HT Thích Hộ Giác: Tình Mẹ

Mùa thu buồn. Trời thu lạnh. Gió thu hắt hiu thì thầm như trao gởi, nhắn nhủ những kỷ niệm ân tình giữa hai miền sống, chết. Phải chăng mùa thu về nhắc nhở ta những ân tình chưa thỏa, những mộng đời chưa tan trong cái xoay vần của nhân duyên sanh diệt.

Nếu nơi đây, mặt trời đã không ngừng chứng kiến những cảnh dâu bể tang thương, những cảnh tương tàn tương sát, thì nơi kia, bóng đêm cũng không ngừng vây phủ những oan hồn ủy mị vừa kêu gào bi thương vừa lang thang thất thểu. Trong hai cõi sống và chết, sinh linh cũng chỉ là những đứa con lạc lõng giữa bụi đời tham vọng huyễn hư, hoặc cũng chỉ là những bóng ma vật vờ trong trường dạ u linh, tìm nước tĩnh bình để giải oan thoát khổ.

Mùa thu cũng là mùa tiêu biểu cho nỗi nhớ niềm thương: ngoài trời nào cảnh sụt sùi mưa dầm tháng bảy, nào cảnh xương khô lạnh ngắt heo may, nào cảnh lá vàng lìa cành xa cội, nào cảnh mưa sa lác đác mộ phần, tất cả ngoại cảnh nầy đều khiến nội tâm nhói đau nỗi niềm hoài cảm, nhất là những u hồn bên kia thế giới. Và mùa thu về cũng báo hiệu mùa Vu Lan báo hiếu: mùa của mẹ, mùa của cha, mùa của Tổ tiên gia tộc, mùa mà những đóa hoa hồng đỏ thắm nở trên áo của những ai may mắn còn mẹ, và những đóa hoa hồng trắng nhạt sẽ nở trên áo của những ai bất hạnh sớm mất mẹ hiền.

Nói đến tình mẹ thì quả thật trên quả đất nầy không có thứ tình nào đậm đà lai láng, thiêng liêng và bất diệt như tình mẹ.

Tình mẹ không chỉ ngọt ngào như dòng suối mà là những dòng máu đỏ khởi nguồn từ tim và reo chảy về tim; không chỉ là bầu trời trong sáng chiếu ánh trăng sao, mà là những tế bào mạch huyệt đang lưu lộ căng đầy và vận hành trong toàn thân; không chỉ là một kho tàng vô tận để cung cấp cho sự sinh tồn vạn loại.

Trên thế gian nầy có nhiều kỳ quan nhưng trái tim của mẹ mới thật là đệ nhất kỳ quan. Vì trái tim của mẹ là một thứ kỳ quan sống động linh hoạt. Trong khi các kỳ quan khác đều chết đứng bất động. Đối với kỳ quan nầy chúng ta không cần phải phí công tốn của để tìm kiếm quan chiêm, vì chính kỳ quan tuyệt bích ấy đã ở trong ta từ lúc mới tượng hình, và theo năm tháng kỳ quan nầy lại càng trở nên kỳ ảo, vĩ đại, vô tiền khoáng hậu.

Các kỳ quan trên thế giới đều kiến tạo bằng vật liệu kiến trúc gần giống nhau, chỉ khác mô hình, hình thể. Còn kỳ quan là trái tim của mẹ thì cách cấu trúc hoàn toàn dị biệt về cả hai phương diện: vật thể và tâm thể. Vật thể là điều kiện tổng hợp của thịt, máu, động mạch, các ống dẫn máu ra vào. Sự vận hành của không khí tức không đại; sự lưu chuyển của máu tức thủy đại; sự điều hòa ấm áp tức hỏa đại; các cơ thịt tự động cấu hợp của tim tức địa đại; và sự hô hấp tự nhiên của toàn bộ trái tim tức thức đại.

Về mặt tâm thể thì chúng ta có thể tìm được bốn thể tánh vô lượng, quảng đại, biến mãn trong trái tim mẹ, đó là: Từ Bi Hỉ Xả.

