HT Thích Minh Châu: Trước sự nô lệ của con người
Con đường thử thách của văn hóa Việt Nam
Phụ lục
VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH
MỘT TRUNG TÂM GIÁO DỤC Ở SÀI GÒN
Viện Đại Học Vạn Hạnh là một Học Viện Cao Đẳng tự lập do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập năm 1964 ở Sài Gòn. Mặc dầu những giá trị chỉ đạo và Triết lý của Viện là Phật giáo và mặc dù đa số nhân viên quản trị, giáo sư và sinh viên là Phật tử, Viện ngay tự buổi đầu đã mở rộng cửa đón nhận tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo. Viện không phải là một chủng viện dành riêng cho Tăng Ni, dầu rằng người ta luôn luôn gặp những Tu sĩ Phật giáo trong thành phần giáo sư và sinh viên.
Vạn Hạnh trước hết là một trung tâm giáo dục chuyên nghiên cứu giảng dạy tri thức và minh triết của Đông và Tây Phương, của quá khứ và hiện tại. Viện tìm cách truyền đạt cho sinh viên của Viện một lần thấu hiểu và thẩm định mới về văn hóa và lịch sử Việt Nam, nền văn hóa và lịch sử trong đó Phật giáo là yếu tố căn bản. Nhưng Viện cũng có tham vọng trang bị cho sinh viên một nền giáo dục mới, cần thiết để đương đầu với những vấn đề và những thử thách của nước Việt Nam ngày nay.
Thiết tưởng cần phải đặt Viện Đại Học chúng tôi vào vị trí lịch sử của nó. Ảnh hưởng của Phật giáo lần đầu tiên du nhập vào Việt Nam từ Ấn Độ và Trung Hoa vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Các Tông phái được thành lập gồm cả hai ngành Đại Thừa và Tiểu Thừa Phật giáo, dầu cuối cùng Đại thừa chiếm được một số tín đồ đông đảo hơn. Phật tử Việt Nam thường tự hào rằng xứ sở họ là nơi quy tụ được cả hai truyền thống lớn của Phật giáo. Trong thời Hoàng Kim của các triều đại Trần và Lý một ngàn năm trước đây, ảnh hưởng của Phật giáo thật vô song. Chùa chiền lúc ấy là trung tâm giáo dục và văn hóa. Các tu sĩ Phật giáo là những nhà giáo dục, văn nhân, tư tưởng gia của thời đại.
Đặc biệt Viện Đại Học Vạn Hạnh chúng tôi lấy tên là một vị sư sáng suốt nhất và được kính nể nhất của thời Hoàng Kim: Thiền Sư Vạn Hạnh. Tiếp theo là một thời kỳ dài trong đó Phật giáo bị lu mờ bởi những sức mạnh nội tại và ngoại tại. Mãi tới năm 1920 những cố gắng có tổ chức mới được khởi sự để hồi sinh Phật giáo và khôi phục lại địa vị xứng đáng của nó ở Việt Nam. Từ ba chục năm trở lại đây, người Phật tử đã nỗ lực tu bổ chùa chiền, cải tổ nền giáo dục Tăng Ni và phát triển những quan niệm và cơ quan công tác xã hội đúng với giáo lý của Đức Phật. Điều đáng buồn là những biến cố bi thảm xung quanh cuộc lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm đã làm người ta không để ý tới sự kiện là Phật giáo ở Việt Nam đang trải qua một thời kỳ thay đổi nội bộ và thích nghi với thế giới hiện đại.
Năm 1964 ở Việt Nam đã chứng kiến toàn thể giáo đoàn Phật Giáo sôi động tiếp sau sự sụp đổ của chính phủ Ngô Đình Diệm. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã được thành lập để đoàn kết những tông phái hiệp hội Phật giáo đã từng độc lập với nhau trong lịch sử. Tân giáo hội đã tổ chức những Tổng Vụ để điều hành về giáo dục, văn hóa, từ thiện, xã hội, thanh niên, cư sĩ, hoằng pháp, tài chính và tăng sự. Vì những phạm vi hoạt động của Giáo hội bành trướng mau chóng, Phật giáo chẳng bao lâu bị bắt buộc phải ý thức rõ rệt rằng Giáo Hội đã gặp phải những sự thiếu thốn nghiêm trọng về yếu tố nhân lực: Thiếu những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm, những chuyên viên cự phách, những cán bộ nòng cốt. Nguy hại hơn nữa là một vài Phật tử sau một đêm bỗng thức dậy tự cho mình là anh hùng vô địch, xem mình là những thánh tướng trong mọi lãnh vực, kể cả những lãnh vực mà họ hoàn toàn không có một chút kinh nghiệm.
