HT Thích Nguyên Siêu: Thi kệ Thiền – Trên dòng sông lịch sử tu chứng

Phật Giáo Việt Nam có ba dòng chảy đã thấm vào lòng người trên tiến trình tu chứng. Ba dòng chảy này chính là Thiền, Tịnh, Mật. Riêng dòng chảy Thiền thì có quá nhiều ngôn ngữ, chữ nghĩa, thi kệ, công án, thoại đầu đã để lại cho thế hệ sau một gia tài, một văn khố hùng tráng, lừng lẫy đầy tính chất sở tu, sở ngộ cho người hành trì. Mặc dù chúng ta đã biết yếu chỉ của Thiền là:

 Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhơn tâm
Kiến tánh thành Phật. 

Dịch:
Không nương vào văn tự
Truyền riêng ngoài giáo thuyết
Chỉ thẳng vào tâm người
Để thấy tánh thành Phật.

Ngôn ngữ, chữ nghĩa chỉ là những tín hiệu hàm hồ, khi diễn tả không đúng sự thật của sự vật. Nhưng chúng ta cần tư duy, chiêm nghiệm thấu đáo, nếu không lấy ngôn ngữ làm phương tiện. Không dùng chữ viết văn chương, thi ca thì làm sao chuyển tải cái sơ ngộ, trình kệ chứng đắc. Nương vào cái huyễn để ngộ cái chơn có sinh tử mới có Niết Bàn. Có phiền não mới có Bồ đề. Lìa thế gian không tìm đâu ra con đường giải thoát. 

Phật Pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích Bồ đề
Kháp như cầu thố giác

Dịch:
Phật Pháp có tại nơi thế gian
Chẳng lìa khỏi thế gian mà tìm cầu giác ngộ
Nếu lìa khỏi thế gian để tìm cầu giác ngộ
Thì chẳng khác nào như lông rùa sừng thỏ.

Vì rùa không có lông, thỏ không có sừng thì đừng làm việc luống công vô ích. Sự bình an hạnh phúc ở ngay trong ta, không ở đâu xa hay ngoài ta. Trong con người có đủ các thứ tham lam, sân hận, si mê… hay lòng thương, sự khoan dung, tình tha thứ… không thiếu chi cả, chỉ có điều là chúng ta có biết gạn lọc hay không. Gạn lọc để bỏ cái xấu và lấy cái tốt. Bỏ cái lỗi lầm, lấy cái đúng đắn. Bỏ cái phàm phu, lấy cái thánh giả. Được vậy là con người tốt rồi mà không phải đi tìm cầu ở đâu xa. Tinh thần, phương pháp tu Thiền đích thị là vậy, hãy gạn lọc tâm và tỉnh giác trong phút giây hiện tại, để biết được tâm tịnh, hay tâm động. Nếu thấy tâm động thì li động. Nếu thấy tâm tịnh thì mặc nhiên. Các việc, sinh hoạt hằng ngày như gánh nước, chẻ củi, nấu ăn, cho chúng Tăng nếu tâm được tĩnh lặng thì đó là Thiền. Gánh nước biết mình gánh nước. Chẻ củi biết mình chẻ củi, nấu ăn cho chúng Tăng biết mình đang nấu ăn. Mọi động tác lòng không nghĩ hai; giữ tâm chỉ một. Không chạy theo, không nhảy nhót, không phóng xả theo hình ảnh, màu sắc, âm thanh… Trụ tâm một chỗ – Thiền! Vậy, trên dòng sông lịch sử tu chứng Thiền, chúng ta mặc tình bơi lội để định hình cho mình một hải đảo tự thân.

1. Trần Nhân Tông – Hương Vân Đầu Đà:

Nhà vua bỏ ngai vàng đi tu năm Kỷ Hợi: 1299, ở trên núi Yên Tử – theo hạnh đầu đà, có nghĩa là tu theo Pháp môn khổ hạnh, tiết chế mọi nhu cầu vật chất. Ngày chỉ ăn ngọ, tinh tấn tu tập. Thiền sư lập chùa, cất tịnh xá, diễn giảng tiếp chúng độ Tăng… Thiền Sư đến chùa Sùng Nghiêm ở núi Linh Sơn để truyền bá đạo Thiền: 

“Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết Pháp bất diệt
Nhược năng như thi giải
Chư Phật thường hiện tiền.”

