HT Thích Như Điển: Sám hối

Kể từ khi vào chùa (1964) cho đến nay (2022) cũng gần 60 năm ròng rã như thế, những người xuất gia như chúng tôi, bất kể là lớn nhỏ, già trẻ ở trong chùa, khi ngày 14 hay 30 âm lịch đến (nếu tháng thiếu thì ngày 29) mọi người đều cạo tóc, tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị cho buổi chiều hoặc buổi tối trong những ngày nầy để lễ bái Sám Hối hồng danh chư Phật. Nhưng tại sao lại phải lễ vào những ngày nầy mà không lễ vào những ngày không phải trăng tròn cũng như trăng khuyết? Đây là một câu hỏi cũng có rất nhiều người đặt ra và sự trả lời có rất nhiều cách.

Căn cứ vào lời Phật dạy căn bản trong Kinh Nam Truyền là vào các ngày mồng 1, 8, 14, 15, 23 và 30 là những ngày trai mà người Phật tử tại gia nên hành trì cũng như thọ Bát Quan Trai giới. Bởi lẽ ngày Mồng 8 và 23 là hai ngày mà Thiên Sứ từ các cõi trời hiện ra trong nhân gian nầy để xem việc lành và việc dữ. Ngày 14 và 30 là những ngày của các vị Đông Cung Thái Tử của chư Thiên đến quan sát loài người. Nếu con người làm thiện nhiều hơn ác thì hai vị Thái Tử nầy sẽ tâu với vị chủ cõi trời thứ 33 là vua Đế Thích rằng:

– Muôn tâu Thánh Thượng: Vào những ngày trên loài người ở cõi Nam Thiệm Bộ Châu biết tu nhơn tích đức làm phước, bố thí cúng dường, tu giới Bát Quan Trai v.v..

– Thánh Thượng đáp:

Như vậy cửa Thiên Đường sẽ mở để đón nhận những người nầy.

Nếu ngược lại, loài người vẫn không quan tâm gì về các điều thiện trong hai ngày nầy mà chỉ toàn làm việc ác thì vua cõi trời thứ 33 phán rằng:

– Ác hại thay! Cửa địa ngục đang mở ra để đón nhận những người nầy!

Đến ngày Rằm và ngày Mồng một, chính Vua cõi trời thứ 33 (Vua Đế Thích) sẽ tự mình thân chinh hiện đến cõi Nam Thiệm Bộ Châu nầy và quan sát tình hình của nhân gian. Nếu quả thật như những gì đang xảy ra thì tùy theo đó mà phán xét.

Có lẽ đây là nguyên nhân chính để chúng ta làm lễ Sám Hối vào ngày 14 và 30 (nếu tháng thiếu thì ngày 29) và sáng ngày Mồng Một cũng như ngày Rằm thường là những ngày Bố Tát tụng giới và lễ chúc tán hồng danh chư vị Tổ Sư truyền thừa của chư Tăng, chư Ni cũng như những Phật tử tại gia thọ ngũ giới, Bát Quan Trai giới, Thập Thiện và Bồ Tát Giới. Cả Nam Tông và Bắc Tông, chư Tăng Ni đều cử hành những lễ Bố Tát như vậy mỗi tháng hai lần. Đây là điểm son quan trọng của người xuất gia cũng như của người tại gia thực hành lời dạy của Đức Phật tự ngàn xưa cho đến ngày nay và mong rằng những hình ảnh nầy vẫn còn luôn tồn tại mãi trên thế gian nầy.

Nhưng tại sao chỉ lạy có 88 lạy? hoặc nhiều nơi chỉ lạy có 35 lạy phía sau cùng của nghi thức Sám Hối theo trong “Thiền Môn Nhật Tụng” mà không lạy nhiều hơn hay ít hơn? Dĩ nhiên là ở đây cũng có nhiều cách trả lời khác nhau, nhưng tựu chung có thể nghĩ rằng: Mỗi ngày có 2 đến 6 thời khóa tụng niệm và lễ bái. Nếu mỗi thời kéo dài nhiều giờ thì sẽ không chia đều được cho những nghi lễ khác như: công phu khuya, cúng ngọ, công phu chiều, Tịnh độ v.v… Nếu ai muốn tu tập riêng thì cũng có thể phát nguyện lạy Ngũ bách danh; nghĩa là 500 danh hiệu của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát; Tam thiên Phật danh là 3.000 danh hiệu Phật: kiếp quá khứ Trang Nghiêm 1.000 vị, hiện tại Hiền Kiếp 1.000 vị và tương lai Tinh Tú Kiếp 1.000 vị. Ngoài ra còn có Vạn Phật cũng như Phật Thuyết Phật Danh Kinh v.v… Nghĩa là Hằng Hà sa số Phật. Nếu ai có sức khỏe bền bỉ thì cũng nên phát nguyện lạy Sám Hối nhiều như vậy để tội diệt phước sinh. Trong phần hồi hướng của mỗi lần Sám Hối đều có tụng câu:

Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu
Tội tiêu, tâm tịnh thảy đều không
Ấy mới thật là chơn sám hối
Nam Mô cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát.

