HT Thích Như Điển: Bàn về mối liên hệ giữa Tôn giáo, Giáo dục và Văn hóa
BÀN VỀ MỐI LIÊN HỆ GIỮA
TÔN GIÁO, GIÁO DỤC VÀ VĂN HÓA
Tác giả: Thích Như Điển
Viên Giác Tùng Thư
Ấn hành lần thứ nhất, 2023
LỜI VÀO SÁCH
Hôm nay ngày 24 tháng 10 năm 2022, nhằm ngày 29 tháng 9 âm lịch năm Nhâm Dần, tôi bắt đầu đặt bút xuống viết quyển sách thứ 2 trong năm nầy và là quyển thứ 71 kể từ năm 1974 đến nay (2022–1974=48 năm). Sau khi dùng điểm tâm, tôi chống dù đi bách bộ lên Phật đài Thích Ca trên đồi của Thiền Lâm Pháp Bảo, nằm tại vùng Wallacia cách Chùa Pháp Bảo chừng 40 phút lái xe. Đây là cơ sở hóa thân của Đa Bảo tại Campbelltown và Litego thuộc vùng Blue Mountains, Úc Đại Lợi. Khi cúi đầu xá Phật tôi linh tính rằng hôm nay mình sẽ gặp được con Đại Thử (Kangaroo = Chuột túi), mà quả thật như vậy, khi ngước đầu lên tôi nhìn thấy 2 con Kangaroo đang nhìn tôi từ phía sau của tôn tượng huyền thoại nầy. Bởi lẽ tôn tượng cao 8m nặng gần 180 tấn, được tạc từ khối đá Mable trắng muốt bên Việt Nam, rồi chuyên chở qua đến cảng Sydney và được xây dựng thành Phật đài trang nghiêm như thế nầy. Quả là một công trình có một không hai tại xứ Úc trong thời hiện tại.
Trong mùa hè năm nay, nhân mùa An Cư Kiết Hạ tại Tổ Đình Viên Giác, Hannover Đức Quốc, tôi đã hoàn thành dịch phẩm thứ 70 nhan đề là “Sống Với Thán Dị Sao”, dịch từ tiếng Nhật sang Việt ngữ, khoảng 370 trang đánh máy khổ A5. Tác phẩm này tôi tự đánh máy chứ không viết tay như mọi khi, nên quý Thầy lấy làm tiếc. Bởi vì như vậy sẽ mất đi một tác phẩm chỉ có một bản hiện hữu duy nhất, không có bản thứ 2, bởi giá trị của sự viết tay để lại cho đời. Tôi thấy ý kiến đó hay, nên tác phẩm thứ 71 nầy tôi bắt đầu chắp bút viết tay trở lại.
Năm nay cũng là một năm đặc biệt, vì lẽ sau hơn 2 năm đại dịch Corona 19 hoành hành đây đó, có cả 5 đến 7 triệu người chết và người nhiễm bệnh thì vô số kể, trong số người nầy có tôi. Tôi đã bị Omicron hoành hành trong 10 ngày của đầu tháng 2 năm 2022, mặc dầu đã chích ngừa đến mũi thứ 3 rồi. Thế mới biết cái già, cái bệnh và cái chết nó không chờ đợi ai cả, như có lần Đức Phật đã dạy cho chúng đệ tử của mình như thế về sanh, lão, bệnh, tử, về Tam pháp ấn như: vô thường, khổ và vô ngã. Ai đó có bị bịnh rồi, mới có thể hiểu cho nỗi khổ của người bịnh trong một kiếp nhân sinh ngắn ngủi nầy. Ai trong chúng ta, rồi vào một ngày nào đó cũng phải ra đi, từ giã cõi trần nầy để trở về với cảnh giới an nhiên tự tại. Nhưng đi như thế nào, thì cũng phải tùy theo nhân duyên, nghiệp lực của từng người đã gây tạo từ nhiều kiếp về trước.
