HT Thích Nguyên Siêu: Định hình con đường tu chứng trong kinh Pháp Hoa
Đức Phật đã dạy: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.” Tất cả mọi loài, ai cũng có cái tánh làm Phật. Mình hiểu lời Phật dạy một cách nôn na như vậy. Bước thêm bước nữa, để hiểu Phật tánh là tánh giác ngộ. Tánh giải thoát. Tánh không còn ô nhiễm, vô minh. Cái tánh mà trong Kinh Pháp Hoa, Phật nói:
“Đức Phật vì một Phật sự lớn mà thị hiện nơi đời, đó là Khai, Thị chúng sanh – Ngộ, Nhập Phật tri kiến. Bốn chữ: Khai, Thị, Ngộ, Nhập là con đường độ sinh của Phật, mà cũng là chỗ ách yếu cho những ai tinh tấn tu trì để giác ngộ thành Phật”.
Hai chữ Khai, Thị là của Phật. Còn hai chữ Ngộ, Nhập là của chúng ta. Phật vì lòng Từ Bi, Trí Tuệ mà phương tiện quyền xảo mở bày dưới mọi phương thức, hành động, giáo dục mà không đóng kín cửa con đường giác ngộ. Con đường giác ngộ rộng thênh thang. Bầu trời giác ngộ không có ngần mé, giới hạn. Giáo Pháp của Phật là giáo pháp thật chứng, là giáo pháp công truyền cho những ai đến để thấy. Cánh cửa thật tu thật chứng đã mở cho tất cả mọi căn cơ, trình độ. Cánh cửa vô sanh, bất tử đã hiển bày. Đức Phật đã mở bày cho chúng ta qua giáo pháp Tứ Thánh Đế, Bát Thánh Đạo… Để từ đó, chúng ta:
Khai: Phật mở rộng tất cả các pháp môn khai, quyền, hiển, thật… Mở ra con đường tu tập chấm dứt khổ đau. Mở ra con đường tu chứng thánh quả Vô Thượng Bồ Đề. Mở ra giáo pháp Tri kiến Như Lai, Phật thừa thánh đạo.
Thị: Phật chỉ cho chúng ta thấy đây là khổ các con phải thấy. Mà thấy thì chúng ta phải đoạn tận nguyên nhân của Khổ – Tập. Sau khi thấy Khổ là hậu quả của nhân tức Tập, mà tiến lên một bước nữa là Diệt và Đạo: Tu để chứng. Như vậy, Phật chỉ cho chúng ta thấy một cách rõ ràng Khổ Tập là nhân quả của thế gian, cần phải chấm dứt. Diệt, Đạo là nhân quả của xuất thế gian để tu mà chứng.
Ngộ: Giác ngộ. Liễu tri. Hiểu biết một cách tường tận về sự Khổ. Thấy rõ sự mê mờ, tối tăm của các hành vô minh, tham dục, khát ái, để ly khai chúng, dập tắt không cho sinh khởi, mà một khi dập tắt vô minh, đoạn trừ tham dục và khát ái thì một trời giác ngộ hiện bày. Tham, sân, si không còn. Vô tham, vô sân, vô si hiển hiện. Trời chân như tỏ rõ, hiện tiền:
“Nhất nhơn phát chơn quy nguyên
Thập phương thế giới tận thành tiêu vẫn.”
Khi chúng ta phát tâm tu tập để trở về với bản tánh chân thật, thì cảnh giới mê mờ, lầm chấp, vô minh trụ địa, vọng tưởng trước đó đều tiêu mất không còn tồn tại. Điều này giống như người nhặm mắt nhìn vào hư không thì thấy đầy trời hoa đốm. Nhưng khi hết nhặm mắt rồi thì nhìn vào hư không thấy rỗng suốt, lắng trong, không thấy có hoa đốm nữa.
Nhập: Sau khi chúng ta đã ngộ được lời Phật dạy: Nhơn pháp câu không. Ngã, ngã sở đều giả có mà không thật. Tất cả các pháp đều không tánh – như lời Kinh Bát Nhã: “Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm” thì thênh thang mà bước vào thế giới chân như, Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Một thế giới tuyệt đối an lạc. Vậy trước khi bước vào thế giới an lạc tuyệt đối này cần phải rũ bỏ tất cả mọi huyễn hoặc của phàm tình để có được tri kiến Phật. Phương tiện có Khai, có Thị, có Ngộ, có Nhập một cách rốt ráo mà có được tri kiến Phật. Đây chính là định hướng con đường tu chứng của Kinh Pháp Hoa. Ngoài ra, còn có nhiều nhơn duyên phương tiện khác:
“Nhất nhơn tán loạn tâm
Nhập ư tháp miếu trung
Nhứt xưng Nam Mô Phật
Giai dĩ thành Phật Đạo.”
