HT Thích Phước An: Thơ Bùi Giáng và tuổi trẻ lang thang trên hè phố Sài Gòn

I

Vào khoảng cuối năm 1971 hay đầu năm 1972 gì đó, Bùi Giáng dọn về ở luôn trên lầu ba, thuộc khu nội xá của Viện Đại Học Vạn Hạnh. Dù đã đến Sài Gòn trước đó nhiều năm, nhưng chỉ sau khi ở gần với Bùi Giáng thì tôi mới có dịp biết nhiều hơn về những con đường phố ở Sài Gòn.

Có lẽ, cũng như hầu hết người trẻ tuổi thời bấy giờ, Sài Gòn với tôi vẫn có sức quyến rũ lạ lùng. Dường như, chính từ thành phố ấy, mà tuổi trẻ của tôi mới cảm nhận được một cách mông lung rằng, có mùa xuân đầy hương sắc trên cuộc đời này mà tuổi trẻ của tôi vẫn muốn đưa tay với bắt nhưng chưa được? Hay có lẽ sẽ không bao giờ được? Ví có bao giờ ta bắt được một tia nắng đẹp mong manh của buổi chiều xuân bao giờ đâu?

Chạy đi em! Và bắt vội giùm cho
Ta em nhé ta chờ tay em bắt.
Giùm chút nắng chiều ngọn cây lay lắt
Nắm và cầm đưa lại giúp cho ta.
Trẻ (Mưa Nguồn)

Bài những nhành mai của Bùi Giáng có lẽ mới là bài mà dạo đó tôi say sưa đọc, vì bài thơ đã khơi dậy được tất cả những hoài vọng nhiệt nồng của tuổi trẻ:

Buồn phố thị cũng xa bay như gió
Cộ xe nhiều cũng nhảy bổng như hươu
Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu.
Nhành Mai (Mưa Nguồn)

Nhưng Sài Gòn mà tôi thường đi lang thang với Bùi Giáng lại không phải là Sài Gòn dưới cái nhìn của đám đông thiên hạ. Những thị dân áo quần chải chuốt tập trung ăn nhậu ở các nhà hàng, hoặc nối đuôi nhau đứng đợi mua cho được một vé xi nê, mà Sài Gòn ở đây lại là, tại các hẻm hay những góc phố vắng vẻ. Ở đó, có các quán cóc bán cà phê và các thức ăn rẻ tiền mà giới đạp xích lô hay những người lao động chân tay mới thường lui tới. Bùi Giáng rất thích đến ngồi ở những quán này, vì những người lao động này họ chẳng hề biết ông là ai, và nhất là họ cũng chẳng bận tâm về chính họ làm gì. Chẳng hạn, họ chẳng bao giờ nghĩ rằng mình là trí thức hay nghệ sĩ gì cả. Bùi Giáng rất khó chịu khi phải ngồi nói chuyện với những người mà từ lời nói đến cử chỉ lúc nào cũng đầy vẻ trịnh trọng.

Chúng ta dường như lúc nào cũng thích khoác cho mình một chiếc áo thật đẹp, hay tự sửa soạn chỗ ngồi của mình thật lộng lẫy, để rồi tự cảm thấy thỏa mãn khi ngồi vào chỗ ngồi ấy?

Còn thi nhân? Chẳng phải thi nhân là kẻ đã đánh phá tan tành những công ước giả tạo ấy, để chỉ cho con người thấy được vẻ đẹp mênh mông của cuộc đời đó sao?

Nhưng chúng ta có nên đem chuyện riêng tư của một người cô độc để nói ở đây không?

Theo tôi, thì chẳng có gì là riêng tư đối với Bùi Giáng. Tất cả những gì gọi là riêng tư, thật ra chỉ là cái đãy vải trên vai, trong đó chỉ đựng xấp giấy trắng, cây bút để làm thơ trên bước đường lang bạt mà thôi.

Có lẽ ít có nhà thơ nào đã dám sống hết mình, sống tận cùng với cát bụi như Bùi Giáng đã dám sống một cách trọn vẹn như vậy.

