HT Thích Trí Chơn dịch: Phương pháp giải quyết vấn đề khổ đau của nhân loại

Đức Đạt Lai Lạt Ma: A Human Approach to World Peace

Nhân loại hiện nay đang phải đương đầu với nhiều vấn đề. Một số vấn đề hẳn nhiên như thiên tai, chúng ta nên chấp nhận và đối phó với sự trầm tĩnh. Tuy nhiên, có những vấn đề khó khăn do chính chúng ta gây ra vì mọi sự hiểu lầm thì chúng ta có thể sửa chữa được.

Một trong những vấn đề khó khăn đó phát sinh từ sự tranh chấp về ý thức hệ, chính trị hoặc tôn giáo; khi con người chiến đấu cho các mục tiêu thấp hèn mù quáng không biết đến tình người căn bản mà nó đã kết chặt tất cả chúng ta thành một khối trong đại gia đình nhân loại.

Chúng ta nên nhớ rằng mọi tôn giáo, ý thức hệ và tư tưởng chính trị khác biệt hiện có trên thế giới nhằm giúp con người tạo dựng hạnh phúc. Chúng ta không nên quên mục đích căn bản này, đừng để phương tiện vượt xa cứu cánh, cũng như chúng ta cần phải biết đặt sự sống còn tối thượng của nhân loại trên quyền lợi vật chất và ý thức hệ.

Thực vậy, sự nguy hiểm lớn lao nhất mà nhân loại, mọi người trên thế giới chúng ta đang phải đối phó là mối đe dọa về sự hủy diệt của một cuộc chiến tranh nguyên tử. Tôi không cần nói rõ về sự nguy hiểm này nhưng tôi muốn gửi lời kêu gọi đến các nhà lãnh đạo của mọi thế lực nguyên tử, những người đang nắm trong tay họ vận mạng tương lai của thế giới; đến các nhà khoa học và kỹ thuật đang tiếp tục tạo ra những khí giới hủy diệt tàn khốc này; và kêu gọi tất cả các dân tộc, những người đang ở vị thế có thể tạo ảnh hưởng đối với nhà lãnh đạo của họ: Tôi mong họ thực hành và bắt đầu hành động nhằm đến sự loại bỏ cùng hủy diệt các vũ khí nguyên tử.

Chúng ta biết rằng trong một cuộc chiến tranh nguyên tử, không có người nào chiến thắng, vì không một ai còn sống sót. Làm sao chúng ta không sợ hãi khi nghĩ tưởng đến một sự tận diệt bất nhân và tàn ác như thế?

Hành động phá bỏ nguyên nhân gây ra sự tận diệt cho chính chúng ta khi chúng ta biết rõ căn nguyên đó cũng như chúng ta vừa có thì giờ lẫn phương tiện để thực hiện điều ấy, phải chăng đó không phải là việc thực tế đáng làm hay sao?

Chúng ta thường không thể khắc phục được các vấn đề khó khăn của chúng ta, bởi vì chúng ta không rõ nguyên nhân hoặc giả chúng ta biết rõ nguồn gốc nhưng chúng ta không có phương tiện để giải quyết sự khó khăn đó. Nhưng đây không phải là trường hợp đối với sự đe dọa tận diệt của một cuộc chiến tranh nguyên tử.

Sự sống cho dù ở trình độ cao đẳng như con người hay thấp kém như con vật, tất cả mọi chúng sanh đều mong được sống trong hòa bình, hạnh phúc và an lạc. Sự sống là rất quý báu đối với loài vật cũng như con người, ngay cả những côn trùng bé nhỏ nhất, chúng cũng cố gắng bảo vệ khi sinh mạng của chúng bị đe dọa. Mọi người chúng ta đều ham sống sợ chết, các loài vật khác ở trên thế gian này cũng đều như vậy.

Nói rộng ra, có hai loại hạnh phúc và đau khổ về mặt tinh thần và thể xác; trong hai thứ này tôi nghĩ rằng sự đau khổ và hạnh phúc về tinh thần là quan trọng. Cho nên tôi nhấn mạnh đến việc điều phục tâm để chịu đựng sự đau khổ và đạt tới cuộc sống hạnh phúc lâu dài hơn.

Tuy nhiên đối với vấn đề hạnh phúc, tôi muốn bày tỏ ý kiến đại cương và cụ thể là cần có điều phối hợp giữa an lạc nội tâm với việc phát triển kinh tế và trên hết là nền hòa bình thế giới.

Để thành đạt mục tiêu đó, tôi nghĩ cần phải triển khai ý thức về trách nhiệm của mình trước toàn thế giới; đó là đều quan yếu đối với tất cả mọi người, không phân biệt tín ngưỡng, màu da, giống phái hay quốc gia.

Ý tưởng về trách nhiệm của mình đối với thế giới được xem như sự kiện rất đơn giản, hay nói một cách đại cương là chính mình và mọi kẻ khác đều có chung điều mong ước. Mọi người ai cũng muốn có hạnh phúc và không thích sự đau khổ.

Nếu chúng ta, những người hiểu biết, không chấp nhận điều đó thì ở thế gian này ngày sẽ càng có nhiều khổ đau. Nếu chúng ta chỉ biết sống ích kỷ và thường xuyên mưu toan sử dụng kẻ khác cho quyền lợi riêng tư của chúng ta thì chúng ta có thể gặt hái được những điều lợi ích nhất thời; nhưng về lâu dài chúng ta sẽ không tìm thấy được ngay chính hạnh phúc cá nhân mình mà nền hòa bình thế giới cũng sẽ không bao giờ thực hiện được.

