Doãn Tư Liên: Niềm tin

Hai chữ “niềm tin” nghe tưởng chừng xa xôi, mơ hồ, và có khi còn bị gọi là mê tín nữa, nếu niềm tin ấy nằm ngoài các tôn giáo như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo… Thế nhưng, nhìn ngắm kỹ nó, niềm tin lại rất gần và có khi là một phần đời sống của con người. Con người sống trên cõi đời mà không có niềm tin thì chắc là cuộc sống đó vô nghĩa.

Tại sao người ta lại cần có niềm tin khi sống. Có phải chăng vì cảm thấy mình bất lực một khía cạnh nào đó nên phải nương vào tha lực để giữ quân bình cho mình, cho cuộc sống, cho tâm trí được bình an.

“Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn” nổi lên trong đầu, trên miệng khi bất chợt trong tôi nổi lên một cơn sợ hãi bâng quơ nào đó. Có khi đang lái xe mà nhìn làn đường bên cạnh có tai nạn là trong đầu tôi bật lên câu niệm Phật “Nam mô cứu khổ cứu nạn”. Đó là vừa niệm cho người đang bị tai nạn thoát cơn ngặt nghèo, vừa niệm cho chính mình được an tâm lái xe tiếp. Đôi khi vừa mất tập trung một khoảnh khắc, tim đập thình thịch, tôi cũng bật lên câu niệm Phật như thế. Hoặc nửa đêm thức giấc vì ác mộng, để dỗ giấc ngủ trở lại ông Phật lại bị gọi tên “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Xem ra hiệu quả!

Bên cạnh niệm Phật, tôi thích chui vô phòng bố mỗi khi có căng thẳng trong đầu hay nằm nghỉ ngơi tìm cảm giác an bình trở lại. Bởi vì bố tôi có một năng lượng rất lành, rất êm ả đến lạ kỳ mà nó bao trùm căn phòng của ông. Năng lượng siêu hình này hẳn phát ra từ một con người có tâm lành thiện. Không tả ra được đâu, chỉ cảm thấy được thôi. Tôi nhớ thầy Nhất Hạnh cũng đã từng bảo nhiều sư trò đang lúc bị bất an “Con hãy vào phòng thầy mà tĩnh tâm.” Căn phòng của thầy đã được ướp tẩm sẵn phép mầu từ bao giờ rồi chỉ chờ trò vào và mở lòng ra đón nhận. Có nhận được không, chỉ có trò biết. Có nắm bắt được hay không, chỉ có trò hay. Đây cũng là một trong những niềm tin mà con người có được.

Tôi gọi đó là niềm tin nơi người khác hoặc tha lực. Một năng lượng lành thiện.

Còn đây cũng gọi là niềm tin. Niềm tin cho một người đang bị bịnh và đang được chữa bịnh. Niềm tin vào bác sĩ và tin vào thuốc men là rất cần thiết. Trên cõi đời này có rất nhiều người có niềm tin này để phù trợ với nền Y Khoa và Dược Khoa. Mà hẳn là thế, yếu tố bác sĩ giỏi chẩn đoán bệnh và ghi toa cho thuốc chiếm lấy 70% kết quả khỏi bệnh, 30% còn lại là niềm tin của người uống thuốc.

Về phần ông bác sĩ, ông ta chẩn bệnh bằng kỹ năng bác sĩ học tại trường lớp và nếu còn thêm niềm tin vào năng lượng lành của trời đất vũ trụ cùng cộng hưởng trong giây phút chẩn đoán và ra quyết định chữa trị của mình thì cuộc chẩn bệnh và cho thuốc thành công. Người bệnh hết bệnh. Thầy Nhất Hạnh đã viết rất rõ trong “Hiệu Lực Của Cầu Nguyện”, người thầy thuốc có lương tâm và giỏi, thường hay có giây phút tĩnh tâm hay ngồi thiền trước những ca mổ hoặc khi khám bệnh cho thuốc.

Về phần người bệnh, có trường hợp tôi thấy, vì hoàn toàn đặt niềm tin vào y khoa bác sĩ và thuốc men, mà người bệnh đã quên béng niềm tin vào chính mình. Họ cũng có một năng lượng siêu hình ông bà, cha mẹ đã để lại trong huyết quản mà không biết đó thôi. Niềm tin này có thể tự chữa khỏi cho chính mình hoặc tự cứu mình qua khỏi một tình huống ngặt nghèo nào đó. Do thế khi đi khám bệnh đừng buông thả hoàn toàn tính mạng của mình cho bác sĩ và thuốc.

