HT Thích Như Điển dịch: Sống với “Thán Dị Sao” của Ngài Thân Loan
Nguyên tác: Yamayaki Ryumyo
ĐÔI LỜI CỦA DỊCH GIẢ
Quý vị đang cầm trên tay mình tác phẩm thứ 70 của tôi, trực dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt với nhan đề là “Thán Dị Sao” do Giáo Sư Yamazaki Ryoumyou (Sơn Khí Long Minh) cho xuất bản lần đầu tại Tokyo vào tháng 9 năm 2001. Tôi bắt đầu dịch sách nầy từ ngày 16 tháng 5 năm 2022 đến ngày 25 tháng 8 năm 2022 xong 370 trang tiếng Nhật bằng lối đánh máy thẳng vào Computer; chứ không viết tay như 69 tác phẩm trước.
Lý do tại sao tôi chọn tác phẩm nầy để dịch cũng chỉ là một sự tình cờ hay nói là nhân duyên thì đúng hơn. Đó là do tổ chức “Thế Giới Từ Thiện” từ Việt Nam trong thời gian qua đã ấn tống nhiều kinh sách Phật giáo, qua sự giới thiệu của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, nên tổ chức nầy đã gửi nhiều kinh sách từ trong nước ra ngoại quốc để biếu tặng và từ đó chúng tôi có sự liên lạc với nhau. Gần đây nhất tôi đã nhận được Email của người có trách nhiệm trong việc xuất bản và ấn tống kinh sách Phật giáo ở Việt Nam viết rằng: Ở Việt Nam chúng ta đa phần theo Tịnh Độ Tông, nhưng những sách Phật giáo viết về Tịnh Độ Tông rất giới hạn, do vậy Tổ chức nầy cần những sách viết về Tịnh Độ bằng tiếng Nhật và nhờ tôi dịch sang Việt ngữ. Đây là lý do mà tác phẩm thứ 70 nầy mới được hình thành.
Tiếng Nhật tôi bắt đầu học tại trường Nhật ngữ ở Yottsuya, Tokyo vào mùa xuân năm 1972 đến mùa xuân năm 1973, đúng một năm, sau đó thi đậu vào ngành giáo dục tại Đại Học Teikyo thuộc thành phố Hachioji gần Tokyo và kể từ năm nầy đến tháng 4 năm 1977 hằng ngày tôi nói tiếng Nhật tại chùa Honryuji cũng như tại Đại Học. Thế rồi nhân duyên đưa đẩy, tôi lại sang Đức và ở lại Đức từ tháng 4 năm 1977 đến nay (2022) cũng hơn 45 năm rồi. Tổng cộng thời gian từ khi làm quen với mặt chữ tiếng Nhật đến nay là năm thứ 51. Trong thời gian dài lâu đó, tôi cũng đã dịch nhiều sách tiếng Việt sang Nhật ngữ như: Truyện cổ Việt Nam của tác giả Nguyễn Đổng Chi cũng như viết bài đăng báo trên các tờ Nguyệt san Thiếu nhi tại Tokyo. Đồng thời cũng đã dịch một số sách về các tông phái Phật giáo Nhật Bản từ tiếng Nhật sang Việt ngữ như: Thiền Lâm Tế Nhật Bản, Thiền Tào Động, Chơn Ngôn Tông Nhật Bản, Nhật Liên Tông, Tịnh Độ Tông Nhật Bản, Những mẩu chuyện linh ứng của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát ở Fuchu, Nghiên cứu giáo đoàn Phật giáo thời nguyên thủy v.v… Bây giờ nhân dịp nầy tôi đã tìm được quyển sách “Thán Dị Sao” nầy để dịch ra Việt ngữ. Phải nói rằng lần dịch nầy hơi khó hơn nhưng lần trước vì nhiều lý do như sau:
Tôi phải bỏ ra nhiều thời gian để tra tự điển từ tiếng Nhật sang tiếng Đức và viết ra thành tiếng Việt. Vì vậy có những tiếng Việt được dịch pha trộn cả ý của tiếng Nhật và Đức ngữ. Sở dĩ tôi chọn tra tự điển Nhật – Đức như vậy, vì muốn làm phong phú cho tiếng Việt của mình. Đồng thời nếu tiếng Đức không hiểu nữa thì phải tra tự điển Đức – Việt của Nguyễn Việt Hùng và Nguyễn Văn Lập. Phần Hán văn nếu không hiểu rõ nghĩa thì đã có tự điển Thiều Chửu đặt sẵn trên bàn viết rồi. Ngoài ra vì lâu lắm không sử dụng những từ ngữ nói chuyện hằng ngày, nên cũng lại phải tra tự điển, do vậy mà mất rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên so với tác giả, Ông Yamazaki là Giáo sư Đại Học, khi viết quyển nầy Ông phải tốn thời gian đến 10 năm, vì bận rộn cũng như vì thận trọng với tác phẩm cũ xưa nầy. Riêng tôi chỉ tốn hơn 3 tháng để dịch, kể từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 25 tháng 8 năm 2022; đúng 100 ngày như vậy, dịch phẩm nầy đã dịch xong. Thông thường mỗi quyển sách viết hay dịch từ ngôn ngữ nầy sang ngôn ngữ khác, tôi chỉ cần độ một tháng là nhiều.
