HT Thích Phước An: Ngày Xuân đọc thơ Trần Minh Tông  và suy nghĩ về sự ân hận của một Hoàng Ðế Phật Tử

Trong một bài thơ viết về mùa xuân, mặc dù vua Trần Minh Tông cũng nhắc đến hoa, đến chim chóc và nắng xuân như bao nhiêu bài thơ xuân khác. Nhưng hoa, chim và cả nắng xuân ở đây thì không hề giống như chim, hoa hay nắng xuân ở những bài thơ xuân mà ta thường bắt gặp:

Hoa liễu lục thành âm
Liêm câu viện vũ thâm
Vô tình thiên ngoại nhứ
Bất ngữ thụ đầu cầm

Liễu ra hoa tươi tốt đã trỗ thành bóng râm
Rèm đã cuốn lên rồi mà nhà nhà vẫn sâu kín
Tơ liễu hững hờ bay ngoài trời
Chim chóc im lặng trên cành cây
.[1]

Như vậy là hoa đã nở rộ cả rồi nên đã trở thành bóng râm, và những ngôi nhà vẫn đứng đó trong âm thầm lặng lẽ dù rèm ở các cửa sổ đã được cuốn lên nhưng nắng mai của mùa xuân vẫn ngập ngừng không chịu tràn vào bên trong, và ngay cả những con chim đang đứng trên cành cây, đáng lý phải hót vang lừng để đón mùa xuân của đất trời, nhưng điều lạ lùng là chim vẫn không chịu hót mà đứng im lìm bất động.

Như vậy là Trần Minh Tông đã ghi lại một ngày xuân gần như hoàn toàn tương phản với hầu hết các thi nhân tự bao đời nay hễ cứ mỗi lần xuân sang thì đều không giấu được sự rạo rực của lòng mình:

Rộn ràng bước nhịp hương vương gót
Nhựa mạnh tuôn trào tưởng dính chân
(Huy Cận)

Như một thi nhân của Việt Nam ở thời hiện đại đã thú nhận tiếng lòng của mình như vậy.Với Trần Minh Tông, ta có cảm giác rõ rệt rằng, mùa xuân không hề gây cho ông bất cứ sự háo hức hay rạo rực nào. Mọi sự vật chung quanh ông dường như có một cái gì đó lê thê, heo hút lạ thường.

Bây giờ ta tiếp tục đọc bài thơ để xem thử tâm trạng của tác giả ra sao? Tác giả vui hay buồn khi ngồi giữa một ngày xuân âm thầm và lặng lẽ như vậy?

Giản dị Tam Hoàng chính
Hi di Ngũ đế tâm

Giản dị thuần phác là chính sự của Tam Hoàng
Nhìn không thấy, nghe không được là lòng của Ngũ đế
.

Thế có nghĩa là Trần Minh Tông đã đạt được điều mà trong Đạo Đức kinh của Lão tử gọi là Phục Kỳ phản, nghĩa là trở về lại với đời sống thuần phác và giản dị chăng? Và chẳng phải hoa nở, chim hót nắng mai lộng lẫy của mùa xuân (tức là những cái đứp ở bên ngoài) chỉ thực sự cần thiết đối với chúng ta, những người chưa trở về được với cái thuần phác, cái giản dị? Còn đối với nhữnh kẻ nào đã trở về và tìm lại được cái thuần phác và giản dị trong chính họ thì dù hoa có nở hay không, chim chóc có hót vang lừng hay không, nắng mai có đem ánh sáng vào nhà họ hay không, thì cũng chẳng hề gì, vì chính họ đã tìm lại được mùa xuân bất tận trong chính họ rồi?

Đọc hai câu cuối ta mới thấy Trần Minh Tông đã có được niềm vui chứa chan:

Thế gian nhàn bán nhật
Nhương đắc nhất thiên kim

Ở trần gian mà nhàn nhã được nữa ngày
Thì cũng quý như đoạt được ngàn vàng

Nhưng tại sao lại nửa ngày mà không là một ngày? Trong khi bài thơ có nhan đề là Xuân Nhật nhàn tọa (Ngày xuân ngồi thong thả).

Nửa ngày hay một ngày, một năm hay triệu năm thì chũng chẳng có gì quan trọng, vì đối với họ thì ý niệm về thời gian không còn nữa, một sát na, một khoảnh khắc hay một tỷ năm đi nữa thì cũng có gì khác nhau. Vì chẳng phải đối với họ thì thời gian nào cũng đều là thời gian của thiên thu vạn đại đó sao?

Trong một bài thơ có tên là Giới Am Ngâm (bài ngâm về cái am cỏ) Trần Minh Tông cũng nhắc lại rằng, dù trăm loài chim không về, nhưng ông vẫn hưởng được những ngày xuân nhàn nhã tuyệt đứp trong cái am cỏ nhỏ bé ấy:

Bách điểu bất lai xuân trú nhàn

(Trăm loài chim chẳng đến, ngàn xuân thong thả).

Và trong cái am cỏ ấy, Trần Minh Tông đã nói lên cái thong dong tự tại của chính mình:

Cỏ lai bão khiết phạn nhất bát
Thanh thủy mãn bình khả tiêu khát
Đằng sàng chẩm thượng trác ngọ miên
Chính thị cá trung chân khoái hoạt.

Lúc đói, no nê một bát cơm
Nước trong đầy bình đủ giải cơn khát
Trên chiếc gối ớ giường mây, đánh giấc ngủ trưa
Chính là sung sướng thật sự ở trong cái đó.

Đọc bốn câu này khiến ta phải liên tưởng đến bốn câu kết trong bài phú lừng danh Cư Trần lạc đạo của Trần Nhân Tông:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Cư trần lạc đạo hãy tùy duyên
Hễ đói thì ăn, mệt nghỉ liền
Châu báu đầy nhà đừng chạy kiếm
Vô tâm đối cảnh, hỏi chi Thiền
(Nguyễn Lang dịch)

Từ hơn 7 thế kỷ qua bài Kệ ấy đã được xem như là “Bản tuyên ngôn cho đời sống đạo” của Phật tử Việt Nam.

Ngày nay, đứng trước sự tấn công như vũ bão của những giá trị vật chất, nên những giá trị tinh thần truyền thống có nguy cơ bị phá sản, đúng như lời báo động của một nhà phật học Việt Nam hiện nay:

“Sự phá sản tinh thần ấy không chỉ xảy ra trong phạm vi xã hội mà nó còn lan dần đến cả trong sinh hoạt thiền môn; thanh quy của thiền môn chỉ còn là một lớp vỏ, mà lại là lớp vỏ rách nát không đủ che đậy những dấu hiệu thoái hóa. Tăng già đang trên chiều hướng tục hóa, có nguy cơ trở thành một cộng đồng ô hợp tồn tại chỉ vì quyền lợi vật chất thế gian”.[2]

Thì bài Kệ ấy càng được đọc, được nâng niu trân trọng nhiều hơn nữa.

Có thể có người đọc vì thực tâm muốn tự nhắc nhở với chính mình rằng, hãy tránh xa “những quyền lợi vật chất thế gian” ấy đi. Nhưng chắc chắn cũng có nhiều người đọc vì những “quyền lợi vật chất thế gian” đã làm mờ mắt họ, nên họ đọc bài Kệ ấy để thanh minh với mọi người và ngụy tín với chính mình rằng mình chỉ“Tùy duyên” thôi, còn lý tưởng của đời sống đạo thì chẳng có gì thay đổi, nghĩa là vẫn “bất biến”.

Nhưng dù đọc với lý do nào thì chúng ta cũng phải ý thức rằng, Trần Nhân Tông chỉ nói ‘Ở đời vui đạo hãy tùy duyên’ sau khi đã can đảm vứt bỏ ngôi vua, biểu tượng cho quyền lực cao nhất của thế gian, vứt bỏ luôn những tiện nghi vật chất tầm thường của thế gian, một mình đối mặt với nỗi cô độc của chính mình trên đỉnh núi cao Yên Tử. Còn chúng ta, những người đang chạy theo quyền lực thế gian, đang thèm muốn những “quyền lợi vật chất của thế gian” mà cứ lải nhải ‘Ở đời vui đạo hãy tùy duyên’ thì đó không phải là “tùy duyên” đúng nghĩa mà đã xem “tùy duyên” như còn cái cớ để a dua, nghĩa là gió chiều nào thì cứ xoay theo chiều đó, “ai chết mặc ai” miễn là có lợi cho mình mà thôi.