Bản thân tôi cũng đã lạy rất nhiều lần như thế và cũng chưa bao giờ đặt ra câu hỏi là 88 vị Phật nầy bắt đầu ở kinh sách nào? Tại sao không thấy ai hướng dẫn chỉ bày cũng như chỉ ra chỗ xuất xứ? Nay nhân việc đọc Đại Tạng Kinh tôi mới có cơ hội để đi sâu vào phần những Danh Hiệu Phật nầy và sau đây là câu trả lời.

Danh hiệu của 88 vị Phật nầy được xuất phát trong Kinh văn số 441 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo) tập chữ Hán thứ 14, kể từ trang 185 đến trang 302; kể từ giữa phần B đến giữa phần C của trang 247 (chữ Hán) và Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh dịch ra tiếng Việt gồm 400 trang của tập thứ 55 thuộc Bộ Kinh tập 2.  88 vị Phật mà chúng ta hay lễ bái hồng danh của các Ngài nằm vào quyển thứ 16 trong 30 quyển Kinh Phật Danh nầy. Nếu tra vào Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh thì chúng ta sẽ thấy ở phần cuối trang 207 đến đầu trang 209 của Kinh Văn số 441. Trước danh hiệu  Nam Mô Phổ Quang Phật thì còn có vô số vị Phật trước đó như: Nam Mô Lưu Ly Quang Phật, Nam Mô Tu Di Sơn Vương Phật, Nam Mô Tịnh Độ Quang Minh Vương Phật và sau Nam Mô Thiện Trụ Ta La (Thọ) Vương Phật còn có các vị khác như: Nam Mô Thiên Đức Phật, Nam Mô Vô Lượng Quang Minh Phật, Nam Mô Đà La Ni Du Hý Phật v.v…

Khi tra bảng chữ Hán và so sánh bản chữ Việt thì thấy Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh dịch đúng như bản gốc chữ Hán; trong khi đó Sám Hối mà chúng ta vẫn trì tụng lâu nay có hai chữ: một thiếu và một dư và đây là kết quả. Ví dụ câu mà chúng ta vẫn thường hay trì tụng, lễ bái là: Nam Mô Quan Thế Đăng Phật; nhưng trên thực tế là: Nam Mô Quan Thế Âm Đăng Phật. Có lẽ người sắp chữ để in sắp thiếu; chứ chắc rằng quý Ngài dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt không thiếu. Bởi lẽ quý Ngài khi dịch, lấy chữ Hán làm chuẩn. Đến câu: Nam Mô Bảo Liên Hoa Thiện Trụ Ta La (Thọ)Vương Phật. Câu nầy dư chữ Thọ, vì trong bản gốc chữ Hán không có. Lỗi nầy có thể do người sắp chữ, sắp dư chăng? Tất cả chỉ là nghi vấn, tuy nhiên lâu nay những gì đã trở thành nề nếp thì cứ giữ nguyên như vậy; chỉ khi nào quan trọng lắm thì chúng ta mới điều chỉnh và khi nghiên cứu mới dễ dàng tìm kiếm hơn. Ví dụ khi tôi dịch Kinh Bát Nhã từ tiếng Nhật thấy có hai chữ Nhất Thiết và khi tra sang chữ Hán cũng vậy. Thế nhưng Kinh Bát Nhã tiếng Việt mình hay trì tụng hằng ngày lại thiếu hai chữ nầy. Điều nầy có thể lý giải được là trước khi in không dò lại lần cuối, cho nên người sắp chữ như thế nào thì cho in nguyên như vậy, nên mới có sự thể như thế.

Nhưng tại sao danh hiệu của 88 vị Phật nầy không nằm ở quyển 1, quyển 2, quyển thứ 15, 25 hay 30 mà lại nằm ở phần cuối của quyển thứ 16? Theo tôi nghĩ rằng có thể vì nhiều vị Phật xuất hiện khác nhau trong nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, hiện tại và vị lai, nên ở quyển thứ 16 nầy là quyển trung bình của 30 quyển Kinh Phật Danh và trong 88 vị Phật nầy có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật trong Hiền Kiếp đã xuất hiện và nếu ai đó chỉ lễ bái 35 vị Phật thì cũng bắt đầu bằng Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật.

Đây chỉ là sự phỏng đoán của tôi mà thôi. Hy vọng trong tương lai khi nghiên cứu về Kinh Phật Danh và Hồng Danh của 88 vị Phật nầy sẽ có nhiều câu trả lời hữu lý hơn.

