HT Thích Thái Hòa: Kinh Pháp Hoa Tinh Yếu
KINH PHÁP HOA TINH YẾU
Thích Thái Hòa
Chứng minh: HT. Thích Huyền Quang
LỜI THƯA
Khi mới xuất gia hành điệu vào tuổi để chỏm, đứng hầu bên Thầy, nghe Thầy tôi giảng những điều căn bản về đức tin Pháp Hoa cho nhóm hướng thiện bác Siêu, hay cho những vị cư sĩ, mặc dù bấy giờ tôi nghe chẳng hiểu gì, nhưng không biết vì sao trong lòng lại thích kinh ấy và đã tụng đọc kinh ấy từ khi mới làm chú Sa-di.
Sau năm 75, tôi đã có cơ duyên học kinh Pháp Hoa với Hòa thượng Thích Đôn Hậu tại Phật Học Viện Báo Quốc và chùa Linh Mụ; lại tiếp tục được học kinh nầy với Hòa thượng Thích Thiện Siêu trong khóa Phật học 1980 – 1984, tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám Viện.
Năm 1990, do khuyến khích của chư Tôn đức tại Cố Đô Huế, tôi đã nhận trách nhiệm giảng dạy kinh Pháp Hoa tại Phật Học Viện Báo Quốc cho Tăng Ni, tại chùa Phước Duyên – Huế cho hàng cư sĩ vào mỗi buổi sáng chủ nhật, và cùng với chư Tăng phân chia nhau giảng dạy kinh Pháp Hoa vào mỗi buổi sáng chủ nhật tại chùa Từ Đàm cho hàng cư sĩ. Cũng trong những năm thập niên 90, tôi lại nhận trách nhiệm giảng dạy kinh Pháp Hoa cho các Tăng sinh tại Tổ Đình Từ Hiếu, Thuyền Lâm và sau những năm 2000, tôi lại còn giảng dạy kinh ấy cho các Khóa học bậc Lực của các huynh trưởng GĐPT tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Vì do những cơ duyên như vậy, nên tôi đã nghiên cứu, thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa và biên soạn thành giáo trình để giảng dạy, nhằm báo ân Phật, Tổ, Thầy, bạn, cha mẹ và chúng sanh.
Tập giáo trình nầy, tôi đã trình lên Hòa thượng Thích Huyền Quang, khi Ngài còn ở chùa Quang Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi và cầu xin Ngài chứng minh. Bấy giờ, không những Ngài hoan hỷ mà còn có những lời khích lệ, sách tấn và chỉ dạy những điều then chốt nữa.
Dù đã được chư Tôn đức giáo dục và chỉ dạy, những điều tinh yếu của kinh và sách tấn, khích lệ, cùng với tự thân nỗ lực ngày đêm học hỏi, nghiên cứu, ngẫm nghĩ không ngừng, nhưng do đức bạc, tài hèn không thể nào lãnh hội hết Diệu pháp của Phật, ý chỉ của Kinh và những giáo chỉ của Thầy, vì vậy mà trong tập nầy không sao tránh khỏi thiếu sót.
Thiếu sót là do sự kém cỏi của tôi, mà nếu trong tập nầy có gì đáng quí là do công lao và ân đức của tất cả.
Vậy, trong tập nầy, nếu có gì thiếu sót, kính mong chư tôn đức từ bi chỉ giáo.
Chùa Phước Duyên – Huế, Ngày 22-10-2007
Tỷ Kheo Thích Thái Hòa
CHƯƠNG I
Ý NGHĨA ĐỀ KINH PHÁP HOA
Đề kinh Pháp Hoa, tiếng Phạn là = Saddharmapuṇḍarīkasūtram.
= Sad, đi từ động từ = Sat, có nghĩa là hiện thực, đích thực, thực tiễn, chân thực, vi diệu, điều không thể diễn tả được,… = Sad, ngài Pháp Hộ, năm 286 TL, dịch là chánh[1], ngài La Thập, năm 406, dịch là diệu.[2]
= Dharma, đi từ động từ = dhṛ, có nghĩa là bảo toàn, duy trì, làm cho hiện hữu, sắp xếp, làm cho có trật tự, duy trì để hiện hữu,… Do đi từ động gốc như vậy, nên Pháp hay dharma có nghĩa là nguyên tắc hay nguyên lý tồn tại,… Các Hán bản đều dịch là pháp.