Thực ra, sự lạm dụng ngôn ngữ không chỉ xảy ra riêng với Phật giáo mà gần như bất cứ tư tưởng vộ đại nào cũng đều bị những con người “cơ hội” lợi dụng để trục lợi như thế cả.

Phạm Công Thiện, trong bài viết nổi tiếng về Thiền từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, đã gọi đó là một “bi kịch lớn lao”:

“Bi kịch lớn lao ở đời là mỗi khi một vộ nhân xuất hiện và sau khi vộ nhân ấy đã nói lên một lời nào thì những kẻ hạ nhân cũng bắt chước nói lại lời ấy, và mặc dù lời ấy cũng gồm bấy nhiêu chữ, nhưng những chữ ấy không còn là những chữ của vộ nhân nữa. Chẳng hạn vộ nhân nói “sát Phật” thì hạ nhân cũng bắt chước mà nói “sát Phật” nhưng đau đớn biết bao là câu lập lại bỗng trở thành thuốc độc và đưa con người đến chỗ tự sát”.

Phạm Công thiện còn trích một câu của Heidegger đã viết về Nietzsche triết gia đã từng gây chấn động bởi sấm ngôn Thượng đế đã chết:

“Trước kia đó là tiếng kêu la của Nietzsche, mà ngày nay tiếng kêu la ấy đã trở thành câu chuyện ba hoa của thiên hạ.”

Sự ba hoa này quả là một tai họa, vì sao? Phạm Công Thiện viết:

“Chẳng hạn, chúng ta thấy Nietzsche kêu: “Thượng đế đã chết” Đó là tiếng kêu la thống thiết của Nietzsche để báo tin một kỷ nguyên mới. Ngày nay, thường khi trong những phòng cà phê hay giảng đường đại học, chúng ta cũng thường nghe người ta say sưa nói: “Thượng đế đã chết”. Họ nói ba hoa như vậy, và họ vẫn tiếp tục duy trì thế giới cũ và cản lối làm chướng ngại vật không cho kỷ nguyên mới mở mang. Thế là “siêu nhân” của Nietzsche đã chết theo sau đó, do từ đầu miệng của những kẻ hạ nhân”.[3]

Chính vì thấy trước được tai họa này nên trong kinh Potthapâda, Đức Phật đã cảnh giác:

“Này Citta, những tiếng ấy chỉ là những danh từ thế gian, ngôn ngữ thế gian, ký pháp thế gian. Như Lai dùng chúng, nhưng không chấp trước vào chúng”

Vua Trần Minh Tông dường như cũng thấy được tai họa của việc lạm dụng ngôn ngữ này, nên trong bài Kệ nhà vua đề tặng Tôn giả Huyền Quang, vị thiền sư mà nhà vua đã tôn xưng là bậc thầy lớn của núi Côn Sơn (Côn Sơn đại đạo sư). Trong bài Kệ, ta thấy có đoạn nhà vua đã nói lên sự phân vân lưỡng lự trong việc nói lên cái “Sở đắc” của chính mình:

Tương vị hữu sở đắc
Sở đắc hà vật yên?
Tương vị vô sở đắc
Tham học phi đồ nhiên
Sở đắc vô sở đắc
Dục ngữ thù nan ngôn
Ngôn ngữ ký nan đắc
Thủy thụ phục thùy truyền
Cát đằng diệc bất thiểu
Như phọc cánh thiên triền
Chỉ chỉ Nhiên nhi bất đắc dĩ
Đoãn Kệ phúc tùng tuyên

Nếu bảo có điều sở đắc
Sở đắc là cái gì vậy?
Nếu bão làkhông có sở đắc
Thì việc tham Thiền chẳng phải là uổng công hay sao? Sở đắc và không sở đắc
Muốn nói nhưng thật là khó nói
Đã không nói nên lời
Thì ai học với ai truyền?
Giây leo cũng chẳng ít
Như bị trói lại quấn thêm vào
Thôi! Thôi!
Nhưng mà bất đắc dĩ
Lại phải bày tỏ ra bằng một bài Kệ ngắn này

Và sở dĩ Trần Minh Tông đem vấn đề:

Sở đắc và vô sở đắc
Dục ngữ thù nan ngôn

Sở đắc và không sở đắc
Muốn nói nhưng thật khó nói

Để trình bày với Thiền sư Huyền Quang vì theo Trần Minh Tông, vị Thiền sư này đã vượt qua được giới hạn ngôn ngữ của thế gian để:

Bất trước văn tự tướng
Diễn thuyết Như Lai Thiền

Không bám vào văn tự
Mà diễn giải về Như Lai Thiền

Đọc Trần Minh Tông nói riêng và các tác giả Phật giáo đời Trần nói chung ta có thể dễ dàng nhận ra một điểm tương đồng với nhau, đó là tất cả tác giả đều cho rằng, sở dĩ con người đau khổ vì không nhận ra những giá trị tâm linh trong chính mình mà lại lăng xăng đi tìm kiếm những giá trị từ bên ngoài.

Trần Thái Tông đã ví đó là hình ảnh của lữ khách bơ vơ không nhà không cửa trong khi buổi chiều đang đến mà chẳng biết đi về đâu?

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình

Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày hết, quê xa vạn dặm đường

(Nguyễn Lang dịch)

Tuệ Trung Thượng Sỹ thì thúc dục kẻ lữ khách hãy mau trở về đi, vì chẳng phải ở quê nhà mùa xuân đã đến và trăm hoa đang nở rộ khắp các nẻo đường đó sao?

Báo quân hưu ỷ tha môn hộ
Nhất điểm xuân quan xứ xứ hoa

Cửa người anh hãy thôi nương tựa
Một ánh xuân về hoa đó đây

Trần Nhân Tông thì chỉ thẳng cho người lữ khách biết cái mà anh đã bỏ công đi tìm kiếm khắp nơi thì nó đang nằm ở đây chứ chẳng đâu xa:

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Trong nhà sẵn của báu đừng tìm kiếm đâu khác

Và cuối cùng thì Trần Minh Tông đã cho người lữ khách vừa mới trở về đó biết thế nào là tự do tại nơi chính quê nhà của mình:

Cơ lai bão khiết phạn nhất bát
Thanh thủy mãn bình khả tiêu khát
Đằng sàng chẩm thượng trác ngọ miên
Chính thị cá trung chân khoái hoạt
Kinh dã bất khán Phật bất nghộ
Y nhãn hà vi kim tiết quí
Khách lai vấn lập bản lai nhân
Nhận khán y tiền hoàn bất thị

Lúc đói no nên một bát cơm
Nước trong đầy bình đủ giải cơn khát
Trên chiếc gối ở giường mây, đánh giấc ngủ trưa
Chính là sung sướng thật sự ở trong cái đó
Kinh cũng chẳng xem, Phật cũng chẳng nghộ tới
Chữa con mắt làm chi vì bột vàng rất đắt
Khách đến hỏi về con người trước đây
Nhận xét ra vẫn không giống như người thưở trước

Ta có cảm tưởng là vừa đọc xong đoạn trên Trần Minh Tông thấy người lữ khách đó còn boăn khoăn chưa tin lắm nên Trần Minh Tông phải đọc tiếp:

Hưu hưu ngoại mịch khổ thi công
Phất phất tị khổng cổ kim đồng
Giới am tất cánh vô kỹ vật
Chỉ ma mi hoành tị trực ông

Thôi đi! Cứ cặm cụi tìm ở bên ngoài chỉ thêm vất vả
Lỗ mũi phập phồng thở thì xưa nay đều giống nhau
Trong am cỏ, rốt cuộc không có vật gì lạ
Chỉ có ông mày ngang mũi thẳng này thôi

Chắc chắn Trần Minh Tông là một trong những nhà Phật học lỗi lạc của thời bây giờ, vì trong một bài thơ Trần Minh Tông cho biết rằng ông rất cô đơn vì không có ai để ông có thể đàm đạo về Phật pháp. May nhờ duyên lành mà ông đã gặp được Pháp Loa, người mà ông đã ví như là tay cao diệu Bá Nha (Bá Nha cao diệu thủ). Từ đó, Trần Minh Tông mới có dịp để đem cây đàn đã dính đầy bụi bặm của ông ra để nối lại lời nước non:

Bình sinh tằng xúc nhất trương cầm
Mai một trần ai tuế nguyệt thâm
Hạnh ngộ Bá nha cao diệu thủ
Cánh giao sơn thủy tự huy âm

Đời ta từng có một cây đàn
Chôn vùi đã lâu ngày trong bụi trần
May gặp được tay Cao diệu Bá Nha
Lại khiến cho tiếng đàn nối lại được lời nước non

(Hạnh ngộ)

Bởi thế, nên khi nghe Pháp Loa viên tịch, Trần Minh Tông đã hông cầm được nước mắt, ông ngậm ngùi nhớ lại những nơi đã từng in bóng Pháp Loa:

Dạ yểm giảng đường kim cổ nguyệt
Hiểu mê trượng thất hữu vô yên
Tương đầu châm giới ta phi tích
Trác tựu ai chương lệ huyễn nhiên
(Vấn Pháp Loa Tôn giả đề Thanh Mai tự)

Vầng trăng kim cổ ban đêm khép kín giảng đường
Làn khói “hữu vô” buổi sáng che mờ trượng thất
Duyên “kim cải” gắn bó, than ôi! Đã khác xưa
Gọt rửa xong bài thơ bi ai thì nước mắt tuôn dầm dìa

Bây giờ ta thử xem tư tưởng Phật giáo đã tác động đến Trần Minh Tông như thế nào? Từ chuyện nhỏ nhặt của đời thường đến chuyện quốc gia đại sự?

