HT Thích Đức Niệm: Lược truyện tiền thân Đức Phật
Lược truyện Tiền thân Đức Phật
Hòa thượng Thích Đức Niệm
Phật Học Viện Quốc Tế, California, 1998
Thay Lời Tựa
[01] Thái Tử Nhẫn-Nhục-Khải
[02] Xá-Lợi-Phất Niết Bàn Trước Phật
[03] Cắt Thịt Nuôi Cha Mẹ
[04] Thiện Hữu và Ác Hữu
[05] Hai Nhà Vua Hiền Đức
[06] Chuyển Luân Thánh Vương
[07] Vua Chuyển Luân Đảnh-Sanh
[08] Vì Hiếu Quên Thù
[09] Kẻ Ngu Hay Cãi
[10] Chồn Cưới Công Chúa
[11] Chim Phượng Hoàng
[12] Nai Cứu Người
[13] Quốc Vương Hữu-Đức
[14] Tể Tướng Đại-Điển-Tôn
[15] Nhẫn Nhục Tiên Nhân
[16] Người Đệ Tử Cuối Cùng
Nhân-quả, Luân-hồi, Nghiệp báo là đạo lý căn bản của Phật giáo. Sông biển có thể cạn khô. Mặt trời mặt trăng có thể rơi rụng. Nhưng đạo lý nầy muôn đời không sai. Dù thế pháp hay đạo pháp, tăng hay tục, bất luận hạng người nào, hễ còn vào ra trong sanh tử, trôi lăn trong sáu đường, đắm chìm trong ngũ dục, lặn hụp trong lợi danh dục tình, thì nhất định không cách nào thoát khỏi mãnh lực của luật nhân quả, luân hồi, nghiệp báo chi phối.
Không tin nhân quả, luần hồi, nghiệp báo là tự mình đào sâu hố thẳm thối hóa, tự mình mở cửa tội lỗi, đi vào bóng đêm tăm tối thăm thẳm. Không tin nhân quả, luân hồi, nghiệp báo là đi ngược luật tiến hóa thiên nhiên, là tự nghiền nát khả nang phát triển thánh thiện của mình. Ngày xưa, khi đức Phật đanh tĩnh tọa dưới gốc cây, có vị thiên thần đến hỏi Phật: “Bạch đức Thế-Tôn! Trên đời nầy cái gì tăm tối nhất? Cái gì tội lỗi nhất?”
Đức Phật trả lời: “Lòng dạ ngu si không biết phân định chánh tà là tăm tối nhất. Không tin nhân quả, luân hồi, nghiệp báo là nguồn gốc sanh ra tội lỗi nhất”.
Có tin nhân quả, luân hồi, nghiệp báo mới thấy được cội nguồn tội phước, mới chuyển bước hướng thiện, mới tìm thấy ánh sáng chân lý cuộc đời, mới giải tỏa được bao nỗi ưu tư thắc mắc của tâm thức, và mới thực sự liễu giải mọi hiện tượng sanh diệt chuyển biến thịnh suy của thế nhân.
Nhân quả, luân hồi, nghiệp báo bao trùm và chi phối muôn loài vạn vật. Thế nên tất cả những hiện tượng nhân sanh vũ trụ thăng trầm sanh diệt không ngoài luật nhân quả. Tin hiểu nhân quả, luân hồi, nghiệp báo là chìa khóa khai mở kho tàng bí ẩn thầm kín thâm sâu của kiếp người, là đài gương quán chiếu giải tích mọi hiện tượng nhân sanh vũ trụ. Một khi đã hiểu rõ và tin sâu đạo lý nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, con người không còn thắc mắc về thân phận mình và hoàn cảnh tha nhân.
Nhân quả, luân hồi, nghiệp báo là quỹ đạo, là mấu chốt cho những hệ quả hiện tượng dây chuyền thiên chuyển biến dịch của các pháp, là hiện trạng hiển hóa sanh sanh diệt diệt thăng trầm chuyển kiếp của hữu tình chúng sanh đời này sang đời khác. Mọi hiện tượng của kiếp người trong vũ trụ thăng trầm tan hợp chỉ là sự thay hình đổi lớp hệ lụy theo nghiệp nhân quả báo, chứ bản chất cốt tủy của nó không bao giờ mất. Như sóng biển lặn nơi nầy nổi nơi khác. Nhà bác học Lavoisier (1743-1794) đã nói: “Mọi hiện tượng trên đời không có gì còn mãi, cũng không có gì vĩnh viễn mất”.