= Puṇḍarīka, có nghĩa là hoa sen trắng. Ngài Pháp Hộ, năm 265 TL, phiên âm là Phân-đà-lỵ và năm 286 TL, dịch là hoa. Ngài La Thập, năm 406 TL, Cấp Đa và Xà- na-khuất-đa, năm 601 TL, đều dịch là liên hoa. Ngài Tăng Duệ là một trong bốn vị đại đệ tử xuất chúng của ngài La Thập giải thích rằng, hoa sen là loài hoa đặc biệt hơn hết thảy các loài hoa. Và hoa đúng độ nở, gọi là Phân-đà-lợi. Hoa sen chưa nở là dụ cho nhị thừa đạo; nở ra mà đã rụng là dụ cho Niết bàn và hoa đang đúng độ nở là dụ cho kinh nầy.[3]
Theo Không Hải, Phân-đà-lợi là loài hoa sen có trăm lá thuận theo nhau, mỗi lá sen đều tiếp nối nhau hoàn chỉnh khả ái, lá ngoài cực trắng, dần dần vào phía bên trong có màu vàng nhạt, hương của hoa sen nầy thơm cực kỳ đặc biệt. Xưa vua Lưu Ly hại con gái dòng họ Thích, ngài Đại Ca Diếp lấy hoa sen nầy trong hồ A-nậu-đạt rẩy nước tám công đức vào thân tâm người nữ khiến cho họ liền được an lạc, khi sanh mạng kết thúc liền được sanh thiên.
Nhơn rẩy nước hồ lên đầu hoa liền thành chủng tử, hoa ấy ngày nay vẫn còn. Hoa đẹp và lớn, thẳng hơn một thước, nên hoa sen loại ấy, gọi là Phân-đà-lợi.[4]
Vậy, = Saddharmapuṇḍarīka, có nghĩa là Pháp đích thực, Pháp hiện thực, Pháp thuần khiết, Pháp nguyên vẹn, Pháp không thể diễn tả, Pháp vi diệu,… Pháp ấy ví như hoa sen trắng.
Kinh Pháp Hoa là kinh nói về Pháp đích thực, Pháp hiện thực, Pháp chính xác của chư Phật, nên ngài Pháp Hộ dịch = Saddharmapuṇḍarīkasūtram là Chánh Pháp Hoa Kinh.[5]
Kinh Pháp Hoa là kinh nói về Pháp chân thực, hiện thực, vi diệu, nguyên vẹn của chư Phật, ví như hoa sen, nên ngài La Thập dịch là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.[6]
Tại sao, ở kinh nầy, đức Phật dùng hoa sen để ví dụ cho Pháp? Vì đối tượng nghe kinh nầy là hàng Thanh văn, tức là những vị tu tập chưa chứng nhập được Pháp Niết bàn tuyệt đối, nên đức Phật muốn dẫn dắt những vị nầy đi đến Niết bàn tuyệt đối ấy, vì vậy ở kinh nầy, đức Phật đã sử dụng nhiều ví dụ để dụ cho Pháp, khiến cho các đối tượng nghe Pháp nương vào các ví dụ mà thâm nhập và thể chứng được Pháp thân chân thực.
Trong tất cả các ví dụ ấy, hoa sen trắng là ví dụ rốt ráo, xuyên suốt, nguyên vẹn và thuần khiết cho Pháp mà đức Phật hiển thị ở trong kinh nầy. Hoa sen trắng là dụ cho Nhất thừa, Pháp thân chân thực hay Phật tính nơi hết thảy chúng sanh vậy.
Lại nữa, hoa sen được sử dụng để ẩn dụ cho kinh nầy, vì nó có những đặc điểm như sau:
- Có hoa là có gương: Hoa sen, hễ khi có hoa là liền có gương. Đây là dụ cho nhân quả đồng thời của kinh Pháp Hoa. Việc Long nữ hiến châu và liền thành Phật ở phẩm Đề-Bà-Đạt-Đa[7] là hiển thị cho đặc điểm nầy.
