HT Thích Nguyên Siêu: Đỉnh trầm hương sám hối sáu căn

Đức vua Trần Thái Tông, buông bỏ ngai vàng điện ngọc, trong đêm vạch cỏ mà đi, chen cây mà đến, bám núi mà trèo, lên đến đỉnh núi Yên Tử để tìm thầy học đạo, thành Phật trong non. Những tưởng tâm vua nguyện cầu như vậy, nào ngờ khi gặp được thầy, thầy lại nói: Trong núi không có Phật, Phật ở ngay trong tâm. Nếu lìa tâm tìm Phật, thì trăm kiếp ngàn đời khó tìm được Phật. Vậy, phải bắt tay vào việc tìm Phật trong tâm – một cuộc hành trình dài không hứa hẹn.

Đức vua trở về triều đình, nghe theo lời Thầy dạy, đêm đêm chong đèn đọc kinh, ngày ngày sáu thời sám hối. Đỉnh trầm hương thơm phức, hương lòng nhẹ bay. Nói đến pháp môn Sám Hối, chúng ta biết Đức Phật đã dạy, chư Tổ giảng rằng:

‘Tội từ tâm khởi, đem tâm sám,
Tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu.
Tội tiêu tâm tịnh, thảy đều không,
Thế mới thật là chơn sám hối.’

Sám hối như thế nào để thấy “tội” và “tâm” cả hai đều không? “Tội” vốn dĩ không tự nó có. Nó hiện hữu như hòn núi, như đại dương, như các hình tướng vuông tròn của sự vật… nhưng tất cả những cái “có” này đều tồn tại trên tinh thần duyên sinh. Đã là duyên sinh mà có, thì cũng do duyên diệt mà mất đi. Như vậy, ‘tội’ không có tự tánh tồn tại độc lập, mà nó tùy thuộc vào “tâm”– vọng tâm, động tâm, phan duyên tâm, điên đảo tâm… khiến sinh ra cái gọi là “tội.”

“Tâm” cũng vậy, “tâm” không phải là một chủ thể độc lập, mà chịu sự tác động của nhiều yếu tố bên ngoài để tạo ra mọi hình tướng tốt, xấu, vừa ý, không vừa ý… Tâm như ông thầy vẽ, vẽ nên các hình tướng của thế gian. Sám hối là tỏ bày lòng thành của mình cho đến khi nào mà ‘tội’ và ‘tâm’ cả hai đều vắng lặng, tịch diệt, thì đó mới thật là sám hối.

Ví như biển không có sóng, nhưng do gió tác động mà sóng dấy khởi, làm biển động, biển trào dâng… Nhứt ba tài động, vạn ba tùy. Cho đến khi trời lặng, gió êm, mặt nước biển yên, trong vắt như gương hồ thu. Khi ấy, “tội” và “tâm” không còn hình tướng để phân biệt nhơn, ngã, bỉ, thử, để thấy tội còn hay tiêu. Trong phạm trù tương đối hay tuyệt đối, năng sở đều không, lúc ấy mới là “chơn sám hối.”

Một pháp môn tu hay nhiều pháp môn tu, tất cả đều được thiết lập, xây dựng trên đất tâm của mỗi người. Động hay tịnh, chơn hay ngụy, chánh hay tà, tiểu hay đại, thiên hay viên – giá trị của chúng đều định hình ở nơi đây.

Đức vua Trần Thái Tông đã định hình pháp môn Sám Hối thông qua sáu căn: nhãn căn (mắt), nhĩ căn (tai), tỷ căn (mũi), thiệt căn (lưỡi), thân căn (thân), và ý căn (ý thức).

1. Đỉnh Trầm Hương Sám Hối Buổi Sáng: Nhãn Căn

Đức vua trong tướng mạo trang nghiêm, tâm thành chí thiết, chắp tay, cúi đầu mà khẩn nguyện:
“Hương này, trồng từ rừng Giới, tưới bằng nước Định, chặt từ vườn Tuệ, vót bằng đao Giải Thoát. Chẳng do sức người rìu búa, hình thể xuất từ thiên nhiên. Đốt lên từ lò báu tri kiến, kết đài mây sáng rỡ. Khi bay khắp chốn ngạt ngào, tan ra đầy tràn thơm phức. Vừa lúc rạng đông, thắp hương cúng dường.”

