HT Thích Như Điển: Nghệ thuật Sống | The Art of Living
Con người sinh ra từ xưa đến nay ai ai cũng phải trải qua 4 giai đoạn. Đó là: Sanh, Già, Bệnh và Chết. Tuy nhiên cũng có người chỉ sanh ra rồi chết liền, không trải qua giai đoạn già hay bịnh; hoặc có người chưa già đã chết vì bịnh hay tai nạn; cũng có lắm người phải sống đến 100 năm hay hơn thế nữa để thấy cuộc thế đổi thay, nhiều khi muốn chết mà chết cũng không được. Dẫu biết rằng sống hay chết là một việc tự nhiên của con người, của muôn vật và ngay cả những chúng sanh có đời sống cao hơn và lâu dài hơn chúng ta, như những vị được sanh ra ở cõi Sắc hay cõi Vô Sắc đi chăng nữa, rồi một ngày nào đó cũng phải chết, phải đi đầu thai. Họ chỉ khác chúng ta là ở cõi đó đời sống sung sướng hơn, có tuổi thọ dài lâu hơn. Vì khi làm người, họ đã biết tạo dựng nhiều phước báu, nên kiếp nầy họ mới được như vậy.
Nhưng sống như thế nào đây? Là một câu hỏi rất lớn mà xưa nay đã có nhiều câu trả lời rồi. Riêng tôi dưới nhãn quan của một người Tăng Sĩ của Phật Giáo, thực hành theo lời dạy của Đức Phật, ngoài giáo lý giải thoát, giác ngộ của Đức Phật đã dạy ra, hằng ngày chúng ta phải tiếp xúc với đời thường. Nên đã là Phật tử, chúng ta cần phải rõ biết cái nhân và cái quả và làm sao có thể làm chủ được chính mình trong các động tác đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, giao tiếp, tiền bạc, nợ nần, tốt xấu, thị phi, nhơn ngã, bỉ thử v.v… Rõ ràng là có cả hàng lô công việc mà chúng ta dầu là người trí thức, một thương nhân, một người nội trợ, một cậu học trò tiểu học vẫn phải đối đầu với những sự kiện nêu trên trong từng hơi thở, từng giây, từng phút, từng cử chỉ, từng hành động v.v… và đây là những sự thật.
Nói về đi thì ai cũng đã từng phải có động tác nầy, nhưng đi như thế nào thì chúng ta ít quan tâm đến. Từ nhà đi đến trường học, công sở, nhà thương, đi Bác Sĩ, đi chợ búa v.v… đa phần chúng ta suy nghĩ rằng đi làm sao cho nhanh nhất, gần nhất và trở về nhà sớm nhất để còn phải làm những công việc khác nữa. Trong khi đó có không biết bao nhiêu người chung quanh ta không có đủ hai chân để đi, hai tay để cầm nắm đồ vật thì họ phải làm sao đây? Mà điều quan trọng là họ cũng phải sống như chúng ta, cũng ăn, cũng ngủ, cũng làm việc, mỗi ngày trong nhiều tiếng đồng hồ như vậy. Chúng ta lành lặn đầy đủ tứ chi, nhưng chúng ta chỉ nghĩ về mình, chứ ít ai quan tâm đến những kẻ kém may mắn hơn chúng ta đang tồn tại bên cạnh cuộc đời nầy.
Đứng là một hành động trong 4 động tác: đi, đứng, nằm, ngồi, nhưng có lẽ người ta đứng ít hơn là đi và ngồi hay nằm. Trong nhà Thiền, thì đứng tức là sự dừng lại rất cần thiết cho việc nhớ nghĩ đến công việc để mà dừng. Vì tâm ta giống như một con ngựa hoang, không dây cương, cứ rong ruổi, buông lung không tự mình kiềm chế lấy mình được. Do vậy làm sao để tâm trụ được một chỗ, ít ra trong vài giây, vài phút, vài giờ lại càng tốt hơn. Vì ít ai dừng lại sự suy nghĩ của việc lành việc dữ được lâu như vậy, ngoại trừ những bậc A La Hán, Bồ Tát hay chư Phật. Nhưng điều nầy không có nghĩa là chúng ta không làm được. Bởi lẽ Đức Phật hằng dạy cho chúng ta rằng: Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật và với tánh Phật nầy, nếu chúng ta biết dừng lại những xáo trộn của nội tâm thì chúng ta sẽ được như Phật.