Đứng về phương diện Tánh mà nói thì “tội tánh vốn không” nên khi đề cập đến tướng lại càng không nên đào sâu hơn nữa. Bởi lẽ Tướng luôn luôn thay đổi, nên không có gì để chấp chặt vào đó, khiến cho chúng ta bị chi phối bởi nhân, ngã, bỉ, thử. Còn Tánh thì lìa khỏi sự nói năng, suy nghĩ, nên chúng ta chỉ có thể cảm nhận mà thôi. Tất cả tội lỗi của chúng ta gây ra đều do các nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng huân tập lại mà thành. Ngay bây giờ chúng ta nên phát nguyện Sám Hối để tẩy sạch những lỗi lầm xưa cũ đã gây ra dầu vô tình hay cố ý, thì tội ấy liền tiêu diệt. Việc lâu hay mau, tất cả đều do sự dụng công của mỗi người trong chúng ta. Do vậy trong bài văn Sám Hối cũng có câu:

Con nay đã tạo bao vọng nghiệp
Đều do vô thỉ tham, sân, si
Từ thân, miệng, ý phát sanh ra
Tất cả con nay xin Sám Hối.

Đây là tất cả những gì mà người xuất gia hay người tại gia đều có thể tự mình hành trì hằng ngày tại chùa hay tại nhà cũng là điều đáng khuyến khích. Bởi vì từ trong vô lượng kiếp đến nay, chúng ta đã lỡ tạo ra không biết bao nhiêu là tội lỗi từ sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối hoặc bốn tội nặng của Tỳ kheo hay tám tội nặng của Tỳ kheo ni v.v… tất cả đều có thể Sám Hối cả.

Tuy rằng trong lời nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà có nói rằng: “Giả sử khi ta thành Phật, nếu có chúng sanh nào trong mười phương vô biên quốc độ, chí thành niệm danh hiệu ta một cách nhất tâm từ một cho đến mười niệm, nếu ta không tiếp dẫn về thế giới của ta, thì ta sẽ không ở ngôi Chánh Đẳng Chánh Giác, ngoại trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch và Nhứt Xiển Đề”. Nhứt Xiển Đề được hiểu rằng không tin bất cứ một vấn đề gì, kể cả không tin nhân quả, nghiệp báo. Nhưng ở trong Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển 2 thì cho rằng: “Nhứt Xiển Đề cũng có khả năng thành Phật”. Bởi lẽ tất cả các pháp đều bất định, cho nên Nhứt Xiển Đề cũng bất định. Điều nầy có thể hiểu là: Ngày hôm qua Nhứt Xiển Đề gây nên tội ngũ nghịch (giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng và làm thân Phật ra máu), nhưng nếu ngày hôm sau hay đời sau có tâm Sám Hối, biết tàm quý với lỗi lầm của mình làm và siêng năng Sám Hối thì tội ấy cũng vơi dần để tiến đến Phật quả.

Trong Kinh Thập Lục Quán cũng có dạy điều nầy, tương tự khi Đức Phật chỉ cho Bà Hoàng hậu Vy Đề Hy về cách quán thứ 16 của chín phẩm hoa sen, nơi thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Phần Hạ Phẩm gồm: Hạ Phẩm hạ sanh, Hạ Phẩm trung sanh và Hạ Phẩm thượng sanh chỉ để dành cho những Tăng Ni, Cư Sĩ phạm vào những tội như trên, nhưng phải cần có hai điều kiện để có thể sanh lên Trung Phẩm hay Thượng Phẩm là: chính những người phạm tội ấy phải biết sám hối, tàm quý; biết xấu hổ về những tội lỗi của mình và điều đặc biệt hơn nữa là phải có những Thiện hữu tri thức đi kèm. Nếu không hội đủ hai điều kiện nầy thì cả trong hàng nhiều kiếp những chúng sanh, sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, cũng phải nằm chờ trong Biên Địa và Nghi Thành trong nhiều kiếp như vậy, không nghe thấy được tiếng nói của Bồ Tát Quan Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí thuyết pháp. Vì hai vị Bồ Tát nầy đang thuyết pháp ở cảnh giới Trung Phẩm và Đức Phật A Di Đà, chỉ ngự ở Thượng Phẩm để thuyết pháp cho những người hữu duyên sanh về đó từ Hạ phẩm Thượng Sanh, Hạ Phẩm Trung Sanh và Hạ Phẩm Thượng Sanh mà thôi.

