HT Thích Quảng Độ: Nhìn Đức Phật qua khía cạnh văn hóa

1– ĐỊNH NGHĨA VĂN HÓA

Trước hết, khi nói đến văn hóa thì một câu hỏi tất nhiên phải được đặt ra, đó là: Văn hóa là gì? Cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa có được một giải đáp nào thỏa đáng cả. Thường thì mỗi dân tộc, mỗi cá nhân đều có quan niệm riêng về nền văn hóa của mình, do đó, ta có thể nói, hề có bao nhiêu dân tộc là có bấy nhiều ý kiến về văn hóa. Bởi vậy, văn hóa là gì? là một câu hỏi căn bản mà, ở đây, chúng tôi không đủ khả năng để đưa ra một định nghĩa chính xác cho vấn đề này.

Thông thường ta thấy nền văn hóa của mỗi dân tộc bắt nguồn từ nhiều thế hệ, có cả ngàn năm, rồi từ đó cứ phát triển dần. Sự hình thành của một dân tộc có liên hệ rất mật thiết với những quan niệm đầu tiên tạo nên nền văn minh của họ và, trải qua các thế hệ, những quan niệm ấy chịu ảnh hưởng của những quan niệm khác và có một sự hỗ tương tác động. Nếu nói một cách nghiêm khắc thì không có một nền văn hóa nào trên thế giới có thể được coi là thuần túy nguyên thủy mà không chịu ảnh hưởng của một nền văn hóa nào khác. Như vậy thì hiển nhiên ta thấy, không nhiều thì ít, văn hóa nhất định phải bị pha trộn mặc dầu nó có giữ nguyên được yếu tố căn bản là đặc tính dân tộc đi nữa. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, một dân tộc lo ngại văn hóa của họ có thể bị lấn áp bởi cái mà họ gọi là ảnh hưởng ngoại lai, thế rồi họ tự thu hình lại, cô lập và đóng kín không cho tư tưởng và quan niệm của họ thoát ra. Đây là một tình trạng rất bất lợi, vì trong bất cứ lĩnh vực nào, nhất lại là lĩnh vực được mệnh danh là văn hóa, tình trạng ấy có thể dẫn tới sự ứ đọng và ngưng trệ rất tai hại. Văn hóa, nếu có một giá trị nào, phải là nền văn hóa có chiều sâu và cũng phải có tính chất sinh động. Có chiều sâu để bảo tồn đặc tính dân tộc, có sinh động để thích ứng và tiếp nhận những tinh hoa của các nền văn hóa khác mà bồi đắp cho văn hóa dân tộc thêm phong phú. Vậy một nền văn hóa không có chiều sâu mới sợ ảnh hưởng ngoại lai, mà nếu đã không có chiều sâu thì cũng chẳng còn gì là văn hóa nữa để mà lo sợ bị ảnh hưởng. Trường hợp Việt nam, ta thường tự hào có những «bốn ngàn năm văn hiến», nhưng, mỉa mai thay, cho đến nay ta vẫn chưa có được một nền quốc học và vẫn còn đang hoang mang tự hỏi không biết rồi đây văn hóa dân tộc sẽ đi về đâu!

«Dân hai nhăm triệu ai người lớn»
«Đất bốn ngàn năm vẫn trẻ con»
(Tản Đà)

Chẳng thà là «trẻ con» thì còn có hi vọng, bởi đứa trẻ ngày kia sẽ lớn lên thành một thanh niên cường tráng, đầy sức sống; chứ đàng này «bốn ngàn năm» rồi mà vẫn chưa có gốc, có rễ mới là nguy!