Ngày 25 tháng 8 năm 2022 cũng là một ngày đặc biệt, vì Tổng Thống Steinmeier của Cộng Hòa Liên Bang Đức ghé thăm Tu Viện Lộc Uyển tại Rostock, nơi Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Phước sáng lập Trụ Trì và ở đó tôi đã có một bài diễn văn ngắn để chào mừng Tổng Thống. Lẽ ra bài nầy tôi cũng đã đọc vào ngày 8 tháng 12 năm 2021 khi nhận giải thưởng cao quý của Cộng Hòa Liên Bang Đức (Bundesverdienstkreuz 1. Klasse) về các lãnh vực Văn Hóa, Giáo Dục và Tôn giáo do Tổng Thống ký vào ngày 20 tháng 8 năm 2021, nhưng vì dịch bệnh Covid 19 nên giải thưởng nầy được trao tại Thủ phủ Hannover. Hôm nay được trực tiếp đối diện với Tổng Thống là niềm vinh dự riêng của tôi và niềm hãnh diện chung cho cộng đồng Phật Tử Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức.
Khi đặt bút dịch tác phẩm nầy phải nói rằng tôi rất đắn đo suy nghĩ, bởi lẽ chỉ riêng từ “Thán Dị Sao” không thôi cũng cảm thấy lạ lùng rồi. Trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh cũng có đăng tải, nhưng đọc chữ Nhật cổ xưa, thật ra tôi nắm bắt được rất ít ý chính. Nhìn tác phẩm nầy thấy có vẻ hiện đại, nên trước đó tôi đã bắt đầu đọc và nhân mùa An Cư Kiết Hạ ba tháng trong năm Nhâm Dần (2022), Phật lịch 2566, tôi bắt đầu công việc như thường lệ của gần 50 năm qua (bắt đầu viết và dịch từ năm 1974-2022). Trong sách có tất cả 18 chương và theo tác giả 10 chương đầu là do từ kim khẩu của Ngài Thân Loan Thánh Nhơn nói ra và 8 chương sau về sự khác biệt trong vấn đề thực hành pháp môn niệm Phật là do Ngài Duy Viên, đệ tử của Ngài Thân Loan trực tiếp viết và bình chú. Như vậy tổng cộng 18 chương của sách nầy tác giả vẫn là Ngài Duy Viên.
Theo Ngài Thân Loan, Giáo Tổ của Tịnh Độ Chơn Tông Nhật Bản cho rằng: Sở dĩ chúng sanh niệm Phật và cầu sanh được Tịnh Độ, là do Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà qua lời thệ nguyện của Ngài, và sau khi lâm chung chúng ta được đón về đó chứ không phải do tự lực của chính mình. Đây là ý chính trong toàn thể nội dung của quyển sách. Cho nên chúng ta thấy tại Kyoto có chùa lớn tên là Bổn Nguyện gồm cả Tây và Đông ở gần nhà gare Kyoto, cũng là lý do chính của phái Tịnh Độ Chơn Tông khi thành lập chùa. Tịnh Độ Tông là nguyên thủy từ Trung Quốc truyền qua Nhật Bản và Nhật Bản lấy tư tưởng của 3 vị Tổ Tịnh Độ Trung Hoa là: Đàm Loan, Đạo Xước và Thiện Đạo làm chủ đạo. Ngài Pháp Nhiên, Thầy của Ngài Thân Loan nhận được tâm truyền từ Tịnh Độ nầy. Riêng Ngài Thân Loan, đệ tử của Ngài Pháp Nhiên, quan niệm về Tịnh Độ, khác với Thầy mình ít nhiều, nên gọi là Chơn Tông (không phải Chơn Ngôn Tông).
Tại sao gọi là “Thán Dị Sao”?. Chương đầu và nhất là ở trang 366 tiếng Nhật có giải thích rõ rằng: “Quyển sách nầy có tên là ‘Thán Dị Sao’, là quyển sách viết về lòng tin khác biệt, buồn thảm, nên than lên như vậy… không nên dễ dàng cho những người khác xem”; nhưng tại sao lại là niềm tin khác biệt? Sự khác biệt ấy như thế nào?