Và chúng ta có thể nói rằng, chính từ đời sống như vậy, mà tiếng thơ Bùi Giáng đã ra đời. Qua tiếng thơ đó, Bùi Giáng đã khẳng định với chúng ta rằng, không phải cuộc đời chỉ có đau khổ, lầm than và đầy bóng tối, mà vẫn còn có bầu trời cao rộng nữa, nếu chúng ta biết ngẩng mặt lên để mà nhìn:

Trần gian hỡi! Tôi đã về đây để sống
Tôi đã tìm đâu ý nghĩa của lầm than
Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng
Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thấp đen.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)

Và cuộc đời, với hầu hết chúng ta chắc chắn không có chủ đích nào khác hơn là săn đuổi cho được cái mà ta thường gọi là hạnh phúc? Nhưng chúng ta đi tìm hạnh phúc ở đâu? Hạnh phúc trong sự tích lũy tài sản? Hạnh phúc có nghĩa là nhiều tiện nghi vật chất cho đời sống? Hay cao hơn một mức nữa, là phải đấu tranh hay có khi phải sát phạt lẫn nhau để có một địa vị nào đó trong xã hội? Nhưng tất cả những thứ này đều không đem lại hạnh phúc lâu dài, vì chắc chắn một ngày không xa nó sẽ tuột khỏi tầm tay, và sự đau khổ lập tức sẽ đến với chúng ta ngay. Nhưng điều tác hại nguy hiểm nhất vẫn là, ví suốt đời ta cứ chạy theo những hình ma bóng quế này, thì trái tim của ta dễ bị bại liệt. Khi trái tim đã bị bại liệt rồi thì chúng ta sẽ không còn biết rung động trước mọi vẻ đẹp của đất trời nữa. Phải chăng khi con người không còn biết rung động trước cái đẹp, thì con người sẽ chỉ sống trong ích kỷ và tàn bạo?

 Còn thi nhân thì ngược lại, mỗi giây phút sống trên đời này, đều là mỗi giây phút thiêng liêng. Vạn vật đối với họ như có linh hồn, vì đang cùng với trái tim của họ rung lên bao nỗi chờ mong:

Tôi đã gởi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa cho tơ liễu ở gần
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)

 Và theo tôi, sở dĩ người nghệ sĩ ấy tự chọn cho mình một đời sống lao đao lận đận như vậy, chẳng có mục đích nào khác hơn là muốn chia sẻ với con người một chút đau khổ giữa cái khổ lớn lao mà con người đang phải gánh chịu, với hi vọng đốt lên được ngọn lửa của tình thương mà vốn dĩ đã quá nguội lạnh trên cuộc đời này, như thi nhân đã một lần phát đại nguyện:

Xin mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ơi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)

Tình yêu ấy sẽ vượt thắng tất cả. Kẻ nào đã cưu mang tình yêu đó trong trái tim, thì dù mai này có chết đi, nhưng tình yêu ấy vẫn còn nguyên vẹn:

Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)

Và khi một kẻ đã sống vì sự đau khổ của con người thì đời sống của họ cũng rất giản dị. Họ sống khiêm tốn với những sự vật gần như vô danh và im lặng giữa đất trời. Những sự vật mà chúng ta đã vô tình đã đánh mất giữa đời sống hàng ngày. Chúng ta đánh mất tại vì chúng ta cứ nghĩ rằng nó chẳng giúp ích gì cho đời sống quá thực tế của chúng ta cả. Nhưng với thi nhân, thì tất cả đều là thơ, tất cả đều là mộng:

Đường cong có cỏ mọc ven bờ
Cây đứng trong vườn là chuối tơ
Chó sủa sớm chiều đi qua ngõ
Gà con mất mẹ chạy bâng quơ.
Bờ Trần Gian (Mưa Nguồn)

 Đời sống thì giản dị như vậy, nhưng hoài vọng của họ đối với cuộc đời thì lại mãnh liệt vô cùng:

Sầu một thuở đất mòn không tiếng nói
Một ngàn năm trăng giải tuyết băng buông
Anh gởi đi ngàn sóng cuộn thác nguồn
Để thấy mãi rằng thơ không đủ gọi.
Đủ Gọi (Mưa Nguồn)

Một buổi trưa hè nóng bức cũng tại một quán cóc trên vỉa hè Trương Minh Giảng (bây giờ Lê Văn Sĩ) của Sài Gòn thời đó. Bùi Giáng đang ăn tô mì Quảng (thứ mì phát xuất từ Quảng Nam – quê hương của ông), còn tôi thì ngồi nhâm nhi cà phê nhìn thiên hạ đi lui đi tới ngoài đường phố. Đang ăn bỗng Bùi Giáng ngừng lại và nói với tôi: “Ta ăn hai ngàn tô mì Quảng nữa ta chết”.