Nằm thì lo nghĩ mông lung, không ngủ được. Bởi lẽ khi đi ngủ chúng ta lại nghĩ đến chuyện ngày mai đi chợ sẽ mua gì để nấu ăn cho cả nhà; công việc của hãng không biết ra sao đây, nếu không có mình tại đó; không biết hai đứa con trai và con gái của mình có chăm học không, hay chúng chỉ cắm đầu vào máy móc để chơi game? v.v….Cứ như thế dòng suy tư của ta không bao giờ ngừng nghỉ thì làm sao ngủ được. Sáng ra thức giấc dậy thấy mệt mỏi, làm vệ sinh thấy mặt mày phờ phạt quá, để rồi phải tốn công trang điểm thật khéo, hầu che dấu những nếp nhăn vì thiếu ngủ đêm qua. Điều nầy chứng tỏ mình đang tự dối mình. Bởi lẽ sức khỏe không ai mua được bằng tiền, mà người khôn ngoan là người biết làm gì để cho sức khỏe của mình được duy trì qua công việc, qua giấc ngủ, qua cách hành xử với bạn bè cùng sở. Cả ngày ta lo đấu tranh để phần thắng thuộc về mình, tối về lên giường nằm đó mà không ngủ, cứ thao thức mãi cho những mưu mô xảo trá để giành thắng lợi về mình, còn ai thua thiệt, mất mát gì thì mặc kệ. Suy đi nghĩ lại biết rằng mình sai, nhưng vẫn bào chữa cho là đúng để bảo vệ cái tự ngã của mình. Quan niệm nầy ai trong chúng ta cũng có, nhưng nếu chúng ta biết buông bỏ tự ngã một phần nào trong cuộc sống, thì chắc rằng khi nằm xuống chúng ta sẽ ngủ ngon trong một giấc ngủ dài, không mộng mị và không thao thức gì cả. Làm sao để thực hiện được điều nầy thì mỗi người trong chúng ta phải tự tìm ra một công thức để buông bỏ từ từ. Nếu công việc cứ theo ta từ sở về nhà, đem lên bàn ăn của gia đình, ra ngoài tiệm coffee, và rồi tiếp tục đi vào sở lại. Cứ như vậy chúng ta có thể ngủ ngon giấc được chăng? Hãy buông xuống những gì không đáng giữ lại trong tâm, nơi thân. Bởi vì khi chúng ta sinh ra trong đời này, có ai mang theo được gì ngoại trừ hai bàn tay trắng? Thế mà khi lớn lên, lao vào chốn công danh sự nghiệp, chúng ta thâu tóm tất cả vào hai bàn tay nầy để có thật là nhiều tiền, thật là nhiều quyền lực. Rồi một ngày nào đó, ta cũng phải ra đi như bao nhiêu lần chúng ta đã đến, đã đi ở thế giới nầy. Rốt cuộc hai bàn tay nắm chặt ấy cũng phải buông ra và trong đó chẳng có một vật gì, ngoại trừ nghiệp lực do chúng ta đã tạo ra nhân tốt hay xấu trong khi sống. Để rồi chúng ta sẽ lại sống một kiếp khác với cái quả tốt hay xấu là do cái nhân mà chúng ta đã tạo ra. Nhưng rất hiếm người biết lo xa như vậy. Bởi vì ai cũng nghĩ rằng mình làm sao chết sớm được? Của nầy do mình tạo ra mà? Nhưng nghĩ cho cùng thì cái gì là cái của mình đây? Ngay cái thân nầy khi lành mạnh thì mình làm chủ được nó, nhưng khi bịnh hoạn rồi thì bịnh làm chủ mình, chứ mình nào có chủ động được gì đâu? Do vậy nên lo những điều có thể lo và nên buông bỏ những điều gì có thể buông bỏ, thì giấc ngủ sẽ an lành đến với chúng ta sau khi đặt lưng xuống giường nằm ngủ.
