HT Thích Phước An: Phạm Công Thiện: Bậc trí giả trên đồi Trại Thủy

Phạm Công Thiện đến ở nghiên cứu và tu tập Thiền tại chùa Hải Đức vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Chùa Hải Đức trước 1975 là một trung tâm học Phật nổi tiếng của miền Trung. Chùa tọa lạc trên đồi Trại Thủy thành phố Nha Trang. Đúng như lời của Phạm Công Thiện trong một lá thư gửi cho nhà văn Tuấn Huy, và đồng thời cũng là một trong hai lá thư mở đầu cho tác phẩm Ý thức mới trong văn nghệ và triết học.

“Tôi đã từ bỏ sông Sài Gòn trở về biển. Tôi về đây sống biệt lập trên một đồi cao. Những đêm khuya nằm nghe gió đìu hiu và tiếng sóng vỗ xa, tôi bỗng nhớ lại những ngày vui của chúng mình ở Sài Gòn”.

Nhưng vì sao Phạm Công Thiện từ bỏ Sài Gòn hoa lệ, về nằm nghe “gió đìu hiu” trên đồi Trại Thủy? Để tìm kiếm cái gì? Cũng trong lá thư gửi cho nhà văn Tuấn Huy, Phạm Công Thiện cho biết:

“Những tối sống lê thê ở Sài Gòn, chúng mình đã đi lang thang trên những phố buồn, để rồi cuối cùng, tụ về những hộp đêm, gục đầu nghe tiếng hát bên ngoài, vì chúng mình đã mất hết tiếng hát bên trong”.

Nhưng “tiếng hát bên trong” đó anh phải tìm ở nơi nào?

Trong hơn ba năm ở chùa Hải Đức (từ 1961 – giữa 1964), tôi thấy trên bàn viết của anh lúc nào cũng để tập bản thảo về Bồ Đề Đạt Ma. Bồ Đề Đạt Ma như tất cả chúng ta đều biết là đệ nhất tổ của Thiền tông Phật giáo Trung Hoa. Rời bỏ quê hương Ấn Độ đến Trung Quốc vào năm 520. Người đầu tiên mà Bồ Đề Đạt Ma gặp là vua Lương Võ Đế của Trung Quốc, một vị vua rất hâm mộ đạo Phật.

Cuộc đối thoại diễn ra sau đây giữa vua Lương Võ Đế và Bồ Đề Đạt Ma đúng như Phạm Công Thiện  viết là “đã làm một cuộc cách mạng triệt để”:

– Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể, vậy có công đức gì không?
– Không có công đức gì cả.
– Tại sao?
– Bởi vì những việc làm của vua là “hữu lậu” chỉ có những quả nhỏ, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không thật.
– Vậy công đức chân thật là gì? Trí phải thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không phẳng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian như xây chùa tháp, độ tăng mà cầu được.

Nhà vua lại hỏi:

– Nghĩa tột cùng của Thánh đế (chân lý tuyệt đối) là gì?
– Một khi đã thức tỉnh, thông suốt thì không có gì là thánh trong đó cả.
– Thế thì ai đứng trước mặt trẫm?
– Không biết (bất thức).

Và đây là đoạn mở đầu tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma của Phạm Công Thiện:

“Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) là con người đặc biệt trong lịch sử tôn giáo nhân loại. Người có một đời sống khác thường, mang một tâm hồn mãnh liệt hiên ngang, xem công hầu khanh tướng như cỏ rác, đi trên thị phi tầm thường, vượt ra ngoài những giới hạn của đời sống công lệ, phá hủy công thức đến tận gốc rễ và nung nấu trong lòng một niềm kiêu hãnh xót xa của một tâm hồn đau đớn trước sự đi xuống của con người”.

Có đọc cuộc đối thoại giữa Bồ Đề Đạt Ma và vua Lương Võ Đế trên nhưng chúng ta mới thấy đúng là “phá hủy công thức đến tận gốc rễ”.