Năm 1964 khi tôi từ Ấn Độ trở về nước sau khi hoàn tất tiến sĩ học, tôi ban đầu đảm nhận chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Cao Đẳng Phật Học vừa được thành lập ở Sài Gòn. Khi Viện trên biến thành Viện Đại Học Vạn Hạnh, tôi trở thành Viện Trưởng đầu tiên của Viện. Ngay từ lúc đầu, tôi đã biết rằng tôi sẽ phải chiến đấu chống những trở lực ghê gớm để làm tròn phận sự của tôi.
Trách nhiệm đầu tiên của tôi là đặt Đại Học Vạn Hạnh vào trong vị thế đúng đắn của nó, xây dựng một nền móng vững chắc cho sự phát triển mai sau, và quy tụ những giáo sư và chuyên viên quản trị có khả năng, tư cách để hoàn thành sứ mạng giáo dục đã được giao phó. Phải thành thực mà nói rằng lề lối suy tưởng, truyền thống và tập tục đã khiến nhiều người không thấu hiểu vai trò đích thực của một Đại Học. Thực hết sức vất vả khổ cực cho tôi khi phải thuyết phục cho người ta hiểu rằng Viện Đại học không phải là một cơ sở truyền bá tôn giáo, không phải là bất động sản riêng tư của Viện Trưởng, không phải là cơ cấu phục vụ quyền lợi cho cá nhân hay một tập đoàn. Tôi đã làm nhiều người sững sốt khi nói với họ rằng Đại Học Vạn Hạnh là một cơ sở giáo dục chứ không phải là một trung tâm truyền giáo cho Đại thừa hay Tiểu thừa. Tôi đã làm phật lòng một số người khác và có lẽ đã biến một vài người thành thù nghịch khi tôi từ chối không chịu cho vay tiền của Viện Đại Học Vạn Hạnh, không ban phát đặc ân hay tưởng thưởng bằng cấp cho những người không xứng đáng. Nhu cầu xây dựng sự thanh liêm trí thức cho Viện Đại Học không phải luôn luôn được mọi người thông cảm.
Một công việc không kém phần quan trọng đối với Viện Trưởng là tránh những hành vi chính trị cá nhân, và gia nhập vào một đoàn thể chính trị, cũng như đặt chính trị ra ngoài ngưỡng cửa Đại Học. Thực tế đã chứng minh đó không phải là một việc dễ dàng. Nước Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1967 đã là diễn trường của nhiều xáo trộn và chính biến mà một đôi khi Phật giáo cũng bị liên hệ. Một Đại Học với sứ mệnh đào tạo những lãnh tụ tương lai cho tổ quốc không thể là vật hy sinh cho chính trị đương thời và không thể trở thành một dụng cụ trong tay những chính khách. Giáo sư và sinh viên được tự do tham gia chính trị nếu họ muốn, nhưng họ phải tham gia với tư cách cá nhân. Họ không được phép sử dụng Đại Học như một phương tiện để theo đuổi những mục đích chính trị.
May mắn cho tôi từ năm 1964 tới nay tôi đã lèo lái Đại Học Vạn Hạnh tránh được mọi cơn giông tố chính trị. Tôi đã hạn chế nghiêm ngặt phạm vi hoạt động của tôi và của Viện Đại học vào trong lãnh vực giáo dục mà thôi. Dần dần, những người khác cũng ý thức rõ ràng và tán thán quan điểm và thái độ chính xác và đứng đắn của tôi. Rõ ràng vấn đề làm cho quần chúng hiểu được tầm quan trọng của nền độc lập và tự trị Đại Học là một vấn đề vô cùng khó khăn.
Xây dựng một Viện Đại Học giữa một trận chiến tàn khốc và trường kỳ, tự nó, đã là một thử thách ghê gớm. Một giáo sư Tây phương có lần đã hỏi tôi tại sao chúng tôi bắt đầu xây dựng một Viện Đại Học trong khi đất nước đang có chiến tranh. Tôi đã trả lời rằng chính vì chiến tranh mà Viện Đại Học mới được xây dựng. Chiến tranh là tàn phá và Viện Đại Học là kiến thiết. Chiến tranh có nghĩa là giết chóc và gieo rắc căm thù, Viện Đại Học có nghĩa là kính trọng sự sống và ban phát từ bi. Chiến tranh hạ thấp nhân phẩm, Viện Đại Học nâng cao tính cách thiêng liêng của mạng sống con người. Hơn nữa, một Đại Học chính là nơi đào tạo những lãnh tụ mà quốc gia sẽ cần tới mai sau.