Suốt 2 năm qua vì đại dịch Covid, Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne, Úc Châu đã không thể tổ chức được ngày lễ Hiệp Kỵ Lịch đại chư vị Tổ Sư và Về Nguồn kỳ thứ 12, cũng như Mừng Chu Niên Tu Viện Quảng Đức 30 năm vào năm 2020, như đã dự định. Cho đến năm nay (2022) khi dịch bệnh đã bớt đi nhiều rồi, các đường bay quốc tế đã hoạt động trở lại, nên Hòa Thượng Thích Tâm Phương và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng đã quyết định tổ chức những ngày lễ trọng đại nầy từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 10 năm 2022, và đây chính là lý do tôi có mặt tại Melbourne, Úc Châu để tham dự những buổi lễ quan trọng nầy.
Sau lễ, tôi đã bay đi Adelaide, đến Tổ Đình Pháp Hoa do cố Hòa Thượng Thích Như Huệ khai sơn để thăm viếng và đảnh lễ Bảo tháp của Ngài tại đó. Năm 2016 lúc Ngài viên tịch, tôi đã có mặt để tiễn đưa Ngài. Và năm nay sau 6 năm mới trở lại đây, cảnh cũ người xưa bây giờ đã thay đổi cũng khá nhiều, Thượng Tọa Thích Viên Trí, Trụ Trì chùa Pháp Hoa đã mời tôi giảng một thời pháp vào tối thứ Hai, ngày 17 tháng 10 năm 2022, có độ 50 Phật tử về chùa nghe pháp, mặc dầu hôm đó là ngày đi làm trong tuần. Đề tài hôm đó tôi nói về “Ôn cố tri tân” và Đạo Hữu Huệ Hương có tường trình lại buổi pháp thoại nầy trên trang nhà quangduc.com.
Ngày 19.10.2022 tôi bay về Sydney, và mấy ngày liên tục lo đón tiếp quý Thầy, Cô các nơi như: Nhật Bản, Pháp, Canada, Hoa Kỳ ghé thăm Chùa Pháp Bảo và Thiền Lâm Pháp Bảo cũng như đi thăm viếng vài chùa tại Sydney, nên hôm nay ngày 24.10 mới bắt đầu vào việc của tôi. Đây là lý do vậy. Khi còn ở Đức, tôi đã dự định khi qua đây còn hơn một tháng (cho đến cuối tháng 11.2022) sẽ viết một quyển tiểu thuyết về Phật giáo; nhưng khi đến đây rồi, do Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi thường giới thiệu với quý Thầy, Cô và Phật tử các khóa tu là năm 2021 vừa qua tôi đã nhận được giải thưởng “Công dân số 1” của Tổng Thống Cộng Hòa Liên Bang Đức trao tặng vào tháng 8 năm 2021 về các lãnh vực Văn hóa, Giáo dục và Tôn giáo. Nên từ ý niệm nầy tôi đã thay đổi tư duy và đề tài chính thức của quyển sách thứ 71 nầy sẽ là “Bàn về mối liên hệ giữa Văn hóa, Giáo dục và Tôn giáo”. Tôi thấy đề tài như vậy tạm ổn, nên hôm nay khởi sự cho một công việc như thường lệ của mình trong suốt bao nhiêu năm trước đây là phiên dịch, viết lách và giảng pháp. Hy vọng với tác phẩm nầy, quý độc giả xa gần sẽ hiểu thêm được công việc của chúng tôi đã làm lâu nay tại xứ người trong hơn 50 năm như thế (1972 – 2022). Đây là một công trình, một sự đóng góp cho việc giữ gìn cũng như phát triển về văn hóa, giáo dục và tôn giáo của người Việt Nam tại đất khách quê người.