Lại nữa, nhân quả đồng thời là dụ cho phương tiện và cứu cánh, bản môn và tích môn, lý và sự, trí và bi, quyền và thực, đốn và tiệm, được trình bày ở trong kinh Pháp Hoa là bất nhị. Nghĩa là chúng đồng thời có mặt trong nhau, không tách rời nhau. - Ở trong bùn không ô nhiễm: Hoa sen có đặc điểm ở trong bùn không ô nhiễm. Kinh Pháp Hoa đã sử dụng đặc tính nầy của hoa sen để dụ cho Phật tính. Phật tính của hết thảy chúng sanh tuy ở trong phiền não, nhưng không bị ô nhiễm. Việc Đề-Bà-Đạt-Đa phạm tội ngũ nghịch, đọa vô gián địa ngục, nhưng Phật tính nơi ông vẫn không mất, hễ hội đủ nhân duyên thì Phật tính nơi ông vẫn hiển lộ, nên ông đã được đức Phật thọ ký thành Phật trong tương lai và ở phẩm Đà-La-Ni, loài quỷ nữ do nhiều đời tạo ác nghiệp nên đã đọa vào quỷ đạo, nhưng Phật tính nơi họ không mất, hễ hội đủ nhân duyên thì Phật tính hiển lộ, vì vậy khi nghe kinh Pháp Hoa, Phật tính nơi họ liền sinh khởi và họ đã phát tâm hộ trì kinh Pháp Hoa là hiển thị đặc điểm nầy.
- Hoa và cọng tách riêng với lá: Hoa sen có đặc tính hoa và cọng tách riêng với lá. Kinh Pháp Hoa đã sử dụng đặc tính nầy của hoa sen để ẩn dụ rằng, tam thừa là Thanh vănthừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa đều từ nơi Nhất thừa mà biểu hiện, nhưng trong đó, Nhất thừa hay Phật thừa là tối thượng. Việc năm ngàn người, vì tâm tăng thượng mạn, bỏ đương hội Pháp Hoa lui về là hiển thị cho đặc điểm nầy.
- Ong và bướm không thể hút nhụy: Do hoa sen có đặc tính nầy, nên kinh Pháp Hoa đã dùng đặc tính nầy để ẩn dụ rằng, đối với Diệu pháp, thì hết thảy chúng sanh đều có, nhưng chúng sanh, vì tâm tăng thượng mạn[8], vì tâm tham dục, vì tâm tà kiến, vì tâm bé nhỏ, nên không tiếp nhận được Diệu pháp. Những người đi nửa đường muốn trở quay về ở trong phẩm Hóa thành dụ là hiển thị cho đặc điểm nầy.
- Không bị sử dụng để trang điểm: Do hoa sen có đặc tính nầy, nên kinh Pháp Hoa đã dùng đặc tính ấy để ẩn dụ rằng, những kẻ tiểu tâm, tà trí, buông lung theo các dục thì không thể sử dụng được Diệu pháp để làm việc phi pháp, không thể lợi dụng Chánh pháp để hành hoạt tà pháp. Người say quên hạt minh châu trong chéo áo của phẩm Năm trăm đệ tử thọ ký là hiển thị cho đặc điểm nầy.
- Hoa nở sen hiện: Do hoa sen có đặc tính nầy, nên kinh Pháp Hoa đã sử dụng đặc tính nầy để ẩn dụ rằng, ở trong Diệu pháp có Thực pháp và Quyền pháp, ở trong đức Phật lịch sử có đức Phật siêu lịch sử, ở trong thiên bách ức Hóa thân của Phật Thích Ca đều có Pháp thân không sanh diệt cũng như Báo thân thanh tịnh và thường trú của Ngài.
Quyền Pháp là pháp phương tiện. Đức Phật đã sử dụng Pháp nầy, tùy theo căn cơ, hoàn cảnh, trình độ của chúng sanh, mà Ngài vận dụng để thuyết Pháp thích ứng, nhằm khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến cho chúng sanh, khiến cho hết thảy chúng sanh, dù đang ở vào vị trí nào, hoàn cảnh nào, trình độ nào cũng đều có thể ngộ, nhập được Phật tri kiến.
Thực Pháp là Thực pháp của Pháp Hoa, là đệ nhất nghĩa chân thực. Pháp ấy là mục tiêu của Phật ra đời giáo hóa chúng sanh. Và là điểm đồng qui từ mọi phương tiện giáo hóa của Phật.
Đức Phật lịch sử là đức Phật ra đời cách đây hơn hai mươi sáu thế kỷ ở Népal Ấn Độ giáo hóa chúng sanh và đã nói kinh Pháp Hoa trên đỉnh Linh Sơn như ở phẩm Phương tiện của kinh nầy đã trình bày. Đức Phật siêu lịch sử là đức Phật siêu việt thời gian như phẩm Hiện Bảo Tháp và phẩm Như Lai Thọ Lượng của kinh nầy đã mô tả.