Dịch:
“Tất cả pháp chẳng sanh
Tất cả pháp chẳng diệt
Nếu hay hiểu như thế
Chư Phật thường hiện tiền.”

Ý nghĩa trong bài thi kệ là tinh thần tu chứng của Thiền Sư. Quả thật vậy, nếu chúng ta chịu khó tư duy, chiêm nghiệm một cách sâu xa, tất cả các pháp thì chẳng thấy có pháp sanh và pháp diệt. Hôm nay là mùa Thu, như bao nhiêu lần mùa Thu trước, lá rừng từ màu xanh, khi sương Thu nhuộm vào, khi gió Thu thổi qua. Khi mùa Thu đã đến thì rừng Thu chuyển mình thành lá vàng nhạt. Lá vàng sậm. Lá đỏ ổi. Đỏ nhạt hơn, trải ngút ngàn từ núi này sang núi nọ. Từ cánh rừng này sanh cánh rừng khác khắp cả đất nước Canada, không thiếu vẻ đẹp ở Connecticut, Philadelphia… ở USA. Và cứ thế năm nào cũng vậy. Thế kỷ nào cũng vậy. Đời người nào, cũng vậy, lá vàng khô rụng về cội, thì lá non nảy mầm.

Và cứ thế lá rừng xanh, vàng đỏ… Rồi đỏ, vàng, xanh miên viễn, bất tận qua bốn mùa với đất trời man nhiên, một chuỗi thời gian liên lụy, vô cùng… Mỗi khi lá khô rụng xuống gốc, thì lá xanh nụ trên cành. Trong thời gian lá rụng đã có mầm mống nảy sinh. Thời gian nảy sanh đã có mầm mống rơi rụng. Nẩy sanh, rơi rụng cứ tiếp nối nhau, không dứt sanh và diệt. Diệt và sanh: 

“Chư pháp tùng bổn lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng Oanh đề liễu thượng.”

Dịch:
“Các pháp từ xưa nay
Tướng thường tự vắng lặng
Xuân về trăm hoa nở
Hoàng oanh hót trên cành.”

Sự vận hành của đất trời, mù khơi sương tuyết, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông theo pháp duyên sinh. Theo pháp duyên diệt. Duyên sinh. Duyên diệt, đích thực là nhân duyên. Duyên khởi. Ai chứng đắc pháp duyên sinh, người đó là Phật.

Nếu con người có một nhãn quan thường tại thì thật an lạc, hạnh phúc là đây. Nhưng khó quá và không dễ để thực hành. Do vậy, lằn vết giữa phàm và thánh còn bị cách ngăn bởi một lằn chỉ.

Chúng ta tiếp tục trầm mình trong dòng sông lịch sử tu chứng Thi kệ Thiền, để nghe Hương Vân Đầu Đà – Vua Trần Nhân Tông dạy đạo Thiền. Dạy sao, khi đối mặt với cảnh trần. Mắt thấy sắc. Tai nghe tiếng… lục căn tiếp xúc với lục trần mà không sinh động tâm với cảnh. Không bị cảnh chi phối làm chủ được mình. Nghĩa là trong nhà có của báu. Trong tâm có Phật tánh, hãy nhìn vào nội tâm để đột phá vọng tâm, hiển lộ chân tâm: 

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
 Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”

Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch:
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.” 

