HT Thích Thái Hòa: Vô trước hạnh
Vô trước hạnh, nghĩa là thực hành đời sống tu tập không vướng mắc. Thực hành đời sống tu tập có nghĩa là thực hành trí tuệ và từ bi không bị vướng mắc. Thực hành hạnh tu không vướng mắc tức là thực hành lắng nghe không vướng mắc, hạnh tư duy không bị vướng mắc. Thực hành hạnh tu không vướng mắc nghĩa là thực hành Giới không có vướng mắc, thực hành Định không vướng mắc, thực hành Tuệ không vướng mắc, thực hành Đời sống giải thoát và Giải thoát tri kiến không vướng mắc. Đó gọi là vô trước hạnh của Bồ tát.
Vướng mắc thì không phải là vô trước. Vướng mắc thì gọi là trước.
Nghe nhưng đừng bị cái nghe trói buộc. Thấy mà đừng bị cái thấy trói buộc. Nếm mà đừng bị cái nếm trói buộc. Ngửi mà đừng bị cái ngửi trói buộc. Tiếp xúc mà đừng bị cái tiếp xúc trói buộc. Đối diện với nội pháp, ngoại pháp mà đừng bị nội pháp, ngoại pháp trói buộc. Đó gọi là vô trước hạnh.
Tiếp xúc với sắc uẩn mà không bị sắc uẩn trói buộc; đó là vô trước hạnh đối với sắc. Tiếp xúc với thọ uẩn mà không bị thọ uẩn trói buộc bởi cái khổ, cái lạc, cái phi khổ phi lạc, đó là tự do đối với thọ uẩn, gọi là vô trước hạnh. Tiếp xúc với tưởng uẩn mà không bị trói buộc bởi những ý niệm, đó gọi là tự do đối với tưởng uẩn. Tiếp xúc đối với hành uẩn mà không bị tác ý thiện hay bất thiện hay trung tính trói buộc, đó gọi là vô trước hạnh đối với hành uẩn. Tiếp xúc đối với thức uẩn mà không bị trói buộc bởi cái phân biệt của sáu thức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; tiếp xúc với thức uẩn mà không bị mạt-na-thức trói buộc để sinh khởi ngã và ngã sở; tiếp xúc với a-lại-da-thức mà không bị cái nhiễm tịnh của a-lại-da-thức trói buộc hay không bị cái vô kí của a-lại-da-thức trói buộc, đó gọi là có vô trước đối với thức uẩn. Cho đến mười hai xứ, mười tám giới, chúng ta tiếp xúc mà không bị mười hai xứ, mười tám giới trói buộc, tức là chúng ta có vô trước hạnh đối với mười hai xứ, mười tám giới. Tiếp xúc với hết thảy pháp môn, học hết hết thảy pháp môn nhưng không bị các pháp môn đó trói buộc là mình có vô trước hạnh đối với hết thảy pháp môn. Nếu mình bị trói buộc bởi một pháp môn thì mình chỉ có một pháp môn đó thôi, làm sao mình có thể tiếp xúc được với vô số pháp môn khác. Có phải không? Mình tiếp xúc với Giới, nhưng mình không bị Giới trói buộc; tiếp xúc với Định, nhưng mình không bị Định trói buộc; tiếp xúc với Tuệ, nhưng mình không bị Tuệ trói buộc, đó là vô trước hạnh đối với Giới, Định, Tuệ. Mà có như vậy mới gọi là vô lậu giải thoát. Nếu mình bị trói bởi Giới thì mình không thể thực tập Định; mà nếu mình bị trói bởi Định thì mình không thể thực tập Giới; nếu mình bị trói bởi Giới thì mình không thể thực tập Tuệ; mà nếu mình bị trói bởi Tuệ thì mình không thể thực tập Giới, không thể thực tập Định, thì làm sao gọi là vô trước hạnh. Nên trong kinh A-hàm, trong văn hệ Nikāya, đức Phật nói, Giới cùng tu với Định có lợi ích lớn, có thành quả lớn; Giới cùng tu với Tuệ có lợi ích lớn, có thành quả lớn; Tuệ cùng tu với Giới có lợi ích lớn, có thành quả lớn. Tại sao như vậy? Vì duyên khởi thì không bị mắc kẹt và mắc kẹt thì không phải là pháp duyên khởi. Tự tánh của duyên khởi là tánh Không, nên tánh Không thì vô trước. Tánh Không là Niết bàn, nên Niết bàn là vô trước. Nên bốn loại Niết bàn: Hữu dư y, Vô dư y, Tánh tịnh Niết bàn, Vô trú xứ Niết bàn là vô trước mới là Niết bàn đích thực.
Quý vị thực tập đi sẽ thấy, cuộc đời người tu – đệ tử Phật- nó phong phú, tự do ngay trong cuộc sống này, ngay nơi thân năm uẩn này, ngay nơi đời này. Đối với năm uẩn đừng thủ trước, đừng nắm bắt, mình có tự do ngay, mình có an lạc ngay.
Trong kinh Tăng nhất A-hàm cũng như Tăng chi bộ kinh (Anguttara Nikāya), đức Phật dạy có mười điều đừng vội tin. Nếu chúng ta thực tập mười điều này, chúng ta sẽ khám phá ra được chân nghĩa khi mình nghe mọi vấn đề.
Điều thứ nhất: Không vội tin điều gì chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
Người đệ tử Phật, chúng ta không vội tin điều gì khi nghe người ta nói điều ấy là từ nơi truyền thuyết.
Truyền thuyết có thể đúng, có thể sai. Nên khi nghe truyền thuyết như vậy, mình không vội tin, nghĩa là không vội kết luận nó đúng hay không đúng, mà lắng nghe, chiêm nghiệm, suy xét, gạn lọc xem nó đúng ở chỗ nào, không đúng ở chỗ nào. Truyền thuyết đó đưa tới lợi mình, lợi người đời này, đời sau thì đó là một truyền thuyết đúng. Một truyền thuyết mà đưa đến lợi mình, lợi người đời này mà đời sau không có lợi ích thì truyền thuyết đó chưa phải là một truyền thuyết đúng. Một truyền thuyết đưa tới lợi cho nhóm này mà không lợi cho nhóm kia, đưa tới lợi ích cho nhóm này mà gây thiệt hại cho nhóm kia thì mình biết đó là một truyền thuyết chưa đúng, cho nên không vội tin khi người ta nhân danh truyền thuyết để nói với mình.
Thứ hai là: Không vội tin điều gì chỉ vì điều đó là được xem là truyền thống.
Khi người ta nhân danh truyền thống để nói chuyện với mình thì mình lắng nghe, suy nghĩ, quán chiếu để thấy rằng truyền thống này có nghiêng về bên này, có nghiêng về bên kia hay bị kẹt mắc ở giữa, nó có bị rơi vào tà kiến không, biên kiến không, kiến thủ kiến không, giới cấm thủ không, thân kiến thủ không. Nếu một truyền thống mà rơi vào những kiến thủ như vậy thì chúng ta không tin. Vì sao? Vì nó rơi vào những kiến thủ như vậy thì không thể nào đem lại lợi ích cho người này, người kia đời này và đời sau. Triết học hiện sinh đôi khi ca ngợi cái thực dụng. Chúng ta không phủ nhận cái thực dụng. Nhưng phải xem xét xem cái thực dụng đó có đem lại lợi ích cho người này, người kia đời này, đời sau không. Có những cái thực dụng nó chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm mà không đem lại lợi ích cho nhóm khác thì chúng ta không tin rằng đó là một truyền thống tốt đẹp; nó chỉ đem lại lợi ích cho đời này thôi mà không đem lại lợi ích cho đời sau thì mình biết nó là một truyền thống sai lầm, một truyền thống biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, thân kiến thủ, tà kiến. Một truyền thống như vậy chỉ đưa tới sự kích hoạt lòng tham, kích hoạt cho sự sân hận, kích hoạt cho sự si mê, sự tà mạng mà thôi. Cho nên mình không tin.
Như vậy là nhân danh truyền thuyết mình cũng phải xét lại, mà nhân danh truyền thống mình cũng phải xét lại, chứ không phải nhân danh truyền thuyết để áp đặt lên mình hay nhân danh truyền thống rồi áp đặt cái truyền thống đó lên mình. Những điều này thời hiện đại của chúng ta rất cần để chúng ta thực tập những điều đức Phật dạy. Chúng ta không vội tin khi người khác nói với mình mà nhân danh truyền thuyết, nhân danh truyền thống. Mình không phủ nhận truyền thuyết, không phủ nhận truyền thống nhưng mình phải soi chiếu truyền thuyết đó, truyền thống đó bằng tâm bồ đề, bằng hạnh bồ đề, bằng nguyện bồ đề của chúng ta, bằng đại định bồ đề của chúng ta. Mà bồ đề thì khi nào cũng vượt mọi giới hạn không gian, thời gian, đối tượng.
