HT Thích Như Điển: Lời Phật dạy qua kinh Thắng Tư Duy Phạm Thiên Sở Vấn

(Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tập thứ 15, Kinh Văn số 587 gồm 6 quyển,
đời Nguyên Ngụy Ngài Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi, người Thiên Trúc dịch từ tiếng Phạn sang Hán Văn
từ trang 62 đến trang 95).

Kinh, Luật, Luận của Phật Giáo cả Nam Truyền lẫn Bắc Truyền đọc tụng suốt cả đời cũng không hết. Bởi lẽ lời Phật, lời Tổ quá sâu sắc nhiệm mầu và đã trải qua hằng nghìn năm, nên hàng hậu học của chúng ta nếu không đi vào Tam Tạng Thánh Giáo thì dễ bị đi lạc vào rừng sâu của tà kiến không có lối ra.

Tôi được một nhân duyên thù thắng là kể từ năm 2003 đến nay (2023), sau khi về ngôi Phương Trượng của Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, giao hẳn việc Trụ Trì cho 4 đời lo liệu (Thầy Hạnh Tấn, Thầy Hạnh Hạnh Giới, Thầy Hạnh Bổn và Thầy Hạnh Định), nên tôi có rất nhiều thời gian để nhập thất, tịnh tu, đọc sách và nhất là đọc Đại Tạng Kinh. Tổng cộng Kinh văn trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo) có tất cả là 2.920 kinh văn. Có loại ngắn, loại dài khác nhau. Ví dụ như Kinh Đại Bát Nhã 600 cuốn mà Ngài Huyền Trang mang từ Ấn Độ về lại Trung Quốc, cho dịch từ tiếng Sanskrit sang Hán văn từ năm 661 đến 663 đời Nhà Đường, từ tập thứ 5 bộ thứ nhất trong Đại Chánh Tạng đến hết tập thứ 7 bộ thứ 3, gồm mấy ngàn trang cũng chỉ thuộc kinh văn thứ 220 trong 2.920 kinh Văn ấy. Nếu dịch hết ra Việt ngữ Đại Chánh Tạng cũng không dưới 250 tập; mỗi tập độ trên dưới 1.000 trang. Nếu có ai hỏi Tam Tạng Thánh Điển của Phật Giáo Đại Thừa bao nhiêu trang kinh sách, thì chúng ta có thể trả lời như vậy.

Mỗi lần đọc đến đâu tôi hay ghi chú những lời dạy của Đức Phật và chư Tổ mà mình nắm bắt được đến đó, viết thành những đoản văn ngắn, để những vị nào ít có thời gian thì cũng có thể thâm nhập ít nhiều về những giáo lý cao cả thâm sâu nầy. Đây không phải là việc phô trương, mà chỉ là một sự cống hiến theo tinh thần Lục Hòa vậy. Đó là: Kiến hòa đồng giải.

Phần trích dẫn và giảng rộng dưới đây thuộc quyển thứ 6 của Kinh Thắng Tư Duy Phạm Thiên Sở Vấn.

Bấy giờ Tuệ Mạng Đại Ca Diếp ở trong chúng hội, liền đến bạch Phật rằng:

Bạch Đức Thế Tôn! Ví như rồng lớn muốn làm mưa thì nó thường mưa ở những nơi biển rộng, ngoài ra nó không mưa các nơi khác. Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, thường đem mưa pháp lớn rưới lên những ai có tâm rộng lớn. Ngoài ra các vị không giảng nói cho người có tâm nhỏ hẹp.

Đức Phật dạy rằng:

Này Ca Diếp! Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời Ông vừa nói! Các rồng chúa sở dĩ không mưa xuống cõi Diêm Phù Đề không phải là chúng ích kỷ, nhưng do nơi chốn đó không thể chứa hết lượng mưa lớn. Vì sao? Vì giọt mưa của rồng chúa lớn như trục xe, ở trong cõi Diêm Phù Đề không thể dung nạp hết. Nếu có mưa xuống cõi ấy thì nơi các thành ấp, xóm làng, rừng núi, ao hồ đều trôi nổi như chiếc lá táo. Cho nên rồng chúa không mưa xuống cõi Diêm Phù Đề”.