Ngồi ở đây nhưng trông ở kia. Thân thì ngồi đây; nhưng tâm thì rong chơi khắp nơi không biết mệt mỏi. Ngồi đánh bài và xem cải lương hằng giờ, hằng nhiều giờ nhưng chẳng than mệt hay đau lưng bao giờ. Thế mà khi ngồi vào giảng đường để nghe Quý Thầy giảng pháp thì lại ngủ gục. Ngồi tụng Kinh chẳng được bao lâu lại đứng lên, nêu lý do là tụng kinh chẳng hiểu gì cả. Có lẽ sự sát phạt hơn thua nhau hay mãnh lực của đồng tiền nó mạnh hơn lời dạy ngàn năm trước của chư Phật? Nếu vậy thì tiền là một mị lực rồi, nhưng làm sao chúng ta có thể thoát khỏi mị lực nầy? Nếu chúng ta không có đủ can đảm để từ bỏ những thói hư tật xấu như bài bạc, rượu chè, thì ngồi vào nghe kinh ngủ gục là đúng rồi. Bởi vì nội dung của kinh điển khô khan lắm, làm sao có đủ hấp lực hơn là chuyện sát phạt đỏ đen với nhau?
Con trẻ thì mê Game; người lớn tuổi thì mê điện thoại cầm tay, đánh bạc, hút xách v.v… Cha Mẹ dạy bảo, con không nghe lời. Vì lẽ trẻ con thấy người lớn không làm gương cho chúng thì làm sao chúng có thể tin và làm theo được. Bảo nó đừng dán mắt vào màn hình để chơi game, mà Cha Mẹ thì chiếc máy điện thoại cầm tay không rời, ngay cả khi ăn cơm chung trong gia đình hay khi ngồi trong phòng khách cũng vậy. Cha một máy, Mẹ một máy, con cái mỗi đứa một máy để chơi trò chơi riêng. Tuy chung nhà nhưng chẳng có chung một hướng đi. Đây là sự tự do chăng? Hay đây chính là sự hủy hoại gia đình? Vì sao cả trẻ em lẫn ngưới lớn đều bị những thứ nầy chi phối ghê gớm như vậy? Lý do đơn giản thôi. Bởi vì mình không làm chủ được chính mình thì làm sao dạy cho con trẻ nó làm chủ được những trò chơi điện tử hấp dẫn hơn những bài học ở học đường như vậy? Nếu đem ra một quyển tiểu thuyết hấp dẫn và một quyển kinh để bên cạnh nhau, thì đa phần dẫu cho là người có thích tụng kinh đi nữa, vẫn chọn đọc quyển tiểu thuyết trước. Vì sao vậy? Vì chúng ta thích những gì dễ dãi. Dù gì thì quyển tiểu thuyết cũng dễ đọc hơn là quyển kinh, giống như mì ăn liền hay hot dog thì nhanh và tiện lợi hơn. Sau khi Iphone 12 ra đời sẽ có Iphone 14,15 rồi 16, 17 v.v…tất cả người sản xuất ra chúng, chỉ lừa chúng ta để họ giàu có hơn qua những khâu sản xuất Iphone mới, nhưng chúng ta thì phải làm sao tìm cho ra được tiền để mua nó về dùng và cũng chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi, vì rồi sẽ tiếp tục có cái Iphone hay Ipad mới hơn. Chúng ta luôn chạy theo cái mới nhằm thỏa mãn sự tò mò, chứ chẳng có gì khác hơn cả.