Thứ ba là: Không vội tin điều gì chỉ vì điều đó được đa số nhắc đến.
Điều này rất quan trọng.
Đạo Phật nói “hết thảy chúng sanh đều có Phật tính”, nhưng không phải vì vậy mà Phật giáo đứng về phía đa số trên mặt nhận thức, vì đa số thường thường nhận thức theo thói quen, theo tập tính. Cho nên khi nghe đa số nói và tuyên truyền, chúng ta phải lắng nghe và suy xét xem điều đó do đa số nói nhưng có đúng với bậc trí giả có nội chứng tuyên bố không. Bậc trí giả nội chứng tuyên bố điều gì là từ nơi tâm bồ đề, vì hạnh nguyện bồ đề, từ nơi đại định bồ đề. Do đó, điều gì được công bố nhưng không được bậc trí giả nội chứng tuyên bố, đề cập thì điều đó phải được xét lại, không vội tin.
Nếu mình ăn chay mà đa số quần chúng ăn mặn, ca ngợi chuyện ăn mặn, tán dương việc ăn mặn, như vậy việc mình ăn chay là không hợp pháp sao? Nhưng việc ăn chay của chúng ta do ai công bố? Phật công bố! Phật công bố ở đâu? Phật công bố ăn chay ngay ở nơi Giới kinh. Giới thứ nhất, không được sát sanh, không được tự mình sát, không được bảo người khác sát, không được thấy người khác sát mà hoan hỷ, yểm trợ. Mình không giết con vật thì ai giết con vật cho mình ăn? Người khác. Mà mình bảo người khác giết cho mình ăn thì mình phạm Giới rồi. Thấy người khác giết mà hoan hỷ là phạm Giới rồi. Cho nên vấn đề ăn chay được đức Phật tuyên bố trong Giới kinh, trong kinh điển Nam truyền lẫn Bắc truyền. Và ngay trong kinh điển của các bộ phái Phật giáo khác, chưa nói đến Đại thừa, đức Phật cho phép ăn tam tịnh nhục. Tam tịnh nhục là gì? Không thấy, không nghe và không nghi con vật vì mình mà chết. Cho nên không được ăn thịt mà cho ăn tam tịnh nhục, nghĩa là Phật tuyên bố ăn chay rồi đó.
Giả sử ngày mai họ mời các thầy Luật viện Huệ nghiêm đi Trai tăng, họ tới thưa ôn Viện chủ: “Dạ cho con cung thỉnh 20 vị Tỳ-kheo dự lễ Trai tăng ở nhà con”. Ôn họp chúng và cử 20 vị Tỳ-kheo tuần tự từ lớn xuống nhỏ theo đúng luật. Nhưng tới đó, gia chủ dọn thịt, dọn đủ thứ đồ bất tịnh. Mấy thầy ngồi ăn. Vậy mấy thầy ăn như vậy có thanh tịnh không? Ăn như vậy có phạm Giới không? Chỉ trừ trường hợp mình giả vờ không nghi ngờ gì thôi. Chứ người ta mời mình ngày hôm qua, bây giờ rõ ràng là vì mình mà người ta dọn ra những thứ đó mà sao mình có thể nói “tôi ăn tam tịnh nhục, tôi có nghe đâu”. Đúng là mình không nghe tiếng, không thấy họ làm, nhưng sao lại không nghi được. Mình học luật là phải thấy cho rõ. Đây là theo Phật giáo Bộ phái. Tôi không nói Đại thừa giới. Đại thừa giới thì chuyện đó quá rõ ràng rồi. Phật giáo Đại thừa chủ trương: ăn thịt chúng sinh là làm tổn hại tâm bồ đề, tổn hại lòng từ bi của mình. Và trong luật của Thượng tọa bộ cũng như của Đại chúng bộ nói, Tỳ-kheo không bệnh mà đòi ăn ngon, đòi ăn cả bơ, sữa thì cũng phạm ba-dật-đề. Có không? Ăn bơ, sữa mà còn phạm ba-dật-đề huống gì ăn thịt, cá mà không phạm Giới. Đau, cần bồi dưỡng, có lương y cho phép, tác pháp với chúng mới ăn thì không phạm luật, còn nếu bác sĩ đề nghị rồi mình tự động ăn mà không tác pháp giữa chúng thì cũng phạm. Như vậy quý thầy quý cô thấy, mình ăn chay mà đa số quần chúng họ ăn mặn, họ chỉ trích việc ăn chay của mình, rồi mình bỏ ăn chay mà chạy theo ăn mặn, thì có đúng với điều “không vội tin điều gì chỉ vì điều đó được đa số quần chúng nhắc tới” không? Nên, mình văn rồi thì phải tư, mà phải tư duy cho nó thấu đáo, có tình có lý, mới không bị rơi vào cực đoan. Còn giả như mình đi khất thực, tới vùng không ai biết Phật giáo là gì, không ai biết Tăng sĩ là gì, cũng chẳng biết ăn chay ăn mặn là gì, ăn là cái bình thường của cuộc sống vậy thôi thì người ta cúng dường mình cái gì thì mình cứ thanh tịnh mà dùng vì cái đó không có chay hay mặn gì hết. Nhưng mà phải trước giờ ngọ, chứ sau giờ ngọ mà ăn thì ăn cái gì cũng bất tịnh hết chứ đừng nói ăn thịt. Trong chùa, dù là bất cứ chùa nào, Nam tông hay Bắc tông, Đại thừa hay không Đại thừa, nhà bếp đúng luật nằm ở đâu? À, ở ngoài Đại giới của tăng-già-lam. Vậy mà bây giờ mình lập tăng-già-lam, đã đem nhà bếp vào trong Đại giới, rồi còn đem thịt cá vào xắt, xào, nấu đủ thứ nữa thì Hộ pháp, Thiện thần đâu mà chịu nổi, các Ngài bỏ đi hết, không hộ trì nữa, Tứ thiên vương cũng không hộ trì nữa, vì bất tịnh lắm. Khi một ngôi tăng-già-lam mà bất tịnh thì Tứ thiên vương, Hộ pháp không hộ trì nữa, thì ngôi chùa đó hết tai nạn này tới tai nạn khác. Một bậc Thượng thiện nhân thôi mà nghe mùi bất tịnh, người ta đã không tới rồi huống hồ gì những vị sống thanh tịnh, họ thấy uế tạp thì họ tới làm chi. Tới chùa là để ngửi được hương thơm thanh tịnh, hương thơm giải thoát từ nơi chư Tăng tu hành. Còn tới chùa mà nghe các thầy nói ăn ngon mặc đẹp thì đó là nhà hàng chứ đâu phải chùa. Nên quý vị phải thấy.
Mà tôi nói đây là không đụng chạm ai hết. Tôi nói đây là đúng Giới, đúng luật thôi. Mình thích ăn thì cứ ăn, nhưng đừng có biện minh chi hết mà tự trách lấy cái nghiệp của mình nặng quá, tự thấy xấu hổ. Cũng giống như đáng lẽ mình ăn một bữa thôi, nhưng mà mình ăn thêm buổi chiều nữa nên tự cảm thấy xấu hổ vì có tàm có quý.Chứ đừng có ăn mà thấy khoái thấy thích rồi nói là Phật cho thì đó là nói theo buông lung, nói theo tà kiến, xuyên tạc Giới luật. Phật đâu có cho. Nhưng đức Phật nói nếu xem đó là lương dược trị bệnh thì có thể dùng, nhưng phải bạch chúng mà dùng. Nên trong năm pháp quán khi ăn, có pháp quán thức ăn là để trị bệnh khô gầy của thân và tâm. Khô gầy là một loại bệnh mà ăn là một loại lương dược. Vậy nên phải có tàm có quý. Cái gì đức Phật dạy mà mình thấy hay quá nhưng chưa thực hiện được thì cố gắng, nỗ lực, âm thầm, sám hối chứ đừng có biện bạch gì hết, đừng biện bạch cho cái tầm thường trở thành hợp lý làm cho người sau không biết đường nào mà nương theo để tu học.