Đã có lần Đức Phật dạy cho Ông Tu Bạt Đà La rằng: “Thầy của Ông là Ông Uất Đầu Lâm Phất có thể tu chứng đến cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, thế mà cũng có lần đã bị đọa xuống làm con hồ ly. Do vậy muốn giải thoát sanh tử phải cố vượt ra khỏi ba cõi”. Lời dạy ấy rất đơn giản, nhưng muốn thực hành cần phải trải qua nhiều kiếp số. Thời gian có thể là một đời người, hai đời, một kiếp, hai kiếp hay ba kiếp v.v… nhưng điều quan trọng là phải giải thoát khỏi ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới nầy. Nếu vẫn còn luẩn quẩn đây đó trong 25 loài chúng sanh của: Trời, người, A Tu La, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, Nam Thiệm Bộ Châu, Bắc Cu Lô Châu, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu. Tứ Thiên Vương, Dạ Ma, Đao Lợi, Đẩu Suất, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại Thiên (Cõi Dục), Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền Tứ Thiền, Ngũ Tịnh Cư (Cõi Sắc) cho đến Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Cõi Vô Sắc) thì khi chết đi chưa hẳn đã ra khỏi được vòng sinh tử. Chỉ có Thiền Định (Chỉ và Quán), niệm Phật miên mật, Sám Hối tội căn, bố thí, cúng dường theo Lục Ba La Mật thì mới có thể vào ra sinh tử một cách tự tại giải thoát được.

Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ phải chết ở vào một thời điểm nhất định nào đó trong xác thân tứ đại nầy, nhưng chết như thế nào và sau khi chết sẽ đi về đâu? Nếu trong đời nầy không lo Sám Hối tội lỗi thì chắc rằng cơ hội giải thoát khó bắt gặp. Sám Hối như Vua Lê Hiển Tông, cho người tạc tượng mình phục sức theo vua chúa, nằm mọp xuống đất và tạc hình Đức Phật ngồi lên trên như ở chùa Hòe Nhai tại Ba Đình Hà Nội đang thờ, thì cũng là một hình ảnh đáng tôn thờ biết bao. Bởi lẽ vua là trên hết. Vua là cha mẹ của thiên hạ nhưng đối với Phật và giáo lý của Ngài thì vua cũng chỉ là một con người và vì là con người, nên luôn luôn có sai và có đúng. Ở đây xin ca ngợi hành động của Vua Lê Hiển Tông, bởi Vua đã dẹp được cái tự ngã của mình, Sám Hối tội căn về việc bắt Tăng Ni phải hoàn tục và vào rừng sâu để sinh sống. Nếu không nhờ có sự can ngăn của Thiền Sư Tông Bổn thì Phật Giáo Việt Nam của chúng ta không biết đã trôi giạt về đâu?

Đọc trong Đại Tạng Kinh mới thấy rằng Đức Phật và chư Tổ Sư truyền thừa đã tha thiết chí thành chỉ bày lối ra khỏi sanh tử cho người xuất gia cũng như tại gia qua chữ nghĩa còn truyền lại và khi đọc đến cũng phải rơi lệ. Ví dụ như câu chuyện sau đây chúng ta thấy rằng Đức Phật đã từ bi biết là dường nào. Ngài bảo rằng: “Người xuất gia làm Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni mà phá những giới trọng, cũng giống như là những con bò chết, thịt vữa thối tha ít ai nhòm ngó đến; nhưng da của bò có thể đem làm trống được. Nếu người xuất gia không giữ giới cũng giống như những con xạ hương khi chết, xác nó hôi thối vô cùng, nhưng da của nó vẫn còn thơm và người ta còn dùng đến được”. Qua lời dạy nầy của Đức Phật trong Đại Tạng Kinh, chúng ta biết rằng Ngài nói ra điều nầy không phải để bênh vực cho người xuất gia, mà Ngài muốn bảo rằng: “Công đức của việc xuất gia to lớn là dường ấy. Nếu người nào lỡ phạm mà không Sám Hối ăn năn sửa đổi, thật uổng phí cả một đời người”.

Tóm lại khi chúng ta tu và hành, học và tập, sám và hối… là những việc luôn luôn đi song hành với nhau. Nếu chúng ta chỉ tu mà không hành, học mà không tập, sám mà không hối thì muôn đời, muôn kiếp chúng ta vẫn bị trầm luân trong sanh tử. Vậy chúng ta còn gì nữa mà phải đợi chờ, vì tuổi già và cơn vô thường sẽ chợt đến với mọi người ở vào bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống nầy. Xin cầu chúc cho tất cả chúng ta có được tâm và ý tinh tấn dõng mãnh để mau hội nhập vào Liên Trì, nơi đó đang có chư Phật và chư vị Bồ Tát đang chờ đợi chúng ta.

Viết xong vào lúc 15 giờ ngày 26 tháng 3 năm 2022 tại Phương Trượng Đường, Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc khi mùa Xuân đã bắt đầu đến bên ngoài hiên cửa sổ.

Hiển thị thêm
Back to top button