Đa phần con người hay tham lam, ích kỷ, chỉ muốn mình giàu có, còn ai đó giàu hơn mình thì ta lại ganh tị, đố kỵ. Vì lẽ gì tạo ra như vậy? Đó chẳng qua là cá nhân chủ nghĩa mà thôi. Ta muốn chứng tỏ với mọi người rằng cái ta của tôi mới là cái đáng nói, còn sự hiện diện của Anh, của Chị ở đây nó chẳng là gì cả. Đây chỉ nhắm vào mục đích thỏa mãn lòng vị kỷ và tham vọng cá nhân. Cố gắng chứng minh cho rằng mình là người bao giờ cũng đúng, kẻ kia mới là người sai. Ta mới là người có học, còn Anh Chị kia học hành chả đến nơi đến chốn thì làm sao hơn ta được? Ta mới là chủ nhân ông ở đây, còn người kia chỉ là đầy tớ, người đi xin việc. Ta thi ân cho nó và cả Bố Mẹ nó nữa, thì làm sao ta có thể hạ mình xuống để xin lỗi những hạng người như vậy. Điều đó ta sẽ không làm, vì cái tự ngã của mình nó phải lớn hơn của những người thất học kia chứ? Nhưng ngã là gì? Ở đây có lần Đức Phật đã dạy cho Ngài A Nan rằng:
Ông hãy lấy hai bàn tay vỗ mạnh vào nhau. Ngài An Nan làm vậy. Đoạn Đức Phật hỏi rằng:
Ông có nghe gì không?
Thưa Thế Tôn, âm thanh của tiếng vỗ. Ngài A Nan bạch Phật như thế.
Nhưng tiếng vỗ ấy từ đâu đến?
Bạch Thế Tôn, do hai bàn tay chạm vào nhau.
Vậy trước khi tiếng vỗ ấy xảy ra và sau khi tiếng vỗ ấy xảy ra thì tiếng vỗ ấy ở đâu?
Bạch Thế Tôn, không từ đâu cả, mà do duyên của hai bàn tay chạm vào nhau vậy. Ngài A Nan trả lời.
Căn cứ vào câu chuyện trên đây thì đâu có gì là chủ thể, đâu có gì là tự ngã. Do nhân duyên hòa hợp nên hai bàn tay vỗ vào nhau tạo thành tiếng kêu, và khi duyên không còn, hai bàn tay không chạm vào nhau nữa thì tiếng vỗ kia cũng không có. Tất cả đều không thể tự có hay tự mất mà có hay không là do duyên hợp hay tan mà thôi.
Câu chuyện tiếp theo thuộc về ngã sở. Có nghĩa là những gì thuộc về mình và những gì là của mình. Ví dụ như chúng ta nói rằng: Đây là cái nhà của tôi, người vợ của tôi, đứa con trai, con gái của tôi. Đây là tài sản của tôi. Để chứng minh rằng nó không phải là của tôi và nó cũng chẳng thuộc về tôi với câu chuyện như sau.
Đức Phật bảo Ngài A Nan rằng:
Ông hãy lấy bó củi kia để đem đi đốt. Ngài A Nan vâng lời làm theo và sau khi đốt xong bó củi, Đức Phật liền hỏi Ngài A Nan rằng:
Bây giờ bó củi ấy đâu rồi?
Bạch Thế Tôn, nó đã cháy thành tro hết rồi. Ngài A Nan trả lời.