TỪ là trạng thái tâm ai mẫn, hiền hòa, sẵn sàng ban rải cho một đối tượng hoặc nhiều đối tượng mới bắt đầu tượng hình hay sắp sửa thành hình. Ở đây, thai bào là đối tượng tuyệt đối phải được ban rải cẩn trì, dù trong không gian hạn hẹp, dù qua thời gian lâu mau, dù đứng về mặt khách thể, dù trực thuộc phương diện chủ thể.Về thể cách ban rải thì có nguyện và hạnh.

Nguyện, tức dùng lực cầu nguyện van vái Phật Trời phò hộ thai bào được bình an vô sự suốt thời gian 9 tháng cưu mang và hằng tâm nguyện sao đến ngày khai hoa nở nhụy, thai nhi được mở mắt chào đời với thân hình nguyên vẹn cụ túc lục căn.

Hạnh, tức hành động cẩn trì trong oai nghi: đi đứng ngồi nằm; trong chánh hạnh: nói năng, ăn uống, cách nhìn, cách nghe, thậm chí luôn luôn chánh niệm không dám buông lung tà tâm, nóng giận sợ ảnh hưởng thai bào. Có những hiền mẫu phát tâm bố thí, cúng dường, trì trai, niệm Phật khi biết mình thọ thai. Tâm từ nầy của mẹ khởi phát chính thức ngay khi biết mình đã thực sự mang thai và cứ như vậy tiếp diễn cho đến ngày nở nhụy khai hoa.

BI là tâm vô lượng thứ hai của mẹ phát xuất cùng lúc với tiếng khóc chào đời của thai nhi. Tâm bi nầy khó mà diễn tả chính xác hết ý. Vì tâm bi được chuyển tiếp từ tâm Từ sau 9 tháng trông ngóng đợi chờ, mừng mừng sợ sợ, mặc dù lòng đã dặn lòng: “Tất cả đều diễn tiến tốt đẹp, mẹ tròn con vuông, trên có Phật Trời phò hộ, dưới có mẹ cha hướng dẫn và chính mình cũng hết mực dưỡng thai”. Nhưng tránh không khỏi những phút giây bồi hồi, phập phòng, lo sợ, mặc dù đã tự cố gắng trấn an. Thế mà giờ đây tiếng khóc hài nhi đã kéo mẹ về thực tại sau những giờ phút đớn đau, bàng hoàng vì sanh nở thì bảo sao mẹ hiền không vui mừng, sung sướng cho được. Nhìn kỹ mặt con, mẹ càng thương yêu ngập lòng. Chính hai tâm vô lượng Từ và Bi nầy đã dung hợp, trợ duyên nhau một cách tương tục kỳ diệu nên đã biến máu hồng thành sữa trắng để nuôi con.

HỈ là tâm vô lượng thứ ba của mẹ. Tâm nầy được phát hiện cụ thể nhất là lúc cha mẹ nhìn con mấp máy đôi môi bập bẹ kêu “Ba” kêu “Má”, và chập chững tập đi một mình từng bước không vững, rồi lần lần trở nên chững chạc, biết ăn, biết nói, biết cười, biết làm xấu. Con càng khôn lớn, mẹ càng vui mừng. Vì con là núm ruột, là hòn máu, là một phần trong cơ thể mẹ, là kho tàng vô giá, là nguồn hạnh phúc vô bờ. Giờ đây con đà khôn lớn, trưởng thành, bảo sao mẹ hiền không vui mừng cho được. Bất cứ cử chỉ nào, lời nói nào, hành động nào của con trẻ, dù vô tư, không đòi hỏi phải khôn ngoan, cũng đủ làm cho mẹ sung sướng ngập lòng. Vả lại niềm vui của mẹ là con, và mẹ thì cũng chỉ biết vui với con mà thôi. Con là nguồn an ủi duy nhất của mẹ. Do đó, con đau là mẹ xót, con mạnh là mẹ mừng. Có con một bên, mẹ cảm thấy cuộc đời là màu hồng, là bầu trời mùa xuân và tất cả hiện hữu đều có ý nghĩa, đáng yêu. Vắng con, mẹ cảm thấy lẻ loi, hiu quạnh, bầu trời là cả một mùa thu, tất cả hiện hữu trở nên vô nghĩa và mẹ tự thấy mình bạc phước vô phần.

