HT Thích Thái Hòa: Cả một trời xuân
Pháp thoại thầy Thích Thái Hòa giảng cho đại chúng
tại chùa Phước Duyên, Huế ngày mồng 2 tết Nhâm Dần 2022.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Đương Lai Hạ Sanh Từ Thị Di Lặc Tôn Phật.
Nam mô Long Hoa Thắng Hội nguyện tương phùng.
Thưa toàn thể đại chúng. Tôi thay mặt Hòa thượng Viện chủ, chư Tôn đức Tăng tại trú xứ Tăng già lam Phước duyên, thành phố Huế, kính chúc toàn thể đại chúng cùng thân quyến nội ngoại một mùa xuân Nhâm dần có vô lượng an lạc, hạnh phúc, luôn luôn sống trong ánh sáng trí tuệ và từ bi của chư Phật.
Và sau đây, tôi xin chia sẻ Pháp thoại “Cả một trời xuân” đến với toàn thể quý vị.
Thưa đại chúng. Ngày hôm qua và ngày hôm nay, quý vị đã thắp hương khấn lên tổ tiên ông bà nội ngoại của mình, khấn lên các vị thần linh mà mình tin tưởng, khấn lên Tam bảo, quý vị đã khấn điều gì? Đã cầu mong điều gì? Đã nhu cầu điều gì cho mùa xuân năm nay?
Nhu cầu của mùa xuân năm nay, tất cả những lời khấn nguyện đều nhấn mạnh: kính xin tổ tiên ông bà nội ngoại, kính xin các vị thần linh, kính xin chú hổ uy hùng, kính xin Tam bảo rủ lòng từ bi thương xót cho con, gia hộ cho con và gia đình con, bạn bè của con đi test đều được âm tính; và năm này làm sao cho gia đình chúng con, ai ai cũng đừng bị F0, F1. Đó là nhu cầu mà chúng ta mong rằng mùa xuân Nhâm dần sẽ đến với chúng ta để chúng ta không ai bị F0 mà cũng chẳng ai bị F1. Lời cầu khẩn ấy, không phải mỗi gia đình chúng ta mà những người có trách nhiệm đối với xã hội, với quốc gia, với thế giới cũng cầu nguyện như thế. Đừng có F0, đừng có F1 thì xã hội mới trở lại an bình, gia đình mới đoàn tụ, hạnh phúc, bạn bè mới đi tới với nhau mà nở một nụ cười hả hê. Còn F0 và F1 thì còn bịt miệng mà chào nhau. Bịt miệng mà chào nhau thì môi cười mà lệ rưng rưng, chẳng có hạnh phúc gì; tay bắt mà mặt nhăn nhó, chứ không phải gặp nhau mà tay bắt mặt mừng.
Muốn không có F0 và F1 ở nơi bản thân mình, ở nơi gia đình mình, ở nơi toàn thể xã hội từ Đông sang Tây, từ Âu đến Á, chúng ta phải làm gì? Đây là câu hỏi, mà là câu hỏi của những con người có lương tâm, những con người có lương tri, những con người có đạo đức, những con người có trách nhiệm với gia đình, xã hội, đất nước và thế giới loài người.
Để trả lời câu hỏi này và để đáp ứng nhu cầu này, cách đây 26 thế kỷ, đức Phật đã dạy cho chúng ta.Muốn thoát khỏi tật bệnh, muốn khỏi tai nạn trong đời sống con người, chúng ta có bốn phương pháp để trở về.