Hầu hết các chùa ở Việt Nam đều thờ Bồ Đề Đạt Ma nơi bàn Tổ, mỗi ngày đi công phu tôi đều phải quỳ lạy tổ sư. Nhưng tuổi thơ làm chú tiểu của tôi chỉ biết đó là vị tổ sư của Phật giáo Thiền tông Trung Quốc, đại khái chỉ có vậy thôi. Nhưng phải đợi đến khi đọc được tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma của Phạm Công Thiện, dù lúc đó chưa học hết cấp hai, nhưng tôi có thể hiểu lờ mờ rằng, đó không phải là vị tổ sư Thiền tông thôi, mà còn là một tư tưởng gia vĩ đại của Phật giáo và cả nhân loại nữa.

Phạm Công Thiện còn so sánh Bồ Đề Đạt Ma với triết gia vĩ đại Nietzsche:

“Sự xuất hiện của Bồ Đề Đạt Ma trong tư tưởng Phật giáo, về tính cách quan trọng, có thể ví với sự xuất hiện của Nietzsche trong tư tưởng Tây phương. Bồ Đề Đạt Ma và Nietzsche đã làm một cuộc cách mạng toàn diện, thổi một luồng sinh khí vào tư tưởng đương thời, mở đầu cho một tiến trình sinh hoạt mới cho những thế hệ sau”.

Vậy triết gia vĩ đại người Đức này đã thuyết giảng cái gì mà Phạm Công Thiện so sánh Bô Đề Đạt Ma của Phật giáo. Trong phần cuối của tác phẩm “Ý thức mới” mà Phạm Công Thiện gọi là “ý thức tự quyết” bằng hình thức một lá thư gửi cho Nietzsche. Phạm Công Thiện mở đầu lá thư bằng những cơn gió mạnh dữ dội trong buổi trưa vắng trên đồi Trại Thủy, như để chuẩn bị cho sự xuất hiện của tư tưởng cũng rất dữ dội của Nietzsche: “Buổi trưa hôm nay, gió thổi quá mạnh. Ngoài cửa sổ, cây cối rung chuyển ầm cả lên như những tiếng sóng biển dưới kia. Đôi lúc đứng trên đồi cao này trông xuống biển, tôi chợt thấy quang cảnh dưới kia cũng giống như vùng Portofino mà người đã từng sống trong những ngày cô đơn nhất của đời người”.

Và trong một đoạn khác: “Hỡi Nietzsche, những dòng này được viết ra trong lúc ngoài kia gió đang hú lên từng trận kinh hồn, và lắng hồn vào sâu trong tiếng gió, tôi vụt nghe tiếng người thét lên lanh lảnh: “Các người đang trở nên nhỏ bé, hỡi những con người nhỏ bé kia!”.

Đứng trước sự đi xuống, sự nhỏ bé, sự thấp kém của con người, Nietzsche một triết gia Tây phương đau đớn phải thốt lên thành lời, còn Bồ Đề Đạt Ma một tư tưởng gia trầm lặng của Đông phương cũng thấy đau đớn, thất vọng sau cuộc gặp với vua Lương Võ Đế, nhưng phản ứng lại bằng cách lặng lẽ đến chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn, ngồi nhìn vào vách đá chín năm (cửu niên diện bích) và chờ đợi …

Nhưng thông điệp của Nietzsche là gì? Phạm Công Thiện viết trong lá thư gửi Nietzsche:

“Ta dạy đạo siêu nhân cho con người. Con người là một sinh vật phải được thắng, được vượt qua”.

“Siêu nhân (superman) là tình thương không đối tượng, siêu nhân là vượt lên trên người, là vượt lên trên sự phân chia đối đãi giữa thiện và ác, vượt lên trên hành động có mục đích của con người, là siêu thoát ra ngoài ngã và vô ngã để bay thẳng đến Chân không (Sunyata) là tự do chấm dứt hoàn toàn tất cả vọng tưởng, những biến kế sở chấp (Vikalpa).

Và như vậy theo Phạm Công Thiện: “Siêu nhân của Nietzsche hoàn toàn giống một Bồ tát (Bodhisattva) của Phật giáo”. Và Phạm Công Thiện viết tiếp:

“Và không ai lấy làm lạ khi Nietzsche hết sức ca tụng Phật giáo. Đang khi Nietzsche quyết liệt hạ bệ tất cả những thần tượng khác”.

