HT Thích Như Điển: Người hành khất
Chùa Viên Giác thường hay đón khách thập phương đủ mọi thành phần nam, phụ, lão, ấu, như: người Nhựt, người Mỹ, người Âu Châu, Phi Châu v.v… đủ mọi sắc dân và đủ mọi ngôn ngữ. Nhưng chưa có một vị khách nào có một đặc điểm đáng lưu ý như một người hành khất đã đến thăm chùa trong tháng 3 năm 89 vừa qua, mà tôi sắp kể cho quý vị nghe đây.
Thật ra trong chữ Bikkhu tiếng Phạn dùng để chỉ cho các vị Tỳ Kheo thọ đủ 250 giới, trong đó bao gồm 3 nghĩa là: Khất sĩ, Bố ma và Phá ác. Khất sĩ là người đi xin vật dụng của đàn na thí chủ về nuôi mạng sống của mình; trên cầu đạo giác ngộ, dưới cứu độ quần sanh. Nguyên ngữ của nó, người đi tu chính là người đi thực hiện hạnh nguyện vì người và quên mình và tự hạ mình xuống để sự cống cao ngã mạn không còn tồn tại trong người tu nữa; nên Đức Phật mới chế ra cho các Thầy Tỳ Kheo như vậy.
Bản thân tôi cũng chỉ thế thôi, như bao nhiêu vị Tăng sĩ khác trên quả địa cầu nầy; nhưng điều tôi muốn trình bày ở đây với quý vị là một người Cư sĩ tại gia, mà đi thực hiện hạnh nguyện của một người hành khất.
Vào một chiều đầu Xuân có người khách lạ Âu Châu vào chùa tìm tôi và muốn nói chuyện với tôi. Tôi đã tiếp chuyện với người khách lạ nầy giống như bao nhiêu người khách khác đã đến chùa và đây là những câu đối thoại:
Xin cô cho biết, cô muốn gặp tôi có điều gì?
Tôi, một người không nhà, không cửa, không cha, không mẹ, không bạn bè, đã sống đời hành khất suốt 2 năm nay; nhưng bây giờ tôi muốn dừng chân tại đây. Mong Thầy tế độ.
Cô ta chậm rãi trả lời bằng tiếng Đức như thế. Tôi vừa muốn trả lời, tự nhiên có một vài suy nghĩ chợt đến. Lẽ nào tại xứ Âu Châu nầy lại có những người như thế ư? Đầu tiên tôi tưởng cô ta là người mồ côi; nhưng không phải, có lẽ cô ta còn cha mẹ và họ hàng; nhưng họ hàng không nhìn cô ta, hoặc chính cô ta đã không nhìn họ hàng của mình. Vì cô muốn tự chọn cho cô một lối đi. Tôi ngồi trầm ngâm một chút rồi hỏi tiếp:
Cô quốc tịch gì và tại sao cô chọn cuộc sống ấy?
Tôi không có quốc tịch, tôi cũng không có tên tuổi, và giấy tờ tôi cũng đã mất hết tại Hồng Kông và sở dĩ tôi chọn cuộc sống khất thực vì tôi muốn mình có một sự tự do nào đó không bị lệ thuộc vào ai cả.
