Đạo Sinh: Phật pháp trong đời sống người Phật tử
Mặc dù cùng chung tồn tại trong một cộng đồng, cùng chịu sự chi phối của một định chế xã hội nhất định nhưng người Phật tử vẫn có hướng đi riêng của mình trong cuộc sống, hướng đi xuất phát từ khát vọng thoát ra ngoài sự trói buộc của những gì mê muội và bẩn thỉu nhất trong mỗi con người.
Tất cả các định chế xã hội khác nhau đều định đặt cho các cá thể đang tồn tại trong đó những khuôn mẫu và tiêu chuẩn ước lệ làm thước đo mọi giá trị của con người, nhưng Phật tử là người luôn chọn những lời thuyết giáo của đức Phật làm chuẩn mực chính; đức Phật là biểu tượng cho giá trị cao nhất mà họ phải đạt đến, và giáo pháp của Ngài là những chỉ dẫn trực tiếp trên con đường đạt đến giá trị đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến một chọn lựa như thế, nhưng có lẽ nguyên nhân phổ quát nhất là vì họ nhìn thấy giá trị thật sự những gì đức Phật đã tuyên thuyết trong các nỗ lực cải thiện đời sống bản thân cũng như cộng đồng. Nói như thế không có nghĩa người Phật tử hoàn toàn chối bỏ các giá trị quy ước; họ vẫn thừa nhận chúng, nhưng không cho đó là cứu cánh. Từ kinh nghiệm cuộc sống, họ thấy được tính chất mong manh bất thực của các giá trị được đám đông hô hào sùng bái, và họ không muốn bỏ phí đời mình trong sự tìm kiếm những giá trị như thế.
Đạo Phật mở ra cánh cửa dẫn vào hạnh phúc tuyệt đối, một hạnh phúc không được lập thành bởi những cảm thức bất định thoáng qua trong đời sống hay những ảo tưởng về một sự thủ đắc nào đó cho bản thân, mà là một hạnh phúc được tạo dựng trên chính những nỗ lực không ngừng của mỗi Phật tử trên con đường thanh tịnh hóa thân tâm, con đường độc nhất họ tin tưởng có thể dẫn đến một hạnh phúc chân thực, tuyệt đối và bất hại. Chân thực, vì đó là hạnh phúc được tìm thấy trong cái nhìn như thực về đời sống; tuyệt đối, vì nó vượt lên trên giới hạn của các khái niệm đối đãi về giá trị đích thực của con người; và bất hại vì đó không phải là hạnh phúc của riêng họ mà là của tất cả chúng sinh đau khổ. Từ hiện trạng tồn tại của con người nói chung, với mọi hạn chế của nó trong tất cả các lãnh vực khác nhau của đời sống, thì một quan niệm như thế về hạnh phúc có thể bị xem là không tưởng; tuy nhiên, đối với người Phật tử thì không còn chọn lựa nào khác. Họ không muốn đời mình lại tiếp tục diễn ra trong cái vòng luẩn quẩn của kiếp người: sinh ra, lớn lên, rồi chết đi với những tháng ngày vô vị trải dài trong lo âu, phiền muộn, trong những đòi hỏi vô minh chẳng bao giờ đáp ứng được của chính mình; họ không muốn tiếp tục chìm đắm trong vũng lầy của mê mờ, tham lam, thù hận, vốn đã nhận chìm cuộc đời họ quá lâu; họ không muốn thủ đắc thứ hạnh phúc có được từ máu và nước mắt của người khác; họ không muốn làm kẻ đi ăn xin từng chút an lạc của đám đông ban phát; họ không muốn tiếp tục bị lừa dối bởi những viễn tượng về một thiên đường nào đó sẽ đạt được trong tương lai, được hứa hẹn bởi quá nhiều giáo điều và tín điều trong các định chế xã hội khác nhau. Trong đêm dài sinh tử họ đã biết rõ những gì nằm sau bao nhiêu lý tưởng, bao nhiêu thiện chí mà con người vẫn ngày đêm rêu rao quảng bá chỉ với mục đích duy nhất là muốn biến người khác làm kẻ chung thân nô lệ cho mình. Họ không muốn cuộc đời họ lại tiếp tục diễn ra trong những điều kiện tồi tệ như thế. Dưỡng chất duy nhất có thể giúp họ tồn tại trên trần gian này không phải là giá trị của những mô hình định sẵn được hình thành một cách cạn cợt bởi những tâm trí mê muội hẹp hòi không vượt quá các nhu cầu cơm áo, mà phải là những giá trị thật sự xuất phát từ nỗ lực khai phóng những gì quý giá và thiêng liêng nhất đang tiềm ẩn trong mỗi con người. Ít nhất, khi quyết định chọn Phật giáo làm lối thoát cuối cùng trước những khổ đau chồng chất của cuộc sống họ thấy hé mở một cánh cửa bí nhiệm đủ sức lôi cuốn họ vào cuộc. Lịch sử tôn giáo này ghi nhận khả tính của loại hạnh phúc như họ từng mong ước, và lịch sử loài người đã minh chứng giá trị của nó trong những phát triển có thể có; tuy nhiên, đối với họ những điều đó vẫn không quan trọng, điều quan trọng là những giá trị thật sự họ nhận được khi bắt đầu bước chân vào đạo Phật.