Trước hết là cái chết. Trong Phật giáo làm chủ được cái chết hay không có lẽ là điều quan trọng nhất để đánh giá quá trình công phu tu tập của một con người. Trần Minh Tông có làm chủ được cái chết của mình hay không? Có hoang mang dao động khi đối diện với cái chết hay không? Sách Đại Việt sử ký Toàn thư chép rằng:

“Khi se mình, triều đình muốn lập đàn chay Cầu đảo. Trần Minh Tông nghe biết chuyện, bèn gọi Hữu tưởng quốc là (Trần) Phủ vào tận giường hằn để hỏi. Vua (chỉ Trần Dụ Tông) sợ, lập tức sai Trần Phủ tâu rằng, Phạm Ứng Mộng xướng nghị việc tự xin lấy mình chết thay Thượng Hoàng. Trần Phủ vừa tâu lên thì Thượng Hoàng nói:

Phạm Ứng Mộng tự nhận làm địa vị của Chu công thì cứ lấy thân mình mà chết thay cho cha hắn. Còn đàn chay thì không được làm.

Bấy giờ, Hiếu từ Thái hậu phóng sanh các giống súc vật để cầu cho Thượng Hoàng Minh Tông khỏe lại. Minh Tông bảo bà:

Thân ta không thể lấy con heo, con dê mà đổi được.

Khi bệnh đã trầm trọng, bèn cho gọi bọn thầy thuốc là Trâu Canh, Vương Định, Phạm Thế Thường vào coi mạch. Trâu Canh nói là mạch phiền muộn. Trần Minh Tông liền ứng khẩu đọc một bài cho Trâu Canh nghe:

Chẩn mạch hưu luân phiền muộn đa
Trâu Công lương tễ yếu điều hòa
Nhược ngôn phiền muộn vô hưu yết,
Chỉ khủng tùng chiêu phiền muộn gia.

Coi mạch nói chi những chuyện phiền
Trâu canh nên hãy hốt thuốc tiên
Chuyện buồn nếu kể hoài không dứt
Chẳng hóa rước thêm nỗi muộn phiền

Lúc ấy, bởi Trâu Canh thường ra vào cung cấm, vẫn hay dùng những chuyện khác đời, những lời quỷ quyệt, cốt để huyễn hoặc vua Trần Dụ Tông nên Trần Minh Tông ghét lắm, bèn mượn bài thơ để châm biếm hắn. Khi thuốc dâng lên Minh Tông nói:

Người đời bao nhiêu khổ não, nay thoát được nỗi khổ nào này thì mai lại gặp nỗi khổ não khác mà thôi.

Nói rồi, không chịu uống thuốc. Lúc bệnh đã quá nguy kịch, gọi quan hoạn quan là Nguyễn Dân Vọng đem bản thảo tập thơ ngự chế đốt đi. Dân Vọng còn đang do dự thì Trần Minh Tông nói:

Vật đáng tiếc hơn còn không thể giữ được, giữ chi thứ ấy.

Các hoàng tử đứng hầu cạnh, chờ nghe lời cuối cùng. Minh Tông liền nói tiếp với họ:

Các con cứ xem việc làm của người xưa, việc hay thì theo, việc dở thì tránh, cần gì phải nghe ta nói.

Minh Tông từng nói:

“Bậc đế vương dùng người không phải là có tình riêng với người đó mà chỉ vì đó là người hiền mà thôi. Người đó theo ý của ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta coi là hiền mà dùng họ. Nếu ta cũng đúng là người hiền thì những người được ta cũng hiền, khác chi Kiệt, Trụ dùng Phi Liêm, Ác Lai vậy. Đó là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” cùng loại thì hợp nhau. Kiệt, Trụ đâu phải có tình riêng gì với bề trên của hắn. Bảo hắn là ngu tối thì được chứ bảo hắn có tình riêng thì không”.[4]

Đọc lại lời trối trên của vua Trần Minh Tông bảo Nguyễn Dân Vọng hãy đốt bản thảo tập thơ, ta lại nhớ đến Frank Kafka, một văn hào Tây Phương sống trong những thập niên đầu thế kỷ 20, lúc gần chết cũng căn dặn người bạn thân:

“Di chúc của tôi rất giản dị: tôi xin anh hãy đốt hết cả mọi sự”.

Nếu chỉ là một nhà văn, thi sộ hay triết gia khi gần chết di chúc bảo đốt tất cả những sáng tác của mình thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên cho lắm, vì nhà văn, nhà thơ hay triết gia là những kẻ đã quen sống trong cô độc, họ rất ghét đám đông, nên họ cũng chẳng cần đám đông tôn xưng họ. Nhưng Trần Minh Tông thì ngược lại, sau lưng còn cả một khối thần dân, ông cần khối thần dân nầy tôn sùng và ngưỡng mộ mình, không chỉ là một nhà lãnh đạo anh minh thôi, mà trên cương vị ấy, nếu là một vị vua tầm thường như bao nhiêu vị vua tầm thường khác, thì Trần Minh Tông muốn mình phải được thần tượng ở những lãnh vực khác nữa, như là một nhà thơ lớn chẳng hạn, vì có quyền lực trong tay thì muốn gì mà chẳng được. Vậy mà Trần Minh Tông lại từ chối và bảo hãy đem đốt hết đi. Chính sự từ chối này mà Trần Minh Tông đã tự khẳng định được nhân cách độc đáo của chính mình trong lịch sử của dân tộc chăng?

Bây giờ ta xem thử có gì khác nhau giữa Trần Minh Tông và Frank Kafka, đến từ hai truyền thống văn hóa khác nhau? Khi cả hai lại cũng một ước vọng là hãy đốt hết những gì mà mình đã viết trước khi vĩnh viễn lìa bỏ cuộc đời này?

Chúng ta được biết rằng Frank Kafka: “Là người Do Thái, sinh trưởng ở Tiệp Khắc, không có quê hương, nói và viết bằng ngôn ngữ Đức; sống giữa những người Tiệp dưới thời chiếm đóng của Áo, Hung, Kafka đã bị mất gốc bên ngoài xã hội và bên trong tâm hồn”

“Không tổ tiên, không gia đình, không giòng giống, với lòng thèm khát mãnh liệt muốn có tổ tiên, gia đình giòng giống” (Nhật ký Kafka).

Và lúc nào Kafka cũng thấy mình là kẻ bị đày, Kafka kêu lên một cách thống thiết:

“Lại bị đày, lại bị đày rất xa, đày rất xa. Núi, sa mạc, những xứ sở mênh mông…”

Như vậy là Kafka muốn đốt sạch tất cả những gì mình viết là vì với Kafka mọi sự đều vô nghĩa, đều phi lý, mọi sự đều trống không. Có người đã nói rằng: “Hư vô đã tàn phá Kafka, ăn mòn Kafka từng giờ từng phút. Kafka đã chạy trốn hư vô. Nơi nào?”[5]

Trong khi đó Trần Minh Tông là người Đông Phương. Khi Trần Minh Tông nói với Nguyễn Dân Vọng rằng:”Vật đáng tiếc hơn còn không thể giữ được, giữ chi thứ ấy.”

Có nghĩa là Trần Minh Công cũng biết cuộc đời là phi lý, vô nghĩa, vì mọi sự đều dẫn đến tàn phá và hủy diệt.