Theo ý chỉ của Thi kệ Thiền này, người đọc thấy dễ quá, nhưng cũng thật là khó quá. Dễ ở chỗ là đói thì ăn, buồn ngũ thì ngủ. Nhưng ăn như thế nào mới gọi là Thiền? và ngủ như thế nào mới gọi là Thiền? Ăn như cọp và ngủ như heo thì có Thiền không? Chắc chắn là không, Còn cái khó thứ hai là không kém. Trong nhà có của báu rồi không cần nhọc công tìm kiếm, nhưng Phật tánh ở trong tâm con người sao trải qua bao nhiêu đời kiếp rồi vẫn chưa thấy Phật tánh hiển lộ. Giờ này vẫn tiếp tục đi tìm Phật tánh, nên chọn pháp môn này để tu, chọn pháp môn khác để hành trì cầu mong thấy được tánh làm Phật. Vô minh còn dầy đặt. Tham, sân chưa gội rửa, cho đến bao giờ thấy cảnh mà tâm không sinh khởi. Còn khuya mới, “đối cảnh vô tâm.” Vậy muốn “đối cảnh vô tâm” chúng ta phải Tu Giới, Tu Định, Tu Tuệ. Tu giải thoát. Giải thoát Tri Kiến. Phải tu Bát Thánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp… một cách miên mật, nghiêm túc, trường kỳ phấn đấu, bất cứ đời nào, kiếp nào, làm người hay loài vật vẫn phải nhớ để tu. Nhớ Phật tánh của chính mình. Nhớ tâm Bồ Đề. Tâm giác ngộ. Tâm Phật thường hằng ở trong ta. Chứng nghiệm điều này chúng ta phải phòng hộ lục căn. Có nghĩa là lục căn tiếp xúc với lục trần, phát sinh ra lục thức. Nhưng phải là phát sinh tịnh thức, chứ không phải vọng thức. Tịnh thức là ngược dòng sinh tử, còn vọng thức là xuôi theo dòng sanh tử sẽ bị dòng nước cuồn lưu nhận chìm.

2. Hương Hải Thiền Sư

Thiền Sư thông minh hơn người. Văn chương thi phú cũng chẳng kép thua ai. Năm 25 tuổi Thiền Sư nghiên cứu Phật Pháp và vào triều xin từ quan rồi xuất gia. Học đạo với Thiền Sư Viên Cảnh, được Pháp Danh là Huyền Cơ Thiện Giác, Pháp tự là Minh Châu Hương Hải. Đời vua Lê Dụ Tôn, thường hay luận bàn Phật Pháp. Vua hỏi: “Thế nào là ý của Phật?” Thiền Sư liền đáp: 

“Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý,
Thuỷ vô lưu ảnh chi tâm.”

Dịch:
“Nhạn bay ngang qua hư không
Bóng chìm sâu dưới đáy nước
Nhạn không cố ý lưu dấu
Nước cũng không giữ bóng chim.”

Cả hai đều không cố ý, nhưng thực thể đã có cho nhau. Bóng chim nhạn không cố tình in sâu vào dòng nước lạnh và dòng nước sông kia cũng không cố ý giữ lại bóng chim nhạn. Nhưng thực tế là bóng chim nhạn rọi vào dòng nước và thực tế là dòng nước in bóng chim nhạn bay qua mặc dù sự vật vô tình, nhưng trong cái vô tình lại là hữu ý. Hay tất cả sự vật đều mang tính khách quan, thực tại. Nhưng giờ đây tính khách quan, thực tại bị biến dạng là do bởi có sự tham dự của tâm phân biệt, tâm chia chẻ, tâm suy lường, đo đạc mà thành ra thiên hình, vạn trạng. Có. Không. Tốt. Xấu. Thiện. Ác không thiếu.

Yếu chỉ của Hương Hải Thiền Sư qua bài thi kệ là con người tu tập phải để tâm không. Tâm có không mới là tâm rỗng suốt. Tâm lớn như hư không, thênh thang, tự tại, không ngằn mé, không vết tích, không đến đi, không phù trầm sinh diệt… còn nếu là tâm có; tâm cố ý là tâm hạn hẹp. Tâm bị vướng mắt, chấp trước nhơn ngã. Tâm dính mắc… Tâm không như thái hư thì bỏ vào lỗ cây kim cũng lọt. Còn tâm nhỏ như hạt mè bỏ vào lỗ cây kim cũng không qua được: “Có thì có tự mảy may. Không thì cả thế gian này cũng không.” Hay là: “cố ý trồng hoa, hoa ủ rũ. Vô tâm tiếp liễu, liễu xanh um,” phong cách Thiền của người đạt đạo.