Giá trị đầu tiên mà bất kỳ người Phật tử nào cũng có thể dễ dàng nhận ra qua những lời giáo huấn của đức Phật là sự tự do tuyệt đối trong mọi quyết định về chính thân phận mình. Đức Phật không phải là Thượng đế để an bài số phận của họ bằng những phán quyết về thiên đường hay địa ngục, không phải là giáo chủ để có thể mê hoặc họ bằng các giáo điều, không phải là lãnh tụ chính trị để lôi kéo họ bằng những lý tưởng hư ngụy; trái lại, đức Phật chỉ là người chỉ con đường mà bản thân Ngài đã đi để đạt được hạnh phúc này, và khẳng định rằng tất cả mọi người đều có thể làm được như thế. Với ý nghĩa này, những lời dạy của đức Phật không còn là giáo điều hay tín điều buộc họ phải tuân thủ một cách mù quáng như nhiều người từng nghĩ, mà đã trở thành những quy luật, những quy luật phổ quát trực tiếp chi phối đời sống thường nhật của một con người và có thể kiểm chứng được ngay trong diễn trình của cuộc sống. Người Phật tử luôn được nhắc nhở rằng thanh tịnh hay cấu bẩn, hạnh phúc hay đau khổ, hoàn toàn tùy thuộc vào họ; chỉ có họ mới có thể làm cho họ cấu bẩn hay thanh tịnh, đau khổ hay hạnh phúc. Không một thế lực hữu hình hay siêu hình nào có thể can thiệp vào đời sống của họ, kể cả đức Phật, trừ khi họ tự tạo điều kiện cho sự can thiệp như thế. Có thể nói đây là tự do đầu tiên mà cũng là cuối cùng cho những ai quyết định đi trên con đường này. Điểm khởi đầu được đánh dấu trong tự thân, thành tựu cuối cùng được tìm thấy trong tự thân, và toàn bộ tiến trình thành tựu cũng diễn ra trong tự thân. Hành trình của họ không được tính bằng chiều dài của từng cây số, cũng không được đo bằng những ngày đêm mà một lữ khách phải trải qua trong suốt cuộc viễn trình. Hạnh phúc tuyệt đối không nằm ở cuối đường cũng không ở cuối ngày mà nằm ở tự tâm, nằm trong chính cơ cấu thân tâm đang vận hành ngày đêm của mỗi người Phật tử. Nếu tâm thức họ vẫn tiếp tục sinh khởi trong những điều kiện như đã từng có trước đây thì họ sẽ không bao giờ có thể tìm thấy hạnh phúc này, nhưng với những nỗ lực thay đổi thật sự thì chính họ sẽ làm hiển lộ được nó; điều này buộc người Phật tử phải có những thay đổi nhất định ngay trên chính bản thân. Tiến trình của những thay đổi này, trong Phật giáo, được gọi là chuyển y, một sự chuyển hóa toàn triệt cơ cấu thân tâm của chính mình để đạt đến một hạnh phúc chân thật.