Nhưng đã là một người Phương Đông, mà lại còn là một nhà Phật học thông thái, chắc chắn Trần Minh Tông không chạy trốn hư vô như Kafka đã chạy trốn. Vì sao?

Vì chẳng phải Phật giáo Đại Thừa đã khuyến cáo những hành giả đang nuôi dưỡng lý tưởng Bồ Tát rằng, càng thấy cuộc đời tối tăm, phi lý và vô nghĩa bao nhiêu thì lại càng phải lao vào để ôm lấy cuộc đời đau khổ và phi lý ấy vào lòng bấy nhiêu đó sao?

“Thưa thánh giả, tôi tìm thấy niềm vui tuyệt vời khi dập tắt ngọn lửa của phiền não thiêu đốt chúng sinh.”

“Bồ tát phải khởi hành từ một tấm lòng thương cảm xót xa, vô cùng xót xa, vì trái tim rung động trước vô vàn thống khổ của chúng sinh.”

“Thưa thánh giả, vì tất cả chúng sinh đang bị nhận chìm trong biển đời với vô lượng thống khổ, nên khi Bồ Tát dấy lên mối thương cảm, phát khởi đại nguyện muốn ôm trọn cả thế giới vào lòng”.

Như những lời của Thiện Tài Đồng tử đã thưa với vị Thiện thần ở hội trường Bồ Tát, trước khi Thiện Tài bước xuống với cuộc đời đau khổ này.[6]

Như vậy, Frank Kafka muốn đốt tất cả vì Kafka xem cuộc đời là phi lý, vô nghĩa kể cả những gì mà Kafka đã bất đắc dĩ phải lên tiếng vì sự lên tiếng ấy cuối cùng thì cũng chẳng làm cho cuộc đời này tốt đứp và có ý nghĩa hơn. Bởi vậy Kafka đã muốn đốt tất cả chăng?

Còn với Trần Minh Tông, có lẽ cũng giống như bất cứ một thi sộ trầm lặng của Phương Đông nào. Sau khi đã hoàn tất công việc của mình đối với cuộc đời vô vàn thống khổ này thì cũng đều lặng lẽ ra đi như bóng con nhạn bay qua bầu trời (nhạn quá trường không) mà không hề có ý định lưu lại bất cứ dấu tích nào chăng?

Dù vứt bỏ theo ý nghĩa nào đi nữa, thì sự vứt bỏ để ra đi một mình mà không cần hành trang ấy cũng phải được xem là một hành động đầy can đảm và có thể nói là vộ đại nữa. Vì chẳng phải tất cả chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới mà tất cả đều không ngừng ra sức để tích trữ càng nhiều của cải, không chỉ là của cải vật chất thôi mà cả về tinh thần nữa với mong ước rằng, có thể để lại một chút tiếng thơm nào đó, để những thế hệ mai sau vẫn nhắc nhở đến tên tuổi của mình hay sao?

Trần Minh Tông là vị vua thứ 5 của đời Trần, dù không có những đóng góp to lớn về văn trị cũng như võ trị cho đất nước như Trần Thái Tông hay Trần Nhân Tông, vì khi lên ngôi vào năm 1314 thì ba cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Nguyên Mông xâm lược đã lùi xa vào quá khứ, đất nước đang vui hưởng thái bình. Nhưng sử gia Phan Phu Tiên có lời nhận xét mà Sách Toàn Thư (quyển 7) đã trích nguyên văn như sau:

“Trần Minh Tông có tư chất nhân hậu, nối nghiệp thái bình, không thay đổi phép tắc của ông cha lập nên (…) triều thần là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh đều muốn thay đổi chế độ (theo nhà Tống bên Tàu). Vua nói: “nước nhà đã có nề nếp rồi, nếu nghe mưu kế của bọn thư sinh muốn cho lời mình được ứng dụng thì sẽ sinh ra rối loạn đấy.”

Theo tôi, bản lĩnh ấy không chỉ thể hiện qua việc bác bỏ những ý kiến của các nhà nho đầy quyền thế như Lê Quát và Phạm Sư Mạnh muốn nhà vua phải cải cách theo chính sách của nhà Tống bên Tàu, mà bản lãnh ấy còn được Trần Minh Tông thể hiện qua việc dám can đảm công khai về những sai lầm tai hại của chính mình.

Sách Khâm định việt sử thông giám cương mục cho biết:

“Trước đây, thượng hoàng (chỉ Trần Anh Tông) vẫn trông mong nhiều vào Trần Quốc Chẩn, muốn phó thác nhà vua (chỉ Trần Minh Tông) cho ông. Đến lúc Thượng hoàng bị bệnh, mỗi khi nhà vua vào thăm, Thượng hoàng bắt phải đi cùng với Trần Quốc Chẩn để khỏi sinh lòng hiềm nghi. Đến đây nhà vua tuổi đã nhiều mà chưa quyết định được ngôi Thái tử. Trần Quốc Chẩn tự nhận mình có mệnh đại thần, lại là bố đẻ của hoàng hậu, nên cố chấp là đợi khi nào hoàng hậu sinh con trai trưởng sẽ lập làm Thái tử. Văn Hiếu Hầu (con của Trần Nhật Duật, không rõ tên) muốn đánh đổ hoàng hậu để lập hoàng tử tên là Vượng, bèn lấy 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, xúi Trần Phẫu vu cáo.

Quốc Chẩn âm mưu làm phản. Nhà vua tin lời Trần Phẫu, rồi đem việc ấy hỏi thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung vốn cùng bè đảng với Văn Hiếu Hầu, lại là người cùng làng với mứ đẻ của Vượng (Bà Minh Từ Thái Phi, người họ Lê, quê ở Giáp Sơn), hơn nữa Khắc Chung từng giữ chức sư phó để dạy Vượng, vì thế Trần Khắc Chung liền tâu ngay bằng câu thành ngữ tróc hổ dị, phóng hổ nan (bắt hổ dễ, thả hổ nguy). Nhà vua bèn cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Hoàng hậu phải thấm nước vào áo đưa đến cho uống. Quốc Chẩn uống xong thì mất. Những người bị bắt lây lên đến hơn hai trăm, khi tra hỏi ai cũng kêu gào là oan.

Về sau vợ cả, vợ lẽ của Trần Phẩu ghen nhau đem việc Văn Hiếu Hầu đút lót vàng ra tố cáo. Nhà vua giao việc này cho quan giữ việc hình ngục là Lê Duy xét hỏi. Lê Duy là người cương trực, lập tức tra xét ngay. Trần Phẫu phải tội lăng trì, còn Văn Hiếu Hầu tuy được tha tội chết nhưng giáng xuống làm thứ dân, tước bỏ tên họ trong dòng tộc.[7]

Hơn 30 năm sau, vào một đêm mùa thu ngồi nghe những giọt mưa rã rích rơi trên tàu lá chuối bên cửa sổ thì vết thương lại nhức nhối hơn nữa:

Thu khí hòa đăng thất thụ minh
Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh
Tự tri tam thập niên tiền thác
Khẳng bá nhân sầu đối vũ thanh

Hơi thu và ánh đèn mờ đi trước ánh ban mai
Giọt mưa trên tàu chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn canh tàn
Tự biết sai lầm của ta trước đây ba mươi năm
Đành ôm hận ngồi nghe mưa rơi

(Dạ Vũ – Mưa đêm)

Trần Minh Tông còn để lại khoảng hơn 10 bài thơ, vậy mà đã có đến ba bài nói về nỗi ân hận do chính mình gây ra đó

Một lần khác, trên chiếc thuyền đậu ở hồ Vịnh sơn, ngồi lặng bên bếp lò, Trần Minh Tông cứ tưởng là biến cố đau lòng ấy chỉ mới đây thôi, có ai ngờ đã hơn 30 năm?

Nguyệt lạc tiểu song thuyền
Nham hoa lãnh bất miên
Thự phân sơn thất ảnh
Dương phục thuỷ sinh yên
Vãng sự tu du tế
Thành nhân tam thập niên
Bất ngôn hoảng nhược tỉnh
Tọa đối nhất lô tiều
(Thập nhật nguyệt quá bạc vịnh sơn hiểu trú)

Trăng lặng ngoài cửa sổ nhỏ trên thuyền
Hoa núi lạnh chẳng ngủ được
Tản sáng, bóng núi mờ hẳn đi
Khi mặt trời chưa có, mặt nước như bốc khói
Việc đã qua chỉ như trong chốc lát
Thành người được thì đã 30 năm
Bâng khuâng như tỉnh lại, chẳng nói năng gì
Ngồi lặng lẽ trước bếp lò

Khi đọc những câu:

Việc đã qua chỉ như trong chốc lát
Thành người được thì đã 30 năm
Bâng khuâng như tỉnh lại, chẳng nói năng gì
Ngồi lặng lẽ trước bếp lò

thì ta có thể tưởng tượng nỗi đau ấy đã hành hạ và dày vò Trần Minh Tông đến mức nào.