Chúng ta thử thẩm thấu vào đoạn Kinh nầy để hiểu sâu hơn so với sự tiến bộ của khoa học ngày nay như thế nào? Đầu tiên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Đức Phật lịch sử, có sinh ra, lớn lên, lập gia đình, đi xuất gia, tu khổ hạnh, thành đạo, thuyết pháp và nhập Niết Bàn. Ngài Ca Diếp cũng là một vị Thanh Văn A La Hán lịch sử. Ngài người Ấn Độ, trước khi theo Phật, Ngài theo Bà La Môn giáo. Ngài là một trong 10 vị Đại Đệ Tử của Đức Phật, tu theo hạnh đầu đà và thiền định. Ngài là Sơ Tổ của tất cả tông phái Phật giáo về sau nầy. Đức Phật chia các loài chúng sanh ra nhiều loại khác nhau gọi là Thiên Long bát bộ gồm có: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La và Ma Hầu La Già. Thiên đứng đầu là Đế Thích, Long tức là rồng, Dạ Xoa là quỷ thần, Càn Thát Bà là nhạc thần, A Tu La gồm cả thiện thần có phước báu lớn và ác thần có ít phước báu, Ca Lâu La là chim Đại bàng, Khẩn Na La là nhạc thần của Đế Thích và Ma Hầu La Già là thần rắn, mình người đầu rắn. Những loại chúng sanh như thế nầy với mắt thường chúng ta không thể thấy được, nhưng với huệ nhãn của Như Lai hay các vị Bồ Tát hoặc các vị A La Hán có thể gặp gỡ, nhìn thấy, mà mắt thường với nhục nhãn như chúng ta ít phước báu không thể cảm nhận ra được.

Ngày nay khoa học chứng minh rằng: nước bốc hơi thành mây, mây gặp lạnh thành mưa và mưa thành nước. Chỉ đơn giản vậy thôi, chứ khoa học cũng chưa rõ biết hết nguồn gốc của nước từ cõi nào đến đây. Vì khoa học chưa có tuệ nhãn như chư Phật hay các vị Bồ Tát. Nhưng điều quan trọng ở đoạn văn nầy là những người có tâm hẹp hòi như chúng ta ở cõi Diêm Phù Đề nầy không thể đón nhận được những trận mưa pháp lớn của các vị Bồ Tát, nếu các Ngài ban rải mưa pháp dồi dào thì chúng sanh ở đây sẽ bị ngập lặn trong biển pháp, cũng giống như rồng lớn không mưa xuống cõi Diêm Phù Đề nầy, vì sợ nước dâng cao sẽ ngập hết cả thế giới nầy.

“Này Ca Diếp! Các vị Bồ Tát này không tuôn mưa pháp xuống nơi các chúng sanh khác, không phải vì tâm ích kỷ, mà do các chúng sanh ấy không có đủ khả năng để lãnh hội các pháp nầy. Do ý nghĩa đó các vị Bồ Tát thường đối với những ai có trí tuệ sâu rộng, vô lượng, vô biên, với tâm rộng lớn như biển mới ban bố pháp vũ vô thượng, không thể nghĩ bàn ấy”.

Đoạn nầy Đức Phật giải thích cho chúng ta qua Ngài Ca Diếp rất rõ ràng. Nghĩa là tâm của chúng ta chỉ có thể đón nhận, lãnh hội giới hạn những lời dạy của các vị Bồ Tát, không thể nhận hết được những lời dạy sâu xa của các vị Bồ Tát. Không phải vì các vị Bồ Tát ích kỷ, hẹp hòi mà chính là để chỉ ban cho những người nào có trí tuệ sâu rộng, mới có thể lãnh hội được những cơn mưa to lớn ấy.

“Nầy Ca Diếp! Giống như biển lớn có thể chứa được lượng mưa hạt lớn như trục xe mà không có tăng, không có giảm. Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, đối với một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc nghe lãnh hội, hoặc giảng nói pháp môn an nhiên trong lặng không tăng, không giảm”.

Quả là cao cả và tuyệt vời! Bởi lẽ biển cả mênh mông tràn đầy với nước, nhưng biển sẽ không chê, không chối từ nước ấy từ nơi nào đến và chảy vào biển; nhưng phải là biển lớn mới chứa được lượng nước mưa lớn. Với tâm của các vị Bồ Tát cũng vậy, dầu cho trong một kiếp số, mười kiếp số hay nhiều kiếp số đi chăng nữa khi nghe hay lãnh hội hoặc giảng nói…tâm của các Ngài an nhiên, trong lặng, không tăng, không giảm như biển cả mênh mông kia vậy.

