Đạo Sinh dịch: Nhẫn nhục

Nhẫn nhục, tiếng Sanskrit là ksanti, thường có nghĩa là sự kiên nhẫn, sự âm thầm chịu đựng khổ đau và khổ nhọc; nhưng thật ra ksanti còn có nghĩa nhiều hơn thế. Đó là sự nhẫn nhục theo nghĩa thấy được hoàn cảnh và thấy được rằng chịu đựng và phát triển sự kiên nhẫn là đúng đắn. Vì thế ta có thể nói ksanti có mang yếu tố thông minh, tương phản với một con vật trên lưng chất đầy hàng hóa và vẫn tiếp tục đi mãi cho đến khi lăn đùng ra chết. Loại nhẫn nhục đó là loại nhẫn nhục không có trí huệ, không có sự sáng suốt. Ở đây chúng ta đang nói đến sự nhẫn nhục kèm theo sự sáng suốt, và sức lực kèm theo con mắt hiểu biết. Nói chung, khi nói về nhẫn nhục, ta thường nghĩ đến một người đang nhẫn nhịn, thế nhưng điều này cũng liên quan nhiều đến sự truyền đạt nữa. Nhẫn nhục có thể phát triển nếu có sự tu tập và nếu ta có thể tạo ra hoàn cảnh đúng. Lúc đó ta không chỉ chịu đựng vì nó đau khổ và khó chịu và vì ta chỉ đang cố gắng vượt qua, mà nhẫn nhục còn có thể phát triển dễ dàng nhờ sự hỗ trợ của virya, hay sức lực. Không có sức lực ta không thể phát triển nhẫn nhục bởi vì sẽ không có sức khỏe để có thể nhẫn nhục; và sức lực này phát xuất từ việc tạo ra hoàn cảnh đúng đắn, một hoàn cảnh kết hợp với sự tỉnh giác (awareness). Có lẽ từ awareness hơi tối nghĩa, vì nó thường chỉ cho sự tự nhận biết hay ý thức về cái ta đang làm; tuy nhiên, trong trường hợp này tỉnh giác chỉ có nghĩa nhìn thấy được hoàn cảnh một cách đúng đắn. Nó không có nghĩa quán sát bản thân ta đang nói và đang làm mà đúng hơn là đang nhìn thấy toàn thể hoàn cảnh, giống như một cái nhìn từ không trung có thể cho thấy sự trải dài của một thành phố, vân vân. Vì thế nhẫn nhục lên quan đến sự tu tập, và sự tu tập lại liên quan đến tỉnh giác.
Thật vậy, tu tập là chìa khóa mở ra mọi sự, và sila (giới) là nguồn gốc và chức năng chính của sự tu tập. Ở đây có hai trường phái tư tưởng: (1) tu tập thì cần thiết, và chỉ qua tu tập ta mới có thể học hỏi và tìm thấy con đường đúng; (2) nên để mọi sự diễn biến theo cách của chúng, và nếu tu tập ít hơn, nếu cứ để mặc mọi thứ cho sự chọn lựa hay bản năng của mỗi cá thể thì họ sẽ phát triển sự quan tâm riêng tư đến chủ đề đó và sẽ không cần thiết phải định đặt bất cứ điều gì lên họ.