Một buổi sáng tinh sương, không gian và thời gian yên tĩnh, giờ thức dậy sau một đêm ngủ say, đây là lúc Đức vua chí thành sám hối nhãn căn. Lời tâu bạch: “Kính bạch mười phương đại giác, ba đời hùng sư. Soi đuốc tuệ nơi đường tối, thả thuyền từ trong biển khổ… Các Phật tử! Gốc thân chẳng bền, cành mạng khó yên… Cần phải mau mau gieo giống lành, chớ có khư khư cầu quả ác. Người người sớm tỉnh, mỗi mỗi siêng tu, chuyên tâm lễ vô thượng Từ Dung, chạm mắt thấy Đại Quang Minh Tạng.
Đệ tử chúng con, kính tưởng thời này, lấy làm khóa lễ buổi sáng.”

Tại sao phải sám hối nhãn căn? Con mắt có lỗi gì mà cần phải sám hối?

“Nhân ác xem kỹ, nghiệp thiện coi khinh,
Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật.”

Hay:

“Mắt ưa xem huyễn cảnh hằng ngày.”

2. Đỉnh Trầm Hương Sám Hối Buổi Trưa: Nhĩ Căn

“Cúi mong, ánh dương rực rỡ, bầu trời chói chang. Nhìn lại ngày cứ trôi qua, đến Phật khấn cầu. Lòng tin tỏ bày dưới tòa báu, thắp nén hương trầm cắm lò châu…Đây do nghi sám hối, làm lễ dâng hương. Nay, giờ ngọ, thắp hương cúng dường.”

Tại sao phải sám hối nhĩ căn? Lỗ tai có lỗi gì mà cần sám hối?

“Ghét nghe chánh pháp, thích lắng lời tà,
Mê mất gốc chơn, đuổi theo ngoại vọng.
Sáo đàn inh ỏi, bảo khúc long ngâm,
Văng vẳng mõ chuông, coi như ếch nhái.
Câu ví bài vè, bỗng nhiên để dạ,
Lời kinh câu kệ, không chút lắng tai.”

Hay:

“Tai thích tiếng mật đường dua nịnh.”

3. Đỉnh Trầm Hương Sám Hối Buổi Mặt Trời Lặng: Tỷ Căn

“Cúi mong, chân trời ráng hiện, khói tụ non xa. Thân đến đàn tràng thanh tịnh, đầu lễ Hiền Thánh Từ Bi. Mong thấu lòng thành, kính đốt hương báu…lò vàng mới đốt, xoay vần kết tụ thận lầu đài. Tìm đến, càn thành tan ảo hóa, ngửi mùi địa ngục hết chua cay. Nay mặt trời lặn, thắp hương cúng dường.

Tại sao phải sám hối Tỷ căn? Lỗ mũi có lỗi gì mà phải sám hối?

“Thường tham mùi lạ, trăm thứ ngọt ngào.
Chẳng thích chân hương, năm phần thanh tịnh.
Lan xông, xạ ướp, chỉ thích tìm tòi,
Giới Định Hương huân, chưa từng để mũi.”

Hay:

“Mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh.”

4. Đỉnh Trầm Hương Sám Hối Buổi Đầu Hôm: Thiệt Căn

“Cúi mong, lửa đom đóm điểm không, đèn thuyền chài rọi nước. Bạn tịnh trên đàn đều tới trong lò mới thắp tín hương… Một nén hương xông, nhiều đời nghiệp sạch. Nay buổi đầu hôm, đốt hương cúng dường.”

Tại sao phải sám hối Thiệt Căn? Cái lưỡi có lỗi gì mà cần sám hối?

“Tham đủ mọi mùi, thích xét ngon dở,
Nếm hết các thứ, biết rõ béo gầy.
Sát hại sinh vật, nuôi dưỡng thân mình,
Quay rán cá chim, nấu hầm cầm thú.”

Hay:

“Lưỡi dệt theo lắm chuyện gay go.”

5. Đỉnh Trầm Hương Sám Hối Nửa Đêm: Thân Căn

“Cúi mong, đồng hồ canh ba chuyển, muôn tiếng nhạc lặng im, chúng tăng hoà hợp, trước nghiêm đàn, một nén hương thơm trùm pháp giới… Cắm trong lư vàng, mảnh mảnh vừa châm vào ngọn lửa. Kết thành lọng báu tầng tầng, bay thẳng tận mây ngàn. Dùng làm lễ nghi trước Phật. Nay lúc nửa đêm thắp hương cúng dường.

Tại sao phải sám hối Thân căn? Thân căn có lỗi gì mà sám hối?

“Tinh cha, huyết mẹ, chung hợp nên hình,
Năm tạng, trăm hài, cùng nhau kết hợp.
Chấp cho là thật, quên mất pháp thân,
Sinh dâm, sát, trộm, bèn thành ba nghiệp.”

Hay:

“Thân tham dùng gấm vóc se sua.”