Còn đây là bài thơ Trần Minh Tông đã tặng cho Phạm Tông Mại:

Đài ô cửa hỷ cấm vô thanh
Chỉnh đốn triều cương sự phỉ khinh
Điện thượng ngang tàng ưng hổ khí
Nam nhi đáo thử thị công danh

Chốn ô đài, lâu rồi sao cứ im lặng
Chỉnh đốn kỷ cương triều chính đâu phải việc dễ dàng
Trên điện chầu phải ngang tàng như chim cắt, như hổ.
Làm trai đến thế mới gọi là công danh

(Ban cho Phạm Tông Mại)

Phạm Tông Mại là ai? Vì sao nhà vua phải có thơ khen tặng?

Sử chép rằng, Phạm Tông Mại là vị quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực hay nói thẳng, chính những đức tính này đã nhiều lần khiến ông phải bị giáng chức. Đối với vụ án Trần Quốc Chẩn cũng thế, Phạm Tông Mại đã nhiều lần khẳng định với Trần Minh Tông rằng Trần Quốc Chẩn bị oan. Nhưng nhà vua không nghe và cứ làm theo ý mình. Từ đó Phạm Tông Mại im lặng, không bao giờ hở môi nói về nỗi oan khiên của Trần Quốc Chẩn nữa. Nhưng khi nỗi oan của Trần Quốc Chẩn được làm sáng tỏ thì Trần Minh Tông mới hiểu được tấm lòng của Phạm Tông Mại, nên mới có bài thơ khen ngợi như một lời tạ lỗi của nhà vua vậy.

Thật là khó tưởng tượng nổi vào thời điểm đó (thế kỷ 13) một vị hoàng đế nắm trong tay quyền sinh sát tuyệt đối, vậy mà phải sợ sự im lặng của một bề tôi dưới quyền mình, chỉ vì người đó dám nói lên sự thật:

Cửu hỷ cấm vô thanh

Lâu rồi sao cứ lặng tiếng

Không nghi ngờ gì nữa, chỉ có những triều đại dưới sự tác động mãnh liệt của tư tưởng Phật giáo như triều đại nhà Trần của Việt Nam chẳng hạn, thì mới tạo ra những nhà lãnh đạo đầy bản lãnh dám lắng nghe tiếng kêu oan của những người dân vô tội như vậy.

Trong Đại việt sử ký toàn thư, Ngô Sộ Liên đã bàn về vụ án Trần Quốc Chẩn như thế này: “Kinh dịch có câu: xem xét chỗ sáng tỏ thông suốt mà thi hành điển lễ. Quốc Chẩn có lẽ chưa từng nghe bao giờ, nhưng nỗi oan khuất của ông thì phải làm cho rõ. Còn như Trần Khắc Chung cũng là nhân vật của một thời, vua trao cho hắn chức vụ Sư bảo (chức Thiếu Bảo, lo dạy Hoàng Tử) và đem việc hỏi hắn, đáng lẽ phải hết lòng trung khuyên can để vua trở thành Nghiêu, Thuấn mới phải, đằng này lại hùa với kẻ quyền quý, vu hãm người ngay thẳng, đi theo bọn gian tà, đẩy người lành tới chỗ oan khiên, hãm vua vào việc làm tội lỗi, việc ấy mà còn nhẫn tâm làm được, thì có việc gì mà hắn không nhẫn tâm làm được nữa”.[8]

Đúng là như vậy, chúng ta chỉ tiếc là Trần Minh Tông đã không phán đoán đúng sự việc thôi, còn việc bức tử Trần Quốc Chẩn thì nếu ta xét vào thời điểm đó (thế kỷ XIII) tức thời kỳ cực thịnh của các chế độ phong kiến, thì Trần Minh Tông bắt buộc phải chọn lựa hoặc là cha vợ hoặc là giữ vững ngai vàng cho nhà Trần. Tất nhiên Trần Minh Tông phải giữ vững ngai vàng cho vương triều Trần rồi.

Nhưng những lời nhận lỗi tha thiết và thành khẩn của kẻ đã gây ra đau khổ có thể không làm lành hẳn vết thương nhưng có thể xoa dịu phần nào để vết thương không còn rỉ máu thêm nữa.

Có lẽ chỉ những người mà trái tim biết rung động trước những thống khổ của con người, thì họ mới đủ can đảm để nói lên những sai lầm mà chính họ đã gây ra đối với người khác chăng? Trần Minh Tông chính là con người ấy. Sử còn chép lại rằng vào năm Giáp Tuất (1334) nhà vua đi tuần thú Nghệ An, thấy đời sống nhân dân quá lầm than cơ cực, vậy mà những người trị dân ở đây vẫn cứ tiến hành xây dựng Cung Nghệ An, khiến đời sống của người dân vốn đã cơ cực lại càng cơ cực hơn. Trần Minh Tông xót xa vô cùng, và nhà vua đã ghi lại niềm xót xa đó qua 4 câu thơ:

Sinh dân nhất thị ngã đồng bào
Tứ hải hà tâm sử khốn cùng
Tiêu tướng bất tri Cao Tổ Ý
Vị ương hư phí nhuận thành hồng
(Nghệ An hành điện)

Hết thảy sinh dân đều là người ruột thịt của ta
Nỡ lòng nào để cho bốn bể khốn cùng
Tướng quốc họ Tiêu, không hiểu ý của Cao Tổ
Tô điểm đỏ xanh cung vị ương chỉ là tiêu phí vô ích

Có đọc bài thơ trên của vua Trần Minh Tông, ta mới hiểu tại sao triều Lý cũng như triều Trần đã để lại cho lịch sử dân tộc một tài sản tinh thần vô giá không chỉ trên phương diện dựng nước và giữ nước mà còn cả một nền văn học đồ sộ nữa, và chính nền văn học đó đã nuôi dưỡng sức sống và lòng tự hào dân tộc cho đến tận ngày hôm nay. Thế mà chẳng có vị vua nào trong hai triều đại trên đã để lại lăng tẩm của mình đồ sộ tương xứng như sự nghiệp mà họ đã để lại cho dân tộc. Vì sao vậy?

Sinh dân nhất thị ngã bào đồng
Tứ hải hà tâm sử khốn cùng

Hết thảy sinh dân đều là người ruột thịt của ta
Nỡ lòng nào để cho bốn bể khốn cùng

Hai câu thơ trên của Trần Minh Tông khiến ta phải nhớ đến câu nói bất hủ của nhà vua Lý Thánh Tông đời Lý mà lịch sử của dân tộc ta đã trân trọng ghi lại. Mùa đông năm Ất Mùi (1055), trời rét căm căm, nhà vua lại chạnh lòng nhớ đến những tù nhân đang bị giam giữ trong ngục, bèn nói với các quan: “Ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông mà còn rét như thế này. Ta nghộ đến tù nhân bị nhốt trong tù, chịu trói buộc khổ sở, mà chưa biết phải trái ra sao. Ăn không đầy bụng, mặc chẳng che thân vì gió rét, nên có kẻ chết không nơi nương tựa. Ta thật lấy làm thương”. Rồi vua sai phát chăn chiếu cho tù, và cấp cho một ngày hai bữa cơm”. Rồi nhà vua chỉ con gái mình là Công chúa Động Thiên mà nói với các quan lo việc kiện tụng rằng: “Ta yêu con ta, như ta là cha mứ yêu dân vậy, vì dân không hiểu luật lệ, nên mắc tội. Ta lấy làm thương vậy từ rày về sau, không kể tội nặng hay nhứ, các người phải xử một cách khoan hồng cả”.[9]

Thế có nghĩa là vua Trần Minh Tông nói riêng và các vua Lý Trần nói chung đều là những Phật tử, mà nhất là những Phật tử đang điều hành quốc gia nữa, thì họ phải ý thức rằng họ đang “ôm lấy sự thống khổ” của muôn dân như sự đau khổ của chính mình. Vậy thì lâu đài, cung điện, lăng tẩm nguy nga, tráng lệ để làm gì, khi mà ngoài kia muôn dân còn đang quằn quại trong đau khổ.