Nói chuyện với cô ta một hồi tôi thấy cô ta biết nhiều về Phật Giáo, hiểu rất nhiều về cách sinh hoạt của các chùa, viện ở Á Châu. Cô ta đã quy y với Phật Giáo Tây Tạng và pháp danh cô ta đã có, nhưng cô không còn nhớ nữa, ngay cả chính tên của cô ta. Tôi tin rằng tự cô muốn thế. Vì cũng có nhiều người trên đời nầy muốn quên tất cả và cô ta đã thực hiện được điều đó. Tôi nghe cô nói về chữ vô quốc tịch, tự nhiên lại nghĩ đến thân phận mình cũng như của bao nhiêu người tỵ nạn Việt Nam khác đang sống cuộc đời trôi nổi trên khắp năm châu bốn bề nầy. Nghĩ người mà ngẫm đến ta, tự nhiên tôi thấy có cái gì lắng sâu vào tận đáy lòng, xót thương thân phận của người khách ngồi đối diện, có lẽ cũng chính là xót thương thân phận cho chính mình vậy. Tôi hỏi cô tiếp:
Vậy ăn, uống và ngủ, nghỉ của cô ra sao? Cô ta trả lời rằng:
Việc ăn uống ở Đức hay ở bất cứ nơi đâu cũng không khó khăn gì lắm, vào bất cứ nhà hàng nào, nhất là những nhà hàng Á Châu, xin canh cặn, cơm thừa để ăn qua ngày, đối với tôi chuyện ấy không khó. Còn ngủ thì tôi đã có tấm nhựa nylon và mền, tôi thường hay ngủ trên các chòi canh của người săn thú ngoài rừng và đôi khi tôi vào trong những nhà hoang vắng trong vườn trồng cây để ở lại. Sáng hôm sau lại tiếp tục đi nữa.
Tôi tự nhiên suy nghĩ thật nhiều. Ở đây vào đông trời quá lạnh, làm sao chịu đựng được nổi, mà có người đã chịu đựng được. Tôi tin rằng cô ta đã nói thực điều đó. Có những người đã có chăn êm nệm ấm rồi còn đòi có nhiều tiện nghi khác. Có nhiều người đã và đương sống trên giàu sang phú quý với trân hào hải vị trong các bữa ăn; nhưng vẫn chưa vừa lòng không biết ai đó có bao giờ nghĩ đến những người hành khất sống, ăn, ở như thế chăng? Một người đàn bà, nhất là một người đàn bà Âu Châu lại có thể làm được việc đó.
Trông cô ta không phải là người bất bình thường, chẳng phải là người không có học thức. Vì qua cách đối đáp cũng như phong diện của cô ta, người ta có thể hiểu được điều đó, chỉ thỉnh thoảng cô ta có chêm thêm vài câu trả lời không đâu vào đâu cả, biểu tượng cho tánh xả kỷ của cô thì phải. Tôi trở lại lời yêu cầu đầu tiên của cô ta để tiếp tục câu chuyện.
Ở đây chùa Tăng, vì thế chúng tôi không thâu nhận giới Ưu Bà Di trẻ ở lại chùa. Nếu được, mỗi tháng vài lần cô có thể đến đây để nghe kinh và dùng cơm chay, chứ chúng tôi không thể giúp được lời yêu cầu của cô.
Cô ta có vẻ nghĩ ngợi sau câu trả lời của tôi, một cái buồn nhẹ tênh bao phủ chung quanh người hành khất ấy. Lòng tôi cũng chùng xuống; nhưng đâu có phương tiện nào khác hơn để có thể giúp cô ta. Tô quay sang cô ta để hỏi:
Cô có cần ăn gì không và ngay cả tiền nữa?
Tôi không cần ăn nhiều. Thức ăn của tôi chỉ cần nước canh và bánh mì, đôi khi thêm một ly sữa. Như thế đủ lắm rồi. Nhưng giờ nầy tôi không đói. Xin cảm ơn Thầy. Còn tiền, tôi không cần đâu. Tôi đang còn 3 DM trong túi. Như thế quá đủ đối với tôi.