Vậy, điều được đa số quần chúng yêu mến, công bố rồi tin theo thì mình không vội tin cũng không đả kích mà phải gạn lọc. Đôi khi quần chúng có những ý kiến hay, mình chiêm nghiệm và thấy ý kiến đó đưa tới sự lợi mình, lợi người, lợi cho đa số đời này đời sau thì mình làm theo. Nhưng không phải là vì đa số chấp nhận nên mình cũng đồng ý, chấp nhận. Đó hoàn toàn không phải là tinh thần Phật giáo, tinh thần của người đệ tử Phật.
Như vậy thực tập vô trước hạnh là thực tập nghe mà không dính mắc, thấy mà không dính mắc, suy nghĩ mà không dính mắc. Đức Phật đã nói điều này cho dân chúng Kalama khi họ hỏi rằng các vị giáo sĩ khác đến xứ sở của họ và nói giáo pháp của các vị ấy đúng và hay, bây giờ Thế tôn cũng nói giáo pháp của Ngài đúng và hay, vậy thì họ nên tin ai, theo ai. Nhân câu hỏi đó mà đức Phật dạy mười điều đừng vội tin này. Nhờ dân chúng Kalama mà chúng ta có được mười điều này để học, để ứng dụng vào trong đời sống của chúng ta.
Điều thứ tư, đức Phật dạy: Đừng vội tin điều gì chỉ vì điều ấy được ghi lại ở trong kinh điển, sách vở.
Có những điều được ghi lại ở trong kinh điển và sách vở đúng với lời đức Phật dạy, đúng với lời chư Tổ dạy. Nhưng có những điều được ghi lại không đúng hoặc không phù hợp với cái ý mà đức Phật dạy hoặc chư Tổ dạy và trao truyền.
Đức Phật ngoài kinh nghiệm ra còn có sự chứng ngộ. Ngài đã học Vệ đà với các vị giáo sĩ Bà-la-môn khi đang còn làm Thái tử. Ngài cũng đã học kinh điển của các tôn giáo, từ các vị triết gia, qua các luận thuyết thời bấy giờ khi Ngài còn làm Thái tử hay khi còn là sa-môn Gotama đi tầm đạo. Ngài đã phát hiện ra có những điều ghi lại hoặc trùng tụng lại đúng, nhưng có những điều chưa đúng. Ví dụ như trong Thánh thư vệ-đà, phân một bà-la-môn có 4 giai đoạn: tuổi trẻ phải học hành, sống đời phạm hạnh; có gia đình, làm tất cả mọi công việc; ẩn tu; vân du, sống bằng cách nhận bố thí để cầu sự giải thoát. Đức Thế tôn khi đó còn là Thái tử đã nói, tại sao mình không thực tập cả 4 thời kỳ đó trong một điều kiện đang có thể mà phải đợi hết giai đoạn này mới đến giai đoạn khác. Vậy tại sao Thái tử có thắc mắc đó, ưu tư đó? Bởi vì Ngài biết cuộc đời là vô thường, dễ dàng gì sống được đến thời kỳ thứ 4 để được giải thoát. Sau khi xuất gia, chứng ngộ, thì Ngài càng thấy điều này rõ ràng hơn nữa.
Hay đối với vấn đề kết tập kinh điển, thì các thầy cũng phải thấy. Trong kết tập kinh điển Phật giáo, nếu mình học lịch sử và đọc các tài liệu thì thấy nó phức tạp chứ không phải chỉ đơn giản là sau Thế tôn niết bàn rồi, có vị Tỳ-kheo nói đức Phật niết bàn rồi, không còn ai răn dạy, chăn dè chúng ta nữa nên muốn làm gì thì làm; ngài Ca-diếp thấy vậy mới triệu tập 500 vị A-la-hán để kết tập kinh điển ở hang Thất-diệp dưới sự bảo trợ của vua A-xà-thế vương quốc Ma-kiệt-đà. Thì đó cũng là một tư liệu quý. Nhưng nếu chúng ta chỉ đọc một tư liệu như vậy thôi thì sở học, sở hiểu của chúng ta còn bị hạn chế rất là nhiều. Có nhiều vị cho rằng đó là thời kỳ kết tập kinh điển đầu tiên. Nhưng quả thật là khi đức Thế tôn còn tại thế thì kinh điển cũng đã được kết tập rồi. Tư liệu này nằm trong kinh Trường A-hàm cũng như trong bộ luận của ngài Xá-lợi-phất là Tập dị môn túc luận. Nguyên do mà đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất kết tập kinh điển là do mâu thuẫn của học trò Ni-kiền-tử. Sau khi Ni-kiền-tử qua đời thì các học trò của Ngài tranh chấp nhau về pháp và luật và ai cũng cho rằng mình nghe trực tiếp từ giáo chủ của mình, và không nhượng bộ nhau dẫn đến những lời thô lỗ với nhau. Từ đó, Sa-di Quân-đầu đã thưa với ngài A-nan, ngài A-nan trình đức Phật. Nhân duyên sự đó mà đức Phật dạy ngài Xá-lợi-phất kết tập Pháp tạng. Lần kết tập này là kết tập pháp số từ 1 đến 10.
Quý thầy quý cô cũng đọc một số tư liệu nói là đức Thế tôn chúng ta xuất gia lúc 19 tuổi hoặc tư liệu nói là lúc 29 tuổi. Vậy thực sự Ngài xuất gia lúc 19 tuổi hay 29 tuổi? Theo tôi thì đức Thế tôn xuất gia năm 19 tuổi. Vì trong kinh đức Phật nói về Bà-la-môn Chủng-đức, cũng thuộc Trường bộ kinh, tôi chưa nói đến kinh điển Đại thừa, thì khi Bà-la-môn Chủng-đức nói về những phẩm tính của một Bà-la-môn là có 7 đời cha mẹ không bị tai tiếng, phải có những tướng tốt, phải tụng thuộc các kinh điển, tế tự … thì đức Thế tôn nói với Chủng-đức là Như lai cũng có những phẩm tính, trong đó có phẩm tính “Như lai xuất gia khi tuổi còn trai trẻ”. Tuổi còn trai trẻ là tuổi nào? 29-30 tuổi không thể gọi là “tuổi còn trai trẻ” được, mà trai trẻ là phải từ 18-25 tuổi. Qua tư liệu này cho chúng ta biết đức Thế tôn xuất gia lúc cỡ 19-20 tuổi.
Tôi dẫn chứng một vài tư liệu như vậy để cho các thầy các cô thấy lời dạy của đức Thế tôn chúng ta ở trong kinh Tăng nhất A-hàm là đừng vội tin những gì được ghi lại ở trong các kinh điển, ở trong các sách vở, mà mình chỉ tin khi nào mình nghe rồi tư duy, gạn lọc và sau đó mình thấy lời dạy đó, lời ghi lại đó có lợi ích cho mình, cho mọi người, cho đa số đời này, đời sau.
Khi các thầy các cô học lịch sử thì cũng thấy, có những điều mà chính sử ghi lại thì có thể đúng đối với các sự kiện xảy ra nhưng những bình luận đối với những sự kiện đã xảy ra thì chưa chắc đã chuẩn mực vì người ta bình luận theo quan điểm, lập trường của triều đại đang điều hành quốc gia. Các nhà sử học được giao trách nhiệm làm công việc biên chép lịch sử thì họ hưởng bổng lộc của triều đại nên họ phải viết theo sự chỉ đạo của vương triều, chứ không thể viết theo sự nghiên cứu của mình. Triều đại nào cũng có cái hay, cái dở, nên viết cái dở thì bị gạt đi, bị điều chỉnh lại. Do vậy, khi học sử thì mình phải biết sự kiện nào như thế nào. Chứ không phải là chính sử, chính truyền thì đúng một trăm phần trăm. Nếu mình tin như vậy thì quả là mình quá ngây thơ trong sự học hỏi, trong sự nghiên cứu, trong sự nghiệp tri thức của mình. Khi nghiên cứu, mình phải đọc nhiều tư liệu khác nhau.
Đọc chính sử rồi, còn phải đọc dã sử, phải đọc ngoại sử. Dã sử là sử do dân dã ghi lại, mỗi người thấy gì, nghe gì thì họ tự ghi lại rồi truyền miệng cho nhau. Còn dị sử là những sử mà không nằm trong chính sử, do những người không được giao phó trách nhiệm viết sử viết, họ viết từ nơi ý thức yêu mến sử của họ mà tự nguyện viết. Hoặc có những tư liệu lịch sử của nước ngoài có liên hệ đến vấn đề lịch sử đó, thì gọi là ngoại sử. Như vậy khi nghiên cứu, mình phải đọc nhiều nguồn tư liệu khác nhau, phải gạn lọc xem cái gì đúng, đúng lúc nào, đúng với ai, đúng sự kiện như thế nào chứ không phải chỉ dùng một nguồn tư liệu và viết theo cách tư liệu mình đang có đó. Không phải như thế.