Cả hai quan điểm trên đều cực đoan. Không phải người Phật tử thích thỏa hiệp trong mọi trường hợp; mà đó là vấn đề nhìn thấy mọi sự thật rõ ràng. Bất cứ khi nào có quá nhiều sự tu tập, thì sự tu tập này chắc chắn đang được định đặt bởi người khác. Có các luật lệ và quy định, và ta luôn luôn được canh chừng và được bảo phải làm gì. Trong trường hợp đó ta không thật sự là những gì ta đang là – người khác chỉ đang khuếch đại tự ngã của họ và định đặt các ý tưởng của họ lên ta. Đó sẽ là một loại độc đoán hơn là tu tập, bởi vì đó là một dạng cố gắng cưỡng ép mọi sự phát triển hơn là để cho chúng phát triển tự nhiên. Đàng khác, nếu sự tu tập hoàn toàn để mặc cho cá thể và cá thể đó phải tự mày mò đường mình đi thì mỗi người sẽ thấy rất khó khăn – trừ trường hợp hiếm hoi người đó rất thông minh và khả năng tự chủ cao, theo nghĩa không bị ảnh hưởng bởi một khuôn mẫu bất thường hay tâm thần của các tư tưởng, ý kiến và cảm xúc. Điều này không có nghĩa hầu hết mọi người đều bị điên hay tâm lý rối loạn mà là yếu tố này có sẵn trong mọi người. Thường có một khía cạnh tâm thần khiến cho chúng ta bằng cách này hay cách khác phản ứng lại một hoàn cảnh nào đó và phát triển một lối hành xử tâm thần; và lối hành xử này chẳng phải là chính đạo gì cả. Đó là loại hành xử theo sự quy định của ta hơn là theo cái đang là. Vì thế, trong trường hợp này con người không có khả năng phát triển sự tự do, vì tự do không được trình hiện đúng đắn cho người đó. Tự do phải được trình hiện một cách đúng đắn. Thật ra tự thân từ ngữ tự do là một từ tương đối: tự do ra khỏi cái gì đó, nếu không sẽ không có tự do. Và vì đó là tự do ra khỏi cái gì đó, trước hết ta phải tạo ra hoàn cảnh đúng, đó là sự nhẫn nhục.
Loại tự do này không thể được tạo ra bởi người ngoài hay một quyền lực cao cả nào đó. Ta phải phát triển khả năng hiểu biết hoàn cảnh. Nói cách khác, ta phải phát triển một sự tỉnh giác toàn triệt, một sự tỉnh giác tỏa khắp, biết được hoàn cảnh vào chính giây phút đó. Vấn đề là thức ngộ được hoàn cảnh và mở toang đôi mắt trước giây phút hiện tiền, và điều này không phải là một kinh nghiệm bí nhiệm hay bất cứ cái gì huyền diệu, mà chỉ là một sự tri nhận trực tiếp, khai mở và rõ ràng về cái hiện tiền. Khi một người có thể nhìn thấy cái hiện tiền mà không bị ảnh hưởng bởi quá khứ hay bất cứ mong đợi nào ở tương lai, và chỉ nhìn thấy chính giây phút ở hiện tại, thì vào giây phút đó không còn một chướng ngại nào cả. Bởi vì một chướng ngại chỉ có thể sinh khởi từ sự kết hợp với quá khứ hay sự mong đợi vào tương lai. Vì thế giây phút hiện tại không có chướng ngại nào cả. Và rồi người đó tìm thấy một sức mạnh to lớn trong mình, một sức lực to lớn để thực hành nhẫn nhục. Anh ta trở thành một chiến sỹ. Khi một chiến sỹ ra trận, anh ta không nghĩ về quá khứ hay kinh nghiệm chiến tranh trước đó của mình. Anh ta cũng không nghĩ đến những hậu quả ở tương lai. Anh ta chỉ đi vào cuộc chiến và chiến đấu; và đó là phương cách đúng đắn để làm một chiến sỹ. Tương tợ, khi có một xung đột to lớn xảy ra, ta phải phát triển sức lực này kết hợp với sự nhẫn nhục. Và đây là cái được biết đến như sự nhẫn nhục chân chính với con mắt nhìn thấy tất cả, sự nhẫn nhục gắn kết với sự sáng suốt.