Những sinh viên ngày nay, những kẻ thừa kế một trận chiến tranh và tàn phá triền miên, dễ có khuynh hướng bi quan và hành động vô kỷ luật. Sứ mệnh của Viện Đại Học Vạn Hạnh là tiêm nhiễm cho sinh viên ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ. Chúng tôi đã gặt hái được một vài thành quả. Thực là một kinh nghiệm vô cùng khích lệ, phấn khởi khi xây dựng một Viện Đại Học chầm chậm từ hai bàn tay không và nhìn thấy Viện bắt đầu tràn ngập những sinh viên có can đảm, dám hy vọng và xây dựng tương lai, trong khi chung quanh họ, chém giết và tàn phá tiếp tục không ngừng.
Nhưng một Đại Học không được giới hạn bởi không gian và thời gian, và Viện Đại Học Vạn Hạnh không đặt mình ra ngoài thông lệ đó. Chúng tôi đang hết sức cố gắng để nâng Viện Đại Học Vạn Hạnh lên ngang hàng với truyền thống Đại Học cổ truyền và quốc tế mà bất cứ một học viện cao đẳng nào cũng phải kính trọng.
Tinh thần Đại Học không thể là tôn giáo hay chính trị. Nó phải là khát vọng không hạn chế của một tập thể sinh động, họp thành bởi những cá nhân sáng tạo. Những cá nhân này tham dự vào những hoạt động trí thức của đoàn thể mà vẫn giữ được cá tính sáng tạo của mình. Cá tính sáng tạo trở thành và chính là hiện thể của chân lý, tự do và nhân tính. Đó chính là lý do khiến tinh thần Đại Học không được tách rời khỏi chân lý, tự do và nhân tính. Do đó, một Đại Học phải vượt lên trên mọi chướng ngại của không gian và thời gian, mọi khác biệt của tôn giáo, chủng tộc và lãnh thổ. Viện Đại Học Vạn Hạnh dầu bé nhỏ, sơ khai, vẫn hy vọng hợp tác với những Đại Học Phật giáo khác, với những Viện Đại Học ở Đông Nam Á Châu, và với những Viện Đại Học trên toàn thế giới. Viện sẽ không bao giờ đi ngược lại với sứ mệnh mà Viện đặt ra cho mình, là xây dựng hòa bình giữa quốc gia, hòa đồng giữa các dân tộc, và nhân phẩm cho nhân loại.
Đại Học Vạn Hạnh tuy mới năm tuổi, nhưng đã ghi được một vài tiến bộ đáng kể. Từ năm 1964 đến năm 1966, Viện Đại Học Vạn Hạnh không có trường sở riêng và phải dùng trụ sở của hai chùa Pháp Hội và Xá Lợi.
Ngày nay Viện đã hoàn thành được trường sở chính. Những nhà phụ có thể sắp được xây cất thêm; và một giảng đường sắp thành hình. Phân khoa văn học, Phân khoa Khoa học Xã Hội và một trung tâm Ngôn ngữ đã được thêm vào Phân Khoa Phật học chính. Tổng số sinh viên ghi danh của Viện bây giờ đã trên 2.000 người. Phân khoa Phật học dạy cả hai hệ thống Đại Thừa và Tiểu Thừa, và nghiên cứu tìm một tổng hợp giữa hai hệ thống trên. Tỷ giáo học đặc biệt được lưu tâm, so sánh với thuyết hiện sinh, khoa học, những tôn giáo khác, chủ nghĩa Cộng Sản v.v… nếu điều kiện cho phép.
Phân khoa Văn học cố gắng phát huy cho sinh viên rõ vẻ đẹp của nền văn hóa dân tộc, nhịp cầu nối kết mọi người dân Việt. Phân khoa cũng dạy cả văn hóa những nước khác với ý hướng tạo cho sinh viên một nền giáo dục phổ quát và giúp đỡ họ làm giàu nền văn hóa dân tộc. Phân khoa khoa học Xã hội chia thành khoa học chính trị, kinh tế, xã hội, thương mại, và nhân chủng học. Mục đích của Phân khoa là làm cho sinh viên Việt Nam hiểu cơ cấu xã hội để họ có thể cải thiện và cũng cố xã hội mai sau. Một số những cải tổ giáo dục đã được trù liệu cho phân khoa này, gồm có sự áp dụng phương pháp hội thảo, nhấn mạnh đến mối liên hệ mật thiết giữa giáo sư và sinh viên.