Do những đặc điểm thâm diệu của kinh như vậy, nên đặc điểm hoa nở sen hiện của hoa sen được sử dụng để nói lên những điểm thâm diệu mà thực tiễn của kinh nầy.
- Hoa rụng sen thành: Với đặc điểm nầy của hoa sen, được sử dụng để ví dụ cho thời kỳ giáo hóa hàng đệ tử Thanh văn của Phật đã đến chỗ thuần thục rồi, nên Ngài không giảng dạy cho họ những kinh điển dưới mức Pháp Hoa mà phải giảng dạy kinh Pháp Hoa và thọ ký cho họ thành Phật trong tương lai. Đây gọi là thời kỳ đức Phật thuyết Pháp có nội dung phế quyền hiển thực, nghĩa là phế bỏ pháp phương tiện mà chỉ thẳng pháp cứu cánh cho hàng thính chúng Thanh văn. Ví như hoa rụng thì sen thành. Việc các vị Bồ tát từ lòng đất vọt lên ở phẩm Tòng địa dõng xuất và việc Long nữ hiến châu ở phẩm Đề-Bà-Đạt- Đa là hiển thị cho đặc điểm nầy.
Đề kinh Pháp Hoa bao gồm cả Pháp và dụ một cách thực tiễn và sâu xa như vậy, nên ngài Nhật Liên Đại Sư (1222 -1282), Tổ sư của Pháp Hoa Tông Nhật Bản dạy rằng: “Chỉ cần thọ trì, đọc tụng đề kinh Pháp Hoa là có đủ nhân duyên để thành Phật”.
Theo Hám Sơn – Đức Thanh Đại Sư (1546 – 1623), đời Minh, đề kinh Pháp Hoa là chỉ thẳng Nhất chơn pháp giới của kho tàng tâm Như Lai. Và dùng ý nghĩa ấy mà lập tên vậy. Đại Sư còn giải thích, tâm cảnh không hai, thuần là nhất chơn, nên gọi là Diệu pháp. Nhưng, hết thảy chúng sanh ở trong Diệu pháp mà mê, nên gọi là “tạng thức”. Ở nơi “tạng thức” mà chư Phật giác ngộ, gọi là “Như Như Lai tạng”. Y vào nhất tâm mà kiến lập “Pháp giới liên hoa tạng”.
Do đó, chơn vọng xuyên suốt, nhiễm tịnh dung thông, nhân quả đồng thời, thỉ chung đồng một ngằn mé.
Vì vậy, nếu ước theo dụ, thì lấy hoa sen làm biểu tượng, nhưng nếu ước theo pháp, thì chỉ thẳng bản thể giác ngộ của tâm (Pháp Hoa Kinh Thông Nghĩa).
Theo Thanh Đàm Đại Sư triều Gia Long, thì Diệu pháp là chỉ cho Thực pháp. Pháp là tâm xưa nay thanh tịnh. Tâm ấy xưa nay không sinh, không diệt, không nhớp, không sạch, không thêm, không bớt, tại phiền não không loạn động, tại trần lao không ô nhiễm, nên gọi là tâm xưa nay thanh tịnh vậy.
Lại nữa, tâm ấy là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của chúng sanh. Tròn đồng thái hư, rộng lớn không ngằn mé. Linh linh, lặng lặng, suốt xưa, suốt nay, yên yên, lắng lắng, chính là không, chính là sắc, không thể dùng tâm thức suy lường, phân biệt mà có thể biết được.
Đức Thế Tôn, vì muốn đem một việc lớn là “đại tâm” nầy, mà trao phó cho hàng Bồ tát, tạo thành nhân địa của tâm, làm gốc tu nhân, sau đó mới thành tựu quả địa tu chứng, nên gọi là Diệu pháp.
Lại nữa, Diệu pháp là tùy theo tác dụng mà thiết lập vô lượng tên gọi khác nhau như: Đại sự nhân duyên; Phật tri kiến đạo; Cứu cánh Phật tuệ; Nhất thiết chủng trí.
Liên hoa là thí dụ. Lấy trong sạch không ô nhiễm làm nghĩa. Tất cả thế gian không kham nhận tâm thanh tịnh ấy, nên kinh lấy hoa sen mà dụ cho tâm ấy. Hoa sen sinh ra ở trong bùn nước, nhưng không bị bùn nước làm cho ô nhiễm, cũng như tâm ở trong trần lao mà không bị trần lao làm mê hoặc.
