HT Thích Trí Chơn dịch: Tăng già trong thế giới hiện đại
Nguyên tác: Ven. Dr. Walpola Sri Rahula
Giáo đoàn của Tăng già được thành lập và hướng dẫn theo Giới Luật (Vinaya). Tưởng cần giải thích rõ ngắn gọn thế nào là Luật giới. Trước tiên nên hiểu rằng Luật giới khác hẵn với giáo pháp (Dharma). Phật pháp là những lời dạy liên quan đến giáo lý như Tứ Diệu Ðế, Bát Chánh Ðạo, Lý Thập Nhị Nhân Duyên, nhân quả, vô thường, khổ đau, vô ngã và 37 phẩm trợ đạo hướng dẫn con người tu tập để đạt đến sự giác ngộ v.v..
Giáo lý này dành cho tất cả Tăng Ni, và nam nữ cư sĩ phật tử, không phân biệt giai cấp, màu da hay chủng tộc. Phật Pháp là chân lý có giá trị phổ cập toàn thế giới khắp mọi nơi và các thời đại. Nó không thể thay đổi hay sửa đổi tại bất cứ nơi đâu và thời gian nào.
Nhưng giới luật là các điều lệ, một sự đồng ý, được chấp nhận vì lợi ích kỷ cương và đức hạnh của một đoàn thể gọi là cộng đồng Tăng già chung sống trong một trú xứ địa dư vào một thời kỳ lịch sử đặc biệt. Do đó nó luôn luôn thay đổi để thích nghi với mọi quốc độ, khu vực, khí hậu, và thời tiết khác nhau tùy theo nhu cầu. Cho nên, đôi lúc đức Phật đã tu chỉnh một vài giới luật để phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Chẳng hạn về thức ăn của Tăng Chúng, đức Phật đã sửa đổi đến bảy lần nhằm đáp ứng với thực tế.
Nhiều giới luật cũng cần thay đổi cho thích hợp với một vài địa phương. Chẳng hạn, theo giới luật căn bản Phật chế muốn truyền đại giới (cụ túc) cần phải có đủ mười vị tỳ kheo (tam sư thất chứng); nhà sư không được mang loại giày hai lớp da, hay nửa tháng được phép tắm một lần và không nên lấy da làm tọa cụ để ngồi.
Khi những giới luật này bắt đầu được áp dụng, tỳ kheo Sona, đại diện cho vị giáo thọ của ông là Trưởng lão Maha-Kaccayana tại Avanti đến gặp đức Phật và thưa thỉnh như sau:
“Bạch đức Thế Tôn, chư Tăng tại xứ Avanti rất khan hiếm. Cho nên xin Ngài hãy giảm số tỳ kheo xuống trong lễ truyền Cụ Túc giới. Vì mặt đất ở Avanti gồ ghề, do đó đức Thế Tôn nên cho các thầy Tỳ Kheo mang dép có hai lớp da. Dân chúng Avanti thường hay tắm, vậy xin đức Thế Tôn tùy tiện cho phép chư Tăng ở đó được tắm nhiều lần. Cư dân ở vùng trung tâm (mid-country) ngồi trên chiếu, dân chúng Avanti thường ngồi trên da sống, vậy xin đức Thế Tôn cho phép các thầy Tỳ Kheo tại đó dùng da thú vật làm tọa cụ để ngồi.”
Sau đó, đức Phật đã khuyên các Tỳ kheo nên tổ chức đại hội Tăng Già nhằm mục đích sửa đổi một số giới điều căn bản và dạy rằng những giới luật mới này được áp dụng không chỉ riêng tại Avanti mà chung cho các xứ khác, ngoại trừ vùng trung quốc (mid-country) của Ấn độ. Từ lúc ấy, đại giới đàn truyền giới Cụ Túc được phép tổ chức với năm Tỳ Kheo trong đó ít nhất có một vị thông hiểu luật giới; chư tăng có thể dùng dép với hai lớp da, tắm thường xuyên và dùng da sống (chưa thuộc) làm tọa cụ để ngồi.