Có thể nói rằng, y cứ trên tiến trình chuyển hóa của thân tâm là nền tảng quyết định toàn bộ nội dung của Phật pháp; hay có thể nói ngược lại, Phật pháp lấy thân tâm của con người làm trung tâm cho toàn bộ nội dung được khai triển của nó. Đây là điểm quan yếu nhất cho bất cứ ai muốn tiếp cận với Phật giáo, bởi vì giá trị đích thực của Phật pháp không được tìm thấy qua những thành tựu quy ước của thế gian, mà qua tiến trình chuyển hóa trong tự thân của mỗi Phật tử. Hành động từ bỏ hoàng cung của Thái tử Tất-đạt-đa để lên đường kiếm tìm hạnh phúc xuất phát từ chính nhận thức của Ngài về những giá trị mong manh của kiếp người; tiến trình tìm kiếm của Ngài là những tháng ngày khai thác triệt để mọi năng lực có thể có của thân tâm; và thành tựu cuối cùng của Ngài cũng chính là sự bùng vỡ của một trí tuệ siêu việt, một trí tuệ đủ sức giúp Ngài đạt đến cứu cánh đã chọn là chỉ cho con người vượt qua những giới hạn của thân phận làm người. Trước sự thành tựu của một nhân cách như thế, người Phật tử nhận ra rằng, với thực trạng tồn tại tưởng chừng như đã tuyệt vọng của con người trên trần gian này vẫn còn một con đường có thể giúp họ thoát ra khỏi sự tăm tối đã giam hãm họ từ lâu; đồng thời nhận ra rằng chỉ có Phật pháp mới có thể giúp họ, không phải giúp họ trốn chạy những khổ đau, bất hạnh của cuộc sống, mà giúp họ có một cái nhìn đúng đắn về mọi hình thái có thể có của thế gian để từ đó có đủ can đảm bước đi trên con đường dẫn về hạnh phúc tuyệt đối. Như vậy lộ trình mà mỗi người Phật tử đang đi cũng chính là lộ trình của Thái tử Tất-đạt-đa đã đi trong quá khứ. Đó là lộ trình chuyển hóa toàn triệt cơ cấu thân tâm dưới ánh sáng bất khả tư nghị của Phật pháp. Tu học Phật pháp là nỗ lực chuyển sức mạnh của Phật pháp thành năng lực của mình để có thể tạo ra một sự thay đổi tận gốc trong chính thân tâm. Thay đổi từ uế trược sang thanh tịnh, từ đau khổ sang an lạc, từ bất thiện sang thiện, từ tham sân si sang vô tham vô sân vô si, từ ngã mạn sang bình đẳng, từ tà kiến sang chánh kiến, từ vô tàm vô quý sang tàm quý, từ giải đãi sang tinh tấn, từ tán loạn sang định tâm, từ thất niệm sang chánh niệm, từ hư ngụy sang như thật, từ phiền não sang giải thoát, từ mê mờ sang giác ngộ, từ hữu lậu sang vô lậu, từ hữu vi sang vô vi, từ sinh tử sang Niết-bàn, từ hý luận sang Vô phân biệt, từ thức sang trí, từ thối chuyển sang Bất thối chuyển, từ khuynh động sang Bất động, từ nhị biên sang Bất nhị, từ hữu vô sang Không tính, từ tuệ sang Bát-nhã, từ Hóa thành sang Bảo sở, từ dị sinh sang Thanh văn, từ Thanh văn sang Bồ-tát, từ Bồ-tát sang Phật, từ Phật của thế giới Ta-bà sang vô lượng vô số chư Phật trong vô lượng vô số quốc độ của mười phương Tam thiên đại thiên thế giới.