Mặc dù hãy còn nhỏ bé, Đại Học Vạn Hạnh cố gắng bao gồm tất cả những phạm vi hoạt động của một trường Đại Học kiểu mẫu. Thư viện Đại Học chiếm gần trọn lầu 3 và 4 của tòa nhà. Đó là một trong số những thư viện lớn và tối tân nhất ở Việt Nam . Tầng dưới của thư viện gồm có phòng đọc sách, phòng đọc báo, phòng tham khảo, và phòng nghiên cứu dành riêng cho học giả. Kệ sách và nơi làm việc của nhân viên thư viện ở tầng trên. Thư viện có 250 chổ ngồi cho sinh viên và 24 phòng nghiên cứu cho học giả.
Phòng tham khảo rất hãnh diện có nhiều bộ sách Bách khoa và Tự Điển của nhiều ngôn ngữ, gồm cả Sanskrit, Pali, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Trung Hoa v.v… Tất cả Tam Tạng Kinh điển quan trọng của Phật giáo đều có ở đây: Sanskrit, Pali, Trung Hoa, Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan (thư viện mới thỉnh thêm bộ Tam Tạng Đại Hàn). Sách phân loại theo hai phân bộ. Phân bộ Phật Học và Phân Bộ Thế Học. Toàn bộ sách của Thư Viện bây giờ có khoảng trên 20.000 cuốn. Dụng cụ trang bị Thư viện và sách phần lớn do cơ quan văn hóa Á châu cung cấp. Cơ quan này giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển một thư viện tối tân cho Viện Đại Học.
Một câu lạc bộ nhỏ được mở cạnh Thư viện, nơi các giáo sư và sinh viên có thể giải khát và dùng vài món ăn chay nhẹ. Ấn quán Vạn Hạnh nằm dọc theo tòa nhà chính. Nhà in này ấn loát tất cả những ấn phẩm của Đại Học, và phát hành hàng tháng một tờ tin tức bằng Việt ngữ và Anh ngữ, tập san Tư Tưởng và một số sách Tu Thư cần thiết.
Trên chóp đỉnh của tòa nhà là Thiền Viện gồm có một vườn thiền, tạo một bầu không khí thỏa mái thanh tịnh giữa thành phố náo nhiệt ồn ào. Thiền viện là một nơi để huấn luyện tâm thức và phát triển trí tuệ. Thiền Viện này tượng trưng cho sự cố gắng của chúng tôi áp dụng một phương pháp tu tập thiền định hoàn toàn tôn giáo của đạo Phật vào trong việc huấn luyện tâm thức và trí tuệ cho cả giáo sư lẫn sinh viên.
Năm năm trôi qua với một vài thành quả đáng kể, nhưng còn nhiều tiến triển khác cần phải viên thành. Chúng tôi tin tưởng ở giá trị thiêng liêng của giáo dục, chúng tôi tin cậy ở tinh thần và lòng phục vụ của giáo sư và thanh niên; chúng tôi trông đợi ở thiện tâm và lòng thông cảm của thân hữu và đồng nghiệp, ở trong và ngoài nước. Con đường đi trong quá khứ đã nhiều gian truân, vất vả. Con đường khởi từ hiện tại cũng không mong đợi bằng phẳng hơn. Nhưng người ta đã nói rằng ở đâu có đời sống, ở đấy có hy vọng. Riêng chúng tôi, chúng tôi biết rằng ở đâu có giáo dục, ở đấy có hy vọng cho tuổi trẻ chúng tôi, cho xứ sở chúng tôi và cho tương lai của chúng tôi.