“Nầy Ca Diếp! Ví như biển lớn chứa đựng được nước của hằng trăm con sông chảy vào, nhưng đều hòa chung thành một vị mặn. Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, dù nghe rất nhiều pháp, lãnh hội vô số luận nghị, nhưng đều tin hiểu chỉ có một vị, đó là vị Không”.

Đoạn nầy rất là tuyệt vời khi chúng ta hiểu thêm về tánh Không của các pháp. Đó là: không đến, không đi, không còn, không mất, không tăng, không giảm, không một mà cũng chẳng khác một. Đây chính là tánh Không, là Phật tánh. Bởi lẽ tánh ấy cũng giống như vị mặn của muối. Dầu trăm con sông tràn vào biển cả, chúng cũng bị hóa giải thành một vị duy nhất. Đó là vị mặn của muối, của nước biển. Bồ Tát dầu tu đủ loại pháp môn, nghe rất nhiều pháp, lãnh hội vô số luận nghị; nhưng tất cả các vị Bồ Tát đều tin hiểu rằng: Pháp ấy chỉ có một vị. Đó là vị Không. Vì sao vậy? Bởi lẽ tất cả các pháp đều do nhân duyên mà hòa hợp. Rồi do nhân duyên biến đổi, pháp ấy mất đi rồi hoàn lại. Chỉ có tâm chúng sanh thay đổi, chứ pháp thì không thay đổi.

“Này Ca Diếp! Ví như biển lớn thanh tịnh, không cấu uế, các dòng sông đục dơ đổ vào đều trở thành trong sạch. Các vị Bồ Tát ở đây cũng lại như vậy, có thể làm thanh tịnh tất cả các thứ phiền não, sân hận, oán hại, cấu bẩn”.

Biển cả mênh mông không phân biệt nước dơ hay sạch chảy vào đó. Khi đã vào lòng biển rồi đều lắng trong, không còn dơ hay sạch nữa. Tâm Bồ Tát cũng rộng như hư không, dẫu cho phiền não của tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… có chảy vào tâm của các Ngài thì Bồ Tát có thể làm cho những sân hận, phiền não ấy thanh tịnh. Nơi tâm của các Ngài không có nhân ngã, bỉ thử. Đã có lần tôi phát nguyện rằng: “Con xin nguyện làm một dòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời và xin nguyện làm mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế”. Đó chính là học ở hạnh nầy vậy. Vì là dòng sông thì không chê nước trong hay đục và là mặt đất thì dơ sạch cũng là chuyện bình thường, không trụ vào đó để chấp trước với nhơn ngã, bỉ thử v.v…

…”Này Ca Diếp! Ví như biển lớn trọn không thiên vị vì một chúng sanh nào mà có. Các vị Bồ Tát ấy cũng lại như vậy, không vì riêng một chúng sanh nào mà phát tâm Bồ Đề”.

Tâm Bồ Đề là tâm đại đạo, không phân biệt kẻ hiền người trí, kẻ dữ, người lành. Tâm ấy không được phép thương riêng chúng sanh nào và cũng không được phép ghét riêng chúng sanh nào. Nên tâm ấy gọi là tâm đại đạo. Bởi vì sự phát tâm ấy không phải vì có sự hiện hữu của chúng sanh, nên Bồ Tát mới phát tâm, mà tâm ấy giống như biển cả bao la, dung nạp hết tất cả các chúng sanh vào đấy.

“Nầy Ca Diếp! Ví như biển lớn không dung chứa tử thi qua đêm. Các vị Bồ Tát ấy cũng lại như vậy, không dung chứa tâm của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, cũng không dung chứa những người có tâm tham lam, phá giới, điên cuồng, giận dữ, lười biếng, loạn động, ngu si, kiến chấp nơi ngã, nhân, chúng sanh….”

Rõ ràng là như thế! Tuy biển cả rộng mênh mông, không ai đo được sự bao la ấy, nhưng tử thi có trôi vào thì biển lớn cũng không dung chứa qua đêm. Mà tử thi ấy phải nổi lên. Tuy là biển chứa tất cả, nhưng tham lam, tật đố, ngu si, tà kiến, lười biếng, giận dữ, kiến chấp nơi ngã v.v… chảy vào đó phải hòa thành pháp vị của Bồ Đề hạnh, không thể cứ chấp chặt vào những nhân ngã bỉ thử kia, để chỉ trở thành một vị duy nhất, giống như vị mặn của muối.