Như Ông thấy đó, bó củi kia chúng ta nói nó thuộc về mình vì nó có hình tướng, nhưng bây giờ sau khi bị lửa đốt cháy, thì nó không còn là của mình và thuộc về mình nữa. Như thế ấy, những gì mà lâu nay các Ông nghĩ nó là của mình, thuộc về mình và chính mình là chủ nhân ông của những vật kia, nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Phải biết rằng tất cả mọi vật trên thế gian nầy đều phải bị biến đổi bởi vô thường, khổ, không và vô ngã. Không có cái gì tự độc lập và không có cái gì là chủ tể cả. Ngay như vật đó mình bảo rằng vật ấy là của mình.
Qua hai câu chuyện trên Đức Phật đã dạy cho Ngài An Nan, chúng ta thấy được gì? Khi chưa học Phật chúng ta chưa rõ được bộ mặt thật của cuộc sống nầy. Ta cứ nghĩ tất cả là của ta, tất cả đều thuộc về ta, nhưng chung cuộc lại, chẳng có gì là của ta cả. Ta đã mượn một ít không khí của đất trời để thở, ta mượn rau, đậu để nuôi thân, mượn nước để uống, mượn đất để xây nhà, xây cửa cho chúng ta tạm có nơi chốn trú ngụ một thời gian trong 3 năm, 5 năm hay 10 năm v.v… để rồi một ngày nào đó cái gì đã có hình tướng thì ta phải trả lại cho nó. Không khí trả lại cho không khí, nước uống, đồ ăn chúng ta đã vay mượn để sống trong mấy mươi năm ở cõi trần nầy, bây giờ chúng ta cũng phải trả lại cho thiên nhiên, khi thân cát bụi nầy vùi sâu vào lòng đất, cũng cốt chỉ làm phân bón để nuôi cây cỏ tốt tươi và người khác sẽ đến vay mượn tiếp. Rồi cứ vay, cứ trả từ đời nầy qua đời khác, từ kiếp nầy qua kiếp khác, nên mới gọi là luân hồi. Đến rồi đi, đi rồi trở lại. Lúc làm cha, lúc làm chồng, lúc làm con, lúc làm vợ v.v… nên trong Kinh Bồ Tát Giới, Đức Phật đã dạy rằng: “Tất cả nam tử là Cha ta và tất cả nữ nhơn là Mẹ ta” là như vậy. Nếu chúng ta sống trên đời nầy thấy rằng, ai cũng là người thân của ta và ta đến đây cũng chỉ để vay mượn mỗi thứ một ít trong một thời gian dài ngắn khác nhau, để rồi một ngày nào đó ta ra đi, cũng phải trả lại cho đất trời vạn vật, thì chắc rằng chiến tranh, thù hận, tranh danh đoạt lợi sẽ không diễn ra hằng ngày, như chiến trường của thế giới đang xảy ra đây đó. Có bao người hiểu sâu được lý nhân duyên và nhân quả nầy?
Thế giới nầy nếu muốn hòa bình thật sự, mỗi chúng ta phải thương quả đất nầy nhiều hơn nữa. Chúng ta phải bảo vệ quả đất để cho con em đời sau của chúng ta đến, có đủ lương thực mà dùng. Chúng ta phải tôn trọng môi trường bằng cách cố gắng ăn chay nhiều hơn nữa, nhằm giảm thiểu sự sát hại những chúng sanh khác, mà trên nguyên tắc chúng cũng có quyền sinh sống như chúng ta trên quả địa cầu nầy. Chúng cũng là một trong nhiều loại chúng sanh so với chúng ta. Nhưng con người có được sự giáo dục, thực hiện nền luân lý, đạo đức biết tôn trọng lẫn nhau, không cư xử thiếu văn minh; trong khi đó loài vật không có được những điều kiện như con người, nên chúng tự ăn tươi nuốt sống với nhau để tồn tại. Nếu loài người chúng ta cũng đối xử với nhau như thế, thì đâu có khác gì những loài vật kia là bao nhiêu. Do vậy chúng ta phải tự tôn trọng mình trước và xem người như là mình, sự đau khổ của người cũng là sự đau khổ của mình. Có như vậy thế giới nầy mới mong an bình hạnh phúc được.