SỰ THẤT BẠI GIÁO DỤC HIỆN TẠI
Từ bao nhiêu năm nay, dù Viện Đại Học Vạn Hạnh đã được thành lập và trưởng thành giữa những hoàn cảnh khó khăn, dù Viện Đại Học là Viện Đại học nghèo nhất ở Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn không bao giờ không tô đậm ý nghĩa của sức mạnh tinh thần, nhấn mạnh ý nghĩa của đời sống tâm linh đánh thức lòng tự tin của tuổi trẻ và vẫn luôn luôn cố gắng giữ vững tinh thần bất lay chuyển trước những biến động cuồn cuộn của thời thế. Giữa sự khủng hoảng tràn lan khắp mọi bình diện hiện nay, chúng tôi vẫn đặt niềm tin vào sự lớn mạnh của trái tim con người sau một cơn bệnh nặng, chúng tôi vẫn tin rằng mọi sự khủng hoảng đều cần thiết vì mỗi lần khủng hoảng là mỗi lần con người được thăng chuyển qua bình diện bi đát: vì con người chỉ thực sự được lay động, được đánh thức dậy vào những giây phút khủng hoảng; khủng hoảng giúp đỡ cho chúng ta thấy được mọi sự qua một luồng ánh sáng khác, giúp đỡ cho chúng ta thấy được những giới hạn, những hoàn cảnh giới hạn, và chỉ khi nào chúng ta được đánh thức để nhận ra, nhìn thấy những hoàn cảnh giới hạn cả mình thì lúc ấy cũng là lúc mà mình nhận ra những khả tính vô hạn nằm ẩn trong những giới hạn của chính mình. Khủng hoảng đưa chúng ta đối mặt với giới hạn, nhưng chính giới hạn có hai ý nghĩa tích cực và tiêu cực, hoặc là chúng ta đứng lại trong giới hạn và tuyệt vọng chết đi trong đó, hoặc là chúng ta vượt qua giới hạn bằng sức mạnh tâm linh, bằng tinh thần bất lay chuyển của mình: giới hạn là giới tuyến giữa cái có thể làm được và cái không có thể làm được. Bên này giới hạn là phạm vi của ý chí chúng ta, bên kia giới hạn là phạm vi của niềm tin. Tin rằng cái không thể làm được vẫn có thể làm được, phải chăng đó là đặt một ý nghĩa vào trong sự vô nghĩa? Ý nghĩa của giáo dục, trong ý nghĩa đầu tiên của nền văn minh Tây phương, phải chăng chỉ tin rằng con người có thể được đưa ra khỏi bóng tối của hang sâu để nhìn thấy được ánh sáng thực sự ở bên ngoài kia, như Platon đã tượng trưng trong quyển République? Đối với quan niệm đầu tiên của Tây phương thì giáo dục (paideia) có nghĩa là quay ngược lại toàn thể tâm thức (periagogeholes tes psyches) tức là quay ngược con người từ bóng tối ra ánh sáng, từ chỗ quen thuộc ra chổ mới lạ, nói cho đúng nghĩa nguyên thủy Phật giáo hơn “Patichannam và viereyya” nghĩa là quay hướng con người từ chỗ che giấu ra chỗ mở bày: chổ mở bày hé lộ ra ấy được gọi là chân lý (aletheia). Chúng tôi vẫn thường nói đến chân lý, tự do và nhân tính: ý nghĩa của giáo dục là biến đổi, thăng chuyển con người bị nô lệ trong hang tối trở thành con người tự do và con người chỉ thực sự là con người là khi con người tự do; nhân tính chỉ được thực hiện đồng lúc với tự do và tự do chỉ thực hiện đồng lúc với chân lý. Do đó, chúng ta phải nhận ngay rằng: “bản chất của giáo dục đặt căn bản trong bản chất của chân lý”. Giáo dục và chân lý vẫn liên quan mật thiết với nhau: con đường từ vô giáo dục (apaideusia) đến giáo dục (paideia) là con đường dẫn tới chân lý.
Sự thất bại của giáo dục hiện nay là sự giải thích sai lầm về bản chất của giáo dục (l’essence de la paideia). Đối với Platon, bản chất của giáo dục không phải chỉ là đổ rót những kiến thức vào một tâm hồn thiếu chuẩn bị, giống như đổ nước vào một chậu trống không. Giáo dục đúng nghĩa là lay chuyển triệt để tâm hồn, biến chuyển trọn vẹn tâm hồn, đưa con người đi đến bản chất thực thụ của con người; do đó, giáo dục có nghĩa là quay ngược con người lại và đưa con người đến sự thể hiện sự thật ngay trong bản thể của con người.
Không phải là vô cớ khi chúng tôi nhắc đến Platon và ý niệm của Hy Lạp về “Giáo dục” (paideia) vào ngày tổng khai giảng hôm nay, cũng như vào dịp tổng khai giảng mấy năm trước. Vì vào năm 387 trước Tây lịch, Platon đã sáng lập một học viện đầu tiên của Tây phương (có tên là “Académos”), chính học viện ấy là cha đẻ ra tất cả những đại học Tây phương sau này. Và quan niệm “giáo dục” của Platon không phải chỉ là quan niệm triết học mà còn là quan niệm chỉ huy trọn vẹn cả nền văn minh Tây phương trong mọi lãnh vực, mọi phạm vi (chính trị, xã hội, văn hóa), mặc dù sau Platon trở đi cho đến ngày hôm nay thì quan niệm “giáo dục” trong ý nghĩa nguyên thủy đã bị xuyên tạc, hiểu sai và “bản chất của giáo dục” bị tước mất và chỉ còn là “cơ quan giáo dục”. Những cơ quan giáo dục chỉ còn bận tâm đến những tổ chức giáo dục mà bỏ quên “bản chất của giáo dục”.
