Hội Đồng Hoằng Pháp ấn hành “Tổng quan về Nghiệp” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

Tác giả viết ngay từ chương đầu: “Từ karma nay đã trở thành một danh từ thời thượng trong thế giới phương Tây”. Vâng, đúng vậy! Nhưng vấn đề này không chỉ ở phương Tây mà cũng là một nan đề cả ở phương Đông. Khó có ai có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ về Nghiệp như Hòa Thượng Tuệ Sỹ. Hòa Thượng đã dẫn độc giả đi từ những lý luận chặt chẽ của triết học Tây phương đến tận cùng ngõ ngách của các nền triết học, đạo học Ấn Độ Giáo – nơi mà người ta từng nói đến chữ karma trước khi đức Phật Thích Ca thị hiện. Rồi sau đó bước nhẹ nhàng vào giáo nghĩa Phật Giáo các bộ phái, Nghiệp Luận A-Tì-Đạt-Ma. Cuối sách tác giả kết luận: “Nghiệp quả và nghiệp lực như vậy, quả thật bất khả tư nghị”. Cấu trúc rành mạch khúc chiết, văn phong bác học hàn lâm nhưng lại dễ hiểu, tác giả đã rất thành công dắt người đọc đi khai mở những kho tàng trí tuệ lớn của nhân loại, từ Tây sang Đông. Bề rộng, chiều sâu, tầm cao, độ dày… của tác phẩm “Tổng Quan Về Nghiệp” này cũng quả thật là bất khả tư nghị vậy. | Thích Như Điển, Tu viện Viên Đức – Vu Lan PL 2565

Người học Phật đôi khi có chút khó khăn với sách tiếng Việt. Họ nói: gặp phải những vấn đề gai góc, phải đọc sách tiếng Pháp, tiếng Anh mới hiểu. Tiếng Việt khó diễn đạt tư tưởng, triết lý hơn các ngôn ngữ kia chăng? Văn phạm của ta kém chặt chẽ, mà triết lý thì cần phải chính xác? Có lẽ không phải chỉ vì ngữ pháp. Nhưng đúng là tham khảo sách tiếng Pháp, tiếng Anh thì hiểu rõ hơn. Nhưng, chắc gì các học giả phương Tây hiểu đúng tinh tế trong ý Phật bằng sách của các bậc Thầy của tôi? Họ có cái đầu đáng kính mà ta phải học, nhưng có những vấn đề mà phải tu mới thực chứng. Nghiệp là vấn đề số một. Tôi phải đọc sách của các bậc Thầy của tôi trước, dể chắc chắn rằng mình không bị dẫn đi sai đường.

Sách của Thầy Tuệ Sỹ cho tôi cái an tâm đó. Sách của Thầy là thầy của tôi. Thầy cho tôi cái hiểu biết mà tôi nghĩ là đúng. Đồng thời, Thầy thông tuệ cả hai luồng tư tưởng Đông Tây và nhất là cả cách diễn đạt rõ ràng, trong sáng, chặt chẽ mà ta thường khen ngợi khi đọc sách phương Tây. Thầy làm vẻ vang cho ngữ pháp tiếng Việt khi đi vào triết lý bí hiểm. Tôi có ánh sáng để mò mẫm vào một chữ mà cho đến nay tôi hiểu chưa ra. Chữ NGHIỆP. |  Cao Huy Thuần (Pháp)

Có hay không có Nghiệp? Có hay không có Tự ngã? Có hay không có Thời gian? Có hay không có một Linh hồn? Thật là những câu hỏi choáng váng!

Ký ức được lưu trữ ở đâu để tạo thành Nghiệp? Khoa học não bộ trả lời: ở Hippocampus (hồi hải mã) trong não, cùng với thể viền, lưu giữ ký ức, chịu trách nhiệm cả cảm xúc lẫn hành vi, nhờ nhu nhuyến của các synapse (điểm tiếp hợp thần kinh). Phật giáo không cho có cái gọi là tự ngã, tiểu ngã, đại ngã, linh hồn, nhưng tin có “Nghiệp mang theo” để “trả quả”. Cái gì mang Nghiệp theo? Thần thức tái sinh, luân hồi? Rồi có cái gọi là Thời gian để cho Nghiệp vận hành không? Tính thể của thời gian là gì? Thời gian được tri giác bằng giác quan nào? Câu trả lời là chính ta đã tạo ra thời gian cho mình. Tri giác về thời gian cũng là tri giác về sự chết.