Còn nửa, Thiền Sư tiếp tục xiển dương hai chữ “vô tâm” mà nơi chỗ ngồi của Thiền Sư luôn để bài kệ như thế này: 

“Tầm ngưu tu phỏng tích
Học đạo quý vô tâm
Tích tại ngưu hoàn tại
Vô tâm đạo dị tầm.”

Dịch:
“Tìm trâu phải noi dấu
Học đạo quý vô tâm
Dấu còn trâu đâu mất
Vô tâm đạo dễ tầm.”

Qua thi kệ Thiền này, ý Thiền Sư dạy trên tiến trình tu chứng chúng ta phải bám sát hai phạm trù thân và tâm. Thế gian và xuất thế gian. Phương tiện và cứu cánh. Có và không. Nếu đứng về phương diện thế gian thì cái gì cũng có, nương vào cái có để bước đi một cách vững chãi, không rời xa bất cứ phương tiện nào. Như đi tìm trâu là phải theo dõi dấu chân trâu. Còn thấy có dấu chân trâu, lần tìm đến thì sẽ thấy có trâu. Phải tập chú vào dấu chân trâu để tìm, mà không đi lạc hướng dấu chân trâu, sẽ không tìm ra trâu. Trong lĩnh vực này, chúng ta có nghe, “Thà chấp hữu hơn là chấp không.” Chấp hữu để thấy có nhơn quả, luân hồi, nghiệp báo. Có giác ngộ, giải thoát, Niết bàn, để tu. Không làm điều ác, bất thiện. Làm điều lành, công đức, rõ ràng như thế. Còn đứng về phương diện xuất thế gian,“yểm ly thế gian, để siêu xuất thế gian.” Thì “Học đạo quý vô tâm.” hay “vô tâm đạo dị tầm.” Học đạo mà để tâm bị dính mắt hình danh sắc tướng thì không thể tu tập được. Cần phải rũ bỏ, buông xả, mà rũ bỏ cái của thế gian nhiều chừng nào, thì cái của xuất thế gian được tăng lên phần ấy. Trọng Xứ thiên trụy. Nặng bên nào thì chìm xuống bên đó. Bài thi kệ này đã cho ta một nội hàm trong sáng, đích thực để lấy đó làm tư lương, hành trang trên tiến trình tu chứng, mà không phải như là câu chuyện Thiền như sau: Một hôm có người trí của thế gian nghe trên núi kia có một vị Thiền sư tu đã đắc đạo, người trí muốn đến thăm để hỏi đạo, học đạo, tu đạo nơi vị Thiền sư này. Khi đến nơi, Thiền sư mời người trí thế gian ngồi nơi bàn trà ngoài hiên để ngắm nắng vàng, rừng xanh, mây trắng của cảnh trí thiên nhiên, thiền vị. Thiền Sư rót trà mời người trí thế gian uống, nhưng ly nước trà đã đầy tràn ra ngoài mà Thiền Sư vẫn cứ rót. Người trí thế gian thấy vậy bèn nói lớn lên: “Ly nước đã đầy tràn. Ly nước đã đầy tràn.” Bây giờ Thiền Sư mới ngừng rót và nói: “Này Đạo hữu, cũng vậy, trong đầu của Đạo hữu đã đầy ắp những tư tưởng của thế gian rồi. Bây giờ có đổ bao nhiêu Phật Pháp vào, thì nó cũng sẽ tràn ra thôi.” Vậy học đạo là phải vô tâm. Mà vô tâm thì đạo dị tầm. Một bài học đáng giá ngàn vàng.

3. Thiên Sứ Liễu Quán. Dòng Lâm Tế. Đời thứ 35.

 Thiền Sư tên Lê Thiệt Diệu. Người làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên. Mẹ mất sớm, ở với cha. Cha cho lên chùa ở với Hòa Thượng Tế Viên. Sau thời gian Thiền Sư phải về nhà phụng dưỡng cho cha già. Ngày đi đốn củi, bán lấy tiền nuôi cha. Điều này giống tổ Huệ Năng, đốn củi gánh xuống chợ bán, có tiền mua gạo về nuôi Mẹ già. Lịch sử của chư vị Thiền Sư đều có nhân duyên với Cha Mẹ rất sâu dày. Dù đã xuất gia đầu Phật, sống đời Tăng thân, nhưng không quên hai chữ Hiếu Thảo, và bổn phận làm con. Sau khi đã tròn bổn phận, Cha đã mãn phần, Thiền Sư ra Thuận Hóa thọ giới Sa Di với Hòa Thượng Thạch Liên. Rồi thọ cụ túc giới với Hòa Thượng Từ Lâm. Cuối cùng Thiền Sư gặp Hòa Thượng Tử Dung và học Đạo Thiền nơi đây.