Quý thầy quý cô thấy với điều thứ tư này, đức Phật đã mở ra cho chúng ta một cách học hỏi rất là khoáng đạt, đa chiều, đa phương chứ không phải là chỉ mang tính cục bộ, phiến diện. Tinh thần này trong thời đại ngày nay cần phải được đề cao để học hỏi và nghiên cứu. Học hỏi và nghiên cứu như vậy là học hỏi và nghiên cứu mang tính khoa học. Thời đại ngày nay là thời đại thế giới phẳng, một chuyện xảy ra là chúng ta biết ngay. Nhưng vì thế giới phẳng nên mạnh ai người đó nói, người đó truyền thông, truyền tin, nên rất nhiều nguồn. Có những nguồn tư liệu đúng nhưng có những nguồn tư liệu nhảm nhí, có những nguồn tư liệu thêm thắt, có những nguồn tư liệu bị cắt xén đi. Vì vậy chúng ta phải học hạnh lắng nghe, lắng nhìn, rồi chiêm nghiệm chứ không phải là vội vã kết luận. Chúng ta vội vã kết luận sẽ bị lừa. Nói dối bằng miệng còn dễ phát hiện, chứ nói dối bằng tà kiến, bằng ác kiến, bằng ác tri thức thì khó. Người ta còn chế tạo ra các phần mềm để nói dối, để lừa dối, nếu chúng ta nhẹ dạ và tin thì rất là nguy hiểm cho cái tri thức của chúng ta, đôi khi còn gây thiệt hại đến nhân cách của chúng ta.
Trong kinh A-hàm, trong văn hệ Nikāya, có những điều đức Phật dạy, có những điều đức Phật không dạy mà do các Tỳ-kheo chia sẻ với nhau rồi đi đến trình đức Phật và đức Phật ấn chứng; có những điều ngoại đạo tới tranh cãi với các thầy Tỳ-kheo, các thầy Tỳ-kheo trao đổi, chia sẻ rồi sau đó đến thưa với Phật rằng du sĩ ngoại đạo ấy đến nói như vậy, con đã trả lời như vậy, không biết có đúng không, xin Thế tôn xác chứng cho con. Nên nói kinh A-hàm, kinh Nikāya mà do đức Phật nói một trăm phần trăm, cái đó chúng ta cũng phải kiểm tra lại. Tôi nói để cho quý vị biết là những điều đức Phật dạy thì rất là nhiều, vô số vô lượng, nhưng được ghi lại ở trong kinh điển dù là kinh điển A-hàm hay kinh điển Đại thừa vẫn rất là ít ỏi. Bởi vì đức Phật là chánh biến tri, là chánh biến giác, là vô thượng giác, Ngài không chỉ nói đời hiện tại mà còn nói quá khứ, nói vị lai; không phải nói ở cõi này mà còn nói vô số cõi; không phải chỉ nói Diêm-phù-đề mà còn nói Bắc-cu-lư-châu, Tây-ngưu-hóa-châu, Đông-thắng-thần-châu; không phải nói một thế giới mà nói tam thiên đại thiên thế giới; ngoài phạm vi đại giới của một đức Phật ra đời, giáo hóa còn nói đến tam thiên đại thiên thế giới của vô số chư Phật đã ra đời, giáo hóa, thành tựu như vậy; không có điều gì mà đức Phật không nói.
Và tôi cũng nói để cho quý vị biết là, có nhiều người nói Mật giáo phát triển sau khi Phật niết bàn, do bị ảnh hưởng những câu thần chú của ngoại đạo rồi đưa vào trong Phật giáo, thì cái nói đó chưa chuẩn mực. Trong Trường A-hàm, kinh Đại hội, đức Phật có nói về thần chú, kết tập về thần chú, tức là Mật giáo. Như vậy thần chú không phải chỉ có kinh điển Đại thừa đề cập mà ngay trong văn hệ Nikāya cũng đề cập, cũng ghi lại. Nên các thầy các cô phải bình tâm nghiên cứu, đừng nghe người ta nói thì hoảng loạn lên.
Có nhiều vị hỏi tôi “Mật giáo có từ khi nào?”. Tôi trả lời, có từ khi đức Phật chuyển vận Pháp luân, ít ra cũng có từ đó. Mật giáo là gì? Là giáo lý vi mật mà mình không hiểu hết. Ví dụ như, khi đi đến Vườn Nai, đức Phật kêu năm anh em Kiều-trần-như, nói “đây là Khổ thánh đế, đây là Tập thánh đế, đây là Diệt thánh đế, đây là Đạo thánh đế”, mà phải nói mấy lần người ta mới hiểu, có vị nói đi nói lại cả ba tuần mới hiểu. Thì giai đoạn hiểu gọi là Hiển giáo, mà chưa hiểu thì gọi là Mật giáo. Không có lời nào của đức Phật mà không có Mật và Hiển ở trong đó. Khi mình hiểu, mà chưa chắc đã đúng, vì mình hiểu theo điều kiện của mình chứ chưa hẳn là trong điều kiện mà đức Phật muốn nói, nghĩa là Hiển mà vẫn Mật. Cũng điều đó, nhưng đứng ở cương vị Nhân thừa mình hiểu khác, đứng ở cương vị Thiên thừa mình hiểu khác, đứng vào cương vị Thanh văn thừa, Duyên giác thừa mình hiểu khác, đứng vào cương vị Bồ tát thừa mới sơ phát tâm mình hiểu khác, mà lên địa vị Thập hồi hướng, Thập trú, Thập địa thì mình hiểu khác, Thập địa Sơ địa hiểu khác mà lên Bát địa hiểu khác. Nên nói trong Mật có Hiển và trong Hiển có Mật. Đó là một trong những tính chất giáo lý mà đức Phật đã dạy. Không dễ gì một sớm một chiều mà chúng ta hiểu hết đâu. Vì vậy mà chúng ta mới có Vô trước hạnh, tức là thực hành pháp học pháp hành không có chấp trước, không có vướng mắc, thì như vậy chúng ta mới đi tới được với cái tột cùng của đạo lý. Còn nếu mình học mà bị vướng vào cái sở kiến, sở đắc thì mình bị trói, bị dính vào ngay chỗ đó, không đi tới được với cái tột cùng mà mình hằng ước muốn tu học. Đây là điều mà chúng ta cần phải chiêm nghiệm thật sâu để mà ứng dụng.
Quý vị thấy trong Tạp A-hàm hay Tương ưng bộ kinh, khi đức Phật dạy về giáo lý duyên khởi, ngài A-nan nói “Bạch Thế tôn con đã hiểu rồi. Giáo lý duyên khởi thật là thâm diệu, thật là thích thú” thì đức Phật nói rằng “Thầy nói vậy chứ chưa hiểu đâu, nó thâm diệu, sâu xa lắm”. Mình hay tụng bài thi kệ khai kinh “Vô thượng thậm thâm vi diệu Pháp/ Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ/ Ngã kim kiến văn đắc thọ trì/ Nguyện giải Như lai chân thiệt nghĩa”. Mà ở luật viện thì mình hay tụng là “Vô thượng thậm thâm Tì-ni Pháp/ Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ/ Ngã kim kiến văn đắc thọ trì/ Nguyện giải Như lai Tì-ni nghĩa”. Nên hiểu được Pháp và Luật của đức Thế tôn dạy là cả một phước đức, thiện căn nhiều đời. Mà chỉ có Phật mới hiểu hết, chứ chúng ta thì chỉ hiểu được ở ngang mức độ của mình thôi, phước đức ngang đâu thì hiểu được ngang đó thôi.