Mùa hè năm 2011 cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Trụ Trì chùa Khánh Anh tại Pháp và tôi đã hân hạnh nhận được một giải thưởng danh dự của Hội Đồng Tăng Già Tích Lan, cùng với Chính phủ đã trao tặng Quạt Pháp Sư và giấy chứng nhận người đã có công mang ánh sáng Phật Pháp đến với Âu và Mỹ châu, do chính Đức Tăng Thống và Thủ Tướng cũng như Tổng Thống Tích Lan đương nhiệm lúc bấy giờ trao tặng. Đây là một vinh dự của những Tăng sĩ Việt Nam đang hành đạo tại ngoại quốc lúc bấy giờ và thành quả nầy sở dĩ có được là do Hòa Thượng Tiến Sĩ Seelawansa người Tích Lan, đang dạy tại Đại Học Áo Wien giới thiệu. Để có được một phần thưởng cao quý như vậy, người lãnh giải thưởng phải thể hiện khả năng hiện có của mình và hoạt động trong một thời gian khá lâu, qua những thành quả đã được kiểm chứng của người giới thiệu, sau đó ngày lãnh giải chỉ là những kết quả của những công trình điều tra cũng như nghiên cứu mà thôi.
“Bundesverdienstskreuz 1. Klasse” nếu dịch cho đúng từng chữ thì có nghĩa là: “Huân chương Công trạng Thập tự hạng nhất”. Bên dưới ghi rõ phong tặng cho người tên Thích Như Điển, có công về các lãnh vực như văn hóa, giáo dục và tôn giáo. Đây là thành quả của hơn nửa thế kỷ tôi có mặt tại ngoại quốc (1972–2022) với việc đóng góp cho Đạo cũng như cho đời ở những lãnh vực trên.
Mỗi ngày trên vùng đồi núi nầy như thường lệ, tôi thức dậy trước 5 giờ sáng, sau đó làm vệ sinh cá nhân và ngồi thiền; đến 7 giờ xuống trai đường, cùng dùng sáng với Hòa Thượng Bảo Lạc, sau khi dùng xong có nhiều câu chuyện Phật sự trao đổi với nhau về chuyện năm châu bốn bể hay chuyện nội tự v.v… Anh tôi xuất gia từ năm 1957 và tôi năm 1964; kể ra người trên 65 năm, người gần 60 năm ở chùa nên ít có cơ hội ở gần nhau; nhất là ở tuổi già 81 và 74 như anh em chúng tôi. Nên được ở gần nhau quả là một phúc lạc vô biên của gia đình và dòng tộc cũng như môn phong pháp phái, do vậy chúng tôi trân quý những giây phút như thế này lắm. Sau khi dùng sáng, mỗi ngày tôi đều đi bách bộ lên Chánh điện và Thích Ca Phật đài. Đứng trên đồi nầy để thấy núi đồi hùng vĩ và giang sơn cẩm tú, để chiêm nghiệm sự thăng trầm của nhân thế bấy lâu nay. Từ trên Thích Ca Phật Đài nhìn xuống sẽ thấy 4 trụ đá A Dục được tạc bằng đá cẩm thạch và kề cận đó là một Chánh điện hai mái màu xanh, bên trong có thể dung chứa đến 400 hay 500 người. Một Chánh điện thông thoáng và hiện đại. Ở chính giữa tôn trí một tôn tượng độc nhất là Đức Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca, và như thế tất cả hội chúng đều chỉ hướng về một biểu tượng duy nhất nầy lúc lễ bái, hay tu tập khi có những khóa lễ tại đây.
Bước xuống mấy chục bậc thang cấp, chúng ta sẽ ngắm nhìn được toàn cảnh của Thiền Lâm Pháp Bảo qua những nóc nhà san sát bên nhau mới được xây dựng từ năm 2021 đến nay gồm: các nhà khách, phòng Trụ trì, trai đường, thiền phòng, nhà trù, nhà vệ sinh công cộng v.v… Nơi đây bình thường có thể ở lại tu tập từ 50 đến 100 người thoải mái, có đầy đủ tiện nghi về chỗ ăn, chỗ nghỉ lại qua đêm trong nhiều ngày; nhưng nếu có khóa tu 400 hay 500 người thì phải dựng thêm lều bên ngoài cũng là điều khả dĩ có thể thực hiện được.