Thêm nữa, trong khi gặp nạn đói, một vài giới điều liên quan đến thức ăn, nước uống cũng được uyển chuyển và thay đổi để thuận tiện cho các Tỳ Kheo. Trước kia theo luật Phật chế, chư Tăng không được cất giữ, và nấu thức ăn trong chùa cho riêng mình. Nhưng đức Thế Tôn đã thay đổi các giới luật này khi xảy ra nạn đói tại thành Vương Xá (Rajagaha).
Khi đọc kỹ Luật Tạng, chúng ta nhận thấy rằng các Giới Luật luôn luôn được tu chỉnh, thêm bớt, bổ túc và thay đổi để thích nghi với sự biến cải của tình trạng kinh tế, xã hội, nơi chốn và thời gian. Có thể nói những lời dạy của đức Phật rất dân chủ. Do bởi tinh thần rộng rãi, không cố chấp này mà trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn (Mahaparinibbana-Sutta), có ghi chép, trước giờ phút nhập diệt, đức Thế Tôn đã dạy Ðại Ðức A Nan rằng nếu muốn, đoàn thể Tăng Già (Sangha) có thể tu chỉnh, bổ túc hay sửa đổi các giới luật thứ yếu không quan trọng, sau khi Ngài viên tịch.
Vấn đề “các giới luật thứ yếu” (minor rules) được nêu lên trong đại hội Kết Tập kinh điển lần thứ nhất tại thành Vương Xá (Rajagaha) chỉ vài tháng sau khi đức Phật nhập Niết Bàn. Nhiều ý kiến khác biệt được bày tỏ thế nào là “các giới điều thứ yếu”. Ðại hội quở trách Ðại Ðức A Nan việc đã không bạch hỏi đức Thế Tôn cho biết rõ về những giới luật nào là “không quan trọng”?
Ý kiến của đại hội về vấn đề này đã không được nhất trí. Cho nên, vị trưởng lão chủ tọa đại hội là ngài Ma Ha Ca Diếp (Maha Kassapa) đã đề nghị là toàn thể Tăng già nên nhất trí quyết định không đặt thêm một giới điều mới hay hủy bỏ bất cứ giới luật nào hiện có và chấp nhận thực hành đúng theo các giới điều mà đức Phật đã chỉ dạy từ trước đến nay.
Lý luận chính của Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp nhằm ủng hộ cho quyết định của Ngài là ý kiến chung của chư Tăng nên chống đối lại việc loại bỏ bất cứ giới luật nào dù cho giới điều ấy là thứ yếu và không quan trọng. Ðiều ý nghĩa lớn lao là Ngài đã chia xẻ với ý kiến chung của cộng đồng Tăng già là nên duy trì các giới luật Phật chế trong hiện tại, vì thực tế là không cần phải thay đổi bất cứ giới luật nào thêm nữa.
Từ ngày đó đến nay, như chúng ta biết, không một giới điều nào được chính thức thay đổi cũng như không một luật giới mới nào được thêm vào trong toàn bộ Luật Tạng bởi Cộng Ðồng Tăng Già của Phật giáo Nguyên Thỉ (Theravada). Nhưng thời gian qua, các Tỳ Kheo đã phải đối đầu với thực tại của đời sống trong sự phát triển của những hoàn cảnh mới cũng như nhận thấy sự không thể thực hành và khó khăn áp dụng theo một số giới luật trong hình thức đầu tiên, khới thủy của chúng.
Thời xưa, không những chỉ đất đai mà ngay cả thùng (tank) chứa nước là vật dụng có thể cúng dường cho chư Tăng. Nhưng, theo Luật tạng các thầy Tỳ Kheo chỉ nên nhận thùng đựng nước khi nó được thí chủ cúng dường đúng pháp. Nếu một cư sĩ đơn giản nói: “Tôi xin dâng cúng thùng chứa nước cho chư Tăng” thì không nên nhận. Nhưng khi nó được cúng dường vì mục đích lợi ích cho đời sống của Tăng Già thì có thể thọ nhận.