Ở Đông phương chúng ta, học có nghĩa là học đạo. Người quân tử học để hiểu rõ cái đạo (quân tử học dĩ tri kỳ đạo). Nhưng thực sự, không riêng về Tây phương mà ngay cả ở Đông phương, cái học càng trở nên “học làm quan” chứ không còn “học đạo”. Vì không còn “học đạo” nên mới có sự tranh chấp hơn thua, sự nô lệ bằng cấp, sự nô lệ quyền thế bổng lộc, nô lệ phe phái bè nhóm, nô lệ phẩm trật; sự phân hóa giữa những giới học càng lúc càng trầm trọng và Đại Học đường không còn là nơi “học đạo” mà trở thành cơ sở tổ chức giúp đỡ phương tiện để người ta “học” cho được một địa vị trong phẩm trật xã hội mà ở đó con người chà đạp lên trên con người.
Khi chúng ta nói đến “học đạo” thì không có nghĩa là “học đạo đức” hay “học đạo Phật” hay “học bất cứ một tôn giáo nào khác”. Học đạo, đối với chúng tôi, có nghĩa là “học chân lý, học sự thật”, “học cách di chuyển từ bóng tối ra ánh sáng”. Con người ấy có thể không phải là con người đi ô tô lộng lẫy mà là con người đi chân không để học đạo và dạy đạo giữa những ngã tư đường nóng lạnh ở Athènes. Chính con người đã đi hai chân không ấy đã đào tạo ra nền văn minh Tây phương. Chúng tôi ước mong rằng Viện Đại Học Vạn Hạnh sẽ được là một Viện Đại Học đi chân không giữa sự tấn công ào ạt của vật chất lộng lẫy hiện nay.
Sự cố gắng của Vạn Hạnh là duy trì ba mục tiêu chính yếu:
- Tinh thần đại học,
- Giá trị đại học,
- Không khí đại học
Thực ra ba mục tiêu chỉ là một: đó là tinh thần đại học vì giá trị đại học và không khí đại học là hậu quả của tinh thần đại học.
Nói đến tinh thần Đại học là nói đến tinh thần tự trị không để cho những vấn đề chính trị, tôn giáo, địa phương chi phối đường hướng thuần túy giáo dục của một Đại học. Đại Học không phải là môi trường để những vị hành chánh, những vị giáo sư, lợi dụng địa vị của mình, ủng hộ tôn giáo của mình, cho đường hướng chính trị của mình hay kết bè kết phái lũng đoạn Đại Học, phục vụ cho quyền lợi riêng tư của mình và phe nhóm mình. Làm vậy là vi phạm tinh thần vô tư và tự trị Đại học và cũng gieo mầm giống rối loạn cho tương lai. Tự trị Đại Học là một bảo đảm căn bản để mỗi Đại học, mỗi giáo sư có thể thực hiện đường hướng giáo dục của mình mà không bị chi phối bởi những ảnh hưởng phi Đại học, phi giáo dục. Tự trị Đại học không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, tự trị Đại học là tinh thần tự lập tự giác giúp giáo sư và dạy cho sinh viên tự mình biết suy tư, tìm hiểu, biết phê phán và sáng tạo, biết tự quyết định và tự chịu trách nhiệm những quyết định của mình, không ỷ lại, không ngoan ngoãn nhắm mắt để người khác quyết định đời sống cho mình. Khi đức Phật dạy: “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự thắng mình là chiến thắng oanh liệt nhất”. Đức Phật đã đặt nền móng cho một nền giáo dục tự lập tự giác.
Chúng tôi giới thiệu sơ lược những mục tiêu, những cố gắng của chúng tôi để thực hiện một phần nào lý tưởng giáo dục mà chúng tôi nguyện phục vụ. Trong hoàn cảnh chiến tranh hiện tại, với những hạn chế tài chánh và nhân sự mà chúng tôi gặp phải, chúng tôi thấy trước những khó khăn và những trở ngại trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu trên. Nhưng chúng tôi tự nghĩ không có sự phục vụ nào tốt đẹp hơn là sự phục vụ cho lý tưởng giáo dục, cho tuổi trẻ Việt Nam hiện tại, một tuổi trẻ đã chứng kiến bao nhiêu sự đau thương của chiến tranh.