Trong kinh Kim cang, đức Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề:
“Này Tu-bồ-đề, Như lai có nhục nhãn không?” Tu-bồ-đề thưa “Bạch đức Thế tôn, Như lai có nhục nhãn”; “Này Tu-bồ-đề, Như lai có thiên nhãn không?” – “Bạch đức Thế tôn, Như lai có thiên nhãn”; “Này Tu-bồ-đề, Như lai có tuệ nhãn không?” – “Bạch đức Thế tôn, Như lai có tuệ nhãn”; “Này Tu-bồ-đề, Như lai có pháp nhãn không?” – “Bạch đức Thế tôn, Như lai có pháp nhãn”;”Này Tu-bồ-đề, Như lai có Phật nhãn không?” – “Bạch đức Thế tôn, Như lai có Phật nhãn”. Như vậy, một vấn đề, đức Phật đứng ở năm góc độ để nhìn. Có cái nhìn bằng nhục nhãn để giải quyết vấn đề của cái nhìn nhục nhãn. Có cái nhìn bằng thiên nhãn để giải quyết những vấn đề thuộc về thiên nhãn. Có cái nhìn bằng tuệ nhãn để giải quyết những vấn đề liên quan đến nhân duyên của tuệ nhãn. Có cái dùng Pháp nhãn để giải quyết những hiểu biết, những tuệ giác liên quan đến Pháp nhãn. Có cái nhìn bằng Phật nhãn để giải quyết những vấn đề liên quan đến nhân duyên của Phật nhãn, liên quan đến cảnh giới của chư Phật. Nếu chúng ta biết học như vậy, đi tới được như vậy, đó là mình đang hành pháp Vô trước hạnh. Còn nếu mình hữu trước thì mình bị trói, mà bị trói thì chỉ nói được luẩn quẩn loanh quanh nơi cái bị trói đó mà thôi, như con cá mà hỏi chuyện con rùa. Cá hỏi rùa trên đất liền có rong không? – không; có bùn không? – không; có cá như dưới này không? – không; cá nói rùa sao hỏi gì cũng không vậy, không có thì cá không tin. Cá mà không tin thì cá vẫn muôn đời là cá thôi, vì thân phận của cá thì thấy rong rêu thôi. Cá hỏi chuyện rùa như chúng sinh mà hỏi chuyện cảnh giới Phật theo kiểu của chúng sinh, thì làm sao mà có. Chúng sinh nói chuyện ăn thịt ăn cá, buôn bán, danh lợi thì hiểu; còn nói ly dục tịch tịnh thì chúng sanh hiểu chi nổi. Người chuyên ăn thịt cá, nói chuyện ăn chay, họ cho là huyền thoại. Người tham lam bỏn sẻn, nói chuyện bố thí, cúng dường, họ không tin, cho là huyền thoại. Huyền thoại là vì nghe điều chưa từng nghe, là vị tằng hữu thuyết. Giữa đời này, cái gì cũng có thể là huyền thoại hết. Huyền thoại là vì tầm nhìn của mình bị trói trong một phạm vi nào đó, khi nghe người khác nói điều gì vượt ra khỏi tầm nhìn của mình thì mình xếp nó vào thần thoại, huyền thoại. Chúng sinh chỉ hiểu được ngang mức điều kiện nhân duyên của họ. Mình muốn dạy dỗ, hướng dẫn cho họ vượt khỏi cái tầm nhân duyên của họ, phải có phương tiện thiện xảo. Nếu không có phương tiện trí, mình không giúp cho người ta khai thông được cái hiểu biết của họ đâu.
Ba pháp hành văn, tư, tu ở trong Phật giáo rất là quan trọng đối với chúng ta. Nghe nhưng chưa vội tin, chưa vội kết luận. Chiêm nghiệm rồi nhưng chưa thí nghiệm, chưa thực nghiệm thì vẫn chưa kết luận. Có thí nghiệm rồi, có thực nghiệm rồi, nhưng thực nghiệm ngang đâu thì kết luận ngang đó chứ không vội vã kết luận quá cái mức thực nghiệm của mình. Đó là người liêm sỉ, trí thức. Còn thực nghiệm ít mà nói nhiều, tu ít mà nói tu nhiều thì sinh chuyện, từ đó mà đưa tới tăng thượng mạn. Mình trì luật ít mà nói là nhiều thì như vậy là nói dối, không phải đại vọng ngữ nhưng rơi vào tăng thượng mạn. Còn không có gì hết mà nói, chẳng ngồi thiền, chẳng thấy gì hết mà nói ngồi thiền, thấy cái này, thấy cái kia mà thực sự chẳng có chút nào hết thì đó là đại vọng ngữ.
Điều thứ năm: Đừng vội tin điều gì chỉ vì điều ấy có lý luận, có biện chứng
Mà chỉ tin khi mình đã lắng nghe, chiêm nghiệm thấy đúng và đem ra ứng dụng thấy có hiệu quả, đưa tới lợi mình, lợi người, lợi cho đa số đời này, đời sau.
Có những biện chứng đi trong một cái trục, mà mình ở trong cái trục đó thì thấy nó đúng, nhưng khi bước ra khỏi cái trục đó để nhìn thì thấy không đúng. Vì vậy, cần có nhiều cách để hiểu một vấn đề, để nghe một vấn đề, để thấy một vấn đề.
Ví dụ, người ta hay nói “không có lửa làm sao có khói”. Nói như vậy là có luận lý không, có biện chứng không? À có. Nhưng có trường hợp không có lửa mà vẫn có khói. Có những cái khói tưởng tượng, lửa tưởng tượng. Mình không yêu họ, mà họ âm thầm yêu mình, rồi họ tưởng tượng ra đủ thứ, rồi khi sinh chuyện ra người ta lý luận “mày không yêu người ta sao người ta yêu mày”, nhưng thực sự ra đó là họ yêu đơn phương đưa tới cái tương tư, mình có biết đâu; cho nên, không có lửa mà vẫn có khói. Thế giới phần nhiều là do tưởng mà sinh ra nhiều điên đảo. Người ta tử tế với mình, vì bản chất người ta tử tế, chứ cái tử tế đó không có một âm mưu nào hết, không có một ý đồ gì hết. Còn mình, tử tế với ai là vì có ý đồ, cho nên từ tâm mình mà suy ra tâm người, rồi từ đó mà sinh ra những cảm giác vui, buồn. Vui cũng do tưởng tượng, mà buồn cũng do tưởng tượng. Nên đời đôi khi không có lửa mà vẫn có khói.
Có câu chuyện hài thế này. Một cậu thanh niên thấy một ông già để râu, đi trên một chuyến đò dọc, trên đò có cả mấy người nữ. Cậu thanh niên muốn vọc ông già, nên hôm đó cậu kiếm một lọn tóc, dán vào cằm, đợi lúc mấy bà mấy cô ngủ thì cậu quẹt chòm râu giả vào má mấy bà mấy cô, rồi giấu đi. Mấy bà mấy cô bị quẹt râu vào má, thì đưa tay hất ra. Khi tỉnh dậy, chỉ thấy một ông già trên đò là có râu thôi, nên xúm vào chửi ông già. Ông thanh minh nhưng không ai tin, vì chứng cứ rành rành là chỉ mình ông có râu, mà mấy cô mấy bà lại bị râu quẹt vào mặt lúc ngủ. Trong lúc đó, cậu thanh niên với chùm râu giả thì ngồi tỉnh bơ. Nên quý vị thấy, cuộc đời này đôi khi nó nghịch tặc, nó oan nghiệt lắm, nếu mình không có tỉnh táo thì rất nguy hiểm. Nên ở đời không có lửa mà vẫn có khói như thường. Tri giác của mình hay tưởng tượng và đánh lừa chính mình, mà trong kinh hay trong duy thức học thì có nói khi mình ngủ dậy bước chân đạp phải sợi dây thừng lại tưởng con rắn.
Cho nên, đức Phật dạy đừng vội tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy có lý luận, có biện chứng mà hãy tin điều đó sau khi mình đã nghe, chiêm nghiệm, gạn lọc và thấy lợi mình, lợi người đời này, đời sau, lợi cho đa số, lợi cho nhiều đời thì mình làm, mình thực hiện, mình ứng dụng vào.
Điều thứ sáu: Đừng vội tin điều gì chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
Điều này cũng rất là hay nếu mình thực tập. Đôi khi người ta nói đúng lập trường của mình nhưng chưa chắc trong tâm họ đã nghĩ đúng như thế. Ai đã từng làm nhà ngoại giao hoặc giao tiếp với những nhà ngoại giao thì sẽ thấy. Đôi khi người ta nói chỉ vì ngoại giao, vì xã giao thôi chứ không phải từ nơi tấm lòng của họ, mà mình tin nơi cái xã giao, mình sẽ thất bại. Vì xã giao mà, có gì đâu mà phải tranh cãi; gặp nhau một hai lần, cãi làm gì. Mình nói gì thì họ cũng đồng ý, nhưng quay về lại một cái thì họ nói khác 180 độ. Cho nên đừng vội tin những gì người ta nói mà phù hợp với lập trường của mình. Ghê thật!
