HT Thích Minh Châu: Trước sự nô lệ của con người
Con đường thử thách của văn hóa Việt Nam
CHƯƠNG II:
NHỮNG KHÁT VỌNG VĨNH CỬU CỦA CON NGƯỜI
Viện Đại Học Vạn Hạnh lại tiếp tục hoạt động giữa một hoàn cảnh hoàn toàn đi ngược lại tất cả giá trị mà Viện đã cố gắng thực hiện trong hướng đi đã hoạch định của mình. Những giá trị ấy là những giá trị căn bản của con người mà bất cứ một nền giáo dục thực thụ nào cũng phải hướng đến đó, là những giá trị muôn thuở của tất cả văn hóa nhân loại như Chân lý, Tự do và Nhân tính.
Chân lý, Tự do và Nhân tính là ba nền tảng làm cơ sở lý thuyết và hành động của Viện Đại Học Vạn Hạnh. Ba giá trị ấy là tiêu chuẩn minh định bước đi liên tục của tất cả nền giáo dục trong lịch sử con người.
Bất cứ nền tảng giáo dục nào cũng không thể thành tựu được nếu không đặt tiêu chuẩn trên ba ý niệm căn bản chúng tôi vừa nêu ra.
Gọi là ý niệm, vì ba giá trị ấy chỉ có nghĩa là ba giá trị ý niệm. Giá trị ý niệm có thể thay đổi uyển chuyển tùy vào nhận thức riêng biệt của từng cá nhân trong một hoàn cảnh xã hội nhất định. Bất cứ con người nào, bất cứ tôn giáo nào hay bất cứ truyền thống văn hóa nào cũng có thể nói đến Chân lý, Tự do và Nhân tính. Và ý nghĩa của ba danh từ “Chân Lý” “Tự Do” và “Nhân Tính” không có ý nghĩa cố định, bất di dịch. Ba danh từ ấy chuyển nghĩa tùy vào hậu cảnh tinh thần của người sử dụng những tiếng ấy.
Đó là lý do cắt nghĩa được tại sao hiện nay chiến tranh đã tàn phá cả Việt Nam chúng ta mặc dù bên này bên kia đều nói tới Chân lý, Tự do và Nhân tính.
Chúng tôi cũng nói đến Chân lý, Tự do và Nhân tính và đồng thời lại đặt ra ba ý niệm làm nền tảng quyết định cho lý thuyết và hành động của Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Để tránh cho ba danh từ “Chân Lý” “Tự Do” và “Nhân Tính” không rơi vào sự lạm dụng thông thường mà bất cứ ai cũng có thể đem ra để viện lý, viện lẽ hành động của mình, chúng tôi xin lần lượt giải bày nhận thức của chúng tôi về từng ý nghĩa của một danh từ vừa nêu ra.
Trước khi giải bày ý nghĩa của ba danh từ trên, chúng tôi muốn giải thích bản chất của tinh thần đại học. Tinh thần đại học là gì? Tinh thần đại học không phải là tinh thần của một tôn giáo cũng không phải là một tổ chức chính trị. Tinh thần đại học là tinh thần cởi mở của một tập thể linh động, tập thể ấy là gồm những cá thể sáng tạo, mỗi đơn vị tham dự vào đời sống tập thể trong sinh hoạt trí thức mà vẫn giữ bản vị của mình là một cá thể sáng tạo, cá thể sáng tạo là hiện thân của Chân Lý, Tự Do và Nhân Tính.
Thế thì nói đến tinh thần đại học thì không thể nào không nói đến ba danh từ vừa nêu, vì tinh thần đại học là tinh thần phổ biến, tinh thần toàn diện của tất cả sinh hoạt của con người trong mọi lãnh vực, trong mọi thời gian và không gian. Cứu cánh của sinh hoạt đại học là con người toàn diện. Con người toàn diện không phải là con người trí óc, cũng không phải con người của cảm giác, sinh hoạt trí thức và sinh hoạt tình cảm chỉ là sinh hoạt đơn phương; sinh hoạt toàn diện chỉ xuất hiện, khi ý thức tập thể và ý thức cá thể, vô thức cá thể và vô thức tập thể trở thành một thực thể duy nhất, nhất trí, không còn mâu thuẫn với nhau nữa; khi nào còn mâu thuẫn giữa ý thức và vô thức, còn mâu thuẫn giữa cá thể và tập thể, giữa trí thức và tình cảm, giữa cá nhân và xã hội, giữa giáo dục và đời sống, khi nào còn mâu thuẫn giữa hai thực tế đối nghịch, thì lúc ấy chúng ta không thể nào nói đến sự toàn diện hay nói đến con người toàn diện.