Dịch:
Một người tâm tán loạn
Đi vào trong tháp Phật
Một lần niệm Phật thôi
Người ấy đã thành Phật.
Nếu hiểu rốt ráo thì thành Phật đâu dễ dàng như vậy. Tâm tán loạn đã là tâm cần buông bỏ tâm cần thủ hộ, phòng hộ cẩn mật, chứ có đâu mà chỉ niệm “Nam Mô Phật” mà thành Phật được. Vậy thành Phật ở đây phải hiểu như thế nào?
Điều thứ nhất: Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh. Cái tánh Phật luôn có trong tâm của con người, dù người ấy định tâm hay tán tâm, bất cứ khi nào, lúc nào tánh Phật cũng luôn ở trong ta.
Điều thứ hai: Dù người tán tâm ấy suy nghĩ trời, trăng, mây, gió nhưng cũng đồng thời nhớ mình bước chân vào tháp Phật thì niệm Phật nghe. Niệm Phật được phước. Như vậy, tâm Phật và tâm chúng sanh trộn lẫn với nhau, ở chung với nhau. Khi tâm nào mạnh hơn thì tâm ấy hiện khởi, tâm ấy nổi trội, còn tâm nào yếu hơn thì tâm ấy chìm xuống, lắng sâu.
Điều thứ ba: Khi mình đối cảnh mà không sinh tâm: Cư trần lạc đạo – Trần Nhân Tông, thì gọi là Thiền. Nhưng đồng thời đối cảnh mà sanh tâm – tâm thiện, tâm lành, tâm sùng kính, tâm lễ Phật, quy y… thì đây là trường hợp ngang qua đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Như năm bảy người đang chuyện trò, nói đông tây, kim cổ ở ngoài sân chùa và được mời vào Chánh điện, thì tất cả những chuyện đông tây, kim cổ ấy đều chấm dứt ngay – tâm tán loạn lắng xuống và tất cả mọi người nhất tâm chấp tay, chiêm ngưỡng Phật và lạy Phật – tâm thanh tịnh dấy khởi. Như vậy, những người ấy cũng được phước. Ta gọi đó là thành Phật – thành Phật từng phần chứ chưa phải thành Phật toàn phần. Từng phần giác, chứ chưa phải toàn phần giác, rồi nhiều nhơn duyên hội tụ như vậy mà thành toàn giác.
Điều thứ tư: Con người có tâm tán loạn khi đó nhưng vẫn có nhơn duyên với Phật Pháp, nên đã bước chân vào tháp Phật và niệm “Nam Mô Phật” thì có gì bằng. Trong khi tâm mình tán loạn, ấy vậy mà nhìn thấy ngôi bảo tháp thờ Phật, tâm thành kính trổi dậy, tâm tán loạn liền mất. Đây có phải là đã thành Phật trong sát na ấy không? Vì trước mặt của mình chỉ có tháp Phật và mình đang ở trong tháp Phật, cảm giác an vui, hạnh phúc của người có tín tâm với Phật. Niềm tin yêu giác ngộ.
Điều thứ năm: Có biết đâu, người tâm tán loạn hôm nay, nhưng nhiều đời trước họ cũng đã từng niệm “Nam Mô Phật”. Do vậy, hạt giống Phật đã được gieo trong tâm và bây giờ gặp cảnh Phật thì nhớ mà niệm “Nam Mô Phật” một cách tự nhiên, không cố gắng, không vận dụng, không cố ý, mà đã nhập diệu lâu đời.
Tóm lại, nhờ nhơn niệm Phật mỗi ngày một ít, để tích lũy lâu đời, được tâm thanh tịnh, rồi một khi nhơn duyên nó đến là hiển lộ Phật tâm, Phật lòng, Phật hạnh ngay tức khắc. Con đường tu chứng của Kinh Pháp Hoa là làm như thế nào để cho cái hoa sen trong tự tâm của chúng ta ngày thêm tươi tốt, vượt thoát ra khỏi bùn lầy phiền não để nở hoa đẹp, để đơm hương thơm hiến dâng cho đời, như lời bài kệ:
“Khể thủ từ bi đạo sĩ tiền
Mạc sanh Tây thổ mạc sanh thiên
Nguyện vi nhất trích dương chi thủy
Sái tác nhân gian tịnh đế liên.”
Dịch:
Trước đấng từ bi nguyện mấy lời
Chẳng sanh đất Phật chẳng lên trời
Xin làm giọt nước cành dương nhỏ
Sái rực đài sen sạch bụi đời.