Đức Phật dạy cho mình phương pháp này để sống an lạc, phương pháp sống hạnh phúc, phương pháp sống đừng có bị người khác đánh lừa. Đôi khi họ vào chùa mà muốn ở trong chùa thì họ phải nói phù hợp với chùa của mình, với cái thanh quy của mình. Nhưng họ nói như vậy chứ chưa hẳn cái tâm của họ như thế. Bước đầu họ nói đúng với lập trường, với pháp môn của chúng ta thì chúng ta mới chấp nhận cho họ ở chứ. Nhưng ở một năm, hai năm, ba năm rồi, biết hết mọi chuyện từ bàn Phật xuống nhà bếp, từ ông trú trì cho tới chú điệu, biết hết tất cả những người thâm tín hộ trì Tam bảo của chùa thì khi đó họ mới trở cờ theo cách của họ. Cho nên đừng nghe người ta nói ngọt rồi cái gì cũng nói ra hết, chỉ hết. Vậy nên trong luật có nói, ngoại đạo muốn xuất gia thì tối thiểu phải theo dõi ba tháng. Nhưng ngày xưa nó thật thà hơn nhiều, còn bây giờ nó tinh tế lắm, nên mình phải cẩn thận. Có những trường hợp, người ta nhận sứ mệnh nên người ta chấp nhận thực hành những cái khổ hình để họ khám phá ra cái thâm cung bí sử trong cái đối tượng họ hướng tới; vừa khổ hình vừa mềm mỏng và không bao giờ đụng chạm đến cái quan điểm, cái pháp môn gì của mình hết, cái gì cũng nói hay hết, nói thích hết, nhưng sau đó rồi mới biết.
Cái điều này cũng là điều rất hay cho chúng ta. Chúng ta phần nhiều thích nghe khen, thích nghe nói ngọt, không thích nghe nói nghịch. Mình hai lỗ tai nhưng phần nhiều nghe được một chứ mấy, còn điếc một lỗ rồi. Mình phải làm thế nào mà nghe được cả hai tai, thấy được cả hai mắt. Phật là có đến trăm mắt, nghìn mắt, triệu mắt, tỷ mắt, vô số mắt vì Ngài có thiên bách ức hóa thân, bao nhiêu thân là bấy nhiêu mắt, mà bao nhiêu chủng loại chúng sinh là Ngài có bấy nhiêu chủng loại thân để mà thấy, mà biết. Còn cái thấy, biết của mình là bị giới hạn bởi nghiệp lực, nên mình phải thực tập chánh niệm tỉnh giác. Họ khen mình – mình biết họ đang khen mình; họ chê mình – mình biết họ đang chê mình; họ chê ngang đâu, mình có cảm giác khó chịu ngang đâu – mình biết; họ khen ngang đâu, mình có cảm giác dễ chịu ngang đâu – mình biết; rồi mình biết sâu hơn một chút, nhân gì duyên gì mà họ chê mình, nhân gì duyên gì mà họ khen mình. Cái đó là cái công lao tu hành, thiền quán. Họ khen mình do nhân duyên gì, và họ muốn cái gì nơi mình trong lời khen của họ; do nhân duyên gì mà họ chê mình, và họ muốn cái gì nơi mình trong lời chê của họ; phải thấy cho rõ. Đức Phật là chánh biến giác, chánh biến tri, Ngài không sống trong tình trạng bất giác nên không bị bất cứ thiên ma nào đánh lừa. Còn chúng ta ưa thích nói ngọt ngào thì thiên ma đánh lừa chúng ta rất dễ. Cách đây 26 thế kỷ nhưng đức Phật đã trang bị cho chúng ta cách lắng nghe mọi loài, mọi hạng người đến với chúng ta, mà quan trọng nhất là những hạng người phản gián, nhị trùng, tam trùng. Một tôn giáo lớn như Phật giáo, có ảnh hưởng lớn như vậy, thì nhất định có những hạng người đến, tốt ở mặt này nhưng không tốt ở mặt kia. Mình phải biết. Đừng có nghe họ chỉ trích mà mình vội buồn, vội kết luận; đừng có nghe họ khen mình mà vội vui, vội kết luận. Mà dường như cuộc đời không bao giờ có kết luận nên chúng ta đừng vội vã kết luận. Kết luận càng vội vã, chúng ta sẽ càng có nhiều hối tiếc, ân hận. Trong kinh cũng nói, có những vị Bồ tát hiện thuận hạnh, nhưng có những vị, họ hiện nghịch hạnh. Nên đừng thấy những vị Bồ tát hiện nghịch hạnh mà mình vội kết luận là những vị đó không thanh tịnh. Cũng đừng vì có những vị hiện ra phạm hạnh mà mình vội kết luận là vị đó có đời sống tịnh hạnh.
Thứ bảy: Đừng vội tin điều gì chỉ vì điều đó phù hợp với định kiến của mình.
Mình tin vào điều phù hợp với định kiến của mình, nhưng điều đó có thể đúng, cũng có thể sai. Mình ở vùng này, được học tập như vậy, được tiếp cận với phong tục tập quán như vậy, tạo ra một cái định kiến, và ai làm như vậy thì mình cho là đúng, mà không làm như vậy thì mình cho là sai. Tới vùng khác, phong thổ như vậy, văn hóa như vậy, tín ngưỡng như vậy, ngôn ngữ như vậy, ứng xử như vậy nên người ta có định kiến. Mình đến đó rồi mình nói người ta sai, mình đem định kiến của mình áp đặt lên vùng khác, từ đó đưa tới sự tranh cãi.
Ví dụ, ở miền Trung, một mẫu là mười sào, nhưng trong Nam một mẫu là hai mươi sào. Nhưng mình cãi nhau trong khi đơn vị đo lường là do vùng miền người ta quy định. Hay có nơi một tá viết là mười hai cây viết, nhưng có nơi một tá là mười cây thôi. Ngoài Trung, một lương lúa là năm thùng, nhưng có nơi một lương lúa là bốn thùng à. Nên mình cứ đem định kiến vùng miền của mình mà đối xử với định kiến vùng miền khác, rồi người ta lại đem định kiến của vùng miền người ta đối xử lại với mình để đưa tới sự tranh cãi, làm cho điều không đáng có lại xảy ra, là do mình không có chánh biến tri, không biết được văn hóa từng vùng, từng miền, không hiểu được đơn vị đo lường của từng vùng từng miền.
Đức Phật đã dạy hết cho chúng ta. Tại sao Ngài dạy như thế? Quý vị biết rồi, ở xứ Ấn độ, thời Phật có hơn chín mươi tôn giáo tín ngưỡng, sáu mươi hai hệ thống triết học, mà mỗi vùng miền trên xứ ấy thể hiện tín ngưỡng đó theo mỗi cách, thể hiện triết lý, triết học của họ theo mỗi kiểu và diễn tả nó bằng những loại ngôn ngữ khác nhau. Nếu chỉ biết một loại mà đi hoằng pháp, đi thuyết pháp thì nhất định sẽ đụng chạm rất nhiều và nguy hiểm. Cho nên đức Phật dạy đừng vội tin điều gì vì điều đó phù hợp với định kiến của mình.
Đừng vội tin điều gì vì điều đó phù hợp với sở học của mình. Nghe không! Nguy hiểm lắm! Chúng ta phải biết lắng nghe, phải biết học hỏi.
Thứ tám: Đừng vội tin điều gì chỉ vì điều đó căn cứ vào những sự kiện hời hợt.
Đôi khi người ta đưa ra một vài sự kiện hời hợt để chỉ trích một người nào đó, rồi mình vội dựa vào những sự kiện hời hợt đó mà kết luận là thế này, là thế kia, là đúng, là sai. Kết luận như vậy rất là nguy hiểm, và thiệt hại cho nhân cách của mình, thiệt hại cho tri thức của mình.
Cái điều này, đại chúng có thấy trong thời đại chúng ta có không? Quá có luôn!
Mình nhìn vào sự kiện bên ngoài mà tin, mà đánh giá vấn đề là hỏng ngay, nó không chính xác. Khi đi thăm một khu rừng hoang dã bên Phi châu, tôi thấy mấy con gấu tới cà lưng nơi mấy cây rừng to, tôi hỏi những người hướng dẫn viên có phải những con gấu đó nó ngứa lưng không và trong đầu tôi cứ chắc chắn rằng có ngứa lưng thì nó mới cà cà như vậy, thì mới được trả lời là: không phải, những con gấu đó cà lưng để lưu lại mùi hương của mình trên những thân cây đó, nhằm làm dấu hiệu cho những con gấu khác tìm đến. Té ra cái hiểu của mình không đi đâu tới đâu cả. Có những sự kiện mình nhìn thấy, mình đánh giá là nó đúng, té ra nó không đúng chi cả. Cho nên đừng dựa vào những sự kiện hời hợt mà đánh giá vấn đề rồi kết luận vấn đề. Những người họ biết được hành vi của con gấu như thế là vì họ đã sống chết trong rừng, nghiên cứu, theo dõi và ghi lại đời sống của rất nhiều con, mới có thể đi tới kết luận chứ không phải là kết luận một cách hời hợt.
