HT Thích Thái Hòa: Niệm Phật trong thiền quán

NGỎ 

Đức Phật dạy: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác…”.

Lời dạy ấy đã được Ngài khai triển một cách thực tế và rộng sâu xuyên suốt các thời kỳ Thuyết pháp của Ngài, từ Bồ đề Đạo tràng sau khi Ngài thành đạo cho đến Kusinaga trước khi Ngài nhập Niết bàn, cho nhiều thính chúng đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài, cũng như mọi thành phần xã hội từ giai cấp cao quý Bà-la-môn đến giai cấp tiện dân Thủ-đà-la và cho những Du sĩ, Sa môn các tôn giáo của xã hội Ấn Độ bấy giờ.

Lời dạy ấy của đức Thế Tôn, không dừng lại ở thế giới loài người phàm tục mà còn ngay cả cho thế giới chư thiên thuộc Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, cũng như thế giới của các bậc Thánh, như Thanh văn, Duyên giác và các hàng Bồ tát đã trải qua các địa vị tu tập nữa.

Không có tâm thì lấy gì để sống?

Không có tâm thì lấy gì để phân biệt, hiểu biết và làm chủ não cho hành động?

Nếu có tâm mà tâm hoạt động liên hệ đến những hạt giống bất thiện, như tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn… thì chính tâm ấy là chủ nhân ông, tạo ra khổ đau cho con người và thế giới của chính nó.

Nếu có tâm mà hoạt động liên hệ đến những hạt giống vô tham, vô sân, vô si, vô kiêu mạn… thì chính tâm ấy, tạo ra sự an lạc cho ta, hạnh phúc cho ta, chứ không có chủ nhân nào khác.

Tâm bất tịnh tạo ra thế giới bất tịnh cho ta, chứ không có chủ nhân nào hay thần thánh nào tạo ra sự bất tịnh trong đời sống của ta cho ta và buộc ta bị đọa đày ở trong đó.

Tâm thanh tịnh tạo ra thế giới thanh tịnh của ta cho ta, chứ không có bất cứ thần thánh nào tạo ra sự thanh tịnh của ta cho ta.

Tâm dẫn đầu các pháp, chân lý ấy, đã được đức Phật chứng ngộ đầy đủ cả hai mặt nhiễm và tịnh, mê và ngộ, tướng và phi tướng, tục và phi tục, giác và bất giác, phiền não và bồ đề, sinh tử và niết bàn, hữu lậu và vô lậu, hữu vi và vô vi, thế gian và xuất thế gian…

Do giác ngộ đầy đủ cả hai mặt như vậy, nên đức Phật không phải chỉ là bậc Thế Gian Giải mà còn là bậc Chánh Biến Tri hay bậc Toàn Giác.

Đức Phật đã giác ngộ một cách chính xác với tâm như vậy, nên Ngài không bị những chủng tử nhiễm ô của tâm chi phối và điều động, vì chính những chủng tử này đã bị Ngài chế chỉ bởi Giới; nhiếp phục, thuần hóa bởi Định; và soi sáng bởi Tuệ, ngay trong những uy nghi đi đứng, nằm ngồi, thức ngủ, động tịnh, ứng xử trong những sinh hoạt hằng ngày.

Và cũng do giác ngộ tâm ấy về mặt tự tính thanh tịnh, tự tính giác ngộ, tự tính vô nhiễm, tự tính bất động, tự tính vô ngã, tự tính đầy đủ hết pháp lành và từ Như Lai tính mà vận khởi tâm chân thật đại bi, tùy phương thuyết pháp, tùy phương cởi mở hết thảy khổ não cho hết thảy chúng sinh, giúp chúng sinh quay về tịnh xứ của tâm.

Tịnh xứ của tâm là Tịnh Độ. Ấy là Tịnh Độ của chư Phật.

Có những người không tin lời Phật dạy, vì họ đang mãi mê chạy theo ngũ dục thế gian, với những hư danh mang đầy kiêu hãnh của tự ngã; có những người tự nhận mình là đệ tử của Phật mà không tin vào tịnh xứ của Phật nơi tâm, là vì tâm của họ đang duyên vào cảnh gió lay của phướn hay bị người ném đá vào thân đau điếng, rồi chạy theo viên đá để giận hờn và nguyền rủa.

Tâm của chư Phật vốn tịnh, thì có cảnh nào của Phật mà không thanh tịnh.

Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam, các phương Trên, Dưới, nhiều như số cát sông Hằng của hết thảy chúng sinh sống với tâm tham dục, vô minh, chấp ngã và phiền não, thì có không gian nào trong hết thảy không gian ấy mà không ô nhiễm, mà không khổ đau bởi những cái bị sinh, bị già, bị bệnh và bị chết.

Nhưng, đối với các không gian Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam, các phương Trên, Dưới, nhiều như số cát sông Hằng ấy, chư Phật sống với tâm thanh tịnh, với tâm từ bi, thì không có cõi nào của Ngài thường trú là không thanh tịnh và không từ bi.

Nên, ta niệm Phật là tạo cơ hội hay tạo điều kiện để ta đình chỉ sự ô nhiễm nơi tâm ta bởi Giới, nhiếp phục và thuần hóa những ô nhiễm nơi tâm ta bởi Định và soi sáng tâm ta bởi Tuệ.

Khi những ô nhiễm nơi tâm ta đã bị chế ngự, phòng hộ bởi Giới; nhiếp phục và thuần hóa bởi Định; soi sáng và quét sạch từng phần và toàn phần bởi Tuệ, thì Tịnh Độ của chư Phật khắp cả mười phương cũng từ ngay đó hiện ra cho ta.

Bấy giờ, tùy theo trí tịnh của ta mà thấy; tùy theo thệ và nguyện của ta mà đến và tùy theo hạnh của ta mà kết quả y báo, chánh báo trang nghiêm của Tịnh Độ tựu thành.

Nên, ta không thể ngồi đó, hay đứng đó, để ca ngợi hay phỉ báng Tịnh Độ của chư Phật, mà ta phải biết quay về với tâm ta, bằng tất cả niềm tin thanh tịnh; bằng tất cả sự nỗ lực tinh cần, ngày đêm rèn luyện không biết mỏi mệt, chắc chắn thế giới Tịnh Độ của chư Phật ta sẽ viên thành.

Tỷ khưu Thích Thái Hòa

Hiển thị thêm
Back to top button