần đầu, Pháp tốt ở phần giữa, Pháp tốt ở phần cuối.” Nói cách khác, Pháp không bao giờ bị lỗi thời, vì từ căn bản hoàn cảnh thì luôn luôn như thế.

[trích Thiền trong hành động]

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button