HT Thích Thái Hòa: Đi vào Pháp giới Hoa nghiêm
NGỎ
Đi vào Pháp giới Hoa nghiêm là đi vào bằng bồ đề tâm thanh tịnh và được cụ thể hóa bằng nguyện và hạnh.
Không có nguyện lớn và không có hạnh sâu là không thể nào có đủ điều kiện để đi vào Pháp giới Hoa nghiêm. Ấy là pháp giới được trang nghiêm bằng năm mươi ba chủng loại bông hoa tuệ giác và trong năm mươi ba chủng loại bông hoa tuệ giác ấy, mỗi loại lại được trang nghiêm bằng vô số bông hoa tuệ giác khác nữa, tạo thành Pháp giới Hoa nghiêm với trùng trùng vô tận bông hoa tuệ giác.
Mỗi bông hoa là mỗi đất trời; mỗi bông hoa là mỗi pháp giới; mỗi pháp giới có mười pháp giới; mỗi mười pháp giới lại có mười pháp giới, có trăm pháp giới, có ngàn pháp giới, có muôn triệu ngàn pháp giới; mỗi muôn triệu ngàn pháp giới lại có vô số vi trần pháp giới và mỗi vô số vi trần pháp giới lại có vô số, vô biên, vô lượng pháp giới. Pháp giới trùng trùng vô tận, Lý Sự và Sự Sự vô ngại viên dung.
Pháp giới rộng lớn vô biên, không có ngằn mé về không gian, không có ngằn mé về thời gian. Pháp giới ấy chính là tự tánh thanh tịnh của tâm và là bản tính bất sinh diệt, thường rỗng lặng nơi vạn hữu.
Tâm bản tính ấy là tâm Phật; tính của bản tâm ấy là tính Phật. Nhập pháp giới tính là nương tín căn thanh tịnh mà đi vào Phật tâm; nương nơi trú tâm để nuôi lớn tín tâm, nương vào hạnh tâm để từ tâm lớn mạnh, ôm hết chủng tử bất thiện, nhiễm ô để trị liệu và chuyển hóa; nương vào hướng tâm để bi tâm cứu độ và phổ nhuận cùng khắp pháp giới chúng sanh, trưởng dưỡng chủng tử bồ đề đốn siêu các địa, kết thành những bông hoa giác ngộ, chứng nhập biển cả Phổ hiền hạnh nguyện. Hạnh và nguyện không còn có lằn mức; Sự và Lý không còn là hai thực thể cá biệt.
Chính Sự là Lý; chính Lý là Sự. Sự và Lý đều có mặt trong nhau tương nhiếp tương dung trùng trùng vô ngại. Không những Lý vô ngại và viên dung với Sự mà Sự cũng vô ngại và viên dung với Sự, nên gọi là Sự Sự vô ngại pháp giới.
Sự Sự vô ngại pháp giới là pháp giới tính thường trú của hết thảy ba đời mười phương chư Phật.
Ngay nơi tính của pháp giới ấy, mà chư Phật trong ba đời mười phương thị hiện trăm ngàn ức thân để Đản sanh; thị hiện trăm ngàn ức thân để Thành đạo; thị hiện trăm ngàn ức thân để chuyển vận Pháp luân hóa độ chúng sanh và thị hiện trăm ngàn ức thân Niết bàn để làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, trong vô lượng vô biên vi trần biển kiếp không thể nói hết, không thể nghĩ bàn. Nhưng thực tế Pháp thân của Phật rỗng lặng, cùng khắp pháp giới không hề sinh diệt, không hề khứ lai.
Thiện-tài-đồng-tử, vì đã có gieo trồng tín căn thanh tịnh nhiều đời, nhiều kiếp và vô lượng kiếp, nên đã phát hiện được tâm bồ đề và khởi lên tâm ấy qua nguyện và hạnh cầu học, cầu tu Bồ tát đạo.