Đó là con đường của tất cả Phật tử đang đi, con đường nhất quán khởi đầu từ sự mong ước đạt được giác ngộ tối thượng mà trong Phật giáo gọi là phát Bồ-đề tâm, cho đến khi tựu thành giác ngộ. Phát Bồ-đề tâm là phát tâm giác ngộ, phát tâm giác ngộ là phát tâm đạt đến giác ngộ, phát tâm đạt đến giác ngộ là phát tâm thành Phật, vì giác ngộ chính là Phật. Một người Phật tử không phát tâm thành Phật mà vẫn muốn làm Phật tử thì người đó chỉ có thể khởi tâm giả làm Phật. Khởi tâm giả làm Phật là không chịu nỗ lực tu học để thành Phật mà chỉ thích sống trong ảo tưởng về những thủ đắc vụn vặt, những thành tựu nhất thời bòn mót từ Phật pháp, chỉ thích nghĩ mình là Phật, thích bắt chước Phật, thích người khác sùng bái mình như Phật. Vì thế, trên thế gian này mới xuất hiện những hành động điên rồ của biết bao nhiêu kẻ chỉ muốn giả làm Phật: giả làm Phật đi khất thực, giả làm Phật đi thuyết pháp, giả làm Phật thâu nhận đồ chúng, giả làm Phật tiếp độ chúng sinh, giả làm Phật thương xót kẻ khác, giả làm Phật nhận của tín thí, lấy ái dục làm Từ bi, lấy tham vọng làm Bản nguyện, lấy ỷ ngữ làm Ái ngữ, lấy mua chuộc làm Lợi hành, lấy việc chung chạ làm Đồng sự, lấy đầu tư làm Bố thí, lấy căm hận làm Nhẫn nhục, lấy thủ đoạn làm Phương tiện, lấy đam mê làm Thiền định, lấy học vấn làm Trí tuệ, lấy khuất khúc làm Vô sở úy, lấy thế quyền làm Thập lực, lấy việc xâm đoạt chùa chiền tự viện làm công đức xây dựng phù-đồ. Không chịu phát tâm giác ngộ là không tin rằng con người có thể giác ngộ, không tin vào giá trị cao cả của Phật pháp; vì thế mới tìm cách hạ thấp Phật pháp ngang hàng với pháp thế tục, mới nhìn Phật pháp qua cái nhìn của những kẻ đầu cơ, mượn Phật pháp để mong cầu danh vọng, mượn Phật pháp để tích lũy tiền bạc, đòi hỏi Phật pháp phải thỏa mãn những nhu cầu hèn hạ của con người, phải thích ứng với các giá trị thế tục, tìm cách đánh lận Phật pháp, bóp méo lời Phật, lời Tổ để người khác không thấy cái tâm giả làm Phật của mình, làm đứt đoạn truyền thống đạo học thiêng liêng của chư Phật, chư Tổ ở trong tâm thức đồ chúng với dã tâm thu được sự sùng bái cá nhân. Vì thế, phát tâm Bồ-đề không chỉ là một hành động thiêng liêng của người Phật tử để báo đáp ân đức chư Phật, chư Tổ với ý nguyện làm sao có đủ năng lực để duy trì hạt giống Phật pháp cho sự lợi lạc của tất cả chúng sinh ở tất cả mọi thời, mà còn là lực hỗ trợ không thể thiếu trong lộ trình của một Phật tử. Nhờ thành kính phát tâm thành Phật mà người Phật tử có đủ dũng khí và nghị lực để vượt qua tất cả chướng ngại, cạm bẫy của thế gian. Một người đã phát tâm thành Phật thì không thể còn bị mê hoặc trước bất cứ thành tựu nào của thế gian. Bất cứ giá trị nào, thành tựu nào của thế gian cũng không thể sánh được với giác ngộ, bất cứ một nhân vật vĩ đại nào trong lịch sử thế giới cũng không thể sánh với người đã thành Phật. Thành Cát Tư Hãn, Napoleon, Alexandre Đại đế chỉ mới làm chấn động một phần nhỏ của thế giới, nhưng một người mà thành Phật thì làm rung chuyển cả đại địa, làm chấn động cả vô lượng vô số a-tăng-kỳ Tam thiên đại thiên thế giới; chỉ có thành Phật thì mới đủ sức mang lại hòa bình thật sự cho thế giới, mới chấm dứt được mọi mầm mống chiến tranh từ ngay trong lòng người, mới đủ tư cách để phục hồi những giá trị uyên nguyên của con người. Hành trình của người Phật tử thường được kinh điển mô tả là phải trải qua vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp, nhưng nói cho chính xác theo