HT Thích Thắng Hoan: Đạo từ trong Lễ ra mắt Thanh Văn Tạng
Đạo Từ
Của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan
Trong Lễ Giới Thiệu Thanh Văn Tạng Trong Đại Tạng Kinh Việt Nam
Ngày 19 Tháng 3 Năm 2023
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng, Ni,
Kính thưa quý cư sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và truyền thông báo chí,
Tôi từng nghe trong Kinh Du Hành của Trường A-hàm Đức Thế Tôn dạy chư Tỳ-kheo rằng, “Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi Pháp, chớ nương tựa nơi khác.” Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Giáo Pháp của Ngài đã được kết tập thành Tam Tạng Kinh Điển và lưu truyền cho đến ngày nay. Nếu không có Tam Tạng Kinh Điển thì những người con Phật như chúng ta sống cách Phật hơn hai ngàn năm trăm năm sẽ không biết nương tựa vào đâu để tu tập.
Trong hai ngàn năm có mặt tại Việt Nam, Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam chủ yếu sử dụng Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán. Cho đến một trăm năm trở lại đây, tiếng Việt được phiên âm theo ký tự La Tinh đã được phổ biến thành văn tự chính cho mọi sinh hoạt, trong đó có sinh hoạt truyền bá Phật Pháp. Vì vậy, nhu cầu phiên dịch Kinh Điển từ chữ Hán sang chữ Việt ngày càng khẩn thiết.
Trong bối cảnh đó, Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng vào năm 1973 với mục đích phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển từ chữ Hán sang chữ Việt. Thừa tiếp sứ mệnh trọng đại ấy, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, một trong 18 vị thành viên của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng năm 1973, đã cùng với chư Tăng, Ni và Cư sĩ trong Hội Đồng Hoằng Pháp thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời vào tháng 12 năm 2021. Từ đó đến nay, Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời đã nỗ lực hoàn thành phần một của giai đoạn một trong công trình phiên dịch bộ Thanh Văn Tạng. Và hôm nay là buổi lễ giới thiệu sự thành tựu rất đáng khích lệ và trân quý này.
Bản thân tôi, rất tiếc vì tuổi cao sức yếu nên không thể đóng góp được gì trong công trình phiên dịch Tam Tạng Thánh Điển vô giá này, ngoài một tấm lòng tùy hỷ công đức và hỗ trợ tinh thần cho Phật sự trong đại này.
Tôi thiết nghĩ, với sự lãnh đạo tài đức của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và sự góp sức tận tụy của chư Tăng, Ni và Cư sĩ trong Hội Đồng Hoằng Pháp, Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời thì việc hoàn thành bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam là điều tất yếu sẽ đạt được.
Điểm đặc biệt mà tôi biết là công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời được thực hiện trong chuẩn mực hàn lâm nghiêm túc, với sự đối chiếu các bản tiếng Nam Phạn, Bắc Phạn và Tây Tạng, cũng như phần chú thích công phu rất giá trị sánh ngang hàng với các bộ Đại Tạng Kinh có chuẩn mực quốc tế khác.
Theo tôi nghĩ, một quốc gia như Việt Nam nếu có được nhiều công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh là một đại phước cho dân tộc. Không những thế, đó còn là một đại hạnh cho giới học Phật, giới nghiên cứu và các thế hệ tương lai để có nhiều tài liệu, nhiều văn bản, nhiều bản dịch ngõ hầu tra cứu, tham khảo và truy tìm thật nghĩa của Thánh Điển.
Với lòng cảm kích và hoan hỷ vô bờ khi chứng kiến một phần thành tựu sơ bộ Thanh Văn Tạng của Đại Tạng Kinh Việt Nam, tôi xin thành tâm tán thán công đức vô lượng của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và chư Tăng, Ni và Cư sĩ trong Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.