Hạnh và nguyện của Thiện-tài-đồng-tử cầu học, cầu tu theo Bồ tát đạo rộng lớn như pháp tánh, cứu cánh như hư không, lại được dìu dắt hướng dẫn bởi năm mươi ba thiện tri thức, khiến cho Thiện-tài-đồng-tử nguyện đã lớn thì lại càng lớn hơn; hạnh đã sâu thì lại càng sâu hơn; bi tâm đã bao trùm thì lại trùm khắp cả pháp giới và trí đã chiếu thì tỏa chiếu cùng khắp mười phương cùng tận hư không giới, pháp giới.
Bồ đề tâm thanh tịnh là nhân, Thiện-tài-đồng-tử do tu tập nhân này mà thành tựu quả vị giác ngộ, đi vào pháp giới tính thanh tịnh bình đẳng của hết thảy chư Phật.
Phẩm Nhập Pháp giới của kinh Hoa nghiêm đề cập đến nhập Pháp giới của Thiện-tài-đồng-tử, tôi đã dựa vào bản kinh Hoa nghiêm 80 để dịch, lại có đối chiếu với bản Hoa nghiêm 60, bản dịch của ngài Phật-đà-bạt-đà-la (359-429)[1], dịch vào thời Đông-tấn, hiện có ở Đại chính 9, số ký hiệu 278 và Hoa nghiêm 40, bản dịch của ngài Bát-nhã (734-?)[2] đời Đường, hiện có ở Đại chính 10, số ký hiệu 293.
Bản Hoa nghiêm 80, là truyền bản chính, được các nhà Phật học Hoa nghiêm xem như định bản để làm các bản Sớ, Chú, Thích và đã có những ảnh hưởng nhất định đối với các giới nghiên cứu, học thuật cũng như hành giả ở Ấn Độ, các nước thuộc Bắc Ấn, Tây-vực, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam…
Truyền bản này do ngài Thực-xoa-nan-đà (652-710)[3], cao Tăng nước Vu-điền (Kustana), thuộc vùng Khotan (Khuất-đan), nằm phía Tây tỉnh Tân Cương, truyền vào Trung Quốc và dịch ra Hán bản vào đời Đường, hiện có ở trong Đại chính 10, số ký hiệu 279.
Trong tác phẩm Đi vào Pháp giới Hoa nghiêm này, có đem lại được công đức nào, thì đó là nhờ gia trì lực của Tam bảo, công ơn giáo dục của Thầy Tổ, sự hỗ trợ tận tình của các thiện tri thức, sự đồng hành tán trợ của các bằng hữu và trong tác phẩm này nếu có những sự thiếu sót nào, thì đó là của tôi, vì sở học chưa đến, chỗ tu còn vụng, chỗ thấy biết còn bị hạn chế, hẹp hòi.
Nên, cúi xin những bậc cao minh chỉ bày và lượng thứ.
Chùa Phước Duyên-Huế, Hoa Nghiêm Các, mùa nhập thất, Phật lịch 2566 –Tây lịch 2022.
Tỷ-kheo Thích Thái Hòa
GIỚI THIỆU
Đi vào Pháp giới Hoa nghiêm là đi vào thế giới của Chánh pháp đích thực, sự lý viên dung. Thế giới ấy được trang nghiêm bằng hoa và quả nở ra và đơm kết từ tâm bồ đề. Tâm ấy lại được phát hiện và phát khởi từ bồ đề hạnh nguyện, qua sự cầu học, cầu tu, cầu chứng, từ các bậc thiện tri thức không biết mệt mỏi. Nhờ vậy mà ngộ nhập pháp tính của tâm và từ đó mà nhãn sinh, trí sinh, minh sinh, giác sinh.
Nhãn sinh, thì tín vị liền sinh. Tín vị sinh thì mười tâm của tín vị như: tín, niệm, tấn, định, tuệ, giới, hồi hướng, hộ pháp, xả và nguyện liền sinh khởi đầy đủ.