tinh thần của Bát-nhã thì đó là vô lượng vô số a-tăng-kỳ công đức mà người Phật tử phải tích tập trước khi đạt thành giác ngộ. Đây quả là điều khó khăn và phiêu lưu nhất cho những ai đi trên con đường này. Một khi mục tiêu được xác định là chỉ đạt được qua tiến trình chuyển hóa của thân tâm thì không có gì bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người Phật tử trong suốt cuộc hành trình. Một nghi thức trang trọng đánh dấu quyết định chọn đức Phật, con đường Ngài đã vạch và những người đã thành tựu trên con đường đó làm nơi nương tựa của đời mình, một khi đã qua đi, nếu không tạo được những thay đổi nhất định nào đó trong thân tâm mà chỉ còn lại trong trí nhớ như một trong vô số sự kiện bình thường khác đã và đang xảy ra hàng ngày, thì trong trường hợp này, Quy y Tam bảo khó có thể trở thành một giá trị mới cho chính bản thân người Phật tử. Trong Phật giáo, đây không phải là một trường hợp mà gần như đã trở thành quy luật. Nói cách khác, bất kỳ nội hàm nào của Phật pháp cũng phải được biến thành dưỡng chất nuôi sống sự tồn tại của Phật tử vì chỉ có những dưỡng chất này mới thật sự tạo ra những chuyển hóa trong thân tâm họ. Chính vì thế mà mọi đánh giá về những thành tựu hay thất bại của người Phật tử đều phải y cứ trên tiến trình chuyển hóa thân tâm của chính mình chứ không y cứ trên bất cứ điều kiện nào khác. Điều này giúp chúng ta hình dung được con đường mà mỗi Phật tử đang đi.
Trong quá trình bảo lưu và phát triển toàn bộ giáo lý của đức Phật, chư Tổ đã nỗ lực trình bày và hệ thống hóa tất cả những chặng đường có thể có dành cho mọi căn cơ trình độ của tất cả chúng sinh đang cùng đi trên một lộ trình độc nhất dẫn đến Phật quả. Nhờ thế mà Phật tử ngày nay mới thừa hưởng được hai kho tàng văn học lớn của Phật giáo là Thanh văn tạng và Bồ-tát tạng. Trong hai kho tàng này người Phật tử sẽ tìm thấy những chỉ dẫn cần thiết cho bất cứ chặng đường nào đang đi, những chỉ dẫn về hành trang cần có, về những chướng ngại sẽ gặp phải và làm thế nào để vượt qua bằng chính những năng lực sẵn có của mình. Như vậy, sứ mệnh của người Phật tử là tập trung mọi năng lực có thể có để tạo ra những chuyển đổi ngay chính trong thân tâm mình, chứ không phải chờ đợi những chuyển đổi đến từ cộng đồng. Họ không vô minh đến độ, thay vì phải có những chuyển hóa thật sự trong chính tự thân thì lại ngồi yên mong đợi người khác thay đổi giúp cho mình. Đối với Phật tử sẽ không bao giờ có thật một chuyển đổi như thế, bởi vì cộng đồng là một khái niệm giả lập dựa vào sự tồn tại của mỗi cá thể làm nên cộng đồng đó; nói cách khác, nếu không có sự hiện hữu của các cá thể thì sẽ không có sự hiện hữu của cái gọi là cộng đồng. Trong cái gọi là cộng đồng đó, mỗi cá thể thể hiện sự có mặt của mình qua các vận động của ngôn ngữ và hành vi, nhưng sự vận động của ngôn ngữ và hành vi của một cá thể lại được quyết định bởi chính sự vận hành của thân tâm cá thể đó; kết quả là chính mỗi cá thể quyết định giá trị của cộng đồng chứ không phải ngược lại. Từ bài học trên chúng ta có thừa thông minh để nhận ra rằng gốc rễ của mọi hiện tượng trong đời sống thường nhật của chúng ta, và từ đó là của cộng đồng hay môi trường trong đó chúng ta đang tồn tại, chính là hiện trạng vận hành của tâm thức của mỗi chúng ta. Không thể có một cộng đồng thật sự an ổn nếu tâm thức của từng thành viên làm nên cộng đồng đó đang bị khuấy động ngày đêm bởi đủ loại xung lực của tham lam, ích kỷ, cố chấp, đố kỵ, hận