Sứ mệnh gần nhất và thiết thực nhất của chúng tôi hiện tại là làm sống dậy lòng tin của tuổi trẻ, tin tưởng ở khả năng của chính mình, tin tưởng ở bậc đàn anh của mình, tin tưởng ở tương lai tốt đẹp của dân tộc, tin tưởng ở giá trị thiêng liêng của giáo dục và của con người.
MỘT CƠ SỞ GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VIỆT NAM
ĐỐI VỚI THẾ GIỚI HIỆN TẠI
(Một Khía Cạnh Của Sự Hướng Đạo Đại Học)
Kính thưa ông Chủ Tịch
Kính thưa Quý vị Đại Biểu và thân hữu,
Chúng tôi cảm thấy vô cùng hân hạnh được đại diện Viện Đại Học Vạn Hạnh của chúng tôi trong buổi hội thảo về Hướng Đạo Đại Học này, trước một cử tọa tôn quý, và giữa nhiều bậc học giả và giáo sư uyên bác của nhiều đại học khác nhau trên thế giới.
Hẳn quý vị cũng thừa rõ rằng Việt- Nam là một xứ sở chìm đắm trong khói lửa chiến tranh ngót hai mươi năm nay. Bởi thế, đa số sinh viên của chúng tôi đã sinh ra giữa lòng chiến tranh, lớn lên giữa lòng chiến tranh và một số cũng đã bỏ mình trong chiến tranh. Tuổi trẻ thì vốn dễ nhạy cảm, xúc động với những gì học nhìn thấy xung quanh. Khi họ chứng kiến sự tàn sát sinh linh con người, sự căm thù của phía bên này đối chọi với sự căm thù của phía bên kia, và cả hai phía đều là anh em chị em với nhau nhưng chỉ bị chia rẽ vì những ý thức hệ, khi họ phải chạm mặt với mọi hình thức tham nhũng, hổn loạn, đồi bại của xã hội do những cơ sự chiến tranh manh tâm điều động, tất nhiên họ trở nên chán chường, bất cẩn, nỗi loạn hay đánh mất mọi hy vọng vào những giá trị nhân tính và không còn trong mong gì nữa vào tương lai của tổ quốc họ. Viện Đại Học Vạn Hạnh chúng tôi chẳng may ra đời giữa lòng cuộc chiến tranh hiện tại vào năm 1964 và đã lớn lên giữa chiến tranh. Nhưng chúng tôi được may mắn hiểu tâm lý của những người sinh viên trẻ tuổi đã tìm đến Viện Đại Học chúng tôi, và chúng tôi ý thức ngay rằng sự hướng đạo nào cần phải được thực hiện để dẫn dắt cho thế hệ thanh niên này, nạn nhân của một di hưởng không phải do họ tự tạo nên. Trước hết, chúng tôi ý thức những bổn phận của chúng tôi đối với thế hệ trẻ tuổi này, là làm bất cứ việc gì chúng tôi có thể làm để giúp cho nhẹ bớt gánh nặng hiện tại mà tuổi trẻ phải gánh chịu. Chúng tôi muốn họ cảm thức rằng giữa sự tàn phá giết chóc này vẫn còn có những vị giáo sư và những nhà giáo dục luôn luôn sát cánh họ và gần gũi họ, trong ngày mưa dầm hay nắng lửa, và quả thực không thể nào có khoảng cách giữa những thế hệ già và những thế hệ trẻ khi mà chúng ta được lưu luyến ràng buộc nhau bởi những mối liên hệ thiêng liêng về giáo dục và tình nghĩa huyết thống dân tộc. Chúng tôi biết rằng tuổi trẻ không còn là tuổi trẻ nữa khi họ đã mất niềm hy vọng của tuổi thanh xuân, niềm hy vọng bị giết chết đi vì sự bỉ ổi của cuộc chiến tranh dai dẳng này. Bởi vậy một trong những bổn phận đầu tiên của chúng tôi đối với sinh viên là duy trì và đánh thức dậy cho bùng cháy lên ngọn lửa hy vọng và hướng thượng trong tâm tư và trí não họ, nếu không thể thì danh từ “thanh niên” trở thành giả tạo nếu không muốn nói là một lời xúc phạm. Không những thế, chúng tôi còn muốn thiết lập Viện Đại Học Vạn Hạnh của chúng tôi như một hải đảo kiên cố đứng vững trước những phong ba phá hoại và ngăn chận những ảnh hưởng tai hại do cuộc chiến tranh trường kỳ đem lại. Chiến tranh là sự phủ nhận nhân phẩm con người và giết chết lý tưởng của tuổi trẻ. Chiến tranh có nghĩa sát hại không cần phân biệt và tàn phá mọi sự không chừa gì lại cả. Đại Học nói lên sự tôn trọng những giá trị của con người và vẻ đẹp của sáng tạo và tồn lưu.