Phương pháp thứ nhất, là mỗi khi sự cố xảy ra trong đời sống chúng ta, chúng ta hãy nắm ngay hơi thở, không nói gì, không đi đâu, đứng yên, ngồi yên, nắm lấy hơi thở: thở vào- tôi biết tôi đang thở vào, thở ra – tôi biết tôi đang thở ra. Khi chúng ta thở vào và thở ra có ý thức như thế tức là chúng ta tạo ra định lực cho tự thân mỗi chúng ta. Và khi mỗi thành viên trong gia đình chúng ta biết thực tập như thế sẽ tạo ra định lực trong gia đình mỗi chúng ta. Và mọi thanh phần xã hội biết thở vào và thở ra bằng ý thức như thế thì chúng ta tạo ra được một định lực cho xã hội. Chúng ta bị chao đảo bởi vì bản thân chúng ta không có định lực. Gia đình chúng ta bị chao đảo bởi vì gia đình chúng ta không có định lực. Xã hội bị chao đảo bởi vì xã hội không có định lực. Tâm đã không có định lực thì nhất định chúng ta bị cảnh chi phối. Cho nên mỗi khi sự cố bất thường xảy ra cho bản thân chúng ta, xảy ra cho gia đình chúng ta, xảy ra cho xã hội chúng ta thì người con Phật, trước hết, chúng ta phải quay về với chính mình, nắm lấy hơi thở, thở vào thật sâu, thở ra từ từ với ý thức trong sáng, tỉnh giác hoàn toàn. Chúng ta phải có phương pháp này thì F0 không bao giờ có trong bản thân chúng ta, F1 không bao giờ có trong bản thân chúng ta, gia đình chúng ta và xã hội chúng ta. Đây là điều mà quý vị cần phải lưu ý thực tập.
Phương pháp thứ hai, mỗi khi chúng ta có cảm giác khó chịu từ tâm thức sợ hãi, chúng ta có cảm giác khó chịu từ tâm thức lo lắng, chúng ta có những cảm giác khó chịu từ những mâu thuẫn gia đình, từ những mâu thuẫn bạn bè, từ những mâu thuẫn xã hội, chúng ta chỉ ngồi yên, nắm lấy hơi thở, đẩy sâu vào nơi cảm giác khó chịu đó, thì chỉ cần mấy giây thôi, chúng ta không bị cảm giác khó chịu đó chi phối chúng ta, chúng ta không bị cảm giác khó chịu đó đẩy chúng ta đi khỏi những suy nghĩ chính đáng của chúng ta.
Và mỗi khi chúng ta có những cảm giác hưng phấn, dễ chịu, thì chúng ta cũng phải nắm lấy hơi thở thật sâu, đẩy vào nơi cảm giác dễ chịu đó và biết nó đang hiện hữu, nó đang hiện hữu một cách cụ thể. Chúng ta làm chủ được như vậy thì chúng ta không bị những chè chén, những thú vui thường tục cuốn hút và đẩy chúng ta mất tiêu trong đời sống của chúng ta, trong đời sống của gia đình chúng ta và trong đời sống của xã hội.
Mỗi khi chúng ta có cảm giác vô cảm, không cần quan tâm đến ai, không cần biết đến ai, bản thân mình cũng không biết mình là gì. Mỗi khi chúng ta có những vô cảm như thế thì chúng ta cũng nắm lấy hơi thở, đẩy hơi thở thật sâu vào nơi mỗi cảm giác vô cảm của chúng ta, để chúng ta đẩy cảm giác vô cảm đó trở thành ra cảm giác biết thương yêu, biết chia sẻ, biết quan tâm đến những người chung quanh, và có thể thương những gì cần phải thương, trân trọng những gì cần phải trân trọng, và biết hóa giải tất cả những gì cần phải hóa giải để đẩy tất cả những xung đột nội tâm, mâu thuẫn ngoại cảnh đi theo hướng tích cực của mỗi chúng ta. Như vậy là ta sẽ có một mùa xuân, một mùa xuân của chủ quyền, một mùa xuân của tự chủ, một mùa xuân của tự do và hạnh phúc.
Mỗi khi những bất an xảy ra trong đời sống chúng ta, chúng ta hãy nắm lấy hơi thở, đẩy vào nơi thân khi thân ta bất an, đẩy vào nơi tâm khi tâm ta bất an. Một ý niệm quá khứ hiện khởi làm cho mình vui không cùng. Một ý niệm quá khứ khởi hiện làm cho chúng ta đau khổ vô cùng, oán đối vô tận. Cái vui khởi lên từ nơi tâm niệm của chúng ta thuộc về quá khứ. Cái buồn khởi lên từ nơi tâm niệm của chúng ta thuộc về quá khứ. Chúng ta ý thức rất rõ. Chúng ta đẩy hơi thở chúng ta đi vào ở nơi những ý niệm vui buồn trong quá khứ chợt hiện, chợt ẩn ở trong tâm thức chúng ta, thì tất cả những cái vui, buồn, lo lắng hiện về trong tâm thức chúng ta sẽ được chuyển hóa và như vậy, tâm chúng ta có bình an. Tâm bình an, tâm sâu lắng, tâm có định tĩnh, tâm có thần lực thì không có thần lực nào bên ngoài có thể xâm hại chúng ta. Tâm có định lực thì không có bất cứ một lực nào bên ngoài có thể hớp hồn chúng ta.