Đức Phật đã thấu suốt diệu lý chơn thường của vạn pháp, nên trên đường giáo hóa độ sanh, Ngài đã bao lần giải đáp thắc mắc cho thính chúng đệ tử. Ngài thường dẫn chứng đạo lý nghiệp quả, luân hồi, nhân duyên, tiền kiếp. Nhờ đó mà thính chúng thấu rõ mọi hiện tượng sinh sinh hóa hóa, giải tỏa nghi hoặc, tiến tu, thể nhập diệu lý Đại-thừa.
Do công đức tu hành mà đức Phật có được trí huệ giác ngộ, thấu suốt chân lý vũ trụ nhân sanh. Nhờ giới thể thanh tịnh mà đức Phật có huệ nhãn suốt thấy các kiếp chúng sanh biến chuyển đổi dời từ thời quá khứ sang thời hiện tại và tiếp diễn đến đời vị lai. Ngài là người bộ hành đã lên đến đỉnh núi giác ngộ, ngồi thưởng thức trăng thanh gió mát với quãng trời giải thoát bao la, rồi nhìn lại quãng đời đầy sông núi suối đèo ghềnh thác chông gai mà mình đã trải qua. Ngài thấu suốt tất cả ngọn ngành uẩn khúc của kiếp chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi. Trong lúc đó, chúng sanh nghiệp chướng sâu dày, sống trong vô minh vọng thức, tội lỗi chất chồng. Do tà tâm vọng tưởng, nên phiền não dày vò, phàm tánh cuốn lôi, lạc lối trong rừng núi thâm u đầy bất trắc. Kiếp người như thuyền nan trong biển cả đầy hiểm nguy không địa bàn để tìm ra định hướng.
Tuy đức Phật đời đời thương xót gọi kêu chúng sanh thức tỉnh, tiếng pháp âm không ngừng vang vọng, nhưng chúng sanh không thúc liễm thân tâm, cứ mải mê say đắm trong ngũ dục lạc trần gian mông huyễn. Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, đức Phật nói: “Mười phương các đức Như-Lai đời đời thương xót chúng sanh như mẹ hiền thương con nhỏ, lúc nào cũng muốn giúp đỡ cho con nên người sáng suốt an vui. Nhưng con cứ tìm cách trốn tránh mẹ, thì cho dù mẹ có thương con đến mấy đi nữa, cũng không cách nào giúp đỡ con được. Mẹ tìm con mà con cứ mãi trốn mẹ, thì mẹ con đời đời xa cách!” Chư Phật Bồ-Tát luôn luôn mang từ bi trí huệ an lành hướng về chúng sanh, như mặt trời lúc nào cũng trải nguồn sáng ấm cho vạn vật. Nhưng có những võ cây sanh trong kẹt đá, những sinh vật sống trong rừng thẳm biển sâu thì không thể nào tiếp nhận được nguồn sáng ấm của mặt trời.
Kiếp người diễn biến từ đời này sang đời khác vô cùng tận, như lượn sóng trên đại dương, chỉ có trí huệ giác ngộ của Phật mới kiểm chứng được số lượng kiếp kiếp. Và chỉ khi nào đạt quả Vô-thượng Bồ-đề mới chấm dứt kiếp luân lưu sanh tử từ thời quá khứ sang thời hiện tại.
Bàng bạc khắp trong tam tạng kinh điển, hằng hà sa số mẩu truyện, đức Phật thường nhắc đến sự liên hệ giữa Ngài và các đệ tử, giữa chúng sanh và Ngài trong những kiếp quá khứ.
Trong tâm nguyện đền ơn giáo hóa muôn một của đức từ phụ Thế-Tôn và cũng để giúp tư liệu cho những ai muốn biết phần nào về những kiếp quá khứ của đức Phật, do vậy, tỳ kheo Quê Mùa tôi không ngài tài hèn đức bạc, mạo muội soạn dịch một ít truyện trong muôn ngàn truyện tiền thân của đức Phật, để cống hiến quý hiền giả.
Nơi đây, tôi chân thành tán thán công đức Phật tử Trần-Hải-Hùng – Pháp danh Chơn Lạc, và Vương-Mỹ-Linh – Pháp danh Diệu Tâm, đã phát tâm Bồ-đề hiến cúng tịnh tài để cho tập Lược Truyện Tiền Thân Đức Phật nầy đủ duyên tái bản hầu kết thiện duyên Bồ-đề cùng bạn lành bốn phương.
Nguyện đem công đức nầy cầu nguyện Phật tử Chơn Lạc và Diệu Tâm cùng gia đình thường được bình an, đồng thời hồi hướng đến tứ trọng ân và pháp giới chúng sanh đều được an lành, sớm phát tâm Bồ-đề quy-y Tam-Bảo, liễu ngộ chánh pháp Đại-thừa, đạt thành đạo quả giải thoát.
Hoa-Kỳ, Vu-Lan Mậu Dần – 1998
Thích Đức Niệm