Một hôm hai thầy trò luận bàn Thiền học. Thiền ngộ. Thiền tu. Thiền chứng trên kinh nghiệm hành trì. Tổ trình cái hiểu biết của mình. Cái sở ngộ trong giáo lý nhà Thiền một cách trôi chảy, đầy kinh nghiệm Thiền tu, đến câu “chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ.” Thì Thiền Sư Tử Dung liền chận lại và nói kệ thiền: 

“Huyền nhai tán thủ
Tự khẳng thừa đương
Tuyệt hậu tái tô
Khi quân bất đắc.”

Dịch:
“Vực thẳm buông tay
Tự mình lo liệu
Chết rồi sống lại
Chẳng dối được ai.”

Quả thật, người tu chứng đạo Thiền có một tâm luôn siêu thoát. Có một tư tưởng tuyệt vời. Có một nhân cách tự lập, chịu trách nhiệm với chính mình. Chính vậy mà chứng ngộ trong mọi hoàn cảnh. Hoàn cảnh nào mà khế hợp với tâm tư đương niệm là ngộ liền, không cần phải nói nhiều, hay luận bài dài dòng, văn tự. “Bách xích can đầu, cánh tấn nhất bộ.” Đầu sào trên vực thẳm, chỉ cần bước thêm một bước nữa là rớt xuống hố thẳm, tan thây ngay. Có dám bước tới không, hay rụt rè, thối lui, vì nhìn xuống thấy hố sâu thăm thẳm mà rợn tóc gáy, không dám. Nếu không dám là đã thua cuộc, đã đầu hàng, chiến bại rồi. Đầu hàng trước một công trình tu tập vĩ đại của mình. Tự giác. Chánh niệm rồi, hoan hỉ bước tới một bước nữa, toàn thân như treo lơ lửng giữa hư không. Không bị dính mắc vào đâu cả, cảm nhận nhẹ như lông hồng, và thanh thản như làn gió mát, liền ngộ: năm uẩn là không, thân này vốn không thật. Rơi xuống lòng hố thẳm, chôn vùi với lá khô mục. Với rong rêu, đất bùn ướt ẩm. Vậy, tự thân này với lá khô, rong rêu, bùn đất có khác chi nhau. Vì không khác nên chúng đã hòa quyện, mà ôm ấp cho nhau, kề cận với nhau dưới lòng hố thẳm cho đến ngàn vạn kiếp, vô tận…

Tổ rất có biện tài cơ ứng. Thông suốt cả đường đi lối về của một Tổ Sư Thiền. Một khi đến thì đến. Một khi đi là đi. Đến đi không làm vướng bận của người đã biết rõ đường đi lối về. Tự tại qua lại ba cõi. An nhiên giữa chốn hồng trần. Đến đi như mộng. Còn mất như tiếng vang, đâu là gì của người đạt đạo. Chúng ta nghe lời kệ của Tổ đã minh thị:

“Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn man vấn tổ tông.”

Dịch:
“Hơn bảy mươi năm ở cõi này
Không không sắc sắc thảy dung thông
Hôm nay nguyện mãn về quê cũ
Nào phải bôn ba hỏi Tổ Tông.”