Khi còn sanh tiền, Phạm Công Thiện thường nói với tôi, rất tiếc là vị triết gia vĩ đại này sống ở thế kỷ XIX. Lúc đó kinh sách Phật giáo chưa được phổ biến tại Đức cũng như các quốc gia Tây phương. Phạm Công Thiện cho rằng nếu Nietzsche mà đọc được bộ Kinh Đại Bát Nhã (Prajῆa Paramita Sutra) của Phật giáo Đại thừa thì cái “triết lý bằng cây búa” của Nietzsche không chỉ chẻ đôi trái đất mà còn chẻ tư được trái đất nữa.

Tôi nhớ trong một bài tùy bút Phạm Công Thiện có nói rằng, khi còn trẻ anh đã “đi theo tiếng thét ngất ngưỡng của Nietzsche” và say mê Phật giáo Thiền tông. Nhưng theo tôi Phạm Công Thiện còn đi xa hơn, không phải chỉ say mê Thiền tông Phật giáo qua sách vở thôi, mà còn trở thành một hành giả nữa.

Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma được Phạm Công Thiện viết trong những năm anh tu tập thiền tại thiền thất của chùa Hải Đức. Khi biến cố Phật giáo xảy ra vào năm 1963, thì công an của chế độ Đệ nhất Cộng hòa đã bố ráp và lục soát chùa, thì họ đã tịch thu bản thảo. Khi họ trả lại thì theo anh, đã mất khoảng 40 trang, tức là những trang nói về tư tưởng của Bồ Đề Đạt Ma.

Thật là cảm động, khi đọc những lời chú thích nơi phần cuối của tập tiểu luận: “Thiên khảo luận về Bồ Đề Đạt Ma này in lở dở nơi đây không ngoài mục đích dùng làm tài liệu tham khảo cho những việc nghiên cứu về sau và đồng thời, cũng gọi là đánh dấu lại những ngày tôi viết thiên khảo luận này. Những ngày mà tâm hồn tôi đã chuyển sang một chân trời khác, những ngày mà tôi đã được may mắn chia sẻ số phận của những người cùng ở chân trời ấy”.

Nhưng câu hỏi quan trọng là, sau khi đọc say mê Phật giáo Thiền tông và đã trở thành hành giả trên đồi Trại Thủy thì cuộc đời Phạm Công Thiện có gì thay đổi không? Hay vẫn còn “gục đầu nghe tiếng hát bên ngoài” trong tác phẩm Ý thức mới nơi chương Ý thức siêu thoát, khi viết về ý nghĩa Phật giáo Thiền tông qua vài suy luận triết học Heidegger, nơi trang 153, Phạm Công Thiện viết:

“Khi viết về đạo Phật Zen, tôi chỉ muốn ghi lại cái cảm giác rất chủ quan của riêng tôi, của một kẻ vui mừng run run khi tìm được lương thực tinh khiết cho tâm hồn bại hoại của mình. Đạo Phật Zen đã hé mở cho tôi thấy những chân trời mênh mông bát ngát; mỗi lần đi vào tinh thần Zen là mỗi lần tôi được đưa lên cao, mọi tuyệt vọng tan biến, thần kinh hết căng thẳng, hơi thở nhẹ nhàng khoan khoái; tôi cảm thấy sung sướng hạnh phúc lắm. Và những cay đắng nhọc nhằn của đời sống dường như vơi hẳn đi”.

Trừ những năm Phạm Công Thiện sống ở nước ngoài, còn những năm anh ở trong nước thì tôi đều được ở gần anh. Những năm anh ở Sài Gòn là những năm anh ở trên đỉnh cao của cuộc đời, khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh nổi tiếng, được sinh viên xem như thần tượng, có nhiều tờ báo còn gọi anh là “hiện tượng Phạm Công Thiện” và quả thật anh xứng đáng để được tôn vinh như vậy.

Nhưng với riêng tôi, tôi chỉ muốn giữ lại cái hình ảnh của một thanh niên trí thức đã can đảm từ bỏ hết những đam mê quyến rũ của Sài Gòn để về nằm trên đồi cao của đồi Trại Thủy “nghe gió đìu hiu và tiếng sóng vỗ xa”. Đúng như hai câu thơ mà anh đã làm trên đồi cao lộng gió này:

Trùng dương nằm đợi vô thường
Đồi cao bạt gió hai đường âm u.

Nha Trang cuối năm 2023
TPA.

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button