HT Thích Như Điển dịch Việt: Nhật Liên tông Nhật Bản

Nguyên tác: Watanabe Hooyoo
Ootani Gyokoo
Việt dịch: Thích Như Điển
Lời đầu sách
Năm 1222, Ngài Nhật Liên chào đời tại Nhật và trải qua một cuộc đời tu hành gian nan đầy thử thách suốt 60 năm, Ngài để lại cho Tông Nhật Liên ở Nhật nói riêng, Phật Giáo Nhật Bản nói chung một Phật sử oai hùng của người con Phật, thực hành hạnh nguyện Bồ Tát, theo tinh thần của giáo lý Pháp Hoa mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy, dấn thân vào đời cứu khổ nhân sinh
Ngài là hiện thân của Bồ Tát Thượng Hạnh, của chư vị Bồ Tát từ dưới đất vượt lên, lãnh hội lời Phật dạy lên đường theo hạnh nguyện cao cả, kế thừa sứ mệnh thiêng liêng phụng sự chúng sanh, cúng dường Chư Phật. Tuy hành trì Kinh Pháp Hoa không phải chỉ có Phật Giáo Nhật Bản, mà các nước Phật Giáo Đại Thừa hiện hữu như Trung Hoa, Đại Hàn, Việt Nam, Mông Cổ, Tây Tạng vẫn có nhiều hành giả nghiên cứu sâu và hành trì cẩn mật để sống trong giáo nghĩa Pháp Hoa và chứng ngộ, nhưng đặc biệt phải nói rằng giáo lý Phật Đà đến Nhật, dường như được người Nhật chế biến làm của riêng của mình hay của Tông phái mình. Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại Sư, hành giả thâm tín, thực chứng thật nghĩa Kinh Pháp Hoa, vốn là người Trung Hoa thế kỷ thứ 7, thứ 8 đời thịnh Đường, nhưng hình ảnh của Ngài dường như mờ nhạt hơn Nhật Liên khi tư tưởng Pháp Hoa của Ngài du nhập vào Nhật Bản và tư tưởng Thiên Thai Trí Giả phải nhường vị trí quan trọng cho tín ngưỡng Nhật Liên trong tâm thức những ai hướng về Kinh Pháp Hoa, hành trì Kinh Pháp Hoa tại Nhật.
Tương tự như vậy, Thiền, Trà, Thi Văn, Kiếm, Nghệ Thuật Cắm Hoa v.v… tất cả đều được du nhập từ Ấn Độ, Trung Hoa, Đại Hàn, nhưng trở thành của người Nhật, khi hiện hữu trên xứ sở Hoa Anh Đào. Nói đến Zen, ai cũng liên tưởng đến Thiền của Nhật, dường như không mấy lưu tâm đến xuất xứ của nó vốn từ Ấn Độ hay Trung Hoa, dù Tông Lâm Tế hay Tào Động ở Nhật đã tiếp nhận nguồn nước tinh khiết của dòng chảy Thiền Tông Trung Hoa, bắt nguồn từ Ấn Độ xa xôi. Ngày nay nói về trà đạo (Chado), thi đạo (Shodo), kiếm đạo (Kendo), hoa đạo (Ikebana) v.v… ai ai cũng nhận thấy tất cả đã biến thái theo tinh thần của người Nhật. Về phương diện nhân sinh, phải nhận thức rằng đây là một điều tốt, bởi vì đã là thức ăn dù vật chất hay tinh thần đi nữa cũng phải cần được tái biến “recycle” trở lại để hợp với khNu vị, và khoái cảm của dân tộc đó, nhưng về phương diện lịch sử, chúng ta thấy điều nầy có lẽ bị chủ quan hóa, dễ đưa đến cực đoan, bởi vì nói đến Kinh Pháp Hoa, tín đồ của Nhật Liên Tông ở Nhật sẽ không khỏi tự hào một cách sai lầm nước Nhật là sở hữu chủ Kinh Pháp Hoa phát xuất từ kim khẩu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một bản kinh vốn có nguyên bản Sanscrit minh chứng. Kinh Pháp Hoa là một trong những bản kinh Đại Thừa, có từ thời nguyên thủy, không phải mới xuất hiện sau nầy như Kinh Vu Lan, Kinh Báo Ân Phụ Mẫu, Thuỷ Sám, Lương Hoàng Sám v.v…