Trí sinh, thì không những tín vị đầy đủ mà từ đó các trú vị, các hạnh vị, cũng duyên vào trí sinh mà sinh khởi đầy đủ. Mười trú vị gồm: sơ phát tâm trú, trị địa trú, tu hành trú, sanh quý trú, phương tiện cụ túc trú, chánh tâm trú, bất thoái trú, đồng chơn trú, pháp vương tử trú, quán đỉnh trú, gọi là mười trú vị.
Mười hạnh vị gồm: hoan hỷ hạnh, nhiêu ích hạnh, ly sân hận hạnh, tinh tấn hạnh, ly si loạn hạnh, thiện hiện hạnh, bất trước hạnh, tôn trọng hạnh, thiện pháp hạnh, chân thật hạnh, gọi là mười hạnh vị.
Mười trú vị và mười hạnh vị này, duyên vào trí sinh mà khởi sinh đầy đủ.
Minh sinh, thì không những đầy đủ các tín vị, trú vị, hạnh vị, mà mười hồi hướng vị và mười địa vị, cũng duyên từ minh sinh mà sinh khởi đầy đủ. Mười hồi hướng vị gồm: cứu độ chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng, bất hoại hồi hướng, đẳng nhất thiết chư Phật hồi hướng, chí nhất thiết xứ hồi hướng, vô tận công đức tạng hồi hướng, tùy thuận thiện căn hồi hướng, đẳng chí nhất thiết chúng sanh hồi hướng, như tướng hồi hướng, vô trước vô phược giải thoát hồi hướng, pháp giới vô lượng hồi hướng. Mười địa vị gồm: hoan hỷ địa, ly cấu địa, phát quang địa, diệm huệ địa, nan thắng địa, hiện tiền địa, viễn hành địa, bất động địa, thiện huệ địa, pháp vân địa. Mười hồi hướng vị và mười địa vị này duyên vào minh sinh mà sinh khởi đầy đủ.
Giác sinh, thì không những đầy đủ các tín vị, trú vị, hạnh vị, hồi hướng vị, địa vị, mà còn đủ cả đẳng giác vị và diệu giác vị. Đẳng giác vị là hàng Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, nghĩa là địa vị Bồ tát còn một đời tu tập Bồ tát hạnh nữa, sau đó mới được bổ xứ làm Phật, nên đẳng giác vị là địa vị giác ngộ đồng đẳng với diệu giác vị về nhân, hạnh và nguyện đang hội đủ để nở thành bông hoa giác ngộ và bông hoa ấy đang kết tụ lại để trở thành nụ từ hoa, nhằm dẫn sanh quả vị diệu giác, tức là quả vị giác ngộ hoàn toàn. Ấy là quả vị Phật, đầy đủ mười đức hiệu, mười trí lực, bốn vô sở úy và mười tám pháp bất cộng. Nên, đẳng giác còn gọi là Bồ tát nhất sanh bổ xứ và diệu giác mới gọi là Phật quả, nghĩa là quả vị giác ngộ hoàn toàn.
Nên, đẳng giác và diệu giác duyên từ nơi giác sinh mà khởi sinh đầy đủ mười phẩm tính giác ngộ, mười trí lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của một bậc Vô thượng giác, bậc Chánh biến giác, bậc Chánh biến tri, bậc Giác ngộ hoàn toàn.
Nên, Pháp giới Hoa nghiêm là thế giới của Chánh pháp được trang nghiêm bằng vô số bông hoa tuệ giác và những quả vị giác ngộ hoàn toàn.
Thiện-tài-đồng-tử phát khởi tâm bồ đề, hạnh và nguyện bồ đề, cầu tu học với năm mươi ba[4] thiện tri thức, bằng tâm chí đại bi, vì lợi ích hết thảy chúng sanh, nên đã trở thành một bông hoa tuệ giác trong vô số bông hoa tuệ giác nơi Pháp giới Hoa nghiêm của chư Phật.