Nên thấy vậy mà không phải vậy, nghe vậy mà không phải vậy. Những lời đức Phật dạy thâm diệu quá!
Điều thứ chín: Đừng vội tin điều gì chỉ vì điều đó được các nhà quyền lực ủng hộ.
Mình hay thấy các nhà quyền lực ủng hộ thì mình nghĩ điều đó đúng, nhưng đức Phật dạy đừng vội tin điều gì chỉ vì điều đó được các nhà quyền lực ủng hộ. Nhà quyền lực ủng hộ chưa hẳn là đúng. Vì họ ủng hộ là do phù hợp với chính sách của họ trong hiện tại. Nhưng nếu mai kia họ xoay trục, đổi hướng, mà mình cứ bám vào cái ủng hộ quá khứ của mình là mình sẽ đau khổ. Họ có quyền lực về kinh tế, cái gì phù hợp với kinh tế của họ thì họ ủng hộ; họ có quyền lực về chính trị, cái gì phù hợp với quyền lợi chính trị của họ thì họ ủng hộ; họ có quyền lực về truyền thông, những gì phù hợp với quan điểm về truyền thông của họ thì họ ủng hộ. Nhưng người truyền thông ủng hộ chưa hẳn đã đúng đối với người có quyền lực chính trị; người có quyền lực chính trị ủng hộ chưa hẳn đã đúng đối với người có quyền lực kinh tế; và người có quyền lực chính trị, kinh tế, truyền thông ủng hộ chưa hẳn đã đúng đối với người có quyền lực tôn giáo. Cho nên đừng nói ông đó ủng hộ rồi, người đó ủng hộ rồi thì mình cũng ủng hộ đi. Không! Không ủng hộ ai hết. Mình để đó đã, chiêm nghiệm, suy nghĩ điều đó có đưa tới lợi mình, lợi người, lợi cho đa số, lợi hiện tại và tương lai không đã, mình mới ủng hộ. Chứ không phải vì nhiều người ủng hộ mà trong đó có những gương mặt nổi tiếng thì mình cũng sẵn sàng ủng hộ. Không! Không phải như thế! Đệ tử Phật không đơn giản, ủng hộ một cách hời hợt như thế.
Điều thứ mười: Đừng vội tin điều gì chỉ vì điều ấy do những nhà truyền giáo, những vị đạo sư danh tiếng tuyên thuyết.
Mình chỉ tin khi đã lắng nghe, chiêm nghiệm và thấy điều vị đạo sư đó, nhà truyền giáo đó nói mà đưa tới lợi mình, lợi người, lợi cho đa số đời này, đời sau. Còn nếu điều nói ra đó chỉ lợi cho một số người thì mình không tin, chỉ lợi trong hiện tại mà thiệt hại tương lai – mình cũng không tin, lợi tương lai mà thiệt hại hiện tại – mình không tin.
Như vậy đại chúng thấy mười điều đừng vội tin này, đức Phật đã mở ra cho chúng ta một tuệ giác lớn, một sự hiểu biết lớn để chúng ta đừng rơi vào những lầm lỗi không cần thiết.
Và rõ ràng là chúng ta không rơi vào những lầm lỗi mà đức Phật đã vạch ra khi chúng ta thực hành hạnh vô trước.
Nếu chúng ta dính vào cái gì là chúng ta sẽ bị mắc bẫy ngay. Chúng ta dính vào truyền thống, chúng ta sẽ bị mắc bẫy khi người ta giăng cái bẫy truyền thống ra để bẫy chúng ta. Cho nên chúng ta tu học là đi tới với tuệ giác toàn giác mà không phải là vì truyền thống. Nếu chúng ta kẹt nơi truyền thống, chúng ta sẽ bị cái lưới này trói chúng ta và chúng ta không thể đi tới được với bậc Tuệ giác hoàn toàn.
Nếu chúng ta dính vào tri thức truyền thuyết thì chúng ta sẽ bị cái truyền thuyết trói chúng ta và chúng ta không thấy được cái giá trị chân lý nằm ở đâu, cái sự thực cao quý nằm ở đâu và chúng ta chỉ dừng lại và bị trói ở nơi truyền thuyết và tranh luận nhau ở nơi truyền thuyết, ở nơi truyền thống.
Và nếu mà chúng ta tu học chỉ vì được số đông nhiều người ca ngợi, tán dương, chúng ta mắc kẹt vào đó thì chúng ta không khám phá được chân nghĩa sự tu học của chúng ta. Cho nên, tuy là chúng ta được số đông ca ngợi, tán dương nhưng chúng ta không mắc kẹt bởi sự tán dương, ca ngợi từ số đông đó thì chúng ta mới đi tới được cái tuyệt đích của sự tu học.
Chúng ta học tất cả các kinh điển nội minh, ngoại minh, học hết sách vở như thầy tổ chúng ta đã từng học nhưng không phải vì vậy mà bị chi phối, bị vướng mắc bởi kinh điển và sách vở thì chúng ta mới đi tới được cái đích điểm mà chúng ta muốn tới – đó là khám phá cái giá trị tột cùng của chân lý, của sự thật. Còn nếu chúng ta mắc kẹt vào kinh điển, vào sách vở thì quả thật chúng ta đã mắc kẹt vào kiến thức, vào cái tri thức của chúng ta, và không bao giờ chúng ta bén mặt tới được với chân lý.
Chúng ta học, tu luyện là để thực nghiệm, thực chứng chứ không phải là để lý luận, chứ không phải là để dẫn câu kinh này, dẫn bộ luận kia để làm chứng cứ cho việc làm của mình, mà chúng ta phải tự mình giác liễu lấy, tự mình chứng nghiệm lấy những gì mà đức Phật đã dạy qua đời sống của chính mình. Còn nếu chúng ta mắc kẹt ở nơi những lý luận, ở nơi những biện chứng thì chúng ta không đi tới được với chân giá trị của sự tu tập, chân giá trị của Phật pháp.
Cũng vậy, nếu chúng ta tu học mà bị dính mắc vào cái lập trường tông phái, hệ phái thì chúng ta bị trói trong một cái tông phái, hệ phái thôi. Cuối cùng là những tông phái, hệ phái khác thì mình không nghiên cứu được, mình không đi tới được. Cho nên đừng có kẹt vào bất cứ lập trường, tông phái, hệ phái nào thì khi đó mình mới có thể khám phá ra được cái chân nghĩa của mọi tông phái, hệ phái và cuộc sống của mình trở nên giàu có, vĩ đại về mặt hiểu biết, về mặt đạo đức.
Mình tu học đừng có mắc kẹt vào định kiến thì mình mới phát kiến ra, phát hiện ra những điều hay mà mình cần phải vươn tới để học hỏi.
Và đừng có kẹt vào những hình tướng bên ngoài. Nếu mình kẹt vào hình tướng bên ngoài, mình sẽ nghèo nàn nội dung ở bên trong, không khám phá ra được nội dung từ bên trong. Mình bị kẹt ở nơi một tấm vải hôi thối bọc một châu báu thì mình sẽ không khám phá được cái châu báu được bọc trong tấm vải không trong sạch ấy. Cho nên, đừng để cái hình thức bên ngoài làm cho mình bị mắc kẹt.
Và chúng ta cũng đừng dính kẹt vào các nhà quyền lực ủng hộ mình, dù là quyền lực về kinh tế, quyền lực về truyền thông, quyền lực về luật pháp, chính trị, tôn giáo thì chúng ta mới có thể khám phá ra được sự thật ở trong các quyền lực đó và chúng ta mới thấy được cái đạo lý tột đỉnh mà chúng ta xuất gia tu hành muốn hướng tới.
Và chúng ta đừng có bị lòa mắt bởi các uy danh đã có từ nơi các nhà truyền giáo, từ nơi các bậc đạo sư. Đôi khi một vị truyền giáo nổi tiếng, một vị đạo sư nổi tiếng họ nói sai, nhưng vì uy danh của họ, mình nghĩ “vị đó đến mức gì mà nói sai”, trong lúc họ thực sự sai, tức là mình đã bị uy danh của vị truyền giáo, vị đạo sư, vị thiền sư đó làm cho mình chủ quan trong cái hiểu biết của mình đối với ông ta, đối với cái mà ông ta đang làm và mình không dám từ chối cái mà ông ta áp đặt lên mình; và như vậy là mình trở thành kẻ nô lệ đối với những gì mà nhà truyền giáo uy tín đó nói ra. Cho nên, bức tranh của một em bé vẽ đôi khi nó tuyệt hơn là bức tranh của một vị họa sĩ danh tiếng mà mình không thấy được; nhiều khi vị đó vẽ run tay nhưng mình vẫn biện minh rằng đường nét ông vẽ đẹp hơn vì nét run đó chính là nghệ thuật.