Để có một cái nhìn đứng đắn hơn dù ở phương diện lịch sử hay dân tộc, dù văn chương, chữ nghĩa hay giáo điều tư tưởng, thiết tưởng những bậc Thầy của Tông Môn cần hướng dẫn cho tín đồ hiểu rõ từ ngọn đến gốc, chứ không thể biết ngọn mà bỏ quên gốc lịch sử. Dĩ nhiên, về phương diện tín ngưỡng có thể chấp nhận được, vì là niềm tin, một khi nói đến niềm tin, như Ngài Nhật Liên dạy cứ tin! thay cho trí tuệ. Khi tin, tụng đọc cả ngàn, vạn pho kinh sách, trí tuệ sẽ phát sanh, quả là không sai, bởi vì trong lịch sử sự thật đó đã có. Tuy nhiên, như Nhật Áo, là đệ tử của Ngài Nhật Liên, tin vào pháp “bất thọ bất thí” một cách quá cực đoan, chỉ nhận cúng dường từ tín đồ và chư Tăng thuộc phái Nhật Liên, không cúng dường cho những ai khác Tông phái mình, thật sự không nên. Khi vị Tướng Quân thời Mạc Phủ thiết trai cúng dường Thiên Tăng Hội tại Kyoto, trong số chư Tăng được cung thỉnh có khoảng 100 vị tăng thuộc Nhật Liên Tông, Nhật Áo khăng khăng không tham dự, còn phản đối Nhật Trọng cùng những vị tăng khác tham dự nữa để rồi sanh ra bất đồng quan điểm giữa huynh đệ trong cùng môn phái với nhau, chưa kể đến bất đồng với những tông phái khác phái như Tịnh Độ hay Thiền.
Thế kỷ thứ 12 và 13 ở Nhật xuất hiện những bậc thánh tăng xuất chúng như: Pháp Nhiên Thượng Nhơn (Hoonen Shonin) Thân Loan Thánh Nhơn (Shinan Shonin) (thuộc Tịnh Độ Chơn Tông) Đạo Nguyên Thiền Sư (Dogen Zenshi) (Thiền Tào Động), Thiền Sư Dinh Tây (Eisai) (Thiền Lâm Tế) trở thành những bậc Đại Đạo Sư đương thời, Nhật Liên Thánh Nhơn (Nichiren Shonin) xuất hiện sau cùng vào giữa thế kỷ thứ 13, nhưng Ngài thổi vào Nhật một luồng sinh khí mới như hành trì Daimoku (Đề Mục) bằng 7 chữ “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” như đệ trình “Lập Chánh An Quốc Luận” cho triều đình Mạc Phủ, phân tích những hiểm họa từ bên trong (chư Tăng, Tông phái) và tai họa mất nước từ bên ngoài (Mông Cổ xâm lăng), dù cuộc đời Ngài phải trả giá bằng lao đao khốn khổ đến không lường của bốn lần pháp nạn khó quên. Tuy nhiên, cuối cùng vinh quang không phụ lòng người có chí hướng, Ngài được tôn phong bậc Thánh được gọi là Thánh Nhơn, được thần tượng như vị Đại Bồ Tát.
Thật vậy, suốt cuộc đời Ngài và những đệ tử của Ngài chỉ sống với niềm tin cứu độ của Kinh Pháp Hoa dành cho chúng sanh trong thời mạt pháp. Ngài là hiện thân của Bồ Tát Thượng Hạnh ngày xưa trong pháp hội Linh Sơn dấn thân vào đời. Bao nhiêu hình phạt, bao nhiêu tội bị gán ghép, bao nhiêu khổ nhục khi bị lưu đày ra Sado hay Long Khẩu hay ở Tùng Nguyên v.v… với Ngài, chỉ là những chướng duyên thử tâm hành giả hành Bồ Tát hạnh thôi.
Câu tục ngữ của người Tây phương: “Thiên Tài và vĩ nhân chỉ một phần trăm; còn chín mươi chín phần trăm là mồ hôi của chính họ” thật quá đúng với mọi trường hợp dành cho người hành Bồ Tát hạnh dấn thân vào đời cứu độ nhân sinh.