Để kết luận bài nầy, tôi xin viết thêm hai câu chuyện như sau. Một của Tăng Tử và một của Ngài Bồ Tát Long Thọ (Nagajuna).
Tăng Tử bảo rằng: “Người làm lành, tuy việc Thiện chưa đến, nhưng cái ác đã xa dần. Người làm ác, tuy kết quả xấu xa chưa lại, nhưng cái ác đã gần kề”. Nếu chúng ta suy nghĩ thật kỹ về lời dạy nầy của Tăng Tử thì chúng ta sẽ cố gắng bỏ ác làm lành, để chúng ta sống trên quả địa cầu nầy có ý nghĩa hơn.
Ngài Nagajuna (Long Thọ) có dạy trong Đại Trí Độ Luận rằng: ”Hãy đừng chờ ai đó đem nhung bọc hết quả địa cầu nầy lại để chúng ta đi hai chân cho được êm, mà mỗi người trong chúng ta hãy tự bọc nhung hai chân của mình lại để đi được êm trên quả địa cầu nầy”. Đây chính là nghệ thuật sống vậy.
Viết xong vào lúc 17:30 ngày 27 tháng 7 năm 2021 tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc.
_________________________________
The Art of Living
By The Most Venerable Thich Nhu Dien
Translated from Vietnamese into English by Ven. Dr. Thích Hạnh Giới and his disciple Ven. Thích Thông Giáo, MA.
From ancient times to the present, every human being has to go through four stages: Birth, Old Age, Sickness, and Death. There are also people who are just born and die immediately, without experiencing old age or illness. And there are also many people who have lived or will live up to 100 years or more to witness the world changes. Sometimes people want to die but they can’t. Even though we know that life or death are natural processes for humans and all living beings, even for sentient beings whose lives are higher and longer than ours, such as those born in the Form or Formless realms; they all must die one day and will later be reborn. They only differ from us by having a happier life and a longer lifespan. Because when they were human, they knew how to do many good deeds, so that in this life they can obtain many benefits.
But how is life? This is a very big question that has already had many answers. As for me, from the perspective of a Buddhist monk, practicing according to the Buddha’s teachings in addition to the teachings of liberation and enlightenment taught by the Buddha, we have to come into contact with everyday life. Therefore, Buddhism needs to know clearly about cause and effect and how to be mindful in all our actions, such as walking, standing, lying, sitting, eating, communicating, money, debt, good and bad, criticizing, etc. Obviously, there are loads of jobs that we all have to deal with, whether we are intellectuals, businessmen, housewives, or elementary school students. We have to deal with all those facts in every breath, every second, every minute, every gesture, every action, etc., and this is real.
Regarding walking, every one of us surely is familiar with this basic action, but not all of us are mindful about how we walk, from home to school, to the office, to the hospital, to the market. We are used to thinking about how to get from one place to another the quickest, so that we have more time to do other things. Meanwhile, there are people who cannot walk, maybe because they are missing one of their limbs. But they also live and have to do everything similarly to us in their daily lives. How hard must it be for them not to be able to walk easily like we do? We have a healthy body but we only think about ourselves, hardly about others who are less fortunate than us.
Standing is also one of the four basic actions, but perhaps we tend to stand less than what we walk or lay. In meditation school, to stand is to halt and it is necessary to remind yourself to stop and be mindful. Our mind is like a wild horse without reins, running freely with no self-control. So, it would be optimal if we could keep the mind in one place even for a few seconds, minutes, or, even better, hours. But it is rare to find people who can keep it that long, except for the Arahats, the Bodhisattva, and the Buddhas. However, this does not mean that we will never be able to do it. Buddha has taught us that everyone has a Buddha nature. If we learn how to halt all the mess in our minds, we can be able to become like Buddha.