Khi vua Trần Minh Tông viết rằng:

Tiêu tướng bất tri Cao Tổ Ý
Vị ương hư phí nhuận thành hồng

Tướng quốc họ Tiêu không hiểu ý của Cao Tổ
Tô điểm đỏ xanh cung vị ương chỉ là tiêu phí vô ích

Thì Trần Minh Tông đã ý thức được bài học của lịch sử rằng, chính sự xây dựng lăng tẩm, đền đài, thành quách chẳng những đã xài phí một cách vô ích mà còn là mối nguy sẽ kéo theo sự sụp đổ của các chế độ phong kiến xưa nay nữa.

Trong lịch sử nhân loại tất nhiên không chỉ có vạn lý trường thành của Trung Quốc thôi mà còn nhiều nữa, như các Kim Tự Tháp ở Ai Cập chẳng hạn:

“Trong chính sách đối nội, các Pharaông thuộc vương triều III và IV ra sức củng cố chính quyền trung ương tập quyền. Một trong những biểu hiện sức mạnh và quyền lực vô hạn của chính quyền Pharaông của hai vương triều này đều xây dựng cho mình một Kim tự tháp với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Pharaông đầu tiên của vương triều III là Giêse xây Kim tự tháp của mình ở Xackara. Đó là một ngôi tháp 6 tầng, cao 60m. Lớn nhất là hai ngọn Kim tự tháp ở Daksura (cao 99m) và Kim tự tháp Kuphu (Kêốp) cao tới 146m. Đây cũng là những Kim tự tháp hùng vộ nhất trong số các Kim tự tháp còn lại đến nay trên đất Ai Cập. Hàng vạn người đã bị bắt làm khổ sai trong những công trình “thế kỷ” này và nhiều người trong số họ đã phải vùi thây trong cát bỏng của sa mạc. Chỉ có một chính quyền chuyên chế hùng mạnh mới có thể lay động nỗi ngần ấy sức người, sức của để phục vụ cho chiến tranh và các công trình xây dựng, đồng thời mới đủ sức trấn áp nổi sự phản kháng của nô lệ và dân nghèo”.[10]

Cao điểm của cuộc phản kháng quyết liệt là vào cuối thời kỳ của Vương triều IV, dân chúng đã nổi dậy và “ném xác của các Pharaông ra khỏi Kim tự tháp”.

Và sức mạnh của bất cứ quyền lực phi chính nghĩa nào rồi cũng đến hồi phải kết thúc. Lịch sử cổ đại Ai Cập chép rằng: “Nhờ dựa vào lực lượng quân sự hùng mạnh, các Pharaông đã đàn áp nhân dân và bắt họ phải phục tùng. Đến khi lực lượng quân đội ngày càng bị tiêu hao đi trong chiến tranh, chính quyền chuyên chế trung ương suy yếu dần, thì thế lực của bọn quý tộc địa phương lại càng ngày càng lớn mạnh. Chúng ra sức củng cố thế lực của mình ở các địa phương bằng cách tập trung trong tay quyền thu thuế, quyền xét xử, quyền chỉ huy quân đội… đến Vương triều VI các quý tộc không xây lăng mộ của mình dưới bóng các Kim tự tháp như xưa nữa mà xây ở các Châu quận của mình. Các văn bản của các Châu quận cũng không dùng ngày tháng theo niên hiệu của vua nữa mà để theo ngày tháng tính từ khi bọn quý tộc địa phương lên cầm quyền. Chúa của các Châu quận cũng có tổ chức quân đội độc lập của mình. Trong tình hình đó, các Pharaông trên thực tế cũng chỉ thống trị trên một vùng đất đai nhất định, giống như một chúa của các Châu quận khác mà thôi. Đồng thời, nội bộ cung đình luôn luôn diễn ra những vụ tranh chấp, thoán đoạt lẫn nhau. Tuy bảng phổ hệ của mình, đến vương triều VII, Manêtôn chỉ có thể thống trị vì trong 70 ngày”. Các Pharaông của vương triều VII và VIII hầu như không nắm được quyền hành gì cả. Chính quyền của các Châu quận đã thay thế chính quyền trung ương. Nhà nước thống nhất Ai Cập đã bị chia sẻ thành nhiều Châu độc lập”.[11]

Không chỉ có Kim tự tháp của Ai Cập hay cung vị – ương và Vạn lý trường thành của Trung Quốc thôi, mà triều Nguyễn của Việt Nam cũng xảy ra biến cố đau lòng như vậy: “Năm Bính Dần (1866) là năm Tự Đức thứ 19, nhà vua đang xây Vạn niên cơ tức Khiêm lăng bây giờ, quân sộ phải làm lụng khổ sở, có nhiều người oán giận. Bấy giờ ở Kinh có Đoàn Trưng cùng với em là Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực, và bọn Trương Trọng Hòa, Phạm Lương, kết làm “Sơn thi từu hội” để mưu lập Đinh Đạo lên làm vua. Bọn tên Trưng mới chiêu dụ những lính làm ở Vạn niên cơ và cùng với quan hữu quân Tôn Thất Cúc làm nội ứng, định ngày khởi nghĩa.

Đến đêm mùng 8 tháng 8, bọn tên Trưng đem quân vào cửa tả Dịch, chực xông vào điện giết vua Dực Tông. May nhờ có quan Chưởng vệ là Hồ Oai đóng được cửa điện lại, hô quân bắt được tên Trưng, tên Trực và đồng đảng”.[12]

Và ngày nay ta vẫn còn nghe được nỗi uất hận của những người bị bắt đi làm lao công để xây dựng cái gọi là Khiêm lăng ấy:

Vạn niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân

Thế có nghĩa là đúng như câu nói nổi tiếng của một triết gia ở thế kỷ 19: “Nơi nào có áp bức thì nơi có đấu tranh”.

Người ta nói rằng, mặc dầu toàn bộ sự nghiệp trí thức của triết gia này đã nằm im lìm với bụi bặm của thời gian ở các thư viện, ở trên thế giới nhưng câu nói này thì vẫn được những người dân bị áp bức khắp nơi trì tụng mỗi ngày như kinh nhật tụng vậy.

Nhưng chúng ta, những người được nuôi dưỡng bởi lòng từ bi của Đạo Phật vẫn mong ước rằng, làm sao con người trên khắp thế giới hiện tại và cả mai sau nữa sẽ không còn bỏ phí thời giờ để đấu tranh chống lại một thiếu số người mà lúc nào cũng muốn tước đoạt sự sống của kẻ khác để thỏa mãn lòng tham cũng như vị kỷ của mình trên sự đau khổ của kẻ khác, mà con người chỉ nên để dành hết thời giờ cho một cuộc đấu tranh khác quan trọng hơn, đó là đấu tranh chống lại sự ngu xuẩn, tham lam và ích kỷ trong chính mỗi người?

Và phải chăng điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu tất cả những nhà cai trị trên khắp thế giới hiện nay và mai sau đều nghộ được như vua Trần Minh Tông đã nghộ cách đây đã bảy thế kỷ?

Sinh dân nhất thị ngã đồng bào
Tứ hải hà tâm sử khốn cùng

Hết thảy sinh dân đều là ruột thịt của ta
Nỡ lòng nào để cho bốn bễ khốn cùng

Nhưng ta nên xem đó là những lời nói chân thật thốt lên tự đáy lòng hay chỉ là khẩu hiệu chính trị? Điều mà dường như những người dân thấp cổ bé miệng ở bất cứ thời nào cũng đều hoài nghi đối với những người đang cai trị họ?

Chính sử gia Hoàng Xuân Hãn khi trích câu ‘ta yêu con ta, như ta là cha mứ dân yêu dân” cũng băn khoăn đặt câu hỏi như vậy. Nhưng sau đó Hoàng Xuân Hãn đã bác bỏ băn khoăn này mà khẳng định rằng: “Lòng thương người như vậy của vua Lý Thánh Tông không phải là một sự giả dối của nhà chính trị mà chính là phần biểu diễn của lòng từ bi, do Phật giáo gây nên”.

