
Chân Ngôn Tông
Nhật Bản
Nguyên tác:
Satoo Ryoosei (Tả Đằng Lương Thịnh)
và Komine Ichiin (Tiểu Phong Nhất Duẩn)
Dịch giả:
Hòa Thượng Thích Như Điển
Phương Trượng Chùa Viên Giác
Lời nói đầu
Người ta thường hay phê phán niềm tin tôn giáo của người Nhật, họ đàm tiếu rằng: “Đêm 24 tháng 12 dự lễ Giáng Sinh. Tối Giao Thừa đi chùa gần nhà gióng chuông; rồi sáng mồng một Tết lại đến ngôi Thần Xã tham bái cầu nguyện”.
Thật sự khi người ngoại quốc chứng kiến những gì xảy ra như thế; đánh giá đây là sinh hoạt thực tiễn của tôn giáo chăng. Thật ra đây không phải là sự sai lầm của người Nhật. Vậy câu hỏi được đặt ra: niềm tin Tôn Giáo của người Nhật Bản như thế nào?
Chuyện “khó nghĩ bàn” này thật đáng suy nghĩ!
Trước hết, không thiếu những chuyện xưa như vậy xảy ra vào thời chiến tranh. Bản thân tôi (tác giả) cũng có nhiều Đàn Gia khi ra trận bị tử vong. Lúc ấy chẳng kể Tông phái, đều đi điếu bằng những Pháp Danh cũng như Viện Hiệu. Tôi cũng không để ý đến địa vị của họ trong xã hội, chỉ mong chu toàn việc mai táng công cộng cho mọi người (gần chấm dứt chiến tranh, sự thật không còn thực hiện được nữa).
Vì chôn cất tập thể, nên Thôn Trưởng, Xã Trưởng là những vị đứng đầu lo việc chôn cất. Lúc đó, phòng thể thao của trường học và nơi công cộng được dùng làm nơi cúng kính. Các đoàn thể đều có đại biểu tham dự. Hơn phân nữa chi phí là do những đoàn thể công cộng ấy lo liệu. Nhưng trực tiếp vẫn là những vị Trụ Trì các chùa viện làm chủ sám cho tang lễ. Đồng thời chư Tăng và Phật Tử tông phái khác cũng cử hành theo nghi thức tông phái mình.
Tuy nhiên nhiều gia đình theo truyền thống lâu đời vẫn còn lo lắng, nên sau đó muốn đem những anh linh ấy vào thờ thêm nơi Thần Xã. Trong tinh thần Phật Giáo, ý nghĩa buổi lễ cầu siêu là cầu nguyện cho người mất được siêu sanh, sớm thành Phật; lúc bấy giờ thật không cần đưa hương linh nương tựa các vị Thần nữa. Nhưng đối với một số gia đình có người thân vừa mất, tâm lý lúc đó thật không đơn giản. Phật cũng muốn thành, mà Thần cũng không thể bỏ! Đây là nguyện vọng của họ. Ngay trong lễ cầu siêu Thần và Phật đã khác nhau; nhưng dù giải thích cách nào cũng rất khó trong những lúc như thế. Đây chính là tâm tình, niềm tin phức tạp của Tôn Giáo. (Thậm chí đôi khi một số người Nhật còn nghĩ rằng: Thần Đạo mới là quốc giáo từ xưa đến nay. Còn Phật Giáo là tư tưởng ngoại lai).
Những năm gần đây, nhiều đoàn thể tín đồ địa phương hay về chùa Tổ (Bổn Sơn) tại Kyoto tham bái. Thật cảm kích trước niệm chân thành của mỗi cá nhân như vậy; nhân cơ hội đó thăm viếng thành phố luôn thể. Đây quả là một việc làm tốt đẹp. Dĩ nhiên đi thăm Kyoto là thăm những Chùa viện, Thần xã. Tín đồ không chỉ thăm các chùa thuộc tông Chân Ngôn mà còn đến tham bái các chùa Kyomizudera (Thanh Thủy tự); Tam Thập Tam Gian Đường; Kim Các Tự; Ngân Các Tự, vv… và cả Đông-Tây Bổn Nguyện Tự, Tri Ân Viện, Bách Vạn Biên, Tam Thiên Viện, Tịch Quang Viện. Ngay cả 5 núi của Thiền Tông. Thay vì đi bộ họ dùng xe hơi đi tham bái. Chẳng những thế mà còn đến cúng viếng, mua lễ vật và đồ hộ thân ở các Thần Cung như: Heianjinguu (Bình An Thần Cung); Yasakajinguu (Bát Phản Thần Cung); Kitano Tenmanguu (Bắc Giả Thiên Mãn Cung); Fukumi Inari (Phục Kiến Đạo Hà). Họ không những cúng một số tiền tương đối vào chùa Tổ, mà còn chi phí vào những nơi khác, số tiền ấy cũng không phải nhỏ. Trên thực tế việc tham bái chùa Tổ với mục đích như thế nào, chúng ta thử tìm hiểu xem.
Nếu là hội viên của Sáng Giá Học Hội (Sooka Gakkai) thì tín đồ tuyệt đối không đóng góp cúng dường xây dựng tôn giáo nào khác ngoài Nhật Liên Chánh Tông (Nichiren Shooshuu). Đây có phải một loại bệnh nghiện thuần túy chăng? Nhưng nếu suy xét cho cùng thì ta có cảm tưởng đây không phải một đức tính tốt vậy.
Có nhiều người cho rằng, đem tâm tính toán, phân biệt với Tôn Giáo như thế là điều không thích hợp với niềm tin trong sáng của con người. Ở đây không cố ý đề cập riêng những việc như vậy.
