HT Thích Nguyên Siêu: Đỉnh đồi Kim Thân
Nhiều lớp người qua đi. Nhiều thế hệ người qua đi, kể từ khi tôi biết, vì tôi xuất gia ở đó. Một dĩ vãng khó quên, nhiều kỷ niệm, không thể nhạt nhòa theo thời gian năm sáu mươi năm. Thời gian qua mau. Bao lớp người qua mau. Như thoáng hôm nào. Nhiều khi ngồi suy tư, mình không tin là bảy mươi năm đã trôi ngang đời mình. Một cách dễ dàng như chớp. Thời gian đã đẩy lùi tất cả, dù cái đó mình thương hay ghét, đẹp hay xấu, ưa hay không ưa. Thời gian đã xé nát và tan vụn mọi hình hài. Choàng mở mắt, quay lại sau lưng thì bụi đường đã khỏa lấp. Bao lớp người đã nằm xuống. Bất động. Nhưng giờ thì ở đâu? Tôi không biết. Nhưng mong rằng hãy ở bên tôi. Bên tôi như thời xưa hành điệu. Bên tôi như là biểu tượng siêu thoát, đầy sống động. Bên tôi như một sức sống bền bỉ, liên tục, kiêu hùng, cần phải học. Một bài học sống vươn lên giữa cuộc đời đầy nhiễu nhương, ám khói. Đỉnh đồi kim thân hãy còn đó. Nhưng không giống ngày xưa, đã vắng và vắng thật nhiều. Vắng đi những bậc Thầy khả kính. Oai nghi đĩnh đạc. Đức tu rạng ngời, mà giờ đây tôi đi tìm, nhưng không thấy. Chắc có lẽ quí Thầy đã trở về chốn xưa. Về lại ngôi nhà cũ, như nhiên, bất động, tự tại nơi đó, mà sau một thời gian quảy dép vào đời, rong chơi, hóa độ. Duyên tròn, quả mãn, như mây trời vô tung. Biết đâu mà tìm. Tìm đâu để gặp?
Nhớ những chiều về trên tháp cổ
Vọng từ xa đứng ngắm dáng rêu phong
Từng giọt nắng mưa về thân loang lổ
Chạnh lòng buồn thầm nghĩ đến sư ông.
Lời kinh tụng sư già lần tràng hạt
Những hạt mưa lác đác dội ngoài song
Hai âm ba hòa quyện rót vào lòng
Khắc thành chữ lời kinh chiều siêu độ.
Người ra đi, người nuôi cơn đại mộng
Tôi trở về đóng chặt cửa đầu non
Vui với gió, cỏ hoa xuôi ngàn dặm
Lẳng lặng một mình lượm nhặt cỏn con.
Những mảng vỏ của khuôn đúc tượng bỏ trước sân Kim Thân, khuôn nào cũng lớn. Từ khuôn vành tai, khuôn đôi mắt. Khuôn đôi môi, vầng trán… đều tầm cỡ. Tượng cao tổng thể khoảng 25 mét tính luôn đài sen. Chung quanh bệ đài là nạm hình chư vị thánh tử đạo – vị Pháp thiêu thân. Phía sau có cửa vào lên thang trôn ốc tới đỉnh. Tượng Phật sơn mầu trắng trông vẻ uy nghi, trang nghiêm. Biểu tướng tánh đức từ bi, trí tuệ. Phước trí vẹn toàn. Sừng sững trên đỉnh đồi, Phật nhìn ra biển, hứng gió đại dương. Chiều về hoàng hôn tắt nắng sau cánh ruộng đồng. Dù đời có hưng phế. Nước nhà có thịnh suy. Bao lớp người đến rồi đi, còn rồi mất, kim thân Phật Tổ vẫn bất động. Phật ngồi giữa trời. Thinh không, mà dõi mắt từ bi đến chúng sinh nhiều khổ lụy. Cảm thán lời kệ, mà nghe lòng dằng dặc:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”
Dịch:
Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời
Thịnh suy, suy thịnh việc đời
Thịnh suy như giọt sương rơi đầu cành.