6. Đỉnh Trầm Hương Sám Hối Cuối Đêm: Ý Căn

“Cúi mong, sao Bắc Đẩu chuyển về phương Bắc, Giải Ngân Hà nghiêng hẳn về Tây. Bên gối giấc mộng còn say, trên lầu tiếng sừng vừa dứt. Chúng tỳ kheo họp nơi chiếu phạm trước đức Phật dâng nén hương tin… Thấy mặt ngửi huân, tịch diệt do đây chứng được. Nay lúc cuối đêm, đốt hương cúng dường.

Tại sao phải sám hối Ý căn. Ý căn có tội lỗi gì mà sám hối?

“Căn tánh đần độn, ý thức tối tăm,
Chẳng hiểu tôn ti, không phân thiện ác.
Chặt cây hại mạng, giết gấu gãy tay,
Mắng Phật chuốc ương, phun trời ướt mặt.”

Hay:

“Ý mơ tưởng bao la vũ trụ.”

Đức vua Trần Thái Tông đã lập đàn tràng Sám Hối Sáu Căn, sáu thời tụng niệm, huân tu công đức, phòng hộ sáu căn. Trong tận cùng thâm tâm của Đức vua, chỉ có một hoài vọng duy nhất:

“Ngày nay nếu chẳng siêng hành đạo,
Khi khác làm sao gặp Thế Tôn.”

Vì mong muốn gặp Thế Tôn, muốn thành Phật, nên phải tinh tấn hành đạo, tu thân, tu tâm sám hối. Sám hối để thanh lọc tâm nhơ bẩn, uế tạp, phiền não và lậu hoặc, hướng tâm đến sự thanh tịnh và chân như.

Đức vua Trần Thái Tông đã chọn pháp môn Sám Hối, bao gồm sám tiền khiên (sám hối những lỗi lầm đã qua) và hối hậu quá (ăn năn những tội lỗi trong tương lai có thể phạm phải). Bởi lẽ, con người “hà nhân vô tội, hà giả vô khiên” (ai mà không có tội, ai mà không có lỗi).

Nếu không phòng hộ, không giữ gìn, thì khi lục căn tiếp xúc với lục trần sẽ sinh ra lục thức. Lúc ấy, tâm dễ bị lôi cuốn, say đắm trong dục vọng và phiền não, quên mất đường đi lối về, và chẳng còn hy vọng ngày gặp được Phật.

Đây là pháp môn tu dành cho tự thân ngũ uẩn của mỗi con người. Pháp môn tu không nằm ngoài thân tâm này. Mỗi cử động—nhấc cánh tay, liếc con mắt, nói lớn tiếng —đều khởi từ thân tứ đại, không hề tách rời dù chỉ một sợi tơ mảnh.

Con người là một thực thể sống trong tập quần xã hội, luôn có sự giao thoa và tiếp xúc trực diện qua nhiều phương diện của đời sống. Từ lĩnh vực văn hoá tâm linh đến nền văn học giáo dục, từ những sinh hoạt tự thân đến các dòng tư duy và tư tưởng của tự tâm, tất cả đều liên hệ mật thiết với nhau.

Những yếu tố này luôn hiện diện đồng thời trong mọi thời, mọi xứ. Nếu tâm nghĩ điều thiện, thân và khẩu sẽ hành thiện. Ngược lại, nếu tâm nghĩ điều bất thiện, thân và khẩu cũng hành bất thiện. Đây chính là tiến trình hành hoạt tất yếu của ba nghiệp—thân, khẩu, ý—liên kết chặt chẽ và không thể tách rời.

Chúng ta thử chiêm nghiệm: quần thể của một khu rừng là sự tập hợp của mỗi thân cây, mà mỗi thân cây đều có sự sống. Đất là nền tảng—yếu tố nuôi dưỡng và giúp cây trưởng thành, tượng trưng cho căn bản của thiện lành. Những cơn mưa là chất liệu lành, bồi đắp thêm cho rễ, thân, lá, và hoa, khiến chúng trở nên tươi tốt và rạng rỡ. Ý nghĩa của sự tươi nhuần này chính là biểu trưng cho thiện hữu tri thức, lòng từ bi và trí tuệ được phát triển sung mãn.

Ánh nắng mặt trời mang đến một nguồn năng lượng sống vô tận—tánh đức chân thật, lan tỏa hạnh thiện khắp nơi. Từng chiếc lá, từng tế bào của vỏ ngoài, vỏ trong, và tận cùng lõi cây đều thấm đượm sức sống ấy. Ánh nắng trở thành giá trị bình an và hạnh phúc, không phân chia, không phân biệt, toát lên sự uyên nguyên và chân như.