thù. Không thể có một cộng đồng thông minh, có đạo đức nếu các thành viên đều là những kẻ vô học, vô lại. Ngay cả Phật giáo cũng không nằm ngoài quy luật này, không có một cộng đồng Phật giáo thật sự thanh tịnh, cho dù được gán bất kỳ danh nghĩa thiêng liêng nào đi nữa, nếu các thành viên làm nên cộng đồng đó không thanh tịnh. Đây không phải là một ý tưởng, một quan niệm, một quan điểm, một nhận thức hiện khởi nhất thời do sự kích động của những loại vô minh và phiền não nào đó mà là một ý thức mới được thiết lập trên cái nhìn như thực về mọi tồn tại trong hiện tượng giới mà Phật giáo gọi là lý Duyên khởi. Có thể nói rằng lý Duyên khởi là nền tảng để đức Phật thiết lập toàn bộ nội dung giáo pháp của Ngài; không có lý Duyên khởi thì mọi giáo pháp khác về vô ngã, vô thường, khổ, không, v.v… không còn là quy luật mà lúc đó sẽ trở thành những giáo điều và tín điều. Duyên khởi là nguyên lý tồn tại của tất cả những gì mà người Phật tử có thể tri nhận ở nội tâm cũng như ngoại giới; đó là, không có cái gọi là một hiện khởi độc lập, mà tất cả đều phụ thuộc vào sự hiện khởi của những cái khác. Nói cách khác, không có hiện hữu nào được lập thành chỉ bởi một điều kiện hay không từ điều kiện nào cả; nếu cái này có thì cái kia có, nếu cái kia không có thì cái này không có. Trong đời sống hàng ngày của một Phật tử, Duyên khởi trở thành nguyên lý cho mọi nhận thức và hành động của họ; với nguyên lý này, họ có được hành trang cần thiết đầu tiên; đó là sự hình thành một ý thức mới về mọi hiện khởi trong chính mình cũng như thế giới chung quanh; gọi là mới vì nó làm đảo lộn mọi giá trị, mọi thần tượng, mọi lý tưởng, mọi quy ước đã từ lâu cản trở không cho họ có một cái nhìn đúng đắn về chính mình và thế giới. Từ ý thức mới này, buộc họ phải đánh giá lại nhân cách đích thực của một con người, không phải một nhân cách được quy ước bởi đám đông, được dán lên một nhãn hiệu nào đó bởi đám đông, mà là một nhân cách như thực, với tất cả các năng lực, tiêu cực lẫn tích cực, đang tồn tại trong đó. Trong Phật pháp, những năng lực tiêu cực được gọi là chướng ngại vì chúng cản trở con đường của người Phật tử, những năng lực tích cực được gọi là thiện căn, tức những năng lực thuận hợp với con đường giải thoát. Từ đó, Phật pháp được phân thành hai phạm trù lớn: phạm trù thứ nhất bao gồm những mô tả và chỉ dẫn về các chướng ngại và làm thế nào để vượt qua chúng; phạm trù thứ hai bao gồm những mô tả và chỉ dẫn về các thiện căn mà mỗi Phật tử có thể phát triển như những phương tiện để đạt đến mục tiêu tối hậu. Trong tiến trình tu tập thì hai nội dung này được áp dụng đồng thời, bởi vì không thể vượt qua các chướng ngại nếu không có các năng lực thuận hành; và ngược lại, không thể vận dụng các năng lực này nếu không vượt qua được các chướng ngại. Điều này cho thấy sự gian nan của con đường người Phật tử đang đi, đồng thời giải thích tại sao họ phải tích tập vô lượng vô số công đức mới có thể đạt được thành tựu cuối cùng. Hãy lấy thí dụ về lòng tham, là một trong những chướng ngại chính cần phải vượt qua. Nếu xét trên bình diện tuyệt đối thì tham không có tính quyết định của riêng nó vì theo lý Duyên khởi thì đó cũng là một hiện hữu có điều kiện như bao hiện hữu khác; như vậy, chỉ cần nhìn thấy tính chất thật sự của nó là không có tính chất gì cả thì sẽ không còn bị chi phối bởi nó nữa. Tuy nhiên, điều khó khăn ở đây là người Phật tử chỉ có thể nhìn được như thế với Căn bản trí, hay