Chúng ta phải xem từ chương thứ 11 đến chương thứ 18 do Ngài Duy Viên giải thích thì sẽ rõ. Đó là:
“Những người niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà, nhưng tự nghĩ rằng do tự lực của mình niệm, nên được vãng sanh sau khi lâm chung”. Ý kiến nầy hoàn toàn bị bác bỏ và Ngài Duy Viên cũng như Ngài Thân Loan cho rằng niệm Phật không phải do tự lực của mình niệm mà do tha lực của Đức A Di Đà Như Lai ban cho niềm tin ấy để tin theo và cầu được sanh về Tịnh Độ”.
Ở điểm nầy chúng ta cần quan sát thêm như sau: Theo Ngài Duy Viên thì những ai nói rằng niệm Phật do tự lực mà được vãng sanh Tịnh Độ thì mới chỉ đến được Tịnh Độ bên cạnh thôi; chứ chưa được vào cảnh giới Tịnh Độ Chơn Thật của Đức Phật A Di Đà, nơi đây gọi là Thai cung biên địa hay nghi thành và ở đó từ từ tu lên cao hơn để nhập vào cảnh giới chơn thật của Tịnh Độ.
Nếu chúng ta dựa vào Kinh Đại Bát Niết Bàn và Kinh Quán Vô Lượng Thọ, phần quán thứ 16 về Hạ Phẩm Hạ Sanh thì những người sanh về đây là do phạm tội ngũ nghịch và nhứt xiển đề, nhưng với hai điều kiện là chính bản thân người niệm Phật ấy phải có tâm tàm quí, xấu hổ về những nghiệp cũ đã tạo ra và nhất là phải có những thiện hữu trí thức ở gần đó, khi cận tử nghiệp đến, khuyên ta phát tâm. Cuối cùng sẽ sanh về được hạ phẩm hạ sanh.
Do vậy cả hai tư tưởng truyền thống rút ra từ kinh điển và tư tưởng Tịnh Độ Chơn Tông của Ngài Thân Loan cũng như của Ngài Duy Viên có ít nhiều sai biệt. Để từ đó chúng ta có thể hiểu rõ Phật giáo Tịnh Độ Chơn Tông của Nhật Bản xưa nay chủ trương như vậy.
Phần sau của sách từ trang 310 đến trang 360 do Ngài Liên Như là Hoa Giáp sao lại bằng lối chép tay 18 chương nầy bằng chữ Nhật cổ ở thế kỷ thứ 15; thật tình đọc rất khó hiểu. Nhờ vào lời giải thích tỉ mỉ của Giáo Sư Yamazaki, nên tôi đã dịch trọn vẹn 18 chương nầy ra Việt ngữ, nhưng cũng chưa chắc đã lột tả được hết tất cả tư tưởng của Ngài Thân Loan và của Ngài Duy Viên. Thông thường khi dịch một quyển sách, trước đó phải đọc qua sách và mới bắt đầu dịch. Riêng cuốn “Thán Dị Sao” này tôi đã rất chú tâm đọc qua, nhưng tự nghĩ chưa chắc mình đã lãnh hội hết nội dung sâu sắc của Thánh ý. Do vậy việc phiên dịch sang Việt ngữ có thể cũng có chỗ sai sót. Kính mong chư Tôn Đức Tăng Ni và quý độc giả lượng thứ cho sở tu và sở học của người dịch cũng chỉ mới đến đó mà thôi. Nếu có gì sai sót, xin quý Ngài và quý vị hoan hỷ chỉ giáo dùm cho. Người dịch tác phẩm nầy vô cùng thâm tạ.
Sách nầy không bán, do vậy sau khi giảo chánh xong, chúng tôi sẽ cho đăng trên các trang nhà và sẽ đưa về Việt Nam để tổ chức “Thế Giới Từ Thiện” cho xuất bản để gửi tặng đến những người đang tu theo Pháp Môn Tịnh Độ có nhiều tài liệu để nghiên cứu truy tìm. Đồng thời chúng tôi cũng vô cùng tạ ân tác giả Yamazaki cũng như các độc giả khắp nơi trên thế giới. Nếu không có Quý vị trợ duyên làm động lực thì tác phẩm nầy chưa chắc đã hoàn thành trong năm nay, để năm sau 2023 ra mắt với Quý độc giả đó đây.
Lời cuối con xin niệm ân Thầy Tổ, Cha Mẹ, Quốc gia, chúng sinh đã cho con có tấm thân tứ đại tương đối ít bệnh não ở vào tuổi 73 nầy để hoàn thành nhiều công trình, nhằm để lại cho nhiều thế hệ về sau, khi ai đó muốn nghiên cứu về Pháp môn Tịnh Độ.
Phương Trượng Đường Tổ Đình Viên Giác,
Hannover, Đức Quốc ngày 25 tháng 8 năm 2022.
Dịch giả: Thích Như Điển