Sau khi đi dạo chung quanh khuôn viên Thiền Lâm Pháp Bảo, tôi về lại phòng bắt đầu viết sách như thường lệ. Viết độ 1 tiếng đồng hồ thì đứng dậy thư giãn, đi ra ngoài phòng hít thở không khí thiên nhiên độ 15 phút. Kế tiếp những trang giấy trắng cứ lần lượt được phủ kín bởi nét chữ không mấy đẹp của tôi, cho đến gần 12 giờ trưa. Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi lại dùng cơm trưa chung với nhau và cũng giống như buổi sáng; nghĩa là có việc gì cần nói thì nói tiếp trong khi uống trà, sau đó về phòng riêng nghỉ ngơi cho đến 14 giờ; và bắt đầu từ 14:30 đến 17:00 là giờ tập trung viết sách của tôi trong ngày. Vào lúc 17:30 là giờ dùng tối của riêng tôi tại phòng. Nghỉ ngơi bằng cách đi dạo ra sân trước để ngắm hoa Anh đào. Ở Úc hiện tại (tháng 10) đang là mùa xuân, mùa hoa Anh đào nở, trong khi đó thì ở Âu, Á và Mỹ châu thuộc về mùa đông lạnh giá. Hoa Anh đào ở Nam Bán Cầu nở không đẹp bằng hoa Anh đào tại Nhật Bản, nhưng dầu sao đi nữa, những cành hoa nầy đã gợi nhớ trong tôi đã có một thời ngắm hoa như thế tại xứ mặt trời mọc, trong những năm tháng còn là sinh viên Tăng du học tại xứ Phù Tang này. Sau một hồi trở lại phòng, làm vệ sinh cá nhân và bắt đầu vào thời tụng Kinh Kim Cang từ 20 đến 21:00 hằng đêm như vậy.
Tôi đã tụng kinh nầy trong 10 mùa tịnh tu nhập thất tại Campbelltown và Blue Mountains, từ năm 2003 đến 2012 và mỗi lần ít nhất là 60 đến 70 đêm. Nếu tính chung chắc cũng được 600 đến 700 lần trì tụng Kinh Kim Cang như thế. Năm nay cơ hội có khoảng gần 1 tháng ở tại Thiền Lâm Pháp Bảo, tôi lại tiếp tục việc hành trì nầy như xưa. Độ 21:30 là tôi đi vào giấc ngủ rất an bình, nhưng vì tuổi già nên giữa khuya cũng phải thức giấc vài lần để chiều theo cơ thể của người ở tuổi U80 như tôi.
Cụ Nguyễn Du một Đại Thần thời Vua Gia Long thống nhất sơn hà (từ năm 1802 – 1820) đã có 3 năm làm nhà Sư Chí Hiên sang Trung Quốc để lánh nạn Tây Sơn (1789 – 1792), Ông ở tại Chùa Hổ Pháo ở Hàn Châu, và chính trong thời gian nầy ông đã có trong tay bản “Thanh Tâm tài tử truyện” hay “Đoạn Trường Tân Thanh”. Và chính nhờ biết ông tụng Kinh Kim Cang 1.000 lần trong 3 năm ấy, nên tôi đoan chắc rằng Kim Vân Kiều Truyện mà chúng ta đang được thưởng ngoạn xưa nay qua 3254 câu, chắc chắn đã có sự đóng góp tích cực về mặt tư duy về đạo lý cũng như tánh không của bản kinh nầy, và Nguyễn Du đã thâm nhập được bản thể chơn thật của Kinh Kim Cang, nên mới sáng tác được một tác phẩm bằng chữ Hán Nôm, để lại cho dân tộc Việt Nam một gia tài văn thơ bất hủ như vậy.