Dĩ nhiên ta có thể tìm thấy khả năng khai mở và tỉnh táo ở giây phút hiện tiền khi ta ở một mình hay khi hoàn cảnh đúng đắn xuất hiện – chẳng hạn vào một ngày có nắng hay một buổi tối thú vị, hay trong tâm trạng không có gì để lo lắng, hay đọc được một cuốn sách thích hợp, hay một cái gì thuộc loại đó, khi ở trong hoàn cảnh đúng đắn hay gần gũi với những gì ta muốn làm – lúc đó sẽ dễ dàng hơn. Nhưng thông thường thì nó không xảy ra như thế. Có lẽ ta đang có chuyện lo lắng trong lòng, hay có lẽ ta thấy buồn chán khủng khiếp hoặc rất bực mình thế nào đó, thế nhưng ta phải nhìn thấy sự tương tợ của hai khía cạnh này. Dĩ nhiên, điều này nói thì rất dễ nhưng làm thì hơi khó. Vấn đề là ngay cả khi hoàn cảnh tỏ ra thuận lợi, ví dụ như ngay ở đây giữa vùng quê nơi mọi vật đều yên tỉnh, không một tiếng động, thì bằng cách nào đó ta vẫn không bao giờ có thể tránh được những rắc rối tình cảm, những điều phiền muộn và vô số sự việc trong tâm ta. Những thứ này một phần liên hệ với người khác, và một phần vì ta không thể mở rộng và phát triển đủ sức mạnh của sự nhẫn nhục. Vì thế toàn bộ sự việc có khuynh hướng phân rã ra như một thực thể riêng rẽ hơn là một phần của toàn thể khuôn mẫu của một mạn-đà-la. Điều này có nghĩa ta nên luôn nằm ở trung tâm và đừng đối kháng lại hoàn cảnh. Nếu ta nghĩ có cái gì đó sai lệch và ta muốn thấy nó được điều chỉnh thì đó có thể là một ý nghĩ rất độ lượng; tuy nhiên lại có yếu tố của cái “tôi” xen vào: “Tôi muốn ông ta hạnh phúc,” hoặc “Nếu điều đó làm ông ta hạnh phúc thì tôi cũng hạnh phúc theo,” vì thế có ý tưởng là cả hai đều hưởng niềm hạnh phúc này. Và đằng nào thì đó cũng là một loại say mê hạnh phúc. Vì thế điều thường xảy ra là ta không nằm ở trung tâm bánh xe của người thợ đồ gốm; và nếu ta tình cờ ném cục đất sét lên rìa bánh xe thì nó sẽ văng đi. Đất sét không có gì sai và bánh xe cũng không có gì sai, mà ta chỉ ném đất sét sai chỗ. Nếu ta ném đất sét vào giữa thì đất sét sẽ cho ra một chiếc bình đẹp. Vì thế toàn bộ vấn đề là lúc nào ta cũng phải ở vào trung tâm và không mong đợi người khác hay ngoại cảnh hành động thay ta. Nói cách khác, những người phát triển được sự nhẫn nhục khéo léo tột cùng sẽ không bao giờ mong đợi bất cứ điều gì ở người khác. Không phải vì họ là người hay nghi kỵ mà vì họ biết cách ở trung tâm và họ chính là trung tâm. Vì thế để có được sự yên tĩnh ta không nên xua đuổi chim bay đi chỉ vì chúng ồn ào. Để được yên tĩnh ta không nên chặn đứng sự chuyển động của không khí hay giòng chảy của giòng sông mà hãy chấp nhận chúng và tự thân ta sẽ thức ngộ được sự yên tĩnh. Chỉ chấp nhận chúng như một phần của sự hình thành sự yên tĩnh. Vì thế khía cạnh tinh thần của tiếng ồn từ những con chim tác động đến khía cạnh tâm lý ở trong ta. Nói cách khác, tiếng ồn chim chóc tạo ra là một yếu tố, và khái niệm tâm lý về tiếng ồn là một yếu tố khác. Và khi ta có thể giải quyết được mặt kia thì tiếng ồn của chim chóc trở thành sự yên tĩnh có thể nghe thấy được. Vì thế toàn bộ vấn đề là ta không nên mong đợi bất cứ điều gì ở bên ngoài, ta không nên cố thay đổi người khác hay cố truyền đạt ý kiến của ta cho người khác. Ta không nên thuyết phục người khác khi không đúng lúc, khi ta biết họ đã có một ý tưởng rất rõ ràng của riêng họ, hay không đúng lúc để những lời lẽ của ta đến được với họ. Có một ẩn dụ về hai người đang đi chân trần trên một con đường rất gồ ghề. Một người nói, “Con đường này nếu được lát da thì tốt biết bao vì lúc đó sẽ rất êm”, nhưng người kia khôn ngoan hơn nên nói, “Không, tôi nghĩ nếu chân chúng ta được bọc da thì cũng sẽ rất êm.” Vì thế, đó là sự nhẫn nhục; không phải là sự không tin tưởng mà là không mong đợi bất cứ điều gì và không cố thay đổi hoàn cảnh bên ngoài mình. Và đó là con đường độc nhất kiến tạo hòa bình trên thế giới. Nếu bản thân ta sẵn sàng lên đường và sẵn sàng chấp nhận thì một người nào đó cũng sẽ có sự đóng góp giống như vậy. Vì thế nếu một trăm người hành động như nhau thì toàn bộ sự việc sẽ trở nên đúng đắn.