Riêng với Trần Minh Tông cũng như vậy chứ không thể khác được. Điều này có thể thấy qua một bài thơ mà nhà vua đã ghi lại cảm nghộ của mình khi đi thị sát ở vùng biên giới Hoa – Việt. Dù trong bài thơ ta không biết được là nhà vua đã đến quan sát là buổi sáng hay buổi trưa, nhưng đọc bài thơ, ta có thể tưởng tượng đó là một buổi chiều âm u ở vùng biên giới cheo leo heo hút:

Nguyệt sinh giao thất lãnh
Nhật lạc ngạc đàm không

Mặt trăng mọc khiến cho nhà giao long lạnh lẽo
Mặt trời lặng làm cho đầm cá sấu rỗng không

Từ bên này biên giới vua Trần Minh Tông nhìn qua bên kia là Châu Tứ Minh của Trung Quốc. Vua Trần Minh Tông băn khoăn tự hỏi, bên này hay bên kia thì đâu có gì khác nhau, nếu có khác nhau thì chỉ là khác ở bề ngoài, như áo mũ chẳng hạn? Thế mà tại sao tự nhận mình là văn minh (Hoa Hạ) còn kẻ ở biên giới khác với mình thì gọi là đồ man di?

Từ những suy nghộ đó, nhà vua đã xúc cảm làm ra bài thơ với mơ ước rằng, mọi người (bên này và bên kia) đừng kỳ thị và phân biệt với nhau nữa, mà hãy cùng nhau sống dài lâu với nhau trong hòa bình và thân thiện:

Tư Minh tương tiếp giới
Chỉ cách mã ngưu phong
Ngôn ngữ vô đa biệt
Y quan bất khả đồng
Nguyệt binh giao thất lãnh
Nhật lạc ngạc đàm không
Khẳng hạn Hoa di ngoại
Tề đăng thọ vực Trung
(Việt giới)

Châu tứ Minh tiếp giáp biên giới nước ta
Cách biệt nhau chả đáng là bao
Tiếng nói không khác nhau nhiều lắm
Áo mũ thì không giống nhau
Mặt trăng mọc khiến cho nhà Giao long lạnh lẽo
Mặt trời lặng làm cho đầm cá sấu rỗng không
Đâu có sự ngăn cách giữh Hoa và di
Đều nên cùng nhau bước lên cõi thọ

Đọc bài thơ trên của vua Trần Minh Tông, ta không thể không liên tưởng đến điều 14 trong tác phẩm Lý hoặc Luận của Mâu tử, một tác phẩm được viết tại nước ta vào thế kỷ thứ II (Tây). Lý hoặc Luận có cả 37 điều, nhưng Mâu tử đã dành trọn điều 14 để có thể nói là đánh một đòn chí tử vào lòng tự cao tự đại của người Trung Quốc lúc bấy giờ. Đối với họ, chỉ có Trung Quốc mới là trung tâm của trời đất, còn tất cả đều là man di mọi rợ.

Trong điều 14, sau khi đã bác bỏ những luận điệu như Trung Quốc là trung tâm của đất trời, là văn minh, là đỉnh cao trí tuệ, còn các dân tộc khác là man di mọi rợ v.v.. thì Mâu Tử mới kết luận như thế này:

“Phật kinh sở thuyết, thượng hạ chu cực hàm huyết chi loại vật giai thuộc Phật yên. Thị dĩ ngô phục tôn nhi học chi. Hà vị đương xả Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng chi đạo? Kim ngọc bất tương thương. Tùy bích bất tương phùng. Vị nhân vi hoặc thời trị hoặc hồ? – Kinh Phật giảng dạy, trên dưới trùm khắp, loài vật hàm huyết đều thuộc về Phật cả. Cho nên ta tôn kính mà học lấy, sao bảo là phải bỏ cái đạo của Nghiêu, Thuấn, Châu, Khổng. Vàng ngọc không tổn thương lẫn nhau; châu tùy và ngọc bích không hại lẫn nhau. Bảo người ta lầm khi chính tự mình lầm vậy”.[13]

Với cái kết luận như vậy, thì rõ ràng Mâu Tử đã dồn những người tự nhận mình là trung tâm của đất trời bỗng dưng thành ra kẻ đang ở nơi vùng biên địa hạ tiện, tự cho mình là văn minh, là đỉnh cao trí tuệ lại trở thành những con ếch đang ngồi dưới đáy giếng chẳng biết thế nào là trời cao đất rộng cả.

Vua Trần Minh Tông chẳng những là một nhà Phật học mà còn là một nhà lãnh đạo của triều đại nhà Trần oanh liệt, triều đại đã xem giáo pháp của Đức Phật như ý thức hệ chỉ đường cho quốc gia Đại Việt, tất nhiên phải được hun đúc bởi truyền thống mà Mâu Tử đã đúc kết một cách hàm súc giáo lý từ bi của Đức Phật qua câu: “Kinh Phật giảng dạy, trên dưới trùm khắp, loài vật hàm huyết đều thuộc về Phật”. Chính vì được hun đúc bởi truyền thống ấy cho nên khi đứng nhìn qua bên kia biên giới của Trung Quốc, nước đã khinh bỉ gọi dân tộc của mình là man di (di địch), thế mà nhà vua vẫn không oán thù mà còn cầu mong rằng:

Khẳng hạn Hoa Di ngoại
Tề đăng thọ việc trung

Di, Hạ đừng phân biệt
Cùng nhau sống dài lâu

Thì việc vua Trần Minh Tông đã xem “hết thảy sinh dân đều là người ruột thịt của ta, nỡ lòng nào để cho bốn bể khốn cùng” chắc chắn không phải là khẩu hiệu chính trị, mà phải được xem như là thể hiện lòng từ bi của một nhà lãnh đạo Phật tử, như cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã nhận xét về một câu nói “ta yêu dân như yêu con ta” của vua Lý Thánh Tông ở triều đại nhà Lý vậy.

Cái truyền thống cao quý ấy của tổ tiên, Trần Minh Tông luôn luôn nhắc nhở giáo dục những người đi sau cùng phải tôn trọng như chính ông đã tôn trọng. Sách Khâm địch việt sử thông giám cương mục ghi lại:

“Một hôm, Thượng hoàng (chỉ Trần Minh Tông) mời Huệ Túc vương vào Đại Niên tẩm điện (nơi ăn và nghỉ của vua), bảo ngồi chơi. Thượng hoàng đang ăn cơm chay, Huệ Túc vương vốn tính hay bài bác Đạo Phật và Đạo Lão, nhân đó mới nói rằng: Thần không biết ăn chay có ích gì không?

Thượng hoàng Trần Minh Tông đáp: Ông cha chúng ta ngày trước ăn chay nên ta cũng bắt chước mà ăn, còn như hỏi rằng ăn chay có ích gì hay không ta không biết.

Huệ Túc vương lặng lẽ lui ra”.[14]

Ngoài tấm lòng “Coi hết thảy sinh dân là ruột thịt”, Trần Minh Tông còn có một nét vô cùng độc đáo nữa, đó là ông không bao giờ đánh giá con người nơi hình thức bề ngoài, mà ông có thể nhìn thấu suốt bên trong (tốt hay xấu) của người ấy. Đây có lẽ là một trong những đức tính vô cùng cần thiết đối với những người đang ngồi ở cương vị lãnh đạo chăng?

Bài thơ tặng cho Trần Bang Cẩn sau đây, sẽ cho thấy cặp mắt tinh đời của Trần Minh Tông:

Hình dung cốt cách nại đông hàn
Tướng mạo đình đình diệc khả quan
Phong lưu nhất đoạn hồn miêu tận
Tâm lý nan miêu cảnh cảnh đan

Hình dung cốt cách chịu đựng được giá lạnh mùa đông
Tướng mạo đường đường cũng đáng xem
Mọi vẻ phong lưu đều vẽ được hết
Chỉ khó vẽ tấm lòng son chói sáng mà thôi

Chính vì chỉ thích “tấm lòng son chói sáng” bên trong hơn là thích vẻ phong lưu bên ngoài, nên Trần Minh Tông rất ghét thứ quan lại chỉ biết dua nịnh, lúc nào cũng muốn được vừa lòng hết mọi người, lúc nào cũng muốn “dĩ hòa vi quý” để mong được yên thân, đừng ai động đến chỗ ngồi của mình cả.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại hai chuyện Trần Minh Tông dạy viên quan có tên là Hiệu Khả, một tên quan lại bất tài chỉ biết nịnh hót.

“Chuyện thứ nhất kể rằng, một lần, vua Trần Minh Tông muốn thử lòng dạ Hiệu Khả, liền lấy ra hai cái tráp đựng quần áo, sai Hiệu Khả xếp loại tốt, xấu. Hiệu Khả chưa làm thì vua đã hỏi:

Một cái thì do chính tay ta làm, một cái do Nội nhân Lê Kế làm. Ta thấy cả hai đều tinh xảo, theo ý người cái nào khéo hơn?