Sau hết, văn hóa còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu ta gạt ra một bên cái đặc tính căn bản được gán cho nó ngay từ giai đoạn đầu của sự trưởng thành của một dân tộc, ta thấy văn hóa còn chịu ảnh hưởng của địa dư, của khí hậu và nhiều yếu tố khác nữa. Nền văn hóa Trung hoa gắn liền với miền trung châu bát ngát của hai con sông Hoàng hà và Dương tử; văn hóa Ấn độ có liên hệ rất mật thiết với dãy Hi mã lạp sơn và chịu ảnh hưởng của lưu vực sông Indus và Hằng hà; rồi nền văn hóa cổ Ai cập thì bị chi phối bởi dòng sông Nile v.v… Tóm lại, có thể nói, văn hóa là sản phẩm tự nhiên của địa dư. Ngoài ra, các tôn giáo cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với các nền văn hóa trên thế giới. Nhưng, nói chung thì ảnh hưởng ấy có hại hơn là có lợi; bởi lẻ, hầu hết các tôn giáo đã làm cho đầu óc con người trở thành hẹp hòi, cuồng tín và cố chấp. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận những lí tưởng cao cả của các tôn giáo. Nhưng khi một tôn giáo chỉ thấy lí tưởng của mình là duy nhất, là tuyệt đối thì điều đó là đại họa cho nhân loại. Bởi vì, lí tưởng, theo một ý nghĩa nào đó, tự nó đã là một tai họa rồi. Bằng chứng là tất cả các cuộc cách mệnh trong lịch sử nhân loại đều nhằm thực hiện một lí tưởng nào đó, và có cuộc cách mệnh nào mà không dẫn tới cải thảm cảnh máu chảy thịt rơi đâu?

Một hiện tượng rất kỳ dị là tất cả mọi dân tộc trên thế giới đều tin rằng nền văn hóa của mình, ở một phương diện nào đó, cao hơn văn hóa của các dân tộc khác. Và khi niềm tin ấy được chủ nghĩa quốc gia cực đoan khích động thi văn hóa, vốn là một sản phẩm lượng hảo, bỗng trở thành xâm lược và là nguồn gốc phát sinh các cuộc xung đột và nuôi dưỡng hận thù. Trước đây dân tộc Đức rất tự hào về nền văn hóa của họ mà họ gọi là «Kultur»; họ tin rằng nền «Kultur» của họ cao nhất thế giới và Trời trao cho họ cái sứ mệnh phải truyền bá cái «Kultur» ấy trên khắp địa cầu để «khai hóa» cho nhân loại bằng bất cứ phương tiện nào, kể cả chiến tranh. Bởi thế đã có một cuộc chiến tranh lớn để truyền bá «Kultur», chiến tranh chống lại «Kultur». Chính Hitler, đến một trình độ nào đó, cũng đã bị quan niệm «Kultur» ấy ám ảnh nên đã gây nên một cuộc chiến tranh mà hậu quả của nó, cho đến nay, vẫn còn khiến người ta kinh tởm. Cho nên, ta không lấy làm lạ khi thấy đâu đâu cũng có những tổ chức văn hóa, những loạt động văn hóa, những mối liên lạc văn hóa được thiết lập để gây tình thân thiện và hiểu biết giữa các dân tộc, nhưng không đâu ta thấy có tình thương và hòa bình!

Bởi thế, ở đây chúng tôi xin để độc giả quyết định xem đích thực văn hóa là cái gì. Nhờ học vấn, chúng ta gom góp được một mở kiến thức, kinh nghiệm để trở thành những nhà «thông thái» quá đến nỗi thật sự chúng ta không còn biết chúng ta đang đứng ở đâu. Nói cho cùng thì tất cả kiến thức và kinh nghiệm của ta hẳn không phải là dấu hiệu của sự trưởng thành và trí thông minh của con người, bởi vì học vấn chỉ giúp là phát triển ký ức và gom góp kiến thức chứ không thể giúp ta trở thành những con người thông minh được.

2 – VĂN HÓA PHÂN BIỆT GIỮA DÃ MAN VÀ VĂN MINH
VÀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA CON NGƯỜI

Như đã nói ở trên, chúng ta chưa có được một định nghĩa đích xác cho vấn đề văn hóa. Tuy nhiên, một điều không ai có thể phủ nhận được là: dù là gì đi nữa thì, trong vô số ý nghĩa, văn hóa cũng phải mang trọn vẹn hai ý nghĩa sau đây:

Thứ nhất, văn hóa là tiêu chuẩn để đánh dấu quá trình tiến bộ của nhân loại từ dã man đến văn minh; và

Thứ hai, văn hóa bao hàm ý nghĩa nâng cao đời sống tinh thần của con người.

Vậy ở đây chúng ta hãy tự giới hạn trong phạm vi ý nghĩa trên để khảo sát xem chúng ta ngày nay đã thật có văn hóa chưa.