Những câu hỏi nêu ra trong tác phẩm này có thể làm ta chới với mà lại cảm thấy mừng, vui. Chính trong ta đôi khi cũng gợi lên những câu hỏi như vậy mà không dám trả lời. May thay có Thầy Tuệ Sỹ, à không, có nhà thơ Tuệ Sỹ hóa giải giùm; bởi như Thầy đã nói (tr.307), chỉ có “Thơ mới dẫn kinh nghiệm vượt ra ngoài kinh nghiệm”.

Ta hỏi kiến nơi nào Cõi Tịnh
Ngoài hư không có dấu chim bay
Từ tiếng gọi màu đêm đất khổ
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời
(Tuệ Sỹ: Giấc mơ Trường Sơn). | Đỗ Hồng Ngọc (Việt Nam)

Tác phẩm Tổng Quan Về Nghiệp của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một tập đại thành hàn lâm mang tính thông tri và sử luận về nghiệp. Tác giả đã dày công nghiên cứu, tham khảo để chắt lọc những tinh hoa tư tưởng của “bách gia chư tử” xưa nay, Đông cũng như Tây, bên ngoài cũng như bên trong đạo Phật, thông qua trải nghiệm cũng như lý giải về nghiệp. Có nhiều thuật ngữ Phật học và Triết học khiến tác phẩm tương đối không dễ đọc; nhưng mặt khác, tính trung thực và giá trị nghiên cứu của tác phẩm càng được nâng cao.

Nguồn tư liệu về bản chất, ý nghĩa và sự vận hành của nghiệp đã được tham cứu và trưng dẫn trong tác phẩm nầy đạt tầm mức chuyên biệt và sâu rộng đáng tin cậy. Từ áo nghĩa lời Phật thuyết đến tuệ kiến của các luận sư, học giả và hành giả trong cả hai lĩnh vực nhân văn và khoa học đều được trình bày và lý giải đầy thuyết phục.

Ngoài nội dung uyên bác và phong phú, riêng về mặt chữ nghĩa, đọc tác phẩm Tổng Quan Về nghiệp của Thầy Tuệ Sỹ tôi thật sự bị lôi cuốn bởi cảm tưởng như là đang theo dõi một Michelangelo văn bút vì chữ nghĩa của Thầy trong văn Việt cũng như văn dịch rất phong phú với nhiều góc cạnh tạo hình đẹp và sang như nhà điêu khắc ngôn ngữ.

Có quá nhiều thuật ngữ triết học, tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong các ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Phạn, Hán… đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt một cách đượm nghĩa và tài hoa. | Trần Kiêm Đoàn (Hoa Kỳ)

Hành giả đọc để có cái nhìn tường tận hơn vận-hành tế-vi của nghiệp, của ngã trong tiến trình tu đạo hầu giải trừ hoặc nghiệp, xả ly ngã chấp. Học giả cần như một kho văn liệu đồ sộ quý giá về nghiệp, về duyên khởi, về tự ngã, về a-lại-da tạng thức… được tích tập, tỉ giảo và diễn giải từ một trí tuệ thậm thâm, uyên bác. Và từ góc nhìn văn học, người ta có thể đọc tác phẩm này như đọc một du ký sử truyện, qua đó, Nghiệp, một chữ thật ngắn gọn đơn giản nhưng là cả một lộ đồ chỉ nam, đưa chân những Thiện Tài đồng tử đi đến tận những góc bể chân trời, cầu học với những đạo sĩ, triết gia, hiền giả, khoa học gia, bồ-tát… tự cổ chí kim, từ đông sang tây; từ duy thức môn đến tâm phân học; từ những triết thuyết cổ xưa đến cơ học lượng tử… không câu nào, đoạn nào trong sách mà không có điều để học, để khai mở tri thức, hay để bừng rạng lên trí tuệ giác ngộ trước biển nghiệp vô cùng của chúng sanh khắp hằng sa thế giới. Chỉ từ một chữ thôi, mà tóm thâu kim-cổ; chỉ từ một chữ thôi mà dàn trải tư tưởng của mấy ngàn năm lịch sử triết học và tôn giáo thế giới. Việc này, có thể nói, duy thầy Tuệ Sỹ mới làm được một cách thượng thừa như thế. | Vĩnh Hảo, California, Trung Thu 2021

Hiển thị thêm
Back to top button