Mâu thuẫn chỉ xuất hiện trong tâm thức của một con người đang ở trạng phái cô lập, phân hóa, ly cách mình với những gì bên ngoài mình, tự biến mình thành một ý thức chủ quan và đối mặt với một đối tượng khách quan mà thường xuyên mình phải chống đối để chế ngự, để làm chủ vị thể của mình trước mọi tương giao trong đời sống; bởi đó thế giới khách quan trở thành dụng cụ cho sự tiến thân của mình trong một lãnh vực cá biệt nào đó, dù là lãnh vực vật chất hay lãnh vực khác gọi là “tâm linh”. Tâm linh và vật chất không khác nhau, đó là điều chúng tôi đã học được trong Phật giáo. Chủ thể và khách thể cũng không khác nhau; không có thực thể nào là thực thể biệt lập, mỗi một thực thể tương ưng tương nhiếp với tất cả mọi thực thể khác; không mâu thuẫn chỉ xuất hiện mỗi khi tôi chỉ thấy một, mà không thấy tất cả, hoặc thấy tất cả mà không thấy một. Vì vậy, khi nói đến tinh thần đại học, chúng tôi bắt buộc phải đề cập đến tinh thần toàn diện và khi nói đến toàn diện thì chúng tôi không thể nói đến tính cách viên dung giữa tập thể và cá thể, giữa cá nhân và xã hội, giữa mình và người khác.
Nói đến tính cách viên dung là nói đến sự nhất trí nhất thể của toàn thể sinh hoạt con người.
Một Viện Đại Học, đúng nghĩa là đại học thì phải hàm dưỡng trong tinh thần toàn diện phổ quát của con người đúng theo nghĩa “Universitas” trong ngôn ngữ La Tinh. Nói đến con người toàn diện là bắt buột phải nói đến Chân Lý, Tự Do và Nhân Tính.
Chúng tôi quan niệm rằng Chân Lý, Tự Do, không có sự khác nhau giữa tự do và chân lý: con người tự do là con người đã đạt đến chân lý, là con người đã giải thoát khỏi mọi trói buộc nô lệ của tâm thức.
Khi đề cập đến nhân tính chúng ta không thể không nhắc đến chữ “Humanitas” trong ngôn ngữ La Tinh. Truyền thống văn hóa La Mã xoay quanh chữ “Humanitas” mà chúng ta tạm dịch là Nhân Tính. Truy nguyên lại sự hình thành của giáo dục văn minh La Mã, ta thấy nguồn gốc truyền thống giáo dục La Mã được xây dựng trên ý niệm “Paideia” của văn minh Hy Lạp. Chữ “Paideia” thường được người Pháp dịch là “education” “formation” nhưng nhiều học giả uyên thâm về văn hóa Hy Lạp thì cho rằng ý niệm “Paideia” rất là phong phú, khó xác định rõ ràng, nhưng tựu chung “Paideia” là một ý niệm linh động dùng để diễn tả sự tựu thành của toàn thể tiềm thể của con người trong toàn diện sinh hoạt trí thức và tâm linh của đời sống. Nói khác đi “Paideia” là thể hiện tất cả nhân tính, đưa nhân tính đến chỗ tựu thành tối hậu.
Nếu hiểu Nhân Tính (humanitas) trong tất cả ý nghĩa phong phú của ý niệm “Paideia” của nền văn minh Hy Lạp, thì Nhân Tính là đồng nghĩa với hiện thân của Chân Lý và Tự Do, bởi vì con người thể hiện trọn vẹn nhân tính của mình là con người đã đạt tới chân lý và được giải thoát tự do khỏi tất cả mọi ràng buộc phức tạp của đời sống.
Tóm tắt thì chúng ta thấy ba ý niệm Chân Lý, Tự Do và Nhân Tính đều là những danh từ dùng chỉ chung một ý nghĩa duy nhất; ý nghĩa duy nhất là đánh thức tinh thần sáng tạo trong con người trên con đường văn hóa nhân loại.