“Này Ca Diếp! Ví như lúc kiếp tận, thế giới nầy bị lửa thiêu đốt, thì các ao hồ, sông ngòi, khe suối đều khô cạn trước, sau đó biển lớn mới khô cạn. Lúc Chánh pháp bị hủy diệt cũng lại như vậy, những ai hành theo Chánh pháp của đạo nhỏ thì bị diệt trước, sau đó mới hủy diệt Chánh pháp của các vị Bồ tát với tâm rộng lớn như biển”.

Không cần phải qua những lời tiên tri của những bậc hiền triết xưa nay đang lưu hành đây đó, chúng ta cũng có thể hiểu qua lời Phật dạy rằng thế giới nầy sẽ bị lửa thiêu  đốt, rồi gió sẽ thổi mạnh, nước sẽ dâng cao, như trong Luận A Tỳ Đàm về việc thành lập thế giới, Đức Phật cũng đã dạy như vậy. Ngay cả bây giờ trong thế kỷ thứ 21 nầy những phong trào bảo vệ khí hậu, bảo vệ quả địa cầu, bảo vệ môi trường v.v… đang được thành lập khắp nơi trên thế giới, nhưng thế giới nầy cũng sẽ đi đến chỗ diệt vong, nếu con người không biết tôn trọng sự sống trên quả địa cầu nầy. Chánh pháp cũng như vậy, Chánh pháp nhỏ cũng giống như những lá cây hay cành cây nhỏ bị khô héo trên một thân cây, sẽ bị hủy diệt trước và những cành lớn hơn ví như Chánh pháp của các vị Bồ Tát sẽ bị hủy diệt sau. Tất cả đều được sinh ra trên một thân cây, nhưng có cành bị gãy đổ trước và có cành bị hư hại sau. Vì sao vậy? Vì lẽ chúng ta không nói năng như Chánh pháp và không yên lặng như Chánh pháp. Thế nào là nói năng như Chánh pháp? Đó là lời nói hay thuyết pháp không trái lại lời Phật dạy, không trái lại với pháp và không ngược lại sự hòa hợp của Tăng. Im lặng như Chánh pháp có nghĩa là người nào hiểu được Phật, kẻ ấy sẽ hiểu được Pháp. Pháp ấy là pháp vô tướng và tự tánh của pháp nầy vốn là Không. Tăng có nghĩa là Vô Vi. Chính đó là Niết Bàn an tịnh mà người xuất gia cần đạt đến.

“Này Ca Diếp! Các vị Bồ Tát ấy thà bỏ thân mạng, chớ không xả bỏ Chánh Pháp”.

Thân mạng nầy có được là do nghiệp lực tạo ra để được làm người, làm chư Thiên hay Bồ Tát hoặc ngay cả những chúng sanh thấp hơn. Nếu chúng ta có xả bỏ là xả bỏ thân mạng nầy để còn Chánh pháp; chứ không lìa bỏ Chánh pháp để cố giữ thân mạng nầy. Chúng ta phải nên thực hành hạnh nguyện như Ngài Dược Vương và Ngài Dược Thượng Bồ Tát trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh phẩm thứ 23, hay sự bảo vệ Chánh pháp như Bồ Tát Thích Quảng Đức, vị pháp thiêu thân vào ngày 20 tháng 4 năm Quý Mão 1963 tại Việt Nam vậy.

“… Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, khi Chánh pháp bị hủy diệt, có 7 loại tà pháp xuất hiện. Bấy giờ, các vị Bồ Tát mới đi đến các phương khác. Bảy loại tà pháp ấy là:

      1. Luận sư ngoại đạo
      2. Tri thức ác
      3. Hạng lạm dụng đạo pháp theo nẻo tà
      4. Não loạn lẫn nhau
      5. Vào rừng gai tà kiến
      6. Không thể phá trừ căn bất thiện
      7. Không có người chứng đắc pháp.

Khi bảy loại tà pháp nầy xuất hiện giữa đời, các vị Bồ Tát ấy biết các chúng sanh không thể độ được, lúc ấy mới sinh về quốc độ của các Đức Phật khác để thường được gặp Phật, nghe pháp và giáo hóa chúng sanh, làm tăng trưởng thiện căn”.

