HT Thích Như Điển: ‘Đôi lời thưa gửi’ về việc xuất bản sách Yết Ma Yếu Chỉ
ĐÔI LỜI THƯA GỬI
Nguyên nhân của quyển Yết Ma Yếu Chỉ nầy ra đời là do cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã dịch giải và biên soạn ra để hướng dẫn cũng như dạy cho chư Tăng trong các Phật Học Viện ở Việt Nam trước và sau năm 1975. Để rồi 20 năm sau, vào năm Phật Lịch 2545, theo Hòa Thượng Thích Nguyên Chứng (Tuệ Sỹ) cho biết thì Ngài và Hòa Thượng Thích Đỗng Minh đã biên tập lại để làm tài liệu hướng dẫn cho Tăng Ni tu học theo đúng phép Yết Ma nhằm cố gắng duy trì mạng mạch của Phật Giáo qua sự chỉ dạy của Đức Phật cũng như một số bộ phái sau nầy khi làm phép tác pháp Yết Ma.
Năm nay 2021 nhằm Phật Lịch 2565 cũng có nghĩa là sau 20 năm nữa, quyển Yết Ma Yếu Chỉ nầy đã được hoàn chỉnh qua nhiều công đoạn khác nhau như: đọc lại bản in, sửa lỗi chính tả, duyệt lại phần chữ Hán và tiếng Phạn, rồi dàn trang và đọc lại lần cuối của nhiều Thầy và Cư sĩ khác nhau để được hình thành một tác phẩm giá trị, nhằm để lại cho bây giờ và mai hậu làm kim chỉ nam trong tất cả những vấn đề tác pháp Yết Ma và để duy trì nếp sống sinh hoạt trong tự viện của Tăng cũng như Ni luôn được bảo tồn, dầu có trải qua không gian hay thời gian mấy ngàn năm về sau đi nữa, thì đây vẫn là những nguyên tắc căn bản để hành trì và phát triển của Tăng Đoàn.
Năm nay cũng là một năm đặc biệt, vì Hội Đồng Hoằng Pháp đã được hình thành và do Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cố vấn chỉ đạo nên mới có được bốn Ban được thành tựu như: Ban Truyền Bá Giáo Lý, Ban Trước Tác và Phiên Dịch, Ban Báo Chí và Xuất Bản và cuối cùng là Ban Bảo Trợ. Theo lời Hòa Thượng Tuệ Sỹ nhắn nhủ thì đây là ấn phẩm để tặng đến chư Tăng Ni trong mùa An Cư Kiết Hạ năm nay, nhằm báo ân Thầy Tổ và đàn na tín thí. Do vậy vào ngày 2 và ngày 3 tháng 7 năm 2021 vừa rồi, Ban Bảo Trợ của các Châu đã họp trên diễn đàn Online và đã đồng thuận là sẽ ấn tống 2 quyển: đầu tiên là Yết Ma Yếu Chỉ do cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ soạn, và quyển thứ hai là Pháp Diệt Tránh do Hòa Thượng Thích Nguyên Chứng biên soạn. Đây là hai tài liệu quan trọng liên quan về Luật Tạng, đặc biệt dành cho giới xuất gia. Việc ấn tống nầy do Ban Báo Chí và Xuất Bản lo liệu. Riêng phần các Phật tử tại gia, quý vị đã phát tâm ấn tống những kinh sách mà Ban Bảo Trợ của Hội Đồng Hoằng Pháp cho xuất bản, cũng là một công đức không nhỏ. Công đức nầy có được, xin hồi hướng đến quý vị và gia đình của quý vị. Mong rằng với niềm tin Tam Bảo vững chắc, biết đâu có ngày quý vị Cư sĩ cũng sẽ trở thành người xuất gia đầu tròn áo vuông thì có lẽ cái nhân đó là do sự cúng dường ấn hành những tác phẩm liên quan về Luật Tạng như thế nầy.