Xin kể lại một chuyện từ những năm xưa. Việc xảy ra tại phố Trường Giả (Nagano), có số người đi tham bái Chùa Thiện Quang. Đầu tiên họ đến chánh điện đốt nhang, sau đó vào thăm chỗ Giới Đàn. Muốn đến chỗ Giới Đàn phải đi theo lối hành lang nằm dưới chánh điện. Con đường ấy không có đèn điện, cũng chẳng có đèn dầu nên rất tối. Người sau cứ lần mò theo người trước mà tiến lên. Ngay dưới tượng Phật chính của chánh điện là một cây sắt chống đỡ, có cửa thông qua. Nơi đó có để một cái chóe, ở góc cửa phía kia có để mật tạng của Đức A Di Đà Như Lai được truyền đến từ thời Tam Quốc. Khi đụng vào cái chóe ấy cũng có nghĩa là được bàn tay của Như Lai cứu giúp. Cứ thế rất nhiều thiện nam tín nữ đi vào con đường tối om ấy để được Phật đưa tay cứu khổ.
Trước đây và thậm chí đến tận sau này, vẫn còn rất nhiều người đến đó tham bái. Lúc đầu họ ồn ào la lối khi bước đi như thế. Cứ từng bước từng bước theo phía trước, tuy chẳng thấy gì; nhưng tâm không lo lắng. Rồi bỗng nhiên tiếng ồn ào ấy mất hẳn. Tiếng niệm Phật bắt đầu, cả đoàn người đều niệm lớn bảo hiệu: Namu Daishi Henjoo Kongoo (Nam Mô Đại Sư Biến Chiếu Kim Cang).
Trong nháy mắt; người khác lại có cảm giác ngược lại. Đấy nguyên thủy là Đức A Di Đà và đương nhiên họ niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Điều này chẳng phải sai; nhưng những tín đồ ấy dẫu có lòng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”; nhưng tận sâu trong tâm có lẽ vẫn còn câu “Nam Mô Đại Sư Biến Chiếu Kim Cang”.
Khi hỏi họ là ai đến đây tham bái, thì được cho biết rằng: họ là những tín đồ của Chân Ngôn Tông. Mới nhìn thì thấy như người không tín ngưỡng; cũng có thể như người không tiết tháo, lập trường đối với Tôn Giáo mình; nhưng bởi là tín đồ của Chân Ngôn Tông, cuối cùng họ vẫn thành kính niệm bảo hiệu: “Nam Mô Đại Sư Biến Chiếu Kim Cang”. Đây chính là điều mà tác giả đã thấy nghe tại chỗ vậy.
Tín đồ của Chân Ngôn Tông, thân tâm lúc nào cũng mang niềm tin mạnh mẽ vào câu “Nam mô Đại Sư Biến Chiếu Kim Cang”. Thế nhưng đối với tông phái khác vẫn sẵn sàng độ lượng, khoan dung thậm chí lễ bái, cầu nguyện. Đây là điều tại sao gọi họ không có lập trường như ta đã thấy.
Việc mang tính cách rộng lượng đối với Tôn Giáo khác, chẳng phải chỉ giới hạn nơi tín đồ của Chân Ngôn Tông; nhưng phải nhìn nhận rằng, đây là đức tin chung của người Nhật Bản. Như trên đã nói về phong tục từ cuối năm cho đến đầu năm là vậy. Còn bây giờ ngay cả việc đi tham bái những nơi linh thiêng gồm 88 chỗ tại Tứ Quốc (Sikoku) họ cũng thừa nhận như vậy. Vì những người đi tham bái tại Tứ Quốc, tuyệt nhiên không phải chỉ là Đàn Gia của Chân Ngôn Tông, mà đa phần thuộc tông phái khác.
Như vậy tính khoan dung của Tôn Giáo, chúng ta có thể cảm nhận được phần lớn nơi người Nhật Bản, họ đã góp phần vào việc thay đổi thái độ ấy. Vậy thì phải suy nghĩ thế nào về tính cách đặc thù này? Đó chẳng phải là một phần của sự liên quan về tính chất căn bản của Chân Ngôn Tông sao?
Như vậy việc tu hành không gì hơn là nhắm đến viên mãn thành Phật, mà thành Phật là do tích lũy những việc thiện theo tôn chỉ đã dạy, áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Hơn thế nữa, tư tưởng Mạn Đà La (Mandara) cũng như tinh thần của Ngài Hoằng Pháp Đại Sư đâu gì khác hơn ngoài tấm lòng từ bi, quảng đại và khoan dung. Tinh thần này không giới hạn nơi tín đồ của Chân Ngôn Tông, mà nó còn thấm nhuần rộng rãi nơi mọi người Nhật Bản. Và có thể đây là cơ bản cho sự hình thành quan niệm Tôn Giáo có tính cách đặc thù ấy.
Như vậy, sự tinh tấn trì niệm “Nam mô Đại Sư Biến Chiếu Kim Cang” không chỉ là một bảo hiệu đối với Chân Ngôn Tông, mà còn mang tính cách khoan dung đối với những Tôn Giáo khác. Ở đây Chân Ngôn Tông của chúng ta cần phải nhìn lại vấn đề này. Nơi đó có rất nhiều người Nhật Bản đã có định hình về cái nhìn đặc thù đối với Tôn Giáo khác. Nếu thấy được tiềm lực sâu xa quan trọng ấy thì tác giả chẳng còn niềm vui nào khác hơn như trên đã trình bày.