XẢ là tâm vô lượng thứ tư của mẹ. Tâm nầy của mẹ tự động hiển lộ trong hai trường hợp nghịch cảnh hoặc thuận duyên. Tâm xả hiện lộ trong nghịch cảnh đó là những khi con giận, con hờn, con nặng lời lớn tiếng, con phụ rẩy mẹ cha, con ngỗ nghịch phạm thượng, trong tất cả tình huống ấy, mẹ cha chẳng những cam tâm cúi đầu chấp nhận, không hề oán giận nguyền rủa con mà còn sẵn sàng rộng dung tha thứ.

Còn tâm xả của mẹ được thấy trong thuận cảnh là khi con cái thành nhơn chi mỹ, cha mẹ thận trọng lựa chọn những gia đình hiền lương, đạo đức, có học, có hạnh để dựng vợ gả chồng, và sau khi con cái đã yên bề gia thất thì lòng cha mẹ bớt lo lắng, ưu tư, có thể tạm an tâm để sống những chuỗi ngày còn lại. Do vậy, tâm xả phải hiểu tận tường rằng xả không chỉ có nghĩa là cảm thông, xả bỏ, tha thứ, không chấp thủ như trường hợp nghịch cảnh; mà xả còn là một trạng thái tự tin, an tâm, vô thưởng vô phạt như vừa kể trong phần thuận cảnh.

Một thứ kỳ quan sinh động, linh hoạt, khế lý, khế cơ, nhất là biết cung ứng đầy đủ mọi thứ nhu cầu của con cái trên hai phương diện vật lý và tâm lý, thử hỏi như vậy trái tim của mẹ có đáng được công nhận là “đệ nhất kỳ quan” hay không. Chính vì cha mẹ có đủ bốn tâm vô lượng, nên đức Phật xưng tụng cha mẹ là “trời phạm thiên”, là “giáo sư đầu đời”, là “vị tiên ban đầu” và là “bậc đáng cúng dường”.

Thật ra trên thế gian nầy, mối tình nào, chung cuộc, cũng đều phai mờ trong tim ta, trong ký ức ta. Duy nhất chỉ có tình mẹ là thiên thu bất biến. Sở dĩ tình mẹ tồn tại vĩnh viễn vì tình mẹ thương con như biển hồ lai láng, như trái đất bao dung, như bầu trời hiến dâng sự sống, như gió xuân ban rải sự mát mẻ cho muôn loài, không có bất cứ sự lựa chọn nào trong tình mẹ thương con, tình mẹ vượt thời gian, không gian, chỉ cho mà không cần nhận, cho vô điều kiện, cho bình đẳng không phân biệt đẹp xấu, trí ngu, giàu nghèo, có hiếu hay bất hiếu.

Chính vì tình mẹ như vậy nên không bao giờ bị ngoại cảnh chi phối. Nghĩa là tình mẹ thương con không có biên giới. Vậy, bạn nào còn cha còn mẹ thì bạn là người diễm phúc nhất đời. Vì không có niềm vui nào thiêng liêng, đậm đà bằng niềm vui còn mẹ và cũng không có nỗi buồn nào ray rứt xót xa bằng nỗi buồn mất mẹ.

Một Phật tử ở Phan Thiết, đạo hữu Lê Minh Hớn, đã làm sống dậy tình mẹ trong chúng ta vô cùng ý nhị: “Ta còn có mẹ, mẹ hát đưa ta, tiếng hát xa xưa buồn quá đỗi, nhà ai giã gạo trưa hè. Mẹ hát à ơi! võng trời kẽo kẹt, da trời xanh ngắt cửa đông. Người đâu có biết: Mẹ bồng ta cả tuổi ban đầu. Câu hát ngày xưa chín vàng chín đỏ. Ba mươi tuổi đời lăng lắc đong đưa. Ba mươi tuổi đầu mẹ còn coi nhỏ, đưa từng trái bắp củ khoai. Ngày đó ta về, mẹ còn vuốt tóc. Người biết không, ta khóc trong lòng!”.

Do đó, nếu chúng ta vì miếng mồi đỉnh chung ngắn ngủi, vì tương lai sự nghiệp mơ hồ mà quên bổn phận thần tỉnh mộ khang, quạt nồng đắp lạnh, thì thật là lỗi đạo làm con, nếu không nói là bất hiếu./.

Hiển thị thêm
Back to top button