Nên, từ nơi rừng Trang-nghiêm-tràng-bà-la[5], chỗ đại tháp miếu phía đông Phước-thành[6], nơi mà chư Phật quá khứ đã từng cư ngụ để giáo hóa chúng sanh và nơi đây cũng là chỗ mà đức Thế Tôn Thích Ca đã từng tu Bồ tát hạnh, xả ly vô lượng sự khó xả ly, thì ngay nơi trú xứ này, Thiện-tài-đồng-tử, đã được Bồ tát Văn-thù-sư-lợi quán sát công hạnh tu tập tích lũy thiện căn nhiều đời đối với Bồ tát hạnh, nên trao cho ý chỉ phát khởi vô thượng bồ đề tâm và nuôi lớn tâm ấy, bằng con đường Bồ tát hạnh rằng:
“Lành thay, lành thay! Này Thiện nam tử, Ngươi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề, cầu Bồ tát hạnh. Nếu có chúng sanh nào phát tâm Vô thượng bồ đề, thì ấy là điều rất khó. Huống nữa, đã phát tâm Bồ đề, lại còn cầu thực hiện Bồ tát hạnh nữa, ấy là việc làm khó quá bội phần!”
“Này Thiện nam tử! Nếu Ngươi muốn thành tựu Nhất thiết chủng trí, thì nhất định phải tìm cầu chân thiện tri thức”.
“Này Thiện nam tử! Cầu thiện tri thức thì không có lười biếng, mệt mỏi; nếu thiện tri thức có dạy dỗ điều gì, thì phải hết lòng tùy thuận và không nên thấy những lầm lỗi ở nơi những phương tiện thiện xảo của các bậc thiện tri thức”.[7]
Phụng hành ý chỉ của Bồ tát Văn-thù-sư-lợi, Thiện-tài-đồng-tử lên đường cầu học Bồ tát đạo với tất cả tín căn thanh tịnh, khởi hiện từ tâm bồ đề đã trải qua một trăm mười nước, tham vấn năm mươi ba vị thiện tri thức, với vô số sắc thái của mọi phương tiện và vô số diệu dụng của hết thảy pháp môn, mà Thiện-tài-đồng-tử đã được các thiện tri thức ân cần chia sẻ, mà ở trong phẩm Nhập pháp giới của kinh Hoa nghiêm 60, bản dịch của Phật-đà-bạt-đà-la; Hoa nghiêm 80, bản dịch của Thực-xoa-nan-đà và Hoa nghiêm 40, bản dịch của Bát-nhã, mà chư Tổ đã kết tập, truyền dịch và truyền thừa cho đến chúng ta ngày nay.
Nên, đi vào Pháp giới Hoa nghiêm, ta không thể đi vào bằng tất cả tri thức thường tục, dù tri thức đó được mệnh danh là gì, thì chúng cũng chỉ là những mắc lưới nơi lưới võng của sáu mươi hai lưới võng tà kiến mà thôi, mà ta phải đi vào Pháp giới Hoa nghiêm bằng tất cả tín tâm thanh tịnh. Với tín tâm thanh tịnh qua lời dạy của Phật và Tổ, cũng như các bậc thiện tri thức, nên ta tin rằng, ta có tâm bồ đề và từ tâm ấy, mà phát khởi hạnh nguyện bồ đề. Và ta cũng tin rằng, tất cả chúng sanh cũng đều có tâm ấy và cũng đều có thể phát khởi hạnh nguyện bồ đề trong những điều kiện của họ đang có thể, đồng thời tin rằng, ta hay người và muôn loài chúng sanh, đều đồng một pháp tính bình đẳng và đều có thể chứng nhập biển tính giác ngộ không thể nghĩ bàn của chư Phật.