Ngộ lời kệ này, mà chứng thật rằng hình bóng người xưa giờ đâu còn nữa. Chỉ thấy mang mang, diệu vợi đâu đây, vết tích ẩn hiện, trên lá, trên hoa. Trên những lối mòn, nơi triền núi, trong nhà thiền, dưới rặng mát cội bồ đề. Con đường mòn cạnh sườn núi khi xưa đã lưu bao vết tích thời xưa của sư ông, mà giờ này chỉ còn là ngôi tháp, rêu phong cổ kính. Nằm vỏn vẹn một miếng đất nhỏ sát ven đồi. Thuở nào, “như hạt sương rơi đầu cành.” Như có rồi không. Như còn rồi mất. Một cuộc thiên lưu thiên biến. Đường lên kim thân Phật Tổ là một dãy tam cấp 108 bực. Xẻ núi mà làm, chen đường mà đi, người người lớp lớp cứ mỗi mùa Phật Đản lại về. Vu lan lại đến, hay những ngày tết quê hương. Chẳng ai bảo ai, lần mà đi, dành mà đứng trông cảnh tượng tưng bừng lễ hội.
Rũ áo cà sa cho tình thương thêm lớn
Chắp cánh tay dài che chở nỗi khổ đau
Lặn rồi hụp trong biển trầm luân nhân thế
Một kiếp người dâu bể có thoáng qua mau.
Đêm trời tối lòng người còn tối thẫm
Tiếng vạc kêu còn ngân vọng lan xa
Giữa canh trường ai người chưa tỉnh mộng
Mở mắt nhìn tình thương yêu bao la.
Ngay dưới chân đỉnh đồi kim thân là ngôi chùa cổ, có từ thời Sư phụ lên năm. Thuở ấy chỉ là mái chùa tranh, đơn sơ, mộc mạc, cảnh đồi còn hoang vu, ít khách thập phương lui tới. Nhưng chí nguyện xuất trần thượng sĩ mà hôm nay cảnh chùa đông đảo hội chúng. Đây là cốc Thanh Long. Kia là cốc Trúc Vàng, và trên đó là cốc Phượng Đỏ. Mỗi ngài một cốc, tĩnh tu. Đạo thiền trầm mặc núi rừng. Lối đi sớm cài hoa thánh. Tâm tu của quí ngài nhẹ như mây và thoảng như gió. Một chiếc võng cột ngoài hiên đong đưa mà nhiếp niệm: “Thằng sàng dưới cội bồ đề. Đưa qua đưa lại ngó về Tây Phương.” Thõng tay vào chợ mà không vương mùi tục. Sống giữa cuộc đời mà chẳng chút phôi pha. Quí ngài sống thật, hiện tại lạc thú. Một bài học cho tôi, Một bài học cho bạn ngàn đời không quên. Từ chiếc gậy cầm tay. Từ cái dù chống đất trông chiếc áo nâu sòng hiền hòa, không phiền vô nhiệt, dù đời lắm nhiều gian nan, thử thách. “Vô tâm Đạo dị tầm.” Cứ thế mà đi lên: “Sư tử hống thời phương thảo lục. Tượng Vương hồi xứ lạc hoa hồng.” Sư tử gầm lên thời cỏ hoa xanh biếc. Tượng Vương quay lại thời hoa hồng cung nghinh. Một triết lý siêu nhiên, hay hiển bày tinh thần tu chứng? “Như nhơn ẩm thủy. Lãnh noãn tự tri.” Như người uống nước, nóng lạnh tự biết.
Hai bên đường về cốc là giàn thanh long, mà đến mùa ra trái oằn cây. Mầu đỏ tươi ẩn mình trong xanh dịu ngọt, tạo thành một nét đẹp thiền vị, hòa tan trong không gian trầm tĩnh, êm ả của mỗi buổi chiều tôi lên đồi dọng chuông. Lời chuông rằng:
“Nguyện tiếng chuông này vang khắp cõi
Thiết vi tăm tối thảy đều nghe
Nghe rồi thanh tịnh chứng viên thông
Tất cả chúng sanh thành chánh giác.
Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ
Trí tuệ lớn, Bồ Đề sanh
Ra khỏi địa ngục
Nguyện thành Phật. Độ chúng sanh.”
Ý vị quá. Tuyệt vời quá. Tình thương yêu cao cả quá. Có ai nghe mà trải lòng chiêm nghiệm, mà thanh thản vun trồng cái hạnh nguyện cứu độ. Tôi yêu hạnh nguyện này. Tôi thương cõi lòng Bồ Tát. Giờ phút này, tôi chắp cánh bay cao vào khung trời Bồ Tát. Thỏa thích một niềm vui. Niềm vui biết hy sinh. Niềm vui biết cho, và trao tặng. Niềm vui rộng mở, thênh thang như đất trời. Tiếng chuông dứt. Thời chuông đã xong. Người, chuông còn đó mà tiếng chuông về đâu? Về nơi vô trụ. Về cõi không về. Lòng nghe niềm lạc. Một trời Như Lai.
Chim ríu rít trên cành hoa bưởi
Màn nhện giăng đón gió xuân về
Lũy tre xanh mướt câu thề
Trăng rằm sáng tỏ dân quê thanh bình.
Bãi cát, vầng trăng, con cua bò
Con thì phì bọt thở bo bo
Con thì đùa giỡn cơn sóng nhỏ
Cảnh tượng thanh bình mặc ai lo.
Hàng giậu xanh con bướm vàng đôi cánh
Lam lũ một mình hút nhụy phấn hoa
Bướm bay, gió nhạt, hương nhòa
Chiều quê âm hưởng tiếng cò gọi nhau.
Tôi đi lững thững trên con đường mòn sỏi đá thuở xưa. Cúi xuống nhặt một, hai viên đá cuội, cầm trong tay mà thấy lòng nặng trĩu, Nặng hơn sức nặng của viên đá trong tay. Sức nặng ấy, nó tồn trữ và chuyên chở bao đời tình tự, nhặt khoan, còn mất. Nếu còn là một năng lượng tâm linh, nuôi dưỡng tự cõi lòng. Nếu mất, là sự đọa đày, tiếc nuối, của một kiếp làm người rong chơi vô ích. Tựa chân vách đá. Ngắm bóng kim Thân đổ dài rợp mát một khoảng không gian lớn.
Cũng con đường mòn này, đã bao lần tôi đi qua, và bao lần bỏ lại sau lưng nhiều mộng tưởng. Những ước mơ phù phiếm. Cái chân thật không phải là mộng. Không phải là mơ mà là cái nhìn tận mặt, thấy tận hình, và nghe tận tai như một âm ba réo gọi. Hãy quay về tỉnh mộng, choàng mơ, để thấy mình đang đứng một mình trong chơ vơ, cô quạnh trong thoáng chốc phù hư. Chiếc lá bồ đề rụng từ trên cành, nhẹ nhàng rơi xuống sân không gây một tiếng động, nhưng khi nhìn lại thì khoảng sân đã lát đầy lá bồ đề. Lá giác ngộ hiện hữu trong lòng, như một chứng nhân của thời sơ tâm. Cho đến bây giờ dường như còn nặng hơn. Còn đầy kín hơn, thấy đâu đâu cũng có Phật. Đâu đâu cũng có Bồ Tát. Có đôi tay từ bi cứu độ. Thật sự là phải cứu, không cứu không được. Không cứu chúng sanh trầm luân. Muôn loài ta thán. Dòng sông sông sinh tử nhận chìm, đâu thấy được buổi sáng bình minh. Buổi chiều tắt nắng. Thoi thóp lùi dần, dĩ vãng… chắp tay, niệm thầm Nam Mô!