Đây có lẽ là một câu trả lời mà trong đời tôi chưa bao giờ được nghe ai nói như thế cả, mà câu trả lời ấy lại thốt ra từ miệng của một người Âu Châu, tôi kinh ngạc làm sao. Trong một xã hội mà người ta đang đua đòi về mọi mặt; trong khi đó có những người đang sống giữa xã hội nầy mà không cần đến một phương tiện tài chánh nào. Quả thật là điều khó làm, mà cô ta đã làm được. Điều đó cũng đã nhắc nhở cho chính tự thân của tôi là không hờn trách, không oán than, không bất mãn bất cứ một chuyện gì đã đương và sẽ xảy đến cho mình dưới bất cứ một hình thức nào cả. Tôi cảm thấy đã đầy đủ tất cả tự hồi nào. Tôi cũng là một người khất sĩ, đầy đủ trọn vẹn ý nghĩa của nó. Bởi vậy cho nên chư Tổ Sư mới dạy:
“Có thời có tự mảy may
Không thời cả thế gian nầy cũng không
Cho hay bóng nguyệt dòng sông
Nào ai hay biết có không là gì”
Danh mà chi, lợi mà chi, bằng cấp, địa vị, tiền tài, của cải… có đó rồi mất đó. Nếu ai trong chúng ta cũng đều ý thức được sự vô thường của cuộc đời thì sẽ không đau khổ nữa.
Có nhiều người sẽ tự hỏi chính mình tại sao phải theo đuổi một mục đích lớn như thế? Và theo đuổi để làm gì? Dĩ nhiên câu hỏi nào đặt ra thì phải có câu trả lời tiếp đó, dầu hay hoặc dở. Nhưng điều ở đây có cái gì đặc biệt của một người Âu với một người Á như chúng ta. So ra chúng ta vẫn có đầy đủ phúc duyên hơn nhiều người khác. Vậy cũng không nên đi tìm cái biết đủ đâu xa mà hãy tự tìm lại cái chân ngã của mình. Tôi hỏi tiếp:
Với chừng ấy tiền làm sao cô có thể đi xe Bus hoặc xe lửa?
Cô ta trả lời rằng:
Nếu lỡ bị phạt, họ sẽ ghi giấy tờ cho tôi; nhưng tôi đã nói, tôi không có nhà, do đó làm gì có địa chỉ để họ gởi tới và họ cũng có thể khám xét tôi, tôi cũng chẳng có thêm một đồng nào. Cuối cùng rồi cũng thôi. Tôi sẽ bảo với họ “Tôi là người hành khất”. Nếu đi lên xe lửa, điều đầu tiên là tôi nói sự thật với người soát vé là tôi không có tiền, nếu họ cho đi thì tôi đi tiếp tục. Nếu không, ít nhất tôi cũng đi trên xe được một đoạn đường.
Không biết có ai trong chúng ta đã làm việc ấy chăng? Nếu có làm, có lẽ mục đích không giống như cô ta, vì cô ta không còn gì tất cả. Ngay cả tên của chính cô ta còn muốn quên đi, huống gì nhớ đến tiền bạc hay những loại vặt vãnh tùy thân khác.
Sau khi nói chuyện xong, cô ta từ giã mọi người ra đi trong thầm lặng và chẳng biết đi về đâu. Lòng tôi lại chùng xuống khi nghĩ về “người hành khất” ấy. Tối hôm đó, trong bữa cơm, tôi đã đem câu chuyện nầy nói lại choTăng chúng trong chùa nghe và tôi được biết thêm một vài chi tiết khác nữa.
Một chú tiểu trình bày:
“Trong khi Thầy vắng chùa cách đây mấy tháng, cô ta cũng đã đến đây một lần và cô ta cũng đã thuật lại câu chuyện ở tù của cô ta tại Irak, chỉ vì lý do không có giấy tờ, và trong thời gian ở tù đó, cô chỉ được cho uống nước lạnh và ăn bánh mì khô. Do đó bây giờ cô không quen ăn những loại cứng, khó tiêu, mà tốt nhất là canh hoặc soup. Cô ta cũng đã kể rằng cô muốn đi khắp nơi trên thế giới chỉ một tấm lòng thanh thản, không muốn làm phiền ai bận tâm đến mình”.