 Câu nói chỉ là nói đùa, nhưng đối với tôi thì không phải đùa chút nào, vì tôi biết rằng, câu nói ấy đã vô tình thể hiện tất cả nỗi ưu tư quằn quại của Bùi Giáng về cái chết của chính ông và tất cả chúng ta, những người đang sống trên mặt đất này.

Đã hơn bốn thập niên qua rồi, vậy mà từ giọng nói đến cái nhìn thật xa xôi của Bùi Giáng vào buổi trưa hè năm ấy, đến nay vẫn còn đọng lại trong hồn tôi. Những khi ngồi nhớ lại những năm tháng đã sống bên Bùi Giáng cùng với hàng ngàn bài thơ mà ông đã làm trên bước đường lang thang phiêu bạt, thì bài thơ đã ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với tôi chắc vẫn là bài ông viết về cái chết.

Có lẽ, chúng ta phải tập lân la trú ngụ gần bên cái chết, thì mới thấy được sự sống là thiêng liêng chăng?

Rồi mai đi về xứ nào chẳng biết
Đỗ Quang ơi và có lẽ Quyên ơi
Đi lìa xa xứ sở của mặt trời
Thì chuyện cũ cũng như từng chưa biết
Tôi chẳng rõ cội nguồn tôi ly biệt
Dấu tiên sa và ngấn tích tiên nga
Bờ giạt bèo hay trôi bến lạnh trôi hoa
Ngày ngóng mộng hay đêm ngờ máu chảy
Xuân thơ dại hay đông tàn thu gãy
Chút tình xưa Đông Á mất đâu rồi.
Rồi mai đi về xứ nào chẳng biết
Những người em hãy ở lại bên đời
Nô hay đùa xin cứ mỉm hai môi.
Mai Đi (Sa Mạc Phát Tiết)

Và đâu phải vì cái chết mà chúng ta không còn hi vọng vào cuộc đời. Vì sao? Đây có lẽ thông điệp mà Bùi Giáng muốn gửi tới cho tất cả những người trẻ tuổi hôm nay chăng?

Em bảo rằng,
Đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thắm lại với trời hồng.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)

“Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới”, như văn hào Nga Dostoievski đã một lần phát biểu như vậy.

II

Đêm đêm đội nón lên chùa
Hỏi thăm Phương Trượng một mùa mưa xuân.
Bùi Giáng

Khi nhà xuất bản An Tiêm cho phát hành Lời Cố Quận, tác phẩm của triết gia Đức Martin Heidegger giảng giải thơ Hoelderlin do Bùi Giáng dịch. Một bữa nọ, có lẽ từ nhà xuất bản về, Bùi Giáng cho tôi một bản đặc biệt, rồi ông nói với tôi: “Tao có trích một bài thơ của mày trong đó”. Bùi Giáng vẫn thường gọi tôi “mày” và xưng “tao” với tôi như vậy. Tất nhiên tôi rất hãnh diện vì được Bùi Giáng đã xem tôi như người rất thân của ông. Cầm quyển sách trong tay, tôi cứ nghĩ là Bùi Giáng chỉ nói vậy cho vui thôi, vì tôi thì chỉ biết đọc thơ chứ đã làm được bài thơ nào đâu mà trích với dịch. Biết vậy, nhưng tôi vẫn lật từng trang để tìm thử, thì quả là có bài thơ đề tên tôi thật. Bài thơ ấy cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ, bài thơ như thế này:

Giọt mù sương cố quận
Bước chân về dặm xa
Xa vời bóng Thích Ca
Con đi từ ngõ hẹp
Con đi từ nhớ mong
Một con đường đi vòng
Đến bên chân rừng núi
Con ngồi bên bờ suối
Kính tặng một bài thơ.