Cách đây hơn 10 năm tại Đại Học Hamburg, Đức quốc có tổ chức một hội nghị về việc thọ giới Tỳ Kheo Ni cho các nữ tu Phật Giáo Tây Tạng và những vị theo truyền thống Tây Tạng. Do vậy Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cũng đã có mặt và cả bộ phận chính phủ lưu vong như Thủ Tướng và các Bộ, v.v… cũng đều hiện diện. Bên phía Việt Nam thì Đại Học Hamburg có thỉnh mời Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát thuyết trình về Ni sư Diệu Nhân thời nhà Lý của Việt Nam bằng tiếng Anh. Ngoài ra còn có nhị vị Tăng Ni Việt Nam hành đạo tại Úc và Hoa Kỳ cũng đã được mời tham dự và thuyết trình bằng Anh ngữ. Bên Việt Nam cũng có gửi một Sư Bà đến tham dự; nhưng chỉ nói tiếng Việt và được dịch ra tiếng Anh. Đến phần thảo luận với đại chúng tham dự Hội Nghị về Phật Giáo Việt Nam, Phật Giáo Đại Hàn, Phật Giáo Đài Loan thì quý Ni sư, Sư cô và ngay cả chư Tăng bên các truyền thống Nam Tông cũng đều đề nghị là Đức Đạt Lai Lạt Ma nên chấp nhận cho nữ tu Tây Tạng thọ giới Tỳ Kheo Ni theo tinh thần Pháp Tạng Bộ và hành trì Tứ Phần Luật. Ngài gãi đầu và trả lời với hội chúng rằng: “Vấn đề nầy khó quá! Phải chi có Đức Phật ở đây thì tôi đỡ phải lo.” Cả hội trường đều im lặng và sau đó Ngài giải thích rằng với tư cách cá nhân của Ngài thì không có vấn đề, Ngài đồng thuận cho các nữ tu Phật Giáo Tây Tạng và nhất là những nữ tu người Tây Phương theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng được phép thọ giới Tỳ Kheo Ni; nhưng Phật Giáo Tây Tạng đã không tiếp tục truyền thống nầy kể từ thời xa xưa lắm rồi. Cho nên việc cho Ni thọ giới Tỳ Kheo Ni chưa có trong truyền thống gần đây của Tây Tạng. Ngoài ra Phật Giáo Tây Tạng có nhiều Tông Phái khác nhau. Do vậy phải bàn lại việc nầy chung với đại diện của các Tông Phái Phật Giáo Tây Tạng, sau đó mới có thể quyết định được. Và theo chúng tôi được biết thì mãi cho đến bây giờ Phật Giáo Tây Tạng vẫn chưa có chư Ni được thọ giới Tỳ Kheo Ni chính thức. Do đây mà trong những đại giới đàn của Phật Giáo Việt Nam được tổ chức tại Âu Châu đã có rất nhiều nữ tu người Âu Châu theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng sang cầu pháp thọ giới Tỳ Kheo Ni bên Phật Giáo Việt Nam để được đắc giới thể.
Như vậy Phật Giáo Việt Nam của chúng ta vẫn còn có phước báu không ít. Bởi lẽ chư Ni vẫn còn được tiếp tục truyền thừa tinh thần Luật Tạng của Tứ Phần Luật để hành trì, và nhờ vậy mà Tăng Già Việt Nam đã đương cũng như sẽ có đầy đủ Tăng Già nhị bộ như Luật Tứ Phần đã được ghi lại.
Nhân mùa An Cư Kiết Hạ năm nay chúng tôi xin cung kính được viết “đôi lời thưa gửi” nầy để gửi đến chư Tôn Đức Tăng Ni khắp nơi đang hành đạo, biết nguyên nhân có được tác phẩm nầy. Chúng con cũng xin cúi đầu đảnh lễ và thâm tạ thâm ân của cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ, cố Hòa Thượng Thích Đỗng Minh cũng như Hòa Thượng Thích Nguyên Chứng: nhờ đây mà người xuất gia của chúng con mới có được cơ hội học, tu và hành trì theo tinh thần Yết Ma cũng như Luật Tạng mà quý Ngài đã bỏ công ra rất nhiều để biên soạn nên những tác phẩm giá trị như thế nầy.
Thích Như Điển
Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc.
Viết xong vào ngày 4 tháng 7 năm 2021 tại thư phòng của Tổ Đình.
Liên lạc:
Hoà thượng Thích Như Điển – Chánh Thư Ký, HĐHP
Chùa Viên Giác. Karlsruher Str. 6, 30519 Hannover, Germany
Email: hdhp.ctk@gmail.com; Tel: + 49 511 879 630
Thượng toạ Thích Nguyên Tạng – Trưởng ban Báo Chí và Xuất Bản, HĐHP
Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Email: hdhp.bbc@gmail.com; Tel: +61 481 169 631
Thượng tọa Thích Tâm Hòa – Trưởng ban Bảo Trợ, HĐHP
Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo – Pháp Vân – Ontario
420 Traders Blvd E, Mississauga, ON L4Z 1W7, Canada
Email: thichtamhoa@gmail.com; Tel: +1 905-712-8809