Thiện-tài-đồng-tử cũng đã từng vô lượng kiếp tu tập, nhưng chứng nhập pháp giới tính không bằng sở đắc, sở kiến, sở tri của chính mình, mà bằng tất cả tín tâm bồ đề, bằng tất cả sự thanh tịnh của thân ngữ ý, và bằng tất cả tâm thành cầu học, cầu chứng, từ sự giáo thọ của các bậc thiện tri thức. Nhờ vậy mà Thiện-tài-đồng-tử đi vào được biển cả Phổ-hiền đại nguyện, thấy rõ trong một lỗ chân lông nơi thân thể của chính mình, lại nhiếp thọ và hàm dung vô lượng, vô biên thế giới không thể nghĩ bàn ở trong đó và vô lượng, vô biên thế giới không thể nghĩ bàn nằm trọn vẹn trong một lỗ chân lông không thừa, không thiếu. Thâu lại, thì hết thảy hằng hà sa thế giới nằm gọn trong một hạt bụi, thả ra thì ngay nơi một hạt bụi mà biến thể cùng khắp hằng hà sa thế giới.
Nên, lý tính và sự tướng của vạn hữu không hề đối ngại nhau. Không những vậy mà sự tướng với sự tướng cũng không hề đối ngại nhau mà chúng cùng nhau hiện hữu dung thông vô ngại. Chúng dung thông, vì trong một có tất cả; chúng vô ngại, vì trong tất cả có một. Nhờ cái thấy ấy, nhờ cái chứng nghiệm ấy, mà bao nhiêu ngã ái, ngã kiến, ngã si, ngã mạn, vô minh hoặc, trần sa hoặc, hoàn toàn tịch lặng, Thiện-tài-đồng-tử bước vào được cửa ngõ chứng nhập thế giới không thể nghĩ bàn của chư Phật.
[1] Buddhabhadra: Hán phiên âm là Phật-đà-bạt-đà-la, Phật-độ-bạt-đà-la, Phật-đại-bạt-đà và dịch là Giác-hiền, Phật-hiền. Ngài người nước thành Ca-tỳ-la-vệ, dòng dõi Thích-ca, cháu của vua Cam-lộ-phạn. Ngài đến Trung Quốc vào khoảng thời Hậu-tần (408) và dịch ra rất nhiều kinh điển từ Phạn văn, trong đó có bản dịch Hoa nghiêm 60 này.
[2] Prajñā: Hán phiên âm là Bát-nhã, Bát-lạt-nhã. Ngài người nước Ca-tất-thi (Kế-tân), thuộc miền bắc Ấn Độ, đến Trung Quốc vào đời Đường, năm 781. Ngài dịch rất nhiều kinh điển từ Phạn sang Hán, trong đó có bản dịch Hoa nghiêm 40.
[3] Śikṣānanda: Hán phiên âm là Thực-xoa-nan-đà; Thí-khất-xoa-nan-đà và dịch Học-hỷ.
[4] 53 thiện tri thức là theo Hoa nghiêm 80 và 40. Hoa nghiêm 60, chỉ có 52 thiện tri thức.
[5] Phạn: Vicitrasāladhvajayuha. Hoa nghiêm 40, phiên âm: Trang-nghiêm-tràng-bà-la (Hoa nghiêm 4, tr677a, Đại chính 10); Hoa nghiêm 80, phiên âm: Trang-nghiêm-tràng-bà-la (Hoa nghiêm 62, 332a, Đại chính 9). Hoa nghiêm 60, Trang-nghiêm-tràng-bà-la (Hoa nghiêm 45, tr687c, Đại chính 9).
[6] Phạn: Dhanyākara-nagara: Phúc-thành, Phúc-thành-nhân, còn gọi là Phúc-sinh-thành, Giác-thành. Nơi Thiện-tài-đồng-tử tham vấn Bồ tát Văn-thù ở trong rừng Trang-nghiêm-tràng-bà-la (Hoa nghiêm 62, tr331c-332a, bản 80, Đại chính 10; Hoa nghiêm 4, tr 677a, bản 40, Đại chính 10). Hoa nghiêm 60, dịch là Giác-thành (tr678c, Đại chính 9). Giác-thành, còn gọi là thành Già-da (Gayā), thuộc nước Ma-kiệt-đà, Trung-ấn, nơi đức Thích Ca thành đạo. (Nhân minh nhập chính lý luận sớ, quyển thượng).
[7] Hoa nghiêm 62, tr 324a, Đại Chính 10.