Ngã độc Kim Cang thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ [*]
Chung tri vô tự thị chơn kinh
Đây là 4 câu kết của một bài thơ chữ Hán thật dài, sau khi cụ Nguyễn Du đã đến nơi phân kinh thạch đài. Xin tạm dịch ra Việt ngữ như sau:
Ta đọc Kim Cang hơn ngàn biến
Đa phần nghĩa chính chẳng rõ biết
Nay đến đài đá viết kinh kia
Mới biết chơn kinh là không chữ
Nhờ kinh không chữ ấy mà cụ Nguyễn Du sau khi về nước đã viết nên một tác phẩm văn chương vô tiền khoáng hậu của lịch sử thi ca Việt Nam. Còn tôi một nhà tu đã gần 60 năm tương chao đạm bạc nơi cửa thiền đã và sẽ làm được gì với gần 1.000 bài Kinh Kim Cang đã trì tụng được trong những tháng ngày trên núi đồi Đa Bảo và Thiền Lâm Pháp Bảo nầy? Câu trả lời sẽ để lại về sau khi “cái quan luận sự”; nghĩa là khi nắp quan tài đậy lại rồi, nói chuyện phải không cũng chưa phải là điều muộn lắm.
Ân Quốc gia xã hội, ân Cha mẹ, Thầy Tổ, ân Đàn na tín thí lớn lắm, tôi chưa đền ơn đáp nghĩa được ít nhiều, nay lại chỉ cầm được bút để viết vài dòng trong vài quyển sách để lưu lại dấu vết của ngày xưa, nhằm cống hiến cho người đi sau một vài sự hiểu biết ít nhiều về một con người, một thế giới, một thời gian đã trôi qua như vậy. Trong khi ở đây một tháng để hoàn thành tác phẩm nầy thì Đạo Hữu Diệu Huyền nay đã 84 tuổi và Đạo Hữu Tâm Huệ phát tâm lo cơm nước hằng ngày cho hai Thầy một cách chu đáo như vậy; chẳng biết nói lời nào để tạ ân hai Đạo hữu cho đủ. Khâu đánh máy sẽ do Chú Sanh gần 90 tuổi thực hiện và sau khi đánh máy xong cô Thanh Phi giúp cho phần đọc lại, sửa những lỗi chính tả cần sửa và cuối cùng sẽ nhờ quý anh em đưa lên Amazon cho độc giả đặt sách về đọc. Chỉ ngần ấy công việc, ngần ấy công đoạn thôi, quý độc giả cũng sẽ thấy được sự hình thành một tác phẩm không phải chỉ một ngày mà có được, mà thành phẩm nầy là do tất cả nhiều bàn tay đóng góp vào, mới có thể tạo nên được như vậy. Phần tôi chỉ biết chắp hai tay lại để niệm ân tất cả mọi người và mọi điều kiện có được chung quanh để tác phẩm nầy sẽ góp được một phần nhỏ nào trong sự hiện hữu của nó vào một giai đoạn lịch sử của người Việt Nam đang ở cách xa quê Mẹ Việt Nam trong muôn trùng nỗi nhớ thương như thế.
Viết xong lời tựa nầy vào ngày 24 tháng 10 năm 2022
nhằm ngày 29 tháng 9 âm lịch năm Nhâm Dần tại Thiền Lâm Pháp Bảo, Úc Châu.
(PDF) BÀN VỀ MỐI LIÊN HỆ GIỮA TÔN GIÁO, GIÁO DỤC VÀ VĂN HÓA
[*] Phân kinh thạch đài là nơi những tấm bia đá được khắc những bài kinh lên đó do Lương Chiêu Minh Thái Tử, con của Vua Lương Võ Đế chủ trương