Hạnh Chi: Vì Sư yêu bóng tối
Đó là một câu, trong đoạn cuối bài thơ Hạ Sơn thầy Tuệ Sỹ viết, được phổ biến trong thi tập Giấc Mơ Trường Sơn, nhà xuất bản An Tiêm tái bản lần thứ hai, năm 2003.
Bài thơ thể loại năm chữ, gồm bốn đoạn, đã đọc nhiều lần, đã thuộc từng câu, nay nhẩm lại, sao tới câu áp cuối bỗng nghe trong đáy tim mình như bật lên tiếng nấc!?
Âm thanh của 5 chữ “Vì Sư yêu bóng tối” đã khiến tiếng nấc bật lên! Sao vậy?
Tiếng nấc mau chóng tìm được đồng hành. Đó là khoé mắt đã mờ với tuổi tác và thời gian, đang lặng lẽ rơi lệ xuống những ngón tay vụng về, vừa lần giở tới trang Kinh “…Muốn thấy Bồ Tát, hãy tới những nơi đói nghèo, cùng khổ, tối tăm vì Bồ Tát thường hiện thân những nơi đó để ban vui cứu khổ…”
Tiếng nấc dồn dập hơn, cùng với những hạt lệ lả chã tuôn rơi khi sát na kỳ diệu mà lời dạy trong Kinh đã mở ra đúng lúc để cho kẻ vô minh phàm phu, thấp thoáng thấy bóng hình Bồ Tát nơi những vần thơ từng đọc, từng thuộc mà vẫn chưa từng thấu hiểu!!!
Tiếng nấc và những hạt lệ đồng hành, cung kính theo dấu những bước chân Bồ Tát khi Ngài vừa khởi bước xuống núi:
Ngày mai Sư xuống núi
Áo mỏng sờn đôi vai
Chuỗi hạt mòn năm tháng
Hương trầm lỡ cuộc say
Cám ơn gió núi, mây trời và không gian tĩnh lặng mênh mông đã thắp sáng Hương Trầm để kẻ phàm phu cảm nhận được phần nào tâm từ bi vô lượng của Bồ Tát. Ngài có muốn hạ sơn đâu, nhưng vì “Hương trầm lỡ cuộc say” mà phải xuống núi tải đạo, cứu đời.
Thế nhân dùng chữ “lỡ” thường để tỏ lòng hối hận về điều lẽ ra không nên làm. Nhưng Bồ Tát “lỡ” phát đại nguyện lại quyết dấn thân vào cõi ác ngũ trược, cứu độ chúng sanh, dù hiểm nguy, khổ luỵ thế nào cũng không thối chuyển nên sự khiêm cung này lại vô tình hiển lộ bồ-đề-tâm rõ hơn:
Bình minh Sư xuống núi
Tóc trắng hờn sinh nhai
Phương đông mặt trời đỏ
Mùa hạ không mây bay
Hạt lệ chưa tạm khô, tiếng nấc chưa tạm ngưng thì giải nắng sớm ban mai đã thân ái chia sẻ với tâm ý về một giai thoại thời Phật còn tại thế. Đó là một mùa an cư Đức Phật và tăng đoàn an trú tại phía Nam, thành Tỳ Lan Nhã (Vejanra) vào đúng khi nơi đây bị mất mùa. Lúa không trổ bông, cây không ra trái, dân chúng thiếu ăn, lấy chi bỏ vào bình bát khi tăng đoàn khất thực! Không chỉ bình bát tăng sỹ nhẹ tênh mà chính bình bát Đức Phật cũng hoạ hoằn mới có củ khoai nhỏ!
Ngài Mục Kiền Liên xót xa khi nhìn Đức Phật vẫn thuyết pháp trong hơi thở dường như đã yếu, mệt! Ngài bèn đề nghị, xin Đức Thế Tôn di chuyển về miền Bắc, tiếp tục an cư.
Đức Phật từ chối ngay lời thưa thỉnh này và dạy rằng, có phải chỉ chúng ta thiếu thực phẩm đâu! Mà dân chúng khắp vùng này đều đói! Chúng ta tới đây đúng tai hoạ này là cơ hội chia sẻ khốn cùng với chúng sanh. Không những thế, chúng ta còn phải cố gắng hơn là phải lắng nghe, phải an ủi, phải gần gũi nâng đỡ tinh thân nhau mà vượt qua ách nạn.
Quả thật, may rủi, hoạ phước thường đan kẽ nhau. Một người lái buôn ngựa, từ miền Bắc, nghe tin Đức Phật và tăng đoàn đang an cư tại miền Nam, nơi đang bị nạn đói. Người đó tới gặp ngài A Nan, phát tâm xin chia bớt phần cám của 500 con ngựa để tăng đoàn có chút dinh dưỡng cầm cự và bầy ngựa sẽ vẫn an toàn khi chỉ giảm bớt cám mà thôi!
Chiều hôm đó, ngài A Nan loay hoay nhóm lửa, rang cám, rồi trình lên Đức Phật sự cúng dường của người lái buôn ngựa. Tăng đoàn hoàn mãn mùa an cư trong không gian ấm áp tình người, nghĩa đạo với niềm tin Bồ Tát luôn ở đó, với chúng sanh, trên những bước đường tưởng như cùng tận:
Ngày mai Sư xuống núi
Phố thị bước đường cùng
Sư ho trong bóng tối
Điện Phật trầm mông lung
Trong những vũng lầy oan nghiệt khổ đau, Bồ Tát đã xuống núi, từ chối mọi lời thỉnh cầu đón Ngài tới những phương trời xa, bình yên và an lạc hơn.
Suốt nhiều thập niên qua, Bồ Tát đã thầm lặng đồng hành cùng chúng sanh khổ luỵ, miệt mài ngày đêm sưu tra, soạn thảo, dịch Kinh… truyền đạt những lời Phật dạy bằng chính bản thân mình!
Giữa rừng già đầy hiểm nguy, ác độc, tinh thần Bi Trí Dũng của Bồ Tát đã là điểm tựa, là niềm tin cho bao cảnh đời lao đao khốn khổ vì họ không cô đơn, vì Sư yêu bóng tối nên Bồ Tát vẫn cận kề…
Bình minh Sư xuống núi
Khoé mắt còn rưng rưng
Vì Sư yêu bóng tối
Ác mộng giữa đường rừng …
Nam Mô Hộ Giới, Hộ Giáo, Hộ Pháp, Chư Tôn Bồ Tát, Liệt Vị Thiện Thần Bồ Tát Ma Ha Tát.
Tào-Khê tịnh thất – Đông chí, Quý Mão niên
Đệ tử Hạnh Chi
Khể thủ cẩn bái