Một kiếp người hơn bảy mươi năm sống trong cuộc đời này, Tổ đều thông suốt, viên dung. Dù cái đó là chấp có. Chấp không. Chấp thường, Chấp đoạn. Dù huyễn hay mộng. Dù thật hay hư tâm người rỗng suốt, không trì trệ bên này. Không hãm nịch bên kia. Liễu tri để buông xả. Một khi công viên quả mãn thì thỏng tay mà về quê xưa, có gì để vướng bận. Bởi vì tâm không, cảnh vật cũng không, tự mình làm chủ cái không, nên đến hay đi, về hay ở, lòng mình thanh thản như nhiên. Rõ là Tổ Sư Thiền thong dong tự tại: Một hạt bụi tồn trữ ba ngàn đại thiên thế giới. Và ba ngàn đại thiên thế giới chỉ như là một hạt bụi li ti.

4. Thiền Sư Vạn Hạnh

Thiền Sư người làng Cổ Pháp, lớn lên đi xuất gia với Thiền Sư Định Huệ, rồi học Thiền với Thiền ông Đạo Giả. Thiền Sư luôn hành trì Pháp: “Tổng trì tam ma địa.” Do vậy mà biết trước những việc sắp xảy ra. Niên hiệu Thiên Phúc, năm 980, có giặc nhà Tống Hầu Nhân Bảo kéo quân đánh nước ta, vua Lê Đại Hành mời Thiền Sư vào triều đình và hỏi, giặc đã đến nhà bây giờ làm sao, quân ta đánh thắng bại như thế nào?

Thiền Sư trả lời: “Trong ba bảy ngày thì giặc rút lui.” Quả nhiên là như vậy, trong hai mươi mốt ngày (ba bảy là 21) thì giặc đã rút lui. Một đời Thiền Sư tu tập nhất quán, chiêm nghiệm giáo pháp: “Tổng trì tam ma địa.” này mà tất cả các Phật sự đều được thành tựu tốt đẹp. Như công cuộc đưa Lý Thái Tổ lên ngôi – Lý Công Uẩn. Thiền Sư đã xây dựng bao nhiêu điều kiện để Lý Công Uẩn lên ngôi một cách tốt đẹp. Vì Triều đại Lê Ngọa Triều quá ư tàn bạo, mất lòng dân, ai ai cũng ta thán. Thiên Sư làm Thi Kệ xoa dịu lòng dân:

“Tật lê trầm Bắc thủy
Lý tử thụ Nam thiên
Tứ phương qua can tĩnh
Bát biểu hạ bình yên.”

Dịch:
“Tật lê chìm biển Bắc
Cây Lý che trời Nam
Bốn phương binh đao dứt
Tám hướng thảy bình an.”

Thiền Sư Vạn Hạnh là một nhà cách mạng lớn, đã có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Lý Công Uẩn là vị vua khai sáng triều đại nhà lý hơn 200 năm. Trong công cuộc cách mạng này, Thiền Sư Vạn Hạnh đã dùng sấm vĩ để vận động quần chúng một cách bất bạo động, và tất cả đều yên lòng dân, trên dưới như một. Đây chính là tinh thần tu tập của đạo Thiền, giải thoát cho mình, giải thoát cho người. Nếu là phụng sự cho đời sống xã hội thì “an cư lạc nghiệp.” Còn nếu là đời sống xuất gia, tu đạo giải thoát thì: “thõng tay vào chợ, hòa quang đồng trần.” Được không tham, mất không phiền.

Do vậy, sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua mở ra một triều đại mới huy hoàng cho nước nhà, nhưng Thiền Sư vẫn sống đời áo nâu, dưa muối, không màng công danh phú quý. Đây chính là khởi xướng một đạo lý làm người cao cả. Đạo lý này có trong đạo lý giác ngộ. Đạo lý của Thiền môn. Một đạo lý mà ai làm người cũng phải ý thức bổn phận làm người. Con dân của một quốc gia dân tộc. Khi quốc gia thanh bình, dân tộc thái hòa thì gia tâm tu tập. Chong đèn đọc kinh, tương rau dưa muối. Còn khi quốc gia suy vong thì kể cả kẻ thất phu cũng phải hữu trách. Ý thức trong trách nhiệm ấy mà Thiền Sư Vạn Hạnh luôn để tâm theo dõi vận nước nổi trôi mà tìm phương cách giải quyết để nước nhà thịnh vượng, dân tộc ấm no. Đạo Thiền đã hòa quang đồng trần, đã đi vào nếp sống của con người xã hội, không có lằn vết, phân chia ngằn mé. Đây chính là con đường giáo dục của Đạo Phật. Con đường giáo dục nhập thế. Con đường giáo dục “Phật pháp tại thế gian.” Con đường giáo dục sen sống tươi tốt ở trong ao bùn, để từ đây có các bậc Thánh giả. Những vị Thiền Sư lỗi lạc, xuất trần Thượng Sĩ. Vạn Hạnh là một Thiền Sư sống giữa khúc quanh lịch sử nước nhà ngửa nghiêng, nghiệt ngã. Nhưng có thể nhờ bối cảnh lịch sử này mà đã sinh ra một bậc kỳ tài. Thiền Sư xuống núi cứu nguy cho đời. Thiền Sư tu đạo Thiền giữa lòng người điên đảo, tranh danh đoạt lợi, quyền tước cao sang, có thể đây là chất liệu bùn để nuôi lớn hoa sen thơm ngát Thiền, mà trước khi thị tịch Thiền Sư Vạn Hạnh đã để lại bài kệ:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”