Chúng tôi vẫn thường hay nói: “Trong thế gian nầy, người trí thức thì nhiều nhưng tri thức thì ít”. Thế nào là người trí thức? Theo chúng tôi, người trí thức sống khôn ngoan, hiểu biết lý sự, có thể nhiều mưu lắm kế. Còn người tri thức biết mình, nhận rõ tâm mình, hiểu được tâm mình và sống chân thành với chân tâm. Nói cách khác, trí thức là cái biết bề ngoài, tri thức là cái biết và sống với bên trong. Đôi lúc chúng tôi cũng nói: “Phải chăng người có kiến thức rất nhiều, nhưng người kiến tánh thì ít” bởi vì chữ Kiến là thấy, Thức là biết, là phân biệt, nào là cái nầy tốt, cái kia xấu, nào là cái nầy hay, cái kia dỡ. Còn Tánh là bổn tánh trong sáng, thanh tịnh, cho nên thấy được tánh không phải dễ dàng, bởi vì đối tượng của Kiến, ẩn tàng bên trong của mỗi người.
Cuộc đời của các vị Tổ Đức ngày xưa ít ai đỗ bằng Cử Nhân, Cao Học, Tiến Sĩ nhưng “Trụ tích chấn vương kỳ” như Vạn Hạnh Thiền Sư đời Lý, một bậc Cao Tăng, một không hai trong lịch sử Việt Nam. Vua Lý Thái Tổ (1010) xây nghiệp đế, nhưng nếu không nhờ cây tích trượng của Thiền Sư Vạn Hạnh chống giữ đế đô Thăng Long làm gì mà Triều Lý có được hơn 200 năm lịch sử huy hoàng ấy. Những bậc Chân Tăng của Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản xưa cũng như nay đều dụng công miên mật chốn A Lan Nhã, không phải đi tu hình thức. Có như thế Chúa Nguyễn Phúc Chu mới thọ Bồ Tát Giới tại gia với Ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán vào cuối thế kỷ thứ 17 (1694) tại Kinh Đô Phú Xuân với Pháp hiệu Thiên Túng Đạo Nhân. Quốc Chúa có nói một câu rất thâm thuý: “Ta cầm gươm vàng chốn triều đình không bằng vị Tăng chống tích trượng ở Thiền Môn”. Khi Hoàng Thượng Trần Thái Tông vào núi Yên Tử cầu giải thoát thốt lên câu nói bất hủ: “Trẩm xem ngai vàng như đôi dép bỏ”. Hoàng Đế Khang Hy đầu thế kỷ thứ 17 ở Trung Hoa, từng bảo rằng: “Cả cuộc đời làm vua của Trẫm chưa bằng sống nửa ngày và nửa chiếc y của một người xuất gia”. Quả là đời sống của bậc xuất gia là đời sống rất cao cả. Sâu thẳm bên trong tâm thức mới chính là điều cần phải tìm chứ không phải ở bên ngoài.
Chúng tôi được may mắn từng du học ở Nhật từ năm 1972 đến năm 1977. Lúc ấy, thật sự chúng tôi không nghĩ có hôm nay được thuận duyên dịch những tác phẩm từ Nhật ngữ sang Việt ngữ để cống hiến quý độc giả Phật Tử Việt Nam đó đây. Âu cũng là nhân duyên báo ân nước Nhật, đã trao cho tôi cơm, gạo, nước và tinh thần trong thời gian gần sáu năm trên. Vừa rồi (năm 2008), chúng tôi hướng dẫn một phái đoàn hành hương gồm 32 vị từ Âu Chầu và Mỹ Châu đến Nhật, thăm Chùa Honryuji (Bổn Lập Tự) tại Hachioji, nơi tôi tá túc tu niệm trong thời gian du học, tham dự lễ đặt đá đầu tiên xây Chùa Việt Nam tại Nhật, thăm trường Đại Học ngày xưa, nơi tôi đèn sách và đặc biệt viếng thăm Đức Địa Tạng linh thiêng không có đầu tại Fuchu, Hiroshima thật cảm động.