Rõ ràng là chúng sanh bỏ các vị Bồ Tát; chứ không phải các vị Bồ Tát bỏ chúng sanh. Bởi lẽ chúng sanh ưa chuộng 7 tà pháp bên trên và ngay trong đời nầy đã hiện ra đầy dẫy khắp đó đây. Do vậy chúng ta phải cố gắng tu tập để Chánh pháp còn ở lại với đời và các vị Bồ Tát ở lại với chúng ta để chúng ta được nương nhờ và được gội nhuần ân pháp vũ.

“Này Ca Diếp! Ví như biển lớn làm nơi sinh sống của vô lượng chúng sanh, làm cho tất cả đều được an vui. Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, làm nơi nương tựa của chúng sanh, khiến cho họ đạt được an lạc nơi cõi trời, người và Niết Bàn”.

Mục đích của các vị Bồ Tát ra đời là: Nguyện thay thế cho chúng sanh để thọ nhận nhiều khổ nạn, nhưng chúng sanh nào hay biết, mải ham mê nơi cõi dục nầy, khiến cho các vị Bồ Tát khó giáo hóa được, nên quý Ngài muốn thay đổi chỗ giáo hóa, đi về nơi khác có Phật và giúp cho chúng sanh ở cõi ấy được tăng trưởng thiện căn. Nếu chúng ta ở cõi nầy biết rằng Bồ Tát chính là nơi nương tựa giống như biển cả mênh mông là nơi nương tựa của nhiều loài chúng sanh thì chúng ta cũng sẽ hưởng được sự an lạc của cõi trời, cõi người hay ngay cả Niết Bàn nữa.

…”Nầy Ca Diếp! Ví như chúng sanh ở trong biển lớn, không tìm nước ở nơi khác để uống, mà chỉ uống nước mặn của biển. Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, không cần tìm cầu pháp vị ở nơi khác để uống, mà chỉ tự uống pháp vị của chư Phật”.

Khi nào bảy loại tà pháp xuất hiện trên đời nầy, khiến cho Bồ Tát không thể độ được nữa, thì Bồ Tát mới đi nơi khác. Bởi lẽ như Đức Phật thường dạy rằng: Ta không gây sự với chúng sanh, mà chúng sanh luôn gây sự với ta. Nên sự tìm cầu pháp vị nơi khác của các Bồ Tát là việc chẳng đặng đừng, cũng giống chúng sanh ở trong biển lớn thì chỉ có uống nước mặn của biển đó để sống sót và tự nuôi dưỡng thân tâm mình.

“Bấy giờ, Tôn Giả Đại Ca Diếp bạch Phật rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn! Biển lớn sâu rộng còn có thể đo lường được, nhưng các vị Bồ Tát, thì tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể đo lường được. Do vậy nói tâm của các vị Bồ Tát giống như hư không.

Phật dạy rằng:

– Nầy Ca Diếp! Nước trong biển lớn, nơi hằng hà sa số thế giới có thể đo lường được, nhưng trí tuệ rộng lớn của các vị Bồ Tát không thể đo lường được”.

Đây là đoạn kết của Kinh Văn nầy trước khi Đức Phật dùng kệ để tuyên nhắc lại ý nghĩa trên.

Tâm của Ngài Ca Diếp tương hợp với lời dạy của Đức Thế Tôn nên mới thưa lời so sánh, ví dụ là dầu cho biển cả rộng lớn đến bao nhiêu đi chăng nữa người ta có thể đo lường được, nhưng các vị Thanh Văn, Duyên Giác không thể nào biết hết được tâm nguyện của các vị Bồ Tát. Vì tâm của các vị Bồ Tát giống như hư không vậy.

Đức Phật cũng đã tán dương về việc nầy và kết luận rằng: Nước trong biển đại dương của hằng hà sa số thế giới có thể đo lường được, nhưng trí tuệ rộng lớn của các Bồ Tát thì không thể đo lường được.

Trên đây là những lời dạy căn bản của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuyên qua việc thưa hỏi của Ngài Ca Diếp, để đời sau chúng sanh theo đó mà phát nguyện tu tập, nhằm xiển dương trí tuệ Phật Đà, không để cho những tà pháp lấn át thế gian nầy, khiến cho nhiều chúng sanh bị chìm đắm trong mê lộ, không có đường về bến giác.

Viết xong vào lúc 16:00 ngày 28 tháng 10 năm 2023 tại Phương Trượng Đường Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc.

(Ghi chú: Bài nầy có tham cứu Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh tập thứ 58 từ trang 466-470).  

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button