Không khí là nguồn sống để rừng cây thở: thân cây thở, từng tế bào thở, lớp vỏ thở, lá thở, rễ thở. Nhịp thở tự nhiên ấy giúp cây trưởng thành, vươn cao, và tỏa rộng. Cây cối tạo ra những điều kiện tốt đẹp, trở thành nơi trú ngụ an lành cho muôn loài—chim muông, sâu bọ, dã thú. Bóng mát của rừng là nơi bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống.

Như vậy, đất là căn bản thiện; mưa là chất liệu lành; ánh nắng là tia sáng của tình thương lan tỏa; và không khí là tánh hạnh mầu nhiệm bất diệt trên hành trình thể hiện chân như. Các yếu tố ấy không thể thiếu một phần nào, bởi chúng hòa quyện để làm nên sức sống kỳ diệu của khu rừng.

Sự sám hối sáu căn của Đức vua Trần Thái Tông biểu thị đầy đủ các duyên lành để diệt trừ mọi lỗi lầm: ác vọng tưởng, ác tạp nhiễm, ác đa dục, ác vọng cầu… Tất cả những điều ác của con người đều cần được sám hối, nhằm chuyển hóa thành điều thiện, điều tốt lành, mang lại lợi ích và hướng thượng.

Cũng giống như một khu rừng, đám cây chỉ có thể phát triển mạnh mẽ nếu đất tốt, nước mưa đủ đầy, ánh nắng sưởi ấm, và không khí trong lành. Những yếu tố ấy hòa quyện, tạo nên dưỡng chất để hình thành diệp lục tố tươi mát. Nhờ đó, rừng cây trở nên xanh um, thân cây vươn cao, tán cây che rộng, tràn đầy sức sống, vững vàng và hữu ích cho muôn loài. Rừng cây ấy chính là biểu tượng của sự trưởng thành, thiện lành, và an nhiên vượt thoát.

“Chẳng biết rong chơi miền Tịnh Độ,
Làm người một kiếp cũng bằng không.”

Trong bài Kệ Tám Khổ, Đức vua đã khắc họa rõ ràng những nỗi khổ của đời người:

“Sanh đến thành người thân khổ nhục,
Già sang lụ khụ ý mê mờ.
Bệnh xâm thân thể đau khôn nhẫn,
Chết đọa ba đường nghiệp dễ thôi.
Ân ái xa lìa buồn khó tả,
Oán thù gặp lại giận không cùng.
Ngàn cầu chẳng được thêm phiền não,
Năm ấm tranh nhau đấu sức hùng.”

Đỉnh Trầm Hương Sám Hối Sáu Căn của Đức Vua Trần Thái Tông là một Pháp môn tu có vẻ bình thường, nhưng lại mang đến giá trị sâu sắc. Bình thường ở chỗ không khuyến khích tinh tấn niệm Phật, cũng không nhiếp tâm thiền định cao xa. Không yêu cầu kiên trì một lòng tha thiết chứng đắc Niết Bàn, cũng không chỉ bày phương pháp chặt đứt con đường sanh tử luân hồi. Tuy nhiên, xin thưa, sáu căn chính là nền tảng của sự chứng ngộ Niết Bàn, nếu sáu căn được thanh tịnh. Sáu căn là đầu mối của sanh tử luân hồi nếu chúng vọng động.

Như trong Kinh Hoa Nghiêm, Ngài A Nan hỏi Phật: “Cái gì là căn bản của Bồ Đề Niết Bàn? Cái gì là căn bản của phiền não sanh tử?” Đức Phật dạy: “Sáu căn của ông là căn bản của phiền não sanh tử, sáu căn của ông cũng là căn bản của Bồ Đề Niết Bàn.”
“Căn trần không dính nhau là giải thoát. Căn trần dính nhau là trầm luân muôn đời.”

Hãy tưởng tượng một không gian vô cùng bao la, bầu trời xanh trong vắt, không một gợn mây đen làm mờ đi cái đẹp thanh thiên. Một tâm hồn trong sạch, tinh khiết, không một tí vọng tưởng, làm tăng trưởng bao ý niệm lành, ý niệm nhất như, chân như.

Chúng ta hãy giữ gìn cái đẹp của lòng, cái đẹp của tâm, cái đẹp của “nhơn chi sơ tánh bổn thiện.” Cái đẹp ấy chính là tự nhiên, không phải tìm kiếm từ bên ngoài, mà là cái đẹp của pháp môn sám hối, trong vô lượng các pháp môn tu.

San Diego, California
ngày 04 tháng 12 năm 2024
Chùa Phật Đà
Thích Nguyên Siêu

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button