Một vị lớn tuổi thêm vào:
“Trông cô ta ăn cơm với canh không, mà ăn được tới 4, 5 chén cơm và mồ hôi ra nhễ nhại, thấy mà cảm động vô cùng”.
Nghe những người trong chùa thuật lại, tôi cũng được biết là cô ta đã tìm đến chùa nầy lúc 2 giờ sáng, cô sợ quấy rầy giấc ngủ của những người trong chùa; nên đã đi ra ngoài vườn bông để nghỉ ở đó cho đến sáng hôm sau mới trở lại chùa. Ở chùa ai cũng thắc mắc, nhưng ít bình phẩm. Vì có nhiều người cũng giống cô ta hay lui tới chùa; nên ít có người để ý.
Riêng tôi, mỗi lần tiếp xúc với một người khách, tôi sẽ giúp họ giải quyết những điều họ cần đến và ngược lại từ trong sự giúp đỡ đó tôi cũng đã tìm hiểu được đối tượng rất nhiều. Ở đây tôi muốn nói, cách cho một lời nói hay một món đồ rất đáng quý trọng hơn là cái của đem cho mà không mang một ý nghĩa thực tâm nào cả. Nếu những bậc lãnh đạo tinh thần có được nhiều thì giờ cũng nên cố gắng nghe những tiếng nói nhỏ nhất, thấp nhất, mà vang vọng vô cùng. Tôi nghĩ rằng dầu kẻ đi xin, hay những người ăn cướp đi chăng nữa vẫn còn một chút gì quý báu của lương tâm. Vì thế nên chúng ta đừng ỷ giàu khinh nghèo, ỷ mạnh hiếp yếu, cậy mình đẹp, chê kẻ kia xấu v.v… giàu nghèo, mạnh yếu, đẹp xấu nó chỉ có giá trị thực sự khi con người tự biết cái chơn ngã của nó mà thôi.
Tôi cũng đã gặp rất nhiều người hành khất trên vỉa hè Paris, Frankfurt, New Dehli, New York v.v… nhưng tôi chưa thấy được một người hành khất nào có được một đời sống giải thoát như người hành khất tôi vừa kể bên trên. Tiền bạc, cơm nước chẳng cần. Ngay cả tên gọi cũng không buồn phải nhớ nữa, quả là một người đi xin mà chẳng xin cái gì của thế gian cả và người cho cũng chẳng có cái gì để mà cho cả. Cả người nhận lẫn người cho không biết ai là kẻ nghèo hơn ai?
Tôi viết bài nầy điều căn bản là để tự nhắc nhở mình, chính mình cũng là người trong cuộc đời khất sĩ, cũng giúp đỡ tha nhân và cũng nhận được của tha nhân. Nhưng tôi mong rằng sự nhận và sự cho đó không còn biên giới nữa để đừng bị trói buộc vào cái chấp có, chấp không thường tình của nhân thế và điều kế tiếp là để gởi đến tất cả mọi người một sự suy nghĩ nho nhỏ khi gặp những người hành khất như tôi đã có lần gặp trong thời gian vừa qua.
Tôi chợt nghĩ biết đâu hình ảnh cô gái hành khất đó chẳng phải là hóa thân của một vị Bồ Tát hay một vị Phật nào đó đã hiện ra để theo dõi lòng người, thử thách tấm lòng bác ái của tha nhân, như những mẩu chuyện cổ tích của Phật Giáo vẫn thường hay kể như thế.
Hôm nay trời trong quá, tôi ghi lại mấy dòng nầy trên bàn giấy trong phòng đọc sách. Để kết thúc bài nầy, tôi nhìn lên từ dung của Đức Bổn Sư đang đặt ngay trước mặt. Tôi mỉm cười và tự nói với mình là “biết đâu… biết đâu đó là một trợ duyên cho nhiều kẻ tu hành”.
Viên Giác Tự, mùa Xuân năm Kỷ Tỵ
[Trích Những đoản văn viết trong 25 năm qua]