Giới thiệu tập san Phật Việt số 4, chủ đề “Hoằng Pháp”
Lời dẫn
Công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Phật giáo Việt Nam là một việc làm với ý thức phụng sự, hiến dâng, không chỉ dành cho hiện tại mà còn cho ngàn vạn năm sau, trên con đường hoằng pháp và bảo tồn nền văn hóa hướng thượng, giác ngộ của nhân loại. Để đạt được sự giác ngộ, con người phải học giáo pháp tối thượng mà Đức Thế Tôn đã giảng dạy trong Tam Tạng giáo điển suốt gần 3,000 năm qua.
Học con đường giác ngộ, con người cần phải học bằng ngôn ngữ của chính mình. Dân tộc Việt Nam, hay Phật giáo Việt Nam, nếu muốn nghiên cứu, tìm hiểu và thực nghiệm con đường giác ngộ của Đức Phật, cần tự đặt mình trong Tam Tạng kinh điển, bởi nơi đây chứa đựng và lưu giữ những giá trị tốt đẹp, như một thành trì giác ngộ vững chắc được lưu truyền từ kim khẩu của Đức Phật. Do vậy, hôm nay, tất cả chúng ta hãy cùng tập trung, hạ thủ công phu, nguyện dâng hiến công sức và thời gian để xây dựng nên lâu đài Pháp Bảo vô thượng tôn.
Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ nhận ra những gì đã và đang diễn ra trên dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, vốn dường như còn hơi muộn so với các dân tộc Phật giáo khác trên thế giới. Hiện tại, nhiều quốc gia Phật giáo đã có Đại Tạng bằng ngôn ngữ của họ. Một cụ già có thể đọc được lời dạy của Đức Phật, một em bé cũng có thể tiếp cận những lời dạy đó qua ngôn ngữ của chính mình. Đây là điều mà chúng ta cần suy ngẫm sâu sắc trên hành trình phát triển học thuật văn hóa và phiên dịch Đại Tạng Kinh, nếu không muốn bị tụt hậu trước sự phát triển văn minh và tiến bộ của nhân loại.
Ngày nay, với trí tuệ khoa học và công nghệ điện toán, con người có thể tạo ra những công cụ học thuật và trí tuệ thông minh vượt trội, mà ta có thể gọi là “trí tuệ thông minh vật chất.” Với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, các nhà trí thức đã phát minh ra những thiết bị vật chất có khả năng lưu trữ trí tuệ của họ, để thực hiện công việc thay con người, như robot thay người lao động, AI thay người dịch thuật, hay thậm chí chỉnh sửa ý văn, nội dung, chứ không chỉ dừng lại ở việc phiên dịch văn tự.
Từ nền văn minh tiến bộ kỹ thuật và khoa học hiện nay, con người đã tạo ra những khối vật chất được lập trình theo ý muốn, để thay thế con người thực hiện công việc. Tuy nhiên, những lời giảng dạy của Đức Thế Tôn, những trí tuệ xuất thế gian, là tài sản giác ngộ và giải thoát vô giá. Những giáo pháp này mang ý vị sâu sắc của tâm thức, được nuôi dưỡng bởi khả năng giác ngộ trong sáng. Vậy, liệu chúng ta có thể đủ tin tưởng để giao phó công việc phiên dịch những lời dạy ấy cho AI thực hiện hay không? Kính thưa, chắc chắn là không.
Bởi vì việc phiên dịch Đại Tạng Kinh không chỉ là công việc ngôn ngữ thông thường, mà là một sự chuyển tải bằng tâm tình chân thật, bằng niềm tin sâu sắc nơi Phật Bảo và Pháp Bảo, xuất phát từ kim khẩu của Đức Thế Tôn. Đó là một hành trình thấm đượm tình tự, suối nguồn giác ngộ, đòi hỏi người thực hiện phải là những người có tu, có học, có thực nghiệm và chứng nghiệm sâu sắc trên chính tự thân mình.