còn gọi là Chân trí, tức cái trí phản chiếu Không tính hay còn gọi là Thực tướng, hay Pháp tính, hay Bình đẳng tính, hay Như như, hay Chân như của tất cả các pháp – một loại trí mà người Phật tử chưa thể có nếu đang còn chịu sự chi phối của tham cũng như nhiều loại chướng ngại khác, và chưa thể tạo được các thiện căn cần và đủ. Kết quả là muốn vượt qua chướng ngại này thì người Phật tử phải vận dụng những phương tiện khác được chỉ dẫn trong Phật pháp, chẳng hạn như bố thí, một trong những phương tiện để đối trị phiền não tham vì chúng đối nghịch nhau. Xét theo lý Duyên khởi thì vì có tham nên có bố thí, vì có bố thí nên có tham; vì thế để có thể thực hành bố thí mà không tiếp tục tạo điều kiện cho tham sinh khởi thì người Phật tử phải vứt bỏ loại bố thí được hình thành trên những giá trị quy ước của thế gian, tức bố thí với tâm mong cầu thủ đắc cho bản thân, mà phải thực hành bố thí đúng Phật pháp; có nghĩa là người Phật tử bố thí mà tâm không mong cầu, tức không thấy có mình là người bố thí, có hành động bố thí, có người nhận bố thí; nói cách khác, gọi là bố thí nhưng không phải là bố thí theo mọi khái niệm có thể có của nó, vì thế nó không còn là điều kiện cho sự hiện khởi của tham, được xem như đối hữu của nó. Tuy nhiên vì Phật pháp xuất hiện là để cứu độ tất cả chúng sinh, và căn cơ chúng sinh lại khác biệt nhau, cho nên trong Phật pháp chúng ta lại thấy đề ra các hình thái bố thí khác; đó là đối với những chúng sinh mà năng lực của tâm Bồ-đề còn quá yếu, chỉ mới nhận ra những đau khổ của mình mà chưa nhìn thấy những khổ đau của người khác, thì trong trường hợp này họ sẽ bố thí với tâm mong cầu có phước đức khả dĩ giúp họ được tái sinh ở một cõi trời nào đó; đối với những người đã phát được Bi nguyện, thì dù họ cũng vẫn có tâm mong cầu phước đức, nhưng thay vì mong cầu cho bản thân thì lại phát nguyện hồi hướng phước đức đó cho tất cả chúng sinh đau khổ, hay cho sự trường tồn của Phật đạo. Với tiến trình bố thí từ thấp lên cao, từ thô đến tế như trên thì phiền não tham sẽ không có điều kiện để hiện khởi thường xuyên và mạnh mẽ như trước nữa mà tiềm lực của chúng sẽ dần dần bị làm cho yếu đi cho đến khi hoàn toàn triệt tiêu trong tâm thức của người Phật tử. Trên đây chỉ là trưng dẫn về một trong vô số việc làm mà người Phật tử phải thực hiện trong tiến trình chuyển hóa thân tâm. Tuy nhiên, chừng đó cũng đủ cho chúng ta nhận ra con đường của những người không muốn tiếp tục sống trong sự sai sử của phiền não và vô minh có những khó khăn như thế nào. Đó là một chuyến đi dài, gần như vượt ra ngoài mọi khái niệm thời gian và không gian thường tục. Cưu mang trên mình với biết bao chướng ngại của phiền não và sở tri tích tụ từ vô lượng kiếp, với bi nguyện tựu thành giác ngộ để độ tận chúng sinh, người Phật tử lầm lũi bước đi từng bước qua biết bao nhiêu cạm bẫy của cuộc đời. Không phải lúc nào cũng có sẵn những vinh quang chờ đón họ, mà sẽ có những chặng đường trải dài trong buồn tủi, nước mắt, và tuyệt vọng. Nhưng dù thế nào đi nữa, chừng nào ngọn lửa Bồ-đề tâm vẫn còn trong thân tâm người Phật tử, cho dù là cháy sáng rực rỡ như ánh mặt trời hay chỉ le lói như đốm lửa mới nhen trước gió bão của cuộc đời, thì chúng ta vẫn còn nhìn thấy họ đang rong ruổi trong cuộc hành trình dài. Nếu nói Niết-bàn là điểm dừng chân cuối cùng của Phật giáo thì con đường họ đang đi là đường đi không đến. Bởi vì chí nguyện của họ không phải là tìm ra hạnh phúc cho riêng mình.