Tuy nhiên, tâm không có hình tướng, nhưng hoa lại có xanh vàng. Do nhân nơi hoa mà rõ được cái thấy. Nhân nơi cái thấy mà biết hoa. Sắc tướng của hoa là vô tình. Cái thấy, cái biết thuộc về tâm chân thực. Chỉ cần không vọng khởi phân biệt, thì vạn vật và ta vốn là như như.[9]
Tóm lại, đề kinh đã dùng hoa sen để ví dụ cho Diệu pháp. Diệu pháp chính là nhất thừa và nhất thừa là Phật tính. Phật tính là tính giác ngộ vốn có nơi hết thảy chúng sanh. Tuy, chúng sanh đang bị trôi lăn trong bùn lầy sanh tử, nhưng Phật tính nơi họ không những không mất, mà còn không bị ô nhiễm, hễ đủ duyên thì Phật tính ấy sẽ khởi sinh và tựu thành quả vị giác ngộ. Cũng vậy, ví như hoa sen, tuy bị chìm ngập ở trong nước bùn, nhưng đủ duyên và đúng thời, nó sẽ nở ra hương thơm thanh khiết, vô nhiễm.
Do đó, đề kinh đã dùng hoa sen để ví dụ cho đạo lý nhất thừa hay Phật tính vậy.
Lại nữa, theo Pháp Hoa Kinh Khai Đề, Diệu Pháp Liên Hoa là mật hiệu của Quán Tự Tại Vương, danh hiệu Phật nầy cũng còn gọi là Vô Lượng Thọ, hiện đã thành Phật ở nơi quốc độ Tịnh Diệu. Nhưng, khi lưu lại ở thế giới tạp nhiễm đầy năm sự dơ bẩn, làm vị Bồ tát Quán Tự Tại với tên Nhất Thiết Pháp Bình Đẳng Quán Tự Tại Trí Ấn.
Nếu có những ai nghe được lý thú nầy, mà thọ trì, đọc tụng, tác ý, tư duy, thì cho dù người ấy đang ở trong thế giới của các dục, nhưng ví như hoa sen, ở trong trần cấu mà không bị khách trần làm cho ô nhiễm, người ấy có thể nhanh chóng thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề.
Và lại nữa, Diệu Pháp Liên Hoa là bản thể của thế giới Liên Hoa Đài Tạng, là Thường Tâm Bản Địa của đức Phật Tỳ Lô Giá Na.[10]
Như vậy, đề kinh không những chỉ dùng hoa sen dụ cho Pháp mà còn dùng hoa sen để dụ cho tên gọi của hạnh tu và bản thể của Pháp chứng ngộ nữa.
[1] Chánh Pháp Hoa Kinh, Pháp Hộ, tr 63, Đại Chính 9
[2] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, La Thập, tr 01, Đại Chính 9
[3] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Hậu Tự, Tăng Duệ, tr 62a, Đại Chính 9
[4] Pháp Hoa Kinh Khai Đề, Nhật Bản, Không Hải soạn, tr 173ab, Đại Chính 56
[5] Chánh Pháp Hoa Kinh, Pháp Hộ, tr 63, Đại Chính 9
[6] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, La Thập, Đại Chính 9, 01
[7] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, tr 35c, Đại Chính 9
[8] Tăng thượng mạn: Phạn văn là adhimāna. Tâm kiêu mạn, chưa chứng đắc quả vị hoặc trí đức thực sự mà tự nhận rằng, mình đã kinh qua và chứng đắc (Phật Quang Đại Từ Điển 6, tr 5812b).
[9] Pháp Hoa Đề Cương, Thanh Đàm,Việt Nam Phật Điển Tòng San
[10] Pháp Hoa Kinh Khai Đề, Không Hải, Nhật Bản, tr173bc, Đại Chính 56.
– Tỳ Lô Giá Na: Phạn là Vairocana. Phiên âm là Tỳ Lô Giá Na, Tỳ Lâu Giá Na, Tỳ Lô Chiết Na,… Dịch ý là Biến nhất thế xứ; nghĩa là có mặt khắp mọi nơi; hoặc dịch là Quang minh biến chiếu, nghĩa là ánh sáng soi chiếu cùng khắp; Đại nhật biến chiếu, nghĩa là mặt trời vĩ đại soi chiếu cùng khắp,… Như vậy, Tỳ Lô Giá Na, nghĩa là thân trí tuệ của Phật soi sáng cùng khắp, không có bất cứ sự chướng ngại nào, đối với sự và lý ở trong pháp giới (Phật Quang Đại Từ Điển 4, tr 3858, 3850).