Trong việc mưu tìm hạnh phúc, con người hay dùng nhiều phương thức khác nhau mà những phương cách đó thường là tàn ác và bất nhân. Khi áp dụng những đường lối không thích hợp với nhân cách con người, họ gây đau khổ cho đồng loại và những chúng sinh khác vì quyền lợi ích kỷ của riêng họ. Cuối cùng các hành động thiển cận đó sẽ mang lại khổ đau cho chính họ và nhiều kẻ khác.

Được sinh ra làm thân người là một điều quý hiếm, vậy chúng ta nên sáng suốt sử dụng cái thân này vào những việc càng hữu ích và phước đức càng tốt.

Chúng ta cần phải có cái nhìn xa rộng chính xác về sự tiến triển tương lai của một cuộc sống toàn thể hầu giúp cho hạnh phúc và thanh danh của mỗi cá nhân hay đoàn thể không phải thành đạt bằng sự hy sinh của những kẻ khác. Tất cả điều ấy đòi hỏi nơi chúng ta một nhận thức mới tiến gần đến các vấn đề lợi ích chung.

Thế giới chúng ta ngày càng được thu nhỏ và ngày càng có tương quan với nhau do kết quả của sự tiến bộ nhanh chóng về khoa học kỹ thuật, và thương mại quốc tế cũng như sự phát triển về mọi liên hệ giữa các quốc gia.

Ngày nay chúng ta sống lệ thuộc với nhau nhiều hơn. Thời xưa, mọi vấn đề phần lớn giới hạn ở trong nhà nên chúng cũng chỉ có tác dụng ảnh hưởng trong phạm vi gia đình; nhưng tình trạng đó giờ đây đã thay đổi.

Hiện tại chúng ta sống có nhiều tương quan và liên hệ mật thiết với nhau đến nỗi nếu chúng ta không ý thức được về sự trách nhiệm tập thể, không nghĩ đến tình anh chị em của thế giới cùng sự thông cảm, và niềm tin rằng chúng ta thực ra chỉ là một phần của đại gia đình nhân loại thì chúng ta không hy vọng có thể vượt qua được sự hiểm nguy đối với chính cuộc sống hiện hữu của chúng ta.

Những vấn đề của một quốc gia không còn có thể đơn phương giải quyết thỏa đáng bởi riêng mình quốc gia đó nữa, mà nó tùy thuộc rất nhiều vào những quyền lợi, thái độ và sự hợp tác của các quốc gia khác.

Sự áp dụng tình nhân loại phổ quát cho các vấn đề thế giới được xem như căn bản vững chắc cho nền hòa bình thế giới. Nói vậy có nghĩa như thế nào? Chúng tôi bắt đầu từ nhận thức như đã nói trên, là mọi chúng sanh đều mong tìm hạnh phúc và không thích sự đau khổ. Cho nên thực là một điều sai lầm về luân lý cũng như hành động thiếu sáng suốt khi chúng ta chỉ biết theo đuổi tạo dựng hạnh phúc cho riêng mình mà không đếm xỉa đến những tình cảm và khát vọng của những kẻ khác đang sống xung quanh chúng ta như những người trong cùng một đại gia đình của nhân loại.

Người có trí tuệ khi mong tìm hạnh phúc cho chính mình, họ luôn nghĩ đến mọi kẻ khác. Sự việc này dẫn đến điều tôi gọi là “quyền lợi vị kỷ sáng suốt” mà nó hy vọng có thể chuyển đổi thành “quyền lợi hòa hợp” hay tốt hơn nên gọi là “quyền lợi hữu ích lẫn nhau.”

Mặc dù việc gia tăng sự tùy thuộc hỗ tương giữa các quốc gia dẫn tới điều hứa hẹn có nhiều sự hợp tác thiện chí hơn, nhưng vẫn khó thành đạt được tinh thần hòa hợp chân thật bao lâu con người còn ích kỷ, không nghĩ đến tình cảm và hạnh phúc của kẻ khác.

Khi lòng người còn chứa đầy tánh tham lam và sân hận, họ không thể sống trong sự hòa hợp. Sự hướng đến cuộc sống tinh thần không thể giải quyết được mọi vấn đề chính trị tạo ra do hành động có ý tưởng ích kỷ hiện tại; nhưng sau cùng nó sẽ khắc phục được căn nguyên của các vấn đề khó khăn mà chúng ta đang phải đối phó hôm nay.

Trái lại, nếu nhân loại tiếp tục giải quyết mọi vấn đề bằng những phương pháp tạm thời; các thế hệ tương lai sẽ phải đối phó với nhiều khó khăn lớn lao hơn. Dân số trên thế giới ngày càng tăng và tài nguyên của chúng ta đang nhanh chóng bị khai thác đến khánh tận. Chẳng hạn chúng ta hãy nhìn các rừng cây. Không ai biết rõ chính xác hậu quả tai hại đến mức nào do việc khai khẩn các rừng hoang sẽ gây ra ảnh hưởng tới khí hậu, đất đai và nói chung đến toàn thế giới.

Chúng ta đang phải đối phó với nhiều vấn đề khó khăn vì con người chỉ nhằm đến các chương trình ngắn hạn và quyền lợi ích kỷ, chứ không phải nghĩ đến toàn thể đại gia đình nhân loại.

Họ không cần biết đến thế giới và hậu quả lâu dài gây ra cho đời sống chung của tập thể. Nếu hiện tại chúng ta không biết đến sự việc ấy, các thế hệ tương lai chúng ta sẽ không thể đối phó được với những vấn đề đó.

(trích dịch từ A Human Approach to World Peace)

Hiển thị thêm
Back to top button