Khi cộng đồng Tăng già hiểu rõ tài sản của giáo hội như phương tiện để duy trì tôn giáo, dĩ nhiên họ có bổn phận bão vệ của cải đó. Cho nên, chư Tăng được khuyến khích và cho phép tiếp đãi ngay cả với những tên côn đồ nếu hành động này nhằm bảo vệ tài sản của giáo hội. Do đó, Thượng Tọa Abhaya, trụ trì ngôi chùa tại Mihintale (Tích Lan) đã tiếp đón bọn du đãng đến cướp bóc, nhờ vậy mà ngài đã bão vệ được tài sản của tu viện.
Nếu một Tỳ Kheo biết thuốc men, luật giới cho phép vị sư đó có thể chăm sóc cho nhà sư bạn, cha mẹ và một vài người thân quen khác. Nhưng ông không nên chữa bịnh cho bất cứ ai như một y sĩ chuyên nghiệp. Và người nào biết tỳ kheo ấy đều có thể đến tham khảo thuốc men với ông ta. Tuy nhiên, nếu một đạo hữu yêu cầu vị Tỳ Kheo chữa trị cho một bệnh nhân hay kê cho họ dùng một vài loại thuốc thì nhà Sư nên từ chối. Người cư sĩ cần biết tham khảo thuốc men đúng cách với vị Tăng. Nếu một Phật tử yêu cầu nhà Sư chỉ dẫn một vài thứ thuốc để chữa bịnh, ông ta nên giúp nói cho họ biết. Nếu có người nói: “Mẹ tôi đang bịnh xin thầy kê cho tôi một vài thứ thuốc” thì vị Tăng không nên trả lời. Nhưng các Tỳ kheo có thể bàn thảo với nhau để chữa trị cho những nhà Sư mắc cùng một chứng bịnh. Nếu một Tỳ Kheo nghe rõ cuộc nói chuyện, biết được vị thuốc, nên đã dùng để chữa cho mẹ của ông ta, nhà Sư ấy không phạm giới luật.
Qua các ví dụ dẫn chứng trên cho thấy đời sống của Tăng già đã thay đổi và phát triển như thế nào do kết quả của sự biến cải về xã hội và kinh tế trong nhiều thế kỷ qua, do đó mà luật giới cũng cần tu chỉnh, bổ túc và sửa đổi cho thích hợp. Với tinh thần đó, vậy các vấn đề của Tăng Già trong thế giới ngày nay là gì ? Thực tế phải đối phó là chư Tăng sống trong nhiều thời kỳ của thế kỷ 20 không thể theo cách sống được áp dụng tại Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên hoặc tại Sri Lanka (Tích Lan) vào thế kỷ thứ 5 tây lịch. Một vài luật giới cần tu chỉnh, bổ túc và sửa đổi để thích hợp với các điều kiện xã hội và kinh tế trong thế giới hiện đại cũng như truyền thống của lịch sử Phật giáo.
Cho nên, các sự cải tiến, tu chỉnh và thích nghi rất cần thiết cho ngày nay. Không một sự vật nào có thể tồn tại mà không thay đổi. Sự thích nghi hay diệt vong là định luật không thể tránh của thiên nhiên. Nhưng các sự thay đổi và thích nghi này cần thực hành không vội vàng, hấp tấp mà với sự hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng và trí tuệ sáng suốt.
Trích tập “Proceedings” (Kỷ Yếu) Third International Congress World Buddhist Sangha Council, December 1- 7, 1981, Taiwan – Republic of China (Ðại Hội Tăng Già Thế Giới Kỳ 3, từ ngày 01 đến 07 tháng 12 năm 1981 tại Ðài Loan – Trung Hoa Quốc Gia)