Giáo pháp tu chứng ngay trong thế gian mà không tìm cầu nơi xa xôi nào khác. Bởi vì sự vật nó là: cái Tánh như vậy, cái Tướng như vậy, cái Thể như vậy, cái Tác như vậy, cái Dụng như vậy… Rốt ráo trước sau như vậy. Giáo pháp Thập như đã khẳng định một cách minh nhiên rằng: sơn hà đại địa và thế giới con người tất cả đều là như vậy.
Nhất thừa đạo là con đường tu chứng của Kinh Pháp Hoa. Chúng ta hãy nhiếp niệm tâm ý nghe lời Phật dạy qua bài kệ nơi Phẩm Phương Tiện:
Chư Phật lưỡng túc tôn
Tri pháp thường vô tánh
Phật chủng tùng duyên khởi
Thị cố thuyết nhất thừa
Thị pháp trụ pháp vị
Thế gian tướng thường trụ
Ư đạo tràng tri dĩ
Đạo sư phương tiện thuyết.”
Dịch:
Các đức Phật có đủ đôi chân phước và huệ – Phước huệ lưỡng toàn
Phật biết rõ các pháp là không tánh – tánh không
Hạt giống Phật từ nơi duyên mà hiện khởi.
Cho nên phương tiện nói là nhất thừa.
Pháp ấy an trụ và vị trí nó như vậy
Tướng của thế gian luôn hiện hữu – Hiện hữu trong vô thường, vô ngã.
Nơi Đạo tràng, trong hội chúng hiểu như vậy.
Bậc Đạo sư phương tiện mà giảng dạy.
“Đức Phật thì thấy các pháp trùng trùng duyên khởi tương quan lẫn nhau vô cùng tận mà hình thành. Như vậy, một pháp hiện hữu giữa tất cả các pháp, tất cả các pháp hiện hữu từ một pháp. Ngoài một pháp không có tất cả pháp, ngoài tất cả pháp không có một pháp. Nếu thấy các pháp riêng biệt là không hiểu rõ lý duyên khởi… Các pháp có khi thành, khi hoại, khi có, khi không, gọi là sanh tử thành hoại, nhưng cái vô tự tánh của các pháp thì không có sanh tử thành hoại.” (Lược giảng Kinh Pháp Hoa – HT Thích Thiện Siêu – Trang 515)
Tu cho mình. Tu cho người. Tu cho cả hai. Rồi cả hai đều thành Phật thì cần phải có yếu tính Từ Bi:
– Chúng sanh duyên từ
– Pháp giới duyên từ, hay đồng thể đại bi
– Vô duyên từ hay vô duyên đại từ
Cả một trời đại từ. Cả một biển đại bi. Người tu lấy đó làm chất liệu để hóa độ. Có hóa độ thì có tu tập. Có tu tập thì có chứng đắc. Ba đức tính của người tu Pháp Hoa thật rõ ràng:
– Ở nhà Như Lai
– Mặc áo Như Lai
– Ngồi tòa Như Lai
- Nhà Như Lai là Đại Bi Tâm. Người tu là phải có Tâm Đại Bi. Không có Tâm Đại Bi – Tâm Cứu Khổ là không tu được.
- Áo Như Lai là áo Nhu hòa Nhẫn nhục. Người tu mà không nhẫn nhục thì không thể tu được.
- Tòa Như Lai là Nhất thiết pháp không. Người tu phải hiểu, tất cả các pháp đều không – Vô ngã. Nếu không hiểu các pháp đều không – Sự vật đi trên tiến trình: Thành, Trụ, Hoại, Không thì không thể tu được. Vì còn nhiều sự ràng buộc, dính mắc bởi cái ngã và ngã sở.
Chúng ta lắng nghe HT Thích Trí Thủ phát nguyện:
“Một lòng kính lạy Phật Đà
Ngàn đời con nguyện ở nhà Như Lai.
Con nguyền mặc áo Như Lai
Con ngồi pháp tọa Như Lai muôn đời.”
Định hình cho một con đường tu chứng là hạnh phúc biết bao. Con đường của sự thăng hoa Thánh thiện. Con đường dẫn đến sự giác ngộ, giải thoát – Con đường Nhất Thừa Đạo – con đường mà Pháp Hoa đã khẳng định: con người tu, con người thành Phật. Đức Thế Tôn đã tuyên bố một cách minh nhiên.
Chùa Phật Đà, ngày 30 tháng 01 năm 2021
Thích Nguyên Siêu
* Tứ Tuyệt Kỳ 1 – Phùng Tiểu Thanh:
稽首慈雲大士前,
莫生西土莫生天。
願為一滴楊枝水,
化作人間并蔕蓮。
Khể thủ từ vân Đại sĩ tiền,
Mạc sinh Tây Thổ, mạc sinh thiên.
Nguyện vi nhất trích dương chi liễu,
Sái tác nhân gian tịnh đế liên.