Bởi thế, Viện Đại Học Vạn Hạnh với những giới hạn riêng của mình và với tất cả khiêm cung, cố gắng hết sức để làm tròn những bổn phận đối với toàn thể thanh niên và quốc gia. Chúng tôi không những duy trì và khêu bùng ngọn lửa hy vọng trong lòng sinh viên chúng tôi, chúng tôi còn dìu dắt họ trở thành những nhà lãnh đạo tương lai của quốc gia. Không những họ không được bi quan và có thái độ phẫn thế “bất cần đời”, mà học còn phải gắng sức làm việc và chuyên cần tự đào luyện tinh thần, trí thức và tâm linh ngõ hầu thích nghi vào địa vị phụng sự tổ quốc trong tương lai gần gũi. Bốn năm qua, từ buổi ban đầu của Viện Đại Học Vạn Hạnh, chúng tôi biết vai trò dạy dỗ và hướng dẫn thanh niên chúng tôi khó khăn nặng nề ra sao, nhưng chúng tôi cũng được trải qua bao nhiêu kinh nghiệm đầy sinh động sôi nổi, phấn khởi biết chừng nào mỗi khi mà chúng tôi nhận thấy rằng sự giáo dục và sự tận tụy của chúng tôi đối với tuổi trẻ không phải là phù phiếm. Chiến tranh ở đây đã kéo dài 20 năm, đó là một thực tế đời sống ở Việt Nam. Nhưng thanh niên và giáo dục cũng có mặt ở đây từ hai mươi năm qua, đó cũng là một thực tế đời sống khác ở Việt Nam. Bất cứ khi nào có giáo dục đại học là có hy vọng cho thanh niên, có hy vọng cho quốc gia.
Từ kinh nghiệm riêng của chúng tôi trong bốn năm có mặt (Đại Học Vạn Hạnh mới chỉ được bốn tuổi), chúng tôi muốn lưu ý quý vị một khía cạnh khác của sự hướng đạo Đại Học, đó là sự tương quan giữa thầy và trò, giữa giáo sư và sinh viên. Dường như vì sự bành trướng nhanh chóng của giáo dục, khuynh hướng chuyên môn hóa và sự gia tăng phi thường của số lượng sinh viên và môn học được đem ra giảng dạy, sự tương quan giữa giáo sư và sinh viên có khuynh hướng trở thành sự tương quan giữa những kẻ bán kiến thức và khách hàng đến mua kiến thức. Khuôn mặt thực tính của giáo sư dường như đã mất và giáo sư không có sự liên lạc nào khác với sinh viên ngoại trừ sự hiểu biết của ông ta đem bán cho sinh viên. Sự kiện này có hại hơn là có lợi cho những mục tiêu của giáo dục và có thể là một trong những nguyên nhân sâu xa của sự nỗi loạn hiện tại của sinh viên. Quả thực đã quá xa những mục tiêu giáo dục của Đông phương cổ xưa trong đó những vị giáo sư không những là kẻ ban phát kiến thức mà còn là một biểu tượng đức lý và một hướng đạo tâm linh cho học viện. Đó là tình nghĩa giữa Đạo sư và môn đệ, giữa cha và con, trong đó sư phụ, ngoài bổn phận trí thức còn có một bổn phận tinh thần cũng như tâm linh đối với kẻ được dạy dỗ. Đó là điều cần phải thực hiện nếu chúng ta muốn đạt tới ý nghĩa sâu xa của Giáo dục Đại Học và khai phá mọi khả tính tiềm năng của sự hướng đạo Đại Học. Chúng tôi tha thiết hy vọng rằng buổi hội thảo sẽ khai phá khía cạnh này trong việc hướng đạo Đại Học và sẽ tìm thấy ở đó một giải pháp nào đó cho những vấn đề hiện tại của sinh viên.
Kính thưa ông Chủ Tịch, quý vị đại biểu và các thân hữu, với lời tỏ bày ngắn ngủi này, tôi xin phép được kết thúc bài diễn văn của tôi với lời cảm tạ gửi tới ông Chủ Tịch và ban tổ chức buổi hội thảo đã dành cho viện Đại Học của chúng tôi và riêng cá nhân tôi vinh hạnh được dự Đại Hội này.