Một câu chuyện ở Tây tạng kể rằng có một trăm lẻ một người lính, trong đó có một người còn rất trẻ là con trai của vị chỉ huy trưởng. Ông nói với đứa con trai, “Hình như mày bị muộn đấy. Tất cả những người khác đã thắng yên ngựa cả rồi, còn mày thì sao?” Anh chàng trả lời, “Nếu một trăm người có thể thắng yên một trăm con ngựa nhanh như thế thì một người sẽ không mất nhiều thì giờ lắm đâu.” Nhưng dĩ nhiên những người kia đã thắng yên ngựa cùng một lúc, vì thế chàng ta bị bỏ lại đàng sau. Vì thế nếu ta mong đợi hoàn cảnh bên ngoài thay đổi thì toàn bộ sự việc sẽ bị đảo lộn và ta thấy rằng ta đang bị đẩy đi xa khỏi mọi hướng và ta đang bị đánh bại; giống như đang bước đi trên một tảng băng. Dĩ nhiên đôi khi ta có thể thay đổi hoàn cảnh với những người khác – có lẽ bằng cách trải qua một loạt các bước đau khổ, như phàn nàn với người khác hoặc phải giải thích dong dài rằng những người như thế làm phiền ta, hay một điều như thế thì không thể chấp nhận được. Nhưng khi ta trải qua tiến trình khá dài này, mục đích chính ta muốn đạt đến – tức niềm thanh bình và tĩnh lặng – đã biến mất lâu rồi, và ta không thành tựu được gì cả. Vì thế toàn bộ sự việc trở thành một cái bẫy chuột liên tục; và vì thế nhẫn nhục là cách để đưa ra ví dụ về sự thanh bình. Nếu ta muốn tạo ra một bầu không khí tĩnh lặng ở nơi nào đó, vậy thì ta phải phát triển sự nhẫn nhục – không chỉ chịu đựng đau đớn mà còn nhìn thấy khía cạnh thú vị của hoàn cảnh đó, nơi ta thấy mình đang bị chọc tức. Và nếu ta có thể nhìn thấy khía cạnh đặc biệt đó, khía cạnh mỉa mai (đồng thời cũng là khía cạnh thú vị), thì rồi bằng cách nào đó hoàn cảnh không còn quấy rầy và không còn xâm phạm niềm tĩnh lặng riêng tư của ta nữa. Nếu ta có thể chấp nhận điều này một cách thảnh thơi, một cách trầm lặng, thì đó đã là bước đầu tiên trong việc tạo ra một cảm giác thanh bình, một không khí yên tĩnh; và rồi một người nào đó có lẽ cũng cảm thấy như thế, cho dù không nói ra.
Vì thế nhẫn nhục là chìa khóa của sự phát triển một trung tâm rộng mở và sự hình thành một nền tảng yên ổn cho việc hành thiền. Hơn nữa, thật quan trọng để quan hệ với cuộc đời, để quan hệ với con người và cuộc sống trần gian, nơi ta phải sống. Đối với hầu hết mọi người, nhẫn nhục có ý nghĩa hơi khác biệt, hầu như mang tính đạo đức, của sự trầm tĩnh, hồn nhiên và không nói nhiều: đời sống có thể đau khổ, nhưng ta chỉ chịu đựng cuộc sống với một nụ cười gượng gạo; và đó chẳng phải là nhẫn nhục gì cả. Bởi vì nếu ta không sẵn sàng trở thành một với hoàn cảnh, không nhìn thấy khía cạnh thú vị của hoàn cảnh, thì một ngày nào đó sự kiên nhẫn mang tính đạo đức này chắc chắn sẽ gãy đổ, chắc chắn sẽ bùng nổ, và rồi sẽ chẳng còn chỗ dành cho sự nhẫn nhục.
[ trích Thiền trong hành động | Nguyên tác: Meditation in Action | Chögyam Trungpa Rinpoche ]