While laying down to sleep, we get lost in our thoughts. We don’t fall asleep right away and think about tomorrow. What will I buy for dinner? What about the work at the office? If I am not at home, will my son and daughter neglect their studies and play video games? And just like that, our thoughts run wild. How can we then sleep? Waking up the next morning, we would be exhausted and have to put on make-up to cover it up. But we only betray ourselves. Good health cannot be bought with money; a wise person knows how to take care of his or her health through work, sleep, and interactions with others. Throughout the day we worry about life’s disputes, to win benefits for ourselves, no matter what happens to others. If we think about it, we would know that it is not right, but still we keep insisting to protect our ego. If we could learn to let go, even a small part of our ego in life, surely, we would be able to sleep peacefully. How can we achieve this? By gradually letting go. Because if work follows us home from the office, to the coffee shop, at the dinner table, how can we sleep? Let go of the unnecessary things in our body and mind. We were born into this world with nothing and will leave with nothing anyway.
From the moment we are born, we try so hard to achieve money, power. But in the end, the only things that follow us are our deeds in life and we will have to live with their karma in the next life. Not many people think that far ahead because nobody thinks that we will die. We think that everything we have is ours. Is that really so? Even our body; when we are still healthy we can control it. But when we become sick, it will control us. Therefore, we should know what makes us worried and let go of things. Then we will have a good sleep when we lay down on our backs.
While we sit, the body is sitting here; but the mind wanders to another place without getting tired. When we sit and play cards or watch opera for hours, we never complain of being tired or having back pains. However, when we sit in the main hall and listen to the Dharma teacher, we fall asleep. Or when we chant sutras, we will not sit very long but instead stand up and leave, arguing that we do not understand anything. Perhaps the competitions or the power of money are stronger than the Buddha’s thousand-year-old teachings? If so, then money is a corrupted power. But how can we get rid of that corrupted power? If we do not have the courage to give up bad habits such as gambling and drinking, we will continue to fall asleep while listening to the sutras. Because the Dharma content is sometimes very dry and difficult; how can it be more attractive than having competitions with others?
Children love games, elderly people love cell phones, gambling, smoking, etc. Children do not listen to their parents because they do not see the adults setting an example for them. How can they believe what is told and follow? Many parents shout at their children asking why they keep staring at the computer screen and playing games. But, what about them? Many parents also get stuck on their mobile phones, even when they are together with the family or sitting in the living room. The father, the mother, the child, everyone has his or her own computer or cell phone to play with. Even though they live in the same house but do not have the same direction. Is this freedom? Or rather is it the destruction of freedom? Why are both children and adults so affected by these things? The reason is very simple. If we cannot control ourselves, how can we teach our children not to play video games and instead focus on learning at school? If you have a choice between a fascinating novel and a sutra book, for many people, even though they like chanting, will still choose to read the novel. Why? Because we like easy things, like eating instant noodles or hot dogs, which are faster and more convenient. When the iPhone 12 comes out on the market, iPhone 13, 14,15, then 16, 17 will follow. The producers who make them just trick us into making them richer. So, the production of new iPhones keeps continuing. The fact is, we will find a way to have money to buy it, use it only for a short time, then look for a newer iPhone or iPad, to satisfy our curiosity, but nothing other than that.
Usually we are very greedy and egoistic. We only want to be rich ourselves. When other people get rich we are jealous of them. Why is that so? It is the matter of individualism. We want to prove to everyone that it is myself that is worth mentioning, and your presence here is nothing. This is only for the purpose of satisfying selfishness and personal ambition, trying to prove that one is always right and others are wrong. I’m the only one who is educated. Others who do not have education, how can they be better than me? I am the master, and the other is just a servant, a job applicant. I am grateful to him and even his parents. Why should I be humble to myself and apologize to such people? I will not do that because my ego must be bigger than those of those illiterate people.
But what is “I” or “Ego”? Once the Buddha taught Ananda:
“Please clap your hands together.” Ananda did so. Then the Buddha asked:
“Did you hear anything?”
