Đạo Sinh: Tin Phật
Có lần đức Phật nói với những người theo học trực tiếp với Ngài là hãy TIN vào sự giác ngộ của Ngài, và mười phẩm tính của Ngài được biểu trưng qua các danh hiệu “Như Lai”, “Ứng Cúng”, “Chánh Biến Tri”, v.v.
Nhưng khi được người dân Kalama hỏi, họ nên có thái độ như thế nào trước những lời thuyết pháp của các sa-môn và bà-la-môn, đang chia bè kết cánh để sát phạt nhau, tranh giành nhau ảnh hưởng với dân chúng trong thành, thì Ngài lại bảo ĐỪNG TIN bất cứ điều gì khi chưa tự thân mình chứng thực xem những điều đó có đúng Pháp hay không.
Cả hai trường hợp này gợi lên cho chúng ta một số vấn đề cần bàn đến ở đây.
GIÁC NGỘ của đức Phật còn được gọi là “toàn giác”, “giác ngộ viên mãn”, “vô thượng chánh đẳng giác”, “a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề”, v.v. Giác ngộ này không phải là cái được Thượng đế, Đại Phạm thiên, hay một thế lực nào bên ngoài ban phát, mà là một loại “tiềm năng” được Ngài nỗ lực khai phát qua vô-số-kiếp, và cuối cùng đã tự thân thực chứng khi ngồi dưới cội cây bồ-đề. Sau khi thực chứng, Ngài biết được tất cả chúng sinh cũng đều có tiềm năng này, nhưng vì bị vô minh & phiền não che lấp, nên mãi trôi lăn trong luân-hồi-sinh-tử. Vì thế, Ngài quyết định công bố điều này để giúp chúng sinh thoát khổ; và nhờ thế mà ngày nay chúng ta có được cái gọi là “buddha-dharma” (phật-pháp; pháp của bậc giác ngộ; pháp có thể giúp trở thành một bậc giác ngộ) để tu tập.
TÍN còn gọi là “tín căn”. Theo giải thích của Luận Câu-xá, “tín căn” là một trong 22 công năng (indriya, faculty) tồn tại trong cấu trúc thân-tâm của một con người. Đây là một công năng “thiện” & “vô lậu”. Thiện là vì làm tăng ích 3 phẩm tính cao quý của Tam Bảo; và vô lậu là vì không tạo ra phiền não nhiễm ô cho người tu tập.
Vì là một công năng—chứ không phải là một cảm thọ, một ý tưởng, một khái niệm—cho nên tín căn không do các cảm xúc vui-buồn, thương-ghét mà có; cũng không do sự tích luỹ kiến thức mà thành, mà nó phải được huân tập, tu tập qua nhiều đời nhiều kiếp mới thành. Một khi đã có được tín căn đối với Tam Bảo thì dù có tái sinh làm tín đồ một tôn giáo khác, hay một nông phu không biết chữ, v.v. thì niềm tin vào 3 phẩm tính cao quý “thanh tịnh, giải thoát, giác ngộ” vẫn không mất. Chính nhờ thế mà trong quá trình phát triển ở trong và ngoài biên giới Ân-độ, Phật giáo đã trải qua biết bao kiếp nạn, Pháp nạn, có khi tưởng chừng như đã biến mất khỏi mặt đất, nhưng cuối cùng vẫn tồn tại để cho chúng ta có thể nương vào đó mà tu tập ngày nay.
Như vậy, mặc dù biết rằng chúng ta chưa thể thực chứng giác ngộ là gì, nhưng đức Phật vẫn dạy hãy tin vào “giác ngộ của Như Lai” là muốn nhắc nhở chúng ta hãy đánh thức loại công năng “tin vào Tam Bảo” đang ngủ ngầm trong mỗi người chúng ta. Chỉ vì một lý do duy nhất: nếu không tin “thanh tịnh – giải thoát – giác ngộ” là các phẩm tính cao quý nhất, đáng được con người khai phát nhất, đáng được gìn giữ nhất trên trần gian khổ luỵ này, thì không một ai có thể đặt chân lên con đường tu tập cả.
Về lời dạy của đức Phật cho dân chúng Kalama trước những người mệnh danh là “thuyết pháp”, tự cho chỉ có pháp của mình là tối thắng, để rồi khinh miệt phỉ báng pháp của người khác, chia bè kết phái, tranh giành lợi dưỡng từ những người dân chất phác, ít học, v.v., thì có lẽ các bạn có thừa thông minh để biết mình phải làm gì rồi. Ở đây, chỉ xin nhắc lại một lời dạy của Thế Tôn còn ghi lại trong Tam Tạng Thánh Điển Ấn-độ:
“Vào thời mạt pháp, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng.”