Có sáng tạo, văn hóa sẽ trở thành văn minh; thiếu sáng tạo, văn minh sẽ trở thành văn nô. Tinh thần sáng tạo phải là tinh thần đại học; thiếu tinh thần sáng tạo trường đại học sẽ trở thành một nghĩa trang của những kiến thức khô chết đóng đầy bụi.
Tinh thần sáng tạo là đặc điểm của một con người đã thể hiện nhân tính, chân lý và tự do. Viện Đại Học Vạn Hạnh đã nguyện đi trên hướng đi sáng tạo trên, dù bao nhiêu nghịch cảnh bên ngoài đã dồn dập lay chuyển ý chí bất khuất của chúng tôi.
Chiến tranh đến và chiến tranh sẽ qua, văn minh này đã sụp đổ, và nền văn minh khác được khai sinh, nhưng dù nhân loại đang trải qua bao nhiêu chu kỳ sinh thành hoại diệt, nhưng Chân Lý, Tự Do và Nhân Tính vẫn là ba khát vọng vĩnh cửu của con người.
Mỗi một viện đại học đều được thành lập để nhóm lửa liên tục cho con người được sống trong niềm khát vọng tôn quý trên, và mỗi giáo sư đại học đều là mỗi cá thể độc lập, sáng tạo, thể hiện ý thức thiêng liêng ấy trong sinh hoạt xã hội; mỗi vị giáo sư đại học là một người khơi dậy ý thức thiêng liêng ấy trong lòng sinh viên; do đó, hơn ai hết, giáo sư đại học hoàn toàn là những con người làm chủ động vận mệnh của toàn diện sinh hoạt của dân tộc; giáo sư đại học không còn những nhà trí thức tháp ngà, chôn đời mình trong thư viện và bảo tàng viện, giáo sư đại học chính là những con người mang một trách nhiệm và sứ mệnh nặng nề nhất: đó là giữ cho ngọn lửa chân lý, tự do và nhân tính được cháy mãi mãi từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Vì những nhận thức trên, lựa dịp tuyên bố khai giảng hôm nay, chúng tôi muốn tự nhắc nhở mình, đồng thời nhắc nhở từng cá thể đang sinh hoạt trong tập thể của Viện Đại Học Vạn Hạnh; chúng tôi muốn nhắc nhở rằng tất cả chúng ta, giáo sư cũng như sinh viên, tất cả chúng ta phải có ý thức rằng chúng ta đang chịu trách nhiệm trước lịch sử, không phải của riêng Việt Nam, mà của tất cả con người trên trái đất này.
Nhân loại đi lên hay đi xuống, đó là trách nhiệm của chúng ta, những người giáo dục và những người thừa hưởng giáo dục.
Viện Đại Học là nơi thu gọn lại tất cả tinh ba của một dân tộc: của một nền tảng văn minh nhân loại. Trường Đại Học là biểu tượng cho sự nhất trí của tinh thần sáng tạo, biểu tượng cho sự nhất thể của cá thể và tập thể, trường đại học là một vị thế tôn quý thiêng liêng của ý thức hướng thượng của con người, chứ không phải là nơi để người ta phân chia thao túng, kẻ khuynh hướng này, người khuynh hướng kia, tương tranh gây mâu thuẫn xung đột nhau vì quyền lợi, vì danh phận, vì tiền tài tiểu ngã, và đại ngã, hiểu theo nghĩa xấu xa nhất của chữ Ngã. Hơn nữa, Viện Đại Học, ở đây là VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH, tức là tượng trưng cho tính chất quan trọng vô ngã của Phật giáo. Vì thế, lựa ngày hôm nay, chúng tôi đặt hy vọng rằng Viện Đại Học Vạn Hạnh sẽ không bao giờ đánh mất vị thế tôn quý của mình.
Vị thế ấy là đánh thức lại ý thức sáng tạo của con người, khơi dậy tự do, chân lý và nhân tính trong lòng người và triệt để chối bỏ tất cả khuynh hướng chính trị, chối bỏ tất cả những sự phân chia tôn giáo, nô lệ tín điều, thành kiến mê muội của truyền thống và nhất là óc bè phái hạn hẹp.
Chúng tôi xin đặt tất cả tin tưởng vào niên khóa mới, với tất cả hy vọng về hướng đi lên của con người.