Và mỗi khi ta thấy sự quan hệ của chúng ta bị rối rắm, từ nội tâm đến ngoại cảnh, chúng ta nắm lấy hơi thở, thở vào thật sâu đưa hơi thở đi lên trên đỉnh đầu, đi xuống đôi mắt, đi xuống mũi, đi xuống hai tai, đi xuống miệng, đi xuống toàn thân của chúng ta. Đưa hơi thở đi thăm tất cả những bộ phận trong cơ thể chúng ta, chúng ta sẽ làm chủ được thân của chúng ta trong giờ phút đó, chúng ta sẽ làm chủ được tâm chúng ta trong giờ phút đó.
Và mỗi khi mắt chúng ta nhìn hình sắc, chúng ta đưa ý thức chạm vào mọi hình sắc để chúng ta không bị cái hình sắc lòe loẹt bên ngoài chi phối chúng ta. Khi ta nghe âm thanh dễ chịu, khó chịu, chúng ta cũng ý thức rất rõ để cho tất cả những cái dễ chịu, khó chịu đó đi theo cái tâm thanh tịnh của chúng ta, đi theo cái tâm an lạc của chúng ta, đi theo cái tâm định tĩnh của chúng ta. Chúng ta ngửi, chúng ta ăn, chúng ta nếm, chúng ta tiếp xúc đối với muôn vật ngoại cảnh, chúng ta cũng phải làm chủ tâm ta thì mọi ngoại cảnh đi vào trong tâm chúng ta sẽ hỗ trợ cho tâm chủ của chúng ta và chúng ta có hạnh phúc. Như vậy, thì F0, F1 sẽ không xảy ra trong đời sống chúng ta; mấy chú mấy o covid trớ trêu không trêu ghẹo được chúng ta, không dọa dẫm được chúng ta khi mà chính bản thân của chúng ta có một định lực, có một nội lực, có một ý lực, có một ý chí thì tất cả những cái gì mà không thuộc về chúng ta, nó sẽ từ giã chúng ta, nó tự loại ra khỏi chúng ta mà chúng ta không cần phải loại, chúng ta không cần phải chống mà cái gì không phải nội lực của chúng ta, nó tự đào thải. Cho nên chúng ta phải tu tập như thế nào để thực sự có nội lực, có định lực. Mà muốn như vậy thì chúng ta phải có tín lực, không có tín lực thì chúng ta sẽ không bao giờ có sức mạnh. Chúng ta phải tin rằng chúng ta không có nhân duyên với covid thì dù chúng ta có đi chơi với covid cũng không dính gì, nhưng mà nếu chúng ta đã có nhân duyên với covid rồi thì dù cho chúng ta có trốn trong cái hũ thì nó vẫn dính như thường. Chúng ta phải tin như vậy. Chạy trời cho khỏi nắng. Cho nên Tổ của chúng ta đã khuyến cáo chúng ta rằng:
Giả sử bách thiên kiếp
Sở tác nghiệp bất vong
Nhân duyên hội ngộ thời
Quả báo hoàn tự thọ.
Nghĩa là: Giả sử trăm kiếp ngàn đời, chỗ tác nghiệp không bị mất, khi nhân duyên hội đủ thì quả báo tự đến, nó đến một cách chính xác, chứ nó không bao giờ đến một cách oan với ai, bởi vì nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, chạy trời cho khỏi nắng khi mà nghiệp chúng ta đã tạo. Nhân đã chuyển hóa thành quả, được tác dụng hay bị tác dụng bởi duyên, thì đúng lúc quả nó xuất hiện. Do đó, chúng ta phải có niềm tin, niềm tin vào nhân duyên nhân quả của chúng ta. Và khi chúng ta đã có nhân duyên, nhân quả xấu thì chúng ta phải ngồi lại trầm tĩnh để chuyển hóa nguyên nhân đó, cái duyên đó ở nơi tâm chúng ta. Bởi vì tâm chúng ta đi theo hai dòng chảy, một dòng chảy ác và một dòng chảy thiện; ác tạo ra băng giá cuộc sống; thiện tạo ra hồn sống, tạo ra sức sống, tạo ra mùa xuân của sự sống.