Sau 1975 vì phải dời đổi chỗ ở nhiều lần, nên sách Bùi Giáng của tôi gần như thất lạc hết, trong đó có quyển Lời Cố Quận. Bởi vậy nên hiện giờ tôi cũng chẳng còn nhớ bài thơ đó nằm ở trang mấy nữa, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, dù có sách của Bùi Giáng ở bên mình hay không thì cũng chẳng quan trọng gì mấy. Vì Bùi Giáng vẫn hiện diện sẵn đó, trong tâm hồn sâu thẳm của tôi, không phải chỉ tác phẩm thôi, mà còn cả chính cuộc đời của ông nữa, một cuộc đời có thể nói là đã hiến dâng trọn vẹn cho thi ca, cho cái đẹp của cuộc đời vậy.

Dưới bài thơ, tôi còn nhớ Bùi Giáng viết: “Đó là bài thơ tuổi nhỏ phát Bồ Đề tâm thăm thẳm và hy hữu của Đại đức Thích Phước An”. Tôi đọc chậm rãi từng câu và xúc động vô cùng. Xúc động không phải vì mình được đứng tên một bài thơ không phải do chính mình làm ra, cũng không phải vì được Bùi Giáng lưu tâm, mà xúc động vì qua bài thơ đó, Bùi Giáng đã mở mắt cho tôi thấy tuổi thơ cũng như con đường tôi đang bước đi thơ mộng và cao đẹp biết chừng nào. Vậy mà dường như tôi đã vô tình quên mất, để chạy theo cái đẹp phù phiếm bên ngoài.

Tôi nhớ có một lần Bùi Giáng đã hỏi tôi sanh ở thôn quê hay thành thị? Đi tu hồi mấy tuổi? Tôi hơi ngạc nhiên, vì nghĩ rằng ở vào địa vị của ông thì ông bận tâm chi đến chuyện riêng tư của người khác, nhất là người đó còn nhở và chưa làm được chuyện gì ra hồn cả. Nhưng vì thấy ông hỏi rất nghiêm chỉnh chứ không hỏi cho có hỏi, nên tôi khai thật với ông rằng, vì mồ côi cha từ hồi mới sanh, nên được ông chú đang Trụ trì một ngôi chùa tại vùng quê hẻo lánh ở Bình Định đem đi tu tận hồi 7, 8 tuổi gì đó. Khi nghe tôi nói sanh ở thôn quê thì Bùi Giáng gật đầu: “Vậy là được rồi”. Tôi không nghĩ là Bùi Giáng nói để an ủi tôi, mà ông nói rất thật theo quan niệm của ông, vì có một lần ngồi uống cà phê sáng với ông ở một cái quán gần chợ Trương Minh Giảng, quán có rất đông người. Bùi Giáng nhìn đám đông có vẻ hơi bực bội rồi ông nói với tôi:

“Bọn làm văn nghệ văn gừng suốt cả đời chỉ chạy lui chạy tới mấy cái quán cà phê mắc dịch ở Sài Gòn này, chẳng bao giờ bọn chúng nhìn thấy núi cao biển rộng hay sông dài, thì chúng làm được cái trò trống gì chứ?”.

Và Bùi Giáng cũng đã nhiều lần kể cho tôi nghe, hồi thời kháng chiến chống Pháp, ông đã từng một mình mang ba lô trên vai đi bộ từ Huế ra đến Hà Tĩnh. Bùi Giáng đến Hà Tĩnh vào một buổi chiều có nắng rất đẹp. Nhưng ông nói, người dân ở xứ ấy nghèo khổ quá, phải thay trâu bò mà kéo cày, nhưng ông cho rằng, chính từ cái nghèo khổ ấy nên mới tạo ra những thiên tài vô song của Hồng Lĩnh (Bùi Giáng muốn nói đến Nguyễn Du ở thế kỷ 18 và Huy Cận bây giờ). Về sau ý này được ông viết lại trong bài viết về Huy Cận trong tập Đi Vào Cõi Thơ, một tác phẩm bình thơ nổi tiếng của ông.

Cũng thế, phải được sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo khổ ở miệt nhà quê Quảng Nam thì Bùi Giáng mới làm được những câu thơ chết người như thế này:

Ruộng đồng không mọc lúa mùa
Từ hôm cánh mỏng cò lơ tiếng buồn
Đêm nào nhỏ giọt khe mương
Đêm nay rớt hột mù sương bây giờ.

Chắc chắn có một số người nghĩ rằng thơ là một thứ gì rất vô ích, chỉ để dành cho những người vô công rỗi nghề ngồi mơ mộng vớ vẩn. Nhưng chắc chắn có một số người sẽ nghĩ ngược lại rằng thơ có một sức mạnh lạ lùng, sức mạnh ấy có thể làm thay đổi triệt để tâm hồn cũng như cách nhìn của con người đối với cuộc đời.

Với tôi, hễ mỗi lần đọc bốn câu thơ trên của Bùi Giáng là mỗi lần tôi cảm thấy như thương yêu cuộc đời này hơn, ngay cả những ngày ấu thơ bơ vơ lạc lõng ở một vùng quê nghèo khổ dạo nào cũng trở thành đáng yêu một cách lạ lùng.

Vào khoảng cuối năm 1973 tôi có viết được một tùy bút ngắn nhan đề là Tuổi thơ nghe cọp rống, được đăng trên báo Thời Tập, một bán nguyệt san văn nghệ rất nổi tiếng thời bấy giờ. Đại khái tôi muốn nói lên lòng say mê của tôi đối với ngôi chùa mà tuổi thơ tôi đã từng in dấu. Trên đầu bài viết tôi có trích hai câu thơ của Bùi Giáng:

Sẽ đi cùng bước chân mùa
Bóng vang sầu cũ tháp chùa rộng thênh.
(Mưa Nguồn)

Khi báo phát hành thì không có Bùi Giáng ở Sài Gòn, ông đang đi ngao du ở tận miền Lục tỉnh. Một buổi chiều tôi đang ăn cơm với quý thầy ở đại học Vạn Hạnh thì Bùi Giáng về, ông hối tôi ăn cơm nhanh lên để ông có chuyện cần nói gấp. Ăn xong tôi ra hành lang gặp ông, ông nói: “Tao đang đi dạo phố ở Cần Thơ thì có một cô gái bán sách rất đẹp, kêu tao vào đưa cho xem tờ Thời Tập, cô ấy bảo hai câu thơ tao làm rất hay, mà bài viết của mày lại còn hay hơn”. Tôi biết là chẳng có cô gái nào khen cả mà Bùi Giáng bày chuyện như vậy để khuyến khích tôi vậy thôi. Nhưng dù sao một người mới tập tành viết lách như tôi mà được Bùi Giáng khen thì nhất định phải sung sướng hơn được các cô gái khen rồi.

Nhiều khi đọc những câu thơ của Bùi Giáng nhắc đến ngôi chùa, tôi ngạc nhiên tự hỏi, tại sao ông lại có thể cảm nhận được hết tất cả cái đẹp tịch liêu của những ngôi chùa, nhất là những ngôi chùa ở tận xóm quê xa xôi mà những người ở đó suốt đời chưa chắc họ đã cảm nhận được? Tại ông là kẻ lữ hành cô độc chăng? Vì cô độc nên mới có cái nhạy cảm xuất thần đến như vậy chắc?

Vào thôn xóm nọ một chiều
Qua xuân tới hạ ghé chùa chiền hoa.

Bùi Giáng bắt đầu biết đến Phật giáo khi ông còn đi học ở Quảng Nam. Hồi ấy thỉnh thoảng ông có đến dự các lớp học Phật do bác sĩ Lê Đình Thám phụ trách (tưởng cũng cần nhắc lại là bác sĩ Lê Đình Thám pháp danh Tâm Minh là một trong những người có công nhất trong cuộc chấn hưng Phật Giáo vào những năm đầu thế kỷ 20. Bác sĩ cũng là thầy của nhiều bậc cao tăng của Phật Giáo Việt Nam hiện nay và đồng thời là người đồng hương của Bùi Giáng).

Bùi Giáng kể rằng, có một bữa ông đã đứng nghe say sưa bác sĩ Thám giảng kinh Hoa Nghiêm, vì vậy mới có hai câu thơ này trong Mưa nguồn:

Cõi bờ con mắt hoa nghiêm
Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng.

Và có lẽ cũng từ ngày ấy, tại Việt Nam xuất hiện một cõi thơ mà ngôn ngữ của cõi thơ ấy cũng hoành tráng, cũng tuôn chảy ào ạt. Phải chăng cõi thơ ấy đã gợi hứng cũng từ suối nguồn Hoa Nghiêm kinh của Phật giáo?

Vì con mắt một lần kia đã ngó
Giữa nhân gian bủa dựng một bầu trời
Đài vũ trụ hồn chiêm bao rạng tỏ
Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi.
(Mưa Nguồn)

Lần đầu tiên tôi được nghe nhắc đến tên Bùi Giáng là vào năm 1961, khi tôi đang còn là một chú tiểu ở Phật học viện Hải Đức Nha Trang. Hồi ấy có lẽ do tánh hay tò mò của trẻ con, nên tôi thường leo lên Thiền thất của Phật học viện đứng ngoài cửa sổ để nhìn vào phòng của một thanh niên trẻ khoảng chừng 20 tuổi, mà tôi thường được các thầy lớn tuổi nói là thông hiểu đến năm sáu ngôn ngữ. Cả ngày gần như thanh niên này không ra khỏi phòng, lúc nào cũng bận rộn với đủ thứ sách chất đầy trên bàn viết cũng như cả trên giường ngủ. Người thanh niên ấy không ai khác hơn chính là anh Phạm Công Thiện. Có lẽ vì thấy tôi còn nhỏ mà lại thích đọc sách, nên tôi được anh rất thương, anh cho tôi xem các bài viết của anh, trong đó có bản thảo về Bồ Đề Đạt Ma cùng một số chương của tác phẩm Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, anh cũng còn cho tôi xem các bài thơ của Hoàng Trúc Ly, của Hoài Khanh. Nhưng chỉ có Bùi Giáng là được anh nhắc đến hàng ngày, anh cho tôi xem các bài thơ của Bùi Giáng do chính Bùi Giáng viết gởi ra tặng anh. Một số bài sau này tôi thấy có in trong Mưa Nguồn, Ngàn Thu Rớt Hột và Lá Hoa Cồn. Anh Phạm Công Thiện cũng hứa với tôi là khi nào có dịp vào Sài Gòn sẽ dẫn tôi đến thăm Bùi Giáng.

Năm 1964, anh Phạm Công Thiện được mời vào Sài Gòn để dạy triết Tây tại Viện cao đẳng Phật học vừa được mở tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện Đại học Vạn Hạnh sau này), tôi được anh cho đi theo. Tôi nhớ anh đã dẫn tôi đến thăm Bùi Giáng vào một buổi chiều, trong một căn nhà ở hẻm Trương Minh Giảng, căn nhà rất ẩm thấp, chật hẹp, gần như không có chỗ cho khách ngồi. Tôi thấy có mấy bức tranh vẽ còn dở dang, sách vở báo chí bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Hán, Đức, vất lung tung dưới sàn nhà, trên giường nằm. Bùi Giáng mời Phạm Công Thiện một điếu Bastos đỏ (thuốc rẻ tiền nhất thời đó). Đã hơn 35 năm qua rồi nên tôi chẳng còn nhớ được hai người đã nói với nhau những gì, tôi chỉ còn nhớ là khi tiễn Phạm Công Thiện ra cửa, Bùi Giáng nói: “Chắc rồi sau này tôi cũng sẽ như anh” (lúc đó Phạm Công Thiện đã mặc áo tu với pháp danh là Nguyên Tánh).

Buổi gặp gỡ Bùi Giáng lần đầu tiên ấy đã để lại ấn tượng sâu xa trong ký ức của tôi. Càng lớn lên, tôi mới càng nhận ra một điều rất giản dị rằng, chỉ có những người dám từ bỏ những thú vui tầm thường của cuộc đời, thì những người đó mới là kẻ đem niềm vui đến cho cuộc đời một cách dài lâu nhất.

Năm 1964, có thể được xem như là năm khởi đầu cho vận hội mới của Phật Giáo Việt Nam sau hơn một thế kỷ bị kỳ thị và phá phách bởi thực dân Pháp và tiếp đến là chính phủ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Mọi sinh hoạt như đang được hồi sinh, trong đó sinh hoạt về tư tưởng và văn hóa được xem như rầm rộ nhất. Một tạp chí văn nghệ có tên là Giữ thơm quê mẹ do Thiền sư Nhất Hạnh chủ biên, thi sĩ Hoài Khanh thư ký tòa soạn được ra đời, quy tụ hầu hết các nhà văn nhà thơ lớn của miền Nam, trong đó Bùi Giáng và Phạm Công Thiện được xem là hai cây bút chủ lực. Năm 1965 nhà xuất bản Lá Bối lại cho phát hành tập DIALOGUE, do các nhà văn nhà thơ của Phật Giáo Việt Nam gởi cho các nhà văn nhà thơ cùng các nhà nhân bản trên thế giới, kêu gọi họ hãy lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh đang gây ra thống khổ và chết chóc cho dân tộc Việt Nam. Tập sách đã gây được tiếng vang trong cũng như ngoài nước. Tuy vậy theo sự đánh giá của giới trí thức thì bài của Bùi Giáng gởi cho René Char thi sĩ Pháp và Phạm Công Thiện gởi cho Henry Miller nhà văn Mỹ là hai bài có tầm cỡ nhất để mở ra một cuộc “ĐỐI THOẠI” đúng nghĩa giữa các nhà trí thức Đông và Tây. Có thể nói chỉ trong một thời gian ngắn, những thế lực văn hóa phi dân tộc vốn được sự hỗ trợ tích cực của chế độ Thiên Chúa giáo đã mau chóng bị giới trẻ trí thức ở thành phố lãng quên, chưa nói là còn bị lên án nặng nề nữa, và truyền thống văn hóa của Phật giáo và dân tộc đã được hồi sinh. Tất nhiên, Bùi Giáng và Phạm Công Thiện là hai cây bút hàng đầu trong công cuộc làm hồi sinh này. Một bài báo tổng kết 10 năm sinh hoạt văn hoá Phật giáo (1964 -1974) được đăng trên báo Hải Triều Âm của Tổng vụ Văn hóa Phật giáo, tôi nhớ tác giả bài viết đã kết luận đại khái như thế này: “Sau những bài viết triết lý dậy lửa của Phạm Công Thiện và sau cõi thơ phiêu bồng của Bùi Giáng, những người trẻ tuổi luôn luôn thấy hình bóng lồng lộng của các Thiền sử…”.

Có một chuyện rất “vui tươi” hay “tếu” (những tiếng mà lúc sinh thời Bùi Giáng vẫn thường dùng). Tôi được xin kể lại sau đây, hy vọng sẽ giải đáp được phần nào những điều mà một số người vẫn ngộ nhận về Bùi Giáng. Một bữa đi chơi về, Bùi Giáng kêu tôi lại, rút trong đẫy vải ra một tờ báo, đó là tờ báo của sinh viên Quảng Đà đang theo học tại các đại học Sài Gòn (1974), ông chỉ vào chữ Quảng Đà và nói với tôi: “Mấy thằng Quảng Đà cứ tụ năm tụ ba ở mấy cái quán mì Quảng nhậu nhẹt suốt ngày rồi còn khoe mình là con cháu của Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, .v…v.”. Ngừng một lát Bùi Giáng nhìn tôi với cặp mắt long lanh rồi nói tiếp: “Tao mà chế được bom nguyên tử tao sẽ dội trên đầu bọn chúng mỗi ngày ba trái, sáng một trái, trưa một trái, chiều một trái”.

Chúng ta có thể tự hỏi không lẽ nào cái nơi chôn nhau cắt rốn ấy, nơi mà những địa danh như Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Quế Sơn, v…v. đã tràn ngập trong những bài thơ của Bùi Giáng với tất cả sự nhớ thương da diết, mà ông lại nỡ thù ghét đến vậy sao? Mà Bùi Giáng thù ghét để làm gì chứ? Hay là Bùi Giáng muốn che giấu điều gì sau những lời lẽ có vẻ như “thô lỗ” này? Ít ra cũng đã một lần Bùi Giáng hé mở cho ta thấy được những tình cảm mà Bùi Giáng muốn giấu kín tận đáy lòng sâu thẳm. Tôi xin được trích ra đây để thay cho lời kết:

“Trong một cuộc vui, ta hỏi họ vài điều. Họ lơ đễnh thờ ơ, ta tưởng họ kiêu bạt. Trong lúc mọi người đang gào khóc giữa một đám tang, họ phiêu phiêu đi qua, trong có vẻ mỉm cười niêm hoa vi tiếu. Ta tưởng họ tàn nhẫn thô bạo. Niềm vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng có chi giống nỗi buồn của chúng ta. Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả, Par manque de justice interne”. (Đi Vào Cõi Thơ trang 6-7, NXB Ca Dao, Sài Gòn 1969).

Nha Trang, những ngày cuối Thu hoài niệm

Hiển thị thêm
Back to top button