Do vậy, với tất cả niềm tin yêu, tâm nguyện chí thành, chí thiết, kính dâng trọn ước mơ và kỳ vọng thành tựu Phật sự phiên dịch Đại Tạng Kinh Phật giáo Việt Nam lên chư tôn túc, chư vị thức giả, cùng các đại thí chủ. Nguyện xin sự hiến dâng ấy không chỉ giúp tận dụng thời gian quý báu, tránh lãng phí mà còn làm cho đời người không trở nên mòn mỏi và chóng phôi pha trước dòng chảy vô thường của kiếp sống.
Công trình thứ hai là công trình giáo dục toàn diện, một sự nghiệp giáo hóa con người toàn diện, đặc biệt là giáo dục thế hệ thiếu nhi, lớp người măng tơ được sinh ra trong môi trường hải ngoại. Các con em của chúng ta đã đánh mất một quãng thời gian quá dài, một chặng đường gắn bó với đời sống của tổ tiên, ông bà, hay nói cách khác là cội nguồn của dòng giống Việt tộc.
Làm sao các con em có thể thấu hiểu và cảm nhận được cái tình nghĩa tử tôn nòi giống ấy, nếu không có ai đủ tâm huyết tiếp cận, dìu dắt và trao truyền? Ai sẽ là người mang đến cho thế hệ con cháu của mình những giá trị giáo dục về cái hay, cái đẹp, về bốn ngàn năm lịch sử dâng hiến của cha ông và dòng giống? Nếu không phải chính là chúng ta hôm nay, thì còn ai khác có thể làm được điều ấy?
Vậy thì, đối với thế hệ thiếu nhi, con em của chúng ta, cần suy nghĩ và hành động như thế nào để mang lại lợi ích thiết thực cho thế hệ kế thừa? Trên nền tảng bảo tồn và phát huy kiến thức sống của dân tộc Việt Nam, chúng ta cần giúp thế hệ trẻ biết nói tiếng Việt giỏi, đọc hiểu dòng lịch sử dân tộc Việt Nam bằng tiếng mẹ đẻ của chính mình. Đồng thời, điều này cũng giúp khẳng định bản sắc Việt Nam, giữ gìn cội nguồn con Hồng cháu Lạc, không để mai một trong dòng chảy của thời đại.
Để đạt được điều này, việc tạo ra các phương tiện giáo dục và khơi dậy ý thức về cội nguồn là rất cần thiết. Các tự viện, quý Thầy, quý Cô Trụ Trì nên mở những lớp học tiếng Việt tại các mái chùa địa phương, hoặc tổ chức các khóa tu học Phật pháp vào các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Tại đây, các em thiếu nhi có thể học tiếng Việt song ngữ (Anh – Việt), kết hợp với việc học Phật pháp, để việc tiếp thu kiến thức trở nên dễ dàng và thú vị hơn. Đây chính là một mô thức định hình cho con đường phát huy vai trò của tuổi trẻ Phật giáo trong tương lai.
Ước mong rằng các tự viện, tổ chức Phật giáo, và các đơn vị Gia Đình Phật Tử sẽ đồng lòng vì một tương lai tươi sáng, vì tiền đồ của Phật pháp mai sau. Khi thế hệ cha ông hôm nay không còn nữa, chính thế hệ kế thừa sẽ tiếp nối sự nghiệp hộ pháp, hộ quốc, và hộ dân mà chúng ta đang dày công đào tạo trong tinh thần tự tồn và kiên định.
Tập san Phật Việt chính là tiếng nói của nhiều thế hệ, là sự kết tinh của những tâm hồn mẫn tiệp, yêu đạo, mến đời hôm nay và cả mai sau. Đây là nơi tôn vinh và gìn giữ những giá trị đẹp đang hiện hữu, là lời kêu gọi phát tâm trong tinh thần từ bi của đạo Phật, giữ gìn giềng mối và kỷ cương, đồng thời nuôi dưỡng dòng giống Việt Nam thân yêu mà chúng ta trân quý.
San Diego
ngày 02 tháng 12 năm 2024
Nguyên Siêu
One Comment