Hiệu Khả xem đi xem lại một lúc lâu rồi nói giọng úp mở theo kiểu nước đôi rằng:

Chúa thượng có cái khéo của Chúa thượng, bề tôi có cái khéo của bề tôi.

Vua Trần Minh Tông nghe xong không nói gì, chỉ biết phì cười.

Chuyện thứ hai kể rằng, có lần Hiệu Khả ca tụng vua Trần Minh Tông là giỏi hơn vua cha Trần Anh Tông (1293 – 1314) vua biết Hiệu Khả là kẻ bất hiếu, đối đãi với cha mứ chẳng ra gì, muốn cho Hiệu Khả một bài học, bèn nghiêm sắc mặt, ngăn không cho Hiệu Khả nói tiếp, rồi phán rằng:

“Ai mà khen người khác giỏi hơn cha mứ họ thì người ấy hẳn là kẻ bất hiếu với cha mứ mình”.[15]

Nhưng có lẽ cuộc đối thoại sau đây giữa Trần Minh Tông và Uy Túc Vương Văn Bích mới là đìều đáng cho chúng ta, những người đang sống ở đầu thế kỷ 21 phải suy nghộ:

Bình sinh Thượng hoàng Trần Minh Tông thường hay lấy gương tốt, xấu của bề tôi các đời vua trước và lấy ngay nếp sống thanh đạm của mình để dạy các Hoàng tử, sách Khâm Định việt sử thông giám cương mục (chính biện, quyển 9, tờ 27 và 28) chép rằng:

“Sau khi đã nhường ngôi, Thượng Hoàng lui về phủ Thiên Trường, mỗi khi các Hoàng tử vào chầu, Thượng Hoàng thường bình luận đến các nhân vật bản triều. Uy Túc Vương Văn Bích nói:

Phàm bình luận nhân vật để dạy các Hoàng tử, chỉ nên nói đến việc của người hay, còn việc người dở, hãy gạt bỏ đi, không nói để cho người khác nghe bắt chước.

Thượng hoàng Trần Minh Tông nói:Việc làm của kẻ hay, người dở đều nên bàn đến cả, không thể gác bỏ thiên lệch được. Nếu con ta quả là người hiền thì nghe việc hay tất nghe mà bắt chước, nghe việc dở tất ghét mà tránh đi. Thế thì, kẻ hay người dở đều có thể làm gương cả.

Nếu con ta quả không hiền thì cứ gì phải thấy việc dở rồi sau mới bắt chước. Cứ xem như Thái Khang (vua thất đức của nhà Hạ, sau bị Hậu Nghệ đuổi đi) là kẻ hôn quân, thì có phải vì ông vua đời trước chơi bời luông tuồng mà Thái Khang bắt chước đâu? Dưỡng Đế nhà Tùy, miệng nói việc của Nghiêu, Thuấn, mà làm thì bạo ngược hơn Kiệt, Trụ, thì có phải thấy người hay mà bắt chước được đâu?

Uy Túc Vương nghe nói, cúi đầu tạ tội”.[16]

Từ xưa đến nay, những người viết sử đều cho rằng, sở dĩ đời nhà Trần làm cho đất nước hùng mạnh không chỉ việc chống ngoại xâm mà còn nhiều lãnh vực khác nữa, là vì nhà Trần biết lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân, mà đỉnh cao là hội nghị Bình Than (1282) rồi tiếp đến hội nghị mở rộng Diên Hồng (1285). Nhưng nay qua câu nói:

“Việc làm của kẻ hay, người dở đều nên bàn tới cả, không thể gác bỏ thiên lệch được” của vua Trần Minh Tông thì ta có thể biết được một lý do nữa là nhà Trần không chủ trương bưng bít, che đậy, mà chủ trương công khai hóa, minh bạch hóa về chính sách cũng như đời sống riêng tư của những người đang ở trên cương vị lãnh đạo.

Nói theo cách nói ngày nay, thì nhà Trần đã bác bỏ lối thông tin một chiều, và chủ trương thông tin đa chiều chăng?

Đó là một lý do nữa khiến nhà Trần có thể câu kết được lòng dân và đã trở thành một nhà nước hùng mạnh nhất ở vùng Đông Nam Á ở thế kỷ thứ XIII chăng?

Cho nên chẳng có gì ngạc nhiên vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, khi đất nước bị quân ngoại xâm chiếm đóng, quyền sống của người dân bị tước đoạt, thì những nhà tri thức tiến bộ nhất của dân tộc đều hô hào phục hưng lại tinh thần Phật giáo, vì Phật giáo có hưng thịnh thì dân tộc và đất nước mới hùng mạnh được, như hai triều đại Lý và đặc biệt là Trần mà lịch sử đã chứng minh một cách hùng hồn. Xin được trích ra đây lời phát biểu của hai nhà tri thức tiêu biểu nhất để kết thúc bài này:

Trong báo Tiếng chuông sớm (1935) Phan Khôi viết:

“Ở nước ta cũng vậy; vào thời nhà Lý, nhà Trần, đạo Phật tràn ngập cả nước, chùa chiền khắp nơi, thầy tu làm dân tráng, nhưng nước nhà chưa hề có cái vẻ tích nhược như hồi Lê Trung Hưng hay Nguyễn Thống nhất là cái thời đại Nho học thịnh hành. Trái lại nhà Lý, nhà Trần mạnh lắm, dân khí còn hăng lắm: mấy phen giặc Tàu sang chúng ta đuổi đi như đuổi vịt. Lịch sử là cái bằng chứng mạnh lắm, không ai chối cãi được. Nó đã làm bằng chứng cho Phật giáo, không phải là một thứ thuốc phiện làm mềm yếu con người”.

Và quan trọng nhất là Chí sộ Phan Chu Trinh, một trong những nhà cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt ở đầu thế kỷ XX:

“Trong số những nhà chí sộ lãnh đạo Đông Du và Đông Kinh nghĩa thục, ta có thể nói rằng Phan Chu Trinh là người tin tưởng nhất về sự đóng góp của một nền Phật giáo phục hưng, ông thường hô hào việc chấn hưng Đạo Phật để hỗ trợ cho cách mạng. Có lần trong một buổi họp, giữa các đồng chí, sau khi mới rung chuông, ông liền lên tiếng: “Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo. Chúng ta không biết cương cường xã thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình. Nay bà con thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng mạnh đến như vậy: quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu, nào bị cướp giáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ Đạo Phật thời đó rất thịnh ư? Nhờ tinh thần tôn giáo của ta ư?”[17]


[1] Tất cả thơ của Trần Minh Tông trong bài này đều được trích từ Thơ văn Lý Trần, quyển thượng, tập 2, NXB KHXH, Hà Nội 1988.

[2] Tự ngôn của Thích Nguyên Chứng, lời mở đầu cho bản dịch Luật Tứ Phần của H.T. Thích Đồng Minh, Thích Nguyên Chứng và Thích Đức Thắng hiệu đính và chú thích, Viện NCPHVN xuất bản 2006.

[3] Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, trang 172-173, NXB Đại Nam tái bản 1987 tại Mỹ.

[4] Việt sử giai thoại tập 3, soạn giả Nguyễn Khắc Thuần, trang 65 – 66, NXB Giáo dục, Tp. HCM 2006.

[5] Phạm Công Thiện, sđd trích rãi rác các trang 492 – 493.

[6] Thắng Man Giảng Luận của Tuệ Sỹ, trang 74 -75.

[7] Việt sử giai thoại (đời Trần) sđd, trang 55.

[8] Việt sử giai thoại (đời Trần) trang 56.

[9] Lý Thường Kiệt, của Hoàng Xuân Hãn, tr. 364 – 365, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 2003.

[10] Lịch sử Thế giới Cổ đại, tr. 38, nhiều tác giả, NXB Giáo dục 2005.

[11] Sđd, trang 43.

[12] Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, NXB Tổng hợp TP. HCM 2005.

[13] Nghiên cứu về Mâu Tử, của Lê Mạnh Thát, Tu thư Vạn Hạnh 1982

[14] Việt sử giai thoại tập 3 (đời Trần) Sđd, trang 58.

[15] Sđd trang 58 – 59.

[16] Sđd trang 57.

[17] Việt Nam Phật giáo sử luận tập 3, của Nguyễn Lang, NXB văn học Hà Nội 1994.

Hiển thị thêm
Back to top button