Hồi đó, ở Chùa Honryuji thuộc Nhật Liên Tông, hằng ngày chúng tôi cùng với chư Tăng sinh viên vị Trụ Trì tụng Kinh Pháp Hoa phẩm Phương Tiện thứ 2, phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16 bằng tiếng Nhật, xem quý Thầy tu khổ hạnh (Aragyoo), tắm nước lạnh tại Chùa v.v… dọn dẹp vườn Chùa, quét mộ, đi đám ma, viết Toba v.v… nhưng chúng tôi nghĩ, vẫn chưa làm được gì cho Chùa. Năm nay, ngày 9 tháng 10 năm 2008 được gặp Hoà Thượng Trú Trì Oikawa Shinkai cùng Tăng chúng bổn tự cũng như gia đình, sau hơn 30 năm (từ năm 1977) xa Nhật, chúng tôi thấy dường như có cái gì đó rất gần gũi, thiện cảm và đạo tình.
Đặc biệt, phái đoàn đến Fuchu vào ngày 14 đến 16.10.2008 tại Hiroshima, đảnh lễ Đức Địa Tạng Vương không có đầu, mà chúng tôi được biết Ngài đã cứu chữa hằng trăm ngàn căn bệnh ngặt nghèo khác nhau cho người Nhật. Sở dĩ chọn hành hương tham quan địa phương nầy vì chúng tôi nhân duyên dịch tác phẩm: “Những mẫu chuyện linh ứng của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát ở Fuchu” từ Nhật ngữ sang Việt ngữ.
Chúng tôi phát nguyện dịch 5 Tông phái chính của Nhật Bản từ Nhật ngữ sang Việt ngữ cho đến hôm nay đã xong 4 Tông phái: Lâm Tế Tông, Tịnh Độ Tông, Tào Động Tông và Nhật Liên Tông. Chỉ còn một Tông Chơn Ngôn nữa có thể sang năm 2009 chúng tôi sẽ dịch nốt. Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều Tông khác nữa như: Hoa Nghiêm Tông, Pháp Tướng Tông, Thời Tông v.v… nhưng xin chỉ dịch 5 Tông phái chính nầy thôi.
Sỡ dĩ chúng tôi phát nguyện dịch như thế vì muốn thế hệ sau có tài liệu mà tham cứu, học hỏi, nếu muốn nghiên cứu về Phật Giáo Nhật Bản, không như ngày xưa cách đây 40 năm về trước, chúng tôi hâu như không biết gì về nước Nhật trước khi đi Nhật. Đó là nguồn động lực chính để chúng tôi làm việc nầy.
Chúng tôi đọc qua tác phẩm nầy lần đầu vào ngày 6 tháng 6 năm 2008 và đọc xong vào ngày 18 tháng 7 năm 2008 tại Niệm Phật Đường Thảo Đường, Moscow – Nga Sô, nhưng phải được đến thời gian tịnh tu nhập thất lần thứ 6 tại Tu Viện Đa Bảo – Úc Đại Lợi, chúng tôi mới thực hiện việc phiên dịch. Tác phẩm nầy chúng tôi bắt đầu dịch sang Việt ngữ ngày 10 tháng 11 năm 2008 và đến ngày 12 tháng 12 năm 2008 nhằm ngày rằm tháng 11 năm Mậu Tý hoàn thành bản dịch 270 trang đánh máy chữ nhỏ A5, chuyển sang lối viết tay độ hơn 330 trang cở A4 hơn một tháng miệt mài làm việc, mỗi ngày 5 đến 6 tiếng đồng hồ. Đại Đức Thích Hạnh Giả, đệ tử thị giả của chúng tôi phát tâm đánh vào computer và chuyển cho Thượng Tọa Thích Đồng Văn giảo chánh phần văn phong trước khi gửi đến Hoà Thượng Thích Bảo Lạc hiệu đính. Cuối cùng Đại Đức Thích Hạnh Bổn trình bày layout. Riêng phần trang trí bìa sách, chúng tôi nhờ Đại Đức Thích Nguyên Tạng và Đạo Hữu Quảng Tuệ Duyên.
Điều đáng ngạc nhiên là Đại Đức Thích Hạnh Giả, dù sinh tại Việt Nam, nhưng sang Đức tuổi còn rất nhỏ, lớn lên và đi học tốt nghiệp Cao Học tại Đức, hẳn nhiên tiếng Đức, tiếng Anh là ngôn ngữ chính, tuy nhiên dù không học tiếng Việt nhiều nhưng vẫn đọc được tất cả chữ viết ngoằn ngoèo, xấu xí của chúng tôi, đánh máy không có lỗi chính tả nhiều, khiến cho không những chúng tôi mà Thượng Toạ Thích Đồng Văn ngạc nhiên vô cùng.
Năm nay có Đại Đức Thích Phổ Tấn, đệ tử của Hoà Thượng Thích Chơn Thành trụ trì Chùa Liên Hoa ở Garden Grove, California, Hoa Kỳ tháp tùng đi hành hương chiêm bái những thánh tích Phật Giáo với phái đoàn chúng tôi từ Nhật Bản, sang Ấn Độ, qua Lào rồi Thái Lan và cuối cùng sang Tu Viện Đa Bảo cùng nhập thất và chăm sóc cho chúng tôi mọi phương diện, để chúng tôi có đầy đủ thời giờ cũng như sức khoẻ mà phiên dịch và tịnh tu. Ân ấy xin vô vàn tri ân và niệm tưởng.
Mỗi một cánh hoa mộc lan màu trắng thơm phức hay những cành hoa màu tím, tôi không biết tên, vì ở Âu Châu không có hoa đó, mà mỗi lần quý Thầy về Pháp Bảo, quý Sư Cô gửi lên Đa Bảo cúng dường Phật, tỏa ngát hương thơm trong và ngoài tịnh thất. Những lo lắng, hỏi han, thăm viếng, những trái cây nhiệt đới, những rau cải Việt Nam v.v… là những cánh thư không lời gởi đi từ Pháp Bảo sang Đa Bảo mà ít khi nhận được hồi âm là những giọt mật dưỡng sinh cho Thầy trò chúng tôi trong những ngày mưa nhiều hơn nắng tại Đa Bảo trong năm nầy. Xin niệm ân tất cả quý Sư Cô: Giác Anh, Giác Duyên, Giác Trí, Giác Niệm và sư chú Giác Thuần.
Cảm niệm công đức Đại Đức Thích Phổ Huân, Trụ Trì Chùa Pháp Bảo mỗi tuần đều mang đến cho tôi những món ăn tinh thần như báo chí, sách vở để chúng tôi ghi nhận những thông tin thế giới chung quanh mình đang đã và đang xảy ra.
Đồng thời, chúng tôi cũng xin cảm ơn tất cả quý Đạo Hữu, quý Phật Tử gần xa hổ trợ ấn tống để dịch phẩm được ra mắt quý độc giả đó đây. Nếu không có phần đóng góp của quý vị tại Đức, Âu Châu, Úc Châu và Mỹ Châu thì tác phẩm hẳn không đủ nhân duyên đến với mọi người. Xin chân thành cảm niệm tất cả về những phước báu cúng dường ấn tống nầy.
Thành kính niệm ân Hoà Thượng Sư Huynh Thích Bảo Lạc, nếu không có sự bảo bọc của Hòa Thượng cũng như hiệu đính, chắc chắn tác phẩm không được mỹ mãn. Hẳn nhiên, chúng tôi không quên sự phát tâm của Thượng Tọa Thích Đồng Văn góp phần vào công việc nhuận văn để người đọc không cảm thấy văn phong Nhật ngữ trong dịch phẩm. Cảm niệm công đức Thượng Toạ Thích Nguyên Tạng khuyến khích Cô Quảng Tuệ Duyên, đệ tử của mình tạo một bìa sách thật đẹp, có giá trị tri thức và tâm linh. Tận tâm khảm của mình, chúng tôi xin chân thành tri ân những hình ảnh đẹp ấy.
Lời cuối xin niệm ân tất cả Thầy Tổ, huynh đệ, học trò, đệ tử, y chỉ, Phật Tử v.v… người ở xa cũng như người ở gần cho tôi có được nhiều thuận duyên trong công việc dịch thuật. Để báo ân đáp nghĩa cao cả ấy, chúng tôi xin trang trải những sợi tơ đạo tình đạo vị của mình qua chữ nghĩa văn chương dệt nên những trang lụa tâm linh cho đời, ngõ hầu may thêm những chiếc áo mới trang sức cho nội tâm cũng như hình thức và làm đẹp cho chính mỗi người.
Tu Viên Đa Bảo – Úc Đại Lợi
nhân mùa tịnh tu nhập thất lần thứ 6
Phật lịch 2552, ngày 12 tháng 12 năm 2008
Dịch giả: Sa Môn Thích Như Điển