Có lần bác sĩ gia đình gửi tôi đi bác sĩ chuyên khoa ung thư vì không hiểu lý do nào tôi bị xuống cân ào ạt. Trong những ngày chờ đến hẹn được gặp bác sĩ và làm xét nghiệm để truy tầm ung thư, hẳn nhiên là lo. Lo nếu kết quả xấu thì mình phải làm sao, sắp xếp cuộc sống những ngày sắp tới như thế nào. Lo nỗi lo không đáng lo một chút nào, thế nhưng cứ lo. Tôi hiểu điều đó và sực nhớ ra có một cách mà mình chưa sử dụng là nghĩ đến mẹ và thầm nói với bà rằng: “Mẹ ơi, mẹ đâu có hề bị ung thư. Mẹ có một cơ thể khỏe, tim gan phổi thận tốt đến nỗi bác sĩ phải nói “Bác là người già hiếm có”. Mẹ không tiểu đường, không cao máu, không cholesterol, vậy thì trong con có một nửa là mẹ rồi. Con yên tâm một nửa các tế bào trong con sẽ ngoan ngoãn như của mẹ.” Với niềm tin như thế tôi đã vượt qua những ngày chờ đợi một cách bình yên. Phải thưa rằng, phải dùng vài ba lần phương pháp trên thì tâm bình lặng bền lâu.

Còn có một loại niềm tin vào chính mình khác, mà với niềm tin này đã là con người ai ai ít nhiều cũng phải có. Tên gọi là tự tin. Người có nhiều tự tin thì sống mạnh mẽ, quyết đoán nhanh, hành động lẹ. Chuyện đúng sai tính sau. Nhưng khi có tự tin thì người này sẽ làm cho người xung quanh thấy năng lượng sống động nơi họ lan tỏa ra. Một sức hút gây nên sự chú ý người xung quanh vào mình. Những nhà lãnh đạo thường có tính chất này.

Thế thì sống và hành động với tự tin thì làm sao để tránh sự sai sót? Có. Có một cách gần như là duy nhất: Luôn giữ “trong sáng, định tĩnh, trong lành” “chánh niệm, chú tâm, quan sát” ở cái tâm trí của mình. Có nghĩa là khi làm việc gì mình luôn biết hành động của mình, luôn theo dõi nó. Và cái biết này luôn tỏa sáng để không bị mắc víu hay bị lôi cuốn đi bởi bất cứ gì.

Sao mà giống “chánh niệm” ở từng giây phút hiện tại quá vậy?

Đúng vậy!

Thầy tôi còn dậy rằng “Không sợ cái sai, vì ngay từ cái sai đó mình sẽ sửa cho thành đúng.” Không có sai thì cũng sẽ không có đúng. Bài học từ người khác cần được thực chứng bởi chính mình. Kết quả từ bài học của chính mình thì nó bền lâu. Và bài nào cũng là bài học mới của từng giây từng phút. Mình học hoài, học mãi, học nữa. Bởi vì cái gì trên cõi đời này đều là vô thường cả. Mọi thứ đều đến rồi đi, sinh rồi phải chết. Chỉ có niềm tin nơi chính mình luôn tỏa sáng để hướng dẫn mình bước tiếp.

Trong truyền thuyết về ngày Phật Đản, đức Phật vừa được sinh ra bước liền “bảy bước nở hoa”, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, dõng dạc “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”. Cẩn thận về câu nói này, nếu hiểu không đúng thì nó sẽ làm đối kháng lại cái thuyết “vô ngã” của đạo Phật. Thế cho nên tôi chọn ý nghĩa là “Chỉ có riêng ta, chỉ là ta là người có thể cứu chính mình ra khỏi sinh diệt của thế gian.” Để thấy rằng niềm tin vào chính mình là một yếu tố để dẫn dắt ta thoát khỏi khổ đau, sinh diệt.

Triết lý Phật giáo thật là rắc rối “có đó – không có đó”, “có ngã – có vô ngã”, không thể chỉ một vài dòng chữ, một vài trang giấy mà nói ra hết được. Bao nhiêu là kinh sách, luận sách, bàn sách trên thế giới mà vẫn nói chưa hết. Cho nên với cái ngã “tôi” nhỏ xíu xiu này không dám bàn xa mà chỉ riêng muốn lạm bàn một chút về niềm tin nơi chính mình. Niềm tin để mình vui sống thế thôi. 

California, 24/6/2021
Doãn Tư Liên

Hiển thị thêm
Back to top button