Cho nên giữa không gian vô cùng, con chim sẻ chỉ bay ngang nơi chim sẻ mà thôi, con chim sâu chỉ bay theo kiểu chim sâu mà thôi, chim bồ câu bay theo kiểu bồ câu mà thôi, nhưng chim hồng bay theo kiểu chim hồng. Chim sẻ muốn làm chim hồng thì làm sao mà làm được, vì nhân, duyên, quả, báo của nó chỉ là chim sẻ. Chim sâu muốn làm chim hồng hạc – làm sao có thể làm được một chút chút của hồng hạc. Bởi vì nhân duyên của nó chưa từng gieo trồng hồng hạc, thì nó vẫn là chim sâu, chim sẻ thôi.
Vì vậy, chúng ta tu học phải nhìn vào nơi tâm mình. Những hạt giống nào ở trong mình thuộc loại chim sâu chim sẻ thì tìm cách sa thải nó đi; những hạt giống nào trong tâm thức mình thuộc về hồng hạc, thuộc về hổng điểu, nuôi dưỡng nó. Nhìn cho sâu vào tâm mình, thấy trong tâm mình hạt giống nào thuộc về nai, về thỏ, về uệnh oạng thì loại nó ra; những hạt giống nào thuộc về sư tử, về hổ: nuôi dưỡng nó, phát triển nó, phát triển nó bằng chất liệu của trí tuệ, phát triển nó bằng chất liệu của từ bi. Hổ mà không có trí tuệ, không có từ bi, hổ đó là hổ ngu. Hổ bỏ núi rừng mà chạy về thành phố cho nên bị thành phố làm cho mê hoặc, ngất ngây. Cọp mà bỏ núi rừng đi về thành phố, đó là cọp đi theo sở đoản mà không phải là phát huy sở trường. Không ai đánh cọp, cọp cũng tự chết thôi. Nhớ không! Phật tử mà bỏ niềm tin thanh tịnh đối với Tam bảo của mình, chạy theo đời, buông lung trong các dục, thì không ai làm cho mình chết cả mà chất liệu Phật tử tự chết ở trong đáy lòng của mình, ở trong cuộc sống của mình. Cũng như cọp bỏ núi rừng đi tìm kiếm sự hoang phí, sự tôn vinh ở nơi xã hội con người thì làm sao mà không bị con người lột da, xẻ thịt, róc xương làm cao hổ cốt. Cho nên cọp mạnh là mạnh đó nhưng mà phải có trí tuệ, phải có từ bi. Mạnh mà không có trí tuệ, mạnh đó là hung tàn, bạo ngược, mạnh ngu si, mà câu dân gian thường nói “hổ dõng vô mưu”. Mạnh, anh hùng, mà không có kế hoạch chi cả, đụng đâu làm đó, đụng đâu nói đó, đụng đâu sống đó, đụng đâu thể hiện tài năng của mình đó, thì không ai cướp mất danh hiệu anh hùng thì danh hiệu đó cũng tự biến mất thôi. Đó là những điều mà quý vị phải lưu ý.
Nên, chúng ta phải có tín lực, phải có tấn lực, phải có niệm lực, phải có định lực, phải có tuệ lực. Có được năm sức mạnh này, chúng ta có khả năng tạo ra mùa xuân cho chính chúng ta, chúng ta có khả năng tạo ra mùa xuân cho gia đình chúng ta, chúng ta có khả năng tạo ra mùa xuân cho đất nước chúng ta, cho quê hương, xứ sở chúng ta và đóng góp vào mùa xuân của toàn thể nhân loại và đủ năng lực để che chở muôn loài, muôn vật đang cần sự che chở của thế giới con người chúng ta, từ đó chúng ta mới nói rằng chúng ta là kẻ có trí, biết thưởng thức mùa xuân, biết nuôi dưỡng mùa xuân và biết phát triển mùa xuân một cách đích thực đến muôn loài, muôn vật, và ở đâu chúng ta cũng thấy cả một trời xuân. Trời xuân không phải ở phương đông, trời xuân không phải ở phương tây, trời xuân không phải ở phương bắc, trời xuân không phải ở phương nam, trời xuân không phải ở phương trên, trời xuân không phải ở phương dưới, mà trời xuân ở khắp mọi nơi khi tâm chúng ta có đầy đủ các năng lực của niềm tin, năng lực của sự tinh cần, năng lực của sự chánh niệm, năng lực của sự thiền định và năng lực của trí tuệ. Chúng ta có được năm năng lực này, mùa xuân đích thực có mặt với chúng ta; covid, F0, F1 không có chỗ, không có nhân duyên để biểu hiện.