“Dear Lord Buddha. The sound of clapping”, Ananda answered to Buddha.
“But where did that clapping come from?
“Most Honored One! It comes when two hands touch each other”, Ananda replied.
“So before and after the clapping of two hands, where is that sound?”
“Honored One, it is not from nowhere, but because of the two hands touching each other”, Ananda replied.
According to the above story, there is no such thing as a subject, nor a self. Everything is due to causes and conditions. So, if the two hands come together, they will make a clapping sound. And if the conditions are not there, then there will also be no clapping sound. It does not exist, does not disappear, does not go, does not come. If conditions are met, then it will appear; if not, it will not. It’s as simple as that.
The next story is about the ego’s procession, meaning things that belong to us or what are ours. For example, we say: “This is my house, my wife, my son, my daughter, and my property”. To prove that it is not mine and it does not belong to me, Buddha told Anan the following story:
The Buddha told Ananda:
“Please take that bundle of wood and burn it”.
Ananda obeyed and after burning the wood, the Buddha asked Ananda: “Where is that bundle of firewood now?”
“Honored One, it has burned to ashes”, Ananda replied.
Buddha then taught Ananda: “As you can see, previously the wood was ours, it had a form. But now after it was burned it is no longer ours. Likewise, everything that you think belongs to you, it is yours; but in reality, it is not. You should know that everything in this world is subject to change by impermanence, suffering, emptiness and non-self. Nothing is independent and nothing is sovereign. Just like everything we say that is mine. There is nothing independent and no ownership”.
What do we learn from these two stories which were taught by Buddha? We learn that before we have studied the Dharma, we don’t know the true meaning of life. We think it is all mine. But in the end, nothing is mine. We only borrow some air from heaven and Earth to breathe; we borrow vegetables and beans to feed ourselves; we borrow water to drink; we borrow land to build a house for us to have a place to live, for a period of maybe 3 years, 5 years or 10 years, but what is borrowed must be returned in the end. Air goes back to the air, the water and food we have borrowed for decades also go back to nature. When our bodies are dead they are buried deep in the soil and become fertilizer to grow plants and trees. And so, the cycle of borrowing keeps repeating from one life to another, called reincarnation. We come and go, sometimes as husband, father, wife, son, or daughter. In the Bodhisattva Precepts Sutra, the Buddha taught that “all men are my father and all women are my mother”. As we live in this world we should see that everyone is our relative and that we come here just to borrow a little bit of each for a certain length of time. One day we have to leave and everything must be returned to heaven and Earth. Hence, war, hatred, and competition for fame will not take place every day like on the battlefields because people deeply understand the law of cause and effect.
If we want true peace in this world, each of us must love this Earth more and more. We must protect the Earth so that our future children will have enough food to eat and air to breathe. We must respect the environment by trying to become more vegetarian, in order to minimize the killing of other beings, who in principle have the same right to live as we do on this planet. Humans have education, morals, and respect for each other, unlike animals that have to eat each other to survive. We must respect ourselves and see others as ourselves; their suffering is also our suffering. Only then can this world be peaceful and happy.
To conclude my speech, I would like to tell two more stories. One of Tang Tu and one of Nagajuna:
Tang Tu said: “People do something good, although good deeds have not yet come; but the evil, bad deeds are far away. In contrast, people who do evil, even though the bad results have not yet returned, but for sure, evil, the bad deeds are already very close”. If we think carefully about this teaching of Tang Tu, we will try to stop evil deeds and do good deeds. We will make our lives more meaningful on this planet.
And Nagarjuna has taught in the Great Wisdom Treatise: “Let us not wait for someone to wrap the entire globe with silk so that we can walk on both feet for comfort, but each of us should wrap our own with silk to walk smoothly on this Earth.” This is the art of living.
Finished writing at 17:30 on July 27, 2021 at the office of Vien Giac Monastery, Hannover, Germany.