Cho nên đừng vướng mắc vào bất cứ một cái gì, một đối tượng nào mà phải luôn chiêm nghiệm, suy nghĩ, và cái tiêu chuẩn cho sự chiêm nghiệm, suy nghĩ đó, đức Phật đã nói rõ: “lợi mình, lợi người, lợi cho đa số đời này, đời sau”. Hễ chiêm nghiệm mà có những yếu tố như vậy thì mình cho nó là đúng, là thực tế, là hữu ích, mà còn không thì tất cả chỉ là hý luận, là vớ vẩn, hay mấy cũng trở thành vớ vẩn. Có nhớ không!
Có điều hay mà không thực hiện được thì hay làm gì. Nói thật hay, đưa ra những phương pháp hay mà không khả thi thì cái hay đó để làm gì. Cho nên có những cái hay mà vớ vẩn thì mình không cần để ý.
Như vậy đại chúng thấy vô trước hạnh đối với mười điều đừng vội tin này mình có thể thực tập được ngay trong đời sống này và nó đưa tới lợi ích ngay trong đời sống tu học hàng ngày của chúng ta, và chúng ta sẽ không bị rơi vào những cái cạm bẫy mà do cái huân tập, do cái học tập, do những định kiến sai lầm của chúng ta tạo ra con người chúng ta ở trong cái định kiến sai lầm đó. Chúng ta phải nghe và chiêm nghiệm. Trong Làng mai có bản nhạc “nghe sâu, hiểu thấu”, phải nghe thật sâu, hiểu thật thấu. Còn mình nghe cạn cợt, hiểu không thấu, thì thật nguy hiểm. Cho nên đức Thế tôn lúc nào cũng nói các đệ tử “đế thính, đế thính, thiện tư niệm chi”, nghĩa là “lắng nghe, lắng nghe, khéo suy nghĩ, khéo nhớ lấy”, “lắng nghe, lắng nghe, suy nghĩ một cách thông minh, nhớ lấy một cách thông minh”. Nếu mình bỏ phương pháp này trong đời sống của mình thì mình rất dễ bị chao đảo trong thế sự đảo điên. Quá khứ đã xảy ra như thế, hiện tại đang xảy ra như thế và tương lai nó cũng sẽ xảy ra như thế bởi vì thế giới này là thế giới mà cái gì cũng có, thiện cũng có – ác cũng có, chánh cũng có – tà cũng có, Phật cũng có mà phàm phu cũng có, nếu chúng ta thiếu pháp hành “đế thính, đế thính, thiện tư niệm chi”, chúng ta sẽ bị rơi vào cái bẫy của tà ma ngoại đạo, của tà kiến, và ôi thôi, cuộc đời đi tu như thế là xong om rồi! Xong om nước chè cái đời đi tu của mình. Cái đời đi tu phải có cái gì đó mà mình chuẩn theo giáo pháp của đức Phật để học hỏi, hành trì.
Đó là nói về Vô trước hạnh đối với mười điều không vội tin.
Cũng trong kinh A-hàm, cũng trong Văn hệ Nikāya, đức Phật nói về khúc gỗ. Khúc gỗ mà đi ra được biển lớn thì khúc gỗ đó không bị kẹt ở bờ bên này, ở bờ bên kia, ở gầm cầu, ở cái gò nổi lên giữa dòng sông và không bị người ta vớt lên, không bị những dòng nước xoáy. Tu học cũng vậy. Chúng ta không bị kẹt vào biên kiến, không bị kẹt vào thân kiến, chúng ta không bị kẹt vào kiến thủ kiến, không bị kẹt vào giới cấm thủ, không bị kẹt vào nơi đại tà kiến, thì chúng ta mới đi tới được với chánh kiến. Mà chánh kiến là Phật tính. Kinh A-hàm gọi là Chánh tri kiến, trong văn hệ Nikāya gọi là Chánh tri kiến, nhưng kinh điển Đại thừa gọi là Phật tính. Nên Phật tính là Chánh tri kiến, là Chánh kiến.
Các vị thấy chưa, các kinh điển đức Phật dạy minh họa rất rõ ràng. Thế nào là một khúc gỗ đi ra được biển lớn? Khúc gỗ đi ra được biển lớn vì nó không rơi vào các trường hợp kẹt bên này, kẹt bên kia, kẹt nơi gầm cầu, kẹt nơi gò nổi lên giữa dòng sông, kẹt nơi dòng xoáy và bị người vớt lên. Thì người tu chúng ta cũng vậy. Chúng ta đừng kẹt vào biên kiến, thân kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến thì chúng ta đi tới được với Chánh kiến, chúng ta đi tới được với Phật tri kiến. Như vậy rõ ràng Vô trước hạnh là đừng dính vào mấy cái kiến thủ đó. Mà nói gọn, chúng ta tu hành đừng kẹt vào hai cái là phiền não chướng và sở tri chướng. Nếu chúng ta kẹt vào phiền não chướng, chúng ta không đi tới được với Niết bàn. Chúng ta kẹt vào sở tri chướng, chúng ta không đi tới được với sự toàn giác, với chánh biến giác, với chánh biến tri. Cho nên phải buông bỏ mọi phiền não chướng, mọi sở tri chướng. Mà muốn được như vậy, chúng ta phải học hỏi như chính mình đang học hỏi với cái tâm vô trước. Nhớ chưa!
Mình hỏi mà đừng mắc kẹt vào câu hỏi, mới là người hỏi thông minh, còn hỏi mà cứ mắc kẹt vào câu hỏi là người hỏi chưa thông minh. Trả lời, nhưng đừng mắc kẹt vào lời lẽ trong sự trả lời thì mới trả lời thông minh và người nhận sự trả lời đó mới thông minh. “Nhất thiết tu-đa-la như tiêu nguyệt chỉ”, hết thảy kinh điển như ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu chúng ta cho rằng ngón tay là mặt trăng thì vĩnh viễn không bao giờ thấy được mặt trăng, mà bị hai cái lỗi: không biết mặt trăng là gì mà cũng chẳng biết ngón tay là gì. Đó là kinh Viên giác. Và ở trong kinh Xà dụ của A-hàm, Nikāya, đức Phật cũng có dạy là “pháp còn ưng xả hà huống phi pháp”. Pháp như chiếc thuyền đưa người sang sông. Sang sông rồi thì bước lên chứ đừng tiếc chiếc thuyền mà không chịu lên bờ. Điều này, kinh Kim cang cũng nhắc nhở lại cho chúng ta: “Như lai thuyết Pháp như phiệt dụ giả, Pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp”, Như lai thuyết pháp, pháp Ngài như chiếc thuyền, pháp còn buông bỏ huống là không phải pháp. Tất cả những cái đó là đều nhấn mạnh đến vô trước hạnh. Và vì vô trước hạnh như vậy nên đời sống lúc nào cũng thấy vui, mới mẻ; khi nào cũng thấy hữu ích; khi nào cũng giữ được cái tâm bình lặng, không sân; khi nào cũng thấy tinh cần, nỗ lực mà không nhàm chán, không mệt mỏi; khi nào cũng thấy trong sáng, không mù quáng; khi nào cũng thấy Pháp đưa tới sự an toàn, sự cao thượng, đưa tới sự an lạc, hạnh phúc.
Cho nên bữa nay mình thực tập Vô trước hạnh nghe! Ai nói, mình cứ lắng nghe; ai chỉ trích, mình giữ tâm bình lặng, chưa nói họ chỉ trích đúng hay sai; ai đả đảo mình, mình cũng giữ tâm bình lặng, không kẹt vào, không dính vào nơi cái đả đảo hay tung hô của người khác. Đó là đạo lực, là nội lực của chúng ta. Chúng ta có được đạo lực, nội lực như vậy, chúng ta mới có cái để hiến tặng cho mọi người chung quanh, mọi người đang thương, quý chúng ta. Còn không có nội lực, không có đạo lực thì lấy gì để hiến tặng cho những người mà chúng ta đã từng thọ ân!
(trích từ Những viên ngọc quý)