Cho nên mùa xuân này là mùa xuân của chú cọp, mà là cọp vua – Nhâm dần. Nhưng nên nhớ, có tiền, có quyền thì phải cẩn thận, vì “hổ dõng vô mưu” – uy hùng mà không có mưu, có trí nên bị con người gian xảo nó lừa, như câu chuyện ngày xưa trong văn học Việt nam. Có chú cọp ngồi cười chú trâu, nói rằng “trâu ơi, sao mày to béo mập mạp như vậy mà để con người nhỏ nhoi nó la, nó hét, rồi kéo cày cho nó thì nó còn đi sau nó đánh mày tắc-tắc-rì-rì; mày mạnh mẽ mà ngu vậy trâu”. Trâu nói, “con người nhỏ nhưng trí nó khôn, còn tao mập nhưng không có trí nên bị con người điều khiển”. Cọp nghe trâu nói vậy bèn hỏi con người: “Này ông người, trâu nói ông người thông minh, ông người có trí, bây giờ ông đưa cái trí cho ta xem”. Người mới nói với cọp: “Trí ta bỏ ở nhà rồi, vì trí quý lắm, đem đi sợ mất”. Cọp nói: “Vậy thì về lấy trí cho ta xem”. “Nhưng ta về lấy thì mày ăn trâu của ta sao” – người nói. “Vậy phải làm sao?”. “Muốn coi trí thì mày phải nằm yên để ta trói lại”. Cọp nghe có lý nên nằm yên cho người trói. Trói cọp xong, người liền dùng roi đánh chú cọp: “Trí ta là đây! Trí ta là đây!”. Cọp bị trói rồi nên con người tha hồ dùng roi đánh. Quý vị đã thấy “hổ dõng vô mưu” chưa!
Vậy nên năm này, mình phải khôn khéo chứ nếu không sẽ bị cái người mà mình cho rất tầm thường như người nông dân thôi mà đôi khi họ có thể trói người có quyền lực, trói người giàu có, họ đánh cho chết, vì giàu có mà vô mưu, quyền lực mà vô mưu. Câu chuyện mà văn học Việt nam đã để lại cho chúng ta, chúng ta cần phải chiêm nghiệm để ứng dụng vào trong đời sống của mình. Làm bất cứ điều gì, đừng để mất trí tuệ. Làm bất cứ điều gì, đừng để mất từ bi. Làm bất cứ điều gì, đừng để mất tình người. Làm bất cứ điều gì, đừng để mất tình cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè với nhau. Thà mất thân mạng mà còn tình cha mẹ, tình anh em, tình vợ chồng, tình bạn bè, tình người, thì thân mạng có mất đi, chúng ta cũng trở thành bất hủ ở trong gia đình chúng ta, ở trong xã hội con người chúng ta. Còn nếu chúng ta sống mà một chút tình cũng mất đi rồi thì sống cũng chỉ như gỗ đá, ngói gạch mà thôi. Cho nên chúng ta cố gắng năm này nỗ lực tu học, giữ được cái khí tiết của chúng ta. Và phải thông minh lắm mới giữ được khí tiết của mình. Còn nếu không, chúng ta cũng bị một người rất bình thường đánh lừa chúng ta như câu chuyện người nông dân đã đánh lừa được chú cọp, và chú cọp đã chết bởi cái hổ dõng vô mưu của mình.
Kính chúc đại chúng năm này vô lượng an lạc, có sức mạnh trí tuệ, có sức mạnh từ bi, có sức mạnh của bao dung, hỷ xả để ở đâu, lúc nào, với ai, chúng ta cũng tạo ra được mùa xuân cho tất cả, để cuộc sống không còn là lạnh lẽo, không còn là cô quạnh, không còn là tủi nhục, mà cuộc sống là cả một trời xuân.
Nam mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.