Dịch:
“Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời
Thịnh suy suy thịnh việc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.”

Thiền Sư Vạn Hạnh đã chứng thực một kiếp người mong manh, mộng ảo. Cái thân như huyễn, như mộng, như ánh chớp chiều tà, có chân thật chi đâu. Thế sự thăng trầm, vinh nhục cũng vậy, chỉ là một trò chơi sắp rồi xóa, bày rồi tan, như là cây mùa xuân thì tươi tốt, đến khi thu về thì héo úa thay màu. Thịnh cũng vậy, suy không khác, chẳng phải lo sợ làm gì, mà phải “nhậm vận” giữa cuộc thịnh suy ấy, mà lòng an nhiên, an lạc, an bình, bất động. Thảnh thơi và nhẹ nhàng như hạt sương rơi trên đầu ngọn cỏ, rồi âm thầm, len lỏi vào lòng đất, để về với biển, hòa nhập vào đại thể trùng dương, và bốc hơi làm thành những cơn mưa bất tận, để hình thành lại những hạt sương trên đầu ngọn cỏ. Một tiến trình thành, trụ, hoại, không. Thiền Sư Vạn Hạnh đã cho chúng ta một bài học thật sống động, nhiệm mầu của một kiếp nhân sinh, tương dung, tương tác.

Vua Lý Nhân Tông có bài thi tán: 

“Vạn Hạnh dung tam tế
Chơn phù cổ sấm cơ
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.”

Dịch:
“Vạn Hạnh thông ba cõi
Thật hợp lời sấm xưa
Quê nhà tên Cổ Pháp
Gậy chống giữ nghiệp vua.”

Chúng ta hãy nghe lời nói của Vạn Hạnh Thiền Sư và lấy làm tiêu chí trên sự nghiệp tu tập của đời mình. “Ngã bất dĩ sở trụ nhi trụ, bất ý vô trụ nhi trụ.” “Ta chẳng lấy nơi dừng để dừng, cũng không hướng về nơi không dừng để dừng.” Bất nhị tùy thuận trên sở tu để tu. Trên sở chứng để chứng. Lội giữa dòng tu chứng không hai.

Ấy là đại diện một ít Thi Kệ Thiền, trên dòng sông tu chứng, mà từ thuở đầu nguồn cho đến hôm nay, dòng sông tu chứng ấy mãi không ngớt hương vị Thiền thơm ngát, làm tươi nhuận trần gian hoang vu này. Tất cả đều bị đắm chìm trong vô minh – tài, sắc, danh, thực, thùy mà khó có ai để “nhậm vận.”Tất cả đều bị lạc hướng, vong thân và bị cuốn phăng theo dòng đời sinh tử, nên rất ít người “đã rõ đường đi lối về.” Vô cùng thâm tạ tinh thần tu chứng của chư vị Tổ đức nhà Thiền, đã toả ngát hương thơm Thiền vị, dập đầu bái tạ đến ngàn vạn kiếp sau.

San Diego, ngày 01 tháng 01, 2023
Thích Nguyên Siêu

Hiển thị thêm
Back to top button