Trước hết, nói đến văn minh thì không ai thừa nhận rằng thế giới ngày nay là một thế giới văn minh, nhưng trớ trêu thay, con người sống trong cái thế giới ấy đôi khi lại cảm thấy nghẹt thở. Trong một cuộc nói chuyện trước một số tri thức ở Hoa kỳ, một nước tiến bộ nhất thế giới, một nhà văn người Anh cát lợi đã nói: «Trong một ngôi nhà làm bằng chất plastic mọi vật có thể không tan vỡ ngoại trừ trái tim của con người». Đại ý câu nói trên cho rằng các nước văn minh tiên tiến trên thế giới hiện nay là những ngôi nhà hủy hoại trái tim con người mà trong đó chỉ có những người khòng có tim mới sống được, còn những người có một tâm hồn nhạy cảm, một trái tim tha thiết với tình người thì sống một cuộc đời bi thảm. Nhìn vào thế giới hiện nay, với các cuộc chiến tranh nóng và lạnh, các cuộc tranh chấp ý thức hệ, các cuộc xung đột về chủng tộc, về lãnh thổ và bầu không khí tràn đầy nghi kỵ, sợ sệt, chúng ta không thể không tự hỏi cái giá trị và ý nghĩa đích thực của hai chữ văn minh được quan niệm như thế nào.

Nhờ kỹ thuật khoa học, con người hầu như đã làm chủ được thiên nhiên, đã chinh phục được không gian, đã trục xuất Hằng nga ra khỏi Cung quảng; những phát minh mới càng ngày càng nhiều đến nỗi người ta tưởng chừng như một thời đại hòa bình và phồn thịnh đang được thực hiện trên trái đất.

Nhưng, cho đến nay thì người ta đã thất vọng và đều đồng ý ở một điểm là nền văn minh của thế kỷ 20 này chỉ là một ảo tưởng làm tiêu tan mọi mơ ước trước kia. Thật vậy, cái thế giới đầy hứa hẹn của thanh bình, của sự no ấm cho tất cả mọi người thì cũng lại là thế giới trong đó một thiếu số làn giầu trên xương máu của đa số. Kẻ nhiều tiền, nhiều thế lực mặc sức bóc lột những người nghèo khổ; những nước giầu mạnh cũng thi nhau bóc lột các nước yếu kém bằng những hình thức mà bề ngoài có vẻ như rất hào hiệp. Người dân thường không dự phần gì trong những sản phẩm họ làm ra. Những người lương thiện, có tâm hồn, có tư cách, có nhân phẩm, biết tự trọng thì không có đất đứng giữa xã hội này. Sự thối nát, hủ bại trong đời sống công cũng như tư càng ngày càng tăng thêm. Đây là một sự thật hiển nhiên về phương diện cá nhân cũng như phương diện quốc gia và quốc tế. Những hiện tượng bất công diễn ra trong tất cả mọi lĩnh vực sinh hoạt và người ta chẳng thấy trong một quốc gia nào mà những nguyên tắc dân chủ tự do được ứng dụng một cách chân chính. Không thấy ở lĩnh vực nào mà sự mâu thuẫn về văn minh lại biểu hiện rõ ràng hơn ở lĩnh vực tinh thần và vật chất. Thật vậy, trong khi thế giới văn minh tiến bộ về phương diện vật chất thì về phương diện tinh thần đã sa đọa hẳn. Thế hệ hiện tại không còn tin tưởng gì ở những giá trị tinh thần và tâm linh. Một cá nhân hay một quốc gia được kính nể là do sự tiến bộ về mặt vật chất mà cá nhân hay quốc gia ấy đã thực hiện được:

«Ví phỏng trong tay tiền bạc có»
«Nói dơi, nói chuột khối người khen».
(Trần Tế Xương)

Nếu mục đích của văn minh là hòa bình, là tình thương, là sự phồn vinh cho tất cả thì ta có thể nói một cách quả quyết rằng thế giới hiện nay chưa có văn minh – mà như thế cũng có nghĩa là chưa có văn hóa. Các nhà khoa học kỹ thuật chủ trương chúng ta chỉ có hai con đường để lựa chọn, tức là kỹ nghệ hóa hay là tiêu diệt – và bây giờ thì họ đang chứng kiến chúng ta kỹ nghệ hóa mà cũng đang tiêu diệt luôn. Khắp nơi ta thấy con người thi đua kỹ nghệ hóa nhưng không đâu ta thấy có hòa bình. Một nhà tư tưởng Tây phương đã nói: «Con người ngày nay đã biết bay trên trời như chim, lặn dưới biển như cá, nhưng lại không biết sống hòa bình với nhau trên trái đất». Chừng nào mà nhân loại chưa thực hiện được điều đó thì chừng ấy nhân loại vẫn chưa thể tự hào là văn minh mặc dầu con người đã đặt được chân lên nguyện cầu.

Ngày nay, tuy nhân loại không ăn thịt lẫn nhau như thời kỳ dã man, nhưng vẫn còn chém giết và tàn hại lẫn nhau, cho nên chưa thể cho là thế giới đã hoàn toàn văn minh đúng với ý nghĩa chân chính của hai tiếng văn minh. Nếu văn minh chân chính và đạt đến cực điểm của nó phải là một nền văn minh mà trong đó những con người văn minh không còn cư xử tàn tệ với nhau, không còn bắn giết lẫn nhau, không còn dùng bạo lực để giải quyết những vấn đề bất đồng quan điểm giữa con người. Chính ở điểm này mà ta thấy đức Phật quả đã là một nhà văn hóa lớn nhất, và là một người văn minh cực điểm. Bởi vì, Phật là người đầu tiên trong lịch sử tư tưởng Ấn độ đã đề cao chủ nghĩa từ bi bất bạo động, chủ trương thương yêu tất cả mọi loài; tư tưởng và hành vi của Phật hoàn toàn là phản ánh của một nền văn hóa siêu đẳng. Trước thời Phật, dân tộc Ấn độ không phải là một dân tộc hiếu hòa, bằng chứng là ngay từ giai đoạn đầu thành hình đời sống quốc gia của họ, họ đã có giai cấp Sát để lợi – chính là giai cấp của Phật – một giai cấp chuyên nghề chinh chiến, hệt như những giai cấp hiệp sĩ Âu châu vào thời Trung cổ và giai cấp Samurai của Nhật bản. Không những họ chỉ chiến đấu để tự vệ mà thật sự còn tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược nữa. Nhưng khi Phật ra đời và tòn thờ chủ nghĩa Ahimsa (bất bạo động) thì trong đời sống quốc gia của họ đã thay đổi hẳn. Từ đó, đối với họ, thế giới không còn là bãi chiến trường để con người chém giết nhau vì quyền lợi; lòng nhân hậu, đức hi sinh, tình thường và vị tha đã trở thành những lí tưởng được đề cao và quan niệm sống của họ mãi từ đó là quan niệm hỉ xả, hòa bình và một chính sách sống và tha sống. Đó là kết quả của nền văn hóa từ bi của Phật. Vậy, nếu một người có văn hóa đúng với ý nghĩa đích thực của nó phải là người có đầy đủ những đức tính hòa bình, hi sinh, từ bi và vị tha thì hiển nhiên đức Phật đã là một nhà văn hóa quán tuyệt cổ kim.

Thứ hai, văn hóa bao hàm ý nghĩa nâng cao đời sống tinh thần của con người.

Thế giới ngày nay hầu như hoàn toàn không còn hợp điệu với cái mà ta có thể gọi là đời sống tinh thần nữa. Thế nhưng, cái thế giới hiện đại lại hoàn toàn là kết quả của tinh thần: tất cả những cái ta thấy xung quanh ta đều là sản phẩm của tinh thần con người. Văn hóa hay văn minh là sản phẩm của tinh thần nhân loại, nhưng, một hiện tượng kỳ lạ là người ta bắt đầu nhận thấy hoạt động tinh thần mỗi ngày trở nên kém quan trọng trong thế giới hiện nay, hay, ít ra, không còn quan trọng như trước nữa. Những thay đổi đang diễn ra chỉ nhấn mạnh những khía cạnh khác của đời sống và cản trở những hoạt động của tinh thần. Đây là một viễn tượng bi đát cho thế giới, vì chính cái nền tảng mà nền văn minh hiện đại được xây dựng lên, từ đó con người đã từng bước tiến lên đến những điểm cao như ngày nay, chính cái nền tảng đó đang lung lay.

Không ai có thể phủ nhận được những thành quả của nền văn minh hiện đại cũng như những sự ứng dụng kỹ thuật tiến bộ của khoa học. Nhân loại có lí do để mà tự hào về những thành quả đó. Tuy nhiên, nếu những thành quả ấy làm giảm sút khả năng tiến bộ trong tương lai – và điều đó sẽ xảy đến nếu tinh thần nhân loại sa đọa – thì chắc chắn phải có một cái gì sai lầm ngay từ cổi rễ của những công trình đó. Nếu thế giới lâm vào tình trạng trụy lạc tinh thần, sa đọa đạo đức thì nền văn minh mà hiện nay chúng ta rất tự hào chẳng bao lâu sẽ sụp đổ. Nhìn vào lịch sử, là thấy có những thời kỳ quá khứ rất huy hoàng. Những thời kỳ này cho thấy những thành tích vô cùng lớn lao của tinh thần con người. Vậy hoàn cảnh nào đã tạo ra được những thời kỳ sáng lạn trong lịch sử? Chúng ta hiện đang nhắm đi tới hoàn cảnh ấy hay rời xa nó? Cuộc cách mệnh kỹ nghệ bắt đầu khoảng 200 năm trước đây đã mang lại những thay đổi lớn. Tiến trình ấy vẫn còn đang tiếp tục và nhịp độ thay đồi mỗi ngày một nhanh hơn. Nó sẽ đưa nhân loại đến đâu? Nó đã đưa đến các cuộc xung đột, đến các cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử và, rất có thể, nó sẽ đưa đến một thảm họa chung cho cả thế giới. Như vừa nói ở trên, đâu đâu ta cũng thấy kỹ nghệ hóa, nhưng không đều ta thấy có hòa bình.

Nhìn vào cục diện của thế giới hiện tại, con người hầu như phải chấp nhận cả hai sự kiện trong cuộc sống, đó là sự tiến bộ, xây dựng và cái khuynh hướng tựa hồ như muốn phá hủy tất cả những cái mà con người đã hoặc đang xây dựng. Đây là sự mâu thuẫn kỳ dị, một mặt ta xây dựng, mặt khác lại trong đợi sự hủy diệt có thể xảy đến với tất cả cái ta xây dựng. Sự hủy diệt ấy có thể là chiến tranh, nhưng điều nguy hiểm hơn là sự hủy diệt tinh thần và tâm linh con người, bởi vì sự hủy diệt này sẽ dẫn tới tất cả mọi sự hủy diệt khác.

Sự tiến bộ của nền văn minh kỹ thuật đã mang lại nhiều lợi ích, đã giúp con người một số tiện nghi trong đời sống, nhưng cũng đã dần dần ảnh hưởng đến tinh thần nhân loại. Khối óc đã chế tạo ra máy móc để thay sức người, nhưng chính khối óc đã trở thành nô lệ cho máy móc. Đời sống tinh thần nghèo nàn chủ yếu là tại cái hoàn cảnh do cuộc cách mệnh kỹ nghệ tạo ra đã không cho người ta có thì giờ hay cơ hội để suy tư. Dĩ nhiên, ta không thể phủ nhận được rằng ngày nay ta có rất nhiều nhà tư tưởng lớn, nhưng có thể họ sẽ bị chìm ngập trong đám nhân loại quá đông đảo mà đầu óc đã biến thành những bộ máy. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là cuộc sống hiện đại với những tiện nghi vật chất và xa xỉ giả tạo không khích lệ đời sống tinh thần. Mà nếu đời sống tinh thần bị đặt vào hàng thứ yếu thì tất nhiên nền văn hóa phải cằn cỗi, dân tộc cũng rệu rã và cuối cùng cả hai đều sụp đổ trong một trận đại kịch biến nào đó không chừng, nếu không thì cũng chẳng còn gì là sức sống nữa.

Như vậy, hiển nhiên ta thấy đời sống tinh thần là yếu tố quyết định sự tồn vong của một nền văn hóa dân tộc và nhân loại. Và ở đây ta lại thấy đức Phật nổi bật hẳn lên là một nhà văn hóa đích thực. Phật đã dung hòa, điều hợp giữa cuộc sống thể chất và tinh thần để đạt đến cực điểm văn minh, tức là giác ngộ, bằng giáo lí trung đạo của ngài. Nhìn vào giáo lí căn bản của Phật, ta thấy Bát chính đạo đã thể hiện đúng cuộc sống tinh thần lành mạnh, nâng cao phẩm cách con người, trong đó tham, sân, si, vốn là bản chất của dã man, không còn đất đứng.

Người ta bảo cái «tia lửa sân si» xẹt ra từ trái bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống thành phố Hiroshima đã thay đổi cả dòng lịch sử của thế giới. Nhưng cái ánh sáng của nền văn hóa Bát-chính-đạo phát ra từ gốc cây Bồ đề lịch sử hơn hai mươi lăm thế kỷ trước đã là giờ phút trọng đại cho vận mệnh nhân loại. Nó đã soi sáng con đường mà loài người có thể tiến bước để từ cái thế giới si mê, hận thù, tàn bạo đến một thế giới của ánh sáng, của tình thương và hòa bình. Mà con đường đó là con đường tự giác, tự chinh phục bản thân. Ngày nay con người đã làm chủ được thiên nhiên, nhưng lại không làm chủ được chính mình. Ta chỉ chủ trọng đến việc khống chế thiên nhiên bên ngoài mà quên rằng trong chúng ta cũng có những cái «thiên nhiên» còn phải cần được khống chế hơn cả thiên nhiên bên ngoài. Hận thù, ích kỷ, tham lam, ghen ghét, tị hiềm, hiếu danh, hiệu lợi v.v… tất cả những cái đó cũng thiên nhiên như lửa, nước, gió và điện lực vậy. Chừng nào mà nhân loại chưa chinh phục được những tình cảm thiên nhiên ấy thì sự chinh phục thiên nhiên bên ngoài chỉ là một tai họa khủng khiếp chứ chẳng có phúc lợi gì cho con người. Các cuộc chiến tranh tàn khốc từ xưa chỉ là kết quả của sự thả lỏng những tình cảm ấy. Vậy bao lâu mà loài người chưa làm chủ được mình thì chưa thể tự hào là mình đã có văn hóa, đã có văn minh dù cho con người có đặt chân lên được Hỏa tinh hay Kim tinh đi nữa.

Nhìn vào những nỗi khổ thảm của nhân loại ngày nay sau hàng ngàn năm tiến bộ ta mới thấy được sự thất bại của các nền văn hóa trên thế giới và không biết còn phải mất bao nhiêu triệu năm nữa con người mới thật sự là những con người văn minh.

3 – TIÊU CHUẨN ĐỂ ĐÁNH GIÁ VĂN HÓA

Để kết luận, sau đây chúng tôi xin căn cứ vào những điểm đã được trình bày ở trên tạm đưa ra một tiêu chuẩn để đánh giá văn hóa như sau:

Một cá nhân đích thực có văn hóa là một cá nhân không còn tham lam sân hận. Chúng ta đừng căn cứ vào học vấn, trí thức, địa vị cũng như cách phục sức bề ngoài của một cá nhân để đo lường về trình độ văn hóa của họ như ta đã quen làm từ trước.

Một quốc gia thật sự có văn hóa là quốc gia trong đó các công dân không còn chém giết lẫn nhau vì những bất đồng về quyền lợi quốc gia. Ta đừng căn cứ vào những tiến bộ kỹ thuật và những thành tích chiến thắng để đánh giá trình độ văn hóa của một quốc gia.

Sau hết, một thế giới có văn hóa chân chính là một thế giới trong đó loài người không còn sử dụng bạo lực chiến tranh để giải quyết những sự khác biệt về tương quan quyền lợi và ảnh hưởng quốc tế. Ta đừng căn cứ vào những tiến bộ khoa học và những thành quả kinh tế để mà phán đoán giá trị của nền văn hóa thế giới.

THÍCH QUẢNG ĐỘ

(trích Tạp chí Tư Tưởng số 6, tháng 8/1971)

Hiển thị thêm
Back to top button