HT Thích Như Điển: Diễn văn khai mạc Lễ giới thiệu công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam

Diễn văn khai mạc

(của Hòa thượng Chánh Thư Ký)

Lễ Giới thiệu Thành tựu Sơ bộ Công trình Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam (Tạng Thanh Văn)
vào ngày 17.07.2022- nhằm ngày 19.6 năm Nhâm Dần.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Ngưỡng Bạch chư tôn Trưởng Lão Hòa Thượng Chứng Minh,
chư Hòa Thượng trong Ban Cố Vấn Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời.

Kính bạch Hòa Thượng Chủ Tịch,
Cùng chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Quý Ni Trưởng, Ni Sư và Chư tôn Đức Tăng Ni cũng như Quý Thiện Nam Tín Nữ Phật Tử xa gần.

Từ tháng 12 năm 2021, kể từ khi Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời được hình thành, hoài bão của Hòa thượng Chủ tịch Thích Tuệ Sỹ là làm sao trong mùa An Cư Kiết Hạ Pl. 2566, năm Nhâm Dần này có thể hoàn thành để ra mắt Thanh Văn Tạng trong Tam Tạng Thánh Điển. Do vậy nên tất cả các Ban bộ, đặc biệt là Ủy ban Chuyết văn và Ban Ấn Hành đã làm việc không ngừng nghỉ trong suốt hơn 6 tháng qua. Từ Ôn Chủ Tịch, Quý Ngài Cố Vấn và các Ban bộ đều đã dùng hết tâm lực và thời gian của mình để hôm nay đây chúng ta có thể nhìn thấy được thành tựu sơ bộ này là các Kinh bộ, Luật bộ, Luận bộ và Tạp bộ thuộc Tạng Thanh Văn này đã được ấn hành. Những chi tiết về các thành tựu ban đầu này quý Ngài và toàn thể quý vịsẽ nghe tường tận hơn qua các thuyết trình, các báo cáo chi tiết v.v… tiếp theo đây. Chúng con/chúng tôi chẳng biết dùng ngôn từ nào để bày tỏ sự kính ngưỡng và tán dương công hạnh này, chỉ biết dùng bốn chữ “Bất Khả Tư Nghì” để ghi lại một chặng đường lịch sử mà Ôn Cố Vấn, Chủ Tịch đã cưu mang suốt từ năm 1973 đến nay và bây giờ chính thức toàn bộ Thanh Văn Tạng mới được ra đời, mở đầu cho các Tạng Đại Thừa Bồ Tát, Mật Tạng sẽ tiếp tục nối bước theo.

Khác với các quốc gia trong các nước Phật Giáo khác như Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, tuy Phật Giáo Việt Nam cũng đồng thuộc văn hệ Hán ngữ, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có một bộ Tam Tạng Thánh Giáo chuẩn mực, dù chúng ta vẫn luôn tự hào là đã có lịch sử truyền thừa trên hai ngàn năm. Thật ra, bắt đầu vào thế kỷ thứ 19 các vị Tổ Khánh Hòa, Tổ Khánh Anh… đã có thực hiện những bản dịch kinh bộ, hay luật và luận bộ ra Việt ngữ cho chư Tăng Ni cũng như Phật Tử tham cứu tụng đọc và học hỏi. Sau đó cũng có nhiều bậc Tôn Túc đã phiên dịch các Kinh, Luật, Luận Bộ khác như HT Trí Tịnh, HT Trí Quang, HT Thích Trí Nghiêm, HT Huyền Vi, HT Trung Quán, HT Thiện Siêu v.v… Rồi từ những năm 1965, 1966, tạng Nam Truyền được Hòa Thượng Minh Châu lần lượt dịch từ tiếng Pali sang Việt ngữ và tạng này cũng đã dịch gần xong ở các phần Kinh, Luật, Luận. Nhưng phải nói rằng, các công trình ấy chỉ là các công trình riêng lẻ của từng cá nhân, từng tự viện, từng học viện… mà chưa kết thành Tam Tạng chính thức. Trước thao thức đó, Viện Tăng Thống của GHPGVNTN đã quyết định thành lập Hội Đồng Phiên Dịch vào tháng 10 năm 1973, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau đó là đất nước đã bước vào một khúc quanh mới nên chưa hoạt động gì cả được nhiều. Nay 18 thành viên HĐPDTT năm xưa đã lần lượt ra đi, chỉ còn hai vị thì một lại do tuổi cao nênở trong tình trạng bất hoạt.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, người cuối cùng còn lại trong số 18 thành viên của HĐPDTT năm 1973, cùng Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát, vì mạng mạch kế thừa chư Tổ Sư trong quá khứ; đã triệu tập chư tôn Thiền Đức cũng như những Phật Tử hữu tâm để thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp (5/2021) và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời (12/2021), nhằm tiếp nối dòng sử Phật Việt ấy. Do vậy hôm nay đây chúng ta vui sướng nhìn thấy được kết quả sơ khởi qua các cuốn sách bản in của Kinh bộ, Luật bộ, Luận bộ và Tạp bộ trong Thanh Văn Tạng được giới thiệu đến với toàn thể thính chúng khắp nơi trên thế giới. Đây là niềm vui, niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam chúng ta, kể cả người xuất gia cũng như tại gia. Từ đây chúng ta có thể hãnh diện để nói cùng bạn bè trên thế giới biết rằng, Phật giáo Việt Nam chúng ta cũng sẽ có một bộ Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt, được hiệu đính và biên tập đầy đủ tính hàn lâm, sánh ngang với các tiêu chuẩn nghiên cứu Phật học hiện đại của thế giới.

Các công trình phiên dịch Đại Tạng không phải một sớm một chiều mà thành tựu được. Pháp sư Huyền Trang ở Trung Hoa, với sự trợ giúp tất cả mọi phương tiện của triều đình; với công sức và tâm huyết của hằng trăm tăng sĩ cộng sự cũng như các học giả thông thái đương thời, vậy mà cũng cần phải miệt mài hơn 20 năm trường thì mới có thể nói tạm hoàn thành đóng góp được chỉ một phần lớn trong toàn bộ Đại HánTạng. Và để hình thành bộ Đại Tạng Kinh tiếng Hán như chúng ta thấy được ngày nay, lịch sử phiên dịch Phạn-Hán tại Trung Hoa đã phải trải qua hơn 800 năm xây dựng và thêm nhiều thế kỷ tiếp theo để bổ sung và hoàn thiện. So sánh với thực tế đó, chúng ta mới có thể hiểu được phần nào những khó khăn trước mắt trong việc xây dựng một bộ Đại Tạng Kinh tiếng Việt hoàn chỉnh.

Bởi thế, kính thưa liệt quý vị, thành tựu bước đầu của chúng ta ngày hôm nay không chỉ dừng lại ở các cuốn bản Kinh, sách được in ấn để tứ chúng học hỏi, tham cứu. Bên cạnh đó HĐHP và HĐPDTT Lâm Thời dưới sự cố vấn lãnh đạo của HT Tuệ Sỹ từ 9/2021 đã tổ chức các lớp học đào tạo một đội ngũ Tăng Ni và Cư sĩ trẻ, để các học viên này khả dĩ có đủ khả năng về Phạn văn, Hán văn, Việt văn và Phật Pháp, hầu nối tiếp tâm nguyện phiên dịch Thánh điển này trong tương lai, cho đến khi nào Bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam hoàn toàn thành tựu. Đây là sự nghiệp chung của toàn thể Tăng Ni tín đồ Phật tử Việt Nam, không phân biệt tông phái, giáo hội hay hệ phái.

Chúng con/chúng tôi xin tri ân chư tôn Trưởng Lão Chứng Minh, Quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Quý Ni Trưởng, Ni Sư cùng chư Đại Đức Tăng Ni, Quý Đạo Hữu Phật Tử khắp nơi đã bỏ thì giờ quang lâm tham dự buổi Lễ hôm nay. Nguyện cầu chư Phật gia hộ quý Ngài và quý vị có được hùng tâm để chứng minh và hộ trì cho Đại Tạng Kinh Việt Nam này được thành tựu viên mãn trong tương lai.

Chúng con/chúng tôi xin trân trọng tuyên bố khai mạc buổi Lễ Giới thiệu Thành tựu Sơ bộ Công trình Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam, trước mắt là Thanh Văn Tạng